Chuyến Đi Biền Biệt
Nguyễn Hồng Dũng, Ph. D
www.khoahoc.netChuyến tàu lửa rú lên hồi còi rồi từ từ chuyển động. Thoa, người em gái của tôi cố gắng vươn mình đưa chiếc nón thật cao vẫy chào tiễn biệt. Không biết “được-thua” thế nào, cũng như nhiều lần giã biệt trước, tôi có cái linh cảm thành công hơn là thất bại. Nguyệt ngồi bên tôi, đôi mắt nhòa lệ quay lại ngược theo đoàn tàu với ý nghĩ ngổn ngang. Trời chiều tháng Tư nắng hạ vẫn còn bức ngạt, tỏa cái oi ả kinh niên vướn vấp thân tàu. Tôi lặng thinh nhìn hàng dừa rủ cành chạy theo bóng tàu; buồn, hồi hộp hay lòng chùn xuống thật sâu khi gia tốc mỗi giây một nhanh. Gió đập vào cửa sổ, Nguyệt đưa tay kéo sập màn gương, tôi cản lại ý chừng nhìn ngắm quê hương một lần cuối với cảm giác tê tái, âm thầm…
…Không còn cách nào khác hơn là phải ra đi. Với tội danh “tham gia chống đối chính quyền cách mạng” trong vụ án “Đồi Non Hoa Sen”, tôi gỡ hết bốn cuốn lịch trong trại giam Kim Sơn rồi bị trục xuất khỏi Sài gòn về trình diện nơi chôn nhau cắt rốn. Miền trung, quê hương tôi đón nhận hình hài gầy còm này bằng những ngày tháng đọa đày, xoi mói và khổ sai tiếp tục. Thời gian chỉ là kiếp phù du giả tạm với tiếng kẽng nông trường có sức mạnh thâu miên, để cùng với “đồng bào thật sự” của tôi trải qua bao ngày tháng tiều tụy, khổ ải, đói rách, bịnh tật, chả tha thiết gì với hiện tại, tương lai.
Nguyệt đã xuất hiện như cái phao trên biển cả mà chính tôi là kẻ ngụp lặn trong hôn mê. Cuộc sống bỗng chốc nở hoa trên đá khi nàng thường xuyên đến an ủi và khuyến khích tôi từ giã bi quan.
Vâng! tôi đã bi quan thật sự khi tất cả chỉ là áng mây đen. Cha tôi gầy gò trong lao tù để rồi mòn mỏi chờ phút giây tự do không bao giờ đến. Ông đã mất khi tuổi đời chưa quá lục tuần mà ước mơ vỏn vẹn cũng chỉ là hư ảo. Mẹ tôi tần tảo nuôi chồng, nuôi con đến độ còng lưng, tổn phổi, bữa đói, bữa no nhưng vẫn một lòng kiên trinh giúp con nối nghiệp phụ thân. Là một nhà Nho lỡ vận, gặp lúc đất nước ngửa nghiêng, cha tôi gắn liền với vận mệnh quốc gia suốt chiều dài lịch sử bốn lăm - bảy lăm mà lá cờ tiên phong vẫn duy trì ý chí quốc gia dân tộc. Vì vậy, dù chỉ là cậu con trai độc nhất, bà vẫn muốn tôi thoát ly khỏi cái xã hội đầy căm hận, độc tài và ngu xuẩn giữa sự bóc lộc con người với nhau xảy ra nhan nhản đó đây.
Nguyệt may mắn hơn khi còn cha mẹ và tình thương quyến thuộc bảo bọc chăm lo, nàng mang hơi ấm từ chất liệu yêu thương gia đình sưởi ấm cõi lòng tôi khi bị rơi vào hụt hẫng, cô đơn, đìu hiu, chán nản.
Chỉ còn vài hôm nữa là đón giao thừa mừng xuân Canh Thân. Mùa đông năm ấy chẳng được thuận gió xuôi mùa nên lụt lội triền miên thêm trận bão hãi hùng đầu tháng Chạp nhổ tốc những hàng cau, bụi chuối bên hiên, gieo cái đói vốn dĩ quá dài từ độ bảy lăm càng thêm rách tướp. Chả thiết tha gì đến hoa xuân, ban công an đã “mời” chúng tôi lên quận dọn vệ sinh đón tết bốn ngày, tất nhiên mất toi đêm giao thừa ở trong “huyện đường” thì tân niên cũng chỉ là ngày tháng phôi pha. Biết mai tôi “được mời” lên đường, Nguyệt mang tặng vài đòn bánh tét và hủ dưa kiệu trong tiến trình lao động đón xuân. Mẹ đã nhận thay tôi với tất cả tấm lòng.
Chiều mùng hai tết được về thắp hương cúng vái gia tiên, mẹ đem chuyện quà cáp mà dặn dò tôi không quên đến nhà Nguyệt tỏ lòng cám ơn. Vốn thân quen, chòm xóm với nhau, ba Nguyệt cảm được nỗi khổ tâm của kẻ mất cha trong mối hận âm ỉ thương tâm thêm cái nhìn nặng trĩu của kẻ đương quyền luôn xoi mói những bước chân hụt hẫng, chuyện vãn một hồi, như cảm nhận sự hoang phí tuổi thanh xuân khi sống ở quê hương với những tảng đá đen chực đè lên nghiến nát; ông có ý giúp tôi trốn thoát khỏi mảnh vườn có hàng tre, bụi chuối trốc gốc phơi cành.
Như đóm lửa ấm lòng, như cánh hoa mát lịm giữa sương mai, Nguyệt đã ban cho tôi những ngọt mật của hương yêu và gắn lại nụ cười trên môi tôi sau bao năm chìm khuất. hai bên gia đình trìu mến đã là nhịp cầu cho lễ đính hôn để chúng tôi cùng nắm tay đi vào cuộc đời đầy kỳ hoa dị thảo.
Ga xe lửa Bình triệu quá phức tạp với người buôn, kẻ bán, hành khách tứ phương. Chuyện cướp giật, trấn lột thêm những hù dọa của đám bộ đội phế binh về từ chiến trường Cam bốt làm tiền trắng trợn vẽ nên một bức tranh loạn sắc đầy đủ hình ảnh của tội lỗi, sát phạt, lừa dối nhớp nhơ. Tôi đã quen với không khí bất lương và lưu manh khi chung đụng giữa đám tù hình sự, nhưng Nguyệt thì sợ hãi, ngại ngùng và lo lắng khôn nguôi. Cửa ngõ của Sài gòn, bài học thuộc lòng mà nàng càng nhớ như một hòn ngọc mỹ miều, tươi tắn có “bến Chương dương, có cầu Công lý, có đường Tự do” đành đoạn giết chết ý tưởng tuyệt vời cùng sự pha trộn hỗn mang giữa màu sắc, hình ảnh và âm thanh đầy hắc ám.
Với sự dẫn dắt theo hợp đồng, chúng tôi tìm đến Phú Lâm trong căn nhà trọ để kịp sớm mai ra xa cảng miền tây hướng về vùng Trà vinh, Vĩnh long, Thốt nốt. Chưa một lần ra khỏi tỉnh thành, Nguyệt đi xa lần này là một trở ngại tự thân khủng khiếp, đường sá đầy ổ gà, ống khói xe nhả mùi dầu khét nghẹt khiến nàng bị nôn mữa, ọi ra thấu mật xanh. Có linh cảm gì đó mà nàng ngần ngại xuống phà Bắc Mỹ Thuận, cảnh chen lấn, chợ đen, đứng xe than, ngồi xe kéo, ăn xin, cùi hủi, trà đá, trái cây, chưởi rủa, giành mối là một khung trời đầy thương tâm đạp nhau mà sống. Tội nghiệp cho Nguyệt, dù tá túc dưới vòm trời xã hội chủ nghĩa đã ba bốn năm nhưng tâm hồn trinh nguyên chưa từng bị ác nghiệp bủa vây, hà huống là cọ xác với bất lương, vô đạo. Rốt cùng, chúng tôi cũng đến được điểm hẹn bến xe lôi Trà vinh, vùng châu thổ có những đầu rồng ăn thông ra biển qua các cửa Cổ chiên, Cung hầu, Hàm luông, Ba lại.
Chúng tôi nhập bọn với hai gã thanh niên cao ráo, mặc áo quần bà ba đen, củ để lộ mái tóc tân thời và cổ chân trắng phau dễ tố cáo cái gian dối của kẻ thị thành. Nguyệt kéo tay tôi đi chầm chậm đề phòng những bất trắc xảy ra, kinh nghiệm nhạy cảm và tỉ mỉ của con gái làm tôi thầm phục rồi tự trách mình hơi hấp tấp.
Chiếc đèn dầu Hoa Kỳ lóe sáng tí tẹo chỉ đủ nhận diện người đối mặt thật gần; dù vất vả và đuối sức, Nguyệt không tài nào ngủ được, thỉnh thoảng dùng chiếc khăn tay quơ nhẹ để xua đuổi lũ muỗi đói vo ve. Tiếng gà cất lên lúc canh hai, tôi thiếp đi một đỗi rồi bừng mắt dậy vẫn thấy nàng ngồi đấy trong im lặng não nề.
-Sao em không nằm nghỉ một lát cho khỏe, đi cả ngày mệt lã rồi mà! Nguyệt đặt tay lên má tôi vừa âu yếm lo lắng, vừa trấn an dỗ dành:
-Anh nghỉ cho lại sức, em không ngủ được nên mới ngồi đuổi muỗi cho anh, dường như em linh cảm bất an nên lòng bồn chồn sao đấy!
Tôi bật dậy, gượng cười cho nỗi hoang mang tội nghiệp ở nàng tiêu tan:
-Đừng vớ vẩn, mới xa nhà có vài hôm mà đã nhớ thương. Nào! nằm xuống ngủ đi!.
Tôi kéo nàng ôm chặt vào lòng, hơi ấm và tình yêu dạt dào vô tận quyện lấy nhau. Tiếng ngáy khò khò của bác chủ nhà và tiếng muỗi vù vù phát lên sóng âm thanh kì quặc. Trong sâu thẳm tận cùng gan ruột, tiềm thức tôi dâng lên niềm lo sợ mất nàng…
Động cơ máy Koler rẽ nước xành xạch chạy ngoài bờ sông. Tôi giật mình khi ai đó gọi mọi người tỉnh thức. Lay nhẹ Nguyệt ngồi dậy, tôi dò dẫm tìm đôi dép rồi theo bóng đen dắt nàng lên ghe. Bờ lau, nước thủy triều dâng lên ăm ắp, hàng dừa, hàng liễu nhởn nhơ dưới ánh trăng mùng. Chiếc tắc ráng chất chứa sáu người lướt dần ra giữa khơi rồi xuôi theo giòng nước. Tôi hít một hơi dài để đè nén những phập phồng đang phát tác. Nguyệt run sợ bần thần vì sóng nước bập bềnh đang vô tình dồn lắc bao căng thẳng hiểm nguy mà trí nàng chưa kịp tưởng tượng.
Năm tiếng đồng hồ bấn loạn, chiếc tắc ráng giảm tốc độ luồn vào rạch đước. Tôi cố hình dung ra “đầm Dạ trạch” mà xưa kia Lý Quang Phục đã dùng làm căn cứ để đánh giặc Lương biết bao gian khổ, giờ đây đứng giữa đất trời, chưa định rõ vị trí nơi nào nhưng quả thật trời đất bao la mà một chốn bình an mình chẳng có.
Lớp bùn sền sệt quyện lẫn với những gốc bần, đước, chà là chĩa ngọn những đinh ba sắt hoắc đâm vào ống chân, khủy tay, ngập ngụa đến mắt cá, tôi cố gắng lấy hết bình tỉnh để dìu Nguyệt lội qua. Vài gã thanh niên phía trước lại là người Hoa có vẻ nhút nhát, con đĩa hẹ bu lên bắp đùi vội hoảng hốt la làng ơi ới! Muỗi đói từ truyền kiếp được dịp nghe hơi người tủa ra ngùn ngụt, chúng tôi vội bẻ lá quơ tứ tung hòng tránh né sự tấn công khủng khiếp…
Mặt trời chùn xuống, ánh nắng chiều bỗng chợt buồn thiu. Trong rừng đước đôi mắt thơ ngây của Nguyệt nhìn tà dương với bao tâm trạng như tấng tuồng sắp hạ; đói, cô đơn và một nỗi chất ngất từ ký ức tự khắc dâng lên. Lòng tôi tựa hồ như lừng lững nỗi quạnh quẽ man mác ngự trị. Nguyệt không dấu được nước mắt, xìa nắm tay nàng an ủi vài lời mà khóe lệ của tôi cũng ngấn rưng rưng. An ủi Nguyệt hay an ủi mình, tôi tự hỏi để đánh bạt nỗi hắt hiu từ từ xâm lấn tâm thức. Cái lạnh giữa trời nước cỏ cây thẩm thấu vào vai gầy người con gái mộc mạc, hàm răng Nguyệt run lên từng cơn khiến nàng cúi gục xuống ngực tôi tìm hơi ấm. Nàng lên cơn sốt giữa chốn hoang vu, tôi chới với, bất lực trước viễn tượng đen thui mới chạm vào đời.
Chiếc ghe trở lại đón chúng tôi khi chập choạng quáng gà. Lên ghe, tài công không phải người ban sáng mà là cô gái khoảng độ mười lăm. Thấy Nguyệt lấm lem bùn đất và run cầm cập, cô gái cởi khăn rằn ngang cổ đưa cho Nguyệt quấn đầu. Gió thấm lạnh, tôi cám ơn nhận lấy vì hành trang hai đứa bỏ lại tất cả khi bị giục lên đường.
Đổ bộ lên gò đất khi ánh trăng mùng Ba vắt vãnh cây sào. Cô gái dẫn đường chỉ lối đi vào một mô đất đầy gai lưỡi long cắt dôi chân trần tươm rướm màu hồng. Tôi biết Nguyệt đau lắm nhưng nàng cố gắng, khoảnh khắc này chả biết làm sao hơn. Vừa đặt chân lên gò đất khô ráo, tôi nhìn qua đám chà là thấy khoảng mươi người lấm lét nhìn nhau, họ chờ túc số đầy đủ để nhập bọn bơi ra giữa khơi cho thúng vớt lên thuyền. Trời ơi! giờ phút này làm sao cho nàng biết bơi? Tôi chần chừ kiếm cách trong khi Nguyệt bắt đầu sốt run bần bật.
Dưới ngấn trăng lờ mờ vài người laoxuống nước rồi đì đùng bơi ra xa, có ai đúng trên bờ gọi ơi ới rồi tiếng thúc giục từ khoang thuyền càng vội cấp bách hơn. Tôi nao núng khi nghe tiếng hối thúc vài ba phút nữa nhổ neo; bất chấp hiểm nguy lôi tay Nguyệt dò dẫm bước xuống lòng sông nhưng bùn sình cứ dìm đôi chân trần nhận chìm tội nghiệp! Nguyệt hụt chân ngã quỵ bị uống vài hơi nước, nàng hoảng hốt la lớn rồi quờ quạng thối lui vào bờ, tôi bấn loạn đuổi theo. Chợt nhiên, tiếng AK từ sau vang lên chát chúa bắn xối xả vào đám người lố nhố trên bờ. Thuyền lớn hớt hãi rút neo quay mũi lái.
Tiếng trẻ con thét lớn rồi thêm vài người rú lên đau đớn khi làn đạn cày bụi cát bốc mùi khét lẹt. Tôi hét Nguyệt nằm xuống khi nàng gào lên sự thảng thốt, trườn người về phía trước, tôi cố kéo nàng lăn qua bờ đê. Nguyệt bậm môi rồi đẩy tôi ra, giục giã:
-Anh bơi mau ra đi, mặc em! Đừng nấn ná nữa!
Tôi chết lặng mấy giây rồi vực nàng ngồi dậy. Xuyên qua lửa đạn AK, tôi linh cảm nàng bị thương đâu đó, Nguyệt gỡ tay tôi rồi nói như van lơn qua tiếng gầm thét của loạt đạn quá gần:
-Trời ơi! Anh còn ngồi đó, tàu quay mũi ra rồi, lẹ lên kẻo trễ!. Nàng đập tay xuống đất rồi thổn thức:
-Mặc cho em ở đây, công an chạy đến kia kìa.
Ruột gan lộn thành đoạn, tôi lừng khừng nấn ná, thấy vậy Nguyệt quát lên như ra lệnh sát vào mặt:
-Chạy đi!!!
Bấm lòng lao xuống nước, tôi bơi mấy sải dài nghe trên đầu làn đạn vèo vèo. Mũi tàu như quay ngược hướng, rú ga quanh vòng lại, tôi gắng gượng toàn sức bình sinh quạt cánh tay liên hồi, may quá, tôi vớ được giây neo cũng là lúc sự rã rời ập xuống…
Hai mươi mốt ngày kế tiếp, chiếc thuyền lần lượt thủy táng mười bảy người trong tổng số sáu mươi lăm hồn phiêu phách táng. Hết nước, cạn lương thực từ ngày thứ năm, tàu chết máy nổi trôi vô định, tôi chỉ sống với niềm tin mãnh liệt vào một sự mầu nhiệm của Bồ tát Quán Âm và của Nguyệt. Những giọt sương khuya trên bon tàu và nghìn vì sao lấp lánh giữa không trung là ánh lửa rực sáng trong tự tâm sâu kín nhất mà hồn tôi lèo lái cái xác thân ngũ uẩn hầu như tê liệt cảm quan. Tôi thiếp đi bao lần rồi lại hồi tỉnh, tiếng rên rỉ tận đáy lòng như một mệnh lệnh cực kỳ linh thiêng cho mũi tôi tiếp tục hít thở, tim tôi không được ngừng đập để ngày mai cùng Nguyệt vào đời!.
Palawan đón nhận con tàu định mệnh 65/17 với tình thương tỵ nạn của kiếp nhân sinh.
Ngày tháng ê chề của nhớ nhung phủ lên đầu lớp muối tiêu ngấn bạc. Bốn tháng sau nhận được tin nhà, em gái tôi ngập ngừng viết chưa trọn ý: “-Vết thương hằn sâu vào ngực, máu ra nhiều trên con lạch thiếu bước chân người, Nguyệt đi vào giấc ngủ thiên thu ở vùng đất cực nam tổ quốc!”
Tôi hét lên một tiếng thảng thốt, trố mắt nhìn kỷ từng nét chữ trong thư với hy vọng kẻ nào viết cho ai đó, nhưng không! nét chữ của Thoa mà chính tôi đã bao lần cầm tay em tập viết; trời ơi là trời!.
…Tôi sống như kẻ mộng du bên mái hiên chùa Quảng Đức để hàng ngày chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm của kẻ vừa đến. Sự kiện người ăn thịt người để sống sót trên con tàu lênh đênh giữa biển cả hàng bốn năm chục ngày, chuyện hải tặc Thái lan cướp bóc, bắn giết đàn ông để hãm hiếp đàn bà phụ nữ rồi dẫn đi mất tích, chuyện bán bãi rồi dàn cảnh cướp giật của đám công an biên phòng v.v cứ chồng chất thêm nổi bi ai, thấm thía cho bao kẻ được mệnh danh là “boat people” chưa thể hoàn hồn.
Mười tháng sau có tên lên đường sang Hoa Kỳ, nhìn hàng vạn chiếc xe xuôi ngược giữa đại lộ thênh thang, tôi quyết định đứng lên trên đôi chân hụt hẩng để hóa thân thành Nguyệt trong tôi. Ngày tháng học tập, làm việc được nhân đôi vì không để thời gian trống vắng cứ níu kéo vào dĩ vãng đau thương. Khi ủy ban cứu nguời vượt biển đầu tiên được hình thành để gây quỹ cho các chuyến tàu ra khơi làm nhiệm vụ vớt đồng bào chơi vơi trên đại dương, tôi thấy lòng mình xao xuyến muốn nhập cuộc tức thời vì giờ phút này trên mặt đại dương mênh mông kia có hàng vạn đồng bào tôi đang chết khát, hay đang bị tả tơi sau những trận hãm hiếp cướp giết phi tang.
Người tỵ nạn vẫn còn thưa thớt nhưng tấm lòng bà con đã thể hiện tràn đầy bằng tờ bạc năm, mười hay hai mươi Dollar. Tôi hăng hái làm mọi công tác để có thật nhiều tiền gởi đến các chuyến tàu tình thương vì số tiền có được tương đương với mạng người đang chới với chết khát đến nơi. Chúng tôi tự nguyện thành lập một nhóm gồm Tường Vi, Hữu Lực ôm thùng lạc quyên đứng trước cổng chùa Giác Minh hay giáo đường Magaret trong những ngày cuối tuần. Mỗi bản tin đưa về kèm theo con số và hình ảnh những chiếc tàu được vớt, bao mệt nhọc và sầu khổ trong tôi chợt vụt tan và niềm tin yêu càng tăng lên giữa tình người nhân ái.
Chẳng ai biết rằng, trong tận cùng sâu kín của đáy lòng, việc làm không tên của tôi suốt mười mấy năm ròng chỉ xin chút hồi hướng cho một người được yên lòng nơi cõi chân như tịch tịnh.
Nguyễn Hồng Dũng