Nguyễn Châu: TỪ “NHÂN VĂN GIAI PHẨM 1954” đến Vụ Án Văn Nghệ thời Đổi Mới 1988 ​​​​​​​

 
TỪ “NHÂN VĂN GIAI PHẨM 1954”
đến Vụ Án Văn Nghệ thời Đổi Mới 1988

Nguyễn Châu
Từ tháng 10 năm 1954, ngay sau khi Cộng sản Việt Nam (trong lốt Việt Minh) về Hà Nội, lập chính quyền, báo chí, sách, truyện và thơ được xuất bản đều đầy dẫy những bài ca ngợi Đảng Lao Động, tán tụng Hồ Chí Minh. Hầu như nơi nào Bác và  Đảng cũng được tâng bốc lên tận trời cùng với lãnh tụ Staline của Nga. Ngoài ra, còn có những bài thơ sắt máu, kêu gọi tàn sát địa chủ, phong kiến, phản động và lưng chừng.
Tiêu biểu như:
 Tố Hữu tán tụng Hồ Chí Minh và Xít-Ta Lin (Staline):
“Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng vô sản
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ cách mạng
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình.”
và:
“Chúng ta có Bác Hồ
Thế giới: Sít Ta Lin.
Đảng ta phải mạnh to,
Thế giới phải đỏ mình.”
Tố Hữu hô hào tàn sát:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Sit Ta Lin... bất diệt.”

Xuân Diệu nịnh Hồ Chí Minh:
“Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm,
Nghe lời Bác dạy khuyên răn,
Chúng con ước muốn theo chân của Người...
Chúng con thề nguyện một lời:
Quyết tâm thành khẩn... lột người từ đây.”
Và Xuân Diệu đã hò hét, bắt nạt nhân dân (kiểu “nịnh trên, nạt dưới”):
“Anh em ơi! quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung kẻ thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi...”

Trước tình trạng văn nghệ này, các văn nghệ sĩ chân chính, còn giữ được nhân tính, đều gác bút, hoặc tìm cớ trốn viết để khỏi bộc lộ ý tưởng “không tán thành” đường lối của Đảng. Nỗi bất mãn chỉ âm ỉ trong thầm lặng, chưa ai dám ra mặt công kích Đảng, chỉ nói bóng gió thôi.
Đùng một cái, ngày 20-2-1956, lãnh tụ cộng sản Liên Xô Krushchev đọc bài diễn văn lên án và hạ bệ Staline trong Đại Hội Đảng Cộng Sản Quốc Tế. Bài diễn văn bị cấm phổ biến. Nhưng tài liệu đó đã bị lọt ra ngoài, vài tờ báo Pháp đã đăng tải, cho nên cộng sản Việt Nam cố tình giấu nhẹm đi mà không được.
Thế là ý hướng chống Đảng núp dưới hình thức chống tinh thần Staline bắt đầu nhen nhúm. Tháng Ba, 1956, cuốn “Giai Phẩm Mùa Xuân” ra đời, Phùng Quán viết bài “Cái chổi quét rác rưởi”, Lê Đạt, bài “Ông Bình Vôi”; Trần Dần, bài “Nhất định thắng”.
Bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần dài 500 câu, mô tả cảnh đói rét của đất Bắc và nỗi đau buồn trong lòng người Hà Nội. Trần Dần đã bị kết án bởi cái điệp khúc bi thương trong bài thơ:
“Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy biết bao thương xót
Tôi bước đi
     không thấy phố
          không thấy nhà
               Chỉ thấy mưa sa
                      trên màu cờ đỏ...”

Bị đưa ra “kiểm thảo” trước Hội các Nhà Văn hàng trăm người, rồi bị quy tội phản động, rồi bắt giam. Uất ức, Trần Dần đã dùng dao cạo râu cứa cổ tự tử, nhưng không chết được.

Ngày 25-6-1956, bên Trung Cộng, Mao Trạch Đông đưa ra chính sách “Bách hoa tề phóng” (Trăm Hoa Đua Nở). Thừa thế, “quần chúng văn nghệ” miền Bắc đã vùng lên tấn công vào thành trì của Đảng. Ngày 29-8-1956 Giai Phẩm mùa Thu, tập I ra đời, Phan Khôi giáng một đòn trí mạng vào giai cấp lãnh đạo. Báo Thời Mới phụ họa, so sánh bài của Phan Khôi với “quả bom tạ” thả xuống giữa thủ đô Hà Nội. Để mở rộng chiến trường đấu tranh chính trị, Nguyễn Hữu Đang và Trần Duy cho ra tờ Nhân Văn. Số 1, ra ngày 15-9-1956, sinh viên hưởng ứng và nhập cuộc với tờ Đất Mới, nội dung chống Đảng. Tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính cũng chuyển hướng theo phong trào đả kích Đảng. Tờ Nhân Văn số 2, ngày 30-9-1956, mở đợt tấn công mãnh liệt vào nạn bè phái lãnh đạo. Ảnh hưởng của Giai Phẩm và Nhân Văn đã lan rộng trong quần chúng nhân dân và len vào một số báo chí của Đảng, của Mặt Trận Tổ Quốc...
Đảng cộng sản đã phản ứng rất thâm độc và tàn bạo, từ đóng cửa báo, khủng bố ngầm đến vu cáo, rồi bắt giam hoặc đưa đi lao động cải tạo vô thời hạn.

Nhà nước Cộng sản đưa ra Chiến dịch Trăm Hoa Đua Nở cho sáng tác thoải mái, sau đó buộc những văn nghệ sĩ có khuynh hướng tự do làm kiểm thảo và đưa đi chỉnh huấn, rồi cải tạo (giam giữ tại các địa phương như tù khổ sai). Đặc biệt trong giai đoạn này là Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm: đợt đầu tiên danh sách gồm 304 văn nhân, nghệ sĩ bị coi là lệch lạc đường lối và làm tay sai cho địch. Bốn người cự tuyệt không đi: Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An và Nguyễn Hữu Đang. Hồ Chí Minh ra lệnh bắt giam Thụy An và Nguyễn Hữu Đang vào nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Trương Tửu bị cách chức giáo sư Đại Học Văn Khoa, vợ ông bị rút giấy phép buôn bán. Trần Dần bị tập trung cải tạo dài hạn, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan đều bị đi học tập cải tạo cho đến sau 1975. Các cuộc đấu tố Văn nghệ sĩ cũng diễn ra vô cùng khốc liệt và thê thảm. Ông Phan Khôi, lúc đó 73 tuổi, lại là người có uy tín đối với giới trí thức, đã tham gia cách mạng từ đầu, nên Cộng sản thi hành phương sách cô lập, cấm mọi cuộc thăm viếng và tiếp tế. Tiến Sĩ Triết Học Trần Đức Thảo vì đòi hỏi tự do, đã được “Bác Hồ” cho về một miền quê hẻo lánh, đi chăn dê ba năm để học tập thêm với nhân dân. Ông sang Pháp, sống lây lất và chết tại Paris năm 1993.

TÁI DIỄN BI KỊCH  NHÂN VĂN GIAI PHẨM SAU 1975: VỤ ÁN VĂN NGHỆ LANGBIAN Năm 1989”
Khi Liên Xô phát động “đổi mới” thì tại Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Văn Linh cũng đưa ra chủ trương “đổi mới tư duy”, “nói thẳng, nói thật”, “cởi trói văn nghệ” vào cuối thập niên 1980. Lập tức nổi lên phong trào đả kích việc nhà cầm quyền Cộng sản không cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Tại Đại Hội Nhà Văn Cộng sản kỳ 4, ngày 20 tháng 10-1989, tại Hà Nội, nhà văn Dương Thu Hương đã đọc bài tham luận đả kích chế độ về kiềm chế tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và sáng tác. Từ  Đà Lạt, các nhà văn Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự trên đường ra Hà Nội dự Đại Hội Nhà Văn đã liên kết với các Hội Văn Học Nghệ Thuật khắp miền Trung trong mục tiêu tranh đấu đòi tự do ngôn luận và sáng tác.
Nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm Mới” này quy tụ nhiều nhà văn, nhà thơ bị kết tội là “phản động, bôi xấu chế độ, là phản quốc...” như Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Mậu Lâm, Trần Hữu Hải, Hoàng An Hợp, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Đại Giang, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Hoàng Tiến, Bùi Ngọc Tấn, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Trấn... Nhà văn Dương Thu Hương bị bắt ngay sau khi bà rời Đại Hội trên đường về nhà. Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Trung Thành và Bùi Minh Quốc đã bị lên án, khai trừ khỏi Đảng, cách chức. Các sự kiện này đã cấu thành một vụ án văn chương mới.
 
CHỦ TRƯƠNG “CỞI TRÓI VĂN NGHỆ”
Chính sách cởi mở hay cởi trói của Liên-Xô đã nới rộng quyền tự do ngôn luận cho nhân dân, nhằm hoàn thành cải tổ chính trị và kinh tế để theo kịp đà tiến triển của thế giới Tây phương. Tại Việt Nam, Nguyễn Văn Linh cũng đưa ra chủ trương “cởi trói văn nghệ”, và phát động phong trào gọi là “nói thẳng, nói thật”. Trên báo chí toàn quốc, người ta thấy một loạt bài xã luận và phê bình ký bút hiệu NVL, được đoán là “Nguyễn Văn Linh” hoặc “Nói Và Làm”. Trên báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn và tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam ở Hà Nội, do Nguyên Ngọc làm Tổng Biên Tập, hàng loạt bút ký, phóng sự điều tra, truyện ngắn, thơ và lý luận phê bình rất sâu sắc nhằm mục tiêu vạch trần hiện thực của cuộc sống bi đát và hoạt động văn nghệ rập khuôn, nghèo nàn dưới chế độ do đảng Cộng sản lãnh đạo sau ngày gọi là “hoàn toàn giải phóng Miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.”(Hành Trình Cuối Đông, Tiêu Dao Bảo Cự, Văn Nghệ 1998, tr.131-132).
Trong phong trào “đổi mới” giới văn nghệ báo chí thường nhạy cảm nhất, họ đã lao ngay vào chiến dịch “nói thẳng, nói thật”, thực thi quyền tự do ngôn luận và báo chí với ý hướng góp phần thúc đẩy cuộc đổi mới để Việt Nam được có dân chủ. Các hội Văn Nghệ được thành lập khắp các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên miền Nam với những nhà văn Cộng sản đã từng vào sinh ra tử trong “chiến tranh chống Mỹ”, sau khi được Nguyễn Văn Linh “cởi trói”, báo chí bung ra, rộ lên phong trào đòi công khai và dân chủ hóa tất cả các vấn đề đất nước. Các bài báo trên tờ Văn Nghệ Hà Nội, báo Langbian ở Lâm Đồng, Sông Hương ở Huế đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam giẫy nẩy lên.
Một vài tiêu biểu trong cuộc “cởi trói văn nghệ” và  chiến dịch “nói thẳng, nói thật” này:
- Nguyễn Bắc Sơn (Trung Tá Quân Đội Nhân Dân, cán bộ tập kết), trong “Chuyện hai bố con tôi” đã tâm sự:
“Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy...”

- Hữu Loan (tác giả Màu Tím Hoa Sim, một tội phạm Nhân Văn 1956), trong bài “Chuyện Tôi Về” (trích):
“Dưới đây là đối thoại
bất đắc dĩ
cố tránh mãi
nhưng không sao tránh nổi
đến phải liều
phải nổ tung
để khỏi phát điên:
- Anh oán Đảng?
- Mấy lần bỏ về
mấy lần mời ra
cho đi nước ngoài mấy lần
không đi
bỏ Đảng
mấy lần mời lại
 không lại
Đảng không dìm
ưu đãi vô cùng
làm sao lại oán?
Không oán sao lại bỏ về?
-Vì sợ không đủ tư cách làm Đảng viên
ăn cắp, khinh dân
nay hứa mai hứa suông
mà không biết nhục
dốt mà cứ bám địa vị
 không chịu về
là hại dân hại nước
dốt như tôi mà chịu về
có hại chỉ hại vợ hại con.
- Sao anh không làm nhà?
- Vì tôi mắc làm người...”

- Bùi Minh Quốc, trong bài “Những Ngày Thường Đã Cháy Lên” (trích):
“Không có ai
Không có ai
Có thể ngẩng nhìn trời
Bình tâm mỗi sáng
Khi những thằng đểu còn trong Đảng
“Không có ai
Không có ai
Yên nghỉ đời đời
Hồ Chí Minh
 Trần Phú
 Minh Khai
Mắt các Người làm sao nhắm được?
Những ngươi mẹ vô danh
Những người lính vô danh
Đã nằm xuống trên những nẻo đường dằng dặc chiến tranh
Mắt các Người làm sao nhắm được?
........
Thưa mẹ
       Đau cùng cực
                     như đất trời vò xé
Như thuở nào mẹ quằn quại sinh con
Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom
Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng
Con xin nói
với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản
Mẹ chẳng phải là đảng viên
Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng máu ứa
Chính mẹ chứ không ai – mẹ phải nắm quyền
Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.”
(Trích BMQ – 19-8-1988)

Và trong bài “Mẹ Đâu Ngờ”:
“Mẹ đã bao phen đưa ngực gầy
Lẳng lặng trước những trận đòn trí mạng
Sau lưng mẹ – là Tổ quốc mình trong khổ nạn
là những đứa con nằm vùng mẹ nuôi giấu ngày đêm
Có những lúc mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt biết tên
Chỉ biết nó là cách mạng
Mẹ đâu ngờ
Sau lưng mình là máu đẫm trồi lên
Chiếc ghế
Có thằng con thoát chết vụ khui hầm
Trở về ngồi chễm chệ
Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao
Nói năng đứng ngồi quan trọng
Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào
Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao
Cao
     cao
             cao
đấn tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái
Không còn thấy trên con đường gập ghềnh
                                         của Tổ quốc đau thương
Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng
                                         dưới chồng đơn khiếu nại
Nặng hơn dẫy Trường Sơn.”
8-88 BMQ.

- Tiêu Dao Bảo Cự trong bài “Mở Cuộc Giao Tranh” (trích):
*“ Chúng tôi đi qua
Bờ tre ruộng lúa
Mái tranh tiêu điều
Những em bé chăn bò trên đỉnh đèo Ngang
Ngày chỉ ăn một bữa cháo mụt sắn
ngọn khói buồn quê hương
còn vương mãi suốt ngàn năm

“Chúng tôi đi qua
những biệt thự lâu đài nguy nga
bọn vua chúa thời nay vẫn còn ngự trị
rượu bia và thức ăn thừa mứa
đủ nuôi hết những người đói khổ
và người ăn mày trước cửa
vẫn run rẩy chìa tay
đợi chờ tuyệt vọng...”

*“Ai cộng sản
ai giả danh cộng sản
chân lý chói ngời sự thật
mắt nhân dân xuyên suốt lũ gian tà.”

*Lẽ nào ta hiến mình đổ máu bao năm
cho một lũ cường quyền ngồi chễm chệ
lẽ nào ta cúi đầu khuất phục
uốn mình ca ngợi lũ lưu manh
lẽ nào ta chỉ biết nhỏ máu trong thơ
khi tiếng cười ma sắc mùi hoan lạc...”
(TDBC, Hà Nội 30-11-1988)
- Nguyễn Mạnh Tấn, trong bài “Sáng Nay” (trích):
“1 THỜI CHIẾN
“Sáng nay
Thức dậy
Mới thấy mình còn sống
2 THỜI BÌNH
Sáng ra
Hết gạo, hết cám, hết mắm
Anh ơi
Vợ bó gối, con gục đầu nín lặng
heo tung chuồng, vì thiếu cám cả tuần nay
Nhưng...
Vật giá cứ gia tăng, gia tăng mãi
Người cùng heo chung số phận cuộc đời,
Sáng nay
Đi học nghị quyết
Nghị quyết nào cũng hay nhưng thực hành quá dở
Để lấp kín chuyện này
Người ta đẻ ra nghị quyết thứ hai
Và cứ thế
Hằng trăm nghìn nghị quyết được tung ra
Để xoa dịu cái dạ dày
Để thấy rằng không bất lực.”
(Buôn Ma Thuột QK. 1988).
Trước tình hình sáng tác và xuất bản như thế này, Nhà nước Cộng sản đã cho tái diễn bi kịch “Nhân Văn Giai Phẩm” của thập niên 1950, thanh trừng các đảng viên văn nghệ sĩ đã tích cực hưởng ứng “đổi mới” đòi tự do ngôn luận và báo chí. Cù Huy Cận (Bộ Văn Hóa) ra công văn nhấn mạnh “Dân chủ, nhưng phải có lãnh đạo; Tích cực đổi mới, nhưng phải có quản lý và kỷ luật.”
Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Nguyên Ngọc bị cách chức vì “có những lệch lạc nghiêm trọng”, vì Ban Biên Tập đã cho đăng những bài bị coi là “có vấn đề”... Báo Langbian của Tiêu Dao Bảo Cự bị Chế Lan Viên đánh giá là “rất xấu”; báo Sông Hương và Hoàng Phủ Ngọc Tường là “đã cơ hội một cách đáng tiếc”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ bị họ Chế chê là “cơ hội đáng tiếc” bởi vì họ Chế biết rõ bản chất của HPNT luôn luôn thủ thế nhưng nhiều tham vọng, chỉ muốn “vấy máu ăn phần” trong phong trào này. HPNT chỉ có thái độ chung chung, viện cớ “phải có phương pháp làm việc riêng để trụ vững trong phong trào “Bão táp và xung kích”, khen bài Bùi Minh Quốc hay và khen “tính chịu chơi” của hai tờ báo Langbian và Nghĩa Bình. Trong buổi gặp gỡ giữa Đoàn Văn Nghệ Langbian và Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, HP Ngọc Tường nói “Cần phải tồn tại để đấu tranh, không nên cảm tử vô ích. Huế không thiếu dũng cảm, phải làm mạnh hơn nhưng hiệu quả hơn, tránh cực đoan.” Tô Nhuận Vỹ cũng nói cùng một ý với Tường “Phải tồn tại để đấu tranh vì mất tạp chí là mất vũ khí... Sông Hương cần phải tồn tại”. Thấy thái độ thậm thụt của HP Ngọc Tường và Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Trần Thùy Mai có vẻ bực bội, nói “Cần phải khôn ngoan, nhưng đừng vì quá khôn ngoan mà cuối cùng không làm gì cả!”.
Vào thời điểm đó (1988) HP Ngọc Tường vừa được kết nạp vào đảng sau nhiều năm “phấn đấu” cho nên HP Ngọc Tường phải tỏ ra “rất ngoan Đảng”. Trong các cuộc gặp gỡ nhân dịp tiếp đón Đoàn Văn Nghệ Langbian, có Hữu Loan, Phùng Quán là hai người của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” vừa ra tù được mấy năm, HP Ngọc Tường đã công kích Phùng Quán, đặt câu hỏi tại sao lại chê thơ Trần Vàng Sao. Phùng Quán đã thẳng thừng “Hay, nhưng tôi không thích”, đúng là cách làm theo “Lời Mẹ Dặn”. Không lập lờ như Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Trong bức thư được lưu hành theo lối chuyền tay, nghĩa là bán chính thức, Chế Lan Viên viết: “Theo tôi, anh Ngọc là người rất tráo trở và tàn bạo... Ngay sau khi có quyết định của Ban Bí Thư vẫn đăng Phẩm Tiết (của Nguyễn Huy Thiệp) chửi anh Thi, anh Khải. Thà rằng anh Thiệp có thù gì với anh Thi, anh Khải cho cam. Đằng này chỉ đi làm một tên lính đánh thuê thì xấu hổ cho một tài năng như vậy quá. Hạ Nguyễn Huệ, hạ Nguyễn Du, đề cao Gia Long, thế mà nhiều người còn ra bênh vực được thì thật không còn nghĩa lý gì... Hãy coi chừng! Đừng để hôm nay nói xấu Nguyễn Huệ ngày mai nói xấu Bác Hồ. Càng tài năng càng phải khiêm tốn. Biết bao nhiêu chiến sĩ đổ máu trên chiến trường, ở Côn Đảo có tài năng. Tài năng phải đi đôi với nhiệm vụ. Chúng ta đả phá thần tượng, được. Nhưng đừng tôn kẻ vô liêm sỉ lên làm thần tượng. Céline là một tài năng, có người ví với Phaulner, James Joices đấy, nhưng cả nước Pháp phỉ nhổ vì nó theo Hitler chống Do Thái. Thế mà Trần Dần, Sông Hương, cả Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa rồi lại đề cao trên Sông Hương à?...”
...”Tìm một đồng chí tốt thay Ngọc nhưng phải là người mở rộng dân chủ, có trách nhiệm. Trong Ban Thư Ký mới không nên để những người như Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Thanh Thảo. Các đồng chí 60 tuổi cũng đừng nên tham gia vào. Các anh chọn một ấy. Tôi sắp “sáp lá cà” với sự nguy hiểm của sinh mệnh mình, tôi không thể viết dài hơn.”(CLV đang mổ ung thư phổi).
Tái Bút:
“Đừng để bọn chống Tổ Quốc đã bỏ nước mà đi, giờ đứng ở ngoài, bỏ vàng, chõ mõm vào để lái nền văn học nước ta. Bài học La Fontaine con quạ nghe cáo khen mà bỏ mất bánh sữa còn đó. Đừng để kẻ xấu “đảo chính” cả một nền văn học cách mạng vì nó mà Lê Anh Xuân, Trần Đăng đã đổ máu”.
(Chế Lan Viên, thư gửi Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Chính Hữu... trích đoạn)
Lúc đầu, Ban Biên Tập Tạp chí Langbian đem bức thư ký tên Chế Lan Viên và lưu hành theo lối chuyền tay ra phân tích, và cho rằng có thể là mạo danh. Vì nội dung bức thư chứa đầy bợ đỡ cấp trên, chỉ trích thậm tệ đồng nghiệp, đồng chí và rất sắt máu đối với các nhà văn có tinh thần đổi mới, phản tỉnh, phản kháng. Người đọc không thể ngờ thi sĩ Chế Lan Viên một thời được hâm mộ và tôn kính, mà nay lại biến chất thành tồi bại như thế này.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Nguyễn Văn Linh, người đã ra lệnh “cởi trói văn nghệ” hô hào nói sự thật, phê bình thẳng thắn, trước phong trào đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận do các đảng viên Cộng sản làm văn nghệ phát động một cách công khai và rầm rộ, nay đã phải nhắc lại rằng: ““Dân chủ, nhưng phải có lãnh đạo; Tích cực đổi mới, nhưng phải có quản lý và kỷ luật.”
Nhưng, ý kiến đa số của Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà Báo Việt Nam cuối tháng 11-1988 cho rằng cần phải theo “quan điểm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cán bộ và đổi mới phong cách mà Đại Hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định. Chỉ có sự lãnh đạo được đổi mới và nâng cao, khắc phục triệt để bệnh độc đoán, chuyên quyền, tư tưởng và tác phong “đảng trị”, chỉ có đổi mới tổ chức, đổi mới cách lựa chọn cán bộ lãnh đạo, mới bảo đảm được dân chủ thật sự.” Hội Nghị Ban Chấp Hành các nhà báo đề cập đến sự  “ra đi” khỏi chức vụ của mười mấy Tổng Biên Tập dưới nhiều hình thức khác nhau như một đe dọa ngầm của Đảng Cộng sản đối với những người dấn thân tích cực vào công cuộc đổi mới.
Tiêu Dao Bảo Cự đã viết: “Chúng ta vẫn tự hào là dân chủ xã hội chủ nghĩa hơn gấp triệu lần dân chủ tư sản. Đã đến lúc phải xét lại thực chất của vấn đề... Hiện nay, tình hình đã khác đi nhưng những người cầm quyền vẫn chưa quen với dân chủ kiểu mới hay sợ dân chủ, muốn bóp nghẹt dân chủ. Vì thế mới có vấn đề đặt ra là nên mở rộng hay thu hẹp dân chủ và đấu tranh để đòi dân chủ... Nếu người dân chỉ làm được những gì người cầm quyền bảo làm thì chắc chắn không phải là dân chủ.” (Hành Trình Cuối Đông, tr.215-216).
Báo chí đã rộ lên chiến dịch tố cáo tham nhũng, cửa quyền, chống tiêu cực, văn nghệ sĩ đảng viên và công chúng trên toàn quốc ký kiến nghị phản đối vụ cách chức Nguyên Ngọc, Tổng Biên Tập tuần báo Văn Nghệ.
Nông dân biểu tình đòi lại ruộng đất, chống cán bộ lợi dụng quyền thế chiếm đoạt đất đai của dân. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh đòi bãi miễn hai Bộ Trưởng, các hội văn nghệ, văn nghệ sĩ cùng những người hưởng ứng đổi mới tại Miền Trung Việt Nam lên kết ký kiến nghị đòi quyền tự do báo chí và xuất bản, đòi cách chức các lãnh đạo Văn Hóa ở cơ quan Trung Ương gồm Ban Tuyên Huấn, Bộ Thông Tin, Ban Tổ chức Chính phủ đã có thái độ chống đổi mới hoặc thiếu năng lực thực hiện đổi mới.
Hữu Loan đã vạch ra rằng: “Đất nước ta là nơi nói giỏi nhất nhưng làm sai nhiều nhất. Người sai lầm ít thì bị trị tội nặng không được sửa sai, như bác sĩ làm chết người, lái xe gây tai nạn bị lấy bằng, đi tù, còn những người làm sai nhiều, giết nhiều người, làm hại, làm khổ hằng triệu người thì lại được sửa sai, nói dễ dàng “sai thì sửa”.
“Người nói thật cũng bị trừng trị. Tôi cũng bị trừng trị vì tôi viết văn là nói thật. Có người hỏi động cơ viết văn của tôi là gì, tôi trả lời động cơ viết văn của tôi là thích chửi vua. Ít ai dám chửi vua nhưng vua sai thì nhà văn có quyền chửi.
“Hiện thực xã hội chủ nghĩa không là cái gì cả. Hiện thực là hiện thực. Giữa người làm văn nghệ và quần chúng bao giờ cũng nhất trí nhưng lãnh đạo chuyên thọc gậy bánh xe cản trở văn nghệ. Vụ tuần báo Văn Nghệ hiện nay phải chăng là một vụ “Nhân Văn” trước đây lặp lại?
“Cái gì, kể cả tội ác, cũng có giới hạn, nên Xít-ta-lin đang bị lên án và Tần Thủy Hoàng đã bị tiêu diệt. Lịch sử không đứng nguyên một chỗ, hậu thế có quyền đánh giá lại lịch sử. Không được dùng lịch sử để che đậy tội ác của mình hiện nay.” (Hành Trình Cuối Đông, TDBC, tr.58-59)
Chiến dịch táo bạo này do Bùi Minh Quốc (22 tuổi Đảng) và Tiêu Dao Bảo Cự (15 tuổi Đảng) cùng Hội Văn Nghệ Lâm Đồng khởi động vào tháng 3-1988, từ cao nguyên Langbian, Đà Lạt, Gia Lai, Kontum, Đaclăc... tràn xuống các tỉnh duyên hải miền Trung từ Phú Khánh (Nha Trang) ra đến Bình Trị Thiên. Cuộc đấu tranh cho đổi mới này bị dập tắt vào năm 1990. Vụ Án Langbian kết thúc với các nghị quyết số 510/NQ-TU ngày 10-6-1989, thi hành kỷ luật đảng viên Bùi Minh Quốc, Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng; Nghị quyết số 511/NQ-TU, 10-6-1989, thi hành kỷ luật đảng viên Tiêu Dao Bảo Cự, Ủy viên thường trực Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Hai người này bị khai trừ khỏi Đảng vì tội lợi dụng danh nghĩa để làm những việc mang tính chất bè phái; phạm kỷ luật, phạm nguyên tắc đảng.
Tiếp theo là hai Quyết định về hành chánh: Quyết định số 542/QĐ.NS/TƯ, ngày 22-7-1989, cách chức Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng; và Quyết định 543/QD-NS/TU cách chức Ủy viên Thường trực của Tiêu Dao Bảo Cự.
Một số kiến nghị tập thể và cá nhân phản đối Nghị quyết khai trừ và Quyết định cách chức Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự. Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và bản thân hai đảng viên BMQ và TDBC đều phản đối, không chấp hành việc khai trừ và cách chức. Khi nghe tin Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự bị khai trừ Đảng và cách chức Chủ tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và Ủy viên Thường Trực, từ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường gửi một điện tín rất tiêu cực, gồm bốn chữ “Buồn và phẫn nộ”, thế thôi. Hầu hết các Hội Văn Nghệ địa phương khác đều trở về vị trí.
Sau đó, chỉ có nhà văn Trần Thùy Mai, đưa vấn đề này ra trước Đại Hội Lần Thứ Tư Hội Nhà Văn Việt Nam. Trần Thùy Mai nói: “Làm sao một tờ giấy với một số chữ ký lại có ý nghĩa của hành vi kích động lật đổ, chia rẽ, bè phái được? Lẽ nào trong xã hội dân chủ hóa của chúng ta, người dân không có quyền bày tỏ ý kiến hay sao?... Khai trừ hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự, phải chăng cũng là kết án luôn cả 118 người đã cùng ký tên trong các văn bản, chỉ vì cái tội nói lên tâm tư, nguyện vọng với Đảng của mình?
Trần Thùy Mai kết luận: “... khi quyền lực đã ra mặt bất chấp lý lẽ, khi các nguyên tắc của xã hội dân chủ bị vi phạm, đấy là khi khởi đầu một thảm họa rất lớn, rất đáng sợ, đáng sợ hơn cả âm mưu của chủ nghĩa Đế Quốc, đó là thảm họa mất lòng tin.” (Tiêu Dao Bảo Cự, sđd, tr 305-307)
Hội viên Hội Văn Nghệ Lâm Đồng họp, Ban Chấp Hành hiện hữu đồng loạt từ chức ngày 21-2-1990. Thế là xong Vụ Án Văn Nghệ thời Đổi Mới. Nhóm ủng hộ và ca ngợi sự dũng cảm dấn thân của Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự không ai bị hề hấn gì, đều yên thân trở lại làm văn nghệ ngoan ngoãn theo sự dìu dắt của Đảng, viết lách vớ vẩn, để được ấm no, và thỉnh thoảng được cho đi “nước ngoài” hưởng thụ.
Nguyễn Châu
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top