Lê  Thương, NĂM  CỌP, điểm mặt “Chúa Sơn Lâm”

Lê  Thương                                                         

NĂM  CỌP, điểm mặt “Chúa Sơn Lâm”


Lịch của người Trung Hoa và  ta theo thuyết thập nhị thần cầm tượng mà đặt cho mỗi năm một con vật tượng trưng cho năm đó. Như nam Tý là năm con Chuột, năm Sửu là năm con Trâu, năm Dần là năm con Cọp, năm Mão là năm con Mèo (Người Việt lấy con Mèo, còn người Trung Hoa thi lấy con Thỏ), năm Thìn là năm con Rồng, năm Tỵ là năm con Rắn, năm Ngọ la năm con Ngựa, năm Mùi là năm con Dê, năm Thân là năm con Khỉ, năm Dậu là năm con Gà, năm Tuất là năm con Chó, và năm Hợi là năm con Heo. Trong số 12 con vật tượng trưng cho 12 năm thì có một con thuộc loài cầm điểu (Dau), 2 con thuộc loài bò sát (Thìn và Tỵ), 9 con còn lại thuộc loài hữu nhũ có xương sống.

Năm 2022 là năm Nhâm Dần, tức năm con Cọp, vậy ta thử tìm hiểu về con vật đựơc tôn vinh là Chúa Sơn Lâm nầy. Các nhà sinh vật học đặt cho cọp tên khoa học là Panthera Tigris, còn người Việt ta đặt cho con thú nầy nhiều tên như Cọp, Hùm, Hổ, Kễnh, Con Khái, Ông Ba Mươi, Ông Thầy, Sơn Quân, Chúa Sơn Lâm. Cọp thuộc loài động vật có xương sống, lớp hữu nhu, bộ ăn thịt, họ nhà mèo (miêu khoa hay cat family). Sinh vật hoc chia loài cọp ra làm bảy loại để dễ nghiên cứu là cọp Bengal, cọp Caspian, cọp Siberian, cọp Chinese, cọp Sumatran, cọp Javan và cọp Bali. Trong bảy loài cọp nay thì loài cọp Bali có lẽ đã bị diệt chủng.

Cọp là loài thú dữ, lớn con, chạy và phóng nhanh, có sức khỏe phi thường để săn mồi, thân mình dài từ 6 đến 9 feet (từ 1m80 đến 2m70), không kể cái đuôi dài khoảng 90cm, nặgn từ  500 đến 600 pounds (từ 250kgs đến 300kgs), cọp cái thường nhỏ con hơn cọp đực. Cọp có bộ lông vằn vện được tô điểm bởi ba màu đen, nâu và xám. Đôi khi người ta cũng còn tìm thấy loài cọp với bộ lông toàn màu trắng ma người Việt gọi là bạch hổ hay loài cọp với bộ lông toàn màu đen ta gọi là hắc hổ. Mùa chịu đực của loài cọp thường từ tháng 12 đến tháng 3, cọp cái mỗi lứa sinh khoảng 2 hay 3 hoặc 4 cọp con. Loài cọp không theo chế độ đa thê như sư tử, chi sống một vợ, một chồng chung tình, chung thủy cho đến ngày “đầu bạc răng long”. Loài cọp cũng có cuộc sống tình cảm rất là nồng nàn, âu yếm. Chàng và nàng cũng vuốt ve, mơn trớn nhau, liếm lông, liếm bụng nhau, dụi mắt nhau, vờn nhau đủ kiểu gợi tình, gợi cảm, rất lãng mạn. Khi nàng có bầu chàng đóng vai “người hùng” luôn luôn săn sóc, bảo vệ nàng, đi đây đi đó tìm hang động rộng rãi, an toàn để cho người đẹp ở cữ. Cọp cái có bầu khoảng 150 ngày thì khai hoa nở nhụy, lúc nầy cọp cái trở nên dữ tợn, không cho chồng lại gần, không phải nàng mắc cỡ vì có bầu mà nàng sợ chồng nàng nổi “lòng lang dạ thú” ăn thịt con của nàng. Cop cái không bao giờ ăn thịt con mà trái lại bảo vệ con, thể hiện tình mẫu tử cao độ. Ai mà muốn làm hại con nàng, trước hết phải “bước qua xác chết của nàng”. Sinh khoảng hai tuần lễ thì cọp con mở mắt, cọp mẹ nuôi nấng, săn sóc con cho đến khoảng hai năm. Trong suốt khoảng thời gian nầy cọp mẹ huấn luyện và truyền những kinh nghiệm săn bắt mồi cho đám cọp con. Khoảng hai tuổi thì cọp con khôn lớn, có vóc dáng bằng mẹ và có đủ kinh nghiệm nên giã từ mẹ để sống cuộc đời tự lập. Sau khi đàn con giã từ, cọp bố và cọp mẹ lại ngấp nghé tính chuyện “Tái hồi Kim Trọng” rồi mang bầu, rồi sinh lứa khác.
Theo các nhà sinh vật học thì tuổi thọ của loài cọp là khoảng 25 năm. Các loài thú thuộc họ nhà cọp gồm có sư tử, sư tử núi, beo, báo, mèo rừng, mèo nuôi ở nhà (lion, mountain lion, leopard, cheetah, jagua, puma, cougar, lynx, cat). Trước kia loài cọp sống rất nhiều trên quả địa cầu, vào tiền bán thế kỷ thứ 19, nội nước Ấn Độ có đến khoảng 40.000 con cọp nhưng đến ngày nay loài cọp bị giảm dần đến mức các nhà sinh vật học phải báo động về nguy cơ diệt chủng của loài thú nầy. Theo thống kê, hiện nay ở Ấn Độ chỉ còn khoảng 2.500 đến 3.700 con, ở Việt Nam ta chỉ còn khoảng từ 200 đến 300 con, ở Cao Miên chỉ còn khoảng từ 100 đến 200 con, Thái Lan còn khoảng từ 250 đến 600 con và Trung Hoa còn khoảng từ 20 đến 30 con.
Loài cọp thường bị loài người săn bắt để bán cho các sở thú, các gánh xiệc hay bán cho các tư nhân hoặc săn bắt để lấy bộ da. Riêng người Trung Hoa và một số người Á Châu chủ đích săn cọp để lấy bộ da, còn các bộ phận khác dùng để chế dược liệu. Ngoài ra, các bậc quyền quý, vương giả, những người giàu có cũng thường săn cọp như một trò giải trí. Có một nhà quyền quý nọ, trong suốt cuộc đời của ông ta, ông đã săn được 1.100 con cọp.. Ngày nay, trước mối đe dọa diệt chủng của loài cọp nên một số quốc gia trên thế giới ra đạo luật cấm săn cọp, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Ở Trung Hoa và Việt Nam, cọp đã đi vào đời sống dân gian nên ta thường nghe nhắc đến cọp từ dược liệu, truyện cổ tích,  truyện dã sử, truyện truyền kỳ, lịch sử cho đến văn chương, ca dao, tục ngữ ...v...v.

Về dược liệu, y học đông phương thường dùng ba dược liệu chính là thực vật, khoang vật và động vật. Các y sĩ đông phương dùng rất nhiều động vật vào việc trị liệu như rắn, kỳ nhông, ve sầu, mật ong, mật gấu, mai mực, nhím, chim bìm bịp... Tuy nhiên, ít có con vật nào mà hầu hết các bộ phận trong cơ the lại được dùng làm dược liệu như con hổ, ngoài hổ cốt (xương hổ) mà người ta dùng dưới hai hình thức “tinh hổ cốt” (xương chưa chế biến) và “hổ cốt giao” (cao hổ cốt) rất thông dụng. Các y sĩ đông phương còn dùng “hổ nhục” (thịt hổ) để trị bệnh phong thấp, bệnh nhức mỏi và bổ khí lực; còn “hổ đồ” (dạ dày hổ) thì được dùng để trị bệnh ói mửa; “hổ huyết” (máu hổ) dùng tăng cường sinh lực; “hổ nha” (răng hổ) mài với sữa để bôi vào các vết lở, ngứa hoặc vết thương chó cắn; “hổ trảo” (vuốt hổ) được bịt vàng, bịt bạc để cho trẻ con đeo trừ gió độc và tà ma; “hổ tinh” (mắt hổ) được dùng để trị bệnh cuồng trí, loạn trí; “hổ thận” (thận hổ) trị chứng tràng nhạc; “hổ bì” (da hổ) dùng để cho người bệnh nằm lên trị tà khí, an định tâm thần; “hổ tị” (mũi hổ) dùng trị bệnh kinh phong; “hổ chi” (mỡ hổ) dùng để thoa bóp các vết bầm, trị bệnh ghẻ lở lói, trị bệnh tê bại, trị bệnh trĩ, trị vết chó cắn hay trị bệnh sói tóc; “hổ đàm” (mặt hổ) dùng để trị bệnh đau nhức, xoa bóp các vết thương, trị kinh phong, trị tâm thần bất an; “hổ thỉ” (phân hổ) được dùng để trị bệnh ghẻ lở. Còn “hổ tu” (râu hổ) được dùng để trị đau nhức răng. Về râu hổ, người ta đồn rằng đem râu hổ cắm trên măng tre sẽ sinh ra một loài sâu cực độc, rồi dùng loài sâu nầy hoặc phân của nó làm thuốc độc để đầu độc kẻ thù.
Sau dược liệu, ta thử đọc qua truyện Tàu liên quan đến hổ.
Về đời Tam Quốc, khi Lưu Bị lên ngôi, ông có sắc phong cho 5 viên kiện tướng là Quan Công, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung là “Ngũ Hổ Đại Tướng Quân”. Tuy nhiên, khi sắc phong mang đến dinh Quan Công thì Quan Công không chịu nhận, lấy cớ rằng trong “ngũ hổ” có Hoàng Trung không xứng đáng. Nguyên Hoàng Trung là một lão tướng trước theo giúp Hàn Huyền và đã bị Quan Công đánh bại. Sứ giả phải giảng giải mãi Quan Công mới chịu nhận. Rồi khi Quan Công trấn thủ ở Kinh Châu, Ngô chủ là Tôn Quyền cho người sang cầu thân xin Quan Công gả con gái cho con trai của Tôn Quyền. Quan Công không chịu gả mà còn mắng rằng: “Con ta là cọp lẽ nào lại gả cho chó bao giờ”. Câu trả lời đó là một trong những nguyên nhân đưa đến việc Kinh Châu bị thất thủ và Quan Công tử trận. Sau này Lưu Bị khởi binh đánh Đông Ngô để báo thù cho Quan Công và Trương Phi, lúc chọn người lãnh ấn tiên phong thì có hai viên tướng trẻ hăng hái ra xin lãnh ấn. Hai viên tướng trẻ nầy đều tinh thông võ nghệ, giỏi tài cung kiếm. Khi thi bắn thì cả hai đều xuất sắc, người bắn trúng hồng tâm, kẻ ban trúng con nhạn đang bay trên trời. Hai viên tướng trẻ nầy là Quan Hưng, con của Quan Công và Trương Báo, con của Trương Phi. Lưu Bị thấy tài của hai người đã khen rằng: “Thật là hổ phụ sinh hổ tử”.
Cũng truyện Tàu, trong Thủy Hử có một tay võ lâm của Lương Sơn Bạc là Võ Tòng. Ta có một vở tuồng “Võ Tòng Sát Tẩu”, kể chuyện Võ Tòng giết chết người chị dâu bất nghĩa, lăng loàn. Sau khi giết chết chị dâu, sợ tội giết người nên Võ Tòng phai chạy trốn vào rừng. Khi đến núi Cảnh Đường, Võ Tòng bị một con hổ dữ nhảy ra vồ nhưng với võ công thâm hậu, Võ Tòng đã cầm cự với con hổ quyết liệt và sau cùng đánh chết được con hổ, cấu thành chuyện “Võ Tòng Đả Hổ”. Truyên Tàu còn có Tiết Nhân Quý, một danh tướng đời Đường, cầm tinh  bạch hổ. Nhiều khi ông ngủ tướng binh hiện về, quân hầu vô trướng phục dịch chẳng thấy chủ tướng đâu, chỉ thấy một con bạch hổ lù lù nằm trên giường. Cũng vì vậy nên con trai của Tiết Nhân Quý là Tiết Đinh San giương cung bắn cọp mà không biết đó là cha ruột của mình. Tiết Nhân Quý chết dưới mũi tên của Tiết Đinh San cắm trên thi thể.
Trở lại Việt Nam ta, về chuyện cổ tích thì ta có “Chú Cuội Ngồi Gốc Cây Đa” ở cung trăng cũng liên quan đến cọp. Chuyện kể rằng một hôm chú Cuội, một chàng trai tinh nghịch vác búa vào rừng đốn củi. Khi đi ngang qua cái hang đá tình cờ thấy mấy cọp con đang ngủ, vốn tính tinh nghịch chú bèn lấy búa đập chết đàn cọp con. Ngay lúc ấy bỗng nghe tiếng cọp mẹ gầm vang, Cuội ta lanh chân leo tuốt lên ngọn cây ẩn trốn. Cọp mẹ về hang thấy cọp con chết hết nên giận dữ gầm thét chấn động cả rừng thẩm âm u rồi chạy đến cây đa thấp gần đó cắn một mớ lá về nhai nhỏ ra vừa đắp lên vết thương vừa mớm cho mấy con cọp con ăn. Kỳ diệu thay, chỉ giây lát cả đàn cọp con sống lại khỏe mạnh như thường. Bị động ổ, cọp mẹ bèn dẫn đàn cọp con tìm nơi khác kín đáo, an toàn hơn. Sau khi cọp mẹ dẫn cọp con đi xa chú Cuội liền tuột xuống đất, sẵn búa đào ngay cây đa thần dược đem về trồng. Có cây đa thần dược hồi sinh ay nên chú Cuội đã cứu sống nhiều người trong vùng. Nhưng một hôm nọ vợ Cuội đang làm việc đồng áng cạnh cây đa, vô tình đi tiểu dưới gốc cây đa thần. Vì bị ô uế nên cây đa thần tự trốc gốc bay bổng lên trời. Chú Cuội đang làm việc cạnh đấy nhìn thấy hốt hoảng chạy đến cố níu cây đa thần lại nhưng cây đa cứ bay bổng mang theo cả chú Cuội lên cung trăng. Thế là từ đấy, cứ đến đêm rằm sáng trăng nhìn lên Cung Quảng ta thấy bóng chú Cuoi ngồi dưới gốc cây đa. Nhân chuyện cổ tích nầy, nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương có làm bốn câu thơ hài hước như sau:
Tôi có nghe người ta nói rằng.
Nói rằng thằng Cuội ở cung trăng.
Lấy ai không lấy, lấy thằng Cuội,
Cũng gớm gan thay cái ả Hằng!

Lại chuyện cổ tích khác cũng liên quan đến cọp mà ta đã học trong sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của chương trình tiểu học trước đây. Chuyện như sau: Một bữa nọ, ở ngoài cánh đồng bên sườn núi, bác nông phu đang thúc trâu cày ruộng thì có một chú cọp đi ngang qua tỏ vẻ ngạc nhiên nên hỏi bác nông phu rằng:
- Tại sao con trâu to lớn như thế mà chịu để cho bác sai khiến dễ dàng như vậy?
Bác nông phu nhìn cọp rồi mỉm cười đáp:
- Tại vì loài người như ta có trí khôn.
Tò mò, cọp hỏi:
- Thế bác có thể cho ta xem cái trí khôn của loài người được không?
Bác nông phu cười đáp:
- Nếu ngươi muốn biết trí khôn của ta thì để ta trói ngươi vào gốc cây kia rồi mới về nhà lấy trí khôn ra đây cho nhà ngươi xem, vì ta sợ lúc ta vắng mặt nhà ngươi vồ trâu của ta mà ăn thịt.
Nóng lòng muốn xem trí khôn của loài người nên cọp bằng lòng ngay. Thế là sau khi trói cọp vào gốc cây bằng dây thừng, bác nông phu mới cầm roi đánh liên tu bất tận vào thân mình cọp, vừa đánh bác vừa nói ”Trí khôn của loài người đây! Trí khôn của loài người đây!”. Người Việt ta vốn giàu óc tưởng tượng nên cho rằng cọp bị đánh lằn ngang, lằn dọc bằng roi thành thử bộ lông cọp mới vằn vện như ngày nay.
Còn về chuyện truyn kỳ, ta nghe kể chuyện “Thanh Ngưu Tướng Quân” có công giết hổ an dân. Chuyện được kể như sau: Trước kia trên con đường mòn Yên Bái đi Tuyên Quang từ huyện Trấn Yên đến châu Hàm Yên thường có cọp ra vồ người ăn thịt nên mỗi lúc có việc đi qua con đường nầy người ta tụ họp thành đám đông, đem theo nồi niêu đánh lên ầm ĩ để xua đuổi cọp mới dám đi. Hai bên đường có lập nhiều miếu thờ “Ông Ba Mươi” và khách đi đường thường dừng lại thắp nhang, van vái, cúng trái cây để đi đường được bình an. Tuy van vái nhưng đoàn người qua chặng đường nầy thỉnh thoảng cũng bị cọp tấn công. Rồi chợt xuất hiện một thanh niên khỏe mạnh, võ công cao cường, mỗi lúc có cọp bên đường nhảy ra vồ người thì chàng thanh niên ấy rất lanh lẹ xông tới xáp chiến với cọp và cuối cùng cop phải thua bỏ chạy, người thanh niên ấy cũng vụt biến mất vào rừng. Yên được một thời gian, ngày kia người ta lại thấy một con hổ thành tinh rất dữ tợn từ đâu phóng tới tấn công đoàn người đi đường và người thanh nien kia cũng bất thần xuất hiện. Lần nầy, hai bên chiến đấu rất gay go mà vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng người thanh niên kia biến thành một con trâu xanh to lớn, dùng sừng nhọn đâm, húc tới tấp khiến con cọp thành tinh bị thương nặng gầm lên những tiếng đau đớn rồi bỏ chạy tuốt vô rừng thẳm. Tục truyền, người thanh niên kỳ lạ ấy là “Thần Trâu Xanh” hay “Thanh Ngưu Tướng Quân” theo pháp lệnh của Đức Phật Quan Âm xuất hiện đánh đuổi cọp dữ để cứu thế an dân.
Cũng chuyện truyền kỳ, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 6, đời vua Gia Long có chép rằng tại làng Xuân Sơn, quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thường xuất hiện một con bạch hổ chuyên cứu giúp dân chúng của làng nầy bằng cách bạch hổ đánh đuổi người Thượng thường xuống quấy phá dân làng hoặc đánh đuổi những con hổ khác về làng bắt trâu, bò hay bắt người ăn thịt. Con bạch hổ nầy tục gọi là Kha Hổ và được bầu làm “Ông Cả” trong thôn. Khi Kha Hổ chết, dân làng có lập đền thờ, hàng năm tổ chức cúng tế bằng đầu heo hoặc đầu bò.
Về chuyện truyền kỳ liên quan đến cọp còn rất nhiều, nào là chuyện vua Lý Trần Tông hóa thành cọp vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư, nào là chuyện Thái sư Lê Văn Tịnh hóa cọp, nào là chuyện Bà Chúa Ba, tức Phật Bà Nam Hải Quan Thế Âm (Chùa Hương có thờ vị Phật nầy), con vua Trang Vương, khi bị vua cha ép duyên đã được mot con cọp cõng chạy vào động Hương Tích, nào là chuyện cọp trả ơn người cứu sống bằng cách bắt dã thú mang về trước cửa  nhà để đền ơn...vân...vân...
Bước qua lịch sử nước nhà liên quan đến cọp thì ta có liệt sĩ lừng danh Hoàng Hoa Thám, được tôn xưng là “Hùm Thiêng Yên Thế”. Liệt sĩ họ Hoàng, tục danh là Đề Thám lập chiến khu chống Pháp xâm lăng trên miền núi rừng Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Việt. Trong gần 30 năm, từ năm 1886 đen năm 1914, cụ Hoàng Hoa Thám chiêu mộ hào kiệt, huấn luyện binh sĩ, tích trữ lương thực, khí giới chờ ngày cử hành đại sự. Nhưng tiếc thay “Muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên” cũng như vận nước chưa thông, anh hùng mạt lộ, liệt sĩ bị một người bạn thân gốc Tàu là Lương Tam Kỳ vì tiền thưởng mà phản trắc, chỉ điểm cho bọn tay sai của Pháp nửa đêm lẻn vào chiến khu ám sát họ Hoàng khi đang ngủ. Ngày đau thương ấy là ngày 18 tháng 3 năm 1913, kết liễu cuộc đời ngang dọc, oanh liệt của vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám mệnh danh “Hùm Thiêng Yên Thế”, để lại cho các thế hệ sau tấm gương sáng ngời về tinh thần bất khuất, lòng yêu nước thiết tha, đem cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ Quốc.
Cũng là hùm nhưng “Hùm Thiêng Yên Thế” được nhân dân và lịch sử yêu mến, kính trọng bao nhiêu thì “Hùm Xám Cai Lậy” lại bị đồng bào và lịch sử nguyền rủa, khinh bỉ bất nhiêu. Nguyên khi ông Nguyễn Văn Tâm giúp việc cho thực dân Pháp, được Pháp cử giữ chức quận trưởng Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho thì ông tỏ ra quá hăng hái để lập công với quan thầy Pháp bằng cách lùng bắt gắt gao các nhà cách mạng Việt Nam. Ai mà bị “Hùm Xám Cai Lậy” hỏi thăm sức khỏe thì không bị què quặt cũng bị ốm đau suốt đời đến nỗi “bác sĩ phải chê” vì những màn tra tấn cực kỳ hung bạo của ông ta. “Hùm Xám Cai Lậy” đã quên câu tục ngữ “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” mà người Trung Hoa cũng có câu tương tự “Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh”
Về văn chương, các văn nhân, thi sĩ mượn cọp để tượng trưng cho sự dũng mãnh, oai phong. Các vị tướng đánh giặc giỏi, hùng dũng được gọi là “hổ tướng” cho nên khi tả Từ Hải, cụ Nguyễn Du đã viết:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Và khi Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến lừa bất thần tấn công, Từ Hải quyết chiến đến hơi thở cuối cùng thì Nguyễn Du đã so sánh Từ Hải với con cọp lúc sa cơ:
Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.

Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, cũng một nhà thơ trào phúng với những bài thơ “lời tục, ý thanh” cũng có nói đến hùm trong thơ của bà. Người ta kể rằng bà có dựng lên một cái quán nước, buôn bán theo kiểu văn nghệ để có cơ hội tiếp xúc với giới văn nhân thi sĩ, đồng thời để...kén chồng. Một trong những người thương lui tới và chiếm được cảm tình của nữ sĩ là ông
Phạm Đình Hổ, tục gọi Chiêu Hổ. Cả hai đều mang bản tính phóng khoáng và ưa đùa, cho nên đùa lâu trai gái như rơm gần lửa thì bén. Một hôm cả hai đang ngồi bên bờ hồ ngắm cảnh, ngâm vịnh. Trước phong cảnh hữu tình, không biết ông Chiêu Hổ nổi hứng, “tay chân táy máy”
thế nào khiến nữ sĩ nghiêm mặt trách móc:
Anh đồ tỉnh hay anh đồ say,
Sao anh ghẹo nguỵệt giữa ban ngày,
Này này chị bảo cho mà biết,
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.

Ông Chiêu Hổ hơi ngượng vì bị cự tuyệt, lại còn bị bà Hồ Xuân Hương lên lớp với giọng “đàn chị” song vẫn gượng đáp bằng bốn câu thơ cũng có chữ hùm:
Nào ai tinh hay nào ai say,
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày.
Hang hùm ví chẳng không cho mó,
Sao có hùm con bổng chốc tay.  
     
Và Thế Lữ, một nhà thơ tiền chiến, đã sáng tác bài “Nhớ Rừng”, một bài thơ khá nổi tiếng tả tâm trạng của một con hổ sa cơ bị bắt bỏ vào vườn bách thú để cho loài người xem giải trí:
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm...

Qua đến văn xuôi, bàng bạc trong văn chương ta cũng thấy nhắc nhiều đến cọp như nhà văn tiền chiến Đái Đức Tuấn với bút hiệu Tchya (viết tắt của các chữ “Tôi Chưa Hề Yêu Ai” nhưng
một vài bạn bè của ông cho biết Tchya là viết tắt của các chữ “Tôi Chỉ Yêu Angel” vì ông có yêu say đắm một cô gái người Pháp rất đẹp, tên Angel. Nhà văn Đái Đức Tuấn mất ở Sài Gòn năm 1960). Tchya viết một chuyện về “Thần Hổ” đăng trên bán nguyệt san Phổ Thong trước đây. Câu chuyện truyền kỳ về một con hổ thọt đã được Tchya kể lại bằng một lối hành văn hấp dẫn, lâm ly, ly kỳ, rùng rợn đã thu hút rất nhiều độc giả. Lại thêm Lê Văn Trương, một nhà văn chuyên viết chuyện đường rừng cũng có nói về hổ không kém phần hấp dẫn và các sách của Lê Văn Trương bán chạy như tôm tươi vào thời đó.
Ngoài ra, cọp cũng còn đi vào ca dao, tục ngữ của dân gian, về cao dao ta có “Gió đưa bụi chuối tùm lum. Mẹ anh như hùm ai dám làm dâu”, “Cọp giết người cọp nằm ngủ. Người giết người thức đủ năm canh”. Còn tục ngữ ta có “ Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, “Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh”, “Họa hổ, họa bì, nan hoa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”, “Mãnh hổ nan địch quần hồ”,“Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Định”, “Cọp dữ không ăn thịt con”, “Dữ như cọp cái”, “Namh hùm, nọc rắn”,“Hai cọp không sống một rừng”, “Thả hổ về rừng”, “Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con”,“Vuốt râu hùm”, “Đã lỡ leo lên lưng cọp”, “Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm”... vân...vân...
Để kết thúc bài Cọp của năm Dần, ngườii viết xin kể thêm chuyện “Bà Mụ Đỡ Đẻ Cho Cọp Cái” ở Cà Mau và “Cọp Nhà Bè”. Cách nay hơn một trăm năm, Cà Mau, U Minh là những vùng hoang dã, rừng thiêng nước độc. trên rừng nhiều thú dữ như cọp, beo, heo rừng, trăn, rắn còn dưới sông rạch đầy cá sấu. Có một số người tiền phong đi khẩn hoang lập ấp đã bỏ mạng vì các loài thú dữ nầy, nhất là bị cọp vồ ăn thịt cho nên người ta cữ không dám dùng chữ cọp mà gọi tôn kính là “Ông Thầy”. Vào thời đó, tại Rạch Bàn thưộc Cái Nước có một bà tên Trần Thị Hoa, ngoài việc ruộng rẫy để sinh sống bà còn làm nghề bà mụ để giúp các sản phụ trong xóm và các xóm lận cận nên được gọi là Bà Mụ Tư. Ở vùng nầy, sau khi mặt trời lặn là ai ở nhà nấy, cửa đóng then gài, sợ thú dữ. Rồi vào một đêm nọ, trong khi cả xóm đang ngủ yên bỗng giật mình thức giấc vì tiếng cọp gầm ở phía nhà Bà Mụ Tư. Dân trong xóm vội đốt đuoc, tay cầm dao mác, cung nõ, kẻ đánh mõ, người đập thùng thiếc để xua đuổi cọp loạn rừng vế quấy phá dân làng. Khi đến nhà Bà Mụ Tư thì thấy cửa bị phá sập, mở toang, chung quanh nhà đầy dấu chân cọp, mọi người đều yên trí Bà Mụ Tư đã bị cọp vồ nên chia nhau đi tìm nhưng không có kết quả.
Về phần Bà Mụ Tư, đêm đó bà đang ngủ thì bỗng nghe tiếng cọp rống rồi cánh cửa bị mở tung, một con cọp nhảy đến cõng bà chạy tuốt vô rừng giữa đêm khuya. Cọp chỉ cõng bà thôi nên bà không bị thương tích chi cả song bà cũng bị điếng hồn, bủn rủn tay chân. Khi đến nơi cọp ở, cọp thả bà xuống, cạnh đó là một con cọp cái có bầu, bụng to đang nằm rên rỉ, vẻ đau đớn. Trong khi Bà Mụ Tư đang điếng hồn không biết phản ứng ra sao thì con cọp đực dùng mũi đẩy bà đến gần con cọp cái đang rên rỉ. Với sự thông minh tối thiểu, Bà Mụ Tư biết cọp muốn gì nên bà lấy lại tinh thần, xắn tay áo và với lương tâm của một bà mụ cùng với kinh nghiệm đỡ đẻ lâu năm, bà tận tình giúp cọp mẹ sinh được hai cọp con đều khỏe mạnh và cọp mẹ cũng tỏ vẻ bớt đau đớn. Khi công việc đỡ đẻ cho cọp hoàn tất thì trời cũng đã gan sáng. 
Xong xuôi, cọp đực bèn cõng Bà Mụ Tư trở về. Cọp không cõng bà về đến tận nhà mà chỉ thả bà xuống ở bìa rừng vì cọp sợ vào xóm sẽ làm nao loạn dân làng. Sau khi được cọp thả xuống, Bà Mụ Tư đi bộ về nhà, một vài người thấy bóng dáng bà từ bìa rừng đi vô xóm tưởng hồn ma của bà hiện về nên ai cũng sợ cho đến khi Bà Mụ Tư đến gần bằng xương, bằng thịt cả xóm túa ra hỏi han bà về chuyện bị cọp vồ mà không chết. Bà mới thuật lại câu chuyện đỡ đẻ cho cọp để mọi người nghe. Cách mấy ngày sau, sáng ra bà vừa mở cửa thì thấy một con heo rừng to lớn bị cọp vồ chết nằm chình ình trước nhà. Xóm làng được tin nầy đều bảo rằng đó là quà của “Ông Thầy” đền ơn bà mụ. Từ đấy, thỉnh thoảng cọp mang đến đền ơn bà khi thì con nai, khi thì con heo rừng, khi thì con mễn cho đến khi bà mãn phần mới thoi và cũng từ đấy dân trong xóm nầy sống bình an không còn bị cọp hay thú dữ về quấy phá.
Cho đến nay đồng bào vùng Bạc Liêu – Cà Mau còn truyền tụng và có người viết thành sách về chuyện “Bà Mụ Đỡ Đẻ Cho Cọp Cái” nầy.
Về “Cọp Nhà Bè”, trước đây khoảng đời vua Duy Tân, có ông tên Trần Điềm, tục gọi là “Ông Hai Cọp”, một người có võ nghệ, lấy vợ ở Nhà Bè và làm nghề đốn củi. Trong lúc đi đốn củi, ông Điềm tình cờ  bắt được một con cọp con đem về nuôi và đặt tên cho nó là “Thằng Út”, còn lối xóm gọi nó là “Thằng Út Cọp”. Nó sống quen với gia đình ông Điềm nên rất hiền ngoan. Có một lần, khi Út Cọp còn nhỏ nó rượt gà của hàng xóm, ông Hai Điềm thấy được bèn kêu nó vô đánh cho mấy roi mây và từ đó Út Cọp sợ luôn không dám quấy phá chó, mèo, heo, gà, vịt của lối xóm nữa. Nó cũng biết tên của nó là “Thằng Út”, mỗi lần ông Điềm hay người nhà gọi Út là nó chạy đến hoặc tới bữa cơm mà nó còn mãi mê chơi ở ngoài vườn hay bên hàng xóm, ông Điềm gọi “Út, về ăn cơm mầy” thì nó cũng biết, nó chạy về ăn cơm. Cọp là loài ăn thịt nhưng gia đình ông Điềm nghèo nên không có tiền mua thịt cho nó ăn, bữa ăn chỉ có cơm với cá mắm vậy mà Thằng Út vẫn vui vẻ ăn như thường và nó vẫn lớn lên khỏe mạnh như những con thú khác. Chỉ những khi nó theo cha là ông Điền lên rừng, trong khi ông Điềm đon củi, nó đi săn may mắn bắt được dã thú thì bữa ăn mới có thịt mà thôi. Thường ông Điềm đi đâu nó cũng đi theo như cha với con, về phần ông Điềm cũng thương nó như con vậy.
Ông Trần Điềm về sau tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp nên bị truy lùng gắt gao, ông phải trốn lên rừng ẩn náo, Thằng Út cũng theo cha lên rừng. trên rừng ông Điềm dựng một túp lều tranh vách lá để hai cha con ở, Út Cọp mỗi ngày đi săn thú rừng để nuôi cha. Nhưng rồi nơi ẩn trốn của ông Điềm và Thằng Út cũng bị phác giác. Một hôm Pháp đem quân đến bao vây nơi ông ẩn trốn và nổ súng khiến ông Điềm bị trúng đạn tử thương còn Thằng Út chạy thoát đươc. Thấy cha chết, Út Cọp kêu gào thảm thiết và từ đó mỗi năm đến ngày giỗ của ông Hai Điềm Thằng Út lẻn về thăm ngôi nhà tranh cũ có đem theo thú rừng để làm giỗ cha. Rồi chẳng may trong một lần về thăm nhà như thế có kẻ trông thấy bèn đi báo với chánh quyền Pháp để lãnh thưởng. Pháp đem một số vệ binh với súng ống đến bao vây ngôi nhà tranh, Út Cọp hết đường lẫn trốn bèn phóng mình ra thoát thân nhưng cũng không tránh được những phát đạn oan nghiệt. The là Út Cọp cũng ngã gục dưới lằn đạn của những kẻ mà nó chưa hề thù oán, kết liễu cuộc đời của một con hổ nặng tình hiếu nghĩa với loài người!
Kính chúc quí độc giả một năm Nhâm Dần
sức khỏe dồi dào như Cọp  -  An Khang  - Thịnh Vượng
 

Lê  Thương, Richmond – Virginia



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top