Giai Thoại Văn Học
Bài thơ đem lại quốc thể
Võ Huy Tấn là một quan văn kiêm nhà ngoại giao nổi tiếng dưới triều vua Quang Trung. Ông quê ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương, chưa rõ năm sinh và năm mất. Ông đậu Hương cống đời Lê, sau ra làm quan dưới triều Tây Sơn, từng sang sứ nhà Thanh và được triều đình Mãn Thanh rất khâm phục về tài ứng đối.
Tương truyền khi đi sứ nhà Thanh, một hôm ngồi ở công quán tình cờ thấy trong cuốn sổ ghi những đồ cống của ta do tên lại thuộc nhà Thanh biên chép, có viết hai chữ “di quan” (quan mọi) để chỉ sứ bộ Việt Nam. Võ Huy Tấn bất bình vô cùng.
“Biết làm thế nào bây giờ, chẳng lẽ đi gây gổ với một tên lại thuộc? Tên này, chẳng qua cũng chỉ là kẻ thừa hành của vua quan nhà Thanh mà thôi”. Ông suy nghĩ lung lắm và cuối cùng ông đã tìm ra được cách phản kháng vừa tao nhã vừa sâu cay.
Ông đề luôn một bài thơ bốn câu ba vần vào cuốn sổ rồi trao cho tên lại thuộc xem.
“Di” bản tòng “cung” hựu đái qua
Ngô bang văn hiến tự Trung Hoa
Thần kinh khâm tứ An Nam quốc
Thử tự thư lai bất diệt ngoa.
Dịch nghĩa:
“Di” vốn là “cung” hợp với qua
Nước Nam văn hiến giống Trung Hoa
Từ xưa tên nước rành rành đó
Viết bậy là “di” há chẳng ngoa.
Viên lại mục này cũng là một người hay chữ xem xong anh ta rất phục bài thơ ở chỗ khéo léo mà cương nghị, vừa giữ được quốc thể vừa không đẩy cuộc ngoại giao tới chỗ gay go. Tài tình nhất là cách triết tự chữ “di” của Võ Huy Tấn đã làm cho bọn sứ thần nhà Thanh phải kiêng sợ. Nó có nghĩa là: Các ông đừng coi thường chúng tôi là man di, di đây là di có sức mạnh, gồm cung và mác (vì chữ “di” gồm chữ cung và chữ qua hợp lại) chứ không phải là nước yếu hèn đâu.
Nghe nói, sau này khi bài thơ được truyền đến tai vua nhà Thanh thì lối gọi miệt thị dân tộc Việt Nam từ đấy được bãi bỏ.