hoàng long hải
NÓI CHUYỆN ĂN
"Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu."
- tục ngữ -
Có những thứ không phải là ăn, nhưng người ta vẫn gọi là ăn, như "Ăn hối lộ" chẳng hạn. Hồi còn trẻ, tôi với Hùng cãi nhau, nhớ lại thấy buồn cười. Xe đạp nó có chỗ bị sét, nó nói là sắt bị ăn mòn. Tôi bảo: "ăn đâu mà ăn. Nó bị sét." Hùng nói: "Thầy giáo vật lý bảo là oxy ăn mòn sắt." Tôi lại cãi: "Oxy có miệng đâu mà ăn sắt được." Cứ thế mà anh em cãi nhau dài dài. Tánh tôi và Hùng thường vậy. Mẹ tôi bảo là "Anh em khắc khẩu." Hùng nghe lời mẹ, thường nhịn tôi, bỏ đi. Sau khi "Hùng móm" tử trận, nhớ lại chuyện cũ, tôi thường thấy thương em.
Vậy thì, theo nghĩa thông thường, thế nào gọi là ăn. Theo định nghĩa thì ăn là đưa thức ăn vào mồm, nhai và nuốt. Với chất lỏng thì gọi là uống, nuốt như uống nước, uống sữa. Có khi "nuốt nước miếng" vì thấy người ta ăn ngon, còn mình thì đói; như "thằng ở" nhìn ông chủ ăn, anh "lính tà-lọt", thấy ông sĩ quan ăn, hay "người phục vụ" nhìn ông cán bộ ăn.
Hồi ở "tù cải tạo", ăn cực quá. Ngày nào, bữa nào cũng chỉ khoai mì - ngoài Bắc/ Trung gọi là sắn -. Chủ nhật, được chén cơm lưng với rau muống. Ba ngày "nễ nớn", được chút thịt bằng đầu ngón tay út. Vì vậy mà "tù cải tạo" ngày nào cũng thèm ăn, giờ nào cũng thèm ăn, hay nhớ những món đã ăn khi chưa vào tù. Ngồi nói chuyện với nhau, nhắc từng món ăn, tù gọi đùa là "ăn hàm thụ". "Ăn hàm thụ" ăn hoài không hết.
Trừ một trường hợp "đặc biệt": "Khi ông Bộ Trưởng Tô Lâm ăn thịt bò vàng, có ai nuốt nước miếng thèm không?" Mấy người đi theo ông Bộ Trưởng Tô Lâm, có ai thèm chảy nước miếng không? Trong clip, người ta thấy đám đi theo nầy, "Vỗ tay hoan nghênh." Buồn cười phải không? Một thằng ĂN, ba bốn thằng NỊNH hoan nghênh.
Cách ăn?
Trong cách ăn, người Tây phương "văn minh". Họ dùng muỗng, nĩa, dao; mỗi người một bộ. Người ta cho như thế là "vệ sinh", bệnh không truyền từ người nầy qua người khác được. Người Ấn Độ, người Mã Lai, Inđo ăn bốc. Khi còn ở trạ tỵ nạn Mã Lai, tôi cùng một số người tỵ nạn được ông thiếu tá Mã Lai, chỉ huy trưởng Task Force mời ăn trưa. Trước khi bốc đồ ăn bỏ vào miệng, ai nấy đều rửa tay ở một cái "xô" nước chung. Thấy vậy, tôi "giả bộ" rửa tay, "giả bộ" ăn... nên không biết thức ăn ngon dở thế nào cả.Người Việt Nam, nếu ăn theo kiểu Tây, dùng muỗng, nĩa là văn minh, như nói ở trên, là thuộc giai cấp thượng lưu cả đấy.
Thật vậy. Hồi trước 1975, một "ông" chuẩn tướng VNCH, - HĐN -cặp với một cô đào cải lương rất đẹp, - Cô BT - như cái mốt chơi của mấy ông tướng/ tá hồi đó. Báo chí bàn tới việc "Chó cán xe, xe cán chó" nầy. Có anh phóng viên phỏng vấn "bà tướng" về việc ông tướng cặp bồ. "Bà tướng" trả lời: "Việc ấy tôi không quan tâm vì cha mẹ tôi dạy tôi cách cầm nĩa, cầm muỗng từ khi tôi mới biết khôn".
Như vậy, có nghĩa là miền Nam hồi đó có ít nhất hai giai cấp: Giai cấp thấp, bình dân là những người ăn thì cầm đũa. Giai cấp thượng lưu thì cầm muỗng nĩa. Thượng lưu thì giàu có, sang trọng, lên xe xuống ngựa, "nói tiếng Tây như gió", không ít người làm "tay sai cho ngoại bang" ...
Thức ăn.
Tục ngữ có câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhựt". Đó là kinh nghiệm của ông bà ta xưa, hay cả người Tây, người Tàu, người Nhật?Tôi có dịp đi ăn nhiều lần ở Chợ Lớn, với cả những người Tàu, ở tiệm bình dân, hủ tiếu - Chú Ba đứng sau cái xe, ở trần, lưng quần xa-lỏn dưới rốn, vai vắt khăn lông, ướt mồ hôi... - hay nhà hàng Lạc Quần, Bát Đạt, Bạch Lệ Hoa... Người Tàu chú trọng vào thức ăn, cách nấu nướng, pha chế hơn là cách ăn như "ông Tây, bà đầm". "Sơn hào hải vị", món sọ khỉ bà Từ Hy đãi người Tây dương hay mấy trăm món Mao đãi Nixon... đều là sáng kiến của người Tàu, của "văn minh Trung Hoa".
Trong xã hội, giai cấp thống trị là giai cấp thượng lưu, "Ăn ngon mặc đẹp", mặt mũi béo tốt phương phi, có khi người ta gọi là "phát tướng": đít bự, bụng to, mặt đỏ, bư, như cái đầu heo trên bàn thờ. Đó là cái "thủ vĩ". "Thủ vĩ" là mặt heo. Báo "Ngày Nay" của ông Nhất Linh gọi là "Mặt ông bang bạnh", trông như cái bóng đèn điện.
Đó là "mặt lãnh đạo", ít thông minh, nhưng việc Ăn cắp, Ăn gian, Ăn cướp, Ăn giựt, Ăn bớt, Ăn trùm, Ăn lén, Ăn vụng, Ăn hối lộ... thì thuộc hàng cao thủ.
Tuy nhiên, có những người "chức to quyền lớn" mà người vẫn gầy, mặt vẫn xương, không phúng phính. Đó là những người, làm việc thì nhiều, ăn thì ít, vì mãi lo cho dân, cho nước.
Xin kể cho quí vị nghe câu chuyện sau đây, tôi đọc trong "Tự Phán" - tự mình phê phán mình - cụ Phan Bội Châu kể lại: Sau trận chiến tranh Nhật thắng Nga năm 1905, mấy ông sĩ phu Việt Nam mới giựt mình, bèn cử Cụ Phan Bội Châu sang Nhựt, "mượn" quân Nhật về đánh đuổi Tây. Đến Tàu, gặp hai nhà cách mạng Tàu là Khang Hữu V, Lương Khải Khiêu, giải thích, Cụ Phan mới "sáng mắt ra". Nay qua Nhật nhờ Nhật đem quân qua đánh Tây, thì "ta" lại bị Nhật cai trị. Vậy có giành được độc lập đâu, chỉ là "dịch chủ tái nô" mà thôi. Hai ông giới thiệu Cụ Phan qua Nhật gặp thủ tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị, nhờ Nhật giúp đào tạo cán bộ. Khi có độc lập phải cần có sẵn cán bộ, chứ giành độc lập thì cũng có hồi.
Cụ Phan qua Nhật, nhờ Khanh Hữu Vy/ Lương Khải Siêu giới thiệu, Cụ Phan được thủ tướng Nhật và đại tướng Phúc Đảo tiếp.
Trích: "Nói đến đó thì vừa con hầu bưng một mâm khoai đốt lên, Phúc Đảo mời tôi ăn, mà ông trước tự lấy ăn luôn cả vỏ, cười nói: "Chúng ta làm người quân nhân, nếu sợ vỏ khoai không dám ăn, thì làm sao ở giữa trận đánh, mà ăn được thịt người giặc." "Tự Phán", trang 97-
Ông đại tướng Nhật Phúc Đảo thua xa ông đại tướng Tô Lâm của ta. "Ông đại tướng Nhật ăn khoai cả vỏ, ông đại tướng Việt Cộng ăn bò dát vàng."
Ở đời nầy, người dại nhiều hơn người khôn. Tới Saigon, tổng thống Bill Clinton ăn món mít thấu tại cửa hàng Cô Trịnh thị Vĩnh Tâm. Cô nầy là em gái Trịnh Công Sơn. Tổng thống Obama thì ăn bún chả ở một quán bình dân ở Hà Nội.
Ăn một miếng, được khen; ăn một miếng bị chưởi. Chưởi thì chưởi lén. Lén như ông "Thánh Xắt Hành" ở Đà Nẵng, cũng vô tù rồi.
Chỉ chuyện ăn, chúng ta đủ thấy "Đảng Vinh Quang". Còn ông đại tướng Tô Lâm vẫn cứ vác cái mặt thịt đi quanh thế giới một "cách anh hùng".
Có ai nghĩ rằng mình vì mất ăn mà lộn gan lên đầu không đó? \
hoànglonghải