Hoàng Long Hải: The Red Pony

Hoàng Long Hải

The Red Pony


 
         Cách nay khoảng 25 năm, khi còn ở trong trại cải tạo, anh Trần Nguyên Bình đưa cho tôi mượn cuốn “English For Today”, tập 5, giảng về các nhà văn lớn của Mỹ. Tôi đọc bài nói về John Steinbeck, giới thiệu một cuốn tiểu thuyết hay của ông ta, cuốn “The Red Pony”.
 
         John Steinbeck sinh năm 1902, qua đời năm 1968. Năm 1962, ông được giải Nobel về văn chương.
 
         Nhân vật chính trong cuốn truyện nói trên là một thằng bé, tên Jody. Thằng bé sống với cha mẹ trong một nông trại nhỏ. Trại nằm bên cạnh dãy núi đá cao. Mỗi ngày, thằng bé nằm trong bãi cỏ sau nhà, nhìn lên dãy núi, những ngọn núi phản chiếu ánh sáng mỗi sáng mỗi chiều thay đổi màu sắc khá đẹp. Tuy nhiên, điều quan trọng mà thằng bé thắc mắc là trong những ngọn núi đá cao ngất đó có những cái gì.
 
         “Tò mò về những điều bí mật của những ngọn núi ấy, nó nghĩ rằng nó cần biết chút ít về những ngọn núi ấy.
- “Bên kia núi là gì vậy ba?” - Một hôm nó hỏi bố.
- “Ba nghĩ cũng là núi. Mà sao?”
-“Rồi bên kia nữa những núi ấy là gì?”
- “Lại núi nữa. Sao?”
- “Cứ núi tiếp núi?”
- “Không. Cuối cùng chúng ta tới biển.”
- “Nhưng trong núi ấy có gì?”
- “Chỉ là những vách đá, bụi cây và đá và khô hạn.”
- “Có khi nào ba tới đó chưa?”
- “Không.”
- “Có người nào ở trên đó không?”
- “Chỉ có vài người thôi, ba đoán vậy. Ở đó rất nguy hiểm, vách đá cao. Mà sao? Theo ba biết, quận Monterey, hơn bất cứ nơi nào khác ở Mỹ, có nhiều ngọn núi chưa từng được thám hiểm.” - Bố thằng bé có vẻ tự hào về những điều ấy.
 - “Và cuối cùng là biển? Nhưng!” - Thằng bé nài nỉ “giữa núi ấy, không ai biết gì cả sao?”
- “Ồ! Có vài người biết. Ba đoán vậy. Nhưng chẳng được cái gì hết. Nước chẳng có nhiều. Chỉ có đá và vách núi và gỗ láng. Sao?”
- “Chẳng có gì mà đi lên đó?”
- “Để làm gì? Chẳng có gì trên đó cả.”
 Jody nghĩ có gì trên đó. Có gì đó rất kỳ diệu bởi vì những cái ấy chưa được người ta biết tới. Có cái gì đó bí mật và huyền diệu. Thằng bé tự nó cảm nhận rằng điều đó là có thật. Thằng bé nói với mẹ: “Mẹ có biết có gì trên những ngọn núi lớn ấy không?” - Mẹ nó nhìn nó rồi quay lên ngó những ngọn núi lởm chởm đó. Bà nói: “Mẹ nghĩ chỉ có gấu mà thôi.”
- “Gấu gì?” - Thằng bé hỏi.
- “Sao? Người ta có đi lên núi mới thấy những gì có thể thấy mà thôi.”
(The Red Pony, trang 40, 41)
 
Điều thắc mắc đó đeo đuổi thằng bé. Nó hỏi Bill Buck, người giúp việc của bố nó. Ông nầy chẳng giúp gì thêm. Một hôm, nó gặp một ông già từ hướng núi đi ra. Ông già xin nghỉ lại nhà nó một đêm. Tối lại, nó lẻn xuống phòng ông già để hỏi những gì nó thắc mắc. Ông già chỉ là người sống trong thung lũng Salinas, chẳng cho thằng bé biết thêm được gì.
 
Một hôm, ông ngoại thằng bé đến thăm. Nó khoái ông ngoại hơn ba nó vì ông có rất nhiều chuyện để kể cho nó nghe, thỏa chí tò mò. Ông ta là một “Leader of the people”, nghĩa là một người từng lãnh đạo đoàn người di dân đi về miền viễn tây Hoa Kỳ, từng chống chỏi với thiên nhiên khắc nghiệt và những cuộc tấn công của mọi da đỏ. Ông là người tìm ra chiến thuật chống lại những cuộc tấn công của chúng.
 
“Vâng, khi bọn da đỏ tấn công, chúng tôi thường cho xe ngựa quây thành vòng tròn và núp phía sau bánh xe để chống lại. Ông nghĩ ra rằng nếu mỗi chiếc xe ngựa mang theo một tấm sắt có lỗ châu mai để chỉa súng ra ngoài, người ta có thể đứng ngoài bánh xe quây vòng tròn, phía sau những tấm sắt đó…
(Sđd –trang 93)
 
“Và khi chúng tôi tới biển thì công cuộc đi về miền viễn tây coi như chấm dứt.”
“Ông già ngừng nói và đưa tay chụi mắt đến nỗi làm cho khóe mắt đỏ lên.”
“Ấy là điều ông kể với cháu thay vì ông kể chuyện.”
“Khi Jody nói, ông nội nhìn nó chằm chằm. Jody nói: “Có thể một ngày nào đó, cháu sẽ lãnh đạo dân chúng đi nữa.”
“Ông già cười: “Chẳng còn nơi nào để mà đi. Biển sẽ ngăn cháu lại. Nhiều người tới biển rồi thấy tức vì biển đã ngăn họ lại.”
“Ông ơi! Cháu sẽ dùng thuyền mà đi nữa.”
(Sđd trang 100)
 
         Hồi ấy, vì đọc một bài viết trong sách, lại đọc lén cán bộ, nên tôi không nhớ tên cuốn tiểu thuyết đó là gì. Tôi muốn đọc lại, toàn bộ cuốn sách và phải mất mấy năm tôi mới tìm được tại thư viện thành phố tôi ở, sau khi nhờ một giáo sư dạy môn văn chương Anh Mỹ làm việc thiện nguyện ở đây.
 
         Một cuốn sách nhỏ bàn tới ba thế hệ người Mỹ: Thế hệ thứ nhứt (Ông ngoại thằng bé Jody) là thế hệ quay về với dĩ vãng, tự hào về con đường viễn tây, chống chỏi thiên nhiên khắc nghiệt, chiến đấu chống lại người da đỏ, giành đất của họ và chỉ dừng lại khi đã tới bờ biển Thái Bình Dương.
 
         Thế hệ thứ hai thỏa mãn với lãnh thổ hiện có, chăm chỉ xây dựng nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… Đó là thế hệ cha mẹ thằng bé Jody, ít khi muốn như ông nội thằng bé, quay lại dĩ vãng.
 
         Thế hệ thứ ba là thế hệ thằng Jody. Nó vẫn chưa thỏa mãn tò mò, trên núi đó có gì, sau núi đó có gì? Nếu sau núi đó là biển, cha ông nó dừng lại ở đó thì nó muốn đi nữa, không đi được bằng ngựa bằng xe như cha ông nó thì nó sẽ đóng thuyền vượt biển, tiếp nối sự nghiệp Kha Luân Bố, để, nói như Nguyễn Bá Học “đấu sức với ba đào, thi gan cùng sương tuyết để tìm những đất mới những báu lạ…” Người Mỹ vẫn chưa hết tinh thần mạo hiểm của họ sau khi họ đã tới bờ biển Thái Bình Dương.
 
         Ý chí của thằng bé là muốn tiếp nối con đường đi về miền viễn tây Hoa Kỳ mà tổ tiên nó từng thực hiện hàng trăm năm trước. Biển cũng không ngăn cản ý chí nó được. Thay vì người xưa vượt qua lục địa thì nó sẽ vượt đại dương bằng thuyền.
 
         Ở Mỹ, biên giới giữa Mỹ và Cananda hay Mexico thì gọi là boundary còn vùng “biên giới” miền viễn tây thì gọi là frontier. Cái frontier đó, tới bờ biển Thái Bình Dương thì chấm dứt nhưng thằng bé còn muốn đóng thuyền đi nữa, qua bên kia bờ đại dương.
 
         Trước khi làm tổng thống, anh em tổng thống Kennedy cùng bạn bè thành lập ra nhóm “New Frontier” (nhà Dziên Hồng dịch là “Tân Biên Cương”). Tân biên cương nầy là ở đâu, có phải là đi xa hơn frontier cũ, tức là tiếp nối những gì cậu bé Jody nghĩ ra, mong muốn? Khi ông Kennedy làm tổng thống, các phòng thông tin Hoa Kỳ ở Việt Nam – Có lẽ phòng thông tin Hoa Kỳ ở các nước khác cũng vậy, - quảng bá rầm rộ về chương trình của nhóm “Tân Biên Cương”. Đã có lúc họ gọi Thái Bình Dương là “Biển Nội Địa” của Mỹ. Tôi không nghĩ anh em nhà Kennedy chết rồi thì chương trình nầy cũng chấm dứt. Việc hình thành khối Châu Á Thái Bình Dương hiện nay có phải là tiếp nối công trình của nhóm Tân Biên Cương, chỉ khác là người ta không dùng lại danh từ của nhóm Kennedy mà thôi.
 
         Còn như TPP là cái gì? Nó không là "tiếp nối" Tân Biên Cương hay sao? Việc Trump rút ra khỏi TPP có đi "ngược chiều" với "con đường" Tân Biên Cương hay không?
 
         Nhìn lại lịch sử, việc hình thành nhóm Tân Biên Cương cũng không phải là điều mới lạ. Tại sao sau hội nghị Yalta tháng 2-1945, thủ tướng Anh, Sir Winston thề không bao giờ nhìn vào tượng Nữ Thần Tự Do ở cảng New-York. Tại vì, trong hội nghị đó, Stalin “đi đêm” với tổng thống Mỹ Roosevelt. Mỹ sẽ làm ngơ để Liên Xô chiếm Đông Âu, ngược lại Liên Xô làm ngơ để Mỹ có ảnh hưởng ở châu Á. Hai bên lén lút làm ăn với nhau, không cho Churchill biết, gây nên một mối hận cho thủ tướng Anh.
 
         Nhìn chung, những biến cố lớn kéo dài từ hội nghị Yalta cho tới nhóm “Tân Biên Cương” và việc hình thành khối Châu Á - Thái Bình Dương như hiện nay là tiếp nối công việc đóng thuyền ra biển của thằng bé Jody. Jody là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết The Red Pony, nó là biểu tượng của thế hệ trẻ, lớn lên sau Thế Giới Đại Chiến Thứ Nhứt. Có thể tính các thế hệ đó bằng năm sinh: John Steinbeck sinh năm 1902, Kennedy sinh năm 1917, sau Steinbeck 15 năm. Những gì Steinbeck “gởi gắm” vào thằng bé Jody là điều sau nầy Roosevelt chuẩn bị để thế hệ Kennedy thực hiện.
 
         Có thể như thế là tại vì sao?

         Trong cuốn “English For Today”, tập 5 nói trên, các tác giả giới thiệu những nhà văn Mỹ được giải Nobel. Khi giới thiệu về William Faulkner, tác giả trích dẫn bài diễn văn ông ta đọc khi nhận giải thưởng ấy. Khi giới thiệu về tác giả đoạt giải Nobel Steinbeck, tác giả lại trích dẫn “The Red Pony”. Đó chỉ là một cuốn tiểu thuyết dày hơn một trăm trang, một câu chuyện về một thằng bé tò mò, nhưng nó là tượng trưng cho sức sống nước Mỹ, cho ý chí thế hệ trẻ của Mỹ. Người Mỹ đã không dừng lại ở bờ biển phía tây, với những mỏ vàng khổng lồ ở California, mà họ còn muốn đi nữa, để biến Thái Bình Dương thành “biển nội địa” của Mỹ. Những nhà chấm giải Nobel ở Stockhom thấy được những gì đặc sắc trong cuốn sách đó, về tác giả, về người Mỹ, mới trao giải Nobel văn chương cho ông ta. Thế giới đổi thay quá nhiều, nước Mỹ cũng vậy. Chủ thuyết của Monroe đã lỗi thời. (1)
 
         Chính vì những suy nghĩ như thế mà thằng bé Jody cứ ở mãi trong tâm hồn tôi đã một phần tư thế kỷ nay.
 
         Đứa bé Mỹ thì như thế, còn đứa bé Việt Nam cùng thời gian ấy thì sao? Xin độc giả đọc bài thơ sau đây:
 
Ngắm Non Hồng
Non hồng chín mươi chín ngọn
Ngọn cao thứ nhất trước nhà tôi
Năm tuổi tôi đã biết yêu núi
Cách nay năm chục ngoại năm rồi
 
Thuở nhỏ vì sao tôi yêu núi
Yêu vì có cái dáng sợ hãi
Lần lần tôi biết cái đáng yêu
Nghe gió tung reo lòng mát rợi
 
Năm mười hai tuổi lên chùa Hương
Mây xô suối dắt dốc đưa đường
Một cảnh thanh u trên cao rộng
Lòng thơ lay động giữa mênh mang
 
Hái hoa ăn quả uống nước suối
Nước mát lòng tôi càng đắm đuối
Nguyện đời ở lại với non Hồng
Trong đám chăn bò cùng đốn củi
 
Ông thầy áo thụng ngồi giường cao
Sân Trình cửa Khổng đã ra vào
Bảo tôi trong những đống sách cổ,
Thiếu gì non nước để tiêu dao
 
Non Hồng từ đó càng xa cách
Tôi ngày chôn đầu trong đống sách
Bức tranh sơn thủy trong đầu tôi
Khuyên điểm ông đồ đà xóa sạch
 
Đường đời kế đó vạch tung ra
Thách tôi nếm thử bước sơn hà
Non Hồng ở lại không thay đổi
Tôi cứ đi đi mãi đến già
 
Phen nầy trở về vì việc nước
Ngắm lại non Hồng không khác trước
Ngổn ngang trăm mối chất bên lòng
Muốn tỏ cùng non không tỏ được
 
Đầu non mây bạc bóng tờ mờ
Đầu tôi tóc bạc dáng bơ phờ
Ngọn gì cao ngất bên non dó
Có phải mồ tôi đang đọi chờ
 
Chờ có một ngày tôi trở bước
Sang cõi vô sinh như kiếm trước
Vẫn cứ đinh ninh lời nguyện ước
 
Bên mồ có mọc một cây thông
Để cho xương thịt máu vun trồng
Theo gió reo lên một khúc nhạc
Kêu vang chín chín ngọn non Hồng
 Võ Liêm Sơn (1949)
 
         Đứa bé trong bài thơ “Ngắm Non Hồng” ở tuổi ấu thơ cũng là một đứa bé bình thường như bao nhiêu đứa khác. Nó yêu cảnh thiên nhiên đẹp, yêu núi, yêu sông và muốn sống trọn đời trong quang cảnh đẹp đẽ nơi quê hương mình.
 
         Rồi nó phải cắp sách đi học. Cái lối học từ chương của người Việt (Cho tới bây giờ vẫn còn hiện hữu một cách nặng nề), làm cho đứa bé xa dần khung cảnh đẹp đẽ nơi quê hương. Người Việt học theo cách người Tàu cứ cho rằng cái chi cũng có trong sách cả, “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” nên không cần tìm cái gì ở ngoài đời thực. Tuy nhiên cái học đó đã nung nấu cho cậu bé lòng yêu nước. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” huống gì với giới có học đã được người đời gọi một cách kính trọng là “Sĩ Phu”. Rồi đứa bé trở thành một nhà cách mạng, dĩ nhiên là phải chịu tù đầy. Đến khi nước nhà có cái gọi là “độc lập” rồi, tác giả bỗng sinh ra bi quan. Có phải có một cái bóng đen to lớn ghê rợn nào đó đang đe dọa tương lai của người Việt Nam.
 
         Có thể điều đó là có thật và bóng đen đó chính là đảng Cộng Sản Việt Nam vì chính cậu bé đó là tác giả bài thơ: Ông Võ Liêm Sơn. Ông đã dùng bài thơ để gởi gắm tâm sự của ông vào đó. Võ Liêm Sơn đã tham gia cách mạng chống Pháp, bị tù, bị đày ra Côn Đảo. Sau khi từ Côn Đảo về, ông làm giáo sư Văn Chương Việt Nam tại trường Khải Định Huế (Nay là trường Quốc Học). Khi chiến tranh Việt Nam bùng nổ, ông về lại quê hương của ông, Hà Tĩnh. Sau một thời gian ngắn tham gia chính quyền mới (mệnh danh là cách mạng), ông xin cáo lui về sống ẩn ở nhà và qua đời năm 1949, sau khi sáng tác bài thơ nầy.
 
         Đứa bé Việt Nam không có cái ước vọng gì lớn, chỉ muốn được lên chơi trên núi, trên 99 ngọn núi Hồng Lĩnh. Có lẽ trong tất cả 99 ngọn núi ấy, không có ngọn núi nào là không in dấu chân Nguyễn Du sau khi triều đình vua Lê chúa Trịnh sụp đổ, ông cũng về ở ẩn nơi quê hương của ông mà cũng là quê hương tác giả Võ Liêm Sơn.
 
         Thằng bé Mỹ nằm ở bãi cỏ sau nhà, nhìn lên những ngọn núi trong rặng Rocky Mountain hùng vĩ mà thắc mắc: Có gì trong những ngọn núi cao ngất ấy? Tại sao con đường Tây Tiến của người Mỹ khi gặp bờ biển Thái Bình Dương thì ngừng lại? Tại sao không đóng thuyền đi tiếp như nó đã nghĩ ra? Thằng bé, như đã nói, nó là một biểu tượng cho tinh thần người Mỹ, tuổi trẻ của Mỹ.
 
         Đứa bé Việt Nam có khác đi. Nó không thắc mắc có gì trong 99 ngọn Hồng Lĩnh, nó không nghĩ tới việc mở rộng biên giới về phía Tây, phía Trấn Ninh như cha ông nó đã từng mở rộng biên giới về phía ấy sau khi đánh bại Bồn Man và Lão Qua (2). Nó chỉ muốn sống bình thường cùng với “đám chăn bò và đốn củi”.
 
         Đứa bé Mỹ khi chưa đi học, nó đã có tinh thần “viễn Tây”, muốn thám hiểm những ngọn núi hùng vĩ và bí mật, và muốn tiếp nối con đường viễn Tây của cha ông. Chưa đi học mà đã có cái tinh thần ấy, có phải đó là tính truyền thống, là tinh thần di truyền từ những thế hệ trước. Đứa bé Việt Nam không có cái tinh thần ấy, nó chỉ muốn “trọn đời ở lại với non Hồng” để ngao du sơn thủy. Nó yêu quê hương nó nhưng cái ý thức về dân tộc, về chủ quyền đất nước chỉ có được sau khi “Sân Trình cửa Khổng đã ra vào”. Có phải đó là sự khác biệt căn bản từ trong cá tính của mỗi dân tộc?
 
         Tiếc là cuốn truyện “The Red Pony” của Steinbeck chỉ nói đến đứa bé khi nó còn bé. Còn về sau, khi nó đã lớn thì sao? Cuộc đời nó sau nhiều nỗi đoạn trường thì sao? Nó suy nghĩ như thế nào, ước muốn gì sau nhiều “bầm dập”? Không biết nó có bi quan như đứa bé Việt Nam khi tuổi đã về già? Tại sao bi quan khi về già, không tìm ra hạnh phúc của dân tộc dưới chế độ của Hồ Chí Minh hay sao?
 
         Chịu ảnh hưởng triết lý đạo Phật và Lão, người Việt khi về già thường nhận chân rằng đời là hư vô, chết là đi vào cõi vô sinh. Không sinh thì không diệt, không có sự sống và cái chết, không có sướng, không có khổ. Những bi quan đó thường do thất vọng trong đời sống mà sinh ra. Nhưng linh hồn thì vẫn còn đó, trong cái mênh mông của vũ trụ cũng như trong cái nhỏ bé của ngọn cỏ lá cây.
 
         Đứa bé Việt Nam rất yêu nước. Nó hy sinh cuộc đời cho tổ quốc, không ngại gian khổ, không sợ tù đầy. Và ngay khi đã đi vào cõi vô sinh, nó vẫn ước muốn có một cái gì đó tồn tại với quê hương. Đó là máu xương vun trồng cây thông, để cho thông cao lớn rườm rà, để thông đón ngọn gió trời, để “Theo gió reo lên một khúc nhạc, Kêu vang chín mưoi chín ngọn núi Hồng (Lĩnh).
 
         Trong khi Nguyễn Công Trứ thì chán nản, than thở, từ chối làm người:
                   Kiếp sau xin chớ làm người
                  Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
                  Giữa trời vách đá cheo leo
                  Ai mà chịu rét thì trèo với thông
 
         Đúng là tiếng thông reo của Nguyễn Công Trứ (mà reo) xem ra lạnh lẽo và buồn tẻ hơn tiếng “Kêu vang chín chín ngọn non Hồng” của Võ Liêm Sơn. Tuy vậy, xem ra cuộc đời của một đứa bé Việt Nam không có gì vui vẻ tươi sáng so với một đứa bé Mỹ.
 
         Những thế hệ trẻ Việt Nam, từ khi Pháp xâm lăng Việt Nam, thiếu nhiều may mắn. Nếu như đứa bé Mỹ thừa hưởng một gia tài giàu có và vững mạnh, nó chỉ có việc tiếp nối tinh thần mở mang bờ cõi, mạo hiểm tìm ra của cải đất đai mới làm giàu cho đất nước nó, thì xem ra đứa bé Việt Nam không có cái may mắn ấy.
 
         Đứa bé Việt Nam thừa hưởng cái gì?
        
Ngay từ nửa đầu thế kỷ 20, Tản Đà đã nói tới cái gia tài cha ông ấy:
                   Nọ bức dư đồ đứng thử coi
                  Sông sông núi núi khéo bia cười
                  Biết bao lúc mới công vờn vẽ
                  Sao đến bây giờ rach tả tơi!
                  Ấy trước ông cha mua để lại
                  Mà sau con cháu lấy làm chơi
                  Thôi thôi chớ trách chi đàn trẻ
                  Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi!
                 (Bức Dư Đồ Rách - Tản Đà)
 
         Không bàn tới những chữ đúng ở nghĩa đen mà không đúng ở nghĩa bóng, như chữ “mua” (Ấy trước ông cha mua để lại). Trong nghĩa bóng, không phải mua mà chiến đấu và xây dựng với nhiều máu và nước mắt.  Tản Đà biểu “thôi để rồi ta sẽ liệu bồi”. Bồi là dán lại hay tài bồi (vun xén). Nghĩa nào cũng có thể được nhưng xem ra sức thư sinh trói gà không chặt như Tản Đà thì ông chẳng tài nào làm được gì hết! Bao nhiêu thế hệ rồi, bao nhiêu đấu tranh và xương máu rồi, nào ai làm được gì dâu! Dân tộc vẫn điêu linh, vẫn sống trong vòng nô lệ, vẫn dựa dẫm và tuân lệnh các cường quốc… để người Việt cai trị người Việt, đàn áp và bóc lột người Việt.
 
         Một bên nước Mỹ với một tinh thần trẻ, tháo vát, mạo hiểm, xây dựng và mở mang, họ đang nắm vai trò hàng đầu thế giới còn Việt Nam với tinh thần như Võ Liêm Sơn, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Lý Tống, Nguyễn Lô, Phan Nhật Nam, v.v… lại đang cầm đèn đỏ. Lỗi tại ai?!
 
Biết bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu xương máu thành núi thành sông! Đáng thương nhất vẫn là những người trẻ. Họ đã chôn vùi tuổi trẻ đâu đó, trong rặng Trường Sơn, ngoài biển rộng, trên đồng hoang, trên những thành thị điêu tàn vì chiến tranh.
 
Càng nghĩ tới tuổi xuân của bao nhiêu người chôn vùi trong lửa đạn, dĩ nhiên trong đó có cả tuổi xuân anh em tôi nữa, (3), để ngày nay tổ quốc, dân tộc ta được gì! Chắc chắn đó là những nỗi ngậm ngùi của ông cha ta ngày trước, của chúng ta ngày hôm nay và cả con cháu chúng ta ngày sau nữa!
 Giữa mùa tuyết
hoàng long hải (tuệ chương)
 
(1) Monroe, tổng thống Hoa Kỳ. Đế quốc Tây Ban Nha tan rã khiến nhiều nước Mỹ Châu La Tinh giành được độc lập. Hoa Kỳ thương thuyết để mua lại vùng Florida. Tổng thống James Monroe của Mỹ công nhận những quốc gia Mỹ Châu La Tinh vừa giành độc lập.
 
Từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, tình hình châu Âu diễn biến rất phức tạp vì những mâu thuẫn giữa các nước lớn châu Âu như Pháp, Anh và Nga khiến người Mỹ không muốn can thiệp vào những vấn đề rắc rối ở cựu lục địa. Thông điệp của tổng thống James Monroe gởi quốc hội hôm 2 tháng 12/1823, đặc biệt đề cập đến thái độ bất can thiệp nầy. Đó là điều sau nầy người ta gọi là “Học thuyết Monroe”
Sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất (1914-1918), chính quyền Hoa Kỳ quay trở lại với “học thuyết Monroe”, không muốn can thiệp vào các vấn đề quốc tế, đặc biệt là châu Âu. Học thuyết nầy ngày nay đã lỗi thời.

(2) Năm 1479, Lê Thánh Tôn cho quân đi đánh Bồn Man và Lão Qua, thu nhận lãnh thổ hai nước nầy vào lãnh thổ Việt Nam.

(3) Mẹ tôi sinh bốn người con trai: Anh cả tôi bị Pháp thủ tiêu ở Huế năm 1950, khi anh ấy làm chủ tờ báo Ý Dân, chống Pháp. Em út tôi là Hoàng Ngọc Hùng (Hùng móm) hy sinh ngày 14-7-1972 khi chỉ huy một đại đội Dù về chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Người anh kế tôi qua đời sau khi đi “tù cải tạo” về. Nay chỉ còn lại một mình tôi đang tỵ nạn Cộng Sản ở Mỹ.
 
Bài Đọc Thêm

Võ Liêm Sơn


Võ Liêm Sơn (1888-1949): Hiệu Ngạc Am sinh năm Mậu tý (1888) tại xã Hữu Ngoại nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước lâu đời.

Từ nhỏ Võ Liêm Sơn đã theo đuổi Hán học, rồi học tiếp chữ Pháp, năm 1911 ông đỗ Thành Chung ở trường Quốc học Huế được bổ làm giáo học ở đạo Ninh Thuận, năm 1912 ông đỗ cử nhân Hán học khoa Nhâm Tý ở trường thi Quy Nhơn. Sau một thời gian học hậu bổ, ông được bổ tri huyện Duy Xuyên - Quảng Nam nhưng không đầy một năm ông bị huyền chức chuyển về Huế làm Thừa Biện. Trong thời gian này ông bắt đầu đọc sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, từ năm 1915-1918 ông lại được bổ làm giáo thụ rồi Kiểm học ở Phú Yên, năm 1919 chế độ học quan của Nam Triều bị bỏ, ông lại được điều ra Huế dạy Hán văn và Việt văn ở trường Quốc học.

Khi Tân Việt cách mạng Đảng thành lập, ông được kết nạp và nhà ông trở thành nơi đi lại và hội họp của các đảng viên. Năm 1930 ông và người con trai đầu là Võ Bỉnh Sơn bị bắt và đưa về giam ở nhà lao Hà Tĩnh gần một năm, sau khi được tha ông lại vào Huế, tại đây Khâm sứ Trung Kỳ Y-vơ Sa-ten (Yvé Châtel) đã nhiều lần mua chuộc ông nhưng ông không chịu ra làm quan. Năm 1934, ông sáng lập Tân Văn Nghệ Tùng thư nhưng mới xuất bản được 2 cuốn sách thì bị khám nhà tịch thu sách vở và bị bắt giam mấy ngày. Sau cách mạng tháng Tám, năm 1947 Võ Liêm Sơn được chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hò bổ nhiệm làm Trưởng ban tuyên truyền kháng chiến, Uỷ viên uỷ ban kháng chiến hành chính đồng thời được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên việt Hà Tĩnh. Năm 1948, ông lại được bổ nhiệm làm Uỷ viên Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu IV và trong Đại hội mặt trận Liên việt liên khu ông được bầu làm Chủ tịch. Trong năm này ông được cử đi dự Hội nghị văn hoá toàn quốc tổ chức ở Việt bắc, trong dịp này ông được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng với "Bác" chuyện trò xướng hoạ, nhưng cuối năm đó ông bị bệnh và mất vào đầu năm 1949.

Võ Liêm Sơn là một nhà khoa cử Hán học đồng thời là một trí thức Tân học, ông đã từng làm quan làm nhà giáo nhà văn nhưng bao trùm hơn cả là một nhà nho xứ Nghệ, một chiến sĩ yêu nước, trên mọi cương vị tính cách ông đồ Nghệ và khí tiết nhà ái quốc đều bộc lộ rõ nét. Dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức cho học trò mà quan trọng hơn là tấm gương của mình truyền thụ cho học trò lòng yêu nước thiết tha và nhân cách cao đẹp, nhiều học trò của ông đã trở thành những nhà cách mạng xuất sắc như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Trương Tấn Bửu, Võ Nguyên Giáp.

  
NGẮM NON HỒNG
 Non Hồng chín mươi chín nhỏn
Nhỏn cao thứ nhất trước nhà tôi
Năm tuổi tôi đà biết đứng ngắm
Cách đây năm chục ngoại năm rồi.
Thuở bé vì sao tôi yêu núi?
Yêu vì có cái đáng sợ hãi,
Lần lần đã biết cái đáng yêu
Nghe gió thông reo lòng mát rượi
Năm mười hai tuổi lên chùa Hương
Mây xô, suối dắt, giác đem đường
Một cảnh thanh u trên cao rộng,
Hồn thơ lay động giữa mênh mang,
Hái hoa, ăn quả, uống nước suối
Nước mắt lòng tôi càng đắm đuối,
Nguyện đời ở lại với non Hồng
Trong đám chăn bò và đốn củi,
Ông đồ áo thụng ngồi giường cao
Sân Trình cửa Khổng đã ra vào
Bảo tôi trong những đống sách cũ
Thiếu gì non nước để tiêu dao.
Từ đó non Hồng càng xa cách
Tối ngày chôn đầu trong đống sách
Bức tranh sơn thủy trong đầu tôi
Khuyên điểm ông đồ đà xóa sạch
Đường đời kế đó vạch tung ra
Bắt tôi nếm thử bước quan hà
Non Hồng ở lại không thay đổi
Tôi cứ đi, đi mãi đến già
Phen này trở về vì việc nước
Ngẩm lại non Hồng không khác trước
Ngổn ngang trăm mối chất bên lòng
Muốn tỏ cùng non khôn tỏ được.
Đầu non mây trạc bóng tờ mờ
Đầu tôi tóc bạc dáng bơ phờ
Nhỏn gì cao ngất trên non đó
Có phải mồ tôi đương đợi chờ ?
Chờ một ngày kia tôi trở bước
Sang cõi vô sinh như kiếp trước
Tinh hồn dù với xác trầm tang
Vẫn cứ đinh ninh lời nguyện ước
Trên đồi có mọc một cây thông
Để cho xương thịt máu vun trồng
Nghe gió reo lên một khúc nhạc
Kêu vang chín chín ngọn non Hồng.
 
1947
 

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top