Hồ Đình Nghiêm, Ngự Bình
Ngự bình là gì? Tôi ngó đứa cháu xa quê đã lâu. Chừng năm phút sau tôi mới có được câu trả lời. Nghĩa là ngồi trên chữ an lành, tao đồ vậy. Nghĩa là tên gọi một ngọn núi có chút tiếng tăm ở Huế.
Chúng tôi đang ngồi dưới chân nó, đang tìm chút an vui bằng cách thụ hưởng cà phê cà pháo trong quán nhỏ bên đường. Đời đẻ ra một bọn người chuyên làm chuyện “động trời”, tiếng đập đá từ bên sườn núi mãi vang vọng, chát chúa, đinh tai. Bụi không ngừng lân la tới bên thềm, đang từ tốn phủ mờ những chiếc xe gắn máy dựng ngang dọc.
Đứa cháu nói trong khoảng cách tiếng búa lơi tay. Có phải là núi Ngự Bình trước tròn sau méo không? Ừ, thì nghe họ bảo thế, chứ bản thân tao mãi loanh quanh bên dưới nên chưa từng thấy qua. Bây giờ thì e đã méo toàn tập. Đứa cháu bật lửa mồi cho tôi điếu thuốc thứ ba, tôi ham hút bởi nó đậm đà cách gì. Dù sao thì nó được sản xuất ở Mỹ mà thằng cháu cất công mang về, chêm cho cứng hành trang. Dù cho diện mạo bao thuốc có bị làm xấu tới cỡ nào đi chăng nữa, những hàng chữ hăm doạ về sự giảm thọ hoặc mầm bệnh mà Hoa Đà bó tay, nó vẫn không vơi phẩm chất để khi ém khói, kẻ muốn say nhìn thấy ra: Ồ, cuộc đời hao tâm tổn trí này vẫn còn sót lại một niềm hoan lạc. Khói thuốc khiến người ta mơ màng, một đôi khi phải cay mắt. Thằng cháu nhìn màu nắng chừng dịu lại, nhưng vẫn nheo mắt: Họ dùng toàn những dụng cụ thô sơ, không thích hợp cho lao động nặng. Họ đục núi lấy đá để làm chi rứa? Tôi lại mất hai phút để nghĩ ngợi. Để làm mộ bia khắc tên người chết, những thứ vụn vặt thì đục đẻo thành chày, cối hoặc vòng trang sức. Có khi chế biến ra hòn non bộ đặt trên chậu cá cảnh. Nói chung là tạo thành những sản phẩm hét giá phỏng tay. Nếu nó đừng nặng, mày mua mang về bên ấy làm quà thì cũng có chút ý nghĩa, hô tán loạn rằng đem được cả hòn vọng phu sang, quý hơn cả cục đá lấy từ bức tường ô nhục ở đông Bá Linh.
Hôm qua hai đứa đã đi quanh quất, nhìn ngó và định vị được chỗ nằm sụt lở của anh Khoái, nên bây chừ đợi trời mát chút đỉnh thằng cháu hối lên đó thắp nhang cho ấm áp mộ phần ông già nó. Hắn tử tế hơn cả tôi tưởng, bỏ tiền sắm sửa đủ bộ sậu dành cho buổi cúng kiếng, tâm thành tưởng niệm người cha khuất mặt đã bảy năm lặng lẽ nằm chắp tay dưới ba tấc đất. Nguyên nhân khiến ba nó đang sống chuyển qua từ trần thì tôi đã viết một lá thư dài miên man kể mọi ngọn ngành gửi sang, nên giờ đây thằng cháu chỉ lợn cợn duy một điều: Căn nhà ông già ngó thảm quá, chắc phải chỉnh trang tu bổ lại, nếu cần mua một tảng đá để khắc tên tuổi ổng mà dựng trồng, làm dấu một địa chỉ thường trú. Hết vái lạy người chết vô tri, hắn xoay mặt qua thân bằng quyến thuộc đơn côi là tôi để uỷ thác trăm sự. Tôi biết hắn nhiều tiền, Việt kiều nào mà chẳng vậy; nhưng tôi ngạc nhiên cớ sao thằng con hiếu thảo lại móc ví moi ra năm trăm đô giao tận tay ở nơi thanh thiên bạch nhật? Chắc hẵng là muốn ba nó chứng giám và nếu lỡ giao trứng cho ác thì có ngày ác sẽ bị hồn oan hiện về vặn cổ?
Tôi ngồi nhổ cỏ lượm rác quanh quất. Đợi nhang tàn, thằng cháu thở dài: Thôi, coi như cũng đã tạm ổn, nhẹ người đôi chút. Bây chừ thì chúng ta nên kiếm một quán nhậu để làm buổi hậu tạ những gian khó mà bấy lâu chú từng nai lưng dãi dầu. Đây là lúc chúng ta nên say, biết mấy khi tái diễn cảnh sum họp. Tôi có hơi mủi lòng, tôi biết hắn không phải thuộc dạng Việt kiều hồi hộp. Dù gì hắn cũng là cháu tôi, hắn ngon cơm, hắn chẳng nói cuội lần nào. Đói kém như tôi mới bày đặt tráo trở, ngó một thành hai, lòng nhiều toan tính.
Tôi đèo chở hắn trên xe gắn máy về lại phố sẫm màu hôn hoàng. Nghe đến chữ đi nhậu, bản thân chiếc xe tay ga bạc màu sơn luôn ho hen tự nhiên bốc lên, tốc độ gần với ngựa chứng, ngựa hoang. Ăn dầm ở dề tại cố đô đến mụ người, thú thiệt tôi mô hiểu “con ngựa Thượng tứ” là cái chi chi. Lại nghe họ quở “đồ con yêu bánh nậm”. Bù trất, thấy cũng như chộ! Nhưng mà bấy chầy tôi rất thèm món bánh nậm, nếu nó ám chỉ tới vùng miền kín đáo nơi hạ thể người phụ nữ. Hang hùm ở trong thơ, khó mó tay; mà cũng rít tay nếu sờ qua trong thi phú nữ sĩ. Đường Hồ Xuân Hương có quán nhậu nổi tiếng, nhưng xô bồ hỗn tạp. Vì thế tôi chạy một lèo lên tuốt Kim Long nhà vườn luôn cách khoảng mùi khói xông thơm. Nó kín đáo đã đành, địa danh ấy thì nức tiếng chuyện sở hữu gái đẹp. Ngày xưa Trẫm liều Trẫm đi cũng vì cầm lòng không đậu với gái mỹ miều. Chiếu chỉ của hoàng thượng để lại, ắt Việt kiều lang bạt cần quá bộ mà chứng thực xem tiền nhân có ngoa ngôn?
Chưa khi nào tôi ăn ngon miệng đến nhường ấy, rồi đổ bia liên tu vào mồm nữa chứ. Vô tư nhậu cho bõ những ngày cơ cực. Đi với kẻ đỏ da thắm thịt áo quần bảnh bao như cháu ngoan của chú thì rất dễ say để quên đường về. Đời có mấy thuở và đời đúng là một giấc chiêm bao. Thằng cháu coi mòi nhậu hổng nổi, dung nạp thêm e sợ cảnh bắt chó ăn chè, nôm na là nôn mửa là quàng xiên say xỉn. Nó kêu tính tiền rồi một hai bắt tôi thồ về nhà nghỉ. Trái khoáy giờ giấc, chưa hạp phong thổ gió máy hay sao á mà tự dưng nghe người mau oải quá. Hắn nói. Điệu này về chắc nằm lăn quay đổ đèn chẳng biết trời cao đất dày. Chưa dứt, còn lè nhè thêm, đôi lúc mình tàn tệ lắm, có muốn làm đại trượng phu nào có dễ gì. Chú nghiệm thấy đúng không? Đúng, đúng đứt đuôi con nòng nọc. Là chân lý chứ chẳng đùa. Sông có khúc người có lúc, hiện tại thì đang đục màu bùn.
Tôi thồ hắn về nơi đăng ký tạm trú phía bên kia sông. Nhà nghỉ Màu Hồng tương đối sạch sẽ và an toàn, ít khi xẩy ra sự cố trộm cắp. Tây ba lô vô ra cũng nhằm chứng thực được ít nhiều cảm tình cho Màu Hồng. Hắn chọn chỗ này là hợp lý, bởi Việt kiều với Tây ba lô cũng một nghĩa như nhau. Việt kiều về tham quan nơi gian nhà tôi tránh giông bão đã nhướng mày nhăn mũi thiếu đường phát ngôn: Ăn ở gì mất vệ sinh quá, chừng ấy tuổi rồi mà chưa vào bệnh viện âu cũng do phước đức ông bà để lại. Bộ tịch ấy ngầm chứng minh là có cho tiền hắn cũng không dám ngủ lại. Khi đó tôi đã thanh minh thanh nga xuống sáu câu: Mày xa quê lâu rồi, vậy còn nhớ câu “Tiền nhà khó như gió vào nhà trống”? Hắn bắt bẻ, vậy chớ nỡ đành lòng quên câu “Đói cho sạch rách cho thơm” sao?
Tôi quàng vai hắn dắt lên phòng, dặn dò. Đóng cửa cài then cẩn thận, nhớ để điện thoại di động bên gối nằm, ngủ cho ngon một giấc rồi sớm mai tao lại rước đi cà phê, tính tiếp những việc cần thanh thoả. Hắn quen miệng: Bye, good night. Tôi quay lưng, thò tay vào túi quần kiểm soát lại số tiền quá lớn mà hắn trao ban chiều. Cũng là một thói quen dù chẳng mấy khi cái túi ấy chứa đựng được những gì gọi là giá trị hiện kim. Xuống tới năm bậc cấp bắt gặp nụ cười của cô gái ngồi ngay quầy tiếp tân. Màn hình máy điện toán hắt ánh sáng vào cặp gương cận, phía sau chừng như mắt cô long lanh cũng biết cười. Em hỏi anh giai cái này tí, được không ạ? Tôi bước lại gần, bốn năm chai bia chưa làm chân cẳng tôi ngại ngần. Cô gái nhìn quanh, vuông phòng chẳng có ai và tấm lưng tôi, hình như đã che lấp cái camera ưa quan sát việc làm của cô thư ký. Đêm khuya thanh vắng, nếu anh muốn thư giãn, em sẵn có ba con nai đang lạc lối, giá rất mềm. Lời cô vừa thốt giống như một chai bia có nồng độ cao, chảy tới đâu nghe nóng máu tới đó. Cô nắm ở tay ba tấm hình, giới thiệu: Em Xinh, em Mộng, em Mơ, thảy vừa đôi tám. Cũng chưa quen việc nầy lắm đâu, bởi ở ngoài vừa vào tới mà nhỡ chuyến tầu xuôi Nam, qua đêm cũng chỉ nhằm đắp đổi chút phí tổn đường dài. Mộng đẹp nhất so với Mơ Xinh. Tôi nhủ thầm, có chút hao hao như cô gái phục vụ ở quán nhậu trên Kim Long mỹ miều, hương thơm xao động, rạo rực. Nếu anh đã thuận lòng, cứ việc vào phòng số 5, em gọi điện mất chừng chục phút. Giá mềm là sao? Tôi hỏi. Dạ, tuỳ đi tầu nhanh hay tầu chậm ạ. Phương án một hay phương án hai. Nếu là hai thì tính luôn phòng anh giả cho Mộng đúng một triệu ạ. Đảm bảo anh sẽ hài lòng. Em làm ở đây, đâu dám dối gạt anh, chỉ xin vui vẻ cả làng, êm thắm hợp đồng. Không chừng mà tới tai anh Việt kiều ấy nghe được sẽ hoan hỉ góp phần mua vui, đêm dài thôi lắm mộng.
Tôi lên phòng số 5. Tôi cởi hết áo quần, chêm cục tiền dưới gối, nằm ngửa thân trên giường nệm nghe máu huyết nhộn nhạo việc tuần hoàn. Hai tay kê đầu, tự nhiên nghe tiếng đục đá bụi mờ. Ừ, một tấm bia mộ. Ừ, bồi đắp một căn nhà trông cho tươm tất. Ừ, việc ấy từ từ tính sau. Dầu gì thì anh ta đã nhắm mắt xuôi tay, lãnh cảm với cuộc đời đầy oan nghiệt. Tôi còn sống nhăn đây này, xin cho tôi được tẩm bổ chút mùi vị đàn bà để có chết, hắn sẽ nhắm được hai con mắt. Đồ trời đánh thánh đâm, tao sẽ vặn cổ mày! Có tiếng gõ cửa nhẹ tựa mèo cào. Mộng bước vào cười e thẹn khi nhìn ra một thằng người chuẩn bị hô xung phong. Tôi vẹo cổ ngắm Mộng, điện nước đầy đủ dù em chưa thoát y. Tôi sẽ chăm đục để núi ấy thôi trước tròn sau méo. Muốn em ngự trên người anh hay sao? Ơ, tuỳ ở em cả, cho tha hồ bóc lột bọn địa chủ. Mộng phá lên cười: Đồ thực dân ác ôn!
Hồ Đình Nghiêm
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404