Nguyễn Đức Sơn,
nhà thơ ngông đồi Phương Bối
Trịnh Thanh Thủy
Từ trái: họa sĩ Hồ Hữu Thủ, họa sĩ Dạ Thảo, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
Tôi được quen biết nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tức Sơn Núi hay Sao Trên Rừng qua bạn tôi, họa sĩ Đào Nguyên Dạ Thảo. Tuy nhiên tôi chưa từng gặp ông dù có thư từ qua lại, dù rất mến thơ của ông vì mỗi người mỗi phương. Mới đây Dạ Thảo cho tôi biết hiện bệnh của ông đang trở nặng, tôi cảm thấy lo lắng nhiều đến sức khoẻ của ông. Tôi chỉ sợ không may thì…
Nếu đồi Phương Bối vắng bước chân ông, trăng Phương Bối tìm đâu ra cái bóng đồng hành để cùng say khướt đổ nghiêng bên những gốc tùng xanh ngắt? Cây ổi đồi cao tìm đâu ra tên đạo chích ăn trộm nửa quả ổi rụng đã bị dòi ăn nửa kia?
Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên.
(Rụng một trái)
Rừng Phương Bối cũng không thể thiếu đi một ánh Sao, một gã Du Tử có hỗn danh là Sơn Núi, lúc cô đơn thì đi luồn vô núi, khi mệt nhoài, chân rục rã, thì đi luồn ra núi. Thế gian còn ai ngông nghênh hơn một người thơ, khuya nằm nghe đá hát, sáng dậy ngắm hoa nở, để thấy chính mình mênh mang thiên thu một màu xanh.
Ta và đá
Hồn xanh
Như lá
(Thiên Thu)
Tự do là đôi cánh, ngục đá là cái chuồng nhốt đôi chân con chim Hoàng Oanh bay nhảy về phương trời vô tận. Có sống đời cá chậu, chim lồng, tiếng hót con chim mới u uất làm sao khi nó mở miệng chửi cha sự sống.
Khi không ta lại ngồi tù
Tiên sư ai biết một ngày thiên thu
Đêm nằm nắm chặt con cu
Đâm qua lao xá cho mù trăng thâu
(Tạm vui)
Càng sống đời lao xá, tiếng thơ bị dồn nén càng cao cung uất hận. Một Cao Bá Quát ở trong tù còn chửi “đù cha kiếp” khi nghĩ đến “ba hồi trống giục” của pháp trường, huống hồ gì một Nguyễn Đức Sơn chỉ đòi đâm mù trăng thâu lúc ngồi tù. Ai trong đấy không mơ giấc mơ thoát cũi sổ lồng?
Đêm mơ
Trốn về nhà
Ôm con gà
Ta khóc
(Đêm mơ)
Ngôn ngữ ông dùng vừa tân, vừa cổ, vừa lãng mạn, vừa dung tục. Khi trắng, khi đen, phơi bày lồ lộ, lúc mờ, lúc nhạt, thơ thẩn, lượn lờ, kỳ ảo. Có thể nói, có hai cực trong con người ông, khi chánh, khi tà, khi thô ráp, lúc dịu dàng, âu yếm. Là một người viết nữ, tôi đặc biệt chú trọng rất kỹ cái cách mà ông dùng từ ngữ trong thơ ca để miêu tả người nữ của ông. Kỹ thuật gây sốc bằng những từ ngữ được gọi là “tục tằn” được ông sử dụng nhiều trong thơ ông đã tạo nên những tranh cãi không những cho những người đọc thơ ông mà cho cả nhóm chủ trương Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng của chúng tôi vào thập niên 2000. Khi ấy những bạn bè trong nhóm chúng tôi người bênh, kẻ chống những từ ngữ của ông dùng, đã tạo nên những cuộc tranh luận vô cùng hào hứng.
Có lần tôi viết thơ cho ông, nói về những cảm nhận của mình về lối ông làm thơ cho người nữ. Tôi nhận xét rằng ông phải yêu người nữ ấy lắm mới làm nên được những vần thơ như vậy. Ông phủ nhận điều này như một điều thú tội…
Thủ bút của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
Dẫu sao tôi chỉ đọc và nhận xét thơ ông dưới con mắt chủ quan của riêng mình, còn tình yêu của ông và nàng thơ của ông ra sao chỉ có mình ông biết. Tuy nhiên trong cái cách ông mắng yêu và xem tụi con gái chúng tôi và Dạ Thảo là gà, vịt, giun, dế, tôi thấy vui vui một cách thú vị. Ông cũng gọi con ông, vợ ông là con gái, gái con, con nhóc, con cóc, con nhái. Có lẽ ông cũng hiểu hơn ai hết cái tính ngang bướng, ngông nghênh, hành động theo ý riêng của mình không kể hậu quả, thiệt hơn, nên ông lấy bút hiệu là ngôi sao cô đơn mắc đoạ trên rừng. Bửu Ý đã gọi Nguyễn Đức Sơn là hình ảnh của một con tê giác, đơn độc, quắt queo, từ cách ăn nói cho đến dáng đi, húc đầu về phía trước.
Gái con
Con gái
Con cóc
Con nhái
Con cái
Con nhóc
Chưa bóc
Em ra
Hồn ta
Gần khóc
Hay
Gái con
Con gái
Dấu mãi
Trong hang
Cái màng
Thiên địa
Run lịa
Hồn anh
Mong manh
Ngàn kiếp
Người con gái đương xuân như đóa lan rừng thơm ngát vừa hé nở đêm trăng mười sáu. Gã thi nhân ngủ quên trên bờ cỏ ướt, nằm mơ thấy mình là chú bướm đêm vơ vẩn bay đi tìm mật. Gã chợt thấy mảnh hồn mong manh của mình run bắn, đôi cánh bướm bỗng chập chờn hư ảo như ngã vào mông lung khi đối diện cái màng thiên địa tinh tuyền của nhụy hoa. Ôi đẹp làm sao ngôn ngữ xác thân mà Nguyễn Đức Sơn đã dùng để tả người con gái băng trinh còn dấu cái màng thiên địa trong hang!!!
Gái con
Con gái
Cái gái
Con con
Trắng nõn
Trắng nà
Ngọc ngà
Trời đất
Bất nhất
Vạn niên
Gậy thiền
Chưa thọc
Thuật dụng ngữ trong thơ ca càng giản đơn, càng cô đọng, chữ dùng càng phải chắt lọc. Trong bài thơ 12 câu ở trên, hai câu cuối thật sự gây sốc cho tôi khi đọc: “Gậy thiền, chưa thọc.” Tôi nghe người ta nói “cái gậy của thằng ăn mày” hay chọc lung tung, nhưng cái câu “Gậy thiền, chưa thọc” được dùng trong ý nghĩa nội dung bài này, quả làm tôi sửng sốt. Ý nghĩa cây “gậy thiền” được giảng theo nhà Phật là cây gậy của trí tuệ, của chánh niệm. Cây gậy của chặt đứt lục căn, lục trần, lục thức. Cây gậy đánh tan vọng tưởng, giúp tâm ta sáng suốt, và biết dùng trí tuệ để khắc phục vô minh để đem lại sự thanh tịnh, tinh khiết trong tâm của chúng ta. “Gậy thiền” được dùng như cái chân thứ ba của con người hay cái gậy của thằng ăn mày của Nguyễn Đức Sơn trong bài thơ ở đây, ắt hẳn không có cái nghĩa của thiền tông mà chỉ có thể được xem là ngôn từ “phạm thánh.” Nhưng với ông phạm thánh là chuyện thường ngày và không biết trong lòng ông có vị nào là thánh không nữa.
Bên bờ suối
Anh tặng em
Hai củ khoai lang
Một trái chuối
Ăn rồi
Còn thấy tử sinh
Đắm đuối
(Trưa)
Giấc mơ và đời sống là hai thực thể khác biệt. Bên những vì sao sáng vẫn có những làn sương che mờ ánh sao. Tuy nhiên em ơi dù sống khó, con chim trong thơ ca gã du sỹ vẫn hót véo von buổi trưa nào bên bờ suối. Hắn không quên trao em món quà đơn sơ một trái chuối và hai củ khoai, mà vẫn thấy hạnh phúc của tử sinh sao mà ngọt.
Tôi có vài người bạn đến chơi thăm ông ngày ông còn khoẻ, có kể tôi nghe về hoàn cảnh sống của ông trong rừng Phương Bối rất cơ cực, nên món quà chuối và khoai lang quả là hình ảnh tả chân của ông trong thơ ca.
Sao lạnh quá
Không thấy bóng Hạnh
Đi qua
Đứng từ xa
Tôi đã thấy
Núi khóc
(Chiều ơi)
Cũng có lúc núi cũng phải lạnh, phải khóc hu hu khi không thấy bóng người. Gió đã quên lời hẹn hò, cây đã ngưng tiếng rì rào, trái tim và đôi mắt cùng nhau buông thả…
Cùng với thơ
Chẳng lẽ
Chỉ còn có
Một cách
Là đứng một chân
Trên núi
(Sống)
Ôi sống với thơ là một khốn khó vô biên. Làm thơ và để sống còn cùng thơ mà không chết vì đói, có lẽ là một nan giải đời người. Nhà thơ yêu núi, yêu đá Nguyễn Đức Sơn đã tự hỏi bao nhiêu lần trong tuyệt vọng, làm sao có thể sống với thơ và làm thơ mà không phải ăn, phải uống, phải lăn lộn mưu sinh cho vợ con và gia đình. Và ông đã tìm ra giải pháp “đứng một chân trên núi”!!!
Từ trái: họa sĩ Đinh Cường, chị Phượng (vợ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn), nhà văn Bửu Ý