Nguyễn Châu
Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn
RẮN là con vật thứ 5 trong vòng Tử Vi Đông phương. Đây là một trong những con vật độc hại trên địa cầu và cũng được xem như là con vật thông minh nhưng tinh quái và xảo quyệt. Do đó người tinh quái và xảo quyệt được gọi là người có "lòng rắn", "tâm xà"[snake-heart].
Tử Vi Á Ðông có một tuổi tượng hình bằng con rắn, gọi là năm Tỵ.
Có năm TUỔI RẮN, đó là:
-Rắn mạng Kim sinh vào các năm 1941 và 2001 - TÂN TỴ
-Rắn mạng Thủy sinh vào các năm 1953 và 2013 - QUÝ TỴ
-Rắn mạng Mộc sinh vào các năm 1905 và 1965 - ẤT TỴ
-Rắn mạng Hỏa sinh vào các năm 1917 và 1977 - ĐINH TỴ
-Rắn mạng Thổ sinh vào các năm 1929 và 1989 - KỶ TỴ
Năm nay 2025, Âm lịch là năm ẤT TỴ, hành HỎA [Phúc Đăng Hỏa - Lửa Đèn). Năm Ất Tỵ thuộc Hỏa nhưng là Âm Hỏa.
Về Vận Khí: Kim hư Hỏa khắc --> Thủy thịnh. Do Kim vận bất cập, thiếu hụt nên Hỏa khí thừa thế vượng trở lại hòa thành nhiệt. Thời khí này các bệnh thuộc nhiệt phát sinh, kim bị hỏa tả thì con người bị sổ mũi, hắt hơi, đại tiện có máu. Bệnh thuộc hành Âm mà quyết cách Dương tức là Dương đi ngược lên tạo nên chứng hỏa không có gốc (hư hỏa) sinh ra bệnh ở đầu, não, miệng, lưỡi. nều nặng thì lan đến vùng tim.
Về Khí Hậu: Kim bất cập nên Hỏa thừa thế bốc mạnh lên. Kim không thắng được Mộc nên cỏ cây tươi tốt. Chỉ một mình Hỏa khí vượng nên vủ trụ bị thiêu đốt trầm trọng. Theo quy luật thiên nhiên, khi Hỏa khí quá thịnh (mạnh) thì Thủy tất phải phục thù, mưa, gió, rét đột nhiên xuất phát rồi tiếp theo là băng giá, mưa đá, sương tuyết gây tai hại với vạn vật, mùa màng cũng mất. (Theo Hải Thượng Lãn Ông - Y TÔNG TÂM LĨNH tập II)
Về Thế Giới: Năm Át Tỵ, Âm Hỏa mà Âm Kim bất cập để Hỏa thừa thế vượng lên...chiến tranh vùa nóng (dương Hỏa) vừa lạnh (âm Hỏa) sẽ lan tràn và khốc liệt.
Tuổi Ất Tỵ:
- Về Nhân Cách: Các nhà trí thức Trung Hoa thời xưa cho rằng có một người tuổi Rắn trong gia đình luôn luôn là một điềm tốt (good omen), một dấu hiệu yên lành, bởi vì nó có ý nghĩa là gia đình này sẽ không bao giờ bị rơi vào cảnh thiếu ăn, đói khát. Người ta tin như vậy bởi vì hầu hết người sinh trong năm Tỵ đều khôn ngoan, sắc bén trong kinh doanh, có trực giác mạnh trong các giao dịch buôn bán, hoặc rất táo bạo trong việc sử dụng tài sản, bằng cách này hay cách khác người tuổi Tỵ luôn tìm cách để sinh lợi, để có tiền bạc... Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người tuổi Tỵ được xem như là những người canh gác kho báu. Tuy nhiên, nhu cầu này không chỉ quy chiếu vào tài sản mà thôi, nó còn hàm ý về trí tuệ, khôn ngoan và chiều sâu của sự am hiểu.
- Về Biểu Tượng: Rắn là triết gia, sự huyền bí của những biểu tượng chiêm tinh - nhận thức, trực giác và cả tâm linh (perceptive, intuitive, psychic). Người tuổi Rắn thường có tính chất quyến rũ, không phải chỉ vì phong cách rất sang trọng, lịch thiệp, rất trí thức, rất lạc quan và tinh tế, rất điềm tĩnh và bản lĩnh trong các cuộc khủng hoảng, nhưng vô cùng bí ẩn, khó hiểu. Bị lôi cuốn bởi người tuổi Rắn là vì mấy ai có thể lùi bước trước một bí ẩn?
- Về Tâm Tính: Bình tĩnh, dè dặt, trầm lặng và suy tư, người tuổi Rắn thích sự riêng tư. Vẻ bề ngoài thường khiến cho người khác thấy bí hiểm, không dò xét, đoán định được, nhưng thật sự người tuổi rắn là một công nhân tế nhị, tinh thông trong các tình huống quanh co, bóng bẩy khó suy đoán đối với chức vụ mà họ mong muốn. Người tuổi rắn hành xử và đối phó với người khác một cách chính xác và khéo léo. Tuy vậy, khả năng truyền đạt và giao tiếp không phải là thế mạnh của người tuổi Rắn, họ chỉ dựa vào sức mạnh của trực giác để tập trung năng lượng của mình. Nói tóm lại, người tuổi Rắn rất khó đoán định mặc dù họ có luận lý riêng (logic).
- Những người tuổi Rắn nổi tiếng:
- Bà Triệu thị Trinh, anh hùng lịch sử VN (Ất Tỵ,225);Cao Bá Quát, danh sĩ thời Tự Đức (Kỷ Tỵ - 1809); Đào Tấn, nhà soạn tuồng hát triều Nguyễn / Tự Đức & Đồng Khánh (Ất Tỵ 1845); Nguyễn Bá Học, nhà văn, nhà báo ( Đinh Tỵ, 1857); Tống Hữu Định, sáng lập Tuồng Ca kịch Cải Lương (Kỷ Tỵ-1869); Nguyễn Khắc Nhu, Lãnh tụ Quốc Dân Đảng chống Pháp ( Tân Tỵ-1881); Thi sĩ Thâm Tâm, tác giả "Tống Biệt Hành" (Đinh Tỵ-1917); Nam Cao, nhà văn tác giả "Chí Phèo" (Đinh Tỵ - 1917); Lý Văn Phức tác giả "Nhị Thập Tứ Hiếu" (Ất Tỵ-1785); Đại Sư Khuông Việt - Ngô Chân Lưu - thời Đinh Tiên Hoàng (Quý Tỵ-933).
- Fyodor Dostoievsky Văn Hào Nga (Nov.11, 1821); Pablo Picasso, Họa Sỉ Tây Ban Nha (Octo. 25, 1881); Jean Paul Sartre, Triết gia Hiện Sinh Pháp (21-6-1905)
- Nữ minh tinh Mary Jane Mae West (August 17, 1893) trong phim "Come up and see me sometime"; Ông Howard Hughes (Dec, 24,1905) nhà sản xuất điện ảnh danh tiếng, một nhà kinh doanh và đại triệu phú; Martin Luther King, Jr. (Jan,29, 1917) nhà truyền giáo Mỹ, nhà tranh đấu cho Nhân quyền, Nobel Hòa Bình 1964; John F. Kennedy (May 29, 1917) Tổng Thống Mỹ và Mao Trạch Đông (Dec 26,1893) của Trung Hoa cũng sinh vào năm Tỵ, tuổi Rắn. Nữ tài tử Greta Garbo (Sept, 18,1905) trong "I want to be alone" là người kiêu sa và thích xây dựng kho báu...; Grace Kelly (Nov 12, 1929) là một tuổi Rắn đẳng cấp và từng trãi, thạo đời... sau sáu năm làm minh tinh Hollywood, Rắn Grace Kelly đã lột xác và trở thành một Quận chúa (Princess of Monaco).
Rắn trong văn hóa và đời sống con người
Trong đời sống người Việt trên quê hương, rắn là một đề tài rất phong phú và hấp dẫn. Người ta nói đến các loại rắn bằng tên địa phương theo hình dung riêng không căn cứ theo nguồn gốc khoa học. Chẳn hạn, rắn cạp nong, rắn cạp nia”.
"Nong, nia” là hai dụng cụ của nhà nông thường dùng để phơi thóc lúa, bắp đậu. Nong được đan bằng tre, hình tròn, có một vành tre uốn cong vòng quanh để giữ cho mặt nong thẳng. Vành tre gọi là “cạp” như thân con rắn nên gọi là cạp nong. Nia cũng có hình dạng như nong nhưng nhỏ hơn nong một ít.
Người Việt mô tả rắn “cạp nong” và “cạp nia” như sau:
“Rắn cạp nong cỡ lớn, có khoang đen xen kẽ khoang vàng, sống lưng cao. Rắn cạp nia nhỏ hơn, có khoang đen, xen kẽ khoang trắng, sống lưng tròn. Cạp nong lười cử động hơn cạp nia. Ðều có nọc độc nhưng cạp nia độc hơn.” (Từ điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam)
Rắn cạp nong có tên khoa học là “Bungarus candidus”.
Rắn cạp nia có tên khoa học là “Bungarus fasciatus”.
Một loại rắn thứ ba thường được nhắc đến là rắn Hổ mang, chuyên ăn các loại rắn khác và các con thú nhỏ như chim, chuột. Vì mắt rắn trong suốt và bất động nên khi rắn hổ nhìn chăm chú vào con mồi, con mồi như bị thôi miên, cử động bị tê liệt, mất phản ứng tự vệ.
Rắn Và Sức Khỏe Con Người
Thịt rắn có thể ăn được. Nhiều người cho rằng ăn thịt rắn trừ được chứng nhức mỏi xương thịt. Người ta cũng nấu cao xương rắn và dùng nguyên cả con rắn để ngâm rượu nói là uống cho bổ thận cường dương.
Về rượu rắn, từ sau năm 1975, rất thịnh hành ở Việt Nam. Có hai công thức ngâm rượu rắn: ngâm một bộ ba con gồm cạp nong, cạp nia và hổ mang, hoặc bộ năm con gồm cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo và rắn lục.
Nọc rắn dùng làm thuốc chữa được nhiều bệnh.
Sách Y lý Ðông phương ghi nhận về rắn như sau:
- Rắn hổ mang (còn gọi là hổ đất), tên khoa học Naja-Naja
- Rắn cạp nong (còn có tên mai gầm) tên khoa học Bungarus fasciatus
- Rắn cạp nia (hổ khoang, vòng bạc) tên khoa học Bungarus candidus
- Rắn Ráo (còn gọi là hổ chuối) tên khoa học Zamenis mucosus
Thịt bốn thứ rắn này có tính chất ấm, vị ngọt, mặn, có độc, thẩm nhập vào tạng Can, liên quan đến gân cơ.
Dược tính: Bổ, chữa thần kinh đau nhức, tê liệt, bán thân bất toại, co giật, kinh phong sùi bọt mép, nhọt độc. Dùng dưới dạng thuốc sắc, hoặc tán bột. Liều lượng: 4 đến 12 gam/ngày tương đương 3 chỉ (đồng cân- cân Tàu).
Xà thoái (vỏ rắn lột): tính chất bình hòa, vị mặn, ngọt, đi vào tạng Can. Tác dụng: chữa các chứng động kinh nguy hiểm của trẻ em, sát khuẩn, chữa đau cổ họng, mụn nhọt, ghẻ lở. Cách dùng: Ðốt tồn tính rồi tán thành bột, có thể sắc. Liều lượng: 6 -12 gam/ngày (1 chỉ rưỡi đến 3 chỉ)
Mật rắn: Phối hợp với các vị khác, chữa ho, chứng nhức đầu khó chữa (nan y), đau lưng.
Nọc rắn: Chữa thấp khớp, viêm cơ, viêm thần kinh, hạ huyết áp. Cách dùng: tiêm hoặc xoa bên ngoài. (Thuốc Nam theo Y lý cổ truyền - DS Nguyễn Ðức Ðoàn - CLB Y học Dân tộc-1984).
Mỡ rắn: trái lại là một chất rất nguy hiểm cho cơ thể con người. Nếu một người đàn ông ăn nhằm mỡ rắn thì dương vật sẽ bị teo lại vĩnh viễn, không bao giờ có thể phục hồi chức năng sinh dục. Mỡ rắn, thường là mỡ trăn, bôi lên da sẽ làm cho chỗ da đó bị bít kín, lông không mọc ra được, da đầu sẽ không thể mọc tóc.
Theo Wolfram Eberhard trong “Chinese Symbols” thì mật rắn ngày nay rất nhiều giá trị vì những dược tính đặc biệt của nó. Tại Ðài Loan, rất nhiều thịt rắn được dùng làm thực phẩm vì được xem là có tác dụng tốt đối với con mắt.
Sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, quyển 4, trang 241-243, các vị thuốc từ Rắn:
Bạch Hoa Xà tức rắn Hổ mang (Hổ đất)
Đắng, ngọt, mặn, độc, tính hung hăng.
Tê thấp, trúng phong, đau co rút.
Mụn độc, dịch lệ, chữa dễ dàng.
Hoàng Hàm Xà là rắn Mai gầm,
Ngọt, đắng, ít độc, sắc vàng thâm.
Đùi vế, tay đau, chó điên cắn,
Phong cùi, các mụn độc đều cần.
Xà Thoát tục gọi là xác rắn
Ngọt mặn, không độc, chữa mau mắn
Trẻ con cấp kinh tà độc, trùng.
Thúc đề, bọng đau, lở lành hẳn.
Thủy Xà tục gọi rắn Liu điu (rắn nước)
Không độc, ngọt lành, tính lành nhiều.
Phiền khát, nóng xương và Ly độc,
Rắn cắn đem dùng chữa cũng tiêu.
Thủ Cung tục gọi là Rắn Mối
Khí lạnh, vị mặn, độc không nhiều.
Trẻ em Cam ly và tích khối
Khớp xương đau nhức, trùng phong tiêu
CHUYỆN RẮN TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM
Trong lịch sử Việt Nam có “chuyện rắn báo thù” một truyền thuyết để giải thích vụ án vườn Lệ Chi [Lệ Chi Viên] liên quan đến cái chết của vua Lê Thái Tông và bản án tru di tam tộc giáng xuống nhà công thần Nguyễn Trãi.
Truyện kể rằng: Khi còn dạy học ở quê nhà, làng Nhị Khê, một hôm, Nguyễn Trãi sai học trò phát quang dọn cỏ một cái gò để làm chỗ dạy học. Ðêm trước đó, ông mộng thấy một người đàn bà hiện đến, nói: “Tôi mẹ yếu con thơ xin ông khoan cho ba ngày để tôi đem con tôi đi chỗ khác rồi ông hãy sai dọn cỏ.”
Sáng sớm thức dậy, ông ra gò xem thì học trò đã dọn sạch rồi và bắt được hai trứng rắn. Nguyễn trãi hỏi, học trò thưa là “có thấy một con rắn trong bụi rậm, đánh nó đứt đuôi, nó bò đi, chỉ bắt được hai cái trứng đây.”
Nguyễn Trãi nghi người đàn bà báo mộng hôm qua hẳn là con rắn, trong lòng hoang mang. Ông đem hai trứng rắn về nhà đợi cho nở.
Ðêm hôm ấy, ông đang ngồi xem sách, bỗng thấy máu từ trên xà nhà nhỏ xuống trang sách, thấm qua ba tờ giấy, đó là máu con rắn bị đánh đứt đuôi. Khi trứng nở, hai con rắn một con ngắn, một con dài, Nguyễn Trãi sai đem thả xuống sông.
Về sau, khi Nguyễn Trãi đã thành đạt, trở thành công thần của nhà Lê, tóc đã bắt đầu bạc, một hôm đi dạo chơi, ông gặp một người con gái bán chiếu rất đẹp. Ông ứng khẩu hỏi đùa:
“Người ở đâu mà bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh phỏng độ chừng bao nhỉ?
Ðã có chồng chưa, được mấy con?”
Người con gái đáp lại ngay:
“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ.
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?”
Nguyễn Trãi thấy cô gái đối đáp tài tình, lấy làm thích thú và ưng ý, hỏi tên nàng xưng là Thị Lộ.
Một thời gian sau, cô gái bán chiếu đã trở thành người hầu hạ sớm hôm bên cạnh Nguyễn Trãi, trong Phủ đệ quan Phục Hầu (tước phong của Nguyễn Trãi).
Vua đương triều là Lê Thái Tông, nghe tiếng nàng hầu của quốc lão công thần vừa đẹp vừa hay chữ, liền phong chức Lễ Nghi Nữ Học Sử, được phép ra vào cung vua. Nguyễn Trãi về hưu, ở ẩn tại Côn Sơn, một cảnh núi rừng có suối nước trong rất nên thơ.
Một hôm, nhân cuộc tuần du ở Bạch Ðằng giang, khi trở về qua hạt Chí Linh, vua Lê Thái Tông ghé lại Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, đêm ấy, vua nghỉ tại Lệ Chi viên, Thị Lộ được đòi đến để làm thơ xướng họa cùng vua. Trong đêm ấy vua bị bạo bệnh mà băng hà. Các đình thần cho là Thị Lộ đã giết vua và thế là Nguyễn Trãi bị tội “tru di tam tộc” nghĩa là giết hết cả ba giòng họ.
Tương truyền, vụ án Nguyễn Trãi là do con rắn trả thù. Thị Lộ là con rắn hiện thành người để báo thù. Các quan bắt Thị Lộ bỏ vào cũi, quẳng xuống sông Nhị Hà, Thị Lộ hiện nguyên hình con rắn bơi đi mất.
Vụ án Lệ Chi Viên là một tội oan gán lên gia tộc Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần từ Lê Thái Tổ, ông đã sớm về ở ẩn theo nguyên tắc “công thành thân thoái” nhưng vẫn được các vua kế tiếp trọng vọng ưu ái, nên bị một số đình thần ganh tị tìm cơ hội ám hại.
Vụ án này, được truy cứu vào triều vua Lê Thánh Tôn. Vua xét ra thấy Nguyễn Trãi bị hàm oan, liền ban chiếu giải oan và truy phong Thái Sư Trụ Quốc Công, cho tìm người sống sót của giòng họ Nguyễn Trãi. May mắn, lúc lâm nạn, Nguyễn Trãi có người vợ lẽ đang mang thai đã lánh trốn xuống phía Nam, khi sinh lấy họ mẹ, tên là Anh Võ. Khi Nguyễn Trãi được minh oan, Anh Võ mới dám ra mặt, vua phong quan chức để nối dõi họ Nguyễn.
TẾ THẦN RẮN MÃNG XÀ VƯƠNG”
Cổ tích Việt Nam có chuyện thần rắn.
Truyện kể rằng: Ngày xưa tại một làng ở Bắc Việt, hằng năm dân chúng phải đem tế sống một người cho vị thần ở trong một ngôi đền gần hồ nước. Theo tục lệ thì lễ vật cúng thần là một cô gái đồng trinh mà dân làng phải thay phiên nhau dâng nạp theo lệ làng đã ghi rõ trong sổ. Trong ngày cúng thần, sau khi cúng xong, người ta để cô gái dùng làm lễ vật ở lại một mình trong ngôi đền, tắt hết đèn đuốc, để chờ thần đến hưởng. Sáng hôm sau, người ta không còn tìm thấy dấu vết gì của cô trinh nữ, cô đã biến mất một cách thần bí trong đêm qua.
Dân làng đã nhiều lần tìm cách chống lại tục nộp lễ vật một cách ác nghiệt và quái gở ấy, nhưng rồi các tai họa, dịch lệ, mất mùa lại xảy đến khiến các bậc kỳ lão lại nghĩ đến việc thần trừng phạt cho nên lại phải tái thi hành lễ tế sống người cho thần Rắn.
Cứ thế cho đến một năm nọ, tới phiên cô trinh nữ con ông tiên chỉ trong làng phải làm lễ vật cúng thần. Cô ta không trốn tránh và tỏ ra sợ hải trước số phận kinh hoàng đang chờ đợi, cô quyết tâm không bó tay chịu mất mạng. Khi bị đưa vào đền, cô mang theo hai cây mác thật sắc bén mà cô đã đặt rèn để tự vệ. Buổi chiều trong khi trời chưa tối, cô để ý thấy dưới bàn thờ có một cửa miệng hang sâu, cô thầm nghĩ chắc thần sẽ dùng chỗ này mà đến. Rồi đêm tối mù mịt, cô gái hồi hộp chờ... mắt không rời phía cửa hang, hay tay nắm chặt hai cái mác hờm sẵn. Ðến quá nửa đêm, cô gái mệt mỏi muốn thiếp ngủ, bỗng nghe tiếng thở phì phì, rồi một mùi tanh từ phía miệng hang bốc lên, đồng thời ló ra hai con mắt đỏ như hai cục than đang cháy. Cô gái xông tới trước miệng hang, dạng chân ra thủ thế rồi dùng hết sức lực của mình đâm chéo hai lưỡi mác vào đống đen đang cựa quậy. Khối đen vùng vẫy dữ dội như muốn quật ngã cô gái. Cô càng cố sức ấn mạnh lưỡi mác xuống, dùng cả người mà đè xuống và ngất lịm đi vì kiệt lực.
Sáng ngày hôm sau, người ta mở cửa đền, thấy cô gái chết đứng sừng sững, hai tay vẫn giữ chặt hai lưỡi mác đang cắm ngập vào đầu con rắn khổng lồ. Cái hang dưới bàn thờ sụp đổ vì sự vùng vẫy của con rắn. Hang này ăn thông với đáy hồ. Dân làng tát cạn nước hồ thấy nhiều bộ xương của những cô trinh nữ đã bị đem tế sống cho quái vật. Dân làng tỏ lòng ngưỡng mộ cô gái con ông tiên chỉ đã hy sinh, can đảm cứu làng thoát tai họa mãng xà vương hung ác. Cô gái được chôn cất trọng thể và được thờ trong đền như thần làng. (Phỏng theo Hoàng Trọng Miên- VNVHTT)
Trong kho tàng văn chương Việt Nam, có một bài thơ liên quan đến rắn rất độc đáo, đó là bài “Rắn Ðầu Biếng Học” của Lê Quý Ðôn, một danh sĩ đời Hậu Lê (1726-1784). Ðộc đáo là vì tác giả đã biến chữ “Rắn” trong lời mắng của thân phụ có nghĩa là “cứng”, “rắn đầu” là “cứng đầu" (obstinate, obstinacy) thành “rắn” động vật, để làm bài thơ tự phê, mỗi câu đều có tên một loại rắn. Chữ đều mang hai nghĩa:
RẮN ÐẦU BIẾNG HỌC
“Chẳng phải liu-điu cũng giống nhà,
“Rắn đầu biếng học lẽ không tha!
“Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
“Nay thét mai gầm rát cổ cha.
“Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
“Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra
“Từ rầy Trâu Lỗ xin siêng học
“Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.”
* Những chữ nghiêng là tên rắn: Liu điu (rắn nước); Ráo là rắn ráo, rắn hổ trâu, rắn mai gầm, lằn là thằn lằn (loài bò sát), rắn hổ mang...
Trâu Lỗ: ám chỉ Khổng phu tử một triết gia Trung Hoa quê ở Ấp Trâu, nước Lỗ.
Rắn Trong Ngôn Ngữ
- Cha hổ mang đẻ con liu điu:
- Chém rắn đuổi hươu
- Cõng rắn cắn gà nhà: Chỉ sự phản phúc
- Đánh cỏ động rắn (Đả thảo kinh xà/Binh Ngô Tôn Pháp)
- Đánh rắn phải đánh dập đầu
- Đồ rắn độc
- Hang hùm miệng rắn
- Hễ đi gặp rắn thì may/Về nhà gặp rắn thì hay phải đòn
- Hùm tha rắn cắn
- Khẩu phật tâm xà
- Như rắn mất đầu: Không có người chỉ huy làm mất phương hướng
- Như rắn mồng năm (ý nói lén lút, e sợ như rắn ngày Tết Đoan Ngọ, thời điểm người ta "Diệt sâu bọ"
- Nọc người bằng mười nọc rắn
- Oai oái như rắn bắt nhái
-Rắn mai tại chỗ, rắn hổ tại nhà (Rắn mai cắn chết ngay, rắn hổ về đến nhà mới nguy)
- Rắn đỗ nọc cho lươn
- Rồng rắn lên mây: tên một bài đồng dao và một trò chơi trẻ em (ít phổ biến)
- Xếp hàng rồng rắn (tại nhiều chỗ mua hàng hợp tác xã/ mua vé)
- Sư hổ mang: người khoác áo là nhà tu nhưng thực chất là hạng người xấu xa
- Thao láo như mắt rắn ráo
- Vẽ rắn thêm chân: thêm thắt chi tiết để sự việc thêm phức tạp
RẮN VÀ NGƯỜI
Trong nhiều văn hóa, Rắn trở thành một biểu tượng khác nhau. Phần đông đều xem rắn là con vật độc hại, thông minh, lanh lẹ, thận trọng, nhưng cũng tinh quái và gian xảo. Từ nhận định này, những phần tử gian xảo, tinh quái trong xã hội loài người bị xem là có trái tim của rắn (snake-heart), tục ngữ Việt gọi là “khẩu Phật tâm xà” ( miệng nói điều đạo đức ngay chính (Phật) nhưng lòng dạ ác hiểm khó đề phòng được.
Dường như đại đa số con người đều sợ rắn và không thích rắn. Nguyên do từ đâu?
Trước hết, nguyên do gần nhất là một số loại rắn có mọc độc đã gây đau đớn và chết chóc cho loài người, thứ đến là vì sự xuất hiện và hình dạng của rắn trông ghê gớm, khủng khiếp. Nguyên nhân xa là từ những huyền thoại về rắn từ ngàn xưa truyền lại.
Ðặc biệt là con rắn trong vườn Ðịa Ðàng, hóa thân của Lucifer, môt thiên thần sa đọa vì tính kiêu ngạo và tham vọng làm bá chủ. Lucifer cũng chính là quỷ Satan.
Theo truyền thuyết thì chính con rắn (Lucifer hóa thân) đã dụ dỗ bà Eva ăn trái cây mà Chúa Trới cấm, khiến Eva phạm tội không vâng lời Chúa, và làm cho Adam cũng phạm tội theo để cả hai phải bị đuổi khỏi Vườn Ðịa Ðàng, phải lang thang và vất vả trong cuộc sống.
Từ khi Lucifer hóa thân con rắn để gây tội lỗi, hình tượng con rắn trở nên xấu xa, ghê tởm đối với phần đông nhân loại. Những hành động xấu xa, đáng ghê sợ trong cuộc giao tiếp giữa con người với nhau, phần đông đều trút lên đầu rắn: nào là “lòng dạ rắn rít”, “len lét như rắn mùng năm”, “sư hổ mang” (chỉ người khoác áo tu hành để làm điều sai trái, bậy bạ.), “Xà hành”chỉ một tướng đi xấu, ngung ngoăn, uốn éo như rắn bò (tước bộ xà hành).
Rắn Trong Kinh Thánh
Bức họa Địa đàng sa ngã của Fred De Noyelle
Một cảnh được miêu tả trong Sáng Thế Ký (Genesis) – cuốn đầu tiên của Kinh Hebrew và Kinh Cựu Ước: Đức Chúa Trời đã cảnh báo Adam và Eva không được ăn trái từ “cây trí tuệ” (nhận thức), nhưng một con rắn từ trong vườn hiện ra và bảo Eva cứ cắn thử một miếng sẽ trở nên cao sang và bất tử... Eva nhín thấy trái của cây trí tuệ trông vừa đẹp mắt vừa ngon thì không kìm được cám dỗ, cả tin lời con rắn mà hái xuống ăn, rồi đưa cho Adam cùng ăn (Sáng Thế Ký 3: 6).
Thường ngày, Adam và Eve không biết là mình dăng khỏa thân, sau khi ăn trái từ cây trí tuệ, họ mới nhận thấy thân mình trần truồng và thấy xấu hổ nên họ phải dùng lá vả để che lại. Chúa Trời đã hiện ra và hỏi họ ai đã làm việc này, ai đã ăn Trái Cấm? Adam đổ tội cho Eva, Eva đổ tội cho con rắn... Chúa trời phán: "Adam từ nay sẽ phài làm đổ mồ hôi mới có mà ăn còn Eva thì phải mang nặng đẻ đau..." rồi đuổi ra khỏi Vườn Đỉa Đàng... Chúa nguyền rủa con rắn rằng "mày phải đi bằng bụng và sẽ ăn bụi trong suốt những ngày của cuộc đời mày". Sách của Jubilees vào thế kỳ II (trước Công Nguyên) chương 3 và 17 nói rằng "con rắn đã xúi Eva ăn "trái cấm" vào ngày thứ 17, tháng thứ hai của năm thứ tám sau khi Adam được tạo ra.
Nghệ thuật Kitô giáo thời Trung Cổ thường thể hiện con Rắn trong Vườn Eden là một người nữ, vì vừa nhấn mạnh tính chất cám dỗ vừa nói tới mối quan hệ của nó với Eva.
Ngoài ra, con rắn đã xúi giục Eva ăn trái cấm còn được cho là quỷ Satan, hoặc Satan đã dùng con rắn như một phương tiện để thực hiện âm mưu của mình...
Một truyền thuyết khác cho rằng Con rắn, thay vì bị coi là Satan, được giáo phái Ophite coi là một anh hùng.
Họa phẩm về Eve và con rắn trong vườn Địa Đàng.
Rắn trong tín ngưỡng dân gian Á Đông
Rắn cũng là đối tượng của một số tín ngưỡng dân gian. Người Trung hoa thờ rắn như là thần của sông nước (river-gods) nhất là các con sông lớn có hình dạng như một con rắn trườn về biển cả. Chẳng hạn, Thần sông Hoàng Hà là một con rắn nạm vàng óng ánh với một cái đầu hình vuông có những điểm son dưới đôi mắt. Vị thần rắn này rất thích các màn ca kịch, ca kịch sẽ làm cho thần trở nên dịu dàng và hòa thuận.
Một vài vị thần rắn đòi dâng cúng bằng trinh nữ vào một ngày nhất định nào đó hàng năm. Tục lệ mê tín này đã làm cho dân đau khổ rất nhiều, do đó, về sau có một người anh hùng, giả trang con gái làm vật tế thần và giết chết con rắn cứu dân khỏi tai họa.( tương tự với chuyện Vịệt Nam: Thần Rắn).
Có người tin rằng nhặt được vỏ xác rắn là điềm tốt, vậy nên giữ lấy, đừng vứt đi, sớm hay muộn nó sẽ đem lại sư giàu có cho bạn. Còn việc nằm mộng thấy rắn thì được giải đoán theo nhiều cách khác nhau.
- Thấy bị rắn đuổi là điềm gặp may
- Thấy một con rắn đen là điềm sinh con gái, thấy rắn xám là điềm sinh trai.
Người Ðài Loan cho rằng mộng thấy rắn là điềm báo sắp mất tiền của và nếu thấy con rắn chạy vòng quanh bạn thì là điềm báo bạn sẽ chính thức thay đổi một thứ gì đó trong cuộc đời; ở trường hợp này hình ảnh con rắn đang lột xác liên kết với ý niệm thay đổi. Khi một ngườn đàn ông mộng thấy chỉ một con rắn mà thôi, có nghĩa là anh ta sắp có một bạn gái mới.
Các nhà nghiên cứu cho biết là loài rắn được coi như là sinh vật rất nhiều nhục cảm và rắn có vẻ như rất nhạy cảm và bị lôi cuốn bởi mùi đồ lót của phụ nữ mà chúng gặp được. Vì vậy người ta không ngạc nhiên khi thấy người ta đồng hóa biểu tượng con rắn với dương vật. Tuy thế, một con rắn có đầu tam giác thì nó là biểu tượng của nữ giới. Nên nhớ, những ý niệm và tin tưởng trên đây thuộc phạm vi tri thức thông thường, nó không giống như trong Phân Tâm Học hay Tâm lý học.
Truyện Thanh Xà Và Bạch Xà
Vào thời nhà Tống dời đô về Lâm An, một lũ yêu ma từ trong rừng trốn ra, chúng toàn làm chuyện ác, khiến cho nhân gian phải gặp tai họa lớn. Trụ trì chùa Kim Sơn là Pháp Hải đại sư biết được, liền mang theo đệ tử là Năng Nhẫn xuống núi trừ diệt yêu quái, thay trời hành đạo. Họ đã chiến đấu quyết liệt với Tuyết Yêu, Hồ Yêu nghìn năm...
Bạch Xà ở trong núi sâu đã tu luyện được một nghìn năm, vì tịch mịch khó chịu nên cùng với Thanh Xà hóa thành hình người, lấy tên là Bạch Tố Trinh và Tiểu Thanh đến nhân gian du ngoạn, tình cờ gặp được một người hái thuốc là Hứa Tiên, Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên yêu nhau, nhưng Hứa Tiên không biết Bạch Tố Trinh am hiểu y thuật là xà tinh đã tu luyện nghìn năm. Tiểu Thanh quyết định tác hợp cho Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên, trên đường nàng gặp đồ đệ của Pháp Hải là Năng Nhẫn, hai người kết bạn, nhưng Năng Nhẫn không biết Tiểu Thanh là xà tinh. Vào lúc này, dơi tinh làm hại bách tính ở nhân gian, ai bị dơi tinh cắn phải đều sẽ biến thành dơi tinh. Năng Nhẫn không may gặp phải dơi tinh, một trận ác chiến xảy ra, Năng Nhẫn không may bị dơi tinh đả thương. Pháp Hải kịp thời đến cứu, cứu được tính mạng Năng Nhẫn. Cuối cùng dơi tinh bị Pháp Hải tiêu diệt.
Tiểu Thanh tụ tập một nhóm yêu tinh giả làm cha mẹ và gia nô của Bạch Tố Trinh, nghênh đón Hứa Tiên đến hỏi cưới Bạch Tố Trinh, cuối cùng Bạch Tố Trinh thực hiện được ước mơ kết duyên với Hứa Tiên. Lúc này Năng Nhẫn trúng phải yêu độc của dơi tinh nên thân thể dần biến thành yêu ma, cảm thấy vô cùng tuyệt vọng nên quyết định tìm đến cái chết, sau đó Tiểu Thanh xuất hiện, đem chuyện mình là yêu tinh nói cho Năng Nhẫn biết, phá hết mọi giới luật của Năng Nhẫn, nói với Năng Nhẫn rằng anh ta giờ đã trở thành đồng loại của Tiểu Thanh, bắt Năng Nhẫn đối mặt với sự thật...
Chuyện của Bạch Tố Trinh cuối cùng bị Pháp Hải phát hiện, Tiểu Thanh để Bạch Tố Trinh mang Hứa Tiên đi trước, một mình đánh nhau với Pháp Hải, Tiểu Thanh chống không nổi suýt bị Pháp Hải giết chết, may Năng Nhẫn kịp thời đến cản Pháp Hải, cứu thoát Tiểu Thanh. Năng Nhẫn đem thân hình yêu quái của mình đối diện với sư phụ, Năng Nhẫn cầu xin Pháp Hải tha cho Tiểu Thanh rồi gạt nước mắt chia tay sư phụ, Pháp Hải biết rằng Năng Nhẫn không thể nào quay đầu được nữa.
Vào Tết Đoan Ngọ, Pháp Hải truy tìm hành tung của Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên, dùng kế làm Bạch Tố Trinh hiện ra nguyên hình, sau đó hai bên đánh nhau kịch liệt, kết quả hai bên đều thua trận bỏ chạy. Hứa Tiên vì cứu Bạch Tố Trinh, quyết định đến chùa Kim Sơn tìm cỏ tiên, không may bị yêu ma mà cỏ tiên canh giữ nhập vô người. Pháp Hải vì muốn cứu Hứa Tiên không bị hủy hoại bởi yêu ma nên cùng các đồ đệ trong chùa Kim Sơn giải trừ cho Hứa Tiên. Bạch Tố Trinh và Tiểu Thanh nghe tin, nghĩ rằng Pháp Hải bắt Hứa Tiên, vội vàng đến chùa Kim Sơn tìm Pháp Hải để đòi người, hai bên lại giao đấu kịch liệt, Năng Nhẫn cũng đến giúp đỡ Tiểu Thanh. Bạch Tố Trinh cùng Tiểu Thanh dâng nước nhấn chìm chùa Kim Sơn nhưng cuối cùng thất bại, Bạch Tố Trinh bị Pháp Hải giam lại vĩnh viễn dưới đáy Lôi Phong tháp. Hứa Tiên hằng ngày đều đến quét sân quanh tháp để nhớ đến vợ mình còn Năng Nhẫn núp trên một tảng đá hướng mắt đến thầy mình. Pháp Hải ném trái táo cho Năng Nhẫn và nói rằng Năng Nhẫn rất hợp với bộ dạng này. (Theo Wikipedia)
Người Trung hoa có truyện “Bạch Xà”. Truyện kể rằng có một con rắn cái đã biến thành một người đàn bà rất đẹp. Nàng kết hôn với người thanh niên mà nàng yêu, rồi làm cho chàng trở nên giàu có. Tuy thế, chàng thanh niên vẫn tin lời của một vị sư rằng vợ anh ta là một con quỷ, mặc dù trong lúc đó nàng đang mang thai con anh ta. Vị sư cho phép đứa trẻ sinh ra, rồi buộc nàng phải gửi vào một ngôi chùa tọa lạc trên bờ Tây Hồ, gần Hàng Châu. Về sau, khi đứa con khôn lớn và trở thành một học giả có danh tiếng, anh ta tìm thăm mẹ-rắn và phụng dưỡng mẹ.
Trong huyền thoại vùng Tây Á châu, rắn thường tặng cho con người những ngọc quý và nữ trang. Một truyền thuyết quen thuộc kể rằng một chàng trai tình cờ cứu được một con rắn. Con rắn đã đền ơn bằng các tặng cho anh ta những viên ngọc quý; vị Hoàng đế thời đó ngỏ ý muốn có gan rắn, chàng thanh niên liền yêu cầu rắn hãy tặng cho anh ta lá gan. Thấy đòi hỏi của anh thanh niên đi quá xa, rắn đã nuốt luôn chàng thanh niên.
Rắn Cho Ngọc Trong Huyền Thoại Dã Tràng của Việt Nam
Chuyện rắn cho ngọc, huyền thoại Việt Nam có chuyện Dã Tràng. Dã Tràng là một thợ săn, hàng ngày vào rừng săn thú. Một hôm đi ngang qua một lùm cây, anh trông thấy một chàng rắn đang canh chừng để bảo vệ cho rắn vợ vừa mới lột xác thay da còn non yếu. Anh rất cảm kích về sự kiện này. Vài ngày sau, anh đi qua chỗ cũ, thấy con rắn đực đang lột xác, nhưng không thấy rắn cái bảo vệ. Ði một đổi đường, anh thấy nàng rắn hôm nọ đang tư tình với một chàng rắn khác, tức giận, Dã Tràng giương cung bắn chết con rắn cái bất nghĩa.
Ðêm hôm sau, trong lúc Dã Tràng đang kể cho vợ nghe câu chuyện con rắn cái bất nghĩa mà anh thấy trong rừng và anh đã giết chết con rắn cái ấy để trả thù cho con rắn đực ba hôm trước... Thình lình từ trên mái nhà rơi xuống một viên ngọc màu xanh lấp lánh! Anh nhìn lên thấy một con rắn vội vả bò đi... Ðó là con rắn đực thấy xác vợ chết vì mũi tên của Dã Tràng nên tìm đến để báo thù. Nhưng sau khi nghe được câu chuyện, rắn cám ơn Dã Tràng bằng viên ngọc quý. Nghe người ta nói ngậm ngọc rắn có thể nghe và hiểu được tiếng của các loài vật khác... Dã Tràng làm thử, quả nhiên nghe được tiếng của mọi loài chung quanh.
Buổi sáng thưc dậy, sửa soạn mang cung tên vào rừng, Dã Tràng nghe tiếng bầy quạ kháo nhau: “ Phía tây khu rừng có một con nai bị thương, bọn mình đến đó đi.”. Dã Tràng thử làm theo lời quạ, rõ ràng có con nai bị thương đang hấp hối. Dã Tràng định vác về thì bầy quạ bay quanh la toáng lên rằng: “ Thợ săn lấy thịt, quạ ăn bộ lòng, hãy để lên cây.” Dã Tràng làm theo, rồi đem thịt nai về. Tư đó mỗi lần vào rừng, quạ đều báo tin ở đâu có thú... Quạ và người chia nhau thịt và lòng.... Cho đến một hôm, bộ lòng Dã Tràng để dành cho quạ trên cành cây bị mất, bầy quạ bay về không có phần ăn, cho là Dã Tràng bội ước, bay đến nhà kêu ầm ĩ. Dã Tràng phân trần không được, tức giận, anh bắn một mũi tên lên trời, môt con quạ đã đớp lấy mũi tên và kêu là sẽ trả thù!
Mấy ngày sau, quan quân trong huyện ập đến nhà bắt trói Dã Tràng về tội bắn chết người. Dã Tràng kêu oan không được vì bằng chứng rành rành: mũi tên của Dã Tràng găm trên thi thể một người chết trôi!
Tại nhà tù của Huyện, nghe bọn kiến nói với nhau sắp có lụt lớn cần phải dời tổ lên cao, Dã Tràng liền nói với viên cai ngục là sắp có lụt lớn hãy coi chừng. Quả nhiên thời gian sau có lụt lớn thật. Cai ngục hỏi làm sao biết, Dã Tràng thưa là nghe bọn kiến nói. Cai ngục khônh tin, cho là nói sảng, bẩm với quan Huyện.
Quan Huyện cho áp giải Dã Tràng lên Kinh đô xét xử, vì tội giết người mà Dã Tràng cứ kêu oan, Huyện không giải quyết được.
Trong nhà ngục tại Kinh đô, Dã tràng nghe bọn mối nói với nhau là chúng đã gậm gần hết kho tiền bạc của nhà vua, liền báo cho viên cai ngục biết. Viên cai ngục nửa tin nửa ngờ, nhưng muốn lập công, liền báo cho quan thủ khố. Quan liền đi kiểm soát kho, quả nhiên có mối ăn gần sập. Quan thủ kho nghi cai ngục đã lén lút vào kho tiền bạc nên mới biết sự việc này, liền tâu vua bắt trị tội. Viên cai ngục đành phải chỉ người có công phát giác chuyện mối ăn kho tiền là tử tội Dã Tràng.
Trước mặt vua và các quan, Dã Tràng kể lại hết mọi chuyện. Vua đòi viên ngọc và ngậm thử vào miệng, liền nghe chim chóc trong vườn ngự uyển nói vói nhau, vua thích thú, xóa tất cả tội và cho Dã Tràng làm hầu cận vua.
Về sau, khi đi du truyền ra biển để nghe loài thủy tộc nói, nhà vua trong một lần thích thú đã cười lớn làm viên ngọc văng xuống biển! Dã Tràng buồn rầu, đau khổ vì mất ngọc quý, nhà vua cũng tiếc, liền sai quân xe cát lấp biển Ðông để tìm lại ngọc... Việc tìm kiếm kéo dài không có hy vọng... Sau môt thời gian, vua nản chí, chỉ còn một mình Dã Tràng ở lại trên bờ biển cố tìm lại ngọc. Kết quả, Dã Tràng đã kiệt sức và chết... Mấy hôm sau, trên bờ biển Ðông bỗng xuất hiện một loài đông vật mới, hình dáng như con cua thu nhỏ, chúng cứ dùng càng vo tròn cát biển...Những viên cát này bị sóng làm vỡ tan... chíng lại vo tròn viên khác...
Loài vật mới này, được ngư dân đặt tên là Dã Tràng vì cho rằng chúng là hóa thân của anh ta trong nỗi nhớ tiếc viên ngọc cảm thông giữa muôn loài đã bị đánh mất.
Ca dao Việt Nam có câu:
"Dã Tràng xe cát biển Đông,
Nhọc nhằn nhưng chẳng nên công cán gì!"
Rắn Trong Thần Thoại Hy Lạp - La Mã
Erechtheus là người sáng lập và là vị vua đầu tiên của Thành Athènes (Thủ Ðô Hy Lạp). Cha là HEPHAESTUS. Erectheus là đứa con - kết quả từ vụ vị thần thủ công nghệ tìm cách hãm hiếp nữ thần ATHENA. Nữ thần đã chống cự một cách mạnh mẽ và dữ dội, cho nên trong cơn vật lộn dằng co, “hạt giống” của Hephaestus đã rơi vãi trên mặt Ðất của nữ thần GAIA, vì đó mà Gaia đã mang thai. Erechtheus sinh ra từ đất, mang thân hình nửa người nửa rắn. Athena đã nuôi đứa trẻ trong vòng bí mật, rồi đem nhốt vào một cái rương, giao cho ba người con gái của CECROPS, nhưng cấm không cho chúng được mở ra. Ba cô gái, không vâng lời và đã mở cái rương ra. Khi nhìn thấy hình thù quái dị của đứa trẻ, ba cô gái phát điên lên và đã từ trên thành Acropolis gieo mình xuống...chết
Erechtheus trở thành vua của Athènes và sáng tạo ra Lễ hội Panathenaic cùng cỗ xe tứ mã.
Trong thần thoại Hy Lạp, Rắn thường được xem như là biểu tượng của một địch thủ nguy hiểm gây chết chóc, nhưng không phải là tượng trưng của điều Ác. Rắn là biểu tượng liên quan với Đất hoặc Âm Phủ.
Rắn chín đầu Lernaean Hydra và ba chị em Gorgon đều là con của Gaia, nữ thần Đất Ouranos (Uranua). Một trong số ba chị em Gorgon là Medusa, một vị thần bất tử với mái tóc là những con rắn trông rất kinh tởm, có phép thuật dùng ánh mắt biến những người đàn ông thành đá.
Dũng sĩ Perseus đã đánh bại Medusa, cắt đầu nữ thần này dâng cho Athena. Athena gắn đầu Medusa vào chiếc khiên che ngực gọi là Aegis.
Rắn chín đầu Lernaean Hydra bị Heracles đánh bại trong một trận ác chiến.
Rắn Hydra khổng lồ có 17 cái đầu. Khi có một cái đầu bị đánh gục hay bị chặt đứt, thì ngay lập tức từ chỗ bị đứt sẽ mọc lên hai cái đầu mới. Điều nguy hại hơn cả đó là việc hơi thở của rắn Hydra có thể làm chết người. Ngay cả việc ngửi thấy mùi hôi của nó cũng đủ làm chết một người bình thường. Heracles tìm thấy hang của con Hydra và làm cho nó phải ngoi lên bằng những mũi tên rực lửa.
Trận ác đấu diễn ra với lợi thế thuộc về rắn Hydra. Nó dùng những cái đầu quấn chặt lấy Heracles và cố làm cho chàng ngã. Nó gọi đồng minh của mình là một cây táo dại cũng sống trong đàm lầy. Cây táo đập vào chân Heracles và ngăn không cho chàng tấn công. Khi Heracles đã ở bờ vực của thất bại thì bỗng người cháu Iolaus, con trai của người em sinh đôi Iphicles. đầy lo lắng khi thấy chú của mình vướng vào những cái đầu của con Hydra. Nghĩ rằng Heracles không thể chịu đựng thêm được nữa, nghe những tiếng thét của chú mình, Iolaus vội chụp lấy cây đuốc, châm lên rồi lao vào cuộc chiến. Giờ đây, khi Heracles vừa chặt đứt một cái đầu của con Hydra, thì lập tức Iolaus có mặt và đốt cháy nơi cổ vừa đứt khiến cho những cái đầu không thể mọc lại được. Heracles chặt từng cái đầu một trong khi Iolaus đốt cháy những nơi vừa bị chặt. Cuối cùng Heracles chặt đứt cái đầu ở chính giữa được cho là bất tử và chôn sâu xuống đất phía dưới tảng đá hình đầu chó như lời truyền thuyết và dằn một tảng đá lên trên. Sau đó Heracles nhúng đầu những mũi tên của mình vào dòng máu độc của con rắn. Những mũi tên này bắn trúng người nào thì người đó sẽ chết ngay lập tức.
Rắn và Cây Gậy của Asclepius - Biểu Tượng Ngành Y - Dược
Theo thần thoại cổ Hy Lạp, thần Esculape, con trai của thần Apollo là ông tổ ngành y dược. Một hôm, trên đường đi thăm bạn, Esculape gặp một con rắn, ông đưa cây gậy ra, con rắn bám lấy và bò lên quấn quanh cây gậy của ông. Thấy vậy, thần Esculape (Asclepius) lấy cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Nhưng, một con rắn khác bò tới, miệng ngậm thảo dược để cứu sống con rắn kia.
Và từ đó, ông tìm kiếm các loại cây cỏ trên núi để chữa bệnh cứu sống con người. Để tôn vinh thần Esculape, người ta thường tạc hình thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn quanh. Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu.
Về sau, người ta dựng tượng vị thần y cùng con rắn vì con rắn đã góp công chống lại dịch bệnh, tương truyền có thời gian La Mã bị dịch, người bệnh phải dâng ly rượu cúng thần Esculape mong tai qua nạn khỏi. Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Thần Typhon (Typhaon, Typhoeus) mang hình thù quái vật với một cái đầu rắn, kết quả của Gaia va Tartarus. Typhon được xem như đồng hạng với rối loạn và gió bão trên biển cả, và được mô tả như tương đương với chính thần Zeus hoặc Apollo là hai vị thần quyền uy. Typhon bị khống chế bởi Tratarus và bị chôn dưới núi Aetna.
Rắn Trong Thần thoại Na Uy
Thần thoại Na Uy có thần Midgard Serpent là thần rắn JORMUNGAND quấn quanh trọn một vòng quả đất (vùng xích đạo) đầu cắn đuôi. Midgard là một pháo đài phòng vệ mà các thần dưng nên ở khoảng giữa trái đất dành cho những người đàn ông nhằm mục đích bảo vệ loài người chống lại những tên khổng lồ. “Rắn cắn đuôi” trong thần thoại “Ouroboros hay Uroboros” là một biểu tượng mang ý nghĩa “hoàn tất,” “hoàn thiện và trọn vẹn”, “chu kỳ bất tận của hiện hữu”, rắn ngậm đuôi cũng tượng trưng cho ý niệm thủy chung vì trong vòng tròn chỗ bắt đầu (khởi thủy) và chỗ tận cùng (chung) là một.
Thổ dân đa dỏ vùng Trung Mỹ có biểu tượng “Quetzalcoatl” trang hoàng bằng lông chim đuôi seo hoặc chùm lông vũ cho thần rắn, nguyên thủy là thần gió, nhưng những trang trí phụ thêm nhằm đồng hóa với mặt trời, sự sáng tạo nên thế giới và con người, sự giáo hóa của nhân loại trong bản tính của vũ trụ, nghề thủ công và nghệ thuật của nền văn minh.
Tại vùng Tiểu Á - xứ Ai cập, có thần Sabazios là vị thần thời cổ đại, phát sinh trong vùng Phrygian, thường được đồng hóa với thần Dionysus và với thần Zeus của Hi Lạp, đồng thời kết hợp sự tôn thờ huyền bí với hai thần này cùng thần Cybele là thần Mẹ của chư thần. Sư sùng bái thần Sabazios đã lan rộng suốt thời Ðế Quốc La Mã, và một số người đã đồng hóa với Yahweh Sabaoth tức Thượng Ðế của Người Do Thái trong Cựu Ước. Biểu tượng chủ yếu là rắn, khẳng định phụ hệ cơ bản và bản chất dương của nam thần.
Rắn Trong Thần Thoại Ấn Độ
Thần thoại Ấn độ, có thần Shiva là ngôi Ba của Tam Linh Thần TRIMURTI. Shiva mệnh danh là Hủy diệt nhưng vẫn mang sắc thái tái sinh, tái tạo. Vì là thần hủy diệt cho nên Shiva rất hắc ám và khủng khiếp, hiện thân như một nhà khổ tu trần trụi kéo theo một đoàn ác quỷ hình thù ghê tởm với rắn quấn quanh người cổ đeo vòng lủng lẳng sọ người...
Thần Shiva có khả năng sinh sản mạnh và mang điềm thịnh vượng nên được tôn thờ trong hình tượng LINGA tức dương vật.
Khi Ấn Độ giáo ra đời, theo thần thoại về Shiva, thì vị thần này xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật. Sau này, con người đã biểu tượng hóa (Linga và Yoni) để thờ thần Shiva, coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần. Dạng Linga kết hợp với Yoni hay còn gọi là Linga-Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Shiva. Ở dạng này, thần Siva còn được gọi là “Thần giấc ngủ”.Bộ phận sinh thực khí Linga –Yoni thường được thờ trong tháp Chăm, biểu tượng cho thần Shiva và sự sinh sôi, phát triển.
Tượng thần Shiva bằng đá cát, cuối thế kỷ XII ở Tháp Mẫm, An Nhơn, Bình Định. Hiện Trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Linga, Yoni không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ, mà còn được tôn thờ khá phổ biến ở các nước có sự tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, trong đó có Chămpa lúc bấy giờ.
Rắn Trong Phật Giáo
Trong Phật giáo có huyền thoại về Rắn NAGA. Naga là một sinh vật huyền thoại với thân hình rắn và có nhiều đầu thể hiện sức mạnh và quyền năng. Hình tượng rắn Naga gắn liền với những câu chuyện về đức hạnh, về lòng trung thành và sự giác ngộ. Naga thường được mô tả là một con rắn to lớn có sức mạnh và khả năng bảo vệ. Một trong những truyền thuyết nổi bật đó là truyện rắn Naga Mucalinda đã che chở cho Đức Phật trong một tuần thiền định đầu tiên sau khi Ngài chứng quả. Lúc đó trời mưa to Naga đã quấn quanh thân Phật dùng đầu làm tán che mưa... thể hiện sự bảo vệ đối với đấng giác ngộ đang truyền đạt chân lý của vũ trụ cho chúng sanh. Từ đó, hình tượng Naga được tôn thờ như một linh vật hộ pháp bảo vệ Đức Phật và giáo lý của Ngài. Naga là biểu tượng của kết nối giữa các thế giới từ cõi phàm trần đến cõi thần linh và sự chuyển hóa từ hình tượng hung dữ sang hình tượng an lành...
Naga cũng đã xuất hiện trong thời khắc Đức Phật ra đời. Truyền thuyết kể rằng khi Hoàng hậu Maya chuẩn bị sinh, Naga đã xuất hiện và khi Phật vào đời, Naga đã phun nước thơm tắm cho Ngài...Sự kiện này cho thấy sự thông linh của Naga với sự giáng thế của Phật.
Rắn trong Văn Hóa Maya
Người Maya tôn thờ Kukulkan là vị thần Rắn quyền uy. Kukulkan được xem là một trong ba vị thần đã tạo ra Trái Đất. Người Maya đã xây dựng những đền thờ đồ sộ trên đỉnh những hang động để thờ các vị thần này như một tín ngưỡng huyền bí. Thần Rắn quyền uy Kukulkan đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Maya.Thần Kukulkan mang hình hai một con rắn. Theo một số truyền thuyết, vị thần này là một con rắn có lông vũ lớn lên trong hang động trước khi nổi lên trong một trận động đất. Vị thần này cũng có thể hiện thân như một người đàn ông cao 1 mét 80.
Kukulkan được mô tả là vị thần có mái tóc dài màu trắng, da trắng và đôi mắt xanh. Vị thần quyền lực này có nhiệm vụ dạy cho người Maya những kiến thức về nông nghiệp và y học. Sau một thời gian ngắn ở Trái đất thần Kukulkan trở về đại dương và sẽ sớm trở lại trần thế.
Người Maya xây dựng những đền thờ Thần Rắn Kukulkan với những họa tiết hình rắn được khắc chạm rất tinh xảo.
Đặc biệt vào các ngày xuân phân và thu phân, khi ánh nắng mặt trời lúc hoàng hôn chiếu vào, bóng của ngôi đền Thần Rắn Kukulkan in trên mặt đất có hình dáng một con rắn đang trườn...
Một ngôi đền thờ Thần Kukulkan [El Castillo]. Đây là một kim tự tháp danh tiếng ở Chichen Itza. Thành phố này được xây dựng bởi dân Maya vào những năm 600 -900 sau Công Nguyên.
Chichen Itza đã từng là một trong những thành phố lớn nhất của người Maya và dường như đây là một trong những thành phố huyền bí linh thiêng gọi là Tollans, có nguồn gốc từ văn học Mesoamerican.
RẮN Trong Tín Ngưỡng Ai Cập
Từ thời thượng cổ, người Ai Cập đã xem Rắn là thần hộ mạng của các vua, chúa. Trên những vương miện của các pharaoh [Vua/ Faraon] Ai Cập, hầu hết đều có khắc chạm hình rắn Naja khãm vàng hay giác ngọc. Rắn Naja biểu tượng của một nữ thần hiền lành có khả năng bảo vệ và phù hộ cho Vua.
Hình tượng Rắn đã xâm nhập vào các tôn giáo ở Ai Cập. Người ta tin rằng Rắn là hiện thân của thần thánh, của huyền bí mê hoặc, đôi khi là một sấm truyền tiên tri một sự kiện, một biến cố. Người Ai Cập tôn thờ Atum như một đấng tối cao có hình người rắn, một vị thần nguyên thủy.
Tín ngưỡng thờ rắn tại Ai Cập đã lưu lại chứng tích qua các hình vòng tròn, hình quả cầu khắc chạm trên hầu hết các cổng chùa. Người Ai Cập hình dung thế giới là một vòng tròn con rắn bò xuyên tâm theo chiều ngang tượng trưng cho sự giao nhau giữa vũ trụ và mặt đất.
Người Ai Cập cổ đại xem rắn là một linh vật, một vị thần tượng trưng cho sự linh thiêng, sự gian ngoan, sự tái sinh và vĩnh cửu. Ouroboros (hoặc Oroboros) là con rắn thường tự cắn đuôi theo chiều kim đồng hồ tạo thành một vòng tròn tượng trưng cho chu trình sống, chết và tái sinh đưa tới sự bất tử. Rắn cắn đuôi là hình tượng của Thủy - Chung một điểm (trong vòng tròn chỗ bắt đầu cũng là nơi kết thúc!)
Rắn Hổ Mang sông Nile được trang trí trên vương miện của các pharaoh thời cổ đại. Nó được tôn thờ như một vị thần có hành động cả thiện lẫn ác.
Trong lịch sử Ai Cập, nữ hoàng Cleopatra đã tự sát theo nghi lễ bằng cách để cho rắn Oroboros cắn. Nữ hoàng Cleopatra mất ngày 12 tháng 10 năm 30 trước Công nguyên, 39 tuổi.
Cleopatra đệ Thất (69-30 trước Jesus Ch.) là vị nữ vương cuối cùng của Ai Cập trước khi quốc gia này bị sáp nhập và không trở thành một tỉnh của La Mã. Mặc dù bà là nữ hoàng Ai Cập danh tiếng nhất, nhưng Cleopatra có gốc gác Hy lạp và là thành viên cùa Vương triều Ptolemaique, đã trị vì Ai Cập sau khi Alexandre Đại Đế băng hà (356 -323 trước Jesus Ch.) Có thể sự nổi tiếng của Cleopatra bắt nguồn từ chuyện tình của bà với vị Đại tướng đồng thời là chính trị gia La Mã Marc Antoine (83-30 tr. Jesus Ch.) cũng như do các mối liên hệ trước đây với Đại đế Jules Cesar (100-44 Tr. Jesus Ch.)
RẮN TRONG THẦN THOẠI NHẬT BẢN
Thần thoại Nhật Bản có rắn Yamata no Orichi - Bát Kỷ Đại Xà, thường gọi tắt là Orichi. Đây là một sinh vật mang hình rắn trong Thần Đạo. Yamato no Orichi được mô tả là có tám cái đầu và tàm cái đuôi cung tám đôi mắt màu đỏ. Thân hình to lớn của Đại xà có thể trải dài qua 8 thung lũng, 8 ngọn đồi, được ngụy trang bằng rêu xanh, với những cây bách, cây tuyết tùng trên lưng trông giống như một dãy núi...
Các truyền thuyết về Yamata no Orichi được ghi lại trong hai văn bản về Thần thoại Nhật Bản và lịch sử. Trong cả hai văn bản này huyền thoại Orichi, Thần đạo bão tố (Shinto storm god Susanoo (Susa-no-O) bị trục xuất khỏi Thượng giới vì đã lừa gạt ngưởi chị là Amaterasu, Thần mặt trời.
THẦN ĐẠO - SHINTO
Thần Đạo, một tín ngưỡng bản xứ của người Nhật, đang tiếp tục lôi cuốn và huyền hoặc cả những du khách và những cư dân sống lâu đời tại Nhật Bản. Không được biết đến nhiều trong các tôn giáo khác trên thế giới, Thần Đạo: là Con đường của Thánh Linh - The Kami Way - mở cánh cửa giác ngộ vào tín ngưỡng Nhật Bản.
"Shinto" có nghĩa là "con đường của các Thần Linh" và đây là một tín ngưỡng lâu đời nhất của nước Nhật. Những quan niệm cốt lõi của Thần Đạo đó là sự Tinh tấn, Hòa hợp, tôn trong gia đình và sự quên cá nhân cho tập thể. Đối tượng để thờ phụng trong Thần Đạo là vinh danh người cao quí, những vị thần thiêng liêng. Tín ngưỡng này không có danh tánh đấng sáng lập cũng không có bậc tiên tri và không có văn bản chính thức mô tả những đức tin căn bản, nó được truyền từ đời này qua đời khác với thế giới thần linh qua trung gian những "Shaman" - Sa -môn - là người có khả năng nhận biết và thâm nhập vào nguồn mạch của vũ trụ và giúp đỡ người trong cộng đồng bằng sự chữa lành, bằng lời tiên đoán và sự chuyển hóa. Tín ngưỡng này đã được thực hành trong xã hội Nhật bản từ thời kỳ văn hóa Yayoi (khoảng từ năm 300 trước J-C đến năm 300 cũa thời đại chúng ta). Người ta tin rằng các hiện tượng thiên nhiên, các đặc điểm của địa lý đều do các vị thần linh điều hành. Chẳng hạn: nữ thần mặt trời là Amaterasu, và thần Gió là Susanoo... Các giòng sông và núi non đều đặc biệt quan trọng, như núi Fuji, cái tên này đến từ tên của thần núi lửa Ainu "Fuchi".
Trong Thần Đạo, các vị thần, các linh hồn, các sức mạnh và những yếu tính của thiên nhiên đều mệnh danh là "Kami" tức là "thần linh". Các thần linh này cai trị vũ trụ thiên nhiên dưới mọi hình thái và đều ban cho nơi ở cùa các thần linh một vẻ đẹp thiên nhiên đặc thù. Trái lại những hồn ma bất lương hay quỷ dữ (oni) thì phần đông đều vô hình, một số thì hiện thân trong hình trạng hung bạo, dữ dằn với sừng nhọn, với ba con mắt...
Tính cách linh động trong định nghĩa của Thần Đạo có lẽ là một trong những lý do khiến Thần Đạo trường tồn và thâm nhập vào tư duy cùng lối sống của người Nhật.*
Trên đây là một số chuyện liên quan đến rắn trong nhiều văn hóa khác nhau.
Rắn rất nhiều chuyện kể không sao hết được.
Xin được nói thêm vài chuyện về Rắn trong Sấm Ký của Trạng Trình để kết thúc chuyện rắn đầu năm Ất Tỵ -2025
Trạng Trình tên thật là Nguyễn Bỉnh Khiêm, tự là Hành Phủ, Biệt hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ, sinh năm 1491, mất năm 1585. Ông Ðỗ Trạng Nguyên, làm quan với tước Trình Quốc Công (triều Nhà Mạc), nên người trong nước gọi là Trạng Trình. Trạng Trình nhờ đọc sách “Thái Ất Thần Kinh” do vị thầy của cụ là Lương Ðắc Bằng trao lại, nên đã có một số tiên tri về thời cuộc khá xác đáng.
Những tiên đoán về các biến cố xã hội và chính trị của quốc gia cùng thế giới được Trạng Trình ghi thành những câu thơ bí ẩn, gọi chung là "Sấm Trạng Trình".
Theo truyền tụng thì Sấm Trạng Trình sẽ tiên đoán đến “tam bách niên chi hậu” nghĩa là đến 300 năm sau! Thế nhưng, sách cũng có câu “lịch sử tái diễn” theo từng chu kỳ, cho nên, xin trích lại những câu sấm có liên quan đến năm Tỵ để cùng luận đoán đầu Xuân 2025. cho vui.
Trước khi nói đến năm Tỵ, xin nhắc lại những câu mà nhiều người suy ra thấy ăn khớp với tình hình Việt Nam từ năm 1975 trở đi khi Cộng sản từ Bắc xâm chiếm miền Nam, xưng là “đỉnh cao trí tuệ” và thi hành chính sách tàn ác với nhân dân, làm cho dân phải bỏ nước ra đi (?)
“Ai còn khoe trí khoe năng,
Cấm kia bắt nọ hung hăng với người.
Chưa từng thấy nay đời sự lạ,
Chốc lai mòng gá vạ cho dân
Muốn bình sao chẳng lấy nhân?
Muốn yên sao lại bắt dân ghê mình?”
Và sau đây là thời cuộc từ năm Dần đến năm Tỵ, Sấm rằng:
“ Hùm gầm khắp nẻo gần xa
Mèo kêu rợn tiếng, quỷ ma tơi bời
Rồng bay năm vẻ sáng ngời,
Rắn qua sửa soạn hết đời Sa-tăng
Ngựa lồng, quỷ mới ngăn răng”
Cư sĩ Ðại Lãng luận rằng: Năm Dần (2022), những con Hổ Á châu gầm thét do suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh sau Đại dịch COVID 19. Nước nào cũng muốn thu hút du khách phương Tây... Dân oan bị mất đất, mất nhà khiếu nại, kiện cáo tận Thủ Đô Hà Nội, lòng dân bất mãn và sôi sục trước quốc nạn tham nhũng, từ vụ chuyến bay giải cứu, qua vụ Vật Tư Y tế-Test Kit...hàng trăm cán bộ cao cấp bị bắt về tội tham nhũng...Dư luận xôn xao...Nguyễn Phú Trọng mở chiến dịch "đốt lò"... Qua năm Mão (2023) "mèo kêu rợn tiếng, quỷ ma tơi bời" lò của Nguyễn Phú Trọng và các cuộc bắt người của Tô Lâm khiến cho những tay tham nhũng tơi bời, không có chuyện hạ cánh an toàn nữa... Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải làm đơn xin từ chức vào những ngày trước Tết con Mèo, Võ Văn Thưởng, hạt giống đỏ lên thay thế, nhưng chỉ hơn sáu tháng cũng lại phải xin từ chức... một cách khó hiểu...giữa năm Thìn (2024). Năm Thìn, "Rồng bay năm vẻ sáng ngời" ám chỉ chiếc áo "ngũ sắc" của hành giả tu hạnh Đầu Đà Thích Minh Tuệ đã làm sáng ngời đạo Phật thời mạt pháp...làm lộ chân tướng của các đại Ma tăng...Đến Tỵ (2025) thì các ma tăng sẽ hết thời...
Cơn bão Yagi, tàn phá miền Bắc một cách dữ dội, Hà Nội trở thành Hà Lội kéo dài vì các đập thủy điện trong nước và bên láng giềng hữu nghị cũng đồng loạt xã lũ... Thiệt hại do bão lụt, núi sạt lỡ là rất lớn....Nhà cầm quyền Cộng sản, các đỉnh cao trí tuệ không lo cứu giúp bằng ngân sách Nhà Nước, mà chỉ lên tiếng xin dân quyên góp cứu dân! Mặt Trận Tổ Quốc dành quyền nhận mọi khoản tiền cứu lụt, nhận hàng cứu trợ chất vào kho để chờ phân loại...trong lúc nhiều vùng bị cô lập phải cam chịu thiếu đói...
Dư luận lên án những tên tư bản đỏ đã cướp của nhân dân hàng trăm triệu Ðô la Mỹ, gửi ớ các Ngân Hàng ngoại quốc vẫn im thin thít...Nhà văn cộng sản Dương Thu Hương đã nói “sao chúng nó không nôn ra vài triệu đô để cứu lụt mà cứ ăn xin”!
Nghĩa là năm Tỵ chuẩn bị mọi biến động quyết định, sang năm Ngọ, quỷ ma mới chết dưới vó ngựa lồng (2026).
“Ngựa lồng quỷ mới nhăn răng”
Sấm còn ghi rằng:
"Long vĩ Xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khởi đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân, Dậu niên gian kiến thái bình"
Luận rằng "Cuối năm Thìn đầu năm Tỵ chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ, nhiều nước đánh lẫn nhau, cuộc chiến kéo dài đến cuối năm Ngọ đầu năm Mùi mới hết thi thố vũ khí, tài năng...Năm Thân và Dậu mới có thái bình...Thực tế: tình hình Trung Đông đang nóng lên, Do Thái và Iran, Hebollaz...một mất một còn không ai nhường ai, các siêu cường đã điều động quân và vũ khí tới...Ngòi lửa chiến tranh đang cận kề...
NGUYỄN CHÂU - ẤT TỴ (2025)