Nhà phê bình văn học
Đặng Tiến vừa ra đi
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến năm 2009 ( FB Lý Đợi)
Giáo sư Đặng Tiến, tác giả cuốn Vũ trụ thơ, qua đời ở Pháp ngày 17/4, thọ 83 tuổi. Ông là thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, một tổ chức độc lập với Hội Nhà văn Việt Nam và không được Nhà nước công nhận, thậm chí còn bị sách nhiễu, đàn áp.
Các bài viết về sự ra đi của nhà phê bình Đặng Tiến ở các trang Tuổi Trẻ Online và Phụ Nữ Online đã không còn truy cập được, trong khi một số trang khác như VnExpress hay Thể thao Văn hoá người đọc vẫn còn có thể xem bài viết về chủ đề này.
Thông tin về việc gỡ bỏ bài viết được Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Dũng, thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 21/4:
“Chuyện gỡ bài là có thật và tôi có thông tin của người bạn của tôi làm nghề báo. Tôi có đọc được cái chỉ thị, tin nhắn thì đúng hơn.
Nguyên văn: Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay), vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng.”
Báo Tuổi trẻ là cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TPHCM, trong khi báo Phụ nữ TPHCM là cơ quan ngôn luận của Thành ủy TPHCM.
Tờ Thanh Niên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tuy không thuộc sự quản lý của Thành uỷ thành phố HCM, nhưng cũng gỡ bài. Phó giáo sư Hoàng Dũng, người điều hành trang Văn Việt- diễn đàn của Ban vận động, cho rằng “ở Việt Nam nỗi sợ hãi nhà nước nó hay lây và lan rộng nên tờ Thanh Niên thấy Tuổi Trẻ gỡ thì cũng gỡ cho nó lành.”
Phóng viên gọi điện thoại cho Thành uỷ TPHCM, hai toà soạn báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy. Một phụ nữ của báo Phụ nữ Online nói không trả lời qua điện thoại và cúp máy.
Chúng tôi gửi email tới toà soạn của ba tờ báo trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo Văn Việt, nhà phê bình Đặng Tiến tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963. Ông bắt đầu viết điểm sách và phê bình từ năm 1960. Ra nước ngoài từ năm 1966, lập nghiệp tại Pháp, dạy văn chương Việt Nam trong Ban Việt học, Đại học Paris 7, từ năm 1969 đến lúc nghỉ hưu năm 2005.
Sau năm 1975, ông viết cho nhiều tạp chí trong nước. Các tác phẩm chính bao gồm “Vũ trụ thơ” và “Thơ, thi pháp và chân dung.”
Ông Hoàng Dũng cho biết, việc yêu cầu gỡ các bài liên quan đến một thành viên của ban vận động là một phần của sự đàn áp mà nhà chức trách Việt Nam áp dụng lên tổ chức này kể từ khi tuyên bố thành lập năm 2014 với Trưởng ban vận động là nhà văn Nguyên Ngọc cùng 60 thành viên trong và ngoài nước, trong đó có các nhà văn/nhà thơ như Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn, Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên…
Một số tờ báo Nhà nước viết bài trong đó nhìn nhận hội ái hữu nghề nghiệp của các nhà văn độc lập với chính quyền là một tổ chức bất hợp pháp, cho rằng đây là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.
Theo công văn số 4112/CV/BTGTW ký ngày 15/3/2018 bởi Phó trưởng Võ Văn Phuông gửi Ban Cán sự Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu bộ này chỉ đạo Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một số nội dung, trong đó đáng chú ý là việc “rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả thuộc tổ chức ‘Văn đoàn độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa môn học Ngữ văn mới.”
Theo Phó giáo sư Hoàng Dũng, văn bản này hiện vẫn còn hiệu lực, thậm chí những người không còn là thành viên ban vận động như hai ông Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Duy, vẫn bị phân biệt đối xử.
Giáo sư Đặng Tiến lúc sinh thời có nhiều lần về thăm quê hương, lần cuối cùng là vào năm 2020. Trong những lần đó, ông đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người mà không bị chính quyền ngăn cản, theo nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng (Hoàng Hưng), thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập.