Bài 27
Về nước, thấy gì? nghĩ gì?
Khi tiễn tôi lên máy bay về Mỹ, người bạn thân của tỏi nói: “Quên chuyện tao với mài cãi nhau đi. Còn sống gặp nhau là quí.
Lời người bạn làm tôi xúc động, gần như muốn khóc. Tôi bảo: “Mày với tao chơi với nhau thân thiết từ hồi học tiểu học, không hòa hợp hòa giải với nhau được thì nói tới việc hòa hợp hòa giải dân tộc làm chi mất công. Việc ấy khó lắm. Khi trong lòng không có chữ Nhân với chữ Đức thì làm sao có chữ Hòa.
- “Mày đi rồi, dù đất khách, cũng yên thân mày. Còn tao ở lại đây, bao nhiêu điều chướng tai gai mắt, dù không muốn nói, cũng không thể không nói được. Thật ra, những điều mày nói về người Bắc ở Saigòn, không sai đâu, nhưng muốn “sống còn” trong cái xã hội đó, tao phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hôm đó cãi lại mày chẳng qua vì tự ái, chớ mày nói, không có sai đâu. Mày nhận xét đúng đấy. Tao không nịnh mày.
Về Việt Nam, tôi rủ người bạn dạo chơi Saigon, tìm lại cái không khí của Saigon thập niên 60, 70. Thật hoài công. Cuộc đời, như một dòng sông, nước có chảy lần thứ hai ở một khúc sông bao giờ.
Tôi nói với người bạn: “Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không có sự hiểu biết để thông cảm thì khó thương nhau. Như tui, về lại quê cũ, thành phố Quảng Trị thành bình địa năm 1972, nhà cửa không còn, bà con xóm làng không còn, nên tui không về. Ai hiểu cho tui “Còn chi nữa mà về”. “Tôi con đường cũ chạy lang thang, Mang nỗi buồn không chạy khắp làng”. Quê tui còn con đường nào đâu. Còn như Saigon, Saigon với tui cũng xa lạ. Tôi yêu Saigon như một người dân yêu thủ đô của mình. Thế thôi. Nhưng người dân miền Nam coi Saigon như trái tim của tổ quốc, chớ Saigon chẳng cho tui danh vọng, quyền lợi gì cả. Tui nói vậy là nói thật, chẳng phải nói cho văn chương bóng bẩy, hay tuyên truyền như kiểu Việt Cộng. Tụi nó cũng gọi Hà Nội là “trái tim của Tổ Quốc” vì Hà Nội cho nó nhiều thứ, danh vọng, tiền bạc, giàu có. Họ là những nông dân nghèo khổ, theo “đảng” theo “bác”, nay vô sống ở Saigon, có quyền lực và giàu có như thế, không theo Cộng Sản thì theo ai. Tui nói một ví dụ cụ ̣ thể thôi. Ông V., trưởng phòng tổ chức Sở Xây Dựng (tp Hồ Chính Minh) sau 1975, “chiếm” được một ngôi nhà ở đường Cao Thắng, mấy năm trước đây, bán được 7 ngàn lượng vàng. Không theo đảng, cả đời ông, làm sao ông có được một số vàng như thế. Saigon bây giờ, toàn thể Quận 1 bây giờ (bao gồm Quận 1 Quận 2 cũ), toàn là dân Bắc Kỳ 75. Đó là thành quả của cuộc “viễn chinh giải phóng miền Nam”, phải không?
- “Phải. Nhưng người Bắc vào chiếm Saigon mấy đợt, họ giống nhau hay khác nhau như thế nào? Người bạn hỏi.
- “Ba đợt. Họ khác nhau từ căn bản.
- “Huynh” giải thích tôi nghe. Người bạn nói đùa.
- “Tôi không bàn tới những cuộc di dân từ thế kỷ 19 trở về trước. Đó là công trạng của Ngọc Vạn Công Chúa, của ông Nguyễn Hữu Cảnh, của các chúa Nguyễn. Đất phương Nam là đất của Chúa Nguyễn. Người miền Nam nhớ ơn các Chúa Nguyễn là vì vậy.
“Chỉ kể trong Thế kỷ 20 thôi, người miền Bắc vào Nam, nói rõ là vào Saigon có 3 đợt. Đợt thứ nhứt là do hậu quả của cuộc “Kinh tế Khủng Hoảng” Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1930. Cuộc “khủng hoảng” nầy, xảy ra ở Mỹ, là hậu quả của cuộc “Thế Giới Chiến Tranh Thứ Nhứt”, ảnh hưởng đến toàn bộ kinh tế thế giới. Anh đọc sách giáo khoa lịch sử thế giới lớp Đệ Nhứt của Tăng Xuân An, “Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt Quốc tế” của LM Nguyễn Phương, đọc “Nhà Quê” của Ngọc Giao, “Sống Mòn” của Nam Cao, rõ hơn tui nói. Vì cuộc khủng hoảng nầy, dân chúng Bắc Kỳ, nhất là ở vùng nông thôn khó khăn lắm, người ta bèn “đi Nam” kiếm sống. Những người nầy, về sau, giàu có, con cái học hành đổ đạt. Trước 1975, người Saigon gốc Bắc nầy sống tập trung gần chợ Bến Thành, trên đường Gia Long, Lê Thánh Tôn... Những tiệm bán tạp hóa, bán vải... vài hãng nhuộm với tên có chữ Cự đứng đầu, là dân Saigon gốc Bắc cả đấy.
- “Còn đợt hai? Bạn tôi hỏi.
- “Là đợt “rân ri cư”. Gần một triệu dân di cư đó, có thể nhận xét như thế nầy: Phần đông nông dân – tui tính chung thôi nghe – định cư ở vùng dinh điền, khu trù mật – lớn nhứt là dinh điền Cái Sắn, Bắc Đậu, Dốc Mơ, Gia Kiệm, Võ Dõng... các vùng định cư nầy đều có tính cách chiến lược quân sự. Có dịp, tui sẽ nói cho nghe. Số dân chúng nầy, phần đông có đạo Thiên Chúa. Các ông cha giảng cho giáo dân “Chúa đã vào Nam”, nên các cha và con chiên rủ nhau vào Nam, trốn chạy Cộng Sản. Họ định cư với nhau ở trong Nam. Còn ai không phải là nông dân, không làm ruộng được, gốc dân thành phố ở ngoài Bắc, thì tụ lại ở Saigon, và một số thành phố lớn: Biên Hòa, Vũng Tàu... Saigon phình to ra: “Xóm Vẹc” hoang vắng cỏ sậy um tùm trở thành đường Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký. Gò Vấp có thêm “Xóm Mới” để ngăn chặn con đường xâm nhập của Cộng Sản từ An Phú Đông ...
- “Đợt cuối là “Bắc Kỳ 75”, Quận 1 Saigon bây giờ là “Hà Nội mới” giữa lòng thành phố Bát”.
- “Sao ông tài thế? Tôi nói.
- “Ông” đi rồi thì yên phận “ông”. Còn tôi ở lại đây, giống như “Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.” nên tôi hiểu họ là người như thế nào chớ.
- “Khác nhau ở điểm nào? Tôi hỏi.
- “Trước hết là “quân viễn chinh”.
- “Quân viễn chinh?”
- “Chớ sao? Quân chiến thắng là quân viễn chinh. Khi Pháp xâm lăng nước ta, thắng đến đâu, chúng cướp của, hiếp dâm, đốt nhà đến đó. Hậu quả của cuộc xâm lăng của Tây hồi thế kỷ 19 là gì anh thấy không?
- “Thời gian qua lâu rồi, dấu tích chỉ còn trong... sách sử? Không. Tui nhớ rồi. Trước 1975, khi tui về Long Xuyên, Châu Đốc, tìm hiểu về “Đức Phật Thầy Tây An”, tui biết thêm các “Trại Ruộng” của ông Phật sống nầy. Khi Tây xâm lăng vùng nầy, tất cả các trại ruộng đều bị Tây đốt sạch, phá sạch, giải tán hêt; nay chỉ còn trại ruộng Láng Linh ở Châu Đốc.
- “Lý do? Bạn hỏi.
- “Trại ruộng là nơi Đức Phật Thầy Tây An kêu gọi dân chúng tụ họp lại, chung sức với nhau để phá rừng, khai khẩn đất đai, làm ruộng. Bên cạnh đó, mỗi trại ruộng là nơi thanh niên trai tráng, họp nhau lại, trang bị gươm giáo, chuẩn bị đánh nhau với Tây. Các trại ruộng bị Tây phá sạch, giải tán là vì vậy. Nay chỉ còn trại ruộng Láng Linh, nhưng hình thức hợp tác như ngày trước thì không còn.
- “Vậy thì khi Quân Bắc Việt chiến thắng ở miền Nam có khác gì không? Anh có nghe người ta nói máy bay, xe lửa, xe hơi ùn ùn chở “chiến lợi phẩm” về Bắc hay không? Lấy tài sản “Cái nầy tôi ăn được, cái nầy tôi xài được như trong “Cổ Học Tinh Hoa” hay không? Kẻ chiến thắng, người cầm quyền xưa nay có khác gì nha “Người nách thước, kẻ tay đao, Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi…” nay không còn hay sao hay bây giờ “loạn” hơn, khi người có vũ lực thấy mình là giai cấp trên.
- “Vâng. Đó chỉ mới là tâm lý của kẻ chiến thắng. Còn gì nữa?
- “Thành phần xã hội. Miền Nam nầy, xưa lắm là “Vương Quốc Phù Nam”. Vương quốc nầy bị “Vương Quốc Khmer” tiêu diệt. Tiêu diệt như thế nào, sử sách không còn để tìm hiểu. Thế rồi “Vương Quốc Khmer” bị người Việt xâm lăng. Đó cũng là một cuộc “xâm lăng nhung”, nói theo kiểu “cách mạng nhung” như bên Tiệp Khắc. Có giết nhau giữa Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch, nhưng đó chỉ là mâu thuẫn cá nhân, giữa hai người, không phải giữa những người mới tới và chủ cũ.
-“Bây giờ?
-“Những người Bắc di cư vào Saigon đợt thứ nhứt, thứ hai, nhìn chung, thuộc thành phần tư sản, tiểu tư sản… Họ có văn hóa tư sản, tiểu tư sản là văn hóa của người Việt Nam, còn như Bắc Kỳ 75 là thành phần vô sản, bần nông, cố nông… ở “Đồng bằng Bắc bộ”. Văn hóa của họ là văn hóa Chí Phèo. Ông biết chứ?
-“Tui kể ông nghe câu chuyện nầy, câu chuyện cha dặn con, làm tôi xúc động. Bây giờ kể cho anh nghe, xúc động ấy vẫn còn. Câu chuyện như thế nầy, do cụ M.T., trước 75 là giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, do chính cụ kể cho tui nghe:
“Giữa thập niên 1930, đời sống ở làng tôi, làng Đốc Tín, - huyện Mỹ Đức - khó khăn lắm. Tôi xin bố cho tôi “Đi Nam” kiếm sống. “Đi Nam” hồi đó, như một phong trào của người Bắc. Bố tôi dặn:
-“Đời sống khó khăn quá, con bỏ làng đi, bố không cản, nhưng bố dặn con một điều, làm gì thì làm, con không được giết người.
Kể xong, cụ M.T. nói: “Bây giờ, người Bắc vào Nam, có lẽ không được bố mẹ dặn dò như thế!”
hoànglonghải
giữa tháng 1/2022