Hoàng Thị Như Huy: Chuyện người đàn bà nơi xóm nhỏ

 
Chuyện người đàn bà nơi xóm nhỏ

Hoàng Thị Như Huy




Cảnh một gia đình Việt Nam – tranh Marie-Antoinette Boullard-Deve

Vài Nét Nữ họa sĩ Pháp vẻ tranh về Việt Nam:
Marie-Antoinette Boullard-Deve

Năm 1921 Boullard-Deve nhận được một giải thưởng hội họa của Hải quân Pháp, năm sau tranh của bà được trưng bày tại Triển lãm Thuộc địa ở Marseille. Bà cũng tham dự một sự kiện mỹ thuật rất quan trọng là Triển lãm Thuộc địa quốc tế ở Paris năm 1931, triển lãm đầu tiên đã phát hiện các tài năng hội họa từng là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Georges Khanh… Tại triển lãm này, Boullard-Deve đã vẽ một bức bích họa dài 40m cho gian triển lãm Đông Dương, thể hiện sự đa dạng và phong phú của cư dân Đông Dương trên một nền vàng sang trọng. Một phần của bức tranh tường này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly ở Paris, nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật và hiện vật của các nền văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ. Tác phẩm này được so sánh với bức bích họa hoành tráng của Victor Tardieu tại giảng đường chính của Trường Đại học Đông Dương (ngày nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội).
Bức tranh sơn dầu Cảnh một gia đình Việt Nam của Boullard-Deve được đưa lên sàn đấu giá Sotheby’s ngày 3-10-2016 và được bán với giá 35.463 USD. Tranh được vẽ năm 1932 với khổ vuông nhằm tạo ấn tượng về sự thân tình cũng như sự tập trung chủ đề, thể hiện năm nhân vật Việt Nam: ở trung tâm là một chú bé mới chập chững biết đi, ba người đàn bà trong trang phục ba miền Bắc-Trung-Nam vây quanh chú bé, còn nhân vật thứ năm là một bé gái đứng cạnh đó. Khung cảnh đặc trưng Việt Nam với những tàu lá chuối xanh nhiều sắc độ ở hậu cảnh, cùng chiếc bình gốm men lam rất phổ biến trong đời sống người dân bản xứ. Với những hình ảnh tượng trưng trong tác phẩm, tác giả muốn nói rằng chú bé chính là sự khai sinh của một nước Việt Nam hiện đại trong tương lai.
Ngoài một phần bức tranh tường vẽ năm 1931, trong sưu tập của Bảo tàng Quai Branly còn có hai bức tranh sơn dầu khác của Boullard-Deve.

*

Cơn mưa dầm suốt tuần nay khiến ngôi nhà trong xóm nhỏ, nơi cô đang sống, vốn ảm đạm thê lương, nay càng thêm thê lương ảm đạm.
Cô đang ngồi một mình trong căn phòng, nơi bao nhiêu năm qua đã gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn vui của đời cô.
Đây là nơi cô được nhìn thi hài cha mẹ lần cuối, khi người ta đã chở về từ một tai nạn đổ xe trên đỉnh đèo Hải Vân;
Đây là nơi anh đã từng hôn cô, nụ hôn đầu đời con gái;
Đây cũng là nơi chính tay cô khâm liệm cho bà Nội trong phút lâm chung..
Và đây… còn là nơi biết bao ngày tháng cô ngồi nhớ nhung anh…
Ngoài kia, mưa đang giăng sợi, theo cơn gió thổi, đập vào khung cửa kính không tiếc thương. Trong những khoảnh khắc này, cô mới thấm thía tất cả nỗi cô đơn và cô độc của đời mình.
Đã bao năm rồi nhỉ? Ừ cũng đã trôi qua không biết bao nhiêu ngày tháng, kể từ ngày người ấy bước ra khỏi cuộc đời cô, trả lại cho cô cuộc sống trầm uất u uẩn bên bà Nội mù loà bất hạnh. Cô có khóc hay không trong giây phút chia tay ấy? Cô cũng không còn nhớ. Nhưng có một điều cô cảm nhận rất rõ nét, là cô không còn bao giờ tìm lại những phút giây hạnh phúc như những tháng ngày cô có anh!
Anh là ai? Mà sao định mệnh đã xô đẩy bước vào đời cô rồi đành đoạn ra đi…?
Cô nhắm mắt…cố xua đi những bóng hình…nhưng anh vẫn hiện ra thật rõ nét.
Dáng đi, nụ cười và cả tiếng xe ngày bốn bận anh lái qua trước cửa nhà cô. Anh là chàng láng giềng chỉ sống cách cô một bờ dậu xanh rờn…
Vào một ngày trời hành cơn đại hồng thuỷ, chính anh đã bơi sang nhà cô để giúp cô bế bà Nội tuổi đã gần đất xa trời lên mái nhà, khi con nước đang cuồn cuộn dâng cao. Anh là Sơn tinh bước ra từ truyền thuyết. Cô đã phải lòng anh từ giây phút ấy. Và từ đó đến nay, tình yêu dường như không hề tàn lụi trong nơi sâu thẳm trái tim cô.
Nhưng tình anh cho cô thì đã phôi phai. Anh đã quên và đã dang vòng tay đón người đàn bà khác bước vào cuộc đời mình để cùng nhau sinh hạ những đứa bé xinh xinh…mà ngày ngày vẫn vang vọng đến căn phòng cô luôn ngồi bất động những âm thanh líu lo như tiếng hót của loài chim.
Cô không giận anh. Chỉ biết giận chính bản thân mình. Vì sao cô không thấm thía bài học cuộc đời của Nội, mà bà đã từng kể cho cô nghe? Để giờ đây cô lại giẫm lên lối mòn ấy, làm người đàn bà cô độc sống u uẩn trong ngôi nhà nhỏ này?
Ba năm sau ngày anh bỏ rơi cô, Nội cũng đi về cõi vĩnh hằng, để lại mình cô cô đơn cô độc trong ngôi nhà nhỏ. Trên bàn thờ, cô đặt thêm khung ảnh Nội, cạnh ảnh mẹ cha.
Từ ngày ấy đến nay, anh và cô chưa một lần chạm mặt, để nói tiếng ghét hay thương. Thỉnh thoảng, khi bước ra khỏi cổng nhà, cô vẫn thấy thấp thoáng bóng anh bên bờ dậu. Những đêm khuya, chưa nghe tiếng xe anh trở về sau một ngày làm việc, cô vẫn cảm thấy lòng thấp thỏm lo âu. Anh có bao giờ biết đến điều ấy hay chăng?
Trong nhật ký Nội ghi lại, tất cả những điều ấy chỉ là hư ảo của cuộc đời…Bởi dẫu ta có mãi đợi chờ thì kẻ đã phụ tình ta không bao giờ quay trở lại. Sao cô lại dại dột chờ đợi anh? Sao cô chẳng chịu đi lấy chồng?
Tiếng gõ cửa lôi Tâm An quay về thực tại. Cô bước ra mở cửa. Trái tim cô như ngừng đập khi chính anh đang đứng đó, ướt sũng dưới cơn mưa. Cô mở lớn mắt nhìn anh. Mái tóc anh đã có sợi đổi màu. Dáng vẻ anh có phần đậm người hơn năm tháng cũ. Nhưng đôi mắt và giọng nói thì cũng vẫn của những ngày xưa:
“ Trời sắp hành cơn lũ lớn. Em nên chuẩn bị đề phòng nước dâng cao trong đêm nay ”
Cô đáp lại nhẹ như hơi thở đang run rẩy của mình: ”Nội em đã không còn nữa. Xin anh đừng bận tâm.”
Cô quay vào. Cánh cửa gỗ lại khép kín lạnh lùng.
Bên trong khung cửa gỗ- Cô đang đứng im lìm trong nhịp tim khóc! Mưa làm ướt đẫm cả đôi mắt khô bao năm ráo lệ.
Bên ngoài khung cửa gỗ – mình anh đứng dưới mưa- những mũi kim mưa đang quất vào mặt…để đủ dấy lên cơn bão táp dữ dội trong hồn anh!
Nhưng …cả anh và cô không ai nghe được tiếng lòng nhau! Họ chỉ nghe tiếng mưa xối xả báo tin một cơn lũ thảm khốc sắp đổ về.

Ngay trong đêm ấy, lũ đã tràn về lai láng. Nước lên…nước lên…dâng cao…dâng cao cho đến tận chiếc bàn cao mà cô đã tự tay bê đặt trên giường. Nơi góc nhà nhỏ, cô ngồi im lìm bó gối suốt đêm trong bóng tối hãi hùng..
Bên ngoài, mưa xối xả…gió gào thét…Mơ hồ bên tai có tiếng ai đó đang cố bơi trong nước cuộn…mơ hồ như có tiếng ai cất tiếng gọi: “An ơi? An ơi!”...Nhưng hồn cô đã thiếp đi trong cơn mộng mị ngày xưa…
“Mùa đông ấy, đất trời Huế cũng đã có những cơn mưa xối xả kéo dài..
Trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại Nội và tôi.
Nội- người đàn bà bất hạnh nhất trên cuộc đời này. Mười tám tuổi lấy chồng, sinh con. Chồng phụ bạc- con và dâu tử nạn trên đỉnh đèo Hải Vân- tiếp tục nuôi cháu nhỏ- rồi lại mù loà…May thượng đế còn run rủi cho tôi khoác kiếp người để sống cùng Nội sớm hôm. Tôi đã lớn lên trong sự cảm nhận về những bất hạnh ấy, một mực yêu thương chăm sóc bà. Cảnh nhà không còn như xưa vì tất cả gia sản đã theo mẹ cha đổ xuống vực sâu nơi đỉnh đèo.Tôi đã được bà dạy cách biết sống âm thầm.

Nội tôi đã đánh mất niềm tin yêu cuộc sống. Nội đã hoài nghi tất cả những lời ngon ngọt được thốt ra từ miệng lưỡi của đàn ông, do nỗi đau ông tôi phụ bạc, đã để lại vết hằn quá sâu trong trái tim bà. Tôi lớn lên trong sự giáo dưỡng ấy nên cũng đã được luyện một trái tim bằng đá. Và vì thế, tuổi thanh xuân của tôi đang đến và sắp qua đi..nhưng trái tim tôi chưa bao giờ có một rung động bồi hồi. Ngày hai buổi rời nhà đi học trường Đồng Khánh rồi lại quay về cùng bà, khép lại sau lưng một cánh cổng gỗ lạnh lùng.
Trong mùa đông ấy, lũ tràn về. Anh đã bước vào nhà tôi, bước vào cuộc đời tôi…không phải bằng bước chân đi vào từ chiếc cổng gỗ lạnh lùng luôn khép kín…mà từ trên mái nhà phá rui xông xuống, để kịp giúp tôi kéo bà tôi leo lên mái nhà, khi nước đã lai láng bốn bề nhấn chìm xóm nhỏ của chúng tôi.
Tôi đã phá lệ bà dạy, trái tim khởi động những nhịp bồi hồi. Bà tôi không phản đối trước một Sơn tinh dũng mãnh hào hùng. Nhưng bà không yên tâm-luôn cho tôi đọc tập nhật ký mà vẫn ghi chép hàng ngày thời đôi mắt còn sáng-để tôi phải biết thấm thía những mật đắng của đời luôn rình rập sau những lời đầy mật ngọt của bọn đàn ông!
Tôi vẫn tin lời bà dạy bảo.Nhưng…tôi vẫn yêu! Tình yêu là một thứ nhiệm mầu mà không ai cho, ai bán, không ai có thể cấm, không ai khuyên…Tôi đã yêu anh từ sự rung động chân tình của trái tim đơn côi.
Sau những ngày mưa lũ, đất trời Huế lại ngập nắng chói chang. Tôi đã bắt đầu biết bồn chồn nhìn bờ dậu xanh, nhìn khung cửa sổ phòng anh khi ở đấy vọng đến bên tai tôi tiếng đàn ghi ta réo rắt-đã biết soi lại gương khi đến trường, biết bồi hồi khi bước chân quay về khu xóm nhỏ…Tất cả những đổi thay ấy thú nhận rằng: TÔI ĐÃ YÊU ANH.
Nhưng bạn ơi! Có thể anh và tôi không cùng hấp thụ một nền giáo dục chăng? Hay do anh quá lãng mạn hoặc do tôi quá vô tình?..Chúng tôi đã sớm chia tay nhau trong sự âm thầm.
Một sớm mai xuân chưa kịp đến, tai tôi đã nghe tiếng pháo nổ nhà anh đón dâu về. Tôi lại bắt chước bà, ghi vào trang nhật ký hằng đêm những giòng chữ buồn..
Bên kia bờ dậu xanh, anh vẫn sống hạnh phúc như những tháng ngày anh chưa từng nói lời yêu tôi và chưa từng làm tim tôi tan nát.
Bờ dậu xanh là vật cản tuyệt vời giữa hai ngôi nhà trong khu xóm nhỏ. Nên anh đã chỉ biết sống cuộc đời của anh và tôi lặng lẽ sống cuộc đời của tôi.
Ngày tháng trôi…trôi…và tôi cũng lớn dần..., già cỗi dần theo năm tháng!
Tôi không biết mình còn mơ ước gì cho cuộc sống hôm nay!”

Sáng hôm sau, khi vầng dương quay trở lại, nơi xóm nhỏ cơn lũ đã kịp rút về biển đông, nhưng vẫn đành đoạn để lại…. thi thể anh bên bờ dậu, với tiếng xé nát lòng trong trái tim cô!
Từ ngày ấy, tóc cô dần đổi màu. Cô vẫn sống đơn độc một mình trong căn nhà nhỏ, nơi xóm nhỏ đìu hiu.
Xóm nhỏ vẫn trở lại cuộc sống như muôn thuở của những ngày nắng, ngày mưa..
Trong trang nhật ký cuối cùng trước ngày cô mất, tôi đã đọc thấy giòng chữ này: ”TÔI SỐNG ĐỂ CHỜ ĐỢI AI? ”

  Huế mùa mưa lũ.,   7/9/2007
Hoàng Thị Như Huy
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top