Nguyên Trí – Hồ Thanh Trước, Học và Hành… Việt Nam qua các thời đại

Học và Hành… Việt Nam qua các thời đại

Nguyên Trí – Hồ Thanh Trước

 Học

Trong chúng ta ai cũng đã nghe danh từ «học» từ lúc nhỏ, khi ta vừa có nhận thức và sự hiểu biết đầu tiên trong cuộc đời làm người, «học» nó theo đuổi chúng ta suốt cuộc đời cho đến khi chúng ta rời bỏ thế giới Ta Bà.
Học nghĩa là tiếp nhận những điều ta chưa biết; hoặc bổ túc, phát triển những kiến thức đã có trước, học không chỉ ở trường mà ở khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày, «học ăn, học nói, học gói, học mở»; lúc nhỏ phải «tiên học lễ hậu học văn», rồi học chữ, học nghề, học làm người v.v…, về già tiếp tục học an lạc, học tu tập, học thiền định. «Ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý» (Ngọc không mài không thành ngọc quý, người không học không biết đạo lý), có học thì mới hành được, với kỹ thuật tân tiến hiện tại, ngay cả robot củng phải học, như Artificial Intelligence Robot thay thế hay giúp đỡ con người trong môt số ngành nghề nên củng phải «học» để tự «giải quyết một số vấn đề».
Thế hệ trẻ trước 1975, ai củng biết bài «Tôi đi học», trích trong tập truyện ngắn «Quê Mẹ» của nhà văn Thanh Tịnh xuất bản năm 1941. Nhiều người cùng thế hệ này và tôi được biết bài «La Rentrée» (Tựu Trường) trích trong tác phẩm «Le livre de mon ami» của Anatole France xuất bản năm 1885. Các tác phẩm này nhắc chúng ta những kỷ niệm của ngày đầu tiên đi học; riêng tôi, tôi không bao giờ quên hình ảnh ngày đầu tiên mẹ tôi đưa tôi đi học.
Nhớ lại năm tôi vào lớp đệ ngũ trung học kỹ thuật, trong chương trình học kỹ thuật, chúng tôi, những học sinh chưa tròn 12,13 tuổi, phải bắt đầu làm quen với các dụng cụ như búa, đe, bàn kẹp (vise), cưa, dũa, máy hàn hồ quang điện, máy dụng cụ, v.v… một vị giáo sư nói: – ở đây là «tiên học  hậu học ăn». Lúc đầu vừa nghe, chúng tôi có ý không hiểu, nhưng sau vài bài thực tập và vài thương tích với các dụng cụ kể trên, chúng tôi mới hiểu ra nghĩa bóng của câu thầy đã nói, học và hành cái khó trước,  phần sau sẽ dễ hơn.

Các phương pháp học
Học bằng cách bắt chước, phương pháp này phổ biến nhất. Thí dụ như một đứa trẻ phát triển theo một khuông mẩu và đặt hết ý chí để đạt được khuôn mẫu đó.
Học bằng cảm ứng. Đây là phương pháp rất tốt nếu nó được hướng dẫn và theo dõi bởi những người kinh nghiệm, thường được áp dụng trong các trường học.
Học bằng cách liên kết, liên kết những điều mới khám phá với cái đã biết, để tạo kiến thức mới.
Học bằng thử nghiệm và sai lầm. Thử nghiệm và điều chỉnh sau mỗi sai sót.
Học bằng sự giải thích.
Học bằng cách lặp lại nhiều lần.
Học bằng cách kết hợp.
Học bằng cách hòa nhập trong môi trường. Học sinh ngữ tại quốc gia và môi trường sử dụng ngôn ngữ đó.

Tóm tắt việc học ở Việt Nam qua các thời đại

Thời kỳ Nho học
Sau khi hai Bà Trưng bị đánh bại năm 43, Việt Nam rơi vào thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhứt, việc học ở Việt Nam gần như không có. Ngô Quyền giành lại độc lập năm 939, lập ra nhà Ngô, rồi đến nhà Đinh và tiếp theo là nhà Tiền Lê, việc học vẫn chưa được chú trọng.
Việc học ở nước ta thật sự bắt đầu từ đời vua Lý Thánh Tôn, ngài cho lập Văn Miếu năm 1070 và Quốc Tử Giám (Đại Học đầu tiên của Việt Nam) năm 1076. Việc học vào thời này chịu ảnh hưởng văn học Trung Hoa dựa trên kinh điển Nho giáo Tứ Thư, Ngũ Kinh:
 Tứ Thư
1./ Đại Học
2./ Trung Dung
3./ Luận Ngữ
4./ Mạnh Tử
Ngũ Kinh
1./ Kinh Thi
2./ Kinh Thư
3./ Kinh Lễ
4./ Kinh Dịch
5./ Kinh Xuân Thu
Việc học này chú trọng «văn chương, thi phú» mang tánh cách «từ chương», những người đi học phải thuộc các sách này mới có thể đổ đạt qua các kỳ thi và ra làm quan. Các ngành Xã hội, Chính trị, Kinh tế, Kỹ thuật, Toán học, v.v… hầu như hoàn toàn không được biết đến.

Hơn nữa, chữ Trung Hoa vào thời kỳ này không phải ai cũng học được, vì thiếu mọi phương tiện và không phải dễ học, cần vận dụng trí nhớ; vì chữ viết và cách phát âm cần phải ghi nhớ, nếu quên không cách gì tìm lại được cách viết và phát âm của chữ đã quên; vì không có phương pháp «đánh vần» như trong Quốc Ngữ Việt Nam. Vào thế kỷ 19, ở Trung Hoa, phương pháp «đánh vần» cách phát âm Hoa ngữ mang tên «PoFoMo» (ㄆㄈㄇ) được phát minh và được sử dụng rộng rãi tại Đài Loan. Tuy nhiên phương pháp này không tiện lợi vì cạnh mỗi chữ phải được ghi thêm cách phát âm PoFoMo, và củng không phải là dễ học.
Khoảng năm 1950, một phương pháp mới được phát minh, bằng cách dùng chữ cái Latin (Latinisation), phương pháp này được áp dụng ở Trung Hoa 1979-1980 và Đài Loan 2008-2009. Nhưng cũng không dễ dàng như cách học vần ngược, vần xuôi trong Việt ngữ.


Thời kỳ này thi cử khó khăn, phải lên tận kinh đô ứng thi, phải mang theo lều chõng vào trường thi, và không mấy người qua được kỳ thi. Hai bài «Đi thi tự vịnh» của Nguyễn Công Trứ và Trần Tế Xương dưới đây nói lên được phần nào việc thi cử:
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858)            Trần Tế Xương (1870 – 1907)
Đi không, há lẽ trở về không?                      Tấp tểnh người đi tớ cũng đi
Cái nợ cầm thư phải trả xong!                      Cũng lều cũng chỏng cũng vô thi
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt             Tiễn chân cô mất hai tiền lẻ 
Trót đem thân thế hẹn tang bồng                Sờ bụng thầy không một chữ gì
Đã mang tiếng ở trong trời đất                    Lộc nước cũng chờ thêm giải ngạch
Phải có danh gì với núi sông                         Phúc nhà may được sạch trường quy
Trong cuộc trần ai, ai dễ biết?                      Bốn kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa
Rồi ra mới rõ mặt anh hùng                          Á, Ớ, U, Âu, ngọn bút chì

Tuy việc học và thi cử không phổ biến rộng rãi trong đại chúng, nhưng cũng đào tạo được vài nhân vật xuất sắc, Lý Thường Kiệt (1019 – 1105); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585); Lê Quý Đôn (1726 – 1784), ông được xem như là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) một nhà chánh trị, quân sự, nhà văn.
Đại đa số vua, quan, đều có tinh thần phong kiến, thủ cựu, nên không chú trọng việc cải tổ đất nước. Như việc vua Tự Đức và triều thần, nhiều lần bác bỏ kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ, (1830 – 1871) về việc canh tân đất nước. Nguyễn Trường Tộ đã trình nhiều bản điều trần về việc canh tân, phát triển đất nước theo các nước tiên tiến ở Âu châu, nhất là về việc cải tổ giáo dục: 
-Ông đề nghị cải cách việc học, hành, thi cử, để chọn được nhân tài hữu ích. Không nên tiếp tục lối học từ chương Nho giáo. Đáng chú ý là việc ông đề nghị đem các môn khoa học vào trong chương trình học, nhất quyết phải dùng chữ Nôm để dạy học, soạn sách, và văn bản hành chánh.
Các bản điều trần này đều bị bác bỏ, không hẳn vì tinh thần phong kiến, thủ cựu của vua, quan, và cũng không hẳn vì ưa thích lối học từ chương; nhưng các môn khoa học, kỹ thuật này còn quá xa lạ trong thời kỳ đó, không được phổ biến trong nước và có thể không biết phải bắt đầu từ đâu.
Trong khi đó cùng thời điểm này, tại Nhật, Minh Trị Thiên Hoàng đã bắt đầu cải tổ đất nước, thành quả như chúng ta đã thấy, nhưng cũng trải qua không ít khó khăn, trở ngại, và cái giá phải trả trên mọi phương diện cũng không nhỏ.
Tương tự như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện củng hết lòng canh tân đất nước, nhưng như Nguyễn Trường Tộ, ông cũng không đạt được kết quả mong muốn.
Hậu bán thế kỷ 19, Nho học ở Việt Nam lần lần cáo chung, nhường cho tây học và chữ Quốc Ngữ, tiêu biểu qua bài thơ của cụ Tú Trần Tế Xương:
Cái học nhà nho đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi
 Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
 Văn chương liều lĩnh, đấm ăn xôi
 Chi bằng đi học làm thầy ký
 Tối rượu  «Sam banh» sáng sữa bò
 
Thời kỳ Tây học
Qua thời kỳ tây học, việc học được mở mang hơn, ngôn ngữ giảng dạy là Pháp ngữ, Quốc ngữ được xem như là «ngoại ngữ». Các trường được thành lập tại Hà Nội: trường Puginier 1898, trường tiểu học nam 1901, trường tiểu học nữ 1907; trường trung học bảo hộ 1908, trường trung học Albert Sarraut 1920; đại học Y khoa 1918, đại học Đông Dương 1927, v.v…
Ở Sài Gòn có trường Chasseloup-Laubat 1878; trường nữ sinh Áo Tím thành lập năm 1913, trường Collège de Cochinchine (tiền thân trường Pétrus Ký) 1927; Trường Cơ Khí Á châu (tiền thân trung học kỹ thuật Cao Thắng) 1906, v.v…
Thời kỳ này, có một số học sinh, sinh viên sang Pháp theo học tại các trung và đại học Pháp, Nhật và Trung Hoa. Thập niên 1940-1950 thêm nhiều sinh viên du học, sang Anh và Hoa Kỳ.
Thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa

Đây là thời kỳ phát triển và tốt đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam tính đến ngày nay; sau năm 1954, các trường trung và đại học được chuyển vào miền nam, quốc ngữ bắt đầu  phổ biến rộng rãi. Mở thêm các trường trung học kỹ thuật và Cao Đẳng Kỹ Thuật, Cao Đẳng mỹ thuật, Cao Đẳng Nông Lâm, Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, v.v…
Các trường trung học chương trình Pháp được duy trì, các trường ngoại ngữ được thành lập, song song với việc phát triển các đại học, cao đẳng và Học viện Quốc Gia Hành Chánh theo cách tổ chức và giáo dục theo mẩu ENA (L’École nationale d’administration) của Pháp, v.v… Không quên đề cập đến đại học quân sự Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt theo mẫu ESM Saint-Cyr (L’École spéciale militaire de Saint-Cyr) Pháp và West Point (United States Military Academy) Hoa Kỳ.
Ngoài Sàigòn, các đại học công lập còn được thành lập tại Huế, Cần Thơ, cùng các đại học tư thục dưới sự điều hành của các giáo phái, Phật giáo với đại học Vạn Hạnh; Thiên chúa giáo với đại học Minh Đức, Đà Lạt, Cao học Chính Trị Kinh Doanh, Tiểu, Đại Chủng Viện đào tạo linh mục; Hòa Hảo với đại học Long Xuyên; Cao Đài với đại học Tây Ninh, v.v…
Việc thi cử cũng được phát triển, thi tuyền vào lớp đệ thất các trung học công lập, thi tú tài 1 và 2 hàng năm được tổ chức ở các thành phố. Thi tuyển hàng năm vào các đại học Y, Dược, Nha; đại học Sư Phạm, đại học Kiến Trúc, các cao đẳng Nông Lâm Súc và cao đẳng Kỹ Thuật cùng đại học quân sự Đà Lạt, Học viện Quốc Gia Hành Chánh.
Việc thi lấy văn bằng cử nhân được tổ chức tại các đại học Luật, Văn khoa, Khoa học, v.v…
Việc xuất ngoại du học phát triển rộng rãi hơn, nhiều học bổng được chính phủ cấp, hoặc học bổng các quốc gia Âu, Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan; hoặc gia đình du học sinh tự đài thọ, ngoài Pháp còn có Hoa Kỳ, Anh Quốc, kế tiếp Thụy Sĩ, Bỉ, Đức, Gia nã Đại, Ý, Nhật, Hòa Lan, v.v…
 
Sau 1975?


Người viết bài không được biết nhiều về thời kỳ này, nhưng có một điều ngạc nhiên qua các tài liệu, báo chí trong nước: sao quá nhiều Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, quá nhiều bằng cấp! Quá nhiều trường đại học, trong khi trình độ dân trí chưa được nâng cao! Nhiều người bỏ học vì cuộc sống, vì thiếu phương tiện hoặc cảm thấy việc học không còn cần thiết.
Một anh bạn làm việc tại CENS (Centre National d’Études Spatiales Toulouse), đã có dịp về Việt Nam dạy ở Đại Học Tổng Hợp vào những năm 2000 – 2005, cho biết rằng việc học mở mang kiến thức không được chú trọng bằng việc lấy bằng cấp! Thậm chí đưa đến việc mua bằng, cấp bằng theo vị trí trong đảng! Việc này nhắc tôi nhớ đến một bài hát của ban AVT, những thập niên 60 thế kỷ trước: «mảnh bằng chỉ một gang (tay) thôi, mà sao thiên hạ họ mê quá trời».
Nhớ lại năm đệ nhất chúng tôi lo lắng vì gần hết niên khóa, gần kỳ thi tú tài phần hai, mà chương trình còn quá dài; chúng tôi hỏi vị giáo sư các môn toán, lý hóa và được trả lời rằng, nếu để đi thi tôi chỉ cần dạy các anh ba tháng, nhưng ở đây tôi dạy các anh kiến thức cho suốt phần đời về sau của các anh. Điều này chúng tôi phải nhìn nhận là rất đúng, vì sau này khi ra các đại học Âu, Mỹ, đi tìm việc làm và sau nhiều lần đổi việc, người ta chỉ hỏi ứng viên về kinh nghiệm ngành nghề, ít khi hỏi đến bằng cấp. Vì bằng cấp là có học, nhưng không có hành cũng vô dụng.
Hành
Học phải đi đôi với hành, bởi vì hành là một sự tiếp nối của học, đem sự học ra áp dụng vào đời sống, phụng sự gia đình, quốc gia, xã hội và cao hơn là phụng sự nhân loại.
Nhưng giữa học và hành còn một điều quan trọng là «hạnh»! Trong văn chương Việt Nam thường nhắc đến hai nhân vật Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu, cả hai cùng học một thầy, cùng rất giỏi, nhưng Nguyễn Hữu Cầu có học lại thiếu hạnh nên làm giặc, Phạm Đình Trọng nhờ có học và có hạnh nên làm quan. Học mà thiếu hạnh, khi hành sẽ mang lại nhiều nguy hại hơn là lợi ích cho xã hội!
Tuy nhiên học đã khó, hành có thể nói là khó hơn, vì hành khác với học ở một điểm, học có phương pháp nhất định, hành mang những điều đã học, đã biết ra áp dụng, thực hiện, phát triển, mỗi người, mỗi nhóm mổi khác, tùy theo hoàn cảnh, môi trường, điều kiện, v.v…
Khi vào đại học, chúng tôi các sinh viên kỹ sư thường có các giờ toán học chung với sinh viên ban toán, một hôm một vị giáo sư toán hỏi chúng tôi: «các anh, chị có biết sự khác biệt về quan điểm toán học giửa sinh viên ban toán và ban kỹ sư?» câu trả lời: ban toán cần biết tất cả lý thuyết toán học để có thể mang ra dạy lại thế hệ sau, hoặc dùng trong việc nghiên cứu, phát triển toán học, họ ít chú ý đến kết quả sau cùng của bài toán; ngược lại ban kỹ sư chú ý đến kết quả bài toán hơn là lý thuyết, họ sử dụng nhiều phương pháp toán học khác nhau để đạt được kết quả cần thiết cho công việc họ phải thực hiện. Điều này chứng minh việc so sánh cái khác biệt giữa học và hành nói trên. Do đó ban toán được gọi là ‘Sciences Mathématiques (ban khoa học toán)’ và ban kỹ sư là’ Sciences Appliquées (ban khoa học áp dụng). Thí dụ như «Laplace Transform» hay «Fourier Transform» là những lý thuyết toán học cho ban khoa học toán, nhưng với ban khoa học áp dụng kỹ sư điện và điện tử không thể thiếu trong việc tính các mạch điện.
Một thí dụ điển hình khác biệt giữa học và hành, ở Việt Nam ngày nay có rất nhiều đại học, nhưng không ai tìm thấy «Đại Học Bách Khoa Tham Nhũng, Hối Lộ», nghĩa là không có trường nào dạy môn này, nhưng sao môn này phát triển khá mạnh mẽ khắp nơi, khắp mọi tổ chức từ cao xuống thấp! Và trường nào củng «dạy» nói thật, nên họ «hành» rất đúng, qua báo cáo của chính phủ, được báo chí trong nước phổ biến, thành phần tham nhũng hối lộ trong chính phủ chỉ chiếm vài phần trăm trong cả nước! Tôi tự hỏi, không biết họ viết lầm hay tôi đọc lầm?
Trái lại trong cái hành không thể thiếu cái học, vì trong khi hành, đôi khi gặp trở ngại, cần phải trở về học lại cái chưa biết hay cái mới để hành cho đúng, vì vậy có các lớp «tu nghiệp, đào tạo chuyên ngành» còn được gọi là «seminar» hay «continuing education, further education» được tổ chức tại các trường chuyên môn, đại học, công ty, xí nghiệp.
 Trong suốt thời gian làm việc gần như không năm nào tôi không đi tu nghiệp ngắn hay dài hạn, thường từ một, hai tuần, vài tháng cho đến một, hai năm. Mẹ tôi thường nói, con có phước nên được đi học thường xuyên; tôi nghĩ rằng mẹ tôi nói rất đúng, vì chung quanh chúng ta bao nhiêu người không được học, vì hoàn cảnh không cho phép, hay không thuận tiện!
Làm sao để biết là mình hành đúng? Thông thường hành đúng thì đạt kết quả tốt, nhưng không hẳn hoàn toàn như vậy. Có nhiều phương pháp để kiểm nghiệm việc hành, tuy nhiên phương pháp tương đối thích hợp nhất được phát minh do ông William Edwards Deming (1900 – 1993), một Giáo sư toán, lý và Kỹ sư, người Mỹ mang tên «Bánh xe Deming (Deming Wheel)» còn gọi là PDCA (Plan-Do-Check-Act (Adjust)):
  • Lập chương trình (Plan)
  • Thực hiện (Do)
  • Kiểm chứng kết quả (Check)
  • Điều chỉnh, sửa đổi, phát triển (Act)
Và cứ như một bánh xe lăn và tiến tới, Plan-Do-Check-Act, rồi lại Plan-Do-Check-Act… kết quả càng tiến, càng gần thành quả tốt đẹp nhất.
Điều này không khác với «Chuyển Pháp Luân» trong Phật Giáo, Pháp Luân càng chuyển càng lợi ích cho chúng sanh.
Tôi lại nghĩ đến chánh sách «sửa sai» của cộng sản trong «cải cách ruộng đất»;  ai đó đã nói tóm tắt «sai rồi lại sửa, sửa rồi cứ sai, càng sửa càng sai», bánh xe cộng sản càng lăn tới, càng gây đau khổ, tại họa; đó cũng là cái «hành» của cộng sản!
 
Học và hành trong Phật Pháp
Khi về hưu, tôi nghĩ rằng việc học, hành «tình thế gian» của tôi tạm chấm dứt, chỉ còn lại sự học tập «xuất thế gian» chuẩn bị cho mình con đường an lạc, nên tôi bắt đầu học Phật pháp.
Sau một thời gian học kinh điển, học tu tập, tôi nghiệm ra rằng cái học trong Phật pháp thoạt nhìn qua thấy dễ, nhưng lâu dần càng tiến tới càng không dễ như mình tưởng!
Như «tình thế gian» việc học «xuất thế gian» phải đi đôi với hành, và hành trong Phật pháp còn khó hơn hành «tình thế gian»! Vì trong Phật pháp học mà không tu thêm lớn tà kiến, tu mà không học thêm lớn vô minh; vì tu có nghĩa là sửa, sửa mình theo giới, định, tuệ, tức là hành, hành những điều đã học do Phật dạy để chiến thắng chính mình, và chiến thắng chính mình không phải là điều dể làm.
Điều không dễ này làm tôi nhớ lại câu chuyện Thiền Sư Đạo Lâm (Ô Sào Thiền Sư) và Quan Thái Thú Hàng Châu Bạch Cư Dị về việc học và hành trong Phật giáo:
Bạch Cư Dị hỏi Thiền sư:
– “Thưa thiền sư, đại ý của Phật giáo là gì?”
Thiền sư mỉm cười và đáp rằng:
– “Không làm các điều ác, siêng làm những điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy”.
Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ, ngỡ là Thiền sư sẽ khai thị đạo lý thâm sâu cho mình, không ngờ ngài lại nói ra điều tầm thường đến thế. Cảm thấy quá thất vọng, Bạch Cư Dị nói:
– Đạo lý này đứa bé ba tuổi cũng biết nói.
Thiền sư Đạo Lâm mỉm cười:
– Đúng thế! Đứa bé ba tuổi cũng nói được, nhưng ông lão 80 tuổi làm chưa xong.
Qua đó cho chúng ta thấy cái khó trong «hành» Phật giáo, đòi hỏi nhiều cố gắng tu tập của hành giả.
Đức Phật giảng kinh Trí Tuệ Bát Nhã trong 21 năm hoằng pháp, một bài kinh rất quan trọng vì học văn tự Bát Nhã không phải dễ, hành quán chiếu Bát Nhã càng khó hơn, cố gắng hành đến thực chứng Bát Nhã mới là cứu cánh. Nguyện cho chúng sanh «Cố gắng, cố gắng hơn nữa, cố gắng hơn chút nữa, đạt đến kết quả Bồ Đề».
Nguyên Trí – Hồ Thanh Trước

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top