Liễu Trương​​​​​​: Nhà văn Kim Lefèvre

Liễu Trương
Nhà Tôi Bên Chiếc Cầu Soi Nước
 


Những đổi thay trong xã hội do những biến cố lịch sử gây nên thường phản ánh ít nhiều trong một trường học, nhất là trong một lớp học như lớp học của tôi, đi từ tuổi nhỏ đến hết bậc trung học. Tôi có dịp nhận xét về những đổi thay trong các lớp tôi đã từng đi qua. Năm tôi học 8ème, tức lớp nhì tiểu học, ở trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt, lúc đó cuối thời Pháp thuộc, người Pháp chưa rời hẳn Việt Nam, trong lớp tôi chỉ có 4 học sinh Việt Nam, còn lại là học sinh Pháp, những học sinh này vẫn còn đầu óc thực dân, coi rẻ người Việt Nam. Hai, ba năm sau học sinh Pháp lần lượt biến mất, để chỗ cho một loạt học sinh từ Huế lên Đà Lạt học ; không hiểu sao lúc đó học sinh các trường Đồng Khánh và Jeanne d’Arc ở Huế ồ ạt lên Đà Lạt. Các bậc phụ huynh sợ con cái đi chiến khu chăng ? Hay có sự lựa chọn cho con em nền văn hóa giáo dục Pháp của ngôi trường nổi tiếng này ? Những tiếng nói qua lại ngoài giờ học nghe rất lạ tai : « Mi để cuốn sách ở mô ? », « Cái chi mà lạ rứa ? », « Tao nhớ mạ tao chi lạ ! »… Rồi khi tôi lên lớp seconde, tức lớp 10 ngày nay, một lần nữa bộ mặt của lớp học lại thay đổi : các bạn học mới của tôi phần nhiều là người Bắc di cư vào Nam, họ vẫn còn xót xa nghĩ đến quê hương vừa rời bỏ.
 
Trong số các bạn mới có một người không phải là di cư, một người có vẻ như biệt lập, đó là một cô gái lai xinh đẹp, tên Kim Thư. Tôi biết lờ mờ rằng gia đình Kim Thư ở Nha trang, Thư vào Sài Gòn học một hai năm gì đó, rồi lên Đà Lạt. Đôi mắt màu hạt dẻ của Thư luôn luôn đượm một vẻ buồn khiến tôi cảm thấy mến bạn, tuy nhiên chúng tôi không có cơ hội thân nhau, vì Thư ở nội trú còn tôi ngoại trú. Tuy thế chúng tôi cũng có chung với nhau nhiều kỷ niệm, như những lần đi pique–nique xa với cả lớp hay đi công tác xã hội. Nhưng kỷ niệm đẹp nhất mà tôi nhớ mãi là giọng hát của Thư. Ở trường, ngoài những giờ học có những giờ gọi là « étude », học sinh được tự do học ôn bài vở ngoài đồi, vì ngôi trường tọa lạc trên một ngọn đồi. Có lần tôi ngồi dưới gốc một cây thông, đang ôn bài vật lý để ngày hôm sau thi, bỗng một giọng hát vang lên :
 
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân.
 
Tiếng hát trong trẻo, cao vút. Tôi ngạc nhiên vội xếp sách, nín thở để lắng nghe.
 
Từng đôi chim trong nắng riu rít ca u ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương
Dìu nhau bên góc suối nơi ven rừng
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Đến đây mây núi còn chập chùng
Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân.
 
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn in trên sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua. (1)
 
Tôi lần mò đến gần lùm cây nơi có tiếng hát. Thì ra Thư đang ngồi hát một mình !
 - Trời ! Bạn hát hay quá ! Thế mà lâu nay giấu tài nhé !
 
Thư mỉm cười, trong ráng chiều trông Thư còn đẹp hơn thường ngày. Từ đấy giọng hát của Thư vẫn đeo đuổi tôi.
 
Chúng tôi học chung với nhau đến tú tài. Sau đó còn gặp nhau, nhưng không lâu, ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Rồi Thư đi Pháp trước tôi. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau.

 
Năm 1989, một buổi tối ở Paris, tôi đang nghe nhạc, thình lình điện thoại reo. Có tiếng một người bạn thúc tôi : « Hãy mau mau xem « Apostrophes » trên kênh truyền hình Antenne 2, có Kim Thư … » Tôi vội bật máy. « Apostrophes » là buổi truyền hình văn hóa hằng tuần, Bernard Pivot mời nhiều vị khách, thường là những nhà văn nổi tiếng như Marguerite Duras, Soljenitsyne, v.v… để phỏng vấn và tranh luận, ông cũng mời những người trẻ vừa có tác phẩm xuất bản và được chú ý. « Apostrophes » đạt nhiều kết quả tốt đẹp bất ngờ : mỗi tuần có được hai triệu người xem, sự kiện này ảnh hưởng đến số lượng sách bán trên thị trường. Thế là tôi được thấy Kim Thư trên màn ảnh nhỏ sau bao năm vắng tin. Thư đã nghiễm nhiên trở nên một nhà văn ở cái thủ đô ánh sáng này, với bút danh Kim Lefèvre, tôi đoán Thư đã lập gia đình với một người Pháp. Sở dĩ Thư được Bernard Pivot mời là vì Thư có cuốn tự truyện : « Métisse blanche » vừa ra mắt độc giả Pháp. Hôm đó người xem truyền hình phát hiện một phụ nữ duyên dáng có hai dòng máu Pháp-Việt đang kể lại cuộc hành trình của đời mình. Chúng tôi, lũ bạn của Thư, mới vỡ lẽ là mình không biết gì nhiều về người bạn lai cùng học chung với mình năm xưa ; chúng tôi vội đi mua cuốn « Métisse blanche ».

Đọc Thư, tôi mới hiểu phần nào nỗi u buồn trong đôi mắt bạn khi còn ngồi dưới mái trường xưa. Thì ra Thư chào đời mà không biết cha của mình là ai. Thư sống với mẹ và mang tên họ của người bố dượng, họ Lâm : Lâm Kim Thư. Thuở lớn lên, Thư sống với mặc cảm của người con lai. Xã hội Việt Nam thời đó có tinh thần chống thực dân Pháp, nên khắc nghiệt với những đứa con lai, dấu tích của thực dân để lại. Người con lai cảm thấy bị gạt bên lề, thậm chí bị ruồng bỏ, khinh khi. Trong « Métisse blanche », Thư kể lại cuộc đời của mình ở Việt Nam, tuổi thơ và tuổi lớn lên ở Nha trang ; rồi vì một mối tình ngang trái, Thư phải bỏ Nha trang vào Sài Gòn tìm quên lãng. Một người đàn bà giàu có nhận làm mẹ đỡ đầu cho Thư và gửi Thư lên Đà Lạt học. Nhưng bà mẹ đỡ đầu này luôn luôn vắng bóng, vô cảm, mà Thư thì khao khát được thương yêu. Nha trang, Sài Gòn, Đà Lạt, nơi nào Thư cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Thư có cảm tưởng như bị đời hất hủi và xem việc rời khỏi Việt Nam như một vĩnh biệt, vĩnh biệt cái xứ mà Thư tự hỏi có phải là quê hương của mình không.
 
Thư nổi tiếng ngay với cuốn « Métisse blanche », rồi những tác phẩm khác lần lượt xuất hiện : « Retour à la saison des pluies », « Moi, Marina la Malinche », « Les Eaux mortes du Mékong ». « Métisse blanche » được dịch ra Việt ngữ dưới tựa đề : « Cô gái lai trắng », và sắp được dịch ra Anh ngữ. Ngoài ra, các nhà làm sách giáo khoa Pháp xin phép tác giả được in vài trích đoạn của cuốn sách cho học sinh đọc

 
Nhà văn Kim Lefèvre còn là dịch giả của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp và Phan Thị Vàng Anh.
 
Quả đất này xem ra nhỏ bé thật ; rồi mọi người không sớm thì muộn cũng gặp lại nhau. Tôi gặp lại Kim Thư, và tình bạn chúng tôi trở nên thân thiết hơn xưa. Những đau khổ, nổi loạn, uất ức trong lòng Thư khi xưa nay đã lắng xuống. Thư nhìn về quá khứ với một tâm hồn thanh thản, vẫn thương yêu, ôm ấp hình ảnh người mẹ Việt Nam của mình.
 
Bản nhạc « Đàn chim Việt » của Văn Cao, Phạm Duy đổi lời và đổi tên thành « Bến Xuân ». 
 
Nhà văn Kim Lefèvre từ trần

Nhà văn Kim Lefèvre đã từ trần tại Marseille ngày 6 tháng 8-2021 vừa qua tại thành phố Marseille (Pháp) sau một thời gian dài trọng bệnh, thọ 86 tuổi.
 Kim Lefèvre sinh năm 1935 tại Việt Nam, cha là người Pháp, mẹ người Việt. Bà tốt nghiệp Khoa Pháp văn Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước khi sang Pháp năm 1960, theo học văn khoa ở trường Sorbonne.

Ra trường, Kim Lefèvre làm diễn viên sân khấu và bắt đầu viết văn. Cuốn tiểu thuyết tự truyện đầu tay, Métisse Blanche (Cô gái lai ra trắng), được giới phê bình chào đón nồng nhiệt. Tiếp theo là ba tiểu thuyết, ký sự khác.

Từ cuối thập niên 1980, Kim Lefèvre dịch sang tiếng Pháp tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập. Tướng về hưu (Un général à la retraite) là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra tiếng nước ngoài.

Tác phẩm của Kim Lefèvre :


Métisse blanche, Paris, Bernard Barrault, 1989 (J'ai Lu, 1990). (Cô gái lai da trắng, bản dịch của Dương Linh và Hoàng Phong, Nhà Xuất bản Nhã Nam và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2011.
Retour à la saison des pluies, Paris, Bernard Barrault, 1990 (La Tour d'Aigues, Éditions de l'Aube, 1995)
* Moi, Marina la Malinche, 1994 (Phébus, 2007)
Les Eaux mortes du Mékong, Paris, Flammarion, 2006 (Point, 2010)

Dịch phẩm :

* Dương Thu Hương, Histoire d'amour racontée avant l'aube (Chuỵện tình kể trước rạng đông), 1986
* Nguyễn Huy Thiệp, Un général à la retraite (Tướng về hưu), éditions de l'Aube, 1990
* Nguyễn Huy Thiệp, Le Cœur du tigre (Trái tim hổ), éditions de l'Aube, 1995
* Nguyễn Huy Thiệp, La Vengeance du loup (Sói trả thù), éditions de l'Aube, 1997
* Nguyễn Huy Thiệp, Conte d'amour un soir de pluie (Chuyện tình kể trong đêm mưa), éditions de l'Aube, 1999
* Nguyễn Huy Thiệp, L'Or et le Feu (Vàng Lửa), éditions de l'Aube, 2002
* Phan Thị Vàng Anh, Quand on est jeune (Khi người ta trẻ), éditions Philippe Picquier, 1996*
* Nguyễn Quang Lập, Fragments de vie en noir et blanc (Những mảnh đời đen trắng), éditions Philippe Picquier, 1998
 

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top