Nguồn gốc tên gọi chợ Bến Thành

Nguồn gốc tên gọi chợ Bến Thành

Trần Hưng • Trithucvn.org

Nhiều người, kể cả không phải dân Sài Gòn, đều biết đến ngôi chợ nổi tiếng nhất của Sài Gòn này. Tuy nhiên không phải ai cũng biết tại sao lại gọi chợ là chợ Bến Thành.
 
Nguồn gốc tên gọi

Năm 1788, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Gia Định từ quân Tây Sơn, liền cho xây dựng thành quách để ngăn quân Tây Sơn.

Năm 1789, Bá Đa Lộc cũng về đến Gia Định, dù không thực hiện được việc cầu viện nước Pháp nhưng Bá Đa Lộc quyên góp tiền từ các thương gia có ý định buôn bán với Đại Việt cùng số tiền 15.000 Francs của mình để mua súng đạn và tàu chiến, chiêu mộ khoảng 20 người Pháp giỏi về kỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ, và xây dựng để giúp Nguyễn Vương. (Xem thêm: Trả lại vai trò thật sự của giám mục Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn)

Trong đó kiến trúc sư người Pháp Theodore Lebrun và kỹ sư công binh người Pháp Victor Olivier de Puymanel đã thiết kế xây thành Bát Quái. Thành được xây dựng vào năm 1789 với số nhân công là 30.000 người.

Bát Quái thành được xây dựng theo kiến trúc Vauban. Dù sử dụng kiến trúc phương Tây, nhưng lại rất gần với văn hóa phương Đông, có 8 cạnh thành, nên còn có tên là thành bát quái. Năm 1790, thành được xây xong có chu vi khoảng 4.176 mét, ba mặt được sông che chở.


Sơ đồ thành Bát Quái do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải. (Ảnh từ wikipedia.org)


Bản đồ Sài Gòn năm 1790 do người Pháp vẽ, ở chính giữa là thành Bát Quái. (Ảnh từ 2saigon.vn)

Thành Bát Quái khiến tuyến phòng thủ Nam Bộ trở nên vô cùng chắc chắn, quân Tây Sơn không sao đánh vào được. Nó có thể chống chọi được cả đạn pháo hiện đại nhất vào thời bấy giờ.

Sông Bến Nghé có một bến sông nằm gần thành Bát Quái, bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (tức bến trước khi vào thành); gần sát bến này có một khu chợ (ở vị trí xưởng Ba Son ngày nay) vì thế mà chợ này cũng được gọi là “chợ Bến Thành”. Và tên “chợ Bến Thành” được xuất phát từ đây.
 
Lịch sử phát triển
Chợ Bến Thành ban đầu này được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Nơi bến sông này thuận lợi cho ghe thuyền trong và ngoài nước lui tới, vì thế mà việc buôn bán trở nên sầm uất. Hàng hóa nước ngoài xuất hiện ở chợ khá nhiều thu hút người dân và người Pháp đến đây mua sắm.

Hàng buôn bán trong nước gồm tơ lụa, gốm sứ, thảo dược, gạo, trái cây… từ miền Tây và miền Trung chen nhau cập bến cùng với các loại thuyền ghe Gia Ðịnh mũi đỏ xanh lườn. Vì thế mà thời đó có câu:
Ghe ai mũi đỏ xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.

Năm 1833, Lê Văn Khôi lấy thành Bát Quái làm căn cứ khởi nghĩa chống lại triều đình. Năm 1835, triều đình đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy toàn bộ thành này, rồi xây một thành mới nhỏ hơn ở vị trí đông bắc thành cũ, gọi là “thành Phụng”, “thành Phượng” hay thành Gia Định.

Chợ Bến Thành lúc này vẫn còn đó nhưng không được sầm uất như trước nữa, dù vẫn là nơi đông đúc nhất. Các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước.

Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, các binh lính người Việt chống Pháp đã cho thiêu hủy chợ Bến Thành để thông thoáng cho tàu ghe lưu thông trên sông Sài Gòn.


Chợ Bến Thành khi còn trên kênh Charner, đường Nguyễn Huệ ngày nay. (Ảnh: Manhhaiflick – wikipedia.org)

Để có nơi buôn bán, năm 1860 người Pháp đã cho dời chợ vào trong, xây mới tại con kênh gọi là Kinh Lớn (sau này lấp lại thành đường Nguyễn Huệ), dọc bờ kênh này là đường Charner nên con kênh này còn được gọi là là kênh Charner. Việc xây chợ tại con kênh này giúp ghe thuyền buôn bán hàng hoá lưu thông dễ dàng.

Do chợ Bến Thành nằm ở vị trí giao điểm của khu đô thị và hợp lưu của hai tuyến đường thủy là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) nên luôn nhộn nhịp đông đúc, các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp.


Một cảnh mua bán ở chợ Bến Thành khi còn ở kênh Charner. (Ảnh từ wikipedia.org)

Đến năm 1911 thì chợ Bến Thành đã cũ kỹ, xuống cấp và nguy cơ bị đổ, vì thế người Pháp quyết định chọn một địa điểm để xây lại chợ Bến Thành thật khang trang, chắc chắn và đẹp hơn.

Địa điểm được chọn chính là khu chợ Bến Thành ngày nay. Thời đấy đó là một cái ao sình lầy gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse) chen chúc nhà cửa lợp tranh tre tạm bợ. Chiếc ao này được lấp đi, chợ được xây với bốn của lớn nhìn ra 4 mặt đường.


Ao Bồ Rệt (Marais  Boresse) ngày xưa, tức vị trí chợ Bến Thành ngày nay.

Chợ được hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912, đến năm 1914 thì xây xong. Chợ rộng 13.000m2 với nền đất đá ong. Lễ khai thị (tức khai trương) diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30/3/1914 với rất nhiều lễ hội văn hóa ẩm thực cùng các gian hàng, thu hút 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh lân cận đến vui chơi.


Chợ Bến Thành lúc mới xây xong tháng 3/1914, chưa làm lễ khai thị.


Chợ Bến Thành năm 1914 khi mới làm lễ khai thị


Xe ngựa bốn bánh – phương tiện đi lại của người giàu ở Sài Gòn thuộc địa – trước Chợ Bến Thành năm 1921.


Chợ Bến Thành 1920 – 1930.

Chợ Bến Thành đã trải qua vài lần trùng tu, lần mới nhất là năm 1985. Tuy chợ không còn nét đẹp trầm lắng như trăm năm trước nhưng vẫn là biểu tượng của thành phố Sài Gòn.
 
Trần Hưng






--
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top