hoànghàlong, Tuyết trên… đầu non

hoànghàlong

Tuyết trên… đầu non

 
Một kỷ niệm nhỏ với Bác Trầm Tử Thiêng
hoànghàlong
 
 Bác Trầm, có khi các em tôi gọi lầm là Bác Trần, Bác vội nói: “Gọi vậy cũng được, càng tốt”. Các em tôi không biết gì, chúng còn nhỏ. Tôi thì hiểu. Gọi tên càng xa cái nghệ danh của Bác, “tụi nó” càng ít để ý, đỡ nguy hiểm, ít nhất là chúng sẽ túm Bác, hỏi tội, nếu chúng biết Bác là ai.

Tội của Bác là tội “nhạc sĩ” chế độ cũ. Chỉ cần “dính” vô mấy chữ “chế độ cũ”, ai cũng có tội hết. Các ông sư, các ông cha, “tội” là “cầu siêu”, “cầu an” cho “tên lính ngụy” để họ mau khỏe, mau mạnh mà đi “đánh phá cách mạng”. Thậm chí một bà bán cháo, bán chè, một em bé bán bánh mì, cũng có “tội”. “Tên lính ngụy” ăn ngon, ăn no, lại đi “đánh phá cách mạng” càng dữ. Đó là quan điểm triệt để của cuộc “cách mạng triệt để”. Do đó, người miền Nam, ai khỏi tội?

Nhạc sĩ như Bác Trầm, tội càng nặng: “Tội tuyên truyền”. Văn nghệ cũng là một công cụ tuyên truyền của chế độ. Cộng Sản nhìn vấn đề như vậy đấy. Hiện thực chủ nghĩa cũng là vậy.
 
Bác Trầm đến thăm gia đình tôi sau khi ba tôi đi tù cải tạo được hơn một năm. Bác là “nguồn vui” cho mấy đứa nhỏ em tôi. Khi đến, Bác thường treo một món quà gì đó ở ghi-đông xe đạp. Vô tới nhà, bác mở quà ra. Mấy đứa nhỏ xúm lại, để được Bác chia cho: Mỗi đứa một cái bánh ú, hoặc có khi hai đứa một cái bánh bao... Má tôi bảo: “Bác nghèo. Các con đừng đòi quà”. Nhưng mỗi khi Bác đến, mấy đứa nhỏ nhìn vào ghi-đông xe bác, nhìn vào tay bác. Không có gì, bác thấy thương mấy đứa nhỏ, lại phải mua một cái gì cầm theo, mặc dù Bác nghèo, rất nghèo là đằng khác.

Bác quê ở ngoài Trung. Ở Saigon, Bác không có ai cả: Vợ con, cha mẹ, thân nhân… Không có ai cả. Thậm chí, Bác cũng không có nhà. Nay ở nhà nầy, mai ở nhà khác, phần đông là nhà bạn bè. Có khi bác “ngủ lang” ngoài Ga Xe Lửa Saigon. Chỗ ấy bây giờ trở thành nơi trú qua đêm của ngưởi không nhà. Họ chính là “homeless Việt Nam”. Bị tịch thu nhà, bị đuổi đi kinh tế mới… cuối cùng, họ trở về sống lang thang ở thành phố, đêm đêm nhập chung ở Ga Xe Lửa Saigon. Bác Trầm cũng nhập chung với bọn họ.

Với thằng em trai của tôi, con trai độc nhất, ba đi tù cải tạo khi nó mới 9 tuổi, thiếu người chăm sóc dạy dỗ, nó thường theo bạn bè trốn học, leo xe buýt về Sở Thú chơi. Mẹ tôi hay rầy “quí tử” của mẹ.

Có lần, Bác Trầm gọi thằng bé tới, bảo:
-“Con phải nhớ con là con của ai? Đừng để cho “tụi nó” cười lên đầu mình. Bọn chúng từ trong rừng ra, ngoài kia vô, không thể giống mình được. Để tụi nó cười lên đầu mình, cho mình hư hỏng là vì “con ngụy”, con có chịu được không?

            Sau đó thằng bé “ngại Bác”. Có lẽ nó không sợ roi vọt, nó sợ lời nói phải.

            Bác Trầm biết tâm lý thằng bé, nên sau đó, mỗi lần đến nhà, thấy thằng bé đứng xa ra, không chen tới nhận quà như trước, Bác ngoắt nó tới, vỗ đầu khen ngoan, hỏi thăm việc học, việc chơi của nó.
 
            Không phải tình cờ mà Bác Trầm đến nhà tôi.
            Dì Nga, nhà đối diện bên kia đường, cũng có chồng đi “học tập”. Những người có chồng đi “học tập”, có dịp là họ đến với nhau. Dì Nga đến nhà tôi rất thường, gần như mỗi chiều. Đi bán hàng ở Chợ Bến Thành về, ăn cơm xong là dì qua chơi với má tôi. Chuyện trò giữa hai người đàn bà còn trẻ, cùng cảnh ngộ, bao giờ cũng thân mật, vui vẻ, có khi rất sôi nổi.
            Một hôm dì qua nhà tôi sớm, theo sau là một người đàn ông, sau nầy tôi biết đó là Bác Trầm. Cái ngoại hình của Bác Trầm, nhất là khuôn mặt, không có lợi cho Bác chút nào! Bác xấu trai, mặt hơi dài. Chỉ khi gần gũi chuyện trò với Bác rồi, không mấy ai là không tôn kính và thương yêu Bác. Bác nói chuyện dịu dàng, và bao giờ người ta cũng thấy sự chân thật ở Bác. Chân thật, chính là điều làm Bác được mọi người yêu kính.
            Thật ra, Bác Trầm trẻ hơn ba tôi cũng vài ba tuổi, nhưng tôi gọi bằng Bác là theo phong tục người Bắc của xóm tôi.
            Má tôi, dì Nga và Bác Trầm, ba người kéo nhau lên lầu ba chuyện trò. Không cần đoán, tôi biết họ nói gì: Vượt biên. Má tôi đang chuẩn bị đưa chúng tôi vượt biên, mua ghe xong rồi, chỉ chờ thời gian thuận tiện.
            Đúng vậy, sau đó, má tôi nói với tôi: Bác Trầm sẽ đi với gia đình mình. Má để bác đi không. Bác nghèo, không tính tiền bạc gì.
            Như vậy, gia đình dì Nga, gia đình tôi và Bác Trầm cùng đi một chuyến.
            Bác Trầm cũng không giấu tôi việc đó. Biết chúng tôi ưa hát hỏng, biết đánh đàn ghi-ta, mandolin, có lần Bác nói: “Qua Mỹ, Bác và mấy đứa con sẽ lập một đoàn du ca, đi hát rong khắp nước Mỹ, khắp thế giới. Vui lắm”.
            Tôi cũng vui luôn về điều tưởng tượng của Bác. Tôi hỏi: “Bác không ở với bác gái sao?”
            Bác không trả lời, chỉ thở dài. Tôi hơi ngạc nhiên. Lúc ấy bác gái chưa đi lấy chồng khác. Hay Bác Trầm có linh tính về một tương lai không may sẽ đến với Bác?
            Bác gái là bạn học của dì Nga. Bác gái đẹp lắm. Có lần dì Nga nói với má tôi: “Nó đẹp lắm chị! Tui cũng mê huống chi ông Trầm!” Bác gái và các con di tản hồi 30 tháng Tư, Bác Trầm đi sau, rồi không đi được, bị kẹt lại. Bác đang tìm đường theo vợ con.
 
            Hồi bấy giờ ở trường tôi có lệnh cấm mặc áo dài.
Mặc áo dài đi học là điều tôi mơ ước từ khi tôi còn nhỏ. Học tiểu học, má tôi bắt chị em chúng tôi mặc đầm, jupe xanh màu biển, áo sơ-mi trắng; “muôn đời” vẫn vậy, khi tôi còn đi học ở Saigon đã vậy, khi về Kiên Giang, vùng quê, cũng vậy.
            Khi tôi lên trung học, má tôi cho tôi mặc áo dài. Áo dài trắng, quần trắng, giày da trắng. Sao mà đẹp thế!  Tôi thấy tôi đẹp, các bạn tôi cũng đẹp. Khi đã được mặc áo dài, không bao giờ tôi đi học bằng xe hơi. Xe tới đón các chị em tôi, tôi nói với chú tài đi đi. Tôi đi sau. Tôi đi bộ, để thấy tà áo dài bay nhẹ trong gió. Hoặc ít ra, tôi đi xe đạp, để biết vạt áo dài đang bay sau lưng mình. Chưa bao giờ tôi bi quan như Hàn Mặc Tử: “Có một chiếc xe màu trắng đục, Hai con ngựa trắng bước hàng đôi.” Ông ta già rồi, ông mắc chứng nan y, sắp đến ngày từ giã cõi đời mới nói vậy. Để cho ông ta chết với mầu trắng đục của ông, nó không còn trắng tinh khôi như mầu áo của bọn học trò.
 
            Vậy mà bây giờ trường ra lệnh nữ học sinh đi học, không được mặc áo dài. Những người vô sản không thể nào hiểu được cái đẹp của chiếc áo dài Việt Nam.
            Biết lệnh thế, nhưng không chỉ một mình tôi mà cả bọn con gái, gần chục đứa lớp 10 trường Phú Nhận, tên cũ là trường Thánh Thomas, không tuân lệnh trường, cứ mặc áo dài đi học.
 
            Hiệu trưởng, cô Trương Thị Phấn, một người ngoài Bắc mới vô, chỉ ra thông báo, chứ chưa có biện pháp gì với chúng tôi cả. Tuy nhiên, bọn “Đoàn Trường”, bọn “Cách mạng 30”, bọn con những ông phu xích lô, xe ga-gác, muốn lập công, đứng ngay cổng sau của trường, cổng dành cho học sinh, tay cầm kéo, chực xông vô cắt vạt áo sau của chúng tôi. Chúng tôi phản ứng dữ dội, la mắng om sòm. Cô hiệu trưởng phải can thiệp, cô chỉ dặn: “Mai các em đừng mặc áo dài nữa nhé!” Chúng tôi dạ.
 
            Ngày mai, chúng tôi lại cứ mặc áo dài đi học.
            Bọn “Đoàn Trường” lại đón ngay cổng. Lần nầy lại có “Thằng què” đứng chung với bọn chúng nữa chứ! Tôi nhìn nó, la to: “Mày cũng có đây? Mầy không thấy nhục với mẹ sao?”
            Mẹ nó cũng là cô giáo trung học, bỏ dạy vì không chịu “hợp tác” với chế độ mới. Vậy mà nó có mặt ở đây!
            “Thằng què” lủi mất!
            “Thằng què” nầy đã từng bị chúng tôi “trừng trị” một lần. Nó hay nghịch một cách “mất dạy”: Giả bộ vô ý đưa cái nạng què của nó ra để bọn tôi vướng chân té chơi. Nói mãi nó không nghe, chúng tôi bèn nhân khi nó vô ý, lấy rồi dấu biệt cái nạng què của nó. Nó không đi đâu được, đành ngồi một chỗ, khóc, mắt đỏ hoe. Sau khi bắt nó hứa chừa chơi trò “mất dạy”, chúng tôi mới trả cái nạng què cho nó.
            Ở Mỹ, thỉnh hoảng nghe ca sĩ hát nhạc Bác Trầm, lại thấy cái “bản mặt” của nó, tôi lại nhớ chuyện cũ, nhất là lần nó đứng ở cổng sau, cùng bọn “Đoàn Trường”.
            Rồi chúng tôi cũng thua, dĩ nhiên. Áo dài bị cắt vạt. Chẳng thèm quan tâm, tôi cứ mặc cái áo dài bị cắt vạt ấy mà đi học. Có nghĩa là tôi lì đấy, tôi vẫn chưa chịu thua.  Thà mặc áo bị cắt vạt đi học chứ không mặc áo ngắn. Tôi thề với lòng tôi như vậy. Tôi không xấu hổ. Xấu hổ là ở những người cắt vạt áo tôi chứ không phải tôi.- Một hôm, về tới nhà, gặp Bác Trầm, tức tưởi vì cái vạt áo dài bị cắt, tôi ôm Bác Trầm và khóc nức nở. Tôi tìm sự an ủi nơi Bác. Ba tôi đi tù, Bác là người thay thế ba tôi an ủi cho tôi.
 
            Bây giờ bọn cầm quyền trong nước cũng như bọn “văn nhân, nghệ sĩ Việt Cộng” lại ca ngợi cái áo dài, tổ chức “hoa hậu áo dài”, “thi vẽ kiểu áo dài”, “nâng cấp” áo dài, v.v… làm cho tôi nhớ tới những ngày tôi bị cấm mặc áo dài, nhớ tới buổi sáng tôi bị bọn “Đoàn Trường” xông vào cắt vạt áo dài của tôi, nhớ tới buổi tập họp ở sân trường, gần 10 đứa chúng tôi bị gọi lên, bị sỉ vả, bị mắng chưởi tiểu tư sản, ngoan cố, là bị Mỹ Ngụy tuyên truyền nhồi sọ… Tôi coi như không có gì, không sợ gì cả. “Không nghe, không thấy, không biết” bọn “Đoàn Trường” “làm thịt làm cá”, làm gì thì làm.
            Tôi ôm mối hận bị cắt vạt áo dài hồi ấy, cái áo dài tôi ấp ủ, mong ước, khát khao suốt mấy năm ở bậc tiểu học, khi lên trung học má tôi mới cho mặc. Người ta có thể quên một mối tình, quên một người tình, nhưng quên việc bị cắt vạt áo dài để “theo cách mạng” thì tôi không bao giờ quên được.
            Nó chỉ là cái vạt áo dài, có gì quí lắm đâu! Cắt áo nầy, người ta có thể may áo khác, dù người ta vẫn “không quên được cái cũ” như câu chuyện ngụ ngôn trong “Cổ Học Tinh Hoa”. (1) Nhưng về “Con Người”, hai tiếng “Con Người” được viết Hoa thì sao? Văn hóa của một người hay của một dân tộc thì sao, bỏ nó ở đâu? Nó đâu phải là câu chuyện áo dài của mấy đứa học trò lớp 10 “ngang bướng” chúng tôi. Cái ý thức phản kháng của chúng tôi đâu có phải là ý thức của mấy đứa con gái mười lăm, mười bảy tuổi con nhà tiểu tư sản. Đó là cái ý thức phản kháng của dân tộc đấy! Một dân tộc có văn hiến bị dìm vào cái vô văn hiến của chủ nghĩa vô sản.
            Mặc áo dài là chứng tỏ sự tôn kính công việc mình đang làm. Người làm ruộng, người buôn gánh bán bưng, công việc nặng nhọc, có thể mặc áo cụt cho tiện. Nhưng trong những công việc quan trọng nào đó: đi lễ, đi chùa, dự đám cưới, đám ma… là người đàn bà Việt Nam mặc áo dài. Điều đó chứng tỏ dân tộc Việt Nam, người đàn bà Việt Nam có văn hóa.
            Đi học không phải là đi chơi, đi dạo bờ biển hay đi cắm trại. Đi học là đi tiếp nhận cái tinh hoa của cha ông người Việt, tiếp nhận cái tinh hoa của nhân loại truyền lại cho mình, là chuẩn bị cho mình một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Đi học đâu có phải đi làm việc gì sai trái, ăn cắp, ăn trộm mà không cho mặc áo dài.
            Có lẽ không nơi nào trên thế giơi có trang phục của người phụ nữ đẹp như cái áo dài Việt Nam.
Đó là cái áo dài trẻ trung của các thiếu nữ với màu thiên thanh, màu hoàng yến, màu tím hoa sim của những ngọn đồi hoang ở chân dãy núi Trường Sơn từ chân đèo Hải Vân ra tới vùng Thanh-Nghệ-Tịnh, hay màu tím than của Tử Cấm Thành thường dành riêng cho người thiếu phụ Việt Nam, hoặc là mầu nâu, - màu dân tộc của các cô gái quê vùng đồng bằng -. Nó có những màu ấm như màu đỏ sậm, và những màu mát như “áo lụa Hà Đông” “giữa nắng trưa Saigon”.
            Cái áo dài của người phụ nữ là một bức tranh màu có lá có hoa sặc sở hay chỉ là một bức tranh thủy mạc Tầu với một vài đường nét đơn sơ trên vạt áo dài nhẹ nhàng thanh thoát.
            Cái áo dài “đi với màu trời” của một buổi chiều nắng hanh vàng, hay những buổi chiều có nhiều mây trắng trôi theo màu thời gian êm như giấc mộng, và một chiều mưa bấc rất nhẹ, có những hạt mưa đọng lại trên tấm áo nhung màu huyết dụ, mà chỉ với một cái hất nhẹ vạt áo, những hạt mưa long lanh rơi hết xuống sàn nhà.
            Cái đẹp mà người vô sản trước kia đã không cảm nhận được thì nay họ có cố bắt chước đi nữa, cũng chỉ là những hành động vụng về, lố lăng làm giảm mất cái đẹp mà chiếc áo dài đã có, đã tồn tại với văn hóa dân tộc từ mấy ngàn năm.
 
            Có những suy nghĩ như thế nhưng tôi nói thì không nói được. Chưa nói được một lời là bọn “Đoàn Trường” đã cả vú lấp miệng em, thái độ hung dữ, cộc cằn, chỉ cốt “đem bạo lực cách mạng để trừng trị bọn phản động.”
            Khi đứng trước toàn trường để bị sỉ vả mà không nói được, tôi nhớ lại câu thơ của Mai Tuyết An: “Khi sống không nói được, Chết mới được nên lời.” Cái sai lầm của Mai Tuyết An, của những người có tấm lòng với đất nước và dân tộc như bọn họ là một sai lầm quá lớn trong lịch sử Dân tộc Việt Nam.
           
            Công việc của má tôi thất bại. Má tôi tin tưởng “người cùng quê” chất phát, hiền lành, ngay thẳng. Điều đó không sai, nhưng sự hiền lành, thật thà bao giờ cũng kèm theo sự dại dột. Trong chế độ Cộng Sản, thật thà là một sự dại dột thiệt thòi.
            Trở lại câu chuyện cũ ba tôi kể:
            Năm 1966, quân đội Mỹ dựng hàng rào Diện Tử McNamara dọc theo bờ phía nam sông Bến Hải. Dân chúng ở đây, cùng tỉnh với ba má tôi đấy, bị bạch hóa. Vùng nầy sẽ là vùng không có người ở. Người dân phải di cư.
            Ban đầu, phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Kinh Tế Hậu Chiến dự trù đưa số dân nầy vào miền Tây. Họ là nông dân, đưa về vùng còn nhiều đất hoang để họ mở đất làm ruộng. Chương Trình bị những ông Nam Kỳ Quốc ngăn cản. “Đất miền Nam để cho người miền Nam”. Vì vậy, di dân vùng bạch hóa được định cư ở Cam Lộ, Bình Giả, Bình Tuy. Qua người làng, má tôi mua ghe ở Bình Tuy để vượt biên. Bán ghe xong, chủ ghe bị Công An tình nghi, bắt giam. Sự “thật thà là cha dại” khiến ông chủ ghe cùng quê khai hết với Công An. Má tôi vừa ra tới nơi cũng bị Công An bắt. Chỉ một ngày sau, chúng thả ra vì không tìm được lý do xác đáng. Công việc vượt biên bất thành.
            Thất vọng, Bác Trầm tìm con đường khác. Cũng từ đó, tôi không còn gặp Bác Trầm nữa.
 
            Giữa năm 1982, ba tôi đi tù cải tạo về. Nói chuyện Bác Trầm với ba tôi, ba tôi kể:
            Ba tôi gặp Bác Trầm chỉ một lần. Năm ấy, ba tôi cùng đi với một người bạn, Bác Lương Thúc Trình, “người bạn nhỏ” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, đến thăm Bác Trầm ở Trung Tâm Học Liệu. Lý do rất đơn giản. Sau Tết Mậu Thân, ba tôi nhập ngũ có đăng một bài báo viết về Tết Mậu Thân: “Nói với Huế, thành phố của tử thần.”
Khi đó ba tôi đã nghe Hoàng Oanh hát “Chuyện một chiếc cầu đã gãy.” Hai người viết về Huế, và qua Bác Trình, một người “học trò Huế”, quen thân với Bác Trầm, làm trung gian, Bác Trình đón ba tôi đi thăm Bác Trầm ở văn phòng của Bác. Họ gặp nhau, yêu mến và tôn kính nhau chỉ vì đó là sự gặp gỡ của những người có tấm lòng đối với đất nước và đồng bào.
Ba tôi không quên buổi gặp gỡ ấy với một nhạc sĩ mà ba tôi từng yêu mến. Trong khi đó, Bác Trầm, khi đến nhà tôi, không ít lần nói về năm ngàn người bị giết năm Mậu Thân. Ba tôi là một trong một số người đầu tiên viết về cuộc tàn sát năm ấy, mà gia đình tôi là nạn nhân.
 
Ba mươi năm sau, tôi đến định cư ở vùng Đông Bắc Mỹ. Bác Trầm đã qua đời ở Cali.
Tôi không còn cơ hội gặp được Bác Trầm trong đời thực, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ đến Bác luôn. Tôi vẫn nhớ đến những ngày bác bôn ba, chạy vạy nơi nầy nơi khác để được rời đất nước theo vợ con. Bác cũng như ba tôi vậy, trong một xã hội mà Đất Nước không còn, không còn những điều gì cao quí nữa, thì vợ con là lẽ sống của họ.
Tuy nhiên, dù qua tới Mỹ, Bác Trầm hình như không còn gì cả. “Anh cố bước đôi chân chậm quá, nên em không còn chờ đợi nữa.”
Người ta lên máy bay vượt Thái Bình Dương chỉ hơn mười tiếng đồng hồ, Bác Trầm phải đi tới hơn 10 năm mới qua được cái “khổ hải” ấy. Mười năm, thời đại bây giờ, ai còn chờ được ai?! Bác bỏ lại bên kia một mối tình của một người thương bác, chịu thăm nuôi Bác trong tù, để theo đuổi một mối tình bên nầy đại dương đã quay lưng với Bác. Nhiều khi tôi tự hỏi: “Thả mồi bắt bóng”. Cái bóng đẹp hơn đời thực hay vì Bác thương các con Bác?
Nàng Tô thị chỉ là câu chuyện trong huyền sử. “Nước nguồn tuôn đổ xuống Bà”, Bà vẫn còn đó, nhưng câu chuyện chờ chồng chỉ là hư truyền.
Đó chỉ là biểu tượng của một dân tộc có lịch sử lâu dài chống ngoại xâm, là văn hiến của một giống người biết sự tồn vong của dân tộc, biết chỗ đứng của mình trong lịch sử nhân loại, và trách nhiệm của mỗi người: người chồng, người vợ và người con được trao lại “chiếc gươm thân phụ di truyền” để duy trì và bảo vệ sự tồn tại của dân tộc.
Người nghệ sĩ cảm nhận một cách nhạy bén và sâu sắc tinh thần ấy, hiểu nó và ôm ấp như một nguồn sống, nguồn cảm hứng sâu xa để sáng tạo nên những tuyệt phẩm để lại cho đời. Nhưng ngọn đuốc linh thiêng ấy không thể tồn tại lâu dài trong lòng một người đàn bà. Huống chi ngày nay, làm đàn bà thì phải đẹp, phải bảo vệ sự tồn tại của cái đẹp, không phải bằng thần tượng một người đàn bà kiêu dũng ngàn năm hóa thành đá Vọng Phu trên dãy Trường Sơn, trải dài theo chiều dài của đất nước và chiều dài lịch sử của dân tộc.
Cái đẹp ngày nay không còn xuất phát từ những người đàn bà biết cầm roi ngồi trên lưng ngựa, lưng voi, mà cái đẹp phải từ Paris, từ Tokyo hay từ Hán Thành, thì cái Dũng của người đàn bà trong huyền thoại đã chìm mất theo dòng thời gian vô tận.
 
Đêm qua, tuyết xuống bên ngoài mà không ai hay. Sáng nay, khi trời vừa sáng, ba tôi đứng ở cửa sổ nói to lên: “Tuyết xuống rồi!” Đó là cơn tuyết đầu mùa của một mùa đông tuyết giá đang tới gần.
Tuyết đã phủ trắng con đường dốc thoai thoải từ nhà tôi đi xuống dưới kia, có con đường trắng đi quanh hồ Coes. Nước hồ còn xanh. Ngọn đồi cao bên kia hồ cũng còn xanh, với những ngọn thông vươn lên không đều. Cảnh vật một ngày mùa Đông bắt đầu trong im lìm và buồn bã.
Mai mốt nữa đây, mặt hồ cũng như ngọn đồi bên kia hồ sẽ phủ một màu trắng xóa khi mùa tuyết đã đi sâu, tuyết xuống đã nhiều, sau những cơn mưa tuyết dài dằng dặc từ ngày nầy qua ngày khác.
Tôi sẽ nằm trong nhà, như mùa tuyết vừa qua, sẽ không nghe gì cả, nếu tuyết vẫn xuống đều nhưng trời không nổi gió. Trong trí tưởng tôi, hình ảnh ngọn đồi bên kia hồ hiện ra khá rõ vì đó là cảnh đập vào mắt tôi mỗi ngày khi tôi đứng bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài.
Trong đêm thanh vắng, những nỗi buồn như các lớp tuyết dần tan từ trái tim băng giá của tôi trong khi tuyết rơi xuống đều đặn ở bên ngoài.
Trong khi đó, trước khi ra người thiên cổ, gia đình không còn, Bác Trầm trải lòng ra với mọi người, với đồng bào dân tộc. Bác lên tiếng cùng các em bé đang kẹt lại ở một trại tỵ nạn nào đó, ở Phi, ở Mã Lai, với lời nhắn nhủ ân cần rằng “Bên em đang có ta”.
Nhưng khi mọi sự qua rồi, Bác Trầm trở lại với lòng mình, với đời thật của Bác, Bác thấy cô đơn với phận mình, với “nỗi nhớ càng lúc càng đầy”.
Đêm đêm, nằm ở một nơi nào đó, không như tôi nghe tuyết tan từ trái tim mình, Bác Trầm lại nghe tiếng “Tuyết than trên đầu non”. Tuyết than cho số phận cô đơn lẻ loi của nó.
Với nỗi cô đơn vô cùng trong vũ trụ bao la, qua trí tưởng của mình, người nghệ sĩ cảm nhận được thân phận mình trong cõi trời đất mênh mang.
Và mỗi khi nghe những câu hát ấy của Bác, bao giờ tôi cũng thấy lòng tôi xúc động. Tôi thương cảm thân phận Bác Trầm, cứ nghĩ rằng lời than của tuyết trên ngọn đồi cao, trong đêm đông lạnh giá chính là lời than của Bác Trầm vậy.
Đầu mùa tuyết 2013

hoànghàlong

 
(1)- Không Quên Được Cái Cũ:
Một hôm, Đức Khổng Tử đi qua một cánh đồng, thấy một người đàn bà ngồi khóc thê thảm lắm, bèn sai Thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà trả lời:
- “Tôi cắt cỏ thi, vừa làm mất cái trâm bằng cỏ thi nên tôi khóc!”
Thầy Tử Cống nói:
-“Bà cắt cỏ thi, lại làm mất cái trâm bằng cỏ thi thì làm lại cái khác, cớ sao lại khóc?”
Người đàn bà trả lời:
-“Nhưng tôi vẫn không quên được cái cũ, ông ạ!”
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top