Nhà văn NHẬT TIẾN qua đời
18 ngày sau khi hiền thê của ông là nhà văn nhà văn kiêm dịch giả Đỗ Phương Khanh từ trần (ngày 26 tháng 8, 2020) tại tư gia ở thành phố Westminster, Quận Cam, hưởng thọ 84 tuổi thì tin sáng Thứ Hai, ngày 13 tháng 9 nhà văn Nhật Tiến (nguyên Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam 1963-1975) cũng qua đời vào lúc 11:30 AM cũng hưởng thọ 84 tuổi (1936-2020)
Tiểu sử nhà văn Nhật Tiến
Nhà văn Nhật Tiến sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, có 7 người con (sau có hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi tức trường Nam tiểu học Nguyễn Du, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).
Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20, cả thơ lẫn truyện, sau chép chung vào một tập mang tên là Những bước tiên của tôi (đã thất lạc). Năm 1951, truyện ngắn “Chiến nhẫn mặt ngọc” của ông được đăng trên tờ Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Sau đó, những sáng tác của ông, đa số là Kịch tiếp tục được in trên những báo Chánh Đạo, Thời Tập, Hồ Gươm, Cải Tạo….. ở Hà Nội.
Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho Đài phát thanh của Ngự Lâm Quân sau đó về Nam, đi dạy học tại Mỹ Tho, Bến Tre, rồi về Sài Gòn dạy Vật Lý và Hóa Học cho các trường tư như Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Bồ Đề, Quốc Tuấn, Hồng Bàng….
Tháng 6-1958, khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn Hóa Ngày Nay thì ông được mời cộng tác ngay từ số đầu với truyện ngắn Đôi Guốc Trắng..
Năm 1959 – 1975, ông làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm Chủ bút tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản.
Ngoài ra, ông cũng từng cộng tác với các tạp chí Tân Phong, Văn, Bách Khoa, Văn Học, Đông Phương,…
Năm 1975, ông tiếp tục dạy tại một trường dưới chế độ XHCN, môn dạy vẫn là Vật Lý và Hóa Học cho tới tháng 10 năm 1979 thì vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980. Ở đây, ông viết văn và theo học ngành điện toán ở Control Data Institute, rồi ra làm chuyên viên sửa máy vi điện toán cho hãng VERIFONE ở Hoa Kỳ.
Năm 1998, ông nghỉ hưu. Hiện ông sống ở Garden Grove, California. Hiền nội của ông là Đỗ Phương Khanh, cũng là một nhà văn, nhà báo.
Tác phẩm:
– Tác phẩm đã in ở trong nước trước 1975:
Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang (1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Người Kéo Màn (1962), Ánh Sáng Công Viên (1963), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Chim Hót Trong Lồng (1966), Giọt Lệ Đen (1968), Tay Ngọc (1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (1969) Quê Nhà Yêu Dấu (1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970), Tặng phẩm của dòng sông (1972), Thuở mơ làm văn sĩ ( 1974)…và một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên Mã, Săn trong thành phố..v…v…
Tác phẩm đã in ở hải ngoại: Tiếng kèn (1981), Hải tặc trong vịnh Thái Lan ( viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981), Một thời đang qua (1985), Mồ hôi của đá (1988), Cánh Cửa (1990), Quê nhà Quê người (viết chung với Nhật Tuấn, 1994), Hành trình Chữ Nghĩa (2012) , Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012) , Một Thời Như Thế (2012), Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2013), Mưa Xuân (Tập truyện-2013).
Hoạt động Văn hóa:
-Năm 1962 ông đoạt Giải Nhất Văn Chương Toàn Quốc với tác phẩm Thềm Hoang.
– Nguyên Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam (1963-1975).
– Nguyên Hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (nhiệm kỳ II, 1974)
– Nguyên Ủy viên Báo Chí Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại (1982-1985)
– Nguyên Chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời Văn Bút Việt Nam Hải ngoại, Nam California (1988)
– Chủ biên cơ sở xuất bản Huyền Trân (từ năm 1959 cho đến nay).
– Cộng tác thường xuyên với tuần báo Việt Tide phát hành ở Nam Cali (từ năm 2001 đến 2010)
– Tổng Thư Ký đặc san Vietstream ở Nam Cali từ năm 201
(Trích Trang Nhà của nhà văn Nhật Tiến)
Chuyện Giữa Hai Người
Một truyện ngắn của nhà văn Nhật Tiến
Căn phòng quét vôi màu hồng. Thảm màu da cam mịn mướt. Bộ sa lông bọc đệm màu đỏ sẫm kê chung quanh chiếc bàn kính bóng lộn. Hưng ngồi ở đó, trầm lặng, câm nín dưới ánh đèn tỏa ra từ những cái chụp tô vẽ những bông hoa sặc sỡ. Trời vào hạ. Không gian bên ngoài êm ả dưới bầu trời đã ngả màu tím sẫm có những vì sao long lanh ướt. Chẳng có tiếng động tĩnh gì ngoài âm thanh của một bản nhạc nhẹ như tỏa lan ra khắp căn phòng, len lỏi vào những ý nghĩ của Hưng vốn lúc nào cũng rời rạc, mệt mỏi, đứt quãng. Sức khỏe của chàng, sau bẩy năm học tập cải tạo suy yếu đã đành, nhưng còn nhiều yếu tố khác nó làm cho chàng suy yếu hơn. Như rượu. Như thuốc lá. Như cà phê. Và nhất là tâm trạng hụt hẫng của chàng khi được nhấc từ một hoàn cảnh tối tăm, tuyệt vọng sang một nếp sống mới hoàn toàn khác biệt: sung túc, đầy đủ, choáng lộn nhưng hoàn toàn trống rỗng.
Ngày nhận được giấy tờ đoàn tụ, Hưng tưởng như mình vừa mọc được đôi cánh có thể bay được khỏi địa ngục để lên thiên đàng. Bây giờ thiên đàng ấy đang ở đây, trong căn phòng quét vôi mầu hồng, thảm màu da cam, có bộ salon bọc nệm đỏ bầy chung quanh mặt bàn kính ngổn ngang những vỏ bia và những chai rượu mạnh. Mới buổi chiều, Hưng vừa từ cuộc họp mặt do một nhóm ái hữu tổ chức để nghe chàng thuyết trình. Chàng đã nói, bằng một giọng mệt nhọc, bằng những tư tưởng đứt quãng, lộn xộn mà chàng thấy rõ mình không làm chủ được cả một mớ ý nghĩ lộn xộn, giữa quá khứ với hiện tại, giữa hoàn cảnh tù đày và nếp sống đầy đủ đang có, giữa bạn bè, người còn ở trại cải tạo, kẻ đã ra đi.
Chàng biết rằng mình cũng không đem lại được điều gì mới mẻ cho nội dung câu chuyện. Vẫn chỉ là kềm kẹp, là đói khổ, là lao động vất vả cực nhọc, là ốm đau bệnh tật và những lời chửi rủa của bọn công an mặt còn non choẹt. Chàng lại còn đủ bén nhậy để cảm thấy rằng đám đông lố nhố ngồi nghe ở dưới cũng đã biết rõ những điều đó.
Thế là cơn mệt mỏi cứ uà đến. Nó làm chàng kiệt sức mau chóng, như một con quay đang hết đà, sắp sửa đổ xuống. Bài nói chuyện kết thúc trong nhạt nhẽo, gượng gạo nhưng rất may đã được kéo lại bằng những tiếng cười nói ồn ào về chuyện nhà cửa, chuyện tin tức bạn bè, chuyện job ở sở làm, chuyện cờ bạc ở Las Vegas giữa những vỏ chai bia được khui ra la liệt.
Rồi Hưng trở về trong căn phòng êm ả này. Chàng ngồi rũ liệt như một cái xác bất động, giống hệt như ngày nào chàng cũng đã ngồi như thế ở trại cải tạo Long Giao sau một ngày lao động cực kỳ khổ nhọc.
Hình ảnh này của chàng đã khiến cho Hương tuyệt vọng ghê gớm lắm. Không chỉ một lần mà nhiều lần. Không chỉ một tháng, hai tháng mà đã kéo dài cả năm. Làm sao nàng có thể làm cho chồng hiểu được rằng muốn sống sót ở cái xã hội này, con người phải có can đảm đứng dậy, sốc tới, che giấu tâm sự thầm kín ở bên trong để chỉ phô bầy nổi lạc quan ra bên ngoài. Tươi tắn. Hoạt bát. Vui vẻ. Đó là những điều kiện tối thiểu để làm lại từ lúc khởi đầu.
Từ ngày bảo lãnh được chồng qua, Hương không tìm thấy được ở nơi chồng một sự chia sẻ nào, ngay cả trong lãnh vực tình cảm. Đi làm mệt mỏi về, Hương mong đợi một nụ cười tươi, một lời thăm hỏi nồng nàn, một sự đỡ đần những dịch vụ lặt vặt (không tên nhưng rất nhiều), nhưng ngược lại nàng chỉ cảm thấy trong nhà ngột ngạt hơn, nặng nề hơn vì những vỏ lon bia ngổn ngang, vì vẻ mặt rầu rầu nặng trĩu tâm trạng ưu tư, u sầu, còn nụ cười thì hầu như gượng gạo chỉ khiến cho vẻ mặt của chàng đã rúm ró lại rúm ró thêm.
Tình thế ấy trước sau gì thì cũng có lúc bùng nổ, vì bất cứ lý do gì, dẫu nhỏ nhặt. Ly nước đã đầy tràn, chỉ còn chờ thêm môt giọt cuối cùng.
Giọt nước ấy đã đến vào hôm nay, trong lúc Hưng đang chập chờn trong tiếng nhạc êm dịu và những ý nghĩ miên man, rã rời. Hương đẩy cửa bước vào, theo sau là thằng Dũng, đứa con trai duy nhất của hai người, Hương nói:
– Đi tắm rửa thay đồ rồi ăn cơm. Mà chào bố đi. Mẹ đã dặn bao nhiêu lần là đi phải thưa, về phải chào cơ mà.
Thằng Dũng nhìn về phía bố nó, nói bằng giọng hờ hững:
– Hi, Dad!
Chính cái giọng hờ hững ấy đã khiến cho Hưng nổi sùng bất tử. Chàng ngồi bật dậy và cất tiếng sẵng ngay:
– Mày không mở mồm được một câu tiếng Việt sao, Dũng!
Rồi chàng nhìn nó bằng một cặp mắt hung tợn. Điều này khiến thằng Dũng sợ hãi, thụt lùi một bước và nhìn bố với vẻ mặt ngỡ ngàng. Nó chưa bao giờ từng thấy bố nó hung dữ đến như thế.
Sau đó nó cũng cố chữa lại:
– Thưa bố, con về.
Nói xong ngần ấy câu, nó quay phắt người lại và chạy thẳng lên cầu thang. Bước chân của nó giẫm lên thảm nhung, nghe không mạnh mẽ gì nhưng cũng đủ để cho Hưng thấy nó đang giẫm thô bạo lên lòng tự ái của chàng.
Đầu óc chàng bùng lên những câu hỏi: Nó khinh gì mình mà nó quay đi, nó hỗn quá đáng đến độ giẫm thình thịch lên mặt sàn để trả đũa cái vụ chàng hạch hỏi nó phải nói tiếng Việt, và đau đớn hơn hết là chàng thấy rõ nó với chàng đã trở nên quá xa, xa đến độ hai người chẳng còn bao giờ có thể dính líu gì tới nhau, dù đang ở chung trong một mái nhà.
Hưng muốn ném một cái vỏ chai bia về phía nó. Nhưng những ý nghĩ ngần ngại, thiếu dứt khoát đã làm cho ý định của chàng trở nên chậm trễ. Bao giờ thì chàng cũng bị cái thiếu dứt khoát đó làm chậm trễ đủ mọi công việc. Thằng Dũng đã mất biến sau bức vách tường ở trên cầu thang. Nó bỏ lại đằng sau một bầu không khí nặng nề, đặt sệt khiến cho cả hai người đều như sững lại, ngỡ ngàng, bực bội, não nề.
Một lát sau, Hương ngồi xuống chiếc ghế ở phía đối diện chồng và nói bằng một giọng cố gắng giữ cho được sự dịu dàng:
– Anh Hưng ạ, có lẽ mình phải nói chuyện thẳng với nhau, một lần cho tất cả.
– Cô muốn cái gì thì cứ nói.
– Trước hết anh phải hiểu rằng dù sao thì em vẫn còn yêu anh, quý trọng anh. Bởi có như thế em mới chịu khó làm lụng vất vả, vừa nuôi con, vừa cố bảo lãnh cho anh qua.
– Cô khỏi cần phải kể công.
Hương kiên nhẫn:
– Anh đừng tầm thường như thế. Giữa chúng mình đừng nói bao giờ nói chuyện công lao.
– Cô nói ra điều đó thì được. Tôi thì không.
– Tại sao lại thế? Có cái gì khác giữa anh và em đâu.
– Khác chứ! Khác nhiều chứ. Cô là người đang có tất cả. Còn tôi thì đang mất tất cả.
Đến lúc này thì Hương không còn giữ nổi sự bình tĩnh mà nàng tự nhủ phải có thái độ ấy ngay từ phút khởi đầu. Nàng sẵng giọng:
-Anh ám chỉ cái gì mà nói em đang có tất cả. Bộ ngần ấy nỗ lực của em dành cho anh, cho con vẫn không làm vừa lòng anh sao?
– Cô làm như tôi là người luôn luôn đòi hỏi và không bao giờ vừa lòng. Nhưng cô thấy đó, từ ngày đến đây, tôi câm nín, chịu đựng và có mở mồm đòi hỏi ở cô điều gì đâu.
– Thà rằng anh nói ra. Thà rằng anh bầy tỏ rõ rệt ý muốn của anh. Chứ sự câm lặng, lầm lì của anh mới là điều ghê gớm, không thể chịu đựng nổi.
Vẻ mặt của Hưng hằn xuống, đôi môi của chàng mím chặt, hai bên hàm bạnh thêm ra. Trông chàng lúc này đầy một vẻ vừa khắc khổ, vừa thiểu não. Điều này khiến cho Hương mủi lòng. Nàng nguôi ngay cơn bực bội, vội vàng tiến lại ngồi xuống bên cạnh Hưng, nắm lấy tay chàng và nói:
– Anh Hưng ạ. Anh là người thấy rõ từ gần một năm nay, cả hai chúng mình đều cũng không thấy hạnh phúc gì. Mà đó là điều vô lý, phải không. Cả anh cũng như em đều đã trải qua bao nhiêu là ngày tháng đau khổ chịu đựng kể từ ngày em ra đi và anh còn kẹt lại ở VN. Biết bao nhiêu đêm, ngày em cầu nguyện cho anh đi được, cho gia đình mình có thể đoàn tụ được với nhau. Thế mà đến lúc gặp lại nhau, cả hai đều không có hạnh phúc. Điều đó thật là vô lý quá, phải không?
Thấy Hưng im lặng không trả lời, Hương nói tiếp:
– Anh phải hiểu được rằng chính em là người muốn cứu vãn tình thế chứ không phải buông xuôi để tới một ngày đi đến đổ vỡ. Em thấy rõ mình phải làm một cái gì để thay đổi cái bầu không khí ngột ngạt này, nếu không muốn mất tất cả. Nhất là như anh thấy, giữa anh và thằng Dũng, hai người cứ mỗi ngày một xa thêm nhau hơn.
– Nó Mỹ hóa quá rồi, và tôi không thể chạy theo nó để cầu xin một chút tình thương.
– Nó còn bé quá để đủ tế nhị biết phải nên làm cái này hoặc không nên làm cái kia. Điều cốt yếu là mình phải mở rộng vòng tay với nó.
– Vậy là cô trách cứ tôi không có tình thương yêu đối với nó.
– Không phải vậy. Nhưng cung cách biểu lộ tình yêu thương của anh không thích hợp với nó, do đó nó không cảm nhận được. Và vì thế, khoảng cách giữa hai người càng ngày càng xa hơn.
– Phải rồi, tôi biết rõ là tôi đã lạc hậu ở cái xứ này rồi.
-Anh biết rồi mà anh không sửa, cái đó mới kỳ!
Hưng bất giác nổi sùng :
– Tôi bằng này tuổi đầu rồi mà còn sửa với chữa nỗi gì. Mà tại sao tôi lại phải sửa cơ chứ. Tôi là tôi, Tôi không bao giờ muốn trở thành một kẻ khác.
– Anh tưởng như thế chứ, anh không còn là anh ngày xưa nữa. Anh đã có quá nhiều đổi thay mà anh không biết đấy.
– Cô nói cái gì, tôi không hiểu.
– Đấy là tại anh cố tình không hiểu. Anh trốn tránh mọi sự thực. Anh cố chui rúc vào cái vỏ đậy của anh từ bao nhiêu năm nay. Anh sợ đối phó. Anh ngại đổi thay dù là sự đổi thay thiết thân đến cả đời sống của anh. Nói tóm lại là anh đầy mặc cảm và anh không dám đương đầu đến phá vỡ cái mặc cảm ấy.
– Xin lỗi cô! Tôi chả có gì phải mặc cảm với ai hết. Cô đánh giá như thế là cô hạ thấp giá trị con người của tôi quá.
Hương biết mình đang bị du vào tình thế không thể lùi được nữa, bởi nếu không mổ xẻ toạc móng heo một lần, thì sự hiểu lầm có thể sẽ làm cho mối liên hệ giữa hai người tổn thương nhiều hơn. Nàng dằn giọng:
– Em biết là em có thể dại dột khi đụng đến những tâm tư thầm kín của anh. Nhưng chính vì không muốn mất anh nên em phải nói một lần cho tất cả. Bây giờ anh hãy ngồi nhớ lại đi, những ngày còn gian khổ trong tù, anh mong gì và ước muốn được làm gì. Chắc chắn không phải là anh chỉ mong suốt ngày ngồi gậm nhấm nỗi khắc khoải của mình bằng những ly rượu, những lon bia. Bạn bè còn trong tù ngục của anh nếu biết như vậy chắc họ cũng xấu hổ thay cho anh đấy chứ nhỉ.
– Tôi có thể làm gì được khác hơn ở giữa cái xã hội xa lạ và đầy hưởng thụ này.Từ ngày tới đây, tôi cũng đã đi hội họp, đi thuyết trình, hội thảo và nói lên những điều cần phải nói….
Hương cướp lời:
– Và sau những lần như thế anh buồn rũ rượi hơn ra có phải không?
– Làm sao cô biết được!
– Có gì mà không biết! Lòng anh thì kỳ vọng, sốt sắng quá nhiều mà thực tế chẳng đáp ứng lại bao nhiêu.
Càng thuyết trình, càng hội thảo anh lại càng thấy trống rỗng, vô vị. Bởi vì hầu hết chỉ đánh trống xong bỏ dùi, lúc tan cuộc, ai cũng chỉ mua được cái cảm giác an toàn là đã làm tròn bổn phận của một kẻ lưu vong nhưng thực chất công việc thì chẳng có cái gì đi đến đâu. Anh không có can đảm nhìn thẳng vào sự thực đó sao?
– Thà như thế còn hơn không. Không lẽ cô lại muốn tôi buông xuôi, bỏ cuộc.
– Ai bảo anh rằng em muốn anh bỏ cuộc. Điều mà em muốn là anh hãy loại bỏ bớt những cái gì phù phiếm, bề ngoài vô ích để tập trung vào những cái cần làm, đang làm. Mà điều cần làm, đáng làm trước hết là anh phải nhìn lại chính bản thân của anh trước đã. Bản thân của anh chưa vững, chưa biết mình muốn gì, làm gì, chưa giải tỏa cho mình những nỗi phiền muộn nhỏ nhặt hàng ngày, chưa khuất phục được những giây phút gậm nhấm bên lon bia, ly rượu, thì đừng mong làm được bất cứ điều gì, chứ đừng nói chuyện lớn lao, đại sự.
Ngưng một giây để chờ phản ứng của chồng, thấy Hưng không nói gì, Hương liền tiếp:
– Nói tóm lại là anh hãy phải tự vực anh dậy trước đã. Anh vẫn thường tỏ ra buồn khổ và than rằng mình đã mất hết, không còn gì. Điều đó đúng, những chả lẽ cứ ngồi than hoài mãi sao? Rồi cũng phải tới một lúc anh phải đứng dậy, giẫm chân lên trên tất cả những cái đổ vỡ mất mát ấy mà biết lạc quan để làm lại từ lúc khởi đầu chứ. Bởi không có cái khởi đầu thì không bao giờ có cái kế tiếp, cho dù điểm khởi đầu của anh chỉ là một hạt cát, một hoàn cảnh thấp kém đến tận cùng đi chăng nữa. Điều cốt yếu là anh muốn từ đó đi lên, chứ không phải đắm chìm mãi mãi trong tiếc nuối mà không bao giờ tính chuyện thoát ra cả.
Hưng ngước lên nhìn nàng như dò hỏi, rồi chàng cất tiếng:
– Thế thì cô muốn tính toán, đề nghị tôi làm cái gì đây?
– Anh hãy suy nghĩ về những điều mà em nói đi đã. Khi nào tới lúc anh thấy rằng em có lý thì người đề nghị chính là anh chứ không phải là em.
Nói xong, Hương đứng dậy và đi thẳng lên lầu. Sau một lúc cố gắng hết mình để nói ra những điều mà nàng suy nghĩ, Hương bỗng thấy mệt mỏi đến tận cùng. Nàng muốn chui vào cái vỏ riêng tư của mình. Trong căn buồng biệt lập mà không biết từ bao lâu rồi, Hưng không có quyền bén mảng tới. Căn nhà có cả thẩy ba phòng, thì hai phòng ở trên lầu dành cho hai mẹ con. Hưng ở từng dưới, lủi thủi như một cái bóng mờ. Cái bóng ấy nhiều hôm đối diện với chai rượu thâu đêm, đến sáng ra, lúc tỉnh dậy thì cả Hương và thằng Dũng đã đi học, đi làm từ bao lâu rồi. Quả thực Hương đã nói đúng, không có phút khởi đầu thì không bao giờ có cái kế tiếp. Vậy mà Hưng vẫn tự cho rằng mình đang đi đến chỗ cuối của chặng đường khổ nhọc, không còn lối nào mà thoát ra nữa chứ. Điều này làm chàng nhớ lại một lần ở trong tù, chàng đã có dịp đối thoại với một kẻ cũng mang cái tâm trạng đang ở chỗ cuối của chặng đường mà hắn đang đi.
Vũ, người bạn tù vẫn luôn luôn than thở với chàng là anh ta hết chịu đựng với nỗi dầy vò cả thể xác lẫn tinh thần trong những ngày bị giam hãm đằng đẵng, không có ánh sáng hy vọng của ngày về. Vũ nói:
– Chả có lý do gì mà mình cứ phải giam hãm mãi ở đây. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Ở chỗ tận cùng của tuyệt lộ, mình còn có gì để trông đợi nữa đâu.
Hưng an ủi:
– Không có cái gì ở trên đời này gọi là bất biến cả. Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng mình đang ở chặng đường tuyệt lộ. Hai chữ tuyệt lộ nghe ghê gớm quá. Mình còn nhiều điều phải làm, do đó phải cố gắng ráng giữ cho mình còn tồn tại.
Vũ nhìn Hưng mỉa mai:
– Cậu còn lạc quan đến thế cơ à. Với tôi thì tất cả đã hết rồi. Vợ đi lấy chồng. Con cái lạc lõng vất vưởng đứa đi chiến trường Kampuchia, đứa lang thang đầu đường xó chợ. Còn thân mình ở đây, đày đọa không còn ai ngó tới, biết tới. Chuyện thay đổi chỉ là chuyện mơ ước hão huyền, làm gì có tướng này, tá kia đang lập chiến khu để tính chuyện lật ngược thế cờ. Bẩy năm mòn mỏi trong hy vọng, bây giờ thì tôi không còn tin tưởng ở điều gì nữa rồi.
– Đành là như vậy, nhưng sống trong tù mà không có lấy một chút niềm tin, niềm hy vọng thì rất dễ dàng suy sụp, và mình tự hủy diệt chính mình.
Vũ cướp lời:
– Nhưng tồn tại thì để làm gì cơ chứ. Ở cái chặng cuối đọa đầy này, càng giải thoát sớm bao nhiêu, càng khỏe bấy nhiêu.
Trước sau thì Hưng cũng chỉ nghĩ rằng đó chỉ là lời than thở. Chàng không thể ngờ được rằng chỉ sau đó ít lâu, Vũ đã tìm phương cách giải thoát cho chính anh ta thực. Một hôm vào khoảng chập tối, sau khi đi lao động về, Vũ đã ngang nhiên chạy thẳng một mạch qua khu vòng rào và lao ra khỏi cổng trại. Lính trên chòi canh chĩa súng vào phía lưng của anh ta mà tuôn đạn xối xả. Thật là dễ dàng, nhanh chóng và giản dị nhưng vẫn khiến cho biết bao nhiêu người ngơ ngẩn, ngỡ ngàng. Người ngơ ngẩn nhất có lẽ là Hưng, bởi sau đó chàng cứ lởn vởn mãi trong đầu câu nói thầm thì với Vũ:
– Sao lại như thế hả Vũ. Mình còn bao nhiêu chuyện phải làm.
Nhưng chuyện phải làm đó, những chuyện mà Hưng ước mơ có thể làm được một khi tháo cũi sổ lồng, thì khi qua đến đây, nó tan xèo như một cánh bướm trước mồi lửa. Có lẽ Hương đã nói đúng, việc đáng làm trước hết là phải nhìn lại chính bản thân mình. Mình chưa vững, chưa biết mình thực sự phải làm gì, chưa thấy rõ mình phải khởi sự từ đâu, mà chưa chi đã muốn ôm cả đại cuộc trong lòng để rồi chán nản, bất mãn, tuyệt vọng, thì việc dìm mình trong những ly rượu đâu có khác gì cung cách chọn lựa lao qua hàng rào như Vũ ngày xưa. Hai hoàn cảnh tuy có khác biệt, nhưng chung quy vẫn chỉ là một bản chất. Đó là sự đầu hàng quá sớm trước hoàn cảnh khắc nghiệt.
Hưng nhớ đến những người bạn tù, những bàn tay nắm chặt lấy nhau trong bóng tối, những nỗi niềm ước ao sẽ thực hiện khi có ngày được giải thoát, và cả những lời nhắn nhủ trước khi chàng lên đường ra đi. Bao nhiêu là gửi gấm. Bao nhiêu là cậy trông. Vậy mà chàng vẫn còn ngồi ở đây, trong căn phòng này, với những lon bia đầy nhu nhược và ỷ lại.
REPORT THIS AD
Trong lòng của Hưng bỗng trỗi dậy một niềm xôn xao mới. Ở cái xã hội này , không ai có thể ỷ lại vào ai, dù kẻ đó là vợ mình, con mình. Đó là điều kiện trước tiên để có được niềm tự hào. Và chỉ có sự tự hào thì con người mới có thể tự đứng dậy và đi tới. Bước đi có thể ngắn, chậm, nhưng vững chắc. Nó khiến cho chàng thấy rõ mình đang ở đâu, muốn làm gì và có thể làm được gì. Mọi thứ sẽ ở trong tầm tay với, một cách cụ thể chứ không mơ hồ, huyễn hoặc, tiêu hao thì giờ mà chẳng đem lại được điều gì ngoài sự tự ru ngủ chính mình.
Ngày hôm sau, lúc Hương đi làm về và đón con ở trường ra thì Hưng đã chờ nàng ở trên sân sỏi trước nhà. Chàng nói với Hương bằng một giọng cố hết sức giữ cho được tự nhiên:
– Hương ạ, bây giờ thì chính anh đề nghị với em.
Hương cảm thấy ngay có điều gì khác thường vừa xẩy đến với chàng. Nàng nhìn chồng dò hỏi:
– Đề nghị gì thế hả anh?
– Anh sẽ xa em và con một thời gian để khởi sự lại từ đầu, bằng chính những nỗ lực của anh chứ không phải của ai khác, kể cả em. Em nói đúng, muốn làm gì thì làm, phải cách mạng cái bản thân mình trước đã.
Hương trả lời, giọng đầy xúc động:
– Đó vẫn là điều mà em mơ ước. Không phải anh đã trở nên tồi tệ, xấu xa gì, nhưng thực sự em không muốn anh cứ chìm đắm mãi trong một lối mòn. Bao nhiêu năm sống ở đây, em đã chứng kiến quá nhiều lối mòn đã làm thui chột bao nhiêu con người, bao nhiêu công trình, bao nhiêu nỗ lực mà không đem lại được kết quả gì. Em muốn anh thấy rõ điều đó và vượt qua được điều đó.
– Em đừng kỳ vọng ở anh quá nhiều. Anh mới chỉ khởi sự từ đầu và chưa biết mình sẽ làm được gì.
– Cái khó là người ta biết khởi sự lại từ đầu, không bị ràng buộc bởi những tiếc nuối vì mất mát trong quá khứ. Bây giờ cũng đã quá trễ để biết nhìn về phía trước chứ không phải chỉ quay lại về phía sau lưng. Anh cứ yên tâm mà suy nghĩ về những việc cần làm. Em và con sẽ lại lui tới thăm anh, như ngày nào đã tới thăm nuôi khi em còn ở quê nhà.
Hưng mỉm cười:
– Lại một hình thức cải tạo nữa, phải không?
– Không đâu anh. Cải tạo ở Việt Nam không hy vọng có ngày về. Còn ở đây, hoàn toàn tùy thuộc ở chính mình. Bao giờ anh cảm thấy thoải mái, tự tin, lòng đầy nhiệt thành mà không vướng víu bởi một chút nào tự ti mặc cảm nào, ngày đó anh cứ việc xách va-li trở về. Em sẽ vui mừng mở rộng cửa chào đón anh. Em nghĩ rằng đó là cung cách tốt nhất để cứu vãn hạnh phúc của chúng mình, và cho luôn cả những điều mà anh muốn làm khi anh còn ấp ủ trong vòng rào kẽm gai của một trại tù.
Nhật Tiến
Tháng 6- 1987