Murakami Haruki, Phạm Vũ Thịnh dịch: Bà Cô Nghèo Khó

Chuyện bà cô nghèo khó
http://chimvie3.free.fr/baivo/phamvuthinh/PVT_MurakamiHaruki_BaCoNgheoKho/Image22.jpg
Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh dịch


1
Chuyện khởi đầu từ một buổi chiều đẹp trời tháng Bảy. Một buổi chiều chủ nhật đặc biệt sảng khoái. Ngay cả mảnh giấy bao sô-cô-la người ta vò tròn vất bỏ trên sân cỏ, cũng chiếu sáng huy hoàng tự hào như là viên pha-lê dưới đáy hồ trong vương quốc tháng Bảy. Phấn hoa trong ánh dương dịu dàng không đến nỗi trong suốt ấy thong thả múa lượn e ấp rơi nhẹ xuống mặt đất.
Trên đường đi dạo về, ngồi lại nơi quảng trường trước phòng triển lãm tranh, tôi với người bạn đi cùng, lơ đãng ngước nhìn bức tượng đồng kỳ-lân-một-sừng. Trận mưa rào vừa tạnh, cơn gió thanh mảnh lay động lá xanh run rẩy, và làm gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ nước cạn. Đáy nước trong còn chìm nhiều lon-không đã rỉ sét, khiến tưởng đến những hoang phế của một thành phố bị bỏ quên từ ngàn xưa. Nhiều nhóm đánh bóng chày không chuyên, mặc đồng phục, và mấy con chó, mấy chiếc xe đạp cho thuê, hay vài thanh niên ngoại quốc mặc quần cộc chạy bộ, đã đi ngang qua nơi hai đứa tôi đang ngồi bên bờ hồ. Có ai đấy mở máy nghe đài trên cỏ, tiếng hát bài nhạc Pop ngọt sắc như cà-phê bỏ quá nhiều đường, theo gió vẳng nhẹ đến phía chúng tôi. Bài hát về tình yêu đã mất đi, hay sắp mất đi. Ánh nắng âm thầm thấm dần vào hai cánh tay tôi.
Tôi chẳng hiểu vì sao trong buổi chiều như thế, chuyện bà cô nghèo khó lại dấy động lòng tôi. Chung quanh đây có bóng dáng bà cô nghèo khó nào đâu. Vậy mà trong khoảng chừng một phần mấy trăm giây, bà cô ấy đã hiển hiện trong lòng tôi, như một cái chạm nhẹ kỳ lạ lành lạnh trên làn da mãi mãi còn vương lại trong tôi.
Bà cô nghèo khó?
Tôi nhìn quanh quất một lần nữa, rồi ngước nhìn khoảng trời mùa hạ. Lời nói như gió thoảng, như lằn đạn trong suốt, đã bị cuốn hút mất vào trong buổi chiều tà ngày chủ nhật. Lúc nào cũng khởi đầu như thế. Trong một thoáng chốc, tất cả đều hiện hữu, rồi thoáng chốc sau, tất cả đều tiêu tan đi mất.
-"Anh muốn viết gì đấy về bà cô nghèo khó." Tôi ướm lời với người cùng đi.
-"Bà cô nghèo khó à?" Nàng lộ chút ngạc nhiên. Nàng lăn tròn vài lần trong lòng bàn tay nhỏ, cụm chữ "bà cô nghèo khó" ấy, rồi nhún vai như tuồng không hiểu mấy -"Tại sao lại là bà cô nghèo khó?"
Tại sao thì tôi cũng chẳng hiểu. Như bóng một cụm mây nhỏ, thứ gì đấy đã thoáng qua trong lòng tôi, chỉ có thế thôi.
-"Chỉ nghĩ thế thôi. Bâng quơ mà nghĩ thế."
Hai đứa im lặng, cố tìm lời nói một hồi lâu. Chỉ có tiếng trái đất xoay vòng nhẹ nhàng, nối kết lòng tôi và lòng nàng.
-"Thế anh định viết chuyện bà cô nghèo khó đấy à?"
-"Ừ, anh định sẽ viết chuyện bà cô nghèo khó đấy."
-"Chuyện như thế, có lẽ chẳng ai muốn đọc đâu."
-"Có thể thế." Tôi nói.
-"Dù thế, cũng vẫn muốn viết thử xem sao chứ gì?"
-"Không làm sao hơn được." Tôi biện minh -"Khó giải thích quá... Quả thật anh đã mở một ngăn kéo sai lầm rồi. Thế nhưng, chính anh đã mở ngăn kéo ấy ra mà. Kết cuộc, chuyện là như thế."
Nàng mỉm cười, im lặng. Tôi rút điếu thuốc đã nhàu nhò trong túi ra, châm lửa.
-"Mà này..." Nàng nói. -"Trong họ hàng nhà anh có bà cô nghèo khó nào không?"
-"Không." Tôi đáp.
-"Họ hàng nhà em thì có một bà cô nghèo khó. Người thật đấy nhé. Đã cùng sống chung vài năm nữa kia."
-"Ừm..."
-"Thế nhưng em chẳng muốn viết gì về bà cô ấy cả."
Đài bán dẫn bắt đầu phát ra một bài hát khác. Trần gian này hẳn là chứa đầy những mối tình đã mất hay sắp mất đi.
-"Vậy thì, anh chẳng có lấy một bà cô nghèo khó nào cả." Nàng nói tiếp. -"Thế mà lại nghĩ là muốn viết thử gì đấy về bà cô nghèo khó. Anh có cho như thế là kỳ lạ không nào?"
Tôi gật đầu -"Vì sao thế nhỉ?"
Nàng chỉ lắc đầu nhẹ, không đáp. Nàng vẫn quay đầu về phía sau, những ngón tay thon vẫn bơi trong nước một hồi lâu. Cứ như là câu hỏi của tôi đã nương theo ngón tay nàng mà chìm sâu xuống hoang-phế nơi đáy hồ rồi. Hẳn là bây giờ đây, dưới đáy hồ ấy, dấu hỏi của tôi vẫn còn chiếu sáng như miếng kim loại được mài giũa cẩn thận đến sáng bóng, đang chìm dần xuống đáy. Và có lẽ đang hướng đến những lon-không mà hỏi tới tấp: "Tại sao? Tại sao? Tại sao?"
-"Em chả hiểu." Nàng nói gọn lỏn, rõ lâu về sau.
Tôi chống tay lên cằm, miệng vẫn ngậm điếu thuốc, ngước nhìn tượng đồng kỳ-lân-một-sừng ấy một lần nữa. Hai kỳ-lân-một-sừng đang hậm hực nhấc bốn vó trước lên như cố rướn theo dòng thời gian đã bỏ rơi chúng lại nơi nào đấy.
-"Em chỉ hiểu rằng, người ta đang đội mâm trên đầu thì không thể ngước nhìn lên trời được." Nàng nói. -"Anh là như thế."
-"Nói cho cụ thể tí nữa hộ đi."
Nàng chùi ngón tay vọc nước vào tay áo vài lần rồi nhìn thẳng về phía tôi.
-"Em cảm thấy anh bây giờ không còn cứu chuộc gì được cả. Hoàn toàn không."
Tôi thở dài.
-"Xin lỗi anh."
-"Không, chả sao." Tôi nói -"Hẳn là anh bây giờ thì đến cả một cây gậy chống rẻ tiền đi nữa, cũng chẳng cứu chuộc được nữa rồi."
Nàng lại mỉm cười -"Mà anh cũng chẳng có lấy một bà cô nghèo khó."
Đúng thế, tôi bây giờ thì
ngay cả một bà cô nghèo khó cũng không có.
Nghe cứ như là lời bài hát nào đấy.
 
 
2
Có thể ngay cả bạn cũng không có bà cô nghèo khó nào cả.
Nếu thế, thì tôi và bạn cùng có điểm chung là "không có bà cô nghèo khó."
Điểm chung kỳ lạ thật. Điểm chung cứ như là vũng nước đọng trong buổi sáng yên tĩnh ấy.
Tuy vậy, ngay cả bạn cũng có khi đã nhìn thấy hình dáng bà cô nghèo khó trong đám cưới nhà ai đấy rồi. Trong tủ sách nào hẳn cũng phải có một cuốn sách lâu lắm rồi chẳng ai thèm đọc; trong tủ áo nào hẳn cũng phải có một manh áo sơ mi lâu lắm rồi chẳng ai buồn xỏ tay; trong đám cưới nào, hẳn cũng phải có một bà cô nghèo khó.
Bà cô ấy, chẳng ai muốn giới thiệu cho ai, mà hầu như cũng chẳng ai thèm hỏi chuyện cả. Chẳng được mời ngỏ đôi lời. Bà chỉ ngồi đấy, trước bàn, như một chai đựng sữa đã cũ. Bà húp món xúp thịt chỉ nghe tiếng nho nhỏ, yếu ớt; ăn xà-lách bằng nĩa rẽ cá; xúc đậu tây trật vụt; và cuối bữa lại thiếu muỗng ăn kem; khốn khổ thế! Quà tặng bà mang đến may lắm thì sẽ bị bỏ xó trong góc tủ; còn rủi thì đến lúc dọn nhà, sẽ bám đầy bụi mà bị vất vào thùng rác, cùng với đám cúp chơi bowling.
Thi thoảng, cuốn hình chụp đám cưới mà lại có được tấm hình có bà trong đó, thì trông đã giống như cái xác chết trôi còn tươi đôi chút, mà lại chẳng ai thương xót.
-"Hình bà này là ai thế nhỉ? Đấy, hàng thứ hai, đeo kính..."
-"À, có là ai đâu." Anh chồng trẻ đáp. -"Chỉ là bà cô nghèo khó đấy mà."
Bà không có tên nữa. Chỉ là "bà cô nghèo khó". Thế thôi.
Tất nhiên có thể bảo là tên người ta thì lúc nào đấy cũng phải mất đi thôi. Dù thế, hẳn phải có lắm cách mất đi chứ. Trước nhất là kiểu tên họ mất đi ngay lúc người ta chết. Kiểu này đơn giản. "Sông khô cạn, cá chết hết" hoặc là "Lửa bao trùm khắp rừng, chim muông chết hết"..., chúng ta thương tiếc những cái chết ấy. Thứ đến là như cái máy truyền hình cũ, chết đi mà lằn sáng trắng vẫn lang thang chớp nháng trên màn hình, rồi một ngày nọ đột nhiên tắt phụp mà chết. Kiểu này cũng không tệ. Cứ như là dấu chân của con voi Ấn-độ lạc đường ấy, nhưng quả là không tệ. Và cuối cùng, là kiểu chưa chết mà tên họ đã mất hẳn đi, tức là trường hợp của các bà cô nghèo khó ấy đấy.
Tuy nhiên ngay cả tôi, có khi cũng rơi vào trạng thái mất tên họ theo kiểu bà cô nghèo khó ấy. Trong đám đông hỗn độn trên ga chiều, mình đi đến đâu, tên họ là gì, nhà cửa ở đâu, những thứ ấy biến tiêu đâu mất trong đầu óc mình. Tất nhiên chỉ trong một khoảng thật ngắn, 5 giây hay 10 giây mà thôi. Hoặc như thế này cũng có nữa:
-"Tên ông là gì nhỉ, tôi không làm sao mà nhớ ra được." Người nào đấy nói thế.
-"Đâu có sao, xin đừng bận tâm. Bởi chẳng phải là cái tên to tát gì."
Anh ta cứ chỉ mãi vào cổ họng -"Xin lỗi, đã ra được đến đây rồi mà..."
Những lúc như thế, tôi cảm thấy như mình đã bị chôn xuống đất, chỉ có đầu ngón chân bên trái thọc lên trên mặt đất mà thôi. Thi thoảng có người nào đấy vấp phải, thế là bắt đầu tạ lỗi. -"Xin lỗi, đã ló ra được đến đây rồi mà..."
Vậy thì, những tên họ mất đi ấy đã biến đi đâu rồi nhỉ? Trong đô thị đường sá dọc ngang như mê cung này, xác suất chúng có thể sống sót được thì hẳn là vô cùng thấp. Có kẻ trong bọn chúng hẳn đã bị xe tải cán bẹp trên đường; có kẻ chỉ vì không có sẵn tiền lẻ nên không lên xe lửa được, đành chết bờ, chết bụi; có kẻ lại bọc đầy túi niềm tự hào mà chết chìm nơi sông sâu.
Nhưng dù vậy, vài kẻ trong bọn chúng có lẽ đã sống sót mà lê lết được đến thành phố của những tên họ bị mất đi, mà âm thầm xây dựng nên một cộng đồng. Một thành phố nhỏ, thật nhỏ thôi. Và ngay cổng vào, có lẽ dựng tấm bảng như thế này:
"Vô phận sự cấm vào"
Người vô phận sự mà bước vào trong, thế nào cũng chịu hình phạt đạm bạc tương ứng.
*
Mà có thể đấy là hình phạt đạm bạc đã được dành sẵn cho tôi không chừng. Trên lưng tôi, bây giờ đã có bà cô nghèo khó nho nhỏ đeo dính vào.
Tôi để ý đến hiện hữu của bà cô ấy từ khoảng giữa tháng Tám. Cũng chẳng phải là có chuyện gì đấy khiến phải để ý đến. Chỉ là bất giác mà cảm thấy, thế thôi. Cảm thấy trên lưng mình có bà cô nghèo khó, thế đấy.
Cảm giác ấy cũng không đến nỗi khó chịu. Bà cô chẳng nặng gì mấy, mà cũng chẳng thở ra hơi thở hôi hám gì sau tai mình. Bà chỉ dính sát vào lưng tôi như cái bóng đã được tẩy trắng, thế thôi. Người ngoài nếu không nhìn kỹ thì cũng chẳng thấy bà dính sát vào tôi như thế. Mấy con mèo tôi nuôi, lúc đầu, hai ba ngày, cũng đã nhìn bà với cặp mắt nghi kỵ, nhưng thấy bà không có ý đồ phá hoại lãnh thổ của chúng, nên đã quen với sự có mặt của bà ngay.
Vài người bạn tôi thì có vẻ không an tâm. Bởi vì giữa lúc đối mặt uống rượu với họ, thỉnh thoảng bà lại lấp ló mặt ra từ phía sau lưng tôi.
-"Có vẻ bất an sao đâu ấy."
-"Đừng bận tâm." Tôi nói -"Chẳng có gì hại cả."
-"Ừ, thì đành là thế rồi. Nhưng mà, vẫn thấy khổ sở thế nào ấy."
-"Ừm..."
-"Chứ thứ ấy thì cõng từ đâu về thế?"
-"Chẳng từ đâu cả." Tôi đáp -"Chỉ suy nghĩ đủ thứ chuyện bấy lâu nay, thế thôi."
Anh bạn gật đầu, thở dài. -"Tớ hiểu. Tính cậu từ ngày xưa đã thế rồi."
-"Ừm..."
Chúng tôi lại tiếp tục uống Whisky không vui thú gì mấy như thế khoảng một giờ.
-"Này cậu." Tôi nói. -"Vậy chứ từ đâu mà cảm thấy khổ sở đến thế?"
-"Cứ như là đang bị mẹ mình dòm ngó xét nét gì đấy thôi."
-"Sao thế nhỉ?"
-"Tại sao à?" Anh bạn nói, khổ sở. -"Tại vì, dính vào sau lưng cậu là mẹ tôi đấy."
Tổng hợp lại những ấn tượng từ vài người bạn ấy (bởi chính tôi thì không thể nhìn thấy hình dạng của bà cô ấy được), thì đoán được rằng bà cô nghèo khó dính vào lưng tôi ấy không có một hình dạng cố định của một bà cô nào, mà giống như một thứ chất lỏng ê-te thay đổi hình dạng tùy theo tâm cảnh của người nhìn.
Đối với một người bạn khác của tôi, thì đó là con chó giống Akita đã chết vì ung thư thực quản vào mùa thu năm ngoái.
-"Đã 15 tuổi rồi, lụm cụm già cả quá. Thế mà lại phải chết vì ung thư thực quản thì tội nghiệp thật."
-"Ung thư thực quản?"
-"Ừ, ung thư ở thực quản ấy. Đau đớn lắm kia. Tớ cũng ngán thứ ấy nhất. Cứ khóc sụt sùi mỗi ngày đấy. Mà có tiếng gì phát ra được đâu."
-"Ừm..."
-"Tớ đã thật muốn cho nó chết cách nào bớt đau đớn hơn, nhưng mẹ tớ không chịu."
-"Vì sao?"
-"Xà, làm sao mà biết được. Hẳn là chẳng muốn chính tay mình giết nó đó thôi." Anh ấy nói, có vẻ không có gì hứng thú. -"Dù sao, nó cũng đã sống thêm hai tháng nhờ chuyền thuốc vào. Sống trên sàn nhà kho. Địa ngục đấy."
Rồi anh im lặng một hồi lâu.
-"Chẳng phải là loại chó đặc biệt gì. Nhát gan, thấy bóng người là sủa, chẳng ích lợi vào đâu cả. Chỉ ồn nhà thôi, lại bị bệnh ngoài da nữa."
Tôi gật đầu.
-"Phải chi sinh ra là con ve chứ đừng là con chó, hẳn là nó đã sung sướng lắm rồi. Có kêu ve ve suốt ngày cũng chẳng ai ghét bỏ, mà lại chẳng bị ung thư thực quản nữa."
Thế nhưng bà cô vẫn làm thân chó, thè lè ống nhựa chuyền thuốc ra trước miệng mà bám riết trên lưng tôi.
Còn đối với người bạn làm nghề bán nhà đất thì đấy lại là cô giáo trường tiểu học ngày xưa.
-"Năm Chiêu Hoà thứ 25, 1950, đúng vào năm bắt đầu chiến tranh Triều Tiên đấy." Anh ta vừa lấy khăn mặt dày lau mồ hôi trán vừa nói thế. -"Đã dạy lớp tớ suốt hai năm, thật là đáng nhớ quá. Mà nói là đáng nhớ, chứ thật ra thì đã quên hầu hết rồi."
Anh ta mời tôi uống trà lạnh lúa mạch, ân cần như tưởng tôi là bà con gì đấy của cô giáo cũ.
-"Nghĩ cho cùng thì cô ấy đáng thương lắm. Ngay năm cô lấy chồng thì chồng phải vào lính, thuyền chở đi nửa chừng thì bom nổ <Ầm>. Ðâu khoảng năm Chiêu Hoà thứ 18, 1943 đấy. Cô vẫn nán lại dạy ở trường tiểu học, đến năm sau, trường bị dội bom, nên cô bị cháy. Suốt từ má trái xuống cả cánh tay trái." Anh ta đưa ngón tay vạch một đường dài từ má trái xuống cánh tay trái, rồi uống một hơi cạn ly trà, lại lấy khăn lau mồ hôi. -"Có vẻ là người đẹp đấy, mà tội nghiệp quá... nghe đâu đã biến đổi đến cả tâm tính cô nữa. Nếu bây giờ còn sống thì đã gần 60 tuổi rồi. Năm Chiêu Hoà thứ 25 kia à!..."
Cứ thế, bản đồ của khu phố này dần dần mang hình dáng bản phối trí chỗ ngồi trong tiệc cưới. Lấy lưng tôi làm tâm điểm, vòng tròn quanh bà cô nghèo khó cứ thế lan rộng ra dần dần.
Thế nhưng, đồng thời, bạn bè chung quanh tôi lại từng người khuất xa dần dần như răng lược theo nhau gãy.
Họ bảo: -"Thằng đó cũng chẳng phải là kẻ xấu. Chỉ vì mỗi lần gặp nó thì lại thấy bộ mặt khổ sở của bà cụ (hoặc của con chó già chết vì ung thư thực quản, hoặc của cô giáo mang vết cháy trên người), thật khó mà chịu nổi."
Tôi có cảm giác mình biến thành cái ghế khám răng của nha sĩ hay gì đấy. Chẳng phải họ phiền trách gì tôi, cũng chẳng phải họ ghét bỏ gì tôi. Vậy mà mọi người tránh tôi, tình cờ chạm mặt nhau đâu đó, thì lại kiếm cớ nào cho thông mà lỉnh đi mất. Có một cô bạn đã thành thật bảo tôi: -"Gặp anh sao mà thấy nghẹt thở thế nào ấy."
-"Có phải lỗi tại tôi đâu nào!"
-"Em hiểu." Cô nói và cười gượng gạo. -"Giá anh cõng trên lưng thứ gì như giá-móc-dù hay gì đấy thì em còn gắng chịu được..."
Giá-móc-dù?
Cũng được thôi, tôi nghĩ. Tôi vốn là người dở chuyện giao tiếp với người khác, mà so với chuyện cõng mãi cái giá-móc-dù trên lưng mà sống thì cứ như bây giờ vẫn còn tốt hơn nhiều.
Bù lại, tôi bị vài tạp chí tìm đến nhũng nhiễu. Cứ cách ngày là họ lại đến chụp hình tôi và bà cô sau lưng, rồi tức bực sao hình bà cô không hiện rõ, tra hỏi tôi những câu không ăn nhập gì cả rồi bỏ về. Chứ những tạp chí đăng thứ ký sự như thế thì tôi đâu có thèm đọc. Ðọc chúng xong, chắc muốn treo cổ mà chết quách!
Ngay cả chương trình ti-vi buổi sáng, tôi cũng đã lên rồi. Sáng sớm 6 giờ đã bị lôi dậy, lên xe hơi chở đến phòng thâu hình, cho uống thứ cà-phê gì chẳng biết. Người giới thiệu chương trình là một tay xướng-ngôn trung niên chẳng có nội dung gì ráo, chỉ láng bóng trong suốt như nhìn xuyên thấu qua tuốt phía sau. Hẳn là ông ta đánh răng mỗi ngày sáu bận...
-"Thưa quý vị, người khách sáng nay là ông.............."
Vỗ tay.
-"Kính chào quý vị."
-"Kính chào..."
-"À, ông đây là người tình cờ mà phải cõng bà cô nghèo khó sau lưng, xin ông cho biết cớ sự và diễn biến của sự việc như thế nào, và chuyện khổ nhọc ra sao..."
-"Thật ra thì cũng chẳng đến nỗi khổ nhọc gì." Tôi nói -"Chẳng nặng gì mấy, mà cũng chẳng phải ăn uống gì..."
-"Thế có mỏi vai lắm không?"
-"Không."
-"Thế, từ lúc nào.... à... lại dính vào thế, thưa ông?"
Tôi mang chuyện ở quảng trường có tượng đồng kỳ-lân-một-sừng ra giải thích ngắn gọn xem sao, nhưng có vẻ người giới thiệu chương trình không hiểu ý nghĩa được bao nhiêu. Ông ta đằng hắng rồi nói.
-"Thế nghĩa là.... anh ngồi bên hồ, trong đó có bà cô nghèo khó nấp sẵn mà phóng lên ôm riết lấy lưng anh, phải thế không?"
Tôi lắc đầu. Kết cuộc, mọi người chỉ muốn tìm chuyện cười hay chuyện quái đản hạ cấp mà thôi.
-"Bà cô nghèo khó đâu phải là hồn ma. Đâu có ẩn nấp đó đây hay bạ ai cũng chụp lấy. Nói cho cùng thì chỉ là lời nói đó thôi." Tôi chán nản mà giải thích như thế -"Chỉ là lời nói đó thôi."
Chẳng ai thốt một lời nào cả.
-"Nghĩa là, lời nói giống như điện-cực nối kết với ý thức, cho nên, thông qua đó mà liên tiếp truyền đến cùng một thứ kích thích thì thế nào cũng phát sinh ra phản ứng gì đấy. Tất nhiên là tuỳ từng người mà có những loại phản ứng hoàn toàn khác nhau. Trường hợp của tôi thì phản ứng ấy giống như là cảm giác hiện hữu độc lập đấy. Giống hệt như cảm giác cái lưỡi phồng lên càng lúc càng to trong miệng mình ấy. Dính vào lưng tôi đây, kết cuộc, là lời nói <bà cô nghèo khó>. Không có ý nghĩa gì mà cũng chẳng có hình dạng gì. Nói cho cùng, thì giống như là ký hiệu có tính cách khái niệm đấy."
Người giới thiệu chương trình lộ vẻ mặt bối rối. -"Anh bảo là không có ý nghĩa gì mà cũng chẳng có hình dạng gì, thế nhưng chúng tôi thì ngay lúc này đây, thấy được rõ ràng là trên lưng anh có hình dáng thứ gì đấy, tạo ra cho chúng tôi những ý nghĩa nào đấy cho từng người."
Tôi nhún vai. -"Thì ký hiệu là thứ như thế đấy chứ gì."
-"Giả thử là như thế thì..." Người thiếu nữ phụ-diễn hỏi tôi, để khai thông tình trạng bế tắc. -"Nếu ông muốn xoá mất đi, thì tự mình với ý chí của mình, ông có thể xoá đi được hình-tượng hay hiện-hữu ấy, phải thế không?"
-"Không được đâu. Một khi đã phát sinh ra thì tiếp tục hiện hữu mà không dính dáng gì đến ý chí của tôi cả."
Cô phụ diễn lộ vẻ khó chấp nhận được mà hỏi tiếp.
-"Giả thử... thao tác ký-hiệu-hoá lời nói cho có tính cách khái niệm như anh vừa nói ấy, ngay cả tôi cũng có thể làm được à?"
-"Có thể được." Tôi nói.
-"Vậy thì nếu như tôi..." Người giới thiệu chương trình chen vào. -"Giả thử mỗi ngày nhiều lần lặp đi lặp lại chữ <có tính cách khái niệm>, thì ngày nào đó, trên lưng tôi có thể hiện ra hình dạng <có tính cách khái niệm> à?"
-"Có lẽ thế."
-"Nghĩa là, cụm từ <có tính cách khái niệm> được ký-hiệu-hoá cho có tính-cách khái-niệm, đấy nhỉ."
-"Đúng thế đấy." Ánh đèn chói chang của phòng thâu bắt đầu làm tôi nhức đầu.
-"Thế nhưng <có tính cách khái niệm> thì có hình dạng như thế nào chứ?"
-"Chẳng biết." Tôi đáp. Bởi điều đó vượt quá sức tưởng tượng của tôi, mà phải cõng trên lưng một bà cô nghèo khó thì đã quá đủ cho tôi rồi.
Tất nhiên, thế giới này, tất cả là trò hề rồi. Ai mà tránh được cơ chứ? Từ phòng thâu của hãng chế tác chương trình ti-vi chói chang ánh đèn chiếu, cho đến am ẩn cư trong góc rừng u tối, cũng chẳng có gì khác biệt cả. Tôi cứ thế mà cõng bà cô nghèo khó trên lưng, tiếp tục bước đi trên thế giới như thế. Tất nhiên trong thế giới trò hề ấy, tôi đặc biệt có vẻ hề nhất. Bởi dù gì cũng đang cõng trên lưng một bà cô nghèo khó! Có lẽ đúng như cô gái kia đã nói, lẽ ra tôi nên cõng quách cái giá-móc-dù hay gì đấy còn hơn. Giá như thế, có lẽ người ta đã kéo tôi vào làm bạn với họ rồi. Cứ mỗi tuần, tôi lại sơn màu khác cho cái giá-móc-dù ấy và chường mặt ra tất cả các đám tiệc tùng kia rồi.
-"Chào bạn, tuần này thì giá-móc-dù màu hồng đấy nhỉ ?" Ai đấy nói.
-"Đúng thế." Tôi đáp. -"Chứ tuần này có tâm tình kiểu giá-móc-dù màu hồng mà."
Ngay cả các cô nàng be bé xinh xinh hẳn cũng đến gợi chuyện với tôi: "Này anh, giá-móc-dù của anh tuyệt vời quá."
Đối với các cô ấy, chuyện chui vào giường với anh chàng cõng giá-móc-dù mầu hồng trên lưng, hẳn phải là một kinh nghiệm tuyệt vời lắm.
Thế nhưng tiếc thay tôi cõng trên lưng không phải là cái giá-móc-dù, mà là bà cô nghèo khó. Theo với thời gian, quan tâm của người đời về tôi và bà cô nghèo khó tôi cõng trên lưng phai nhạt đi nhanh chóng, rồi cuối cùng tiêu tan hẳn đi, chỉ còn lưu lại chút ác-ý mà thôi. Kết cuộc, như cô bạn đi cùng tôi đã nói, chẳng có ai quan tâm đến thứ bà cô nghèo khó cả. Khi chút hiếu kỳ ban đầu đã theo con đường phải đi mà biến mất, còn sót lại chỉ là sự tĩnh lặng như đáy biển mà thôi. Đấy là sự tĩnh lặng của tôi và bà cô nghèo khó đã hoà nhập làm một mất rồi.
 
 
3
-"Em đã xem chương trình ti-vi có anh đấy." Người đi cùng tôi nói.
Chúng tôi đang ngồi ở bờ hồ như lần trước. Đã ba tháng qua rồi tôi mới gặp lại nàng, bây giờ đã là đầu mùa thu.
-"Có vẻ mệt mỏi một tí đấy nhỉ."
-"Đúng thế."
-"Không đúng là anh mấy."
Tôi gật đầu.
Nàng xếp gấp nhiều lần chiếc áo sơ mi thể thao dài tay đặt trên đùi.
-"Có vẻ cuối cùng thì anh đã có bà cô nghèo khó cho riêng mình rồi."
-"Có lẽ thế."
-"Cảm thấy thế nào?"
-"Như là quả dưa rơi xuống đáy giếng ấy."
Nàng bật cười, tay vuốt ve áo sơ mi thể thao mềm mại đã xếp gấp cẩn thận đặt trên đùi, như vuốt ve con mèo.
-"Anh đã hiểu được điều gì từ bà ấy?"
-"Từng bước một thôi."
-"Thế, đã viết ra được phần nào chưa?"
-"Chưa." Tôi lắc đầu nhẹ. -"Chẳng viết được gì cả. Có lẽ không còn viết được trong một thời gian dài."
-"Sợ rồi à?"
-"Cảm thấy viết tiểu thuyết chẳng có ý nghĩa gì ráo cả. Nếu đúng như em đã có lần nói đấy, anh bây giờ không cứu chuộc gì được cả."
Nàng cắn môi, im lặng một hồi.
-"Này anh, thử hỏi em điều gì đấy đi. Có khi giúp ích cho anh được chút nào chăng."
-"Với tư cách của người thông thạo về bà cô nghèo khó ấy à?"
-"Chứ sao."
Tôi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, phải thật lâu sau mới nghĩ ra được.
-"Thỉnh thoảng anh lại nghĩ không biết người như thế nào thì thành ra bà cô nghèo khó." Tôi nói. -"Bà cô nghèo khó có phải là người sinh ra là bà cô nghèo khó, hay có thứ trạng huống gọi là bà cô nghèo khó, mở sẵn lỗ hổng lớn ở góc phố, nuốt sống người nào đi ngang qua đấy mà biến họ thành bà cô nghèo khó."
-"Chắc là đằng nào cũng không khác gì nhau." Nàng nói.
-"Không khác gì nhau sao?"
-"Vâng. Có thể bà cô nghèo khó đã có một thời thiếu nữ, thời thanh xuân có tính cách bà cô nghèo khó. Hoặc cũng có thể không có như thế. Nhưng điều đó thì sao cũng được. Trên đời này, có đến hàng triệu lý do này, lý do khác. Hàng triệu lý do để sống, hàng triệu lý do để chết, bỏ ra chút tiền là nắm được một đống lý do ấy. Thế nhưng, anh có muốn tìm kiếm thứ ấy đâu, phải không?"
-"Có lẽ thế." Tôi nói.
-"Bà cô ấy có thật, thế thôi." Nàng nói. -"Vấn đề còn lại là anh có chấp nhận điều ấy không mà thôi."
Chúng tôi im lặng, ngồi nguyên như thế ở bờ hồ một lúc lâu. Ánh nắng trong suốt mùa thu chiếu lên khuôn mặt nhìn nghiêng của nàng trông giống như một màng the mỏng.
-"Này anh, sao anh không hỏi em có nhìn thấy gì sau lưng anh không?"
-"Em có nhìn thấy gì sau lưng anh không?"
-"Em chẳng thấy gì cả." Nàng mỉm cười, nói: -"Chỉ thấy anh thôi."
-"Cảm ơn em." Tôi nói.
*
Tất nhiên, thời gian dần dần đập bẹp tất cả mọi người một cách bình đẳng. Cứ như là người đánh xe thổ mộ quất roi vào con ngựa già cho đến lúc nó ngã chết trên đường. Thế nhưng những ngọn roi quất trầm lặng kinh khủng, nên ít có ai để ý là mình đang bị roi quất.
Vậy là, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy cảnh thê lương gọi là bà cô nghèo khó ấy qua thứ gì như cửa sổ bằng kính của nhà thuỷ tộc. Trong lồng kính chật hẹp đến khó thở, thời gian đang vắt khô bà cô nghèo khó như vắt khô một quả cam. Chẳng còn một giọt nào rỉ ra nữa. Điều làm tôi chú ý là vẻ hoàn bích trong bà cô ấy. Quả thật chẳng còn một giọt nào rỉ ra nữa cả!
Đúng thế, vẻ hoàn bích ấy hiện rõ vững vàng trên hạch-tâm của hiện hữu của bà cô nghèo khó, cứ như là xác chết được bao kín trong khối băng hà. Một khối băng hà kiên cố như thép không rỉ. Có lẽ một vạn năm ánh sáng mặt trời mới hòng đốt tan được khối băng hà ấy. Thế nhưng tất nhiên là bà cô nghèo khó thì không thể sống mãi đến một vạn năm được, nên bà sống cùng với vẻ hoàn bích, chết cùng với vẻ hoàn bích và được chôn cùng với vẻ hoàn bích ấy.
Vẻ hoàn bích và bà cô nghèo khó trong lòng đất.
Rồi có lẽ trong vòng một vạn năm sau, khối băng hà kia sẽ tan chảy trong bóng tối mịt mùng, và vẻ hoàn bích ấy đội mồ ló dạng lên trên mặt đất. Hẳn là tình trạng mặt đất sẽ biến đổi hoang tàng. Thế nhưng, nếu mà trên đấy vẫn còn có nghi thức gọi là đám cưới như thời trước, thì vẻ hoàn bích được bà cô nghèo khó để lại ấy, sẽ được mời đến, sẽ dùng trọn bữa với cung cách sành điệu tuyệt vời nơi bàn tiệc, rồi đứng lên, ngỏ lời chúc tụng tràn đầy tình cảm tha thiết.
Nhưng mà thôi, chuyện ấy ngừng ở đây đi. Bởi kết cuộc, đó là chuyện xảy ra năm Tây lịch 11980 kia mà.
 
 
4
Bà cô nghèo khó đã rời khỏi lưng tôi vào cuối mùa thu.
Hôm ấy, nhớ ra chuyện phải làm cho xong trước khi mùa đông đến, tôi cõng bà cô nghèo khó lên tàu điện ra ngoại ô. Tàu ra ngoại ô buổi chiều chỉ có số khách ít ỏi, đếm được trên đầu ngón tay. Lâu lắm rồi mới đi xa, nên tôi ngắm phong cảnh bên ngoài cửa sổ mãi không chán. Không khí trong lành trải khắp, núi xanh đến kỳ dị, cây cối dọc theo đường tàu đôi chỗ lại điểm những trái cây chín đỏ.
Trên chuyến tàu trở về, phía bên kia lối đi giữa toa có một người mẹ khoảng giữa tuổi ba mươi và hai đứa con. Bé gái lớn mặc áo đầm màu xanh có vẻ là đồng phục ở nhà-giữ-trẻ, đội mũ nỉ mới toanh màu xám có dải băng đỏ. Vành mũ hẹp tròn vẽ một vòng cung mềm mại, uốn cong lên; chiếc mũ trông giống như một con thú nhỏ đang nằm ngủ êm đềm trên đầu cô bé. Kẹp giữa cô bé và bà mẹ là một cậu bé chừng ba tuổi, ngồi trông có vẻ buồn chán vì không có gì chơi. Loại khách gia đình thường thấy trên tàu điện đấy. Không đặc biệt đẹp mắt hay khó coi gì. Không phải là người giàu, mà cũng chẳng phải nghèo khó gì. Tôi ngáp một cái, dọn trống đầu óc mình, mặt vẫn quay ngang, tiếp tục ngắm phong cảnh phía ngược với lần đi.
Chừng mười phút sau, có gì đấy xảy ra giữa ba mẹ con ấy. Lời nói đứt quãng cố dìm nhỏ xuống giữa bà mẹ và cô bé, chợt kéo tôi về hiện thực. Sắp hoàng hôn rồi, đèn trong toa tàu cũ nhuộm màu vàng ố như tấm hình xưa cũ lên hình dáng ba mẹ con.
-"Chứ mẹ thấy mũ của con..."
-"Mẹ biết rồi, gắng ngoan đi nào."
Cô bé đành ngậm lại lời nói sắp tuôn ra khỏi miệng, làm thinh có vẻ không bằng lòng. Cậu em ngồi giữa đang hai tay tận lực kéo giãn chiếc mũ lúc nãy đã thấy trên đầu cô chị.
-"Này, mẹ đánh nó, lấy lại cho con đi."
-"Mẹ đã bảo con yên đi mà."
-"Chứ, đã nhăn nhúm ra thế mất rồi..."
Người mẹ liền nhìn cậu bé rồi thở dài lộ vẻ phiền toái quá. Tôi đoán rằng bà mẹ đã mệt mỏi quá. Có lẽ tiền chi trả hằng tháng, giấy đòi tiền của nha sĩ và thời gian đi quá xa đã bào mòn người đàn bà ở tuổi xuân tàn ấy.
Cậu bé tiếp tục kéo giãn chiếc mũ. Vành mũ lúc trước hình cung tròn đẹp như vẽ bằng compa ấy bây giờ đã xệch xoạc hết nửa; dải băng đỏ gắn lên đấy cũng đã bị vò viên trong bàn tay cậu bé. Vẻ mặc kệ của bà mẹ khiến cậu càng hung hãn thêm. Tôi nghĩ thầm, đến khi cậu ta chán chắc là cái mũ không còn hình thù gì nữa.
Sau một hồi suy nghĩ khổ não, cô chị cũng đã hiểu như tôi. Đột nhiên, cô vươn tay đẩy mạnh vai cậu em, nhân lúc đối phương chới với, nhanh tay giật lấy chiếc mũ, đặt lên chỗ ghế xa tay cậu em không với tới được. Tất cả xảy ra trong chớp mắt, phải mất khoảng một hơi thở dài bà mẹ và cậu em mới nhận ra được ý nghĩa của hành động ấy. Cậu em đột ngột khóc lớn, đồng thời bàn tay bà mẹ đánh chách lên đầu gối trần của cô bé.
-"Chứ mẹ xem, nó bày đầu mà..."
-"Con trẻ làm ồn ào trong tàu điện thì không phải là con của mẹ đâu nhé."
Cô bé vẫn ngậm môi, quay đầu nhìn đăm đăm vào chiếc mũ trên ghế.
-"Đi qua bên kia đi."
Bà mẹ chỉ vào ghế trống bên cạnh tôi. Cô bé vẫn nhìn lảng đi, không ngó đến ngón tay bà mẹ đang giương thẳng ra đấy. Ngón tay ấy như đóng thành băng trên không trung, cứ chỉ mãi vào bên trái của tôi -"Nào, đi qua bên ấy đi. Cô không còn là con tôi nữa đâu."
Cô bé đành chịu phép, cầm chiếc mũ và cặp, rời ghế, chầm chậm băng ngang lối đi giữa toa, sang ngồi bên cạnh tôi và gục mặt xuống. Có vẻ cô bé hoang mang không phán đoán được là mình có thật đã bị đuổi ra khỏi gia đình hay không. Cô liên tục kéo vành mũ nhăn nhúm trên đùi, có vẻ đang nung nấu lắm. Nếu quả thật đã bị đuổi ra khỏi gia đình rồi thì mình biết đi đâu bây giờ? Cô nghĩ thế và ngước nhìn sang tôi. Chứ thật sự làm quấy là thằng ấy cơ mà. Chứ nó đã làm mũ tôi nhăn nhúm đến thế này cơ mà. Đã có vài lằn nước mắt chảy xuống trên đôi má hồng đang gục mặt xuống kia.
Cô bé có khuôn mặt không đặc biệt gì. Có lẽ sự bình thường bao quanh cô đã như làn khói thấm vào khuôn mặt cô. Vẻ trong suốt cố hữu phảng phất trong cái dáng bụ bẫm của bé gái cỡ tuổi này, hẳn sẽ tan biến đi mất trong lớp da thịt đầy đặn ở tuổi dậy thì. Tôi tưởng tượng hình dáng của cô, kéo giãn nếp nhăn trên vành mũ như thế mà lớn lên, từ thiếu nữ thành người lớn.
Tôi vẫn tựa đầu vào khung kính cửa sổ, nhắm mắt lại, thử nhớ lại khuôn mặt vài người bạn gái đã gặp được từ trước đến nay. Cả những lời nói vụn vặt, những cử chỉ nhỏ nhặt, nước mắt hay hình dáng cổ chân mà các cô bạn ấy đã để lại trong trí nhớ của tôi. Các cô ấy, bây giờ, đang sống đời như thế nào nhỉ? Có khi vài người trong số các cô ấy đang còn bước lần mò hoang mang trên con đường tối tăm, như những đứa trẻ lạc lõng, chạy trốn trong đêm tối mịt mùng, mà bị lôi cuốn càng lúc càng sâu thêm vào rừng rậm ban đêm. Nỗi buồn thương man mác như thế thấp thoáng như phấn bướm đêm múa lượn trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn trong toa tàu cũ kỹ. Tôi xoè hai tay trên đầu gối, ngắm hai lòng bàn tay một hồi lâu. Trông như là bàn tay của tôi đã hút đầy máu của nhiều người vào, đến có màu ố thâm.
Tôi muốn đặt nhẹ bàn tay lên vai cô bé đang thổn thức nức nở bên cạnh, nhưng chắc là tay tôi sẽ làm cô bé giật mình. Có lẽ tay tôi cứ thế vĩnh viễn không còn cứu chuộc được một ai nữa. Như không thể kéo giãn lại được vành mũ nỉ màu xám của cô bé này.
Khi tôi ra khỏi tàu điện, chung quanh đã có những cơn gió đông thổi. Mùa áo len mỏng đã chấm dứt, nhường chỗ cho mùa áo khoác dày tiến vào thành phố.
Xuống bậc cấp, luồn qua khỏi cửa soát vé, cuối cùng tôi thoát ra khỏi sự giam hãm tù túng của tàu điện ra ngoại ô buổi chiều tối, sự giam hãm của ngọn đèn toa tàu cũ màu vàng ố ấy. Có cảm giác thật kỳ dị. Giống như có thứ gì đấy đã rơi lọt ra khỏi thân thể mình, để lại khoảng trống vắng. Tôi đứng tựa vào một cây cột bên cạnh cửa ga một hồi lâu, đưa mắt ngắm đám người đông đúc quấn mình trong những lớp vỏ đủ màu, tuôn chảy cuồn cuộn như dòng sông trước mắt tôi. Và bất giác, tôi để ý... bà cô nghèo khó đã biến mất khỏi lòng tôi từ lúc nào rồi!
Cũng giống như lúc mới đến, bà cô ấy đã êm thấm rời khỏi lưng tôi, không gợi chú ý cho ai cả. Tôi chẳng biết bây giờ nên đi đâu. Tôi cô độc, như cây cột đánh dấu gì đấy chẳng có ý nghĩa gì trơ trọi giữa sa mạc. Tôi vét bạc cắc trong túi nhét vào máy điện thoại công cộng, quay số nhà trọ của nàng. Tám hồi chuông reo, nàng bắt điện thoại vào hồi chuông thứ chín.
-"Em đang ngủ." Nàng nói, giọng mơ màng.
-"Sáu giờ chiều mà?"
-"Đêm qua công việc dồn đống lại, làm cho xong thì đã hai giờ sáng rồi."
-"Xin lỗi đã đánh thức em dậy." Tôi nói. -"Chỉ vì muốn xác nhận xem có thật là em còn sống đấy không. Không sao giải thích cho hay được..."
Nàng cười nhỏ.
-"Còn sống đây chứ. Để sống còn nên đã phải làm việc cực nhọc đấy, do thế mà buồn ngủ muốn chết đây. Anh bằng lòng chưa?"
-"Muốn đi ăn chung không nào?"
-"Đáng tiếc là chẳng muốn ăn uống gì cả? Bây giờ thì chỉ muốn ngủ thôi."
-"Anh muốn nói chuyện với em quá."
Phía bên kia, nàng im lặng một lúc. Có khi chỉ là nàng đang ngáp dài.
-"Để khi khác nhé." Nàng nói chậm rãi như ngắt từng chữ.
-"Chừng nào?"
-"Khi khác ấy mà. Cho em ngủ tí đi. Ngủ một tí rồi thức dậy thì mọi sự song suốt cả cho xem. Anh hiểu chưa?"
-"Hiểu rồi." Tôi đáp. -"Em ngủ ngon."
-"Anh ngủ ngon." Cô nói, và cắt điện thoại.
Tôi nhìn ống nói trong tay mình một lúc rồi gác nhẹ trở lại. Có lẽ bụng mình đang đói. Tự nhiên muốn ăn gì đấy quá. Ai cho tôi ăn thứ gì đấy lúc này thì tôi sẽ bò trên đất, đến mút ngón tay của họ cũng được nữa. Được thôi, tôi mút ngón tay quý bạn cũng được. Sau đó, sẽ lăn ra ngủ mê mệt như khúc cây dưới trời mưa.
Tôi tựa người vào cửa sổ nhà ga, châm lửa điếu thuốc.
Nếu mà..., tôi giả định. Nếu mà một vạn năm sau, xã hội của chỉ những bà cô nghèo khó mà thôi, xuất hiện, thì các bà liệu có mở cửa cho tôi vào không nhỉ? Trong xã hội đó, có chính phủ của những bà cô nghèo khó được bầu lên từ những bà cô nghèo khó ấy, có tàu điện dành cho các bà cô nghèo khó do các bà cô nghèo khó cầm lái, và hẳn là có cả những tiểu thuyết do các bà cô nghèo khó viết ra nữa.
Mà không, có thể các bà cô nghèo khó không cảm thấy cần đến những thứ ấy. Chính phủ, hay tàu điện, hay tiểu thuyết,... đều không cần. Các bà có thể muốn chế ra những bình đựng dấm khổng lồ, chui vào đấy mà âm thầm sống, không chừng. Từ trên không nhìn xuống thấy hàng vạn, hàng trăm ngàn chiếc bình ấy sắp lớp đầy kín mặt đất đến tận chân trời. Hẳn là một quang cảnh tuyệt vời. À, nếu như trong thế giới ấy có chỗ cho thơ, thì tôi làm thơ cũng được. Nhà thơ chuyên-thuộc của các bà cô nghèo khó. Được lắm chứ. Tôi sẽ ngợi ca mặt trời phản chiếu trên các bình thủy tinh màu lục ấy, ngợi ca biển cỏ xanh trải dài dưới các bình ấy, loáng sáng sương mai.
Nhưng kết cuộc, đấy là chuyện xảy ra năm Tây lịch 11980 kia. Và thời gian một vạn năm thì quá dài cho việc chờ đợi. Cho đến lúc đó, tôi lại còn phải vượt qua quá nhiều mùa đông.
 
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 10/2005

Chú thích:
Truyện thứ 2 trong tập truyện "BóngMa Ở Lexington" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, tháng 10 năm 2007, dịch từ nguyên tác "Bimbo na Obasan no Hanashi - Chuyện Bà Cô Nghèo Khó" của Murakami Haruki đã đăng trên tạp chí Shincho tháng 12 năm 1980.
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top