ĐỖ HỒNG: Cần thay đổi Cách Xưng Hô dưới thời “Xã Nghĩa”

Cần thay đổi Cách Xưng Hô
dưới thời “Xã Nghĩa”
ĐỖ HỒNG

Trong giao tiếp hằng ngày, người nước ngoài không xem cách xưng hô là quan trọng lắm; ngược lại, người Việt, dù ở trong nước hay ở ngoại quốc, đều phải cẩn thận xưng hô cho đúng cách.
Người Mỹ, chẳng hạn, chỉ cần xưng “I” hay “we” và gọi (những) người mình giao tiếp là “you” (số ít hay số nhiều) thì đã ổn thỏa. Người Tàu cũng thế, “ngộ” và “nị”. Riêng người Pháp, họ xưng “Je” hay “nous” (số nhiều), và gọi người đối diện là “tu” (nếu thân mật hoặc nhỏ tuổi hơn) hay là “vous” (trong trường hợp tổng quát và số nhiều).
Thế nhưng, người Việt, theo truyền thống,  thường xưng hô như là người thân trong nhà và xem xã hội như là một đại gia đình, nên phải luôn cẩn trọng đoán biết tuổi tác và địa vị người mà mình giao tiếp để có cách xưng hô cho thích hợp, đúng phép. Thí dụ, khi gặp một người lớn tuổi cỡ bậc cha mẹ mình thì nên gọi họ là “chú, bác, cô, dì…” và xưng “con” hay “cháu” thì mới được xem là đúng phép xã giao.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện tại trong nước, người ta không lấy làm lạ khi nghe một người nhỏ tuổi gọi một bậc trưởng thượng đáng tuổi cha mẹ mình bằng “anh” hay “chị” một cách hết sức tự nhiên. Sự trịch thượng đó cũng còn được nghe khi một người nào đó gọi một vị linh mục hay thượng tọa bằng “anh”. Trước thời kỳ đạo đức suy đồi này, cách xưng hô như thế bị xem là hỗn hào, vô lễ, khó có thể chấp nhận được.
Trên sân khấu hay trên phương tiện truyền thông, người phỏng vấn đôi khi viện cớ người được phỏng vấn là nghệ sĩ nên “xin phép gọi bằng anh hay chị theo tinh thần văn nghệ” mặc dù trước đó người phỏng vấn thú nhận hay nhận xét người nghệ sĩ đó đáng bậc cha mẹ mình. Nếu không muốn gọi họ là “chú, bác, cô, dì…” thì sao người phỏng vấn không gọi họ bằng “ông” hay “bà” cho thích hợp với cách xưng hô tổng quát của người làm truyền thông?
Qua các shows dạy cách nấu ăn trên mạng ở trong lẫn ngoài nước, người hướng dẫn thường xưng tên hoặc xưng là “mình” hay thậm chí xưng là “cô” và gọi khán giả là “các bạn” trong khi người này không biết (hay biết mà lờ đi) rằng những người xem thuộc đủ mọi thành phần tuổi tác, có khi có người còn lớn hơn rất nhiều so với tuổi của người hướng dẫn. Ngôn ngữ Việt có chữ “quý vị” rất thích hợp cho khán giả thuộc mọi lứa tuổi, tại sao họ lại không chịu sử dụng? Về cách tự xưng, họ có thể dùng chữ “tôi” và nên tránh dùng chữ “mình” vì thông thường chữ này chỉ được dùng trong trường hợp bạn thân với nhau mà thôi.
Vẫn trên sân khấu và phương tiện truyền thông, người dẫn chương trình (MC) hay xướng ngôn viên thường mở đầu bằng câu chào “kính thưa quý vị và các bạn” một cách máy móc. Thật ra, cách xưng hô đó có thể dư thừa vì “quý vị” đã bao gồm đủ mọi thành phần rồi, kể cả “các bạn”. Cách xưng hô máy móc này, thật đáng tiếc, không những được áp dụng trong nước mà còn cả ở nước ngoài nữa!
Nhìn chung, dưới thời xã nghĩa, người ta có thể lấn cấn giữa cách xưng hô khi nói chuyện trước công chúng và khi nói chuyện riêng một cách thân mật. Ở trường hợp thứ hai, người ta có thể tự xưng là “mình” hay xưng tên cũng được, nhưng khi nói chuyện trên phương tiện truyền thông hay trước công chúng, cách đúng đắn nhất là xưng “tôi”. Chữ ngây ngô nhất mà sau này các xướng ngôn viên hay dùng là “các bạn nghe đài”. Ngày trước ở miền nam, các xướng ngôn viên thường dùng chữ “thính giả” (truyền thanh) hay “khán thính giả” (truyền hình), nghe vừa thanh tao mà lại vừa đúng nghĩa.
Sau năm 1975, có thể do đạo đức suy đồi từ khi chủ nghĩa cộng sản vô thần bị du nhập vào đất nước, người ta bất chấp tất cả để xưng hô loạn xạ lên, không ra thể thống gì nữa. Ngay từ năm 1945, có người chỉ mới độ ngũ tuần mà mọi người đều gọi là “bác” một cách khúm núm và xưng “cháu” ngọt xớt. Rồi nào là “anh hay chị Giám Đốc”, “anh hay chị Chủ Tịch”… Nghe sao chướng tai quá mức!
Tất cả những cách xưng hô hỗn xược, không đúng phép xã giao đó đã diễn ra dưới cái gọi là “chế độ xã hội chủ nghĩa” là do nền đạo đức suy đồi, luân lý xuống dốc và cũng do thói quen bắt chước một cách máy móc, thiếu suy nghĩ.
Ước gì bài viết này được trở thành một tiếng chuông gióng lên, cho dù là lạc lõng trong mớ hỗn độn của thời kỳ băng hoại đạo đức, gần như hết thuốc chữa, của một đất nước tang thương.

LTS: Cũng xin nói thêm một chút nữa vì tác giả bài viết đã quên không nhắc tới một kiểu chào hỏi quái dị: đó là ba tiếng “Chào mọi người” mà lớp người trẻ sau này thường xử dụng trong tiệc tùng,  họp mặt — nhất là trong các bữa tiệc mừng cưới hỏi, nơi có người già, người trẻ… nghe người đứng trên bục sân khấu PHÁN như vậy,  quả thật quá chói tai, hỗn hào. Thiển nghĩ tại sao không tập mở lời bằng: Kính thưa quý vị; hoặc,  kính thưa hai họ…
Xin nhắc nhở thế hệ trẻ trên xứ người nên nhớ câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” , hay là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, nếu không, bà con sẽ chê cười.
ĐỖ HỒNG

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top