Hoàng Long Hải, Ngôn đạo

Hoàng Long Hải

Ngôn đạo

Nói là là một phương tiện truyền thông đặc biệt diễn đạt bằng âm thanh chỉ có con người mới có. Các loài động vật khác cũng có phương tiện diễn đạt bằng âm thanh nhưng rất hạn chế trong một số ít thanh âm nào đó mà thôi.
Ví dụ chó thì sủa; tiếng sủa của chó giới hạn trong một số tiếng; sủa gâu gâu, sủa ông ổng, và tru. Chỉ có vậy thôi.
Loài chim tuy có tiếng hót hay hơn tiếng sủa, tuy nhiên cũng có giới hạn như chó. Tiếng hót hay dở cũng tùy ở một số loài. Dĩ nhiên quạ kêu thì không có gì hay. Tiếng cú kêu làm cho người Việt tin dị đoan sợ ma. Còn tiếng chim hoàng oanh, chim sơn ca thì hay tuyệt trần. Tiếng vượn hú thì nghe rầu rĩ lắm!
Tùy theo âm thanh của mỗi loài, người ta đặt cho nó một cái tên về sự diễn đạt âm thanh của chúng: quạ thì kêu, (loài nào tiếng của nó hay thì gọi là hót), cho sủa (tiếng kêu dài trong đêm thì gọi là tru), vượn hú; trâu, bò hay voi thì rống; ngựa thì hí; cọp, beo, sư tử (loài ăn thịt) thì gầm; rắn cũng gọi là gầm. Thông thường những âm thanh của nó được phát ra từ miệng của chúng như con người vậy. Riêng có vài loại côn trùng thì âm thanh phát ra từ cánh như con dế, con giặc sành…
Tạo hóa cho loài vật âm thanh như tiếng nói, tiếng kêu, tiếng sủa để làm gì? Có lẽ đó là phương tiện truyền tin của loài vật. Truyền thông là phương cách thông tin giữa một con vật với một con vật hay giữa một con vật với đoàn của nó. Người ta thường nói “Tiếng chim gọi đàn”, “vượn gọi bầy”…  Đó là cách truyền đạt tin tức giữa một con vật với nhiều con khác; có khi nó chỉ là phương cách diễn đạt giữa một con đực với một con cái hay ngược lại, và rất nhiều khi đó là lời chỉ huy, hướng dẫn của con vật đầu đàn hoặc báo động, cảnh giác về một sự nguy hiểm sắp xẩy tới.
Con người thì không sủa, không rống, không gầm, không tru hay không hí, ngoại trừ khi bị người ta mắng, ví người với loài vật.
Con người thì nói. Nói là phương tiện diễn đạt tư tưởng, tình cảm bằng âm thanh. Nói là cách diễn đạt trong trạng thái bình thường, thông thường. Trong trường hợp người ta muốn diễn đạt tư tưởng, tình cảm một cách sâu sắc hơn, phong phú hơn, truyền cảm hơn thì người ta ngâm, - như ngâm thơ - hoặc ca hoặc hát. Khi ngâm hay ca hát, người ta dùng thêm một hay nhiều dụng cụ phát âm như đàn, trống, sáo hoặc kèn, v.v… để phụ họa thêm.
Khi ca hát, thậm chí cả khi ngâm, có thể một hay ba bốn hay nhiều người cùng hoạt động một lúc, người ta gọi là hợp ngâm, song ca, hợp ca hay hợp xướng, thậm chí đại hợp xướng (cả trăm người cùng hát một lúc).
Người ca hay hát (ca sĩ) phải có hai yếu tố quan trọng: Một là giọng, hai là hơi. Có giọng hát thì hát mới hay. Nhiều khi người ta nghe hát tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu, tiếng Ấn, v.v… không hiểu lời ca nhưng nghe giọng ta cũng thấy thích vì giọng ca hay. Nghe người Việt hát thì người ta ưa nghe cả giọng lẫn lời. Nhiều nhạc sĩ đặt lời ca thật hay, nghe như thơ. Nhạc sĩ bây giờ đặt lời nghe như thiếu… muối (lạt lẽo). Ngoài giọng, ca sĩ cần có hơi; hơi phải mạnh và dài. Không có giọng, không có hơi thì nên… nghỉ hát!
 
Còn nói thì chỉ có một người nói. Hết người nầy nói tới phiên người khác. Thậm chí khi cải nhau thì cũng nên từng người một, có khi tranh hơn thua thì gọi là tranh cải. Còn như hai người cùng nói thì chẳng ai nghe được. Người ta có hai lỗ tai nhưng chỉ nghe được một người nói, không thể có tai nầy thì nghe người nầy, tai kia thì nghe người kia. Hai người cùng nói một lúc như vợ chồng cải nhau thì chỉ có… hàng xóm nghe. Thậm chí vợ chồng cải nhau ồn ào quá khiến hàng xóm phải gọi cảnh sát tới can thiệp.
Nói hay ngôn ngữ cũng có nhiều loại khác nhau. Ngôn ngữ nước nào cũng vậy, thường có hai loại. Một loại nói văn vẻ và một loại thông tục. Có người phân tích rằng có một loại ngôn ngữ trong các dinh thự và một loại ngôn ngữ ngoài đường phố. Loại trong dinh thự thường văn vẻ và loại ngoài đường phố thì thông tục. Đó chưa kể tới những tiếng tục, chưởi tục mà người lịch sự không mấy khi nói ra. Loại văn vẽ chứng tỏ người có học, có giáo dục, v.v… nghe thanh tao nhẹ nhàng, còn loại thông tục thì có người cho rằng “Dùi đục chấm mắm nêm”.
Nhiều người có học, có giáo dục nhưng cũng ưa cách nói thông tục vì cách nói thông tục truyền đạt ý tưởng, tình cảm một cách dễ dàng hơn, mối liên hệ hiểu biết cũng thuận tiện hơn. Người ta cũng gọi cách nói như thế là bình dân.
 
Chưởi tục cũng khác với chưởi thề!
Người ta cũng dùng tiếng nói để mà chưởi khi giận dữ ai. Tiếng chưởi thường thì to, nhiều người cùng nghe được. Muốn chưởi để đối tượng hay nhiều khác cùng nghe thì người ta phải nói to, âm thanh lớn, làm cho gân cổ nổi lên nên có thành ngữ “Gân cổ lên chưởi”. Ít khi có tiếng chưởi thanh tao mà thường là tiếng chưởi tục, đ. mẹ hay đ. cha, có khi kêu cả ông bà ông vải ra chưởi. Có người cho rằng chưởi là một nghe thuật, nó khác với loại “chưởi thẳng vào mặt” mà lại tránh né, lắc léo làm cho người bị chưởi khó phản ứng lại được. Đó là loại chưởi khéo, chưởi mé, xách mé, v.v…
Vì chưởi là một nghệ thuật nên phải có tài mới xử dụng được nghệ thuật đó. Tôi chưa từng nghe người Nam chưởi “hay” như người Trung, người Bắc. Câu chưởi của họ có âm điệu trầm bỗng lên xuống, có câu kéo đàng hoàng như một loại “khuôn mẫu” và để cho tiện người ta cứ học thuộc và cứ theo “khuôn mẫu” đó đem ra áp dụng mỗi khi chưởi nhau. Câu nầy người ta nghe thường nhất: “Cha ông cha bà cha vạn họ, họ nội, họ ngoại họ ngái họ gần mầy ăn cắp gà nhà bà”.
Đó cũng là câu chưởi mất gà có khi chúng ta đã nghe người ta chưởi ở nhà quê. Kèm theo tiếng chưởi là tiếng “nộp” có nghĩa là mắng cho đối tượng đau mà chết, bệnh mà chết, ăn gà mắc xương, đau bụng, đau ngực, v.v… mà chết cho sớm, v.v….
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chưởi như vậy. Vì vậy, khi có người bị chưởi mà chưởi không lại người ta thì cũng phải cầu viện nhờ người đến chưởi giúp.
Người  đàng hoàng đứng đắn thì không chưởi bao giờ. Họ chỉ dùng lời nói để phân bua, lấy cái đúng sai về ai để phân biệt hơn thua, phải trái. Nhiều khi người ta cũng không cần hơn thua mà chỉ cần phải trái mà thôi. Đó là những người đứng đắn trong xã hội.
Nhiều người không cần lẽ phải mà chỉ cần những cách nói lắc léo để ăn người ta, cố nói lấy được. Những người nầy thường bị mắng là lẹo lưỡi. Trong hòa đàm Paris 1973, khi báo chí hỏi lãnh thổ của chính phủ Mặt trận Giải phóng Miền Nam VN ở đâu thì bà Nguyễn Thị Bình trả lời rằng nơi nào quân đội Cộng Hòa bắn phá đến thì nơi đó là lãnh thổ của chính phủ bà. Có người cho rằng trả lời như thế là hay nhưng cũng có người dẫn chứng rằng đó là cách nói “lẹo lưỡi”.
Nói nhanh là một thói quen, nhiều khi người ta cho là vì cái gène. Cha hay mẹ nói nhanh, con cái cũng nói nhanh. Nói nhanh là điều không nên vì nhiều khi người nghe không nghe kịp. Nói chậm cũng bị chê vì người nghe phải chờ đợi lâu nhất là khi có chuyện gì đó gay cấn, hấp dẫn. Nói rõ ràng từng lời chớ không nói lắp bắp, tức là nói tiếng nào không rõ tiếng đó. Vậy nên thông thường nên nói vừa phải, không nhanh, không chậm, nói rõ ràng là hơn hết. Nói không rõ người ta gọi là nói lua.
Nói điều gì cũng phải có đầu có đuôi, không được nói hụt chạc, không ra đầu ra đuôi người khác không thể hiểu được. Có ông chủ nhà dặn thằng ở như thế nầy: “Mày nói cái gì cũng phải có đầu có đuôi mới được nghe chưa?”
Hôm sau, đứng hầu ông chủ hút thuốc, thằng ở vòng tay lễ phép:
- “Thưa ông chủ. Hôm qua ông sai con đi mua thuốc lá về để ông hút. Hôm nay, ông vấn một điếu, ông châm lửa, ngồi hút. Thưa ông chủ. Khi châm lửa, ông để tàn rớt xuống đang cháy áo ông kìa!”
Ông chủ bèn hốt hoảng la thằng ở:
- “Mày thấy áo tao cháy sao mầy không nói ngay?”
- “Thưa ông chủ. Con cũng muốn nói ngay nhưng ông chủ đã dặn con là nói cái gì cũng phải có đầu có đuôi!”
Khi muốn ai nghe theo lời mình, người ta thường nói to, nói nhỏ. Nói nhỏ là khuyến dụ, nói to là hăm dọa, tỏ sự căng thẳng, cương quyết. Nó nhỏ cũng gọi là mật ngọt, nói như “Rót mật vào tai” hay “Nói ngọt lọt lỗ tai” hay “Nói ngọt lọt đến xương”. Người Bắc thì gọi là “Ngọt nhạt”. Ca dao cũng có câu: “Thả giọng trầm nhiều nỗi mê man.” Đi “cua” gái, những người thả giọng trầm dễ “ăn” hơn mấy người “Ăn to nói lớn” ồn ào.
Hồ Tôn Hiến đem quân đánh Từ Hải, liệu bề không thắng được Từ bèn chọn việc cho người đi ngõ sau: Hối lộ và dụ dỗ, ngon ngọt với Kiều để Kiều khuyên Từ Hải ra hàng:
             Nàng thời thật dạ tin người
      Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu
 Nói lanh chanh là nói không rõ, cướp lời người khác. Trẻ con thường có tật nói leo. Nói leo là nói với người lớn mà chưa được phép nói, người lớn chưa nói xong đã cướp lời.
Nói nhiều hay nói là điều bất lợi, nói hớ dễ bị người lớn bắt lỗi. Khi ai hỏi việc gì đó, người nào nói lộp chộp, chưa chịu suy nghĩ cho kỹ thì dễ bị nói hớ, để lộ công việc. Vì vậy, tục ngữ có câu:
             Vạ bởi miệng ra, bệnh chẳng qua miệng vào.
 Miệng ra tức là nói; miệng vào tức là ăn. Nói bậy dễ bị vạ (tai vạ), ăn bậy, ăn nhiều dễ sinh bệnh.
Vì dễ bị hớ, bị vạ nên ông bà ta dạy:
             Ăn phải nhai, nói phải nghĩ.
 Câu nầy nghĩa rõ lắm. Khi ăn phải nhai thức ăn cho nhuyễn rồi mới nuốt, cũng như trước khi nói phải suy nghĩ thật kỹ điều mình muốn nói ra. Cũng cùng một ý như thế, người Tàu dạy rằng: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.”
Tổ tiên cúng ta có một câu tục ngữ khá hay:
             Lời nói chẳng mất tiền mua
      Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Nhiều người có tật ưa nói nhiều, đi đâu cũng nói. Những người đó bị người ta gọi là “Chân ngoài ngõ, miệng trong nhà”, có nghĩa là chân mới tới ngoài cửa ngõ mà tiếng nói đã vang tới trong nhà.
Nhà văn Vũ Thư Hiên có lần chê ông thủ tướng Phạm Văn Đồng của chính phủ Bắc Việt Nam trước kia là người ưa nói. Bất cứ ở hội nghị nào, hễ có mặt ông là ông cũng sẽ lên nói. Ông ta nói lan man việc nọ xọ việc kia khiến nhiều người bực mình. Nói nhiều, hay nói, là một cái bệnh, rất nhiều người bị. Những người đó bị chê là “nói dài, nói dai, nói dại.”
Vì là người có quyền nên nói chi người ta cũng nghe, không nghe thì ngồi ngáp vặt chớ không dám phản đối. Vì vậy, xưa có câu tục ngữ nghe rất khó chịu nhưng phải nhận là hay. Câu đó là:
             Miệng nhà quan có gang có thép.
            L. nhà khó vừa lọ vừa thâm
 Hai câu nầy dụng phép đối (Xưa gọi là văn biền ngẫu) vừa đối cả ý lẫn lời. Gang thép thì đối lại là lọ thâm, còn miệng thì đối lại là l. Đối như thế thì người xưa gọi là thâm; thâm thật!
Câu nầy cũng tương tự như câu của Tây: “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”.
Nói là biểu lộ ý nghĩ, tình cảm, cũng có khi tỏ rõ lập trường. Khi bị điều tra, nhất là khi Công An Cộng Sản điều tra, chúng thường gặng để biết lập trường chính trị của đối tượng nên nhiều khi rất khó trả lời. Trả lời theo chúng thì là… hèn, khiếp nhược. Nghịch với chúng thì… khó sống. Người xưa cũng nhiều khi gặp trường hợp khó nói nên dạy một câu rất mất lập trường: “Làm trai cứ nước hai mà nói.” Ở Huế cũng có câu hò rất “ba phải” về việc nầy:
Chào bên nam mất lòng bên nữ,
Chào người quân tử bỏ bụng thuyền quyên
Cho tôi xin chào chung một tiếng
kẻo chào riêng khó chào.
Nguy hiểm nhất là nói nịnh. Tán gia bại sản cũng vì nịnh, nước mất nhà tan cũng vì nịnh. Nếu chung quanh nhà vua có nhiều nịnh thần thì thế nào vua cũng bị mất ngôi. Lạ một điều, người ta ai ai cũng ưa nghe người ta nói nịnh mình. Thậm chí nhiều khi mình biết người ta nói nịnh mà mình vẫn thích. Có phải đó là cá tính của con người. Người ta chết vì cái thích đó! Vua thì thích bọn nịnh thần hơn trung thần; quan cũng vậy. Nhứt là mấy bà. Ai khen mấy bà nào là trẻ, là đẹp, là phúc đức, nhân hậu thôi thì mấy bà thấy mình lên tới mây xanh.
Chung quanh những người cầm quyền thường lúc nhúc một lũ dua nịnh. Ở Huế, người ta có chê “Cậu Cẩn” nhưng người ta ghê tởm đám nịnh hót chung quanh “Cậu”.
 
Đọc truyện Kiều, nhận xét nhân vật, người đọc thấy cụ Nguyễn Du mô tả nhân vật, cách ăn mặc, bộ điệu, trang phục, nói năng mỗi người mỗi nét, nói lên cái cá tính của họ, hay vô cùng:
 
Cô Kiều đẹp thì đã đành, nhưng cách nói năng của cô Kiều thì:
 Lặng nghe lời nói như ru
Chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng.
       Khi chàng Kim Trọng tỏ ra sàm sở với Kiều, bị Kiều “sửa lưng” nhưng cách sửa lưng của Cô Kiều không những không làm cho Kim Trọng tự ái bất mãn mà còn:
 Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể, thêm vì mười phân.
Hoặc:
Khen cho: “Phật đã nên rằng:
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời
Với cảnh ồn ào, hung dữ như sau, không biết có khác gì với cảnh công an và “nhân dân” của chúng khi xét nhà dân chúng, hoặc như khi chúng tấn công gia đình lương dân vô tội chống lại chúng.:
 Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh
Rụng rời giọt liễu, tan tành gối mai.
 Đức Khổng Tử có nói đại khái rằng người nào ăn mặc chải chuốt quá, lời nói trơn tru dịu dàng quá, có thể bụng dạ không thật. Có phải đó là “nguyên tắc” để Cụ Nguyễn Du mô tả Sở Khanh:
 Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
 Về Hoạn Thư, “con quan lại bộ”, dòng dõi, giai cấp thống trị ngày xưa thì:
 Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
Con người như thế thì có hai bộ mặt:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
 Tướng nói
Nói là bản năng tự nhiên thiên phú nên không chế độ nào có đạo luật “Cấm nói” như chế độ độc tài Cộng Sản. Tự do nói tức là tự do ngôn luận.
Cấm ngôn luận, thì chỉ có chế độ Cộng Sản mới có. Ngay cả dưới chế độ phong kiến cách đây cả mấy trăm năm ở nước ta cũng không khắc nghiệt như dưới chế độ Cộng Sản bây giờ. Nếu chế độ phong kiến cấm ngôn luận khắt khe lắm thì sao có tác phẩm “Cung Oán Ngâm Khúc” nói lên tâm trạng của một cung nữ oán trách nhà vua vì bị nhà vua bỏ bê, làm sao có “Chinh Phụ Ngâm” diễn tả tâm trạng của một người đàn bà oán trách vua chúa gây nên chiến tranh để người chồng phải đi chinh chiến ở xa, hay như gần đây, mới đầu thế kỷ 20, dưới triều vua Thành Thái, một nhà vua yêu nước bị Pháp bắt đi đày bên Châu Phi thế mà cũng bị nhà thơ Trần Tế Xương chê một câu:
             Bắt chước ai ta chúc mấy lời
            Chúc cho khắp hết cả trên đời
            Vua, quan, sĩ, tứ, người muôn nước,
            Sao được cho ra một giống Người.
 
Trần Tế Xương chê vua Thành Thái (hay Duy Tân – vua Thành Thái bị truất ngôi năm 1908, con là Vĩnh San lên ngôi, lấy hiệu là  Duy Tân): “Sao được cho ra một giống Người” thì Trần Tế Xương chẳng mất một sợi lông chân, còn Trần Dần viết hai câu thơ sau đây thì bị gì:
             Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
            Người vẫn kinh hoàng trước tương lai.
 Chỉ một chữ Người viết hoa mà Trần Dần chịu một đời tù.
 Về cá nhân, người ta thường dùng những lời nặng nề để mạt sát, nhục mạ nhau. Đó là ngày xưa. Ngày nay, việc nhục mạ nầy phát triển thành chính sách của nhà nước, chính phủ. Ở miền Nam, trước 1975, những lãnh tụ như ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Dương Văn Minh cũng có người thương, người ghét, phê bình, đã kích hay hoan hô tùy theo hoàn cảnh hay lăng kính của họ. Điều đó là tự nhiên, nhưng không ai gọi họ bằng thằng.
Sau 1975, trong các buổi họp phường, khóm hay học tập, v.v… bỗng người ta nghe cán bộ Cộng Sản gọi “Thằng Diệm”, “Thằng Thiệu”, “Thằng Kỳ” , “Thằng Dương Văn Minh”, và đôi khi cả “Thằng Ních-Xơn”, “Thằng Giơn-Xơn”… thì người ta bỗng thấy hơi lạ lẫm với cách xưng hô của người Nam. Qua đó, nếu ai gọi “Ông Ngô Đình Diệm”, “Ông Thiệu” thì bị cán bộ Cộng Sản “chỉnh” ngay. Họ cấm, không cho gọi bằng ông mà phải gọi bằng thằng như họ vậy. Nếu gọi ông Thiệu bằng ông thì gọi Xít-Ta-Lin bằng gì? Chỉ có mấy ông bên Liên Xô, bên Tàu (Trung Quốc) mới gọi bằng ông. Với người Cộng Sản, cùng đảng với nhau thì cũng có khi họ gọi “Đồng chí Xít-Ta-Lin”, “Đồng chí Mao Trạch Đông” hoặc “Đồng chí Mao Trạch Đông vĩ đại”. Người ngoài đảng thì không được gọi bằng “đồng chí” (dĩ nhiên) và phải gọi bằng ông; chung chung, tổng quát là như vậy, giống như Tố Hữu gọi “Trời ơi Ông mất đất trời có không?!” Không lý gọi Xít-Ta-Lin bằng ông rồi cũng gọi Ngô Đình Diệm bằng ông?! Thế là không xong rồi, “không vững lập truờng” nên cho đi “học tập” ở trại cải tạo. Để đáp lại cách gọi của “đảng và nhà nước” Cộng Sản, ngày nay người ta cũng thấy nhan nhãn trên báo chí hải ngoại tiếng “Hồ tặc”, “già Hồ”, “cáo Hồ”. Trước 1975, ít khi thấy báo chí miền Nam gọi ông Hồ Chí Minh như thế. Đó cũng là “Răng trả răng, mắt trả mắt” mà thôi!
Hay nhứt là nên “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như tổ tiên chúng ta đã dạy. Lời nói hay, tốt đẹp thì người ta nhớ lâu, thích thú và thậm chí cả kính trọng người nói. Lời nói dở, xấu, thiếu lịch sự, thậm chí thiếu giáo dục thì người ta chê, ghét, bỏ đi.
Xin đưa một ví dụ như: Tây có câu tục ngữ như tôi vừa nói trên “Mắt trả mắt, răng trả răng”. Thế la sòng phẳng. Ai tốt với mình, mình tốt lại; ai khen mình, mình khen lại; ai chê mình, mình chê lại; ai chưởi mình, mình chưởi lại. Đó là thế gian thường tình.
Nhưng có lẽ từ câu tục ngữ đó mà ông Thánh Gandhi bên Ấn Độ mới nói câu sau đây: “Mắt trả mắt thì cuối cùng sẽ làm cho cả thế giới mù lòa.” Câu ông Gandhi nói mới thật là hay, mới thấm thía. Có lẽ đó là một nét đặc sắc của văn hóa Ấn Độ. Những người theo Phật có lẽ biết câu Phật dạy: “Lấy oán trả oán, oán chồng chất; lấy ân trả oán, oán tiêu tan.”
Hồi tôi còn học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), ông thầy dạy Việt văn của tôi có biểu chúng tôi cứ mỗi tuần, một toán (khoảng 10 học sinh) tìm cho ông một câu thuộc loại “Lời hay ý đẹp”. Toán nào tìm được nhiều câu, câu càng hay, thì chúng tôi càng được điểm tốt. Tôi không rõ ông thầy tôi muốn làm một bộ sưu tập hay ông muốn dạy khéo chúng tôi vì khi đi tìm tức là có học hỏi. Vào thư viện, tôi thấy ở Mỹ bây giờ có rất nhiều loại hay sưu tập những lời hay ý đẹp như thế. Theo kinh nghiệm của tôi, nên khuyến khích bọn trẻ đọc sách nầy.
 
Vì nói bậy, vì sợ khẩu nghiệp mà có người không nói.
 Không nói có nhiều nghĩa. Không nói trước người điều tra có nghĩa la bất hợp tác. Trong một nước tự do, người ta có quyền im lặng, để cho luật sư của họ làm việc. Với Công An Việt Nam, họ hỏi mình mà mình không nói thì có nghĩa là “bầm mình”, tuy rằng trong chế độ cũ, Việt Cộng hướng dẫn cho những người theo chúng khi bị chính quyền quốc gia bắt thì phải ba không: Không thấy, không nghe, không nói.
Người ta kể môt câu chuyện ngày trước nhà văn Pháp Anatole France tranh luận với một ông đại tá về một vấn đề gì đó. Ông đại tá dùng những lời nặng nề, thô bỉ để mạt sát nhà văn nên A. France không trả lời những gì ông đại tá viết nữa. Thấy nhà văn không nói gì nữa, ông đại tá giận quá, một hôm đến tận nhà của nhà văn hỏi một câu: “Này thằng nhà văn chó chết kia! Tại sao mày không trả lời tao?” A. France chậm rãi trả lời: “Thưa đại tá! Vì mồm đại tá thối quá!”
Về việc không nói, người Tây phương cũng nói một câu khá hay: “Người ta chỉ cần một năm để tập nói nhưng phải tập ba năm để ngậm miệng lại.”
Về mặt tôn giáo thì đó là một cách tu cái miệng của mình: tịnh khẩu. Nói, nhất là nói bậy thì theo Phật là tạo cho mình một cái nghiệp, tạo một “Khẩu Nghiệp”. Nói bậy, nói điều ác, điều xấu là tạo cho mình một khẩu nghiệp xấu. Vì vậy tịnh khẩu là tránh cho mình một cái nghiệp.
Ông “Bác Vật Lang” hồi xưa ở Sadec, du học bên Tây và đậu kỹ sư sinh vật, khi về nước, ông chẳng làm việc gì, ngày ngày “ngao du sơn thủy”. Một lần ông lên thăm Thạch Động ở Hà tiên. Nơi nầy có một con đường đi xuống một cái hang mà người ta gọi là đường xuống âm phủ. Ông ta thấy cái gì ở đó mà người ta bảo rằng Phật thánh cấm ông nói cho nên từ đó về sau, cho đến khi qua đời, ông tịnh khẩu.
 
Về tôn giáo, vua Trần Nhân Tôn có một bài thơ khá hay nói về không nói. Bài thơ như sau:
 Oanh hót dề dà liễu tả tơi
Thềm hoa mây phủ bóng hiên dài
Khách đến chẳng thăm niềm tâm sự
Tựa bức lan can chỉ ngắm trời
    (Hoàng Vũ dịch)
 
Hiểu theo văn chương thông thường thì đây là một bài thơ hay, một bài thơ đẹp. Buổi chiều (hay buổi trưa, buổi sáng) có nắng chiếu làm bóng mây che phủ thềm nhà (hay chùa), có những cành liễu buông dài, tiếng chim oanh hót trên cành cây. Vậy mà khách đến thăm, chẳng nói một lời tâm sự. Khách đứng tựa bức lan can ngắm trời. Ngắm trời để làm gì? Để nhìm một cảnh đẹp hay để suy tưởng. Điều suy tưởng đó chắc có chiều rộng lẫn chiều sâu làm cho khách đắm chìm trong vòng suy tưởng đó mà chẳng nói một lời. Dĩ nhiên đây là một bài thơ thiền nên xin để cho các nhà thiền học giải thích hay hơn.
 
Bài thơ sau đây cũng là một bài thơ “Không nói” nhưng không phải là một bài thơ thiền, mà chính là một tâm sự về con người, về cuộc đời, về đảo điên thế sự.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Nguyễn Chánh Thi đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chánh thất bại, một số nhà hoạt động chính trị bị bắt vì có dính líu đến cuộc đảo chánh đó. Một trong số những người nầy có nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam (Tức nhà văn Nhất Linh).
Năm 1963, vì vụ Phật giáo đồ đứng lên biểu tình chống đối nhà Ngô, để dằn mặt, Ngô Triều mở một phiên tòa xử tội những người trước đó chống đối chế độ. Nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam có tên trong số những người bị đưa ra tòa lần nầy. Trước hôm ra tòa một ngày, đúng ngày 7 tháng 7 năm 1963, thường gọi là ngày Song Thất, mỗi năm đều có lễ kỷ niệm “Ngô tổng thống chấp chánh”, Nhất Linh dùng độc dược tự tử. Việc làm của ông làm chấn động dư luận trong cũng như ngoài nước.
Thời gian trước khi vụ án xảy ra, nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam thường đến thăm bạn bè, trong số đó có nhà thơ Bùi Khánh Đản. Một lần đến thăm bạn, Nhất Linh chỉ nói vài câu chào hỏi thường lệ, rồi ngồi trầm ngâm chẳng nói lời nào. Xong rồi, nhà văn chào bạn ra về, không nói thêm môt lời nào khác. Điều không nói của Nhất Linh đã gây một ấn tượng sâu sắc cho nhà thơ. Sau khi Nhất Linh ra về, nhà thơ Bùi Khánh Đản làm bài thơ sau đây:
 Thiếu Một Lời
Chiều nào hiu quạnh đến thăm tôi
Anh đã quên không nói một lời
Tám hướng dần buông vào tịch mịch
Hai lòng vẫn ngã chốn xa xôi
Mắt theo dĩ vãng mơ hồ hiện
Tai lắng thời gian thánh thót rơi
Tất cả chìm sâu sâu xuống mãi
Vì anh chỉ thiếu một lời thôi
 
Bùi Khánh Đản
 
Thành ra, thưa quí vị, cái không nói lại quí hơn cái nói hàng vạn lần.
Nói là một ân huệ đặc biệt tạo hóa chỉ cho con người mới có. Tất cả các loài vật khác không thể có được. Nếu biết đó là một ân huệ đặc biệt, tại sao chúng ta không cố gắng gìn giữ nó, dùng nó một cách trong sáng đẹp đẽ, đem lại cho nhau những điều hay đẹp tươi vui. Gia tỉ có một số loài vật nào đó cũng không ngoan như người nhưng chúng không được cái đặc ân của Tạo hóa cho chúng có tiếng nói như người thì chúng sẽ suy nghĩ như thế nào khi chúng thấy loài người dùng tiếng nói để chưởi rủa nhau?! Chúng sẽ chê cười chúng ta đấy, cho rằng chúng ta không biết cái giá trị ân huệ đặc biệt của tiếng nói mà dùng cho đúng cách.
Người Nhật cũng uống trà như các dân tộc khác như người Tàu, người Việt, nhưng họ biến cải cách dùng trà như một nghệ  thuật, biến nó thành một cái đạo mà họ gọi là trà đạo.
Cũng với một ý hướng muốn bắt chước người Nhật, tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta lại không gìn giữ, trân trọng tiếng nói, cách nói, v.v… như thế nào để biến nó thành một… ngôn đạo. Đó cũng là cái ý chính khi tôi đặt tên cho bài viết nầy.
hoànglonghải (tuệchương)
 
           
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
           
Begin forwarded message:

From: An Mai <nonsonggamvoc79@yahoo.com>
Subject: Fw: Cái miệng
Date: July 24, 2022 at 7:05:16 PM EDT
To: Huong Le <rosalee1941@yahoo.com>
Reply-To: An Mai <nonsonggamvoc79@yahoo.com>



----- Forwarded Message -----
From: Lanha Kaltenthaler <lanhakaltenthaler@hotmail.com>
To: Lanha Kaltenthaler <lanhakaltenthaler@hotmail.com>
Sent: Saturday, July 23, 2022 at 09:36:49 PM PDT
Subject: Fw: Cái miệng

From: Macchialli <tuyetmacchialli@yahoo.fr>
Sent: Saturday, 23 July 2022 11:53 PM
To: Anh Tuyet Macchialli <
tuyetmacchialli@yahoo.fr>
Subject: Cái miệng

 

 Anh Tuyet         

Début du message transféré :
De: Huu LE MINH 

Cái miệng
Tác giả Tiểu Tử NguồnBlog Tiểu Tử
 
   
Cái miệng (phiếm luận) - Tiểu Tử
Ngày đăng: 2022-07-19

Cái miệng có hai chức năng chánh: ăn và nói. Xưa nay ít có ai để ý đến những chức năng phụ của cái miệng – tiếng là phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng – như: ngáp, ợ, ho, khạc, thở khi nào bị nghẹt mũi v.v… Có lẽ tại vì nó… hạ cấp quá nên bị coi thường! Và cũng tại vì có sự coi thường đó mà người ta chỉ chú trọng dạy trẻ con học ăn học nói thôi. Thành ra, lớn lên, phần đông ngáp ơi ới không che miệng, ợ ồng ộc nghe chỏi lỗ tai, ho thẳng vào mặt người đối diện, còn khạc nhổ thì tùm lum bất cứ chỗ nào… Trong chuyện phiếm này, tôi cũng theo “truyền thống” để chỉ viết về hai chức năng “ăn và nói” của cái miệng.

Ăn… Từ hồi còn nằm trong bụng mẹ, con người đã biết ăn (Ông Trời sanh ra như vậy!) Mới lọt lòng, không ai dạy, kề vú vào miệng là đã biết… đớp (Về sau, khi đã thành nhơn, có đòi đớp như hồi bêbê là một… cái gì khác chớ không phải là ăn!) Thành ra “ăn” là một bản năng. Hễ đói là tự nhiên phải kiếm cái gì ăn, chưa biết rằng không ăn lần hồi rồi sẽ chết (Ăn… hối lộ không nằm trong “diện” tự nhiên trời sanh này!). Khái niệm “chết vì không có gì ăn hay có mà ăn không được” chỉ đến với con người khi con người có đủ trí khôn. 

Khổ nỗi, khi có đủ trí khôn, con người lại đòi “ăn ngon”, biết chê biết khen, biết chế biến món này món nọ để ăn cho “khoái khẩu”. Cái “ăn”, vì vậy, đã chiếm… đỉnh cao của trí tuệ loài người, đến nỗi có câu “dĩ thực vi tiên” (ăn trước đã!) và ở Việt Nam miền nào cũng quảng cáo rầm rộ “món ăn đặc sản “ để làm… chảy nước miếng du khách (Ở Hà Nội bây giờ “chảy nước miếng hay chảy nước dãi” được gọi là “toát mồ hôi lưỡi”! Từ ngữ cách mạng vốn… trừu tượng!) Trên thế giới, ngành du lịch xứ nào cũng giới thiệu thật nhiều về “cái ăn” ngay sau khi cho xem phong cảnh hùng vĩ hữu tình. Để thấy cái miệng tuy nhỏ xíu như vậy mà đã…đẻ ra chữ “ăn “ thật to tổ chảng!

Trong từ ngữ thông thường, chữ “ăn” lúc nào cũng thấy như người lãnh đạo, nghĩa là đứng trên đứng trước nhiều chữ diễn tả một hành động một sự kiện – không biết để làm gì nhưng vẫn phải…đứng trên đứng trước! – Ví dụ như “ăn quịt, ăn gian, ăn trộm, ăn cướp” v.v… Tiếng “ăn”… ăn nhậu gì với những chuyện “quịt, gian, trộm, cướp”, vậy mà phải có lãnh đạo “ăn” vào đó nghe nó mới…xuôi lỗ tai! Rồi thì…ăn tùm lum, lúc nào ở đâu cũng thấy ăn: ăn giỗ, ăn cưới (Hồi xưa còn nói “ăn đám ma” nữa!) ăn khánh thành, ăn lên lon, ăn Tết, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi, ăn… hối lộ v.v… Chỉ có “ăn” thôi, vậy mà cái miệng sao mà “lắm chuyện”!

Bây giờ, xin nói đến “nói”.

Con người nếu sống một mình chắc không cần phải biết nói! Thật vậy, biết nói để nói với ai? Rồi, bởi vì con người cần sống với con người nên mới phải “nói” để hiểu nhau. Mới đầu nói bằng… tay chân (bây giờ gọi là “ra dấu”) Lần hồi, chắc ra dấu… mỏi tay nên mới bày đặt tiếng nói (Dầu sao, mỏi miệng vẫn… dễ chịu hơn mỏi tay; cái trí khôn của con người bắt đầu… ló dạng!) Cái miệng, ngoài chức năng “ăn” của Trời cho, bây giờ có thêm chức năng “nói” do con người đẻ ra vì muốn người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì.

Con người mới sanh ra chưa biết nói, chỉ biết khóc! Các nhà văn gọi đó là “tiếng khóc chào đời”. Hay quá! Thật vậy, nếu không có tiếng khóc thì làm gì có tiếng nói? Rồi từ chỗ “oa oa” đó ọ ẹ riết rồi cũng ra chữ ra câu. Người ta dạy trẻ con học nói cho đúng cách, học nói cho có lễ độ, học nói cho thanh tao. Có một điều lạ là những tiếng… chửi thề chẳng thấy ai dạy mà sao ai ai cũng biết và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc một cách “tài tình”! 

Ngoài những từ ngữ thông dụng – không kể chửi thề, dĩ nhiên – Nhà Nước Việt Nam còn dạy trẻ con hô khẩu hiệu, nói những lời “dao to búa lớn” theo… phong cách xã hội chủ nghĩa, nghĩa là nói để cho có nói chớ không phải nói để cho người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì. Cái “nói” – một chức năng của cái miệng – cũng bị làm… cách mạng! Than ôi!

Nói về “nói”, con người nói thôi… đủ thứ. Nào là “nói thánh nói tướng”, “nói láo nói phét”, “nói hành nói tỏi”, “nói trăng nói cuội”… Rồi “nói phang ngang bửa củi”, “nói dộng trong họng người ta”, “nói trên trời dưới đất”, “nói mà cái miệng không kịp kéo da non”, “nói như con két”…v.v.. Cái miệng nói nhiều hơn ăn, bởi vì ăn no rồi là không ăn được nữa chớ còn nói thì có bao giờ bị…no nói đâu để mà phải ngừng?

Tóm lại, cái miệng là để ăn và để nói. Vậy mà chính cái miệng nó “hành” con người. Ông bà mình hay nói: “Bịnh từ miệng mà vào, Vạ từ miệng mà ra”. Đúng quá! Tại vì mình ăn mới đem mầm bịnh vào người và tại vì mình nói mới đụng chạm sanh chuyện. Biết như vậy nhưng làm sao con người sống mà không ăn không nói?

Ở Việt Nam, Nhà Nước ta đã thấu triệt cái “chân lý” vừa kể cho nên đã… phân loại cái miệng: miệng của nhân dân và miệng của Nhà Nước. Cái miệng của nhân dân là cái miệng “ăn” còn cái miệng của Nhà Nước là cái miệng “nói”. Nhà Nước “quản lý” cái miệng ăn nên chỉ cho ăn vừa phải, đúng tiêu chuẩn, để nhân dân đừng… bị bịnh! (Bệnh từ mồm mà vào, đúng thế đấy… Ta đã học tập và triển khai cái chân lý ấy từ thời…không có gì để ăn cơ!) Còn “nói” thì nhân dân không nên nói, bởi vì “nói” là mang vạ vào thân đấy thôi. 

Để Nhà Nước nói, bởi vì Nhà Nước, đã là đỉnh cao trí tuệ của loài người, biết nói thế nào để không bao giờ phải… mang vạ vào thân. Và bởi vì cái miệng của Nhà Nước là loại miệng nói không sợ… mòn, không phải tốn tiền mua và dự trữ đồ phụ tùng thay thế. Cho nên đừng ngạc nhiên sao ở Việt Nam chỉ nghe có Nhà Nước nói và nói không bao giờ…ngừng! Ngoài ra, Nhà Nước vì thương dân nên khi thấy dân há miệng định nói là đưa tay bịt miệng ngay kẻo dân mang vạ vào thân, tội nghiệp! Một cử chỉ… đẹp như vậy mà thiên hạ cứ… vo tròn bóp méo!

Nếu “ăn” là để sống thì “nói” là để cảm nhận rằng mình đang sống. Vậy mà người dân Việt Nam chỉ được phép dùng cái miệng để ăn thôi…

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top