Nagai Kafu, Phạm Đức Thân dịch, NHỮNG NGƯỜI BUÔN CHUYẾN

 
Truyện Nagai Kafu, Phạm Đức Thân dịch

NHỮNG NGƯỜI BUÔN CHUYẾN


 

Nagai Kafu (1879-1959) là văn sĩ Nhật, nhưng cũng biên tập, dịch thuật. Ông viết truyện ngắn, tiểu thuyết và cả kịch nữa, Nổi bật là những tác phẩm liên hệ đến đời sống của geisha như Ude Kurabe (Đọ Sức) Bokutô Kidan (Truyện Lạ Bờ Đông). Ông có công giới thiệu văn chương Pháp (Verlaine, Beaudelaire, Zola, Maupassant) với trí thức và nghệ sĩ Nhật. Sau này ông cũng viết về dân thường thời hậu chiến, gặp nhiều khó khăn do Nhật thất trận, đổ nát bởi bom đạn và kinh tế kiệt quệ. Truyện ngắn Kaidasu (Những Người Buôn Chuyến) viết năm 1948 về những người đi buôn chuyến, săn lùng thực phẩm để bán chợ đen kiếm sống.


(Phạm đức Thân dịch Việt ngữ từ bản English "The Scavengers" trong sách Kafu the Scribbler của tác giả và dịch giả Edward Seidensticker)
*

Nhánh tầu Tuyến Sobu giữa Noda và Funabashi chở it hành khách không ngoài số người đi săn lùng gạo và khoai lang, khiến đã trở thành được biết như là "tuyến buôn chuyến". Tầu thường chỉ gồm hai hoặc ba toa, tàn tạ và bẩn thỉu đến độ chúng trông như không phải chở khách mà để chở hàng. Không còn đến một tấm kính trong khung cửa sổ, và những miếng ván đóng đinh vào nhau được dùng làm cửa. Tình trạng các ghế dài không nệm tệ đến mức người ăn mặc bình thường thôi cũng phải mất công mới tìm được chỗ để ngồi. Mỗi ngày chỉ có ít chuyến, ba hay bốn là cùng, và lúc nào cũng đông nghẹt khách đến độ vào ngày tối trời không thể phân biệt hành lý với hành khách.

Khoảng mười giờ sáng một ngày nọ tầu đi buôn chuyến còn đông hơn thường lệ. Vì lũ lụt trên Sông Toné, phục vụ về phía bắc, và ngay cả giữa Tokyo và Ichikawa cũng đã bị ngưng trong vài ngày, và các đường ray chỉ vừa mới được mở lại. Tầu sắp vào một trạm cách hai hoặc ba trạm ngừng nữa mới tới Funabashi thì có đồn đãi loan truyền cho biết cảnh sát đang đợi ở Trạm Funabashi để kiểm soát thực phẩm chợ đen.
 
Tin đồn lan truyền khắp tầu buôn chuyến nhanh như lửa xẹt.
 
Tất cả những người buôn chuyến đã ra đi từ sáng hôm đó trước rạng đông để rảo quanh những nông trại mình quen thuộc và giờ họ đang hối hả trở về lại Tokyo để bán đồ đựng trong các bao bị. Phải, họ thường xuống tầu ở trạm ngừng kế tiếp, bất kể đó là làng gì. Nếu mọi việc có vẻ ổn thỏa, họ trở lại lên tầu. Nếu không, họ sẽ cuốc bộ tới Funabashi, từ đây đón tầu về Tokyo. Vài người đề nghị tốt hơn nên quay trở lại Kashiwa, và từ đây đón tầu đi Ueno. Một ai đó với lấy cái bao ở chân. Như thể đó là dấu hiệu, lũ người bắt đầu tràn về phía các cửa, giống như đám bại quân chạy tán loạn. Hầu như không ai ở lại sau. Tầu vẫn còn đang chuyển động chưa ngừng, lũ người đã tràn xuống sân trạm.

"Vậy đây là chỗ chúng ta đang ở," những người quen biết địa phương vừa nói vừa tiến nhanh ra cổng.

 
Những người không biết đi theo họ.

"Tôi có cảm tưởng trước có qua đây."
 
"Một nơi không tốt cho việc mua hàng. Nông gia ở đây biết cách bắt chẹt người mua."
 
"Họ không chịu nhận tiền. Nếu bạn muốn thứ gì ở họ bạn phải đem theo giầy hoặc khăn."
 
"Xa xuống tí nữa sẽ có xe buýt tới Nakayama."
 
Đó là những nhận xét họ trao đổi với nhau trong khi lê bước trên đường.
 
Một ngày tháng Mười dễ chịu, không có mây nào trên trời. Lúa đã cắt, nằm trên những giàn khung giữa ruộng. Bắp cải và lá củ radish trải rộng như tấm thảm. Đầu cành cây, chim bách thanh đang gọi nhau qua lại, mang dấu ấn của mầu sắc mùa thu, và trong sân nông trại, hoa cúc và hoa trà đang vừa nở rộ, những quả hồng trông đỏ chói. Thời tiết tốt cho đi bộ. Nặng trĩu bọc bị, những người buôn chuyến tạo thành một đoàn hàng dọc khi họ bắt đầu tiến về vài nơi đến của mình. Đàn ông mặc áo cổ chui hay đồng phục dân phòng trông không hơn giẻ rách, và mũ lưỡi trai vàng cũ, giầy hoặc dép rơm te tua. Hầu hết trong độ tuổi bốn mươi. Phụ nữ đa số hình như cũng độ tuổi bốn muơi. Họ có khăn bẩn quấn quanh mặt để che nắng, và họ mặc quần thụng lẫn váy. Vài người đi chân đất.
 
Dần dần đoàn người bắt đầu đứt quãng, người đi khỏe dấn tới trước, người yếu hơn rơi lại sau từng nhóm ba bốn người. Lát sau vài người dừng lại để nghỉ, đặt bao bị xuống cỏ. Giờ khó có thể biết ai là từ tầu buôn chuyến và ai là cư dân trong quận. Mọi người ăn mặc giống nhau, và các bao bị cũng trông tuơng tự.
 
Tại khúc đường cong nơi hoa cúc dại đang nở, một bà lão là người đầu tiên đặt bọc xuống. Bà dựng nó tựa vào cái mốc chỉ đường bằng đá có ghi số mile, dưới một cây tầm na. Bà đưa mắt lơ đãng ngó sau lưng những người đã đi qua ở phía trước.

Một phụ nữ có lẽ bốn muơi đi tới. Họ hình như quen nhau từ trên tầu.

"Thật là phiền toái, phải không? Tôi nghĩ mình cũng phải nghỉ thôi."

"Chị đoán xem mấy giờ?" Bà già nheo mắt ngước nhìn mặt trời mùa thu chói nắng.

"Sắp mười hai giờ. Nếu chúng ta không gấp lên, chúng ta có thể bị lỡ."

"Lẽ ra chúng ta nên đi men theo đường ray tới Funabashi."

"Tôi không biết đường sá quanh đây. Bà biết không?"

"Tôi có cảm tưởng trước có qua đây. Mặc dù chỉ một lần và lúc đó với một người trong vùng. Tôi không thể nghĩ ra đây là đâu. Đã lâu lắm rồi. Tôi nghĩ lúc đó chiến tranh đã bắt đầu, nhưng chưa có ném bom."
 
"Thấm thoắt sắp mười năm. Và ngay bây giờ tuy hết chiến tranh, bà không biết tất cả cuối cùng sẽ dẫn tới đâu. Đời sống thật khó khăn, tôi nghi, khi bà gặp những chuyện như thế này."

 

"Đời sống khó khăn, đúng vậy. Đủ xấu cho những người như chị. Và tôi phải làm gì với tuổi chừng này?"

"Bà bao nhiêu tuổi?"

"Sáu bẩy. Tôi không còn khỏe nữa. Có vẻ như chỉ mới hôm qua tôi còn có thể mang sáu mươi bẩy pound không sao hết. Nhưng chị không thể chống lại với năm tháng."

"Bà nói thế chứ bà vẫn còn khá khỏe. Tôi đang bắt đầu tự hỏi bản thân tôi còn trụ được bao lâu nữa."

"Chị sẽ có tụi trẻ lo cho chị. Chúng sẽ không để chị đói đâu."

"Tôi cũng chỉ mong bà nói đúng. Nhưng ngày nay bà không thể dựa vào chúng. Thôi, chẳng ích gì ngồi đây càm ràm. Chúng ta đã được nghỉ hẳn một lúc rồi. Chúng ta đi tới chứ?"

Chị đàn bà trẻ có vẻ như một người nội trợ, kéo mạnh cái bao lên. Bà già cũng khoác lên vai cái bọc là một cái khăn lớn mầu xanh lục nhạt được dồn đầy gạo, và hai người bắt đầu lần xuống con đường xa lạ.

"Bà sống ở đâu trong Tokyo? Honjo?"

"Nihombashi. Hakozaki."

"Bà may đấy. Hakozaki không bị bom. Tôi đang ở Kinshicho và may mắn thoát được vẫn còn quần áo trên người. Không thể đem theo một  thứ gì."

 

"Tôi cũng vậy. Tôi đang làm việc ở Sagacho, nấu ăn cho một ông ở cầu phía trên, là đại lý bán sỉ đồ sứ. Cả ông chủ lẫn cậu chủ đều bị giết chết trong vụ ném bom. Buồn cười thật, phải không? Một người như tôi chẳng đáng kể gì mà lại thoát nạn chẳng bị cháy xém chút nào.. Còn cậu chủ trẻ tuổi và tương lai còn dài thì lại bị giết chết. Chị không bao giờ có thể biết được. Tôi vẫn luôn luôn bảo vậy."

"Nghe này - còi hụ - Trưa rồi." Chị đàn bà quay nhìn về phía còi hụ, hình như có vẻ khá gần. Bà già không để ý. Gỡ khăn quấn quanh mặt và lau mồ hôi trán nhỏ xuống, bà tụt lại sau một bước rồi hai bước.

"Đề nghị chúng ta hãy ăn trưa ở chỗ kia. Đang vội đến đâu cũng mặc kệ, bà chỉ có thể đi bộ nhiều đến đây thôi." Nhìn thấy một miếu nhỏ đổ nát trên vệ đường dưới một cây hoa trà lớn, chị đàn bà trút bao xuống sàn đá miếu. Gà đang gáy rộn rã. Bà già cũng đặt bọc vải xuống cạnh bao kia, và lặng lẽ ngó chị nội trợ mở gói cơm trưa.

"Bà không ăn?" chị hỏi.

"Tôi chưa đói."

"Vậy thì bà phải tha lỗi cho tôi. Tôi đói lắm rồi."

"Xin cứ tự nhiên. Tôi chỉ nghỉ ở đây một lát."

Chị nội trợ hai tay ôm một nắm cơm to và ngoạm vào nó, mắt không nhìn lên. Rồi chị thấy bà già đang ngồi xổm như thể đau đớn, hai cánh tay ôm lấy đầu gối.

 

"Chuyện gì vậy? Bà cảm thấy không khỏe?"

Không thấy trả lời. Có lẽ bà già bị lãng tai, có lẽ bà già không muốn nói chuyện. Chị nội trợ ngốn nắm cơm thứ hai, nhai gau gáu một quả dưa chuột muối, rồi liếm ngón tay. Bà già đang lảo đảo chúi về phía trước, đầu gục giữa đầu gối. Có tiếng ngáy lớn. Bất cứ là đang ở đâu, một đứa bé hay một bà già ngáy trông không giống ai, chị nội trợ hình như đang thầm nghĩ.

"Dậy thôi, Tới giờ chúng ta bắt đầu lên đường."

Không thấy trả lời.

"Vậy thì tôi sẽ đi đường tôi," chị vừa nói vừa nhấc bao lên.

Ngay lúc đó bà già gục tới trước, và chị nội trợ lần đầu tiên chợt cảm thấy có gì tuyệt vọng không ổn. Nhấc bà già từ đàng sau, chị thấy mắt bà đã nhắm nghiền và miệng sùi bọt mép.

 "Chuyện gì vậy? Chuyện gì vậy? Nào, hãy cố lên." Chị lắc lư bà già. Không thấy trả lời. Bà già vuột khỏi cánh tay chị và lăn quay xuống.

Chị nội trợ nhìn quanh. Theo tầm mắt lướt trên cánh đồng spinach, hành và radish chị không nhìn thấy một bóng người hoặc một mái nhà nông trại. Chỉ có nắng mùa thu loang loáng. Một xe ngựa lại gần rồi đi khỏi, không chú ý đến hai người. Chị nội trợ nghĩ đến một người già đã sống cạnh chị, một buổi chiều kia trong lúc đang nói chuyện này nọ sau khi tắm, thì đột nhiên lăn ra chết.

 

"Vậy là bà ta đã ra đi và tiêu đời."

Chị nhìn quanh. Rồi chị bỏ bao xuống. Kéo nó và cái bọc của bà già vào dưới mái hiên miếu, chị mau chóng hoán đổi khoai lang của mình với gạo trắng bà già mang theo. Cùng nặng như nhau nhưng gạo đem lại nhiều lợi hơn khoai lang.

Chị buộc lại cái khăn bẩn quanh mặt bà, và không ngó lại sau, cất buớc xuống đường.

Con đường xuôi xuống và dần dần lên cao lại, để biến mất trong khóm rừng thông trên đỉnh một ngọn đồi xa xa. Có tiếng rống của trâu bò nghe thường vọng từ hướng đó. Thở hổn hển và đẫm mồ hôi, chị đàn bà hối hả đi tới như thể bị ai đuổi. Dù chị có thường xuyên lau trán mồ hôi ngay sau đó lại chẩy xuống mắt. Chị phải nghỉ thôi. Nếu gắng sức quá chị có thể gặp số phận như bà già. Nhưng tuy thỉnh thoảng có vấp ngã trên đường mòn chị nhất định phải tới xa tận khóm rừng thông kia. Chị hoảng sợ khi nghĩ đến chuyện bị bỏ lại đâu đó dọc con đường chị đã tới. Chị sẽ ra ngoài khu rừng thông, cho dù phải bò.

Một khi đã tới đó, một khi đã ra ngoài khu rừng thông, chị coi như đã vượt qua một ranh giới. Dù gì chăng nữa chị phải tìm cách đủ xa và không còn bận tâm đến phạm trường.

Chị cảm thấy nếu đã ra ngoài khỏi khu rừng thông rồi thì không ai đi cùng hướng với chị biết được chị đã từ đâu tới..

Chị đã không lầm. Có lẽ chị chỉ tuởng tượng, nhưng khi chị trèo lên dốc cao, vai nặng trĩu, và tiến vào khu rừng thông, thì cảnh quan phía trước, xa ngoài những cây thông và bụi tre thấp, hình như hoàn toàn khác hẳn sắc thái của chính những cây này. Cây trái, ruộng lúa trên cánh đồng trông khác hẳn. Đây đó giữa những mái nhà tranh là mái ngói của một nhà hai tầng với cửa kính và một cổng trang nghiêm. Khu rừng dâm bóng và gió nhẹ man mát. Chị thở dài nhẹ nhõm, và khi ngồi xỗm xuống để nghỉ, sức nặng của bao gạo làm chị chúi tới truớc. Lát sau chị mới đứng lên được.

Một người đàn ông trung niên xuất hiện, đang đạp xe leo dốc. Ngừng gần chị để lau mồ hôi, ông châm lửa điếu thuốc lá. Chị liếc nhìn ông.

Chính ông chắc cũng đi buôn chuyến, trên đường trở về đang tìm thực phẩm. Trên cái giá chở đồ của xe đạp hình như là một bao trống xếp gấp lại.

"Ông đi ra ngoài kiếm mua?" chị rụt rè hỏi.

"Không may chút nào. Chẳng thấy thứ gì."

"Không dễ, phải không, khi họ không muốn bán."

"Không dễ chút nào. Với gạo, ở đâu chị cũng không đạt kết quả. Họ đòi bất cứ cái gì chợt đến trong đầu và không bằng lòng chỉ được có tiền."

"Họ cũng ép tôi ghê lắm, nhưng cuối cùng tôi cũng được một ít."

"Đàn bà hình như khá hơn đàn ông. Họ đòi hai trăm yen một quart. Chị có thể tin nổi không?"

 

"Nhưng có những chỗ ở Tokyo ông có thể bán giá nhiều hơn thế. Nếu ông đề nghị giá tốt, tôi có thể để cho ông một ít của tôi đây."

"Cám ơn. Chị thật tử tế. Chị có bao nhiêu?"

"Có lẽ khoảng nửa bushel. Khá nặng, và tôi sợ tôi sắp bị cảm lạnh. Ông có thể có nó nếu ông muốn."

"Trăm tám muơi một quart, chị nghĩ sao?"

"Đó là cái giá tôi đã mua. Ông nên để cho tôi lời ít nhất năm yen mỗi quart."

 Người đàn ông sờ ướm thử sức nặng của bao. Rồi nhìn xem có ai đang đi tới không, ông mở bao của mình và lấy ra cái cân.

Giao dịch kết thúc nhanh chóng.

Thoát khỏi gánh nặng, chị đàn bà nhét cuộn giấy bạc vào ngực áo kimono. Chị ngó lưng người đàn ông đang xa dần khi chị rời khu rừng thông. Chim đang hót trên cành, và côn trùng đang kêu trong cỏ.

Phạm đức Thân dịch
 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top