Giới thiệu sách mới phát hành
Lê Chiều Giang
KHÔNG ĐỨNG MÃI TRONG TRANH
Nhớ về Hội Họa Sĩ Trẻ
Tôi nhỏ xíu, tôi bé xíu.Cũng chẳng có nghĩa những bóng lớn của Hội Họa Sĩ Trẻ đó đã che hết dáng tôi, cô học trò xinh xinh, chen chân, nhón gót xem tranh trong những chiều trốn lễ, bỏ nhà thờ…
Tôi mượt mà, tóc bay và mắt ướt, tôi thơ mộng như những thiếu nữ trong tranh.
Tôi nhìn thấp thoáng chút yêu kiều, thời của những Chagall, Pissarro, Cezanne, Matisse… Và ngay cả rất xa xưa, Rembrandt.
*
Không khí phòng triển lãm Alliance Française, tràn đầy những tinh hoa, thoát bay và ấm áp.
Khói thuốc Haft & Haft thơm tho, Basto nặng nồng, hay Lucky mờ mịt. Mắt tôi bốc cay với khói mà tưởng như có thêm cả chút nồng nàn, sướt mướt.
Những bức tranh với tên gọi bàng bạc như Thơ.
Anh Trịnh Cung với “Vương Hương”; “Trăng, Chim, Hoa và Nàng” của anh Đinh Cường; Nghiêu Đề với “Vùng Thanh Thoát”; và Nguyễn Trung của “Đêm Chân Không” …
Tôi mê những bức tranh cổ điển của anh Đỗ Quang Em. Ánh sáng và bóng tối, lạnh toát hay vắng tanh, anh đã làm ấm lại trong tranh chỉ với chút ánh đèn dầu le lói.
Và tranh Cù Nguyễn đẹp như một thinh lặng, gắn bó cùng nỗi chết, đâu đó mãi tận cuối chân trời.
Sàigòn, những ngày xao xác cùng chiến tranh, những lửa đạn kinh hoàng Khe Sanh, Quảng Trị...
Đạn lạc tên bay tận những nơi xa vời để bảo vệ cho Sàigòn. Một Sàigòn không tiếng súng.
Và tôi, trốn hết học hành trường lớp. Tôi mê muội theo những hương thơm ngát của sơn dầu, tôi bàng hoàng bên những nét cọ sắc sảo. Nét cọ mà khi dào dạt cùng tranh, đã phải óng ánh hơn những nét bút rời rạc; chữ nghĩa lơ mơ chợt quên, chợt nhớ của tôi trong trường thi, lớp học.
Tôi bị cuốn theo những chiều rực rỡ La Pagode, những đêm Givral hoa đèn lấp lánh.
Và cả với những sáng khi Sàigòn còn mờ hơi sương, lúc phòng tranh chưa mở cửa. Nơi đó, có năm bảy chàng họa sĩ trong Hội Họa Sĩ Trẻ, ngồi nghi ngút cùng café bên góc hè của Continental Hotel, ngay cạnh phòng triển lãm Alliance Française.
Hình ảnh mà sau này tôi xem trong phim tài liệu về những Họa sĩ thuộc thế kỷ 19th: Claude Monet, Rodin, Degas, Renoir, Cezanne… Họ đã có những sáng vang vang bốc khói cùng café, những đêm rượu đổ đầy đường trên phố Montmartre. Họ cũng đã ngồi cùng nhau bên những câu chuyện đầy màu sắc, ấm áp và chan chứa nhiệt tình, không khác gì những vị trong Hội Họa Sĩ Trẻ.
Từ The Boulevard Montmartre tới Đại Lộ Tự Do Sàigòn.
Trăm giấc mơ đã cùng với khói thuốc mịt mù bay, họ say sưa bàn bàn, nói nói về những tác phẩm tinh khôi, nhằm sáng tạo ra nhiều nét khác biệt hẳn với những tàn dư cũ.
Những bước chân reo cho một ước mơ dài: Làm mới, làm thăng hoa thêm cho nền hội họa của Miền Nam Việt Nam.
Hội Họa Sĩ Trẻ, và phố xá, và Sàigòn của những đêm mưa… Ánh đèn đường lạnh lẽo hắt hiu, mờ mờ soi vàng những chiếc lá lao xao, rơi rụng.
*
Leonardo Da Vinci dặn rằng, tranh là bài thơ để đọc, và thơ là bức tranh để xem. Tôi luôn lẫn lộn giữa thơ và tranh, tiện thể, tôi còn nhầm luôn Họa sĩ với Thi sĩ.
Nghiêu Đề, chàng họa sĩ tài hoa với cả chút đa tình, sống lửng lơ như gió, đã thiết tha mời tôi ngồi mẫu. Và tôi tình nguyện, tôi hân hoan được làm người: Đứng mãi trong tranh.
Trong một buổi trà dư tửu hậu của Hội Họa Sĩ Trẻ, tôi rủ theo cô bạn.
Trên đường về, cô phàn nàn: “Hội Họa Sĩ Trẻ”, tên nghe hay hay, nhưng sao toàn mấy ông… già chát?
Tôi phải lan man giải thích. Năm 1962, khi các họa sĩ muốn lập hội, đã bị nhiều khó khăn, bị từ chối bởi Bộ Văn Hóa.
Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên, đề nghị đặt tên lại là: Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, tên phải có thêm chữ Việt Nam, phải nghe như một “đội đá banh” của những bạn trẻ. Như thế, Bộ Thanh Niên mới có thể quyết định cho lập hội, thay vì phải qua sự can thiệp của Bộ Văn Hóa.
Và như tên gọi của một Hội đá banh đó, bỗng có những khuôn mặt không còn trẻ nữa. Lại càng không ai có sức lực nào để có thể chạy, rượt đuổi theo những trái banh trên sân cỏ.
... Những “Họa sĩ Trẻ, sao đã già, mà… lại còn già chát?”.
Với tôi, Arts sáng như trăng và long lanh không tuổi. Như khi thưởng lãm những công trình sáng tạo của Michelangelo, Lorenzo Bernini… Cái đẹp qua tượng nude của David, hoặc dáng nằm trầm luân của Teresa.
Và còn muôn ngàn những tác phẩm thời Renaissance, Baroque. Thêm cả những công trình kiến trúc, và với biết bao tượng cùng tranh… Tất cả, như đã là của muôn đời.
Arts, đã xóa hết những nếp nhăn của thời gian, và làm biến mất khoảng cách của không gian. Để cho dù tới ngàn kiếp sau, Artists vẫn luôn hiển hiện, vẫn như còn lồng lộng trước những tác phẩm, những công trình tuyệt vời, phải sống với ngàn năm của họ…
Và như thế, những nhân vật trong Hội Họa Sĩ Trẻ, lứa tuổi của 30, 40 đã sáng chói, đã như trăng như sao trong tâm tưởng tôi, cô bé thời đi học.
Qua những tác phẩm nhiều khai phá, sáng tạo tới nơi tới chốn, và với những khởi sắc đầy tài hoa… Họ đã rất trẻ, và họ sẽ còn trẻ mãi.
Nhưng lần lượt rồi họ sẽ ra đi.
Nói đùa như anh Mai Chửng và Nguyên Khai, khi dặn dò Nghiêu Đề bên giường bệnh: “Xuống đó nhớ lập lại Hội, xong xuôi rồi thằng nào xuống trước sẽ ghi danh…”
Năm 1974, anh Lê Tài Điển từ Pháp về, ngồi với anh Nghiêu Đề và tôi ở phòng tranh La Dolce Vita, phía sau khách sạn Continental Palace.
Đặc biệt của La Dolce Vita là họ rất chuyên nghiệp và kỹ lưỡng về ánh sáng cho góc độ của từng bức tranh.
Ánh sáng hài hòa đã làm nổi bật, ấm áp, và như làm đẹp thêm cho những tác phẩm của Hội Họa Sĩ Trẻ, khiến anh Lê Tài Điển muốn ngồi lại mãi, dù phòng tranh đã tới giờ đóng cửa. Anh dặn dò: “Cô đừng bao giờ quên, hạnh phúc và may mắn nhất của chúng ta là, được ngồi chung quanh những bức tranh, những tác phẩm tuyệt vời...”
*
Tôi café mỗi sáng, rượu đỏ mỗi tối bên những tranh của Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyễn Lâm, Ngy Cao Uyên, Nguyễn Phước… Những xanh mượt mà. Những vàng ánh xôn xao. Những đỏ thắm như mặt trời, trắng xóa như sẽ chẳng còn thấy gì; hay những màu âm u lạnh toát trong tranh Nghiêu Đề…
Bắt chước La Dolce Vita, tôi thắp sáng những ánh đèn, tôi tạo ra một không gian ấm áp và bừng lửa. Những ánh đèn rực rỡ đôi khi, đã soi xuyên qua bóng đêm tối tăm, lạnh lẽo.
Ánh sáng trầm như nhạc, sắc như gươm đã như ngàn tiếng hét hò trong đời sống tôi: Lặng im.
Ánh sáng như giục giã, như gọi mời, để lắm khi dù đêm đã sắp tàn, những nhân vật vẫn lặng lẽ, vẫn mơ hồ bước ra từ tranh…
Họ điềm đạm ngồi uống với tôi, nhắc lại cùng tôi những điều rất xa xôi, từ trăm năm cũ.
Tiệc Ốc Ma
“Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Một ngọn đèn tóc tang, dửng dưng…”
[Nhạc Nguyễn Đình Toàn]
Phim “Xa Lộ Không Đèn”, có từ năm 1972. Dù chưa bao giờ xem, nhưng tối nay, tôi lại chợt nghĩ đến.
Ánh đèn của những chiếc xe máy, vòng vèo lướt ngang, vội vã. Chút ánh sáng chớp tắt lập lòe đã không đủ cho chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Nhưng sao tôi lại hình dung ra cuốn phim ngày trước, với những hình ảnh màu mè, những tấm quảng cáo đã được dán khắp nơi, ở mọi hè phố của Sàigòn, những năm xưa...
Sau 1975, cả nước sống triền miên trong những đêm không đèn. Và đã chẳng có ai cần phải ra tận xa lộ mới thấy được cảnh phim đầy gay cấn trong “Xa lộ không đèn” của Hoàng Anh Tuấn.
Tối nay, anh chị Nguyễn Đình Toàn và chúng tôi, đang đứng ngay chân cầu xa lộ âm u.
Sàigòn của chúng tôi. Sàigòn với những đêm không đèn đóm...
Anh Nghiêu Đề quăng tàn thuốc xuống lề đường đọng nước, tiếng nói Anh lúc nào cũng hiền hòa:
- Vụ tụi nó mời mình vô cái Hội Văn Nghệ, Văn Hóa gì gì đó, Ông thấy sao?
- Tôi đã nói với chúng nó một câu trừ hao rồi: “Hội nào mấy ông mời, tụi tôi cũng vô hết, nhưng để cho chắc ăn, tôi muốn biết, nếu khi nào cần ra khỏi mấy cái Hội đó, thì mấy ông có cho chúng tôi ra hay không?”. Nghĩa là, vô rồi thì có còn ra được nữa hay không?
Chị Thu Hồng cười vang với lối nói cà khịa của Nguyễn Đình Toàn, ông chồng đanh đá.
Trước khi đạp xe về hướng Làng Báo Chí, anh Toàn dặn dò:
- Thôi, thân thằng nào thằng nấy lo…
Nhưng chúng tôi cả đám đã chẳng ai cần “lo lắng” gì. Toàn những tụ họp và rong chơi.
Một sáng chủ nhật, khi tôi đang đứng xếp hàng chờ mua chút thực phẩm Hợp Tác Xã. Chị Thụy Vũ và chị Thu Hồng tới tìm, tay chị Vũ cầm một cục gạch. Chị thành thạo bỏ xuống chân tôi, như một thế chỗ.
Tôi gửi gắm cục gạch để người hàng xóm nhích lên giùm. Tôi đoán, chắc cả tiếng nữa mình mới cần trở lại.
Ngồi chờ chúng tôi ở Café Cây Bông Gòn ngay cầu Kinh Thanh Đa, là anh Nguyễn Đình Toàn, Nghiêu Đề và Dương Thụ, người nhạc sĩ bỏ Hà Nội vô Sàigòn sớm nhất.
Xong Café với đủ thứ chuyện buồn vui, khi thầm thì, lúc to nhỏ... Tôi mời bạn bè về nhà dùng bữa cơm trưa với những thứ vừa mua được từ cửa hàng Hợp Tác Xã.
Thiên hạ cứ hay bàn về “hạnh phúc”, hai chữ vừa đắt đỏ, vừa khó khăn, lại khó tìm. Nhưng sau 1975, chợt nhiên mà “hạnh phúc” rất dễ nhìn thấy: Đôi khi chỉ là vì dưới cái nắng như điên của Sàigòn, bỗng có ai đó đang xếp hàng bỏ đi, nhường cho mình chỗ của họ; hoặc ráng kỳ kèo thêm trái ớt, mà đã không bị cô bán hàng Hợp Tác Xã đá thúng đụng nia, lườm lườm, nguýt nguýt.
“Niềm vui”, cũng chẳng ai cần phải lặn lội kiếm tìm xa xôi. Nhiều khi nó cũng rất đơn sơ, rất tội nghiệp. Hân hoan vui sướng chỉ vì mua được con cá bự hơn, hay những kí-lô gạo không bị nhiều sạn cát, đầy meo mốc…
Chị Hồng còn dặn dò trong lo lắng: “Cô nhớ đừng cho bột ngọt vô cá thịt trước nhé, chất ngọt của nó sẽ biến mất…” Chút quan tâm của chị, như trải ra sự đắn đo, dè sẻn của mọi chúng tôi. Cứ như cuộc đời chẳng có gì cần phải nhớ đến, cả nước chỉ còn biết quanh quẩn bên miếng hành hay những bó rau, loại rau có chút màu úa vàng, heo héo.
Và tôi đã chẳng bao giờ quên hình ảnh chị Thụy Vũ hôm đó, đặt lên bàn ăn một dĩa cá kho, mà chị đã phải đổ thêm nước vào như một tô canh, vì sợ thiếu…
Chúng tôi sống gắn bó, dễ thương trong thời đói rách. Dù biết rằng chẳng ai đã cam tâm, nhưng phải cố gắng đào bới, tìm cho ra những thú vị trong mọi cảnh đời trầm luân, gay gắt... Anh Toàn hay ghé Thanh Đa kể những chuyện cười dí dỏm, nhưng với giọng đầy chua chát, đắng cay:
“Bác Toàn ngồi chờ Bố cháu về nhé, Bác có muốn dùng trái cây không?”
Nghe tới “trái cây”, mừng vì thèm đã từ lâu, vừa “ừ” xong thì thấy nó đặt trên bàn một rổ đầy… những trái cóc xanh!
*
Nhưng chẳng phải lúc nào chúng tôi cũng cười cợt, để vượt qua được những sống và chết của một thời đầy tai ương, khó khăn và bất trắc.
Chị Toàn lo chạy từng bữa ăn cho Thức, Tri, Uyển và Xíu.
Chị Thụy Vũ, vật vã với áo cơm, nuôi đàn con nhỏ. Chị tất bật đến nỗi, đời sống lam lũ đã biến phong thái chậm rãi ngày xưa, thành ra một tướng đi lúc nào cũng như sắp chạy. Để có nhiều lần cùng nhau đi Café, Anh Toàn cứ phải níu chị chậm lại bằng câu nói đùa: “Thụy Vũ có sợ bị Tô Thùy Yên rượt, tóm bắt lại hay không mà phải đi nhanh dữ vậy?”
Riêng tôi, phải cùng với chị Lĩnh Mai vợ anh Nguyễn Trung, lên Crystal Palace nhận áo thun về cho hai họa sĩ vẽ những hình Walt Disney.
Nguyễn Trung và Nghiêu Đề vẽ tranh sơn dầu xấu đẹp ra sao, các bà hàng chợ không cần biết, để có khi chê bai những chiếc áo đã được đặt vẽ một cách thậm tệ, khiến hai Ông vừa giận, vừa tức điên người.
Dễ thương nhất là một sáng chị Hồng và tôi, vòng vo mãi quanh chợ Sàigòn, cũng chẳng mua được gì nhiều cho dịp tết sắp đến. Chúng tôi nhàn nhã, đi dọc theo đường Lê Lợi.
Chợt tôi giật mình vì tiếng cười khác lạ của Bùi Giáng. Chị Hồng vội trấn an: “Đừng sợ, ổng nhận ra tụi mình đó”.
Rất tinh nghịch, ông chạy vượt lên trước chúng tôi, rồi chợt quỳ xuống theo dáng vẻ của thợ chụp hình. Thay vì tròn những ngón tay dán vào mắt như hai ống kính, Bùi Giáng làm chúng tôi đỏ mặt, khi ông áp vào mỗi mắt bằng hai ngón tay, qua một hình thù rất tục tĩu. Nhưng cũng đành, chị Hồng và tôi nghiêm chỉnh đứng cho Bùi Giáng bấm cả chục tấm “hình”, mang về làm… kỷ niệm như lời Ông năn nỉ, dặn dò.
Chúng tôi vừa bước đi, Bùi Giáng chợt quay trở lại, rất hồn nhiên, Ông cửi phăng chiếc áo caro đỏ, cho thiên hạ thấy rõ một thân hình trơ xương, ốm yếu. Ông chìa cái áo dơ và rách ra hỏi chị Hồng: “Đổi áo không?” Chúng tôi chỉ còn biết cười tung tóe. Và ông cũng cười, âm thanh nghe hào sảng, ngổ ngáo và vô cùng... Bùi Giáng.
Có những đêm chúng tôi ngồi Café. Điện cúp tối tăm, chỉ còn chút vành trăng mỏng dính, treo lửng lơ rất mơ màng. Anh Toàn mượn cây đàn của chủ quán, ngồi ngay giữa trời, thầm thì hát.
Nghiêu Đề và tôi cùng im, cùng nghe và cùng chết lặng.
Anh đang hát cho ngày chúng tôi sắp ra đi. Đi tới một nơi mà toàn dân thiên hạ đều mơ ước: California.
Anh Toàn trách chúng tôi mang theo cái “sân khấu”, cùng cả với “Dòng sông ca hát”.
Chúng tôi sẽ bỏ lại biết bao nhiêu bè bạn bên một đời sống u hoài, buồn bã, mà không còn có nơi nào để gặp nhau thường xuyên như trước nữa.
Thanh Đa, căn chung cư nhỏ nhưng là chiếc hộp rất lớn, đã gìn giữ lại rất nhiều khuôn mặt, với muôn ngàn kỷ niệm của chúng tôi, sống qua những điêu linh, và rủi ro của quê hương trong bao tháng năm dài...
Cuối năm 1984, khi chúng tôi ra đi, đã chẳng ai nghĩ sẽ còn có bao giờ trở lại. Và bởi thế, chuyện chia tay cứ như là mãi mãi.
“Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Dù mịt mù xa xăm
Dù mệt nhoài trông ngóng…”
[Nhạc NguyễnĐìnhToàn]
*
Anh chị Toàn mừng vì Sàigòn đêm qua mưa dầm, khiến rất nhiều con ốc ma đã lần mò, bò chậm chạp trên những khóm cây thâm thấp ướt, trước hiên nhà.
Bữa tiệc tiễn chúng tôi ra đi không phải ở Cư xá Thanh Đa, mà là nhà anh chị Nguyễn Đình Toàn bên Làng Báo Chí.
Không cá thịt, cũng chẳng phải cơm chay. Thức ăn đặc biệt chỉ là những con “Ốc Ma”.
Ốc Ma. Mới nghe tên thôi mà tôi đã co hết người, vì sợ hãi.
Chị Thụy Vũ diễn giải rằng, đây là một loại ốc đặc biệt, vừa mắc tiền, vừa hiếm hoi mà dân Châu Âu rất thích. Bởi anh Hồ Trường An bên Pháp phải đặt mua trước mới có.
Chị Thu Hồng đơn giản hơn, khai ra cùng bè bạn: Hôm nay chúng ta có Ốc Ma vì không có tiền đi chợ. Món đặc sắc này là do sáng kiến của chị Thụy Vũ.
Và tất cả chúng tôi đùa vui, líu lo bên những dĩa ốc tỏa khói, thơm ngát…
Trần Quang Lộc đã ngồi lại, hát cùng chúng tôi cho đến lúc đêm tàn.
“Em có nhớ căn nhà xưa
Bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe
Nắng giòn trên mái
Ở đó có những lũ sên bò quanh
Có tiếng khóc hơi đèn nhang
Có giếng nước soi trời trong…”
[ThuHồng, nhạc NguyễnĐìnhToàn]
Đêm, lời nhắc nhở của một ngày sắp hết.
Có phải khi ngày tinh khôi bắt đầu, là lúc đêm còn đang tối tăm?
“Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Dù lửa tàn trong anh
Không còn đủ
Khêu thêm đèn sáng…”
[Nhạc NguyễnĐìnhToàn]
*
Năm 1998, một ngày sau khi tới Mỹ. Anh chị Nguyễn Đình Toàn vội vã xuống San Diego tham dự buổi tiễn đưa anh Nghiêu Đề. Nhưng tiếc là mọi chuyện đã xong hết, chỉ vài giờ trước khi anh chị đến.
Anh Toàn nói lời cuối cùng bên chân dung Nghiêu Đề: “Không lẽ cuộc đời chúng ta toàn phải chạy? Chạy hớt hải, chạy, chỉ để rượt theo những điều... chẳng còn có bao giờ kịp nữa”.
Và em, cuối cùng cũng đã không kịp “chạy” lên trong ngày buồn nhất.
Ngày Chị ra đi…
“Mong cho người về được nơi sẽ đến
Ta chia tay
Ta chia lời vĩnh biệt”
[Nhạc NguyễnĐìnhToàn]
Café âm u
“...Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng…”
[PhạmThiênThư]
Khi bay tới Havana, tôi không ở tại thành phố có những kiến trúc nửa cổ điển, nửa tân kỳ. Những hào nhoáng của vài building, cố gắng hết sức để từa tựa như White House hay Tòa Nhà Quốc Hội ở Washington DC.
Đáp chuyến xe lửa ầm ĩ, còn nguyên những trăm năm của một chuyến tàu vừa chậm chạp, vừa cũ kỹ. Từ Havana tôi ghé Matanzas Town.
Loanh quanh trong những xóm nghèo, tôi tìm ra con phố bé xíu, nơi tôi hỏi thuê một gian nhà nhỏ, chẳng có chút tiện nghi nào.
Tiện nghi? Có phải đã chẳng đâu bằng nước Mỹ, nhất lại là California...
Khi đến với Cuba, tôi mê những heo hắt, những nắng tàn mưa sớm, cùng sự quạnh hiu của mỗi đêm về, trong những khu xóm nghèo nàn.
Mỗi chiều, tôi hay ngồi café ở một quán nhỏ ngoài trời. Dựa lưng bên tường vôi loang lở, nhìn những vũng nước chẻ đôi chẻ ba trên nền gạch vừa nghiêng chao, vừa như sắp vỡ.
Tôi ngồi đó tới tối, chờ khi ánh đèn măng xông thắp sáng. Cái ánh sáng không tối, cũng chẳng bao giờ đủ sáng, hắt ra từ cái xóm lạ mà như đã rọi soi, đã theo tôi tìm về chút tàn rơi, của một đời sống từ những tháng ngày vô cùng xưa cũ…
*
Ôm ấp nhiều mơ màng, tuổi 15, 17 tôi mang thơ Phạm Thiên Thư rải trên tóc thơm tho, viết trong tà áo trắng.
“... Anh khoác áo nâu sòng
Em chân trời biền biệt…
... Bây giờ anh qua đó
Còn thấy chữ trong chuông…”
[PhạmThiênThư]
Và rồi khi đất nước điêu linh năm 1975. Những thơ, những văn chương chữ nghĩa đã rụng rơi theo mọi thứ hoang tàn, của một quê hương lầm than với đầy những tai ương, và điên đảo.
Lần đầu tiên anh đến nhà chúng tôi ở Cư xá Thanh Đa, Phạm Thiên Thư chẳng mang dáng vẻ gì của một Thi sĩ như tôi từng tưởng tượng, qua những vần thơ hằng đọc thời thiếu nữ. Anh cũng chẳng màng gì nữa đến chuyện thi ca, văn chương hay thơ phú.
Nghiêu Đề và Phạm Thiên Thư, hai nhân vật sống vất vưởng trên mây, giờ phải ngồi giữa nhà, bàn chuyện cơm áo. Đó là những tháng ngày của đầu năm 1977.
Anh nói với giọng điềm đạm, chậm rãi. Chú chó nhỏ của tôi nằm bên bàn tay ve vuốt của Anh mà như sắp ngủ.
“Con chó liêm sỉ”, tên mới chúng tôi gọi con chó nhỏ, khi qua đã nhiều ngày mà nó nhất định không ăn bo bo, mì sợi, khoai sắn, như chúng tôi đã phải ăn mỗi sáng, mọi trưa và chiều tối…
Nó có liêm sỉ hơn chúng tôi, nó quyết liệt, nó thà nhịn đói, nó thà chết.
*
Phạm Thiên Thư giận dữ với câu chửi thề hiếm hoi, quăng hộp diêm mà dù cố gắng lắm, cũng chẳng có que nào cháy, vô lò than. Loại than mà không phải riêng anh, cả nước đã không ai nhóm nổi. Có lần tôi đã phải đầm đìa nước mắt vì khói và với cả tức giận, vì sau hai tiếng loay hoay, tôi cũng không biết làm sao cho than cháy trước bữa cơm chiều.
“Quán” Café mà luôn chỉ có hai người. Anh Nghiêu Đề và tôi.
Một ông yêu thơ Phạm Thiên Thư, có căn nhà trên đường Phan Thanh Giản, tốt bụng cho Anh Chị kê hai chiếc bàn nhỏ bên góc hiên nhà để bán café, đặc biệt là chỉ được bán buổi chiều, sau 5 giờ.
Quán không có điện, chút ánh sáng vật vờ từ những ngọn đèn đường, không đủ cho chúng tôi nhìn rõ mặt nhau. Nhờ chút ánh lửa từ lò than rực rỡ, có khi đã làm cho đêm bớt tối tăm, và như đã sưởi ấm bốn người chúng tôi, nhỏ to quanh những câu chuyện mà ai cũng chỉ dám thì thào, nho nhỏ...
Khởi đầu cho những tiếng cười, luôn là lúc anh Nghiêu Đề quăng gói Vàm Cỏ trên bàn mời mọc: “Hút đi ông, hút đại đi cho nó bổ”.
Mỗi tháng, “Văn nghệ sĩ” được mua 4 gói thuốc lá, anh Phạm Thiên Thư phải để dành Vàm Cỏ để bán lẻ cho khách, anh chỉ hút thuốc “lá đu đủ Lạng Sơn”. Rất chậm rãi, và lặng lẽ, anh quấn những sợi thuốc lá trong tờ giấy lịch, hình ảnh trông hiền lành, lại có chút gì như sắp cam tâm.
Để ý, tôi thấy anh chỉ sôi nổi khi bàn về “Dưỡng Sinh Điện Công”, một môn Đông Y mà sau 1975 rất nhiều người theo học, vì cả nước có nhu cầu mà chẳng bao giờ được đầy đủ thuốc men.
Bạn bè thường nhờ anh hướng dẫn về thuốc Nam, nhân tiện anh giúp bấm huyệt cho hết nhức mỏi, đau tứ chi, hay cả đau đầu...
Có khi tôi thấy anh có tướng của một ông thầy bốc thuốc hơn là một Thi sĩ. Tôi đã dần quên đi một Phạm Thiên Thư có những vần thơ trác tuyệt, một Phạm Thiên Thư đã mang đầy hương lửa, vào giấy vở học trò thơ mộng của chúng tôi.
Thay vào đó, chị Mai Trinh, hiền thê của anh, và cũng là ái nữ của nhà văn Hoàng Ly.
Với đôi mắt long lanh sáng, bên bếp lửa Café, chúng tôi thường được nghe đọc những bài thơ Chị làm cho Phạm Thiên Thư. Những vần thơ đẹp như trăng, và rất nồng nàn.
Café Phạm Thiên Thư vắng tanh, với những im lìm, dù quán chỉ xao xác với hai chiếc bàn nhỏ.
Thỉnh thoảng Thi sĩ Bùi Giáng, vai khoác chiếc túi rách tả tơi, tay kéo theo sợi dây dài có gắn rất nhiều lon sữa bò sét rỉ. Với vẻ mặt hóm hỉnh, Ông nghênh ngang tới ngồi ở chiếc bàn còn lại.
Tiếng kêu của những lon sữa kéo lê, khi chầm chậm, lúc vội vã trên nền ciment, tạo ra một âm thanh vừa kỳ quái, vừa dễ sợ. Cộng thêm là tiếng cười man dại, đầy cuồng điên của Bùi Giáng…
Nhưng đó là những âm thanh, những lao xao duy nhất của Café Âm U.
*
Tôi uống tới ly café thứ tư, trong buổi chiều cuối cùng ngồi với Cuba.
Mưa lất phất lạnh, tôi vẫn dựa lưng trên vách ướt ngoài trời, vẫn ngó mông xa ra con hẻm nhỏ, có những mái nhà hoang sơ ướt.
Chủ quán múa tay cho tôi hiểu, phố xá đang bị cúp điện. Bà muốn tôi vô trong ngồi cho ấm áp.
Hơ đôi tay lạnh, tôi nhìn ngọn lửa đỏ chấp chới trong bếp nấu café.
Ánh lửa làm bùng cháy nỗi nhớ của tôi về quán café tăm tối của Phạm Thiên Thư 40 năm về trước. Cái quán mà bàn ghế cũng quạnh hiu, chỉ có bốn chúng tôi buồn rầu ngồi thở than cùng ế ẩm. Café âm u tối, Café với những mưa bay, và gió se sắt lạnh của Sàigòn.
“Quán cúp điện” ở tận Cuba, mà sao tôi lại thiết tha nhớ về những con đường tăm tối? Những ngày Sàigòn, nhiều khi ánh điện đã chẳng tới được bất cứ nhà ai.
Đêm đó, cũng như mọi đêm không đèn đóm. Café Phạm Thiên Thư ngoài ánh lửa, còn có chút trăng soi.
Trăng nghiêng trên tóc anh, và lần đầu tiên chúng tôi nghe anh thầm thì, lan man đọc lại những vần thơ cũ.
“... Xưa ta hẹn với nhau
Tìm nhau giữa vô thường
Anh hóa thân làm mực
Thấm vào cuốn kinh thơm…”
“... Xưa em làm chữ biếc
Nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là Thiền Sư buồn
Ngồi tụng dưới ánh trăng…”
[Phạm Thiên Thư]
*
Rời Cuba khi trời còn mờ mờ tối, quán Café tôi hay ngồi vẫn chưa mở cửa.
Phía trước tôi, là một ông Cuban. Trong ánh sáng mù câm, tôi chẳng thấy gì, chỉ nghe tiếng rớt rơi của những chiếc lon, mà Ông đang quăng ra từ vài đống rác nhỏ ven đường.
Chút lúng túng của những tiếng rơi, sao tôi nghe như nhiều gần gũi?Suốt chuyến bay dài, tôi đã chẳng nghe thấy gì khác. Bên tai tôi là vang vọng cái âm thanh lạ kỳ… Âm thanh từ những chiếc lon được kéo rất ngập ngừng. nhưng lê thê buồn của Bùi Giáng...
Muốn mua sách xin liên lạc:
Lê Chiêu Giang tranh55@gmail.com
hay Nhà Xuất Bản Nhân Ảnh han.le3359@gmail.com (408) 722-5626