Nhà văn Trần Hoài Thư vừa qua đời
Chân dung Trần Hoài Thư - dinhcuong (2014)
Tin từ nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết theo bác sĩ Trần Qúi Thoại, con trai nhà văn Trần Hoài Thư thì nhà văn Trần Hoài Thư đã mất lúc 6 giờ 35 sáng nay [giờ miền Đông Hoa Kỳ], Thứ Hai 27.05.2024 tại bệnh viện JFK, New Jersey, đúng một tháng sau ngày phu nhân của ông là bà Ngọc Yến mất [27.04.2024]. Đây là một tin buồn và cũng là một mất mát lớn lao cho nền Văn học Việt Nam. Xin phân ưu cùng BS Trần Qúi Thoại và hai Anh Trần Qúi Phiệt, Trần Qúi Trâm trước tin buồn này
Sau đây là tiểu sử của nhà văn Trần Hoài Thư trên blog của thi sĩ Phạm Cao Hoàng mà chúng tôi xin mạn phép được trích dẫn dưới đây
TRẦN HOÀI THƯ (blogphamcaohoangtacgia.blogspot.com)
Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Hòn Chồng Bethlehem. Sau đoàn tụ với thân phụ mới theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập lại vào Quảng Nam).
Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 bộ binh trong 4 năm. Sau đó về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm. Ông đã từng bị thương 3 lần.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, đi học tập cải tạo hơn 4 năm.
Năm 1980 Trần Hoài Thư vượt biển, định cư tại Mỹ, sống ở nhiều nơi khác nhau và cuối cùng về sống ở tiểu bang New Jersey. Khi sang đến Mỹ, ông đi học trở lại, tốt nghiệp Cử Nhân Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dung. Ông được nhận vào làm cho công ty AT&T và sau đó chuyển sang làm cho công ty điện toán IBM. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Project Leader.
Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức...
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang.
Tác phẩm đã xuất bản:
Trước 1975
1. Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang2. Những vì sao vĩnh biệt
3. Ngọn cỏ ngậm ngùi
4. Một nơi nào để nhớ
Sau 1975
VĂN1. Ra biển gọi thầm (Tập truyện)
2. Ban Mê Thuột ngày đầu ngày cuối (Tập truyện )
3. Về hướng mặt trời lặn (Tập truyện)
4. Mặc niệm chiến tranh (Tập truyện)
5. Đại đội cũ, trang sách cũ (Tập truyện)
6. Thế hệ chiến tranh (Tập truyện)
7. Thủ Đức gọi ta về (Tạp bút)
8. Đánh giặc ở Bình Định (tự truyện)
9. Hành trình của một cổ trắng (truyện vừa)
10. Ở một nơi trên Trường Sơn (tập truyện)
11. Truyện từ Bách Khoa (Tập truyện)
12. Truyện từ Văn (Tập truyện)
13. Truyện từ Trình Bày, Văn Học, Khởi Hành... (Tập truyện)
14. Truyện từ Vấn Đề (Tập truyện)
15. Tản mạn văn chương (tập I)
16. Giấc mơ Giáng Sinh (Tập truyện)
THƠ
1. Thơ Trần Hoài Thư
2. Ngày vàng
3. Nhủ đời bao dung
4. Ô cửa
5. Xa xứ
6. Quán
7. Vịn vào lục bát
8. Khi nhớ về Bà Gi
9. Thơ tình tuổi 80
10. Phao
THƠ VĂN HỢP TUYỂN
1. Dấu yêu
2. Hương tình khổ nạn
(Bản tiểu sử trên đây khá đầy đủ và chính xác vì trước khi post tài liệu này chúng tôi có liên lạc trực tiếp với nhà văn Trần Hoài Thư để sửa chữa và bổ sung. PCH - 5.2024)