GS Nguyễn Lý-Tưởng, TẾ NAM GIAO & TỊCH ĐIỀN

GS Nguyễn Lý-Tưởng

Những nghi lễ quan trọng vào mùa Xuân dưới triều Nguyễn:

TẾ NAM GIAO & TỊCH ĐIỀN



Dưới chế độ phong kiến, vua thay Trời để cai trị muôn dân nên gọi là Thiên tử (con của Trời). Trên nguyên tắc, địa vị đó chỉ dành cho vua Trung Hoa là nước lớn trong thiên hạ, tất cả các nước nhỏ (chư hầu) đều phải thần phục Thiên tử. Dòng họ nào được Thiên tử thừa nhận và phong vương thì có quyền cha truyền con nối. Nếu có ai chống lại hay gặp trường hợp nước khác đem quân gây hấn thì Thiên tử sẽ can thiệp, hoặc các chư hầu cũng có thể nhân danh Thiên tử đem quân đến giúp để tái lập tự cho quốc gia đó. Dân có bổn phận trung thành tuyệt đối với vua, về phần vua, thì chịu trách nhiệm với Trời. Vì thế, cứ ba năm một lần, vua đi đến một chỗ đất nằm về phía Nam của kinh thành gọi là Nam Giao để tế Trời...
Sách Kinh Dịch, một tác phẩm do Khổng Tử biên soạn cách nay vào khoảng hơn 2500 năm, trong đó thu nhặt những tư tưởng của người Trung Hoa về vũ trụ quan và nhân sinh quan, đã được phổ biến lâu đời trước Khổng Tử, có viết rằng: “Thiên sinh ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần.” Thiên (Trời), Địa (Đất) và Nhân (Người) là ba yếu tố chính của vũ trụ, gọi là Tam Tài. Trời sinh ra từ Tý (Tý là giờ khởi đầu của một ngày, cũng là năm khởi đầu của một Giáp (12 năm). Trời là khởi đầu của mọi sư, mọi loài, mọi vật. Trời ở đây không phải là bầu khí quyển bao bọc chung quanh quả đất mà là một ngôi vị, một Đấng thiêng liêng, Đấng Tạo Hóa, Đấng an bài mọi sự trong vũ trụ. Những câu trong sách Trung Dung như: “Thiên mệnh chi vị tính” (Tính là do Trời ban cho), “Đạo xuất ư Thiên” (Đạo từ Trời mà ra), “úy Thiên” (sợ Trời), “duy Thiên vi đại” (chỉ có Trời là lớn hơn cả), “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt),v.v... đều nói về một Đấng Tối Cao trong vũ trụ mà tổ tiên chúng ta gọi là “Ông Trời”.
Ông Trời mà tổ tiên chúng ta luôn tôn thờ và đặt niềm tin vào Ngài, chính là Thượng Đế, Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời mà người Thiên Chúa Giáo tôn thờ. Đó là niềm tin của cả dân tộc chúng ta, của tổ tiên chúng ta dưới thời vua chúa cho đến ngày hôm nay. Dù hình thức thờ phượng có khác nhau, nhưng niềm tin vẫn là có một Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa Duy Nhất, tạo dựng nên vũ trụ và muộn loài, muôn vật.
“Địa tịch ư Sửu” (Đất mở ra từ Sửu), nghĩa là Trời có trước, sau đó mới có Đất. Sửu là giờ thứ hai sau Tý.
“Nhân sinh ư Dần”, sau khi có Trời, có Đất thì có Người. Con Người là do Trời và Đất mà ra. Trời che, Đất chở. Trời là Cha, Đất là Mẹ.

Trải qua gần một ngàn năm dưới chế độ cai trị của Trung Hoa, từ năm 938, Ngô Quyền thắng được quân Nam Hán đến đời Đinh Bộ Lĩnh, nhà Lương mới chính thức thừa nhận nền độc lập của nước ta và phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm An Nam Quốc Vương. Dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn, các vua Việt Nam bên ngoài vẫn theo lệ triều cống, thừa nhận vua Trung Hoa là Thiên tử. Nhưng bên trong vẫn là vua của một quốc gia độc lập. Cứ ba năm một lần, vua nước ta vẫn tổ chức tế Nam Giáo, tự xưng mình là Thiên tử đối với con dân trong nước.

Năm 1806, vua Gia Long cho dựng Đàn Nam Giao ở về phía Nam kinh thành, thuộc địa phận xã Dương Xuân, hằng năm cứ đến tháng trọng Xuân (tháng 2 âm lịch) thì quan Khâm thiên giám và bộ Lễ gieo quẻ dịch, chọn ngày tốt để cử hành đại lễ.
Quy chế của đàn chia làm ba tầng:
- Tầng thứ nhất, đàn đắp hình tròn, có 5 án thờ: án chính giữ thờ Hiệu thiên Thượng đế và Hoàng địa kỳ; án phối hưởng thứ nhất, phía tả thờ Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế; án phía hữu thờ Thế Tổ Cao hoàng đế; án phối hưởng thứ hai phía tà thờ Thánh Tổ Nhân hoàng đế, án phía hữu thờ Hiến Tổ Chương hoàng đế. Đàn cao 6 thước 8 tấc, chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc, tô màu xanh, bốn mặt có thềm: ngọ giai (bậc phía nam) 15 bậc, đông, tây, bắc đều 9 bậc.
- Tầng thứ hai, đàn vuông, có 8 án tòng tự; phía tả, án thứ nhất thờ thần Đại Minh, án thứ nhì thờ các vì sao trong bầu trời, án thứ ba thờ thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Sấm (sét), án thứ tư thờ thần Thái Tuế và thần Nguyệt Tướng; phía hữu án thứ nhất thờ thần Dạ Minh, án thứ nhì thờ thần Núi, thần Biển, thần Sông và thần Chằm (ao hồ), thần các núi Triệu Tường, Khải Vận, Hưng Nghiệp và Thiên Thụ đều tòng tự ở án này, án thứ ba thờ thần giữ lăng tẩm và phần mộ, án thứ tư thờ các thần kỳ trong nước. Đàn cao 2 thước 5 tấc, vuông 72 trượng, bốn mặt thềm đều 5 bậc.
- Tầng thứ ba, đàn cao một thước 9 tấc, vuông 130 trượng 7 thước, bốn mặt thềm đều 4 bậc. Góc đông nam là lò phần sài, góc tây bắc là huyệt ế mao huyết.
Ba tầng đàn, xung quanh đều xây lan can, tầng thứ nhất tô màu xanh, tầng thứ hai tô màu vàng, tầng thứ ba tô màu đỏ.



 Khoảng đất vuông ngoài đàn đều trồng cây thông. Ngoài khoảng đất vuông xây tường bằng đá, chu vi 152 trượng 9 thước, bốn mặt đều mở ba cửa rộng. Phía đông bắc ngoài tường là thần khố (nhà kho), thần trù (nhà bếp), kho tế khí và nhà sát sinh; phía tây nam là trai cung, xung quanh xây tường gạch, mở hai cửa trước sau, trong tường và ngoài tường trồng nhiều cây thông.” (Trích “Đại Nam Nhất Thống Chí” do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, phần nói về Kinh sư, bản dịch của Viện Sử học Hà Nội trang 23 - 24, nxb Thuận Hóa 1997)
Chú thích của tác giả: Hiệu thiên thượng đế (ông Trời); Hoàng địa kỳ (thần Đất); Thái Tổ Gia Dụ (Nguyễn Hoàng), Thế Tổ Cao (Gia Long), Thánh Tổ Nhân (Minh Mạng), Hiến Tổ Chương (Thiệu Trị), núi Triệu Tường (núi có lăng Nguyễn Kim), Khải Vận (núi có lăng Nguyễn Hoàng), Hưng Nghiệp (núi có lăng Nguyễn Phúc Luân, cha của Gia Long), Thiên Thụ (núi có lăng Gia Long)... Thần Đại Minh (mặt trời ban ngày), Thần Nguyệt Tướng (mặt trăng ban đêm), lò phần sài (lò thiêu con vật tế lễ), huyệt ế mao huyết (cái hố nhỏ để chôn lông và máu con vật tế lễ), trai cung (nhà dành cho vua ở lại một đêm để ăn chay, tĩnh tâm trước khi tế Nam Giao).

Tài liệu trên đây cho chúng ta biết sơ đồ tổ chức xây dựng của Đàn Nam Giao.
1. Đoàn rước xa giá vua đến Nam Giao: Một tháng trước ngày Tế Nam Giao, vua sai bộ Lễ và Khâm thiên giám chọn ngày tốt vào giữa tháng hai âm lịch, tiếp theo đó là một thông báo được niêm yết tại kinh thành cho toàn dân biết ngày giờ và thành phần các quan được chọn để tổ chức Lễ Tế Nam Giao. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, vào sáng sớm, vua đến điện Cần Chánh, ngồi trên ngai. Quan có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành đến, quỳ trước ngai, lạy vua 5 lạy, nhận cờ lệnh do vua trao, lạy thêm 5 lạy nữa rồi rút lui. Quan tổng quản thị vệ mời vua bước lên kiệu, lính khiêng kiệu bắt đầu đi thì trên kỳ đài bắn 9 phát đại bác và chuông trống trên lầu Ngọ Môn nổi lên cho đến khi vua ra khỏi thành thì mới ngưng. Trên đường đi, nổi chiêng trống và cử nhạc vang rền. Quan văn từ cửu phẩm đến lục phẩm, quan võ từ cửu phẩm đến tứ phẩm, không tham gia đám rước thì đứng hai bên đường, nơi có đặt hương án, quỳ gối khi xe vua ngang qua.
Đoàn rước xa giá vua đi, gồm 3 đạo quân: Tiền Đạo, Trung Đạo và Hậu Đạo. Mỗi đạo quân đều có lính cầm cờ hiệu lệnh và cờ trang trí. Có những người lính gánh các bàn thờ đựng lễ vật để dâng cúng, người che lọng, tán, các trướng liễn, nhạc công, voi, ngựa... Lính cầm gậy truyền lệnh, lính cầm cờ mao, cờ tiết, cờ ngũ hành, cờ nhị thập bát tú, cờ có hình thù các con vật... Viên tướng chỉ huy đi giữa hai viên Chánh quản, rồi đến lính khiêng trống lớn, phèng la, lính cầm cái loa bằng đồng... ngựa kéo xe chở Long Đình...
Vua đi ở đoàn Trung đạo, có lính gánh bàn đặt các trang phục đại lễ của vua, có giường ngự để vua nằm, các đồ đạc vua dùng như kiếm vàng (kiếm lệnh), búa, gậy,v.v... Các quan văn võ và lính thị vệ đi bao quanh vua... Vua ngồi trên xe ngự giá có 4 lọng che, 20 lính hộ tống, quan Thái Giám, quan Tổng quản Thị vệ. Đi sau xe vua là các hoàng tử, quan phụ chánh, các đại thần hàng nhất phẩm. Đoàn Hậu đạo gồm 28 người lính cầm cờ do quan Đô Thống chỉ huy, có người gánh một hình người bằng đồng (đồng nhân) trên tay có cầm cái thẻ đề hai chữ “Trai Giới” theo phong tục để nhắc vua nhớ phải giữ chay tịnh, tĩnh tâm trước khi bước lên đàn tế. Các quan từ tứ phẩm trở xuống đi sau cùng với hai con voi được trang trí nịt da có khảm bạc và mặc áo màu sặc sở...

2. Các nghi lễ tại Đàn Nam Giao: Khi xe của vua đến Trai cung, các hoàng tử, hoàng thân và các đại thần văn võ đều quỳ ở hai bên cửa trước Trai cung để đón vua. Khi vua đến gần, chuông trống và nhạc nổi lên. Vua đi vào bên trong nhà Trai cung thì chuông trống và nhạc... mới im bặt. Trai cung là ngôi nhà vua sẽ ở lại suốt ngày và đêm, vua phải ăn chay, nằm ngủ trên một chiếc giường với mảnh chiếu đơn sơ để tĩnh tâm và suy nghĩ về những việc làm của mình, có điều gì sai lỗi đối với Trời hay không. Với niềm tin vào mệnh trời, tất cả những thiên tai, mất mùa, dịch bệnh hay loạn lạc xảy ra cho dân, cho nước... và cho cả bản thân nhà vua đều là “lời cảnh cáo” của ông Trời cho vua biết rằng vua đã không làm tròn trách nhiệm của một vị Thiên tử, thay Trời để cai trị muôn dân. Vua phải biết ăn năn hối lỗi và phải làm những điều tốt đẹp cho dân để đền bù tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Trời, xúc phạm đến Cha của mình vì vua là con Trời (Thiên tử).
Bên trong Trai cung, có đặt một cái bàn dành riêng cho vua (gọi là châu án), trên đó có để một cái hộp đựng các tờ sớ. Vua dùng bút mực màu đỏ (châu: son) để viết tên của mình vào tờ sớ. Điều đó có ý nghĩa vua là vị chính tế và chỉ có vua (Thiên tử) mới có bổn phận tế lễ ông Trời (Tế Nam Giao) vì vua là con Trời, là người chịu trách nhiệm đối với Trời.
Khoảng giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng) ngừơi phụ trách về nghi lễ hướng dẫn vua đến cổng bên phải, phía Tây, vua quay mặt về hướng Nam. Người hướng dẫn mời vua ngồi. Thị vệ múc nước đổ vào thau và mời vua làm lễ rửa tay. Sau đó là lễ thiêu trâu nghé: vua đến trước bài vị các thần, chuông trống nổi lên, vua vái trước hương án. Con vật đã được giết chết trước, xẻ thịt và đặt lên trên bàn thờ để đốt. Sau khi thiêu con vật, người ta đốt lông và huyết rồi chôn ở một góc. Vua đến bàn thờ quỳ xuống làm Lễ dâng hương: một người cầm lò hương và một người cầm bó hương quỳ hai bên vua, mời vua dâng hương. Lễ xin các thần giáng xuống trên bàn thờ: Người phụ trách nghi lễ xướng “Xin các thần hãy đến”, “Nổi nhạc thái bình”. Nhạc cử bài “Tân an thành chi chương” sau ba tiếng chuông là các loại nhạc cụ khác nổi lên.

Lễ dâng ngọc và lụa: Ngọc và lụa là lễ vật quý “được dâng lên với tấm lòng thành để cầu cho đất nước được hạnh phúc, thịnh vượng và bình an”. Lễ dâng các vật tế và các món ăn: Vua quỳ và chấp tay ngang trán... Bài ca với ý nghĩa “kính mong vong linh trời xanh, đất vàng, cùng hiện diện rực rỡ uy nghi trước mắt chúng tôi trong ngày phúc trạch này... Kính mong các ngài nhìn xuống chúng tôi và ban ơn hạnh phúc vô bờ bến!”
Đọc sớ: Vua và các quan đều quỳ xuống, vị quan đến bàn thờ lấy tờ sớ (gọi là tuyên chúc) quỳ xuống đọc sớ. Đọc xong rút lui ngay. Nhạc nổi lên trong khi vua bái trước bàn thờ.

Lễ phân hiến (chia các thức ăn, lễ vật): Các quan đi từ Đông sang Tây đến trước 8 bàn thờ và dừng lại. Người phụ trách nghi lễ xướng lên “lễ phân hiến”... Nhạc cử lên. Các quan quỳ, vị quan dâng hiến đến cầm hộp đựng lụa, người bưng bình rượu và ly rượu, chia các lễ vật ra và đặt ở các bàn thờ.

Sau đó là Lễ dâng rượu lần thứ hai (Á hiến), nhạc công tấu bài “Điềm lành” ... “chúng tôi tôn thờ các ngài, chúng tôi dâng lên các ngài lễ rượu lần thứ hai này, các ngài là đức độ sáng thơm. Ngọc và lụa rất đẹp đẽ... Mong ngọn gió lành đến với chúng tôi! Cầu mong các vị thần thánh cao xa hiểu đến lòng thành của chúng tôi để ban ơn cho chúng tôi và con cháu đời sau càng ngày càng phát triển thịnh vượng!” Đoàn múa các điệu múa gậy và sáo. Hoàng thượng đến bái vị. Rồi lễ dâng ruợu lần thứ ba, là lễ dâng cuối cùng, cử bài “Lễ tấu vĩnh thành chi chương” cầu cho được trường cửu.... Sau đó, các quan chia các lễ vật gọi là lễ tứ phúc tộ. Hai vị quan mang rượu đến mời vua uống “kính tâu hoàng thượng ẩm phúc” (xin mời vua uống rượu phúc) và “kính tâu hoàng thượng thọ tộ” (xin mời vua nhận thịt). Vua nhận rồi trao lại cho vị quan đứng gần đó. Vua bái lễ. Một số các bài vị, sớ, vật dùng khi hành lễ được đem đốt trong lò... Trong các lễ vật quý có hai viên ngọc xanh (bích ngọc) và ngọc vàng (hoàng ngọc) các quan đem bỏ vào hộp, đem về cất. Vua làm lễ “tống thần” tiễn đưa thần ra đi... Nhạc cử bài “tấu hi thành chi chương” (bài ca thịnh vượng)... Các quan đem lụa và các vật sử dụng trong buổi lễ đến lò đốt, vua đến chứng kiến.

Vua hồi cung: Sau khi các nghi lễ kết thúc, quân lính xếp thành đội ngũ như lúc ra đi. Vua từ trên đàn xuống và trở về Trai cung. Các quan dại thần văn võ, hàng ngũ chỉnh tề. Quan Thượng thư bộ Lễ và người thị vệ phụ trách kiệu vua đi đến mời vua chít khăn vàng, mặc hoàng bào rồi lên ngai. Các vị trong hoàng gia và các quan đứng chầu hai bên. Quan bộ Lễ tâu lên vua lễ Tế Nam Giao đã kết thúc. Tất cả mọi người vào hàng, lạy năm lạy, rồi giải tán. Vua lên kiệu, lính hầu khiêng kiệu đi. Mọi người đứng hai bên cúi chào khi vua đi qua. Tất cả các nhạc khí cùng một lượt tấu lên.

Khi vua về đến kinh thành, quan giữ cửa thành đứng đợi trong cổng để đón vua. Chín phát súng lệnh nổ lên khi vua vào cửa Đại cung môn. Vua đi đến điện Cần Chánh. Lính thị vệ khiêng các bàn đặt thức ăn, ruợu, thịt “phúc tộ” theo. Vua lên ngồi trên ngai vàng. Quan giữ thành đến trao trả lại cờ lệnh cho vua rồi rút lui. Vua đi vào bên trong nội thất cùng hoàng gia “thọ tộ” (chia phần thức ăn đã dâng cúng thần linh trong lễ Tế Nam Giao).... (Phỏng theo tài liệu của R. Orband (nguyên Công sứ hành chánh tại Huế) và Léopold Cadière (Linh mục thuộc Hội Mission étrangère de Paris) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1915)

3. Năm Mậu Tý (1828): Vua Minh Mạng đi tế Nam Giao, cầu phao qua sông Hương bị hỏng, các quan có trách nhiệm bị phạt...
Tháng Hai năm Mậu Tý (1828) cách nay đúng ba lục giáp: 180 năm (1828-2008), vua Minh Mạng đi tế Nam Giao. Từ điện Thái Hòa, nơi vua ngự triều, qua cửa Ngọ Môn, bến Phu Văn Lâu, thẳng một đường đến Nam Giao. Thời đó, chưa có cầu qua sông Hương như bây giờ, nên vua ra lệnh cho Hữu Ty làm cầu phao bắc để rước xa giá vua qua sông. Các quan có trách nhiệm là Nguyễn Tài Năng (kỹ thuật), Phan Văn Thúy (kiểm tra) và Phạm Văn Lý (theo phò xa giá của vua) đã để cho tai nạn xảy ra, cầu bị nước tràn vào, các quan đều lo sợ ngả xuống sông. Nhưng vua Minh Mạng vẫn bình tĩnh, cho gọi thuyền rồng đi hộ giá trên sông đến để qua sông. Thấy vậy, các quan đại thần bèn lên tiếng buộc tội những người có trách nhiệm làm cầu... Nhưng vua Minh Mạng tỏ ra khoan hồng và chỉ xử phạt chứ không cho đưa ra trước một phiên họp của triều đình để luận tội... Các sử gia thuộc Quốc sử quán nhà Nguyễn đã ghi lại biến cố nầy như sau:
“Tháng hai, ngày Bính tuất, tế Trời Đất ở đàn Nam giao. Trước đây Hữu ty làm cầu phao để qua sông Hương, lại sai bày quân thí nghiệm. Đến trước tế Nam giao một ngày, xa giá đến Trai cung, đi qua cầu phao nước sông tràn lên, bầy tôi đi theo đều sợ. Vua không biến sắc mặt, sai đổi lấy thuyền rồng theo hầu để sang sông. Người chuyên coi làm cầu là Nguyễn Tài Năng, người thí nghiệm là Phan Văn Thúy cùng người phù giá là Phạm Văn Lý đều bị đình thần tham hặc. Nhà vua đặc mệnh giáng cấp khác nhau. Dụ rằng: “Việc nước tràn lên cầu, cũng là việc bất ngờ không tính trước được, tình còn khá thương, cho nên gia ơn khiến biết răn mà thôi. Nếu giao cho công nghị, thì cũng khó vì bọn ngươi mà bỏ phép nước được”. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, bản dịch của Viện Sử hộc Hà Nội, 1964, trang 18)


 Xa giá của vua thẳng đến Nam Giao, các quan không có nhiệm vụ đi theo đám rước cùng với dân các làng thuộc tỉnh Thừa Thiên, đều lập bàn thờ, đặt hương án, đốt hương trầm, quỳ hai bên đường cung kính đón vua. Khi xe của vua đi qua thì mọi người vái lạy và không một ai được nhìn thẳng vào mặt vua. Khu vực gần đàn Nam Giao là nơi dùng làm nghĩa địa của dân vùng Huế và Thừa Thiên, nên dân chúng kéo nhau lên trên các gò mả xa xa để được nhìn thấy xa giá và đoàn rước. Vua Minh Mạng ngồi trên xe thấy cảnh tượng đó thì ra lệnh cho quan Tổng quản thị vệ truyền cho mọi người không được dày xéo lên những mồ mả của dân, vua xem đó là một sự xúc phạm đến người chết và làm hư hỏng phần mộ của họ. Vua cho phép dân được đến gần, đứng hai bên đường xem đám rước.
 

NĂM MẬU TÝ (1828):

VUA MINH MẠNG ĐI CÀY RUỘNG TỊCH ĐIỀN

Dưới thời vua Gia Long, không thấy sử sách đề cập đến việc vua đi cày ruộng tịch điền. (tịch: cày, điền: ruộng). Nhưng dưới triều Minh Mạng thì việc cày ruộng Tịch Điền để khuyến khích nông nghiệp ở trong nước là điều vua rất quan tâm.

Mùa Xuân năm Mậu Tý (1828) nhà vua vừa tổ chức Lễ Tế Nam Giao xong, vừa tốn kém tiền bạc, ngân sách quốc gia, vừa vất vả cho quan, lính và dân trong nước, đặc biệt là quan dân tỉnh Thừa Thiên... Nhưng vua Minh Mạng không quản ngại sự khó nhọc và tốn kém đó mà lại còn ban hành một chỉ dụ thứ hai về việc tổ chức Lễ Tịch Điền vào Tháng 5.
Vua cho rằng đời Trần đời Lê có tổ chức Lễ Tịch Điền nhưng cách tổ chức quá giản lược, chỉ làm lấy có chứ chưa hẳn là nhằm mục đích khuyến khích dân chăm sóc nghề nông, là nghề gốc của nước. Theo quan niệm xưa thời quân chủ, phong kiến thì “lấy nghề nông làm gốc” các nghề khác là phụ, hoặc trong khi công việc nhà nông rỗi rãi mới làm đến các nghề khác mà thôi! Vua là người học rộng, đọc nhiều sách vở xưa để lại nên nhận thấy các đời Trần đời Lê chưa tổ chức lễ tịch điền đúng như sách vở xưa của Tàu.
Vì thế, vào tháng 2 năm Mậu Tý (1828) vua đã ban hành lời Dụ về việc cày ruộng tịch điền như sau:
“Vua bảo bầy tôi rằng: “Đời xưa vua cày ruộng tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Cái điển ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần đời Lê gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược. Trẫm từ thân chính đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp. Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước. Nên chọn đất ở Kinh thành làm chỗ tịch điền” bèn sai đặt ở hai phường Hậu Sinh và An Trạch, bên tả dựng đài Quan canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt dàn Tiên nông và đình Thần thương thu thóc. Sai Trung quân Tống Phước Lương coi làm. Thưởng tiền cho thợ và biền binh làm việc 5.000 quan. Lại đặt sở Diễn canh (tập cày) ở phía Bắc cung Khánh ninh, gọi là vườn Vĩnh trạch. Sai bộ Lễ bàn định điển lệ. Hàng năm cứ tháng trọng Hạ (tháng 5) chọn ngày tốt làm lễ.” (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, bản dịch của Hà Nội, 1964, trang 21- 24)

Vua cũng đi cày ruộng mở đầu cho vụ mùa trong nước. Vua ra lệnh chọn đất trong kinh thành làm chỗ tịch điền. Hàng năm vào tháng trọng Hạ (tháng 5) thì chọn ngày tốt để vua cày ruộng tịch điền. “Trước hết, phủ Thừa Thiên phải cho dân cày ruộng đó và chuẩn bị đất cho mềm. Năm ngày trước, vua ngự vườn Vĩnh trạch để xem tập cày. Một ngày trước, quan phủ Thừa Thiên chuẩn bị một cái roi, một cái cày, một thúng lúa, đặt lên án vàng trên thềm giữa điện Cần Chánh. Vua đến xem đồ nông cụ xong, quan bộ Hộ mang các thứ đó giao cho quan phủ Thừa Thiên tiếp nhận mang ra cửa Tả túc, đặt vào long đình. Nghi trượng nhã nhạc dẫn đường đi trước, tàn lọng che lên, đến cửa Tả đoan. Rồi lấy roi, cày, thúng lúa chia làm 12 phần, đặt ở Thái đình , theo thứ tự đi sau đến ruộng tịch điền, chiếu thứ vị bày ra, giờ tỵ ngày hôm ấy, vua đến cung Khánh minh trú chân. Biền binh đứng bày hàng ở tả hữu đường vua đi. Lại bày lính và voi, cờ súng ống ở ngoài tường ruộng tịch điền.
Giờ Tý ngày ấy, Hữu ty bày lễ phẩm trên dàn Tiên nông. Canh năm, trống nghiêm ba hồi, thị vệ bày lỗ bộ ở ngoài cửa cung Khánh ninh. Đến giờ Mão, vua đội mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc lên kiệu người dẫn trước, người theo sau, đúng nghi vệ. Nhã nhạc có bày nhưng không cử. Đến tường phía sau đàn tiên nông, các quan mang mũ áo thường triều quỳ đón ở phía trong của phường. Vua đến bên đông đường thần lộ, xuống kiệu vào tế.
Lễ xong vua ngự đến điện cụ phục, thay mang mũ Đường cân cửu long, áo long bào chẽn tay, thắt đai ngọc. Bộ Lễ tâu xin làm lễ cày tịch điền. Vua đến chỗ cày, đứng trông hướng Nam, các quan đứng chầu ở tả hữu đài Quan canh; quan Thái thường tự xướng, quan Lễ bộ dâng cày, quan phủ Thừa Thiên dâng roi.
Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, kỳ lão và nông phu đều 2 người dắt trâu, thị vệ 2 người đỡ cày. Ca sinh hát bài “Hoa từ”, nhạc sinh múa cờ màu; nhã nhạc cử nhạc. Phủ Thừa Thiên bưng thùng lúa đi theo. Hoàng tử cùng quan bộ Hộ đều cử một người theo sau vãi lúa. Vua cày 3 đường đi 3 đường lại xong, ngự lên đài Quan canh. Các quan ở dưới đài chia hai bên đứng hầu. Các hoàng tử, và thần công theo cày, đều đội mũ vàng mặc áo đỏ, cầm cày cầm roi cày 5 đường đi 5 đường lại, kế đến văn võ đại thần 9 người, văn đội mũ văn công, võ đội mũ hổ đầu, đều mặc áo lam, cùng cầm cày cầm roi cày 9 đường đi 9 đường lại. Đều dùng thuộc lại kinh huyện đi theo sau bưng thùng lúa vãi lúa. Lễ xong, vua ngự điện cụ phục, thay mặc long bào rộng tay, lên kiệu. Đại nhạc nhã nhạc đều nổi. Các quan lại ở trong cửa phường quỳ tống.
Vua về cung Khánh ninh. Các quan làm lễ khánh hạ. Ban yến và ban thưởng theo thứ bực. Quan phủ Thừa Thiên đem nông dân cày hết số ruộng tịch điền hơn 4 mẫu 4 sào, lấy hơn 2 mẫu 9 sào trồng lúa nếp, hơn 1 mẫu 4 sào trồng lúa tẻ. Sau khi gặt lúa, quan phủ Thừa Thiên hội đồng với bộ Hộ chọn lúa giống để riêng, còn thừa thì chứa vào kho Thần thương, gặp các tiết lễ Giao Miếu thì thổi xôi. Sau đấy hàng năm việc tế đàn Tiên nông đều sai Kinh doãn khâm mạng làm lễ. Lễ cày ruộng tịch điền thì nếu có quan phụng mạng làm thay, cùng những năm vua đi thăm địa phương thì cũng do Kinh doãn cày thay. Lại sai chọn mua thóc tẻ thóc nếp ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn Tây thuộc Bắc thành, lấy những thứ chất gạo trắng tinh, mà khí vị thơm dẻo, giao cho phủ Thừa Thiên chứa để dùng làm thóc giống.” (Đại nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, bản dịch của Viện Sử học Hà Nội, 1964, trang 21 - 24)
Qua trích dẫn trên đây, chúng ta thấy các sử quan nhà Nguyễn đã cung cấp cho chúng ta nhiều chi tiết về Lễ Tịch Điền rất giá trị. Có lẽ chưa có một sử liệu nào nói về Lễ Tịch Điền đầy đủ và chính xác như vậy. Chúng ta thấy việc tổ chức lễ Tịch Điền dưới đời vua Minh Mạng quy mô và mang nhiều ý nghĩa khuyến nông rất quan trọng. Gần đây, qua video, chúng ta cũng được thấy những hình ảnh xa xưa về lễ tịch điền được tổ chức dưới triều Nguyễn tại Huế. Nhưng so với tài liệu sử sách ghi lại thì việc tổ chức Lễ Tịch Điền vào tháng 5 năm Mậu Tý (1828) cách nay 180 năm, dưới thời vua Minh Mạng, quả thật to lớn hơn nhiều. Thật đúng như lời của vua Minh Mạng: “Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước”. Đúng là thời đại thái bình, thịnh trị của đất nước thì triều đình mới có thể tổ chức được một lễ tịch điền to lớn, quy mô và tốn kém như vậy!

GS Nguyễn Lý-Tưởng





 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top