Nguyễn Vy Khanh, Truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm

Nguyễn Vy Khanh 

Truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm

Tìm hiểu hành trình văn nghệ của một số nhà văn thế kỷ XX, chúng tôi thích thú khám phá Nguyễn Tuân, Xuân Diệu viết phê bình văn học đặc sắc không thua gì thơ văn của họ: Nguyễn Tuân độc đáo khi viết tổng luận về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Du, cũng như Xuân Diệu khi viết về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Đó là những văn nghệ sĩ đi từ sáng tác đến thể loại phê bình, khảo cứu. Nguyễn Văn Sâm là một trường hợp ngược lại, có thể do hoàn cảnh phải sống xa quê hương, ông khởi đầu sự nghiệp với những công trình nghiên cứu nghiêm túc về văn học trước khi sáng tác, viết truyện. Các biên khảo của ông đều lấy chủ đề là văn học miền Nam (Văn Học Nam Hà, Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam, Văn Chương Nam Bộ) là những đóng góp độc đáo cho mảng văn học thường không được đánh giá đúng mức này. Ông đã đi xa hơn hai cuốn Văn Học Miền Nam của Phạm Việt Tuyền và Đông Hồ và đã đưa vào văn học sử mảng văn học yêu nước và kháng chiến của miền Nam, phần nào "chính danh" lại cho những văn nghệ sĩ miền Nam vốn vẫn bị đảng cộng sản sử-dụng cho chiêu bài "yêu nước" của họ. Về sự chuyển hướng, chính tác giả đã cho người đọc biết: "qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt ngay trên quê hương hay lạc loài tha hương" (1). Về sáng tác, Nguyễn Văn Sâm đã xuất bản Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987). Trong bài này chúng tôi viết về tập Khói Sóng Trên Sông mới do tạp chí Văn (CA) xuất bản đầu năm 2000, đúng ra là một vài cảm tưởng về thể loại truyện ngắn và văn chương miền Nam, qua chữ nghĩa của Nguyễn Văn Sâm.
Khói Sóng Trên Sông

Quê người

Tập truyện Khói Sóng Trên Sông gồm 14 truyện ngắn về hai chủ đề chính: quê người và quê nhà. Hãy nói chuyện quê người trước. Truyện Khói Sóng Trên Sông là truyện cuối được dùng làm tựa cho cả tập, viết về đời sống nơi xứ người nhưng ở đây, cũng như các truyện ngắn khác về cùng chủ đề, hình như các nhân vật tiếp tục kéo dài nếp sống ở quê nhà nhiều hơn là những bận tâm hội nhập.
Trước khi tác giả đưa người đọc đến bến sông bồi hồi nhìn khói sóng, hai nhân vật Chuyên và Vũ đã phải trãi qua sàng lọc hội nhập. Về vấn đề hội nhập, tác giả không dùng dao to búa lớn, chỉ gợi cảm qua hình ảnh, tình cảnh. Chuyện hai chị em Chuyên và Vũ ở Tiểu Sài-Gòn, còn là chân dung cuộc đồng người Việt  ở Hoa-Kỳ nói chung với những nhân vật có máu lãnh tụ... ở xứ người, sống bằng trí nhớ dù thời gian qua vẫn không... phôi pha, thường tưởng tượng, thêm thắt, điểm phấn. Ở quán nước Chuyên làm hầu bàn, họ là những "tục khách": "Những khuôn mặt mang nụ cười nham nhở. Những hàm răng cáu bợn thức ăn. Những hơi thở nồng hơi bia xú với thực phẩm chưa kịp tiêu hóa, tạo thành mùi cám heo lâu ngày, chuyển mùi. Chuyên muốn gạt phắt những chúng sinh lô nhô chung quanh sang một bên để chạy mau về phòng mình nằm sải tay thở những hơi dài trút hết những ưu sầu, chán chường ra khỏi tâm tư" (tr. 250). Thế hệ của Chuyên lớn lên khi cuộc chiến đã chấm dứt, phải sống trong xã hội cộng sản rồi vượt biển bị hiếp đáp.: "Ngày trước lạnh lùng giết nhau trong cái dửng dưng của không hận thù, ngày nay lạnh lùng làm khổ nhau đến chết trong bầu không khí tràn đầy hận thù âm-ỉ. Các chú, các bác mau chân nhanh tay chạy vọt qua đây đâu thấy chúng tôi bị hành hạ đủ điều đâu..." (tr. 247). Chuyên lợm giọng trước những người thích tới quán để sống cái quá khứ vẽ vời và sống ảo tưởng "anh anh em em" với các cô gái đáng tuổi con cháu.
Tình yêu, cuộc sống của Chuyên, cũng như nhiều người tị nạn khác, phải sống cái bi đát ở giữa hai văn hóa, hai thế giới: Khoa ở đây, Hùng quê nhà; tình người ở quê vương vấn vì nhiều kỷ niệm, vì khởi từ gốc rễ, thành ra dễ lơ là với tình bạn mới, Chuyên tự hỏi "tại tôi không biết điều chỉnh nhãn quan để phù hợp với cuộc đời mới bon chen bên này?..." (tr. 249). Đến khi mất tình yêu ở Việt Nam, Chuyên mới nhận ra mình "chỉ là một con vật nhỏ dật dờ theo con sóng đời trôi dạt. Nhưng sao tôi nghe muôn ngàn đổ vỡ tàn khốc trong hồn, nghe hụt hẫng như mình không còn quá khứ, hôm qua được sanh ra và hôm nay là tôi của hiện tại, tâm hồn trống không" (tr. 256).
Trong khi tình yêu ở xứ người là những bất ngờ. Martha, người yêu của Vũ, em Chuyên, đã ngoại tình dù đang có chửa, đang "mang mển" - nói như Nguyễn Văn Sâm. Một hội nhập không lối thoát mà rồi cũng chẳng đưa đến đâu!
 Trong những truyện khác, đề tài hội nhập được nói đến và thường là những vấn nạn, như cha mẹ già cả bệnh tật con cháu phải chăm sóc trong khi phải bon chen với đời sống mới, trong Mát Lạnh Tuổi Vàng, như những va chạm với người dị chủng có khi gây hiểu lầm, trong Ông Già Noel Có Thật, như nếp sống cá nhân và cô đơn của giới thiếu niên đưa đến những thảm cảnh bị dụ dỗ, trong Người Bí Mật Chiêm Ngưỡng,...

Quê nhà

Dù rồi cũng thành công, cũng sống còn, đi lên nữa là khác, nhưng đời sống hội nhập không khỏi có những khó khăn cho các thế hệ hãy còn nhiều liên hệ với quê hương. Bởi thế khi hoàng hôn xuống, thời điểm mà con người xa quê thường nhớ nhung, hay hướng về chân trời thân thương cũ, nhất là khi đứng trước con nước xứ người, giữa cái mơ hồ, đời mới cũ, tâm sự u uất vì nói không ai hiểu, không có ai hoặc không ai có thể hiểu. Tác giả không nhắc nhở nhưng đã dùng ý câu 8 của bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu để đưa người đọc đối đầu trước một tình cảnh sống, trước câu hỏi đâu là quê hương! "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" như một kết cục tất yếu của hạc vàng vang bóng của ngày cũ, quá vãng, của người xưa, đi không trở lại; mây trắng mênh mông, càng mênh mông thêm nỗi buồn xa xứ!
Khi viết chuyện ở xứ người, câu văn Nguyễn Văn Sâm thường ngắn gọn, ít vần và đối, nhưng trái lại, khi tả chuyện quê nhà với những nhân vật thật "lục tỉnh" gắn liền với quê hương, thì câu văn dài dòng như có thế mới nói hết được tâm sự, mới tả hết được dáng cách con người và góc cạnh của những khu phố, đường làng quê!
Như Nước Trong Nguồn là một truyện ngắn viết về số phận của một chàng thanh niên què quặt xưng "tôi", mặc cảm ngập trời về thân thể của mình mà lại luôn luôn thèm khát xác thịt đàn bà, cuối cùng đành chịu lấy một thiếu nữ đã có bầu với kẻ khác, qua sự sắp xếp của bà mẹ. Hương Cỏ nhắc nhớ một mùi hương sống động của quê hương qua chuyện "gái bao" của một Việt kiều "già dịch". Âm Dương là cuộc sống khốn khổ ở quê nhà sau ngày "giải phóng". Một quê hương rất tha thiết, bùi ngùi! Người xa quê như luôn trông về quê nhà, nơi đó có "ngôi nhà tràn ngập tình gia đình, đứng nép mình bên bờ con sông lớn ngàn đời sóng vỗ (...) tất cả đều là khói sóng trên sông cả" (tr. 263).
Quê nhà ngập trí nhớ, nên từ một điểm ký ức nào đó cũng có thể phóng ra cả một quãng đời hay mảnh đời đã qua nhưng vẫn sống động! Trong Quê Hương Mình, thế giới của thầy Năm với chiếc ghe cá đi khắp nẽo sông bến nước, của dì Tư và anh em thằng Đực. Hễ nhắc tên Chợ Đệm đã "gợi trong lòng dì cảm giác bồn chồn xao xuyến. Đường về không xa, nhưng sao bao năm nay đâu dám nghĩ tới!" (tr. 189). Thật vậy, Quê nhà là những địa danh thân thương. Trong Theo Gót Huyền Trân, người đọc như "thấy" lại Sài-Gòn, Khánh Hội, Chợ Lớn, xóm Mả Ngụy, đồng Tập Trận,... của những người lục tỉnh lên chốn thị thành nhiều cạm bẫy, bất ngờ, của những "tây-tà, chà-và, các-chú", của một thuở xa xưa! Một Sài-Gòn mà "bàng dân thiên hạ hướng về Sài-gòn như thể hoa quỳ hướng dương" (tr. 51). Nhân vật xưng tôi trong Biển Trời Lai Láng tâm sự: "Sài-gòn đối với tôi thân thiết đáng nhớ, xa trong thực thức nhưng tiềm thức không bao giờ xa. Bao nhiêu đó đã là quá đủ. Một vài chi tiết cụ thể về nơi nầy nơi nọ, người nầy người kia, nói cho cùng, cũng chỉ như một nhúm sao nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la của triệu triệu dãy Ngân Hà" (tr. 158). Kể Chuyện Ngày Xưa đưa người đọc trở về Mỹ Tho và ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu của hôm nay: "Bây giờ thì tang thương đến cả từng mảnh nhỏ của ngôi trường vì người ta không làm tròn nhân luân" (tr. 131); tang thương cho cả người cũ về thăm cảnh xưa vốn đẹp trong trí nhớ. "Lá me vàng úa bay lã tã, lược lờ trong không gian, như xúc động bùi ngùi đưa tiễn, rớt lấm tấm trên cái đầu bạc trắng của người thầy giáo già mất quê hương và mất luôn cả kỷ niệm" (tr. 132). Kiếm tìm có khi chỉ đưa đến thất vọng!
Quê hương còn là những mùi hương, mùi thơm của hoa, của đất,... Truyện Tình Đất bắt đầu với "mùi thơm thoảng quyện mơ hồ" của bông lài; truyện chấm dứt với lời thú đậm tình: "Bao nhiêu năm nay tôi thường chiêm bao thấy mình đương ở trong căn nhà cũ. Tôi thấy mình tưới nước bông lài buổi sáng sớm mai. Tôi cảm nhận được rõ ràng mùi bông lài thơm nhè nhẹ trong không khí, một mùi quen thuộc mà tôi không thể nào gặp được ở bất cứ chỗ nào..." (tr. 240). Sống ở quê người mà vẫn có cảm giác như đang sống ở quê nhà. Cảm giác của mộng mị trở thành ảo giác khi phải trực diện với cuộc đời trước mặt, nhưng trong trí nhớ thì ngập tràn. Nhưng quê nhà cũng là những mùi hôi của những chốn bùn lầy nước đọng của người ăn xin, của những trẻ đi lượm cá sình ở chợ (Quê Hương Mình, tr. 178-179). Sống ở xứ người có lúc "nghe" được mùi thơm bí ẩn tỏa ra từ một Việt kiều "già dịch" như mùi hương cỏ, như "mùi hương con gái" (tr. 108). Khứu giác người xa xứ không lầm, nhưng khi hiểu nguồn gốc mùi thì hương cũng mờ thoáng lần! Đã vậy trong cái xã hội người Việt xa xứ có những mùi hôi của những "khuôn mặt mang nụ cười nham nhở (...) những hơi thở nồng hơi bia xú với thực phẩm chưa kịp tiêu hóa, tạo thành mùi cám heo lâu ngày, chuyển mùi..." (tr. 250).
Quê nhà cũng còn là những tiếng động, tiếng người, của chợ Tết trong Tình Đất, ồn ào náo động đó rồi vãn chợ cũng nhanh: "Chợ ba mươi Tết kỳ lắm, đông như họp chợ âm phủ mà chừng trời đứng bóng thì tan gần hết, lác đác còn lại còn thua chợ ngày thường nữa..." (tr. 224). Nào là những tiếng động của Sài-Gòn ngày cũng như đêm, trong Theo Gót Huyền Trân. Tóm, tiếng động, hương thơm,... người lưu xứ thường hãy còn lưu giữ một phần hồn của cố quốc, nhất là ở thế hệ thứ nhất! Viết đến, nhắc lại, như một thảo hiếu với đất đai, nguồn cội!      
 Các truyện của Khói Sóng Trên Sông phần lớn có cấu trúc chặt chẽ, nhiều tình tiết, có những kết thúc đầy bất ngờ. Cổ điển truyện ngắn, nghệ thuật văn chương, không làm dáng thời thượng cũng chẳng tân cải bất ngờ! Nhân vật thường hiền lành, đơn giản dù tâm hồn cũng rất khúc mắc - những "tôi" tật nguyền dồn nén trong Như Nước Trong Nguồn, những Cô Út trong Tình Đất, dì Út, cậu Bảy trong Tình Lụy Thiên Thu hay người con dâu hiếu hạnh trong Mát Lạnh Tuổi Vàng, v.v.
*
Chất Nam "lục tỉnh" của Nguyễn Văn Sâm thể hiện trong chữ dùng, trong phong cách viết, tả nhân vật và tỏ lộ tâm tình. Nguyễn Văn Sâm tự đề ra cho mình một loại "cương lĩnh" trong Bài Chàm Về Viết ở đầu tập truyện: "... Cái quê hương mến yêu, chốn sanh trưởng thân thiết, tiếng địa phương nghe từ khi còn nằm võng ẩn náo trong hồn, tuông ra đúng lúc, phải chỗ..." (tr. XVIII).
Nguyễn Văn Sâm có một ngôn ngữ "miệt vườn" đặc sắc. Ông sử-dụng nhiều tiếng đặc "miệt vườn", những phương ngữ làm nên cái duyên của miền Nam lục tỉnh. Ông dùng nhiều từ láy và đặc biệt ông đã cẩn thận gạch nối:
- "Trước đây thằng đó thấy tôi còn đứng dậy dã-lã chào hỏi, khúm-núm bẽn-lẽn, mà con Út cũng coi bộ sợ-sệt, bối-rối...". "Thét rồi nó tới chà-lết quết-xảm ở nhà tôi, gặp thì chỉ chào sơ sơ rồi quay ra tíu-ta tíu-tít với con Út..." (tr. 214).
- "Sồn sồn tuổi nhưng du dương giọng, bà Hương có tiếng chửi không khác là bao với tiếng hát ru em trưa nắng, mùi mẫn như bài ca dạ cổ hoài lang từ phu tướng lên đường, đã điếu còn hơn nghe mấy con nhỏ xóm dưới kéo vuốt mấy tiếng chót của một câu hò ruột lên cao ngất, nhọn lễu như kim, chích nhè nhẹ nhột nhột vô tim" (tr. 22).
Hay: "... cần lắm thì ậm-à ậm-ừ cho qua..." (tr. 24); "mang bầu lạch ạch cũng bò ra chợ, mới đẻ hôm kia cũng te te đi bán..." (tr. 56), v.v. Vừa dùng tiếng láy vừa dài dòng và màu mè như tiếng nói người miệt vườn: "ngâm nga sông dài con cá lội biệt tăm" (tr. 25). Như một mạch tư duy liên khúc. Giữa những khớp nối tư duy, cảm xúc ấy là những hình dáng con người và cảnh tượng có sức tỏa rộng, gặp gỡ và xuyên thấm vào nhau!
Ông có tài quan sát và tâm lý như phân tâm mặc cảm của nhân vật tật nguyền mà ham gái trong Như Nước Trong Nguồn: "Từ lâu rồi tôi chỉ đứng xớ-rớ trước cửa nhà thèm thuồng, với cảm tưởng rung động ở từng sợi gân trong thân thể, ngó theo lũ con gái nhún nha nhún nhẩy, để rồi sau đó nằm cong queo trong một góc giường nhắm mắt vẽ lại hình ảnh trong trí hết đứa nầy tới đứa khác. Thường thường tới đứa thứ hai thì tôi mệt lã, tim đập thình thịch như trống chầu, ngủ thiếp đi lúc nào không hay, nhiều khi thức giấc bàn tay trái vẫn còn ướt mẹp đương nằm giữa hai bắp vế, thoảng hôi một mùi là lạ..." (tr. 33).
Tâm lý như khi tả người ghiền thuốc ở xứ người hết tự do như trước: "Thỉnh thoảng lắm mới có dịp tất cả mọi người cùng đi vắng, tôi được tự do rít hơi thật dài, thật sâu, ém hơi lâu trong phổi, phun ra rồi hít vô ngay lại bằng lỗ mũi. Những lúc nầy thì đã tận mạng" (tr. 105).
Cả trong quan sát diệm mạo con người, các nhân vật của ông hay chú ý đến các bộ ngực nở nang của phụ nữ. Một nhân vật nói về một cô gái miệt vườn: "Con Cúc trổ mã cả năm nay, tay chưn tròn trịa, vú dậy đội lớp áo lên cao nghệu dòm ngang thấy trơn láng mềm mềm ra vẻ con gái quá chừng" (Tình Đất). Tật nguyền như nhân vật xưng "tôi" trong Như Nước Trong Nguồn mê gần hết các cô gái trong xóm cù lao: "Mấy đứa nầy đứa nào đứa nấy đều bị tôi "tưởng tượng" một vài lần khi ban ngày nhỏng nhảnh đi ngang qua nhà tôi, cười cười nói nói, cái quần lãnh đen láng o dòm không thôi đã thấy mát rượi lòng, cái áo nút bóp căng thịt, cặp mắt bén ngót như dao cạo..." (tr. 34), rồi mê Nhàn, bạn của anh mình, cũng qua bộ ngực: "Ngồi trong nhà thấy nó thấp thoáng bên kia, ngực một ngực, lồ lộ thiếu điều căng xé áo nhảy ra ngoài, tôi cũng đã cảm nhận nỗi vui vui tràn ngập lòng, đời thiệt thòi như được trút bớt vài phân" (tr. 27).
Văn chương Nguyễn Văn Sâm tưởng chừng theo truyền thống viết-như-nói khởi từ trường phái Trương Vĩnh Ký, qua Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc đến Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng thời hiện đại. Khởi sáng tác cùng thời với hai nhà văn sau, nhưng các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm nếu đọc kỹ mới thấy ông đi xa hơn: ông viết như nghĩ và dùng ngôn ngữ nói để làm văn chương. Ông hấp dẫn người đọc bằng các chi tiết ly kỳ xen kẽ với lối nói, lối suy nghĩ của các nhân vật đa dạng nhưng tiêu biểu cho "miệt vườn". Cái khiến Nguyễn Văn Sâm không giống các nhà văn "miệt vườn" khác, là chính trong câu văn mà muốn hiểu thì người đọc phải hiểu được mạch nổi, mạch chìm và lớp từ ngữ bộn bề, dồi dào, nhuốm trí thức của ông. Có thể xem Chờ Cho Trăng Lặn và Như Nước Trong Nguồn là hai truyện ngắn tuyệt tác tiêu biểu của Nguyễn Văn Sâm! Nhưng trong các truyện còn lại khi viết về quê nhà, kỷ niệm, thời gian và cảm xúc tác động mạnh thành ra có khi hơi dài dòng, vận dụng đối và vận nhiều, có thể khiến người đọc nhiều khi khó theo dõi câu chuyện. Người đọc có thể lạc đường, một lạc lối dễ thương thôi, giữa một rừng tâm tình và cảm xúc của tác giả. Kiệt Tấn cũng dài dòng nhưng ở một tầm cỡ khác, ở chổ nhiều đối thoại và nhiều tình tiết động tác hơn và câu chuyện hay lập lại. Hồ Trường An cũng dài dòng nhưng trong màu mè nhân tạo và miêu tả trên một nền "miệt vườn" đã sẵn!
Chúng tôi nghĩ Nguyễn Văn Sâm có chủ tâm chi tiết hình ảnh và dài dòng, du dương, câu văn nhiều nhạc tính - dài theo hơi kể chuyện, lối "nói" văn chương truyền thống trong Nam, du dương theo lối nói "vè", vần điệu, của ca dao, của nói thơ Vân Tiên hay mấy câu cải lương vốn thường dài hơi. Tất cả như cốt để khơi dậy nơi người đọc những cảm xúc sâu đậm, những tiếng thở dài và cả những phẫn nộ khi xem đến dòng kết truyện.
Từ Câu Hò Vân Tiên qua Khói Sóng Trên Sông, Nguyễn Văn Sâm đã chứng tỏ có kỹ thuật văn chương, cái "tải đạo" của ông nếu có, thì cũng thuộc về nhân đạo tự nhiên như con người thì phải thế. Chờ Cho Trăng Lặn là một điển hình, tác giả viết về một mối tình đẹp trong khung cảnh văn hóa rất lục-tỉnh thâm nhiễm luân lý nền tảng á-đông, chuyện tình "thằng Thành" hay đến nhà con Kén nghe nói thơ Vân Tiên. Hai đứa hạp nhãn nhau, hay ra bụi môn chờ cho trăng lặn. Nhưng con Kén lấy chồng giàu mẹ cha ép gả, thằng Thành "chất chứa mối u tình nặng trĩu lòng nó, nặng nhưng vẫn còn đủ đẹp để lôi chưn nó lại, không cho cất bước giang hồ tìm quên" vì nó nghĩ chỉ có nó mới có cái tình và cái hồn của con Kén, còn cậu Hai Phó Hương Quản "tuy là chồng nhưng anh có biết cái tình cái hồn của nó nằm ở đâu đâu nà!" (tr. 175). Hình như Nguyễn Văn Sâm viết truyện này nhân cuộc tranh luận về thơ Vân Tiên trên tạp chí Văn Học (CA) (2), thể loại truyện ngắn qua ngòi bút của ông hình như có sức thuyết phục hơn là những lý luận ồn ào. Thật vậy, ông tâm tình để thuyết phục hơn là dùng luân lý hay lý luận để can thiệp vào câu chuyện. Trong những truyện về đời sống hội nhập ở xứ người, ông cũng tỏ ra hụt hẫng, ngập ngừng - như nhân vật của ông, trước một số tình cảnh; đó có thể cũng là tình cảnh chung của tất cả người Việt xa xứ!
Truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm nói chung là không khí chữ nghĩa, là tấm lòng của tác giả. Nhiều truyện ngắn trong Khói Sóng Trên Sông khiến người đọc an tâm phần nào về văn chương "miệt vườn" và bớt bi quan hơn nhà văn Nguyễn Mộng Giác năm nào nhận xét về hiện tượng "các nhà văn gốc Nam Bộ xuất hiện nhiều, và viết nhiều truyện ngắn phong tục "miệt vườn" như lúc này ở hải ngoại (...) bị "vướng cái lưới 'phản ảnh' (...) quá chú ý tới vấn đề, truyện miệt vườn đang sa vào cái tật quá khích. Nhiều truyện ngắn viết ở Âu-châu, Bắc Mỹ năm 1992 mà người đọc có cảm tưởng đang đọc một truyện của Hồ Biểu Chánh viết trước đây (gần) một thế kỷ! Kể cả lối tác giả xen vào câu chuyện giảng giải cho nhân vật nghe chuyện đạo lý thánh hiền, nghĩa là vướng lần nữa vào cái lưới "tải đạo"" (3). Chúng tôi vẫn có cảm tưởng điều này hình như đúng cho bất cứ nhà văn gốc miền nào, và cũng đúng cho một số nhà văn "miệt vườn" hiện cạn cảm hứng sáng tạo; đó là những truyện ngắn thiếu kỹ thuật và văn chương, những "chuyện ngắn", của những "văn chương ngắn ngủi" của thời gian, những cương, những kể hoài không hết!
Chú-thích
Bìa sau, Khói Sóng Trên Sông. San Jose CA: Văn, 2000.
X. Văn-Học (CA)  các số 141-142 (1-2/1998) và 149 (9-1998).
Nguyễn Mộng Giác. "Cơn khủng hoảng của truyện ngắn", Văn-Học (CA) số 79 (11-1992), tr. 19-20.
9-4-2000
 
Quê Hương Vụn Vỡ
Chúng tôi đã ngạc nhiên khi nhà văn Nguyễn Văn Sâm nhắn hỏi cảm tưởng về những truyện ngắn trong tập Quê Huong Vụn Vỡ sắp xuất-bản, vì sau những Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987) và Khói Sóng Trên Sông (2000), học giả Nguyễn Văn Sâm đã trở về nguồn văn-hóa dân-tộc với những tác-phẩm chữ Nôm, chữ Hán và văn-học Nam-kỳ lục-tỉnh cũng như đã biên tập cuốn tự điển của Huình Tịnh Của có thể tra cứu on-line.
Với tập Quê Huong Vụn Vỡ, nhà văn Nguyễn Văn Sâm trở lại thể-loại truyện ngắn, phải chăng vì những thôi thúc khác về quê hương đất nước và thân phận người Việt nơi quê nhà và ở chốn tha hương? Tập truyện gồm những truyện ngắn về hai chủ đề chính của văn-học hải-ngoại vốn là quê người và quê nhà, và ở Nguyễn Văn Sâm, nền quá khứ và hiện thực được chăm chút pha trộn như những mảnh tâm sự hay hồi ức. Như với mỗi người Việt chúng ta đã rời quê-hương sống đời lưư xứ, quê nhà đã và luôn vẫn trở về, ít ra là trong tâm trí, có khi là tưởng tiếc, trăn trở, có khi lại là những viên gạch làm nền cho đời sống mới. Và cũng có những cuộc hồi hương để sống lại, để nhận chân hay chỉ đơn thuần làm một cử chỉ gì đó nhỏ nhoi cho bạn bè, thân quyến hay hàng xóm làng cũ ngày xưa. Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, hai chủ đề quê người và quê nhà không tách biệt hẳn hòi mà ở mỗi truyện đều có những mảnh đời xưa nay trở đi trở lại, như lòng người mấy khi rạch ròi, tách bạch! Có thể nói Quê Huong Vụn Vỡ đã là những mảnh quá-khứ riêng, của tác-giả, và cũng có thể của chung, của người đọc.
Thật vậy, Quê Hương Vụn Vỡ đưa người đọc trở về với quê-hương đất nước, về thời quá vãng hoặc gần gũi, ở một miền Nam đất Việt, với những câu chuyện về những tình huống đặc biệt tác-giả không thể quên hoặc những cảnh sắc đã ăn sâu trong ký ức. Như cảnh đi hốt thuốc ở nhà thuốc Ông Tạ, đi xe thổ mộ. Như những ngôi chùa thuở ấu thời với những kỷ niệm về cái cốc của sư bác, về lời giảng dạy hành phải đi với hạnh Bồ Tát. Hay chuyện ông Sáu Hấu, người quét mộ cụ Phan Thanh Giản ở Ba Tri, Bến Tre – dọn dẹp, quét mộ đã là một cách sống cho phải đạo. Có những chuyện lùi lại những thời thực dân “mã thầu dậu” ở Chợ Lớn, thời Nhựt Bổn, dĩa hát Asia, những tên khu xóm một thời người nay chưa chắc đã nghe qua, hoặc không khí sinh hoạt một thời đã xa, v.v. Đây đó là những tình mẹ bao la, tình cha đôn hậu, những con người chân chất, bình dân, những người lính, thương phế binh, người bán vé số, v.v. với đủ cá tính xấu tốt.
Quê-hương còn là âm vang của những nói thơ, ca vè (như bài Dạy Con Về Nhà Chồng do Cô Tư Sạn ca), và những tiếng rao bán chó, bán đủ thứ tạp lục, cả những tiếng chửi thề trong những khu xóm (như của bà Hương: “Sồn sồn người nhưng du dương giọng, bà Hương có tiếng chửi không khác mấy tiếng hát ru em trưa nắng, mùi mẫn như bài ca dạ cổ hoài lang từ phu tướng lên đường, đã điếu còn hơn nghe mấy con nhỏ xóm dưới kéo vuốt lên cao ngất, nhọn lễu như kim chích nhè nhẹ, nhột nhột vô tim, lăn tăn tới từng sợi dây thần kinh trên khắp cùng thân thể, mấy tiếng chót của một câu hò ruột”).
Mặt khác, quê-hương theo người sống đời lưu xứ mà dân số tị nạn, lưu vong đó sau mấy thập niên nay rơi vào tình huống lão hóa, cao niên. Đời sống ở xứ người, lại thân già, tình cảnh có buồn có vui nhưng phần lớn hiu quạnh, lúc nào cũng thắc thỏm như thiếu thốn, chưa trọn vẹn. Nguyễn Văn Sâm đưa người đọc đến những nhà Dưỡng lão, những bệnh viện, có cả chuyện đi du thuyền (nhưng một chuyện tình và vài mảng quá-khứ lịch-sử được lồng vào), chuyện đam mê viết lách trong khi bệnh nặng không nghe lời bạn khuyên phải thanh thản, buông xã, v.v. Với những triết lý già thể lý với 'lòng sợ chết', chuyện sống chết của người thân, bè bạn,...Và với tuổi đời, tác-giả không thể không đụng đến đạo lý. Tuổi già nhìn lại cuộc đời nhận ra cái Mê lớn nhỏ đã làm hại con người ta, ngay cả với người tu hành. Rồi những chấp mê hình tướng (kỳ thị không cho con gái lấy người Việt như A Chệt, cha của A Lìn), những phân biệt giai cấp, giàu nghèo, v.v.
Truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm còn gần gũi thời sự với những chuyện tranh chấp biển đất của Trung-quốc, khiến những hố chưn voi chia cắt những người Hoa Việt sống chung từ nhiều đời (Những hố chưn voi trong lòng người). Hay chuyện người Hoa chế biến thực phẩm, dầu mè ra sao (Chuyện đổi chó), chuyện hóa chất, chuyện đẻ mướn, chuyện 'tàu lạ' hoành hành ngoài khơi, v.v. đã xảy ra từ thuở xa xưa rồi! Không lạ, nhưng khi đặt đặt để trong chuyện, thì lạ lẫm hơn bình thường!
Tất cả nếu không đã vụn vỡ tan nát thì cũng có thể là những vụn vỡ còn sót lại, nơi quê nhà, trong tâm tưởng, ở tác-giả (và ở cả người đọc). Tất cả là những tình cảnh đất nước và con người Việt Nam qua những biến cố lịch-sử và chiến-tranh và, vẫn chưa chấm dứt! Trong những truyện về đời sống hội nhập ở xứ người, ông cũng tỏ ra hụt hẫng, ngập ngừng - như nhân vật của ông, trước một số tình cảnh; đó có thể cũng là tình cảnh chung của tất cả người Việt xa xứ! Giữa những chuyện tan nát, đổi đời đỏ đen, sinh lão bệnh tử là những cảnh tượng, tâm tình thật đẹp, thật lục-tỉnh, sẽ ở lại rất lâu với người đọc với những truyện như Quê Hương Mình, Như Nước Trong Nguồn!
Quê Huong Vụn Vỡ đưa người đọc đến với một ngôn ngữ "miệt vườn" đặc biệt. Nguyễn Văn Sâm sử dụng nhiều tiếng đặc "miệt vườn", những phương ngữ làm nên cái duyên của miền Nam lục tỉnh: một lúc hèn lâu, 'quần hoè họ', nói tấn ơn, phủi đít cái rẹt, độ chừng ăn dập bả trầu, lặng trang, vóc dáng liền lạc chắc cứng, từ trước nhẫn nay,… Ông dùng nhiều từ láy: bự xộn, lẽo lự,... Chất Nam "lục tỉnh" còn thể hiện trong cách dùng chữ, trong văn phong cách viết, trong miêu tả nhân vật và tỏ lộ tâm tình. Các truyện đầy hình ảnh, so sánh: ông bà già cúp bình thiếc, sợi gân xanh hình chữ Y nổi lên như cọng rau muống già, … Ở cách đặt tên nhân-vật: Năm Đơ, Ba Gan, Tư Chịu, Tư Cụt, Út Chột,     hay thằng Đẹt, thằng Hai Biệt Động Quân, thằng Ba du kích, con Út vượt biên,  v.v. Ở Nguyễn Văn Sâm nét đặc thù còn ở chỗ thơ văn Nam-kỳ lục-tỉnh, xưa và nay, được khéo léo thêm vào theo mạch văn.
Cái duyên lục-tỉnh của Nguyễn Văn Sâm nói chung ở chữ dùng tự nhiên, trơn tuột, thân mật, không quá văn-chương hoa hoè, áp đặt mất tự nhiên. Đôi chỗ sai chính tả nhưng trung thành theo phát âm của nhân-vật khiến thêm duyên dáng và nét chân thật. Nói chung, văn chương Nguyễn Văn Sâm tưởng chừng theo truyền thống viết-như-nói, nhưng đã biến đổi, phần nào pha chế và đa dạng thêm với thời-gian.
Quê Huong Vụn Vỡ nói chung là không khí chữ nghĩa, là tấm lòng của tác giả mà ngay trong «Bài Thơ thay lời tựa: Nói với đứa cháu nhỏ mới sanh», tác-giả đã góm ghém tâm sự khi sáng-tác những truyện ngắn mới này. Và với chúng tôi, một người đọc, ngạc nhiên lúc đầu đã được đền bù xứng đáng!
17-09-2011
[Nguyễn Vy Khanh. Nhà Văn Việt-Nam Hải-Ngoại. NXB Nhân Ảnh, 2020. Tr. 510-521]
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top