Nữ sĩ Colette và người tình bé bỏng
MINH LUÂN
www.khoahoc.netKhi bà gặp Bertrand de Jouvenel, 16 tuổi, lúc ấy bà đã 47 tuổi. Anh là con riêng của Henry de Jouvenel, người chồng thứ nhì. Ngay lập tức bà đã bị hấp dẫn bởi chàng thanh niên mảnh mai và hay suy tư đó. Colette luôn bị mê hoặc bởi những người vừa qua khỏi tuổi niên thiếu. Henry de Jouvenel bỏ rơi bà để chạy theo chính trị và... các phụ nữ khác. Vì thế bà rãnh thì giờ để giáo dục tình cảm cho cậu con trai của chồng.
“Cuộc đời bắt chước nghệ thuật, và những gì đã được viết sẽ đến”. Có nhà văn nào lại chưa kinh nghiệm được, ít nhất 1 lần, tính đúng đắn trong câu nói của Oscar Wilde chứ ? Năm 1919, Colette vừa viết quyển “Chéri” (Cưng yêu), quyển tiểu thuyết kể về niềm đam mê của một phụ nữ luống tuổi với một thanh niên ở độ tuổi của con bà. Chỉ là giả tưởng, nhưng phải giả định rằng trí tưởng tượng lãng mạn, giống như giấc mơ, là sự thể hiện ham muốn bị ức chế, bởi vì cuộc tình điên rồ kia sẽ được Colette nếm trải sau đó gần 1 năm trong ánh nắng hè vùng Bretagne.
Colette đã từng khiêu vũ khỏa thân trên sân khấu nhà hàng Moulin Rouge, đã có cuộc sống tay ba với người chồng đầu tiên Willy và một phụ nữ mà sở thích không chỉ là đàn ông, cuối cùng là chung sống với 1 bà quý tộc, Mathilde de Morny, nữ hầu tước ở Elbeuf. Vào năm 1912, Colette chuyển sang báo chí và kết hôn với vị chủ bút của báo “Le Matin” là Henry de Jouvenel. Ông này vừa ly dị vợ và có một cậu con trai 8 tuổi, Bertrand. Colette chỉ quan tâm hạn chế đến trẻ con : ngay khi vừa sinh nở, bà đã giao đứa con gái cho một cô bảo mẫu người Anh chăm sóc. Sau chiến tranh, Colette khám phá ra rằng chồng bà đã lừa dối và sẽ luôn tiếp tục. Mà Colette lại thích dùng bữa tối thân mật tại Montparnasse cùng với Francis Carco hơn là chủ tọa các buổi dạ tiệc chính trị long trọng của ông chồng nhiều tham vọng, vì thế cả 2 người chẳng còn gì để nói với nhau cả. Tuy nhiên có nhiều lúc Colette ngỡ mình sẽ chết vì ghen, và mong muốn trù ếm cả Henry lẫn những “con gà mái” của ông ta. Trong số các nhân tình của chồng, Colette ghét nhất là công nương Bibesco, không phải vì bà ta là công nương mà bởi bà là văn sĩ.
Thế là Colette lao vào 2 nguồn an ủi : văn chương và thức ăn. Ở tuổi 40, bà ngấp nghé 80kg. Bà làm ra vẻ bất cần và mọi người tin như thế. Chỉ đến cuối đời bà mới thổ lộ niềm ray rứt của mình : nỗi sợ hãi tuổi già mà bà tô điểm bằng công thức : “Ý tưởng tình yêu lúc mùa thu của cuộc đời”.
Vào một mùa xuân, người giúp việc đưa Bertrand, lúc ấy vừa 16 tuổi, vào giới thiệu với bà. Do lo âu nên Bertrand nấp sau chiếc đàn dương cầm. Bà bước vào phòng khách, đi khắp nơi để tìm kiếm : “Cậu bé ấy đâu rồi ?” Cuối cùng bà tìm thấy anh ta, hai người nhìn nhau. Bà thấy anh có vẻ quá cao, còn cảm xúc của anh thì mơ hồ và phức tạp hơn. Như anh thổ lộ sau này : “Cảm nghĩ duy nhất của tôi về bà ấy là sức mạnh, và một sức mạnh mà cú sốc thật êm ái”.
“Cậu bé” đã bị mê hoặc. Vào tháng 7, anh đến Rozven gần Saint-Malo, nơi Colette đang nghỉ hè cùng với 2 người bạn gái. Khi không câu tôm thì Bertrand chạy rong trên bãi biển, đầu óc nghĩ đến một thiếu nữ mà anh yêu một cách lý tưởng, Pam. Anh không biết bơi. Colette lợi dụng cơ hội đó để đến gần anh và dạy anh bơi. Rồi bà chất vấn anh, và biết rằng về các lĩnh vực khác, anh thật ngây thơ. Bertrand kể lại : “Một hôm, khi tôi đứng trước nhà và mặc quần ngắn, bà choàng tay ôm lấy hông tôi. Tôi cảm thấy rùng mình. Đó hẳn là rất mãnh liệt nên tôi còn giữ được hồi ức. Nó chẳng có ý nghĩa gỉ đối với tôi về mặt tinh thần, chỉ có sự kinh ngạc và bối rối. Có lẽ Colette đã nhận ra trong đó tuổi thiếu niên, có thể nó đã làm nẩy mầm sự khao khát trong tâm hồn bà”. Một hôm Colette kéo Bertrand ra riêng và hỏi : “Ai trong số 3 người phụ nữ ở đây là hấp dẫn nhất ?” Anh lắp bắp, và bà tuyên bố : “Anh cần phải là một người đàn ông”. Thử lần đầu tiên với một bà bạn, thất bại. Thế là Colette quyết định; và đã xảy ra một điều giống như phép lạ : 2 người đã yêu nhau. Vì cứ nhìn vào mắt nhau nên họ nhận ra rằng họ có màu mắt giống nhau và thật hiếm : màu lam lục, đôi khi xám. Thay đổi như biển cả. Họ thấy đó là dấu hiệu của một tiền định.
Sidonie-Gabrielle Colette
Colette không viết nữa. “Người ta không viết truyện tình trong lúc đang làm tình” - bà biện minh. Hơn nữa, cần phải trốn lánh. Đến 30 năm cách biệt, Bertrand có thể là con trai của bà. Ngoài tình yêu, bà còn dạy cho Bertrand những điều chủ yếu tức là “bánh mì có hương vị, cây râm có mùi thơm, cây thuốc phiện có màu sắc”. Vốn luôn xem cuộc đời là một chuỗi học tập, bà biết rằng đối với anh ta, có lẽ đây là lần học tập đầu tiên, nhưng có thể là lần cuối cùng đối với bà. Thế rồi mùa hè kết thúc, Bertrand ra đi với cõi lòng nặng trĩu u buồn. Bà nghĩ rằng mọi việc sẽ qua đi, nhưng bà đã lầm : tại tòa báo “Le Matin” nơi bà làm việc và chồng bà làm chủ bút, Bertrand gởi cho bà một bức thư nóng bỏng. Bà nổi giận : nếu chồng bà bắt được lá thư đó thì sẽ ra sao. Nhưng chỉ có mẹ của Bertrand bắt đầu nghi ngờ và tìm cách ngăn cấm mọi cơ hội gặp mặt. Khi 2 người gặp nhau - thường là trong những bữa ăn có mặt chồng -, Colette làm ra vẻ lạnh nhạt. Nhưng Bertrand có một mãnh lực ghê gớm đối với bà tuy anh không biết : mãnh lực của tuổi trẻ. Đó chính là thời kỳ mà Colette muốn làm gầy và “sửa lại bộ mặt”, theo lời của cha cố Mugnier.
Rồi mùa hè lại đến, Rozven, những buổi tắm biển, mùi vị của muối trên làn da rám nắng. Colette chưa bao giờ yêu chàng thanh niên này đến như thế. Anh gọi bà là “mẹ yêu dấu”, còn bà gọi anh là “cậu bé”. Bà yêu anh đến mức ghét bỏ cả đứa con gái của mình, Bel Gazou, 8 tuổi. Bà biết cho Marguerite Moreno : “Bạn cứ hài lòng với một cám dỗ thoáng qua và hãy thỏa mãn nó. Người ta có thể chắc chắn về điều gì nếu không phải là cái mà người ta ôm trong tay, ngay lúc mà người ta ôm nó trong tay chứ ?” Và như để kéo dài sự kỳ lạ của hạnh phúc đó, bà quyết định diễn trên sân khấu vai trò mà bà đã tự mô tả mình trước cả khi gặp Bertrand, vai Léa trong “Chéri”.
Đến kỳ nhập học, Bertrand vào đại học. Anh có một phòng riêng. Colette cũng thuê một phòng nhỏ ngay trong khu nhà đó. Thỉnh thoảng 2 người lại kín đáo sang Algérie. Colette bắt đầu viết quyển “Ngọn cỏ non”, sự chuyển tải kín đáo về quan hệ của bà với Bertrand. Chồng bà chẳng biết gì cả và cho đăng nhiều kỳ trên báo, nhưng độc giả bất bình với cốt truyện và yêu cầu chấm dứt việc đăng tải. Mẹ của Bertrand nghĩ ra đủ cách để phá vỡ ảnh hưởng của Colette đối với Bertrand. Còn ông chồng bấy giờ lại công khai quan hệ với công nương Bibesco. Trong một bữa ăn, khi ông tuyên bố sẽ cho Bertrand sang tập huấn tại Praha, Colette đã phản đối và tỏ lộ điều khó thể tỏ lộ : tình yêu của bà với Bertrand.
Dễ hiểu rằng bà sẽ trả giá cho sự thẳng thắn đó bằng cuộc ly hôn và kiệt quệ về tài chính. Nhưng bà không bao giờ mất Bertrand. Hai người vẫn quấn quìt bên nhau cho đến năm 1925.
Colette đã 52 tuổi. Một người môi giới về đá quý, Maurice Goudeket, 36 tuổi, muốn kết hôn với bà. Colette dàn xếp để 2 người đàn ông cùng dùng bữa với bà. Bertrand tỏ ra bực tức, nhưng sau đó bà đã kéo anh vào phòng. Sau 1 đêm thảo luận, hai người quyết định chia tay. Ít lâu sau, Bertrand kết hôn với 1 cô gái giàu sang do gia đình chọn lựa.
Cho đến lúc lìa đời, Colette ít nhắc đến “cậu bé”. Quả thật là bà đã rút ra từ tình yêu đó một quyển tiểu thuyết với hương vị của muối và tảo biển. Vả có lẽ đấy chính là sức mạnh thật sự của các nhà văn : sự trú ẩn trong im lặng, sau khi họ đã làm nên một quyển tiểu thuyết từ sự ồn ào và cuồng loạn của đam mê.
MINH LUÂN
(theo Paris Match)