Về nơi gió cát!
Đoàn Xuân Thu
Qantas, viết tắt chữ “Queensland and Northern Territory Aerial Services” (Dịch vụ hàng không trên lãnh thổ Queensland và Lãnh thổ phía Bắc) thành lập năm 1920.
Thoạt kỳ thủy Qantas chỉ chuyên dùng để đưa thơ, là một anh bưu tá biết bay. 100 năm sau, Qantas lên bảng phong thần là hãng hành không thương mại sống dai thứ hai trên toàn thế giới! Chỉ sau KLM (Royal Dutch Airlines) của Hòa Lan.
Lớn nhất của nước Úc, chiếm 65% thị phần nội địa và 18,7% số hành khách từ Úc bay ra hải ngoại, Qantas chở hơn 50 triệu hành khách (gấp đôi dân số Úc) mỗi năm.
Chính vì vậy mấy thằng Úc xưng tụng em Qantas là: ‘Queen of the Skies (Nữ hoàng của những bầu trời) hoặc “The Flying Kangaroo” (Kangaroo màu trắng cách điệu bay trên nền trời đỏ)
*
Từ năm 1971 tới nay, Qantas có tới 65 chiếc Boeing 747-400, ‘Made in USA’. Năm thập kỷ trôi qua, năm chục năm, nửa thế kỷ, một thời gian quá xá là dài thì biết bao nhiêu là kỷ niệm với dân Úc vốn ngứa chưn, ngồi yên một chỗ không được, nên bay tùm lum, tùm la ra thế giới bằng Qantas!
Boeing 747 chở được tới 4, 5 trăm hành khách và có thể bay xa tới 13,446 kilometers. Dân giàu đi chơi thì ngồi khoang ‘First Class’. Thương gia đi mần ăn thì ngồi ‘Business Class’. Cu li, dân ngu khu đen như tui thì ngồi ‘Economy Class’.
Nói thiệt nhe! Được cỡi máy bay Qantas của Úc, dù ngồi hạng cá kèo đi chăng nữa, lòng tui đã mãn nguyện, hãnh diện lắm rồi. Vì xưa giờ, tui chỉ biết đi tới đi lui bằng xe bò không hè. Có lần ngon lắm thì được ngồi xe ngựa. Giờ tung mây lướt gió thì hài lòng quá đi chớ! Đừng như thiên hạ, đứng núi nầy trông núi nọ; được voi đòi Hai Bà Trưng mà chi!
(Dám đua với đế quốc Mỹ về chế tạo máy bay chỉ có thằng ‘Airbus’ của Liên Âu. Chớ cái thằng ‘Tupolev’ của CS Liên Xô là không có cửa. CS Nga chỉ giỏi có một chuyện là sản xuất vũ khí giết người hàng loạt như súng AK 47. Còn cái gì để phục vụ nhân sinh như máy bay chở khách chẳng hạn thì nó dỡ như hạch. Bằng chứng là chuyến bay 831 bằng Tu-134 hãng Vietnam Airlines của CS, từ Hà Nội tới Bangkok bị trời đánh rớt cái ạch xuống ruộng vào năm 1988).
*
Đời mà! Đá mòn sông cạn! Thời gian sẽ hủy hoại đi tất cả; huống gì một chiếc máy bay. Vì máy móc chạy suốt tới 50 năm giờ đã ‘rơ’ hết ráo, nên bảo trì rất tốn kém. Rồi uống xăng như uống nước lã, xịt khói mù trời làm tổn hại môi trường. Tóm lại cho bay nữa là không có lợi! Phải dẹp nó đi thôi.
Vì vậy nên hãng United Airlines và Delta Air Airlines của Mỹ đã cho phi đội Boeing 747 của mình về nơi gió cát. Qantas cũng bắt chước theo đàn anh Mỹ cho những chiếc Boeing 747 lần lượt xếp hàng về hưu từ tháng Hai, năm 2020. Tính tới cuối năm là xong hết! Nhưng vì đại dịch COVID-19, hổng ai bay; ế quá nên Qantas cho cả bọn Boeing 747-400 nghỉ cái rụp vào tháng Bảy. Gần 6000 ngàn phi công, tiếp viên phi hành, nhân viên bảo trì cam đành mất việc. Cũng tại con ‘coronavirus Wuhan’ của thằng Tàu Cộng không hè!
*
Bấm đốt tay, tình yêu của dân Úc dành cho Boeing 747 kéo dài tới 50 năm. Hổng lẽ em ra đi về nơi gió cát mà mình nín thinh, không nói một lời từ biệt thì coi sao phải? Nên Qantas có làm 3 chuyến bay, dài một tiếng đồng hồ, là cơ hội cuối cùng để dân Úc bay trên Boeing 747, trước khi nó mãi mãi đi xa!
Ngày 13, tháng 7, tại thủ phủ Sydney, tiểu bang New South Wales. Ngày 15, tháng 7, tại thủ phủ Brisbane, tiểu bang Queensland. Và ngày 17, tháng 7, năm 2020, tại thủ đô Canberra. Vé ‘economy class’ 400 đô la, vé ‘buissiness class’ giá 747 đô la. Những chuyến bay tình cảm lưu luyến trước lúc chia bay với phi đội Boeing 747, Qantas sẽ không tính kiếm lời đâu. Tuy nhiên nếu có thì số tiền lời nầy sẽ được góp cho Viện Bảo tàng Hàng không ở thành phố Wollongong và Bảo tàng Người sáng lập Qantas ở Longreach. Mỗi nơi có trưng bày một chiếc Boeing 747 cho con nít đời sau chiêm ngưỡng.
*
Vào ngày 22, tháng 7, năm 2020. chiếc Boeing 747 cuối cùng mang số hiệu VH-OEJ sẽ ‘say good bye’ với các nhân viên bảo trì của nhà chứa máy bay đã từng chăm sóc nó. Chiếc VH-OEJ sẽ làm một vòng trên bầu trời Sydney. Nó hôn gió với bà con Úc vốn đã lỡ mất chuyến bay tạm biệt trước đó. “Thôi bà con ở lại mạnh giỏi! Vĩnh biệt! Tôi đi đây, tôi đi về nơi gió cát!”
Nơi gió cát đó là một nghĩa địa máy bay trên sa mạc Mojave thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ. Ở đó, nàng sẽ gặp lại các bằng hữu trong phi đội Boeing 747 của hãng Qantas. Rồi cả bọn sẽ bị xẻ thịt từ từ. Cái ‘logo’ ‘Kangaroo bay’ sẽ không còn bay, bay nữa. Cái gì còn tái chế lại được thì gở ra bán ve chai lông vịt.
*
Anh Ba Bốp, bạn nhậu của tui, không phải là dân Úc rặt, nhưng kỷ niệm tình anh Ba Bốp với em Boeing 747 nầy còn sâu đậm hơn so với bất cứ thằng Úc nào.
Chẳng qua là năm 1995, cách đây ¼ thế kỷ, lần đầu tiên trong đời, anh Ba Bốp được cỡi chiếc Boeing 747 của hãng Qantas đó bà con ơi.
Theo lời ảnh thuật lại thì: “Ngày 20, tháng Chín, năm 1995, tui ra khỏi một nhà tù bao la, là đất nước Việt Nam đang trong vòng chiếm đóng cực kỳ khắc nghiệt của bọn CS Bắc Việt. Theo chương trình ODP (Orderly Departure Program), ra đi có trật tự của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (High Commissioner for Refugees (UNHCR), tui dắt vợ và hai thằng cu con vĩnh biệt cái đất Sài Gòn.
Ra phi trường Tân Sơn Nhứt còn bị một thằng Hải quan CS, ‘BK 75’ làm khó dễ , hạch sách nầy nọ chỉ nhằm mục đích là lột sạch bách 200 ngàn bạc của tui còn dằn túi. Cống nạp nó xong, cả nhà tui mới được chiếc ‘mini bus’ chở ra tới tận cầu thang của một chiếc máy bay đang đợi sẵn.
Khoảng 1 giờ rưởi chiều, chiếc Boeing 737 của hãng Hàng không Phillippines cất cánh bay lên, hướng ra biển. Nhìn xuống cánh bay là những dòng sông quanh co uốn khúc. Quê hương tui đó mà tui đành đoạn bỏ ra đi vì mình đã làm thân mất nước! Chịu đựng sự hành hạ của CS suốt 20 năm, từ 1975 tới nay; dẫu tui không có tội gì ráo, thì cũng đủ trả nợ tiền kiếp rồi. Giờ tới lúc tui phải được trả tự do chớ!
Máy bay ngóc đầu lên! Dưới kia là biển. Nhà thơ Cao Tần trong bài thơ ‘Biển chiều’ đã từng:“Có bạn nào đang rắp tâm vượt thoát. Nhớ rằng ta luôn cầu nguyện cho người. Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc. Thì sá gì thêm một chuyến ra khơi!”
Dẫu nhà thơ đã từng khẩn thiết nguyện cầu như thế đó nhưng biển đó đã chôn vùi hàng trăm ngàn xác đồng bào ruột thịt của tui (đa phần còn rất trẻ) nên:“Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp. Những tiếng đời phiêu bạt khóc thương nhau!”
Chưa tới 3 tiếng đồng hồ, chiếc Boeing 737 từ trên mây xà xuống, lượn vòng vòng phi trường quốc tế Ninoy Aquino của thủ đô Manila. Dưới kia là những mái nhà lúp xúp như bát úp. Xuống phi trường, trời nhiệt đới đổ trận mưa to. Nước tuôn lã chã như khóc cho người đứt từng đoạn ruột bỏ xứ ra đi. Biết bao giờ trở lại?
Một thằng nhóc có mẹ là người Việt, cha là lính Philippine từng tham chiến tại Việt Nam, làm cho IOM (International Organization for Migration, Tổ chức về định cư thế giới) nên nó nói tiếng Việt cũng khá sỏi ra đón. Cả gia đình tui, thêm một bà có chồng chạy taxi ở Sydney và một chú khác, làm nghề vẽ áo dài, được vợ ở Melbourne lãnh. Chú ‘IOM’ nầy đưa cả bọn vô một nhà hàng nho nhỏ trong sảnh ở phi trường để ăn tối.
Ngồi đối diện tui trong bàn là thằng bạn của nó. Coi như tụi tui không có, hai đứa khề khà hai ly rượu, bận rộn bàn chuyện mần ăn buôn bán bằng máy bay gì đó.
Tui gọi một cái đùi gà chiên bơ với ‘sa-lad’ và ‘cà-tô- mách’. Tưởng ăn thịt gà chiên bơ là sang, là nhứt hạng rồi; sau nầy mới biết nó rẻ rề hè. KFC bán đầy ra đó! Ăn tôm hùm mới gọi là sang!
Tính kêu thêm một ly rượu đỏ để uống mừng ngày vượt thoát thì nó giơ tay ngăn lại. Chỉ được uống nước ngọt, kêu rượu là phải trả thêm tiền (mà tiền đô mình đâu có); làm tui cụt hứng.
Sau nầy tui mới biết tiền ăn bữa đó là của thằng em tui, người bảo lãnh tui, chi trả. Té ra hai thằng ‘khỉ mắc phong’ nầy nó thản nhiên ăn chực đồ ăn của mình, uống chực rượu của mình mà không cho mình uống chớ! Thiệt là quạu nhe!
*
9 giờ 30 đêm, vợ chồng con cái anh Ba Bốp lại lục tục từ phòng đợi của phi trường qua lối đi bước thẳng vào chiếc Boeing 747 của hãng Qantas từ Osaka Nhựt Bản về. Nó ghé qua Manila trả khách rồi rước thêm một mớ trước khi bay luôn suốt cả đêm về nước Úc.
6 giờ sáng hôm sau, chiếc Boeing 747 của Qantas đáp xuống phi trường quốc tế Tullamarine của Melbourne. Đèn sáng trưng như mở hội Hoa đăng chào tui vậy!
Ba và mấy em tui ra đón. Tháng Chín mùa Xuân nước Úc, Ba tui choàng vào vai con mình chiếc áo khoác vì sợ tui bị lạnh. Thằng em, công khó bấy lâu lo giấy tờ bảo lãnh cả nhà tui, cười hí hí nói: ‘Welcome to Australia! Ha ha!’
Tui khoái thiệt chớ! Sau mấy lần vượt biển bất thành, có lúc phải đi ở tù; giờ thì tui đã đáp xuống một vùng đất tự do rồi. Đêm ngủ với vợ không còn sợ bọn Công an phường lôi đầu mình về nhốt vì tội không có tên trong tờ hộ khẩu.
*
Vâng kỷ niệm tình đầu của tui với chiếc Boeing 747 của hãng Qantas là như vậy đó. Bây giờ nó đi về nơi gió cát thì thử hỏi làm sao lòng tui không khỏi bùi ngùi rơi nước mắt cho được chớ?
Nói xong, anh Ba Bốp khóc hu hu. Vượt biên bằng máy bay sướng thấy mồ mà thằng chả lại khóc; vì mãi mãi xa rồi em Boeing 747 ơi! Thiệt anh Ba Bốp đúng là một con người đa cảm, đa sầu, mau nước mắt như tui vậy!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.