XÉM CHẾT
Đặng Ngọc Thuận
TranhCao Nguyên Đồng Văn, họa sĩ Nguyễn Viết Lục
Tục ngữ có câu `` Sống chết có số ``. Tôi năm nay đã gần 88 tuổi nghiệm lại thấy câu tục ngữ ấy quá đúng. Quả thật trong đời tôi nhiều lần xém chết và có tới 3 lần tưởng như chắc chắn bỏ mạng mà không biết có một bàn tay mầu nhiệm nào đã tránh cho tôi thoát chết trong gang tấc. Hồi tôi mới 12 tuổi đang theo cấp trung học thì quân đội Pháp đánh chiếm Hà Nội khiến gia đình tôi phải tản cư ra ngoài ``hậu phương`` có nghĩa đơn giản là đồng quê, làng mạc. Những ngày phiên chợ, tôi thường xách giỏ theo mẹ đi mua bán thật là đông vui. Có biết đâu làm thế là chạy giặc hóa ra lại làm mồi cho giặc. Quả thật, sau khi Hà Nội bị chiếm đóng thì thành phố này coi như một thành phố chết, trống rỗng vắng tanh vì dân chúng tản cư gần như toàn bộ. Thay vì tìm cách lấy lòng dân như quân đội Mỹ sau này, bộ tham mưu Pháp lại nghĩ ra quỷ kế cho máy bay đi bắn giết dân lành một cách vô tội vạ, nhất là ở những chỗ đông người tụ họp như chợ búa, bến đò …
Do đó mới có hiện tượng hồi cư tiếng lóng còn khôi hài kêu thật vui là ``dinh tê`` khiến thành phố sống lại, tấp nập như xưa. Có biết đâu là quỷ kế ``xua dân`` ấy cũng gán cho quân đội Pháp cái tiếng xấu là đoàn quân viễn chinh vô kỷ luật nhất trong cuộc chiến VN. Ấy là chưa kể những tên lính Ma-Dốc cướp ngày, Xê-nê-ga-le rạch mặt phải nói cho đúng là dã man, sau nữa là lính đánh thuê Lê Dương còn vô trật tự, dữ tợn hơn lính chính quy Pháp. Một bữa đi chợ về, hai mẹ con tay xách nách mang đang vừa ra khỏi chợ bỗng nghe tiếng máy bay rầm rầm ngay trên đầu mình. Mẹ tôi 1thất thanh : ``Nằm xuống con, nằm xuống con …``Chúng tôi vừa kịp nằm sấp xuống bên vệ con đường làng bằng đất thì một loạt đạn súng liên thanh nổ ngay sát bên tai. Mọi việc xảy ra rất mau trong giây phút song hai mẹ con điếng người nằm xẹp trên mặt đất cả phút sau mới dám đứng dậy. Nhìn xuống thấy mặt đất lỗ chỗ một đường thẳng tắp vết đạn máy bay bắn hụt mẹ con tôi không đầy gang tấc. Thật là hú hồn! Riêng tôi hú hồn song thật ra là hồn phách lên mây muốn đuổi theo chiếc phi cơ để chửi cho tên phi công một trận.
Có điều lạ lùng là mấy chục năm sau, xém chết kiểu này được lập lại gần như nguyên bản. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong cảnh hỗn quân hỗn quan thiên hạ chen lấn nhau leo lên máy bay hay nhảy xuống tầu thủy để kỳ này di tản trốn ra nước ngoài thì tôi thơ thẩn đi tới đi lui trước cửa Bảo Sanh Viện Hùng Vương (nơi tôi làm việc và trú ngụ trước ngày mất nước) chờ đón mấy chân mạt chược đã chót hẹn từ lâu ! Bỗng tôi nghe một tiếng súng nổ và tiếp theo liền đó là tiếng một viên đạn bay vù ngay sát bên tai trái của tôi. Do phản ứng tự nhiên tôi đưa tay lên sờ tai thì không thấy máu me gì cả. Tôi thầm nghĩ mình vừa thoát chết lại trong gang tấc và vội chạy tót về nhà, nín im thin thít e rằng nói ra chỉ thêm bị vợ quở, mất công vô ích. Sau này nghĩ lại, chẳng hiểu vì sao mình suýt ăn đạn như vậy ! Không lẽ mình ăn ở hiền lành mà lại có ai thù hằn đòi ân oán giang hồ trong giờ phút lộn xộn này?!
Suy đi đoán lại mới nhớ ra là BV Hùng Vương ở sát nách một trại lính kiểng không rõ thuộc binh chủng nào. Trong giờ tan hàng có thể một chú lính còn trang bị sẵn súng ống nên vui tay bâng quơ nổ một phát góp phần cho cảnh hỗn loạn vô chính phủ lúc bấy giờ. Chẳng may mình ở trên đường bay của viên đạn mà thôi. Có chết thì là vì ``lạc đạn``! 2Trở lại thời gian tản cư tránh bom máy bay Pháp, gia đình tôi đến trú ngụ tại một ngôi làng đã nghèo khổ thì chớ lại còn đang bị bệnh thương hàn hoành hành. Thuốc Nam bạ đâu chữa đấy chẳng nói làm gì vì ``sống chết có số`` như tôi đã nói ở trên để bênh vực cho sự sống dai của mình, nhưng thuốc Tây thì Tifomycine lại chưa tìm ra, chỉ biết cấm ăn đồ đặc sợ thủng ruột đi cầu ra máu mà vong mạng. Không biết vì lý do nào mà trong đám lúc nhúc người tản cư, ông Trời lại lựa đúng tôi mà bắt chịu cái căn bệnh sống 1 chết 9 đó. Tôi lăn lộn chống lại Tử Thần khiến đầu trọc lốc chắc vì Thần nắm tóc lôi đi, tôi kháng lại nên tóc rụng hết ! Thân hình thì đúng như người ta thường diễn tả chỉ còn có da bọc xương, lại chắc chỉ vì được uống nước cháo chứ một hột gạo cũng bị nghiêm cấm. Chẳng biết tại sao mà nằm bất động trên cái giường ọp ẹp, tôi luôn miệng hỏi mấy giờ rồi. Cha mẹ tôi có mướn một bà già ngoại hình có đôi mắt toét, chân tay khẳng khiu như que củi, thân hình da bọc xương chẳng khác gì tôi, gọi là để trông nom cho tôi song tôi thì cứ nghĩ bà ấy là tay sai của Thần Chết, nhất là có lần tôi nghe lỏm được bà cụ thì thầm với mẹ tôi : ``Cậu ấy hỏi giờ để đi đấy !``
Nhưng tôi có đi đâu mà ai ngờ trận đau ấy lại thay đổi hẳn cuộc đời tôi. Từ trước tới giờ, tôi học rất dở nếu không nói là dốt. Khỏi bệnh tôi tự nhiên thấy ham học nhưng khổ nỗi quanh vùng không có một trường trung học nào. May sao tôi có một ông cậu ruột là Bác Sĩ Nguyễn Đình H. tản cư về cùng làng với tôi đang kèm học tại nhà một cô con gái trạc tuổi tôi. Ông thấy tôi học hành kém cỏi nên lúc khởi sự cứ lắc đầu hoài song ông dạy học rất có phương pháp và tôi với ý chí ham học mới có, đầu óc như được bệnh tật mở ra nên học 3bắt kịp rất nhanh. Toán lý hóa chẳng có gì là khó khăn bí mật đối với tôi nữa. Ông cậu tôi có lần nói với mẹ tôi : ``Tôi đã kéo thằng Thuận ra khỏi vũng bùn của sự ngu dốt và nay nó học giỏi ngang ngửa với chúng bạn cùng lứa tuổi.`` Tôi nhìn nhận là ông nói đúng vì từ đấy hồi cư về Hà Nội, tôi học một mạch đến khi di cư vào Nam tôi thi đậu bác sĩ. Điều đáng buồn là cha mẹ tôi ở lại ngoài Bắc nên ngày lãnh bằng không có mặt hai người. Hồi đó còn chiến tranh nên ra trường là các bác sĩ phải nhập ngũ liền khiến nhiều đồng nghiệp đồng ngũ của tôi dễ dàng hi sinh, nhiều người chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp. Tôi may mắn toàn được bổ nhiệm đi các Quân Y Viện nên lá số về mạng sống coi bộ vững chắc, dù là lính tráng.
Vậy mà tôi cũng xém chết một cách không ngờ, chỉ vì vị chỉ huy trưởng không biết chỉ huy mà chỉ biết lợi nhuần riêng tư. Nơi tôi phục vụ lúc đó là QYV Qui Nhơn dưới sự chỉ huy của một bác sĩ có hỗn danh là Bếp Ch. vì tướng tá xem rất nhà quê,đen đủi và ít văn học. Ông ít chú trọng đến công vụ mà chỉ lo cho cái phòng mạch tư của ổng. Một ngày nọ, QYV được lệnh biệt phái một quân y sĩ lên Pleiku để gia nhập một toán đi trưng binh khởi sự trong một tuần lễ nữa. Ông chỉ định tôi nhưng không cho đi ngay, vì ông nói còn báo cáo lên Bộ Tư Lệnh là QYV thiếu bác sĩ. Nếu để tôi đi ngay thì ông phải bỏ phòng mạch để thế tôi săn sóc cho các thương bệnh binh. Ông nói với tôi : ``Toa không phải đi đâu vì moa đã báo cáo rồi. Toa cứ yên tâm làm việc.`` Thật ra ông chẳng báo cáo gì cả vì đến chiều ngày chót ông gọi tôi lên và thản nhiên ra lệnh : `` Toa lấy cái xe Jeep của moa rồi kêu thằng tài xế của moa lái xe đêm nay theo đường số 9 lên Pleiku vừa kịp sáng mai đi trưng binh !`` Lời nói ấy không khác gì một cái án tử hình, nếu không là tù binh VC không có ngày về.
May sao một anh bạn mách kế tránh hiểm cho tôi :`` Toa nghe lời thằng Bếp Ch. đi đường bộ thì cái chết cằm chắc trong tay rồi. Nó cần gì mạng sống của toa và tên tài xế. Đường số 19 băng qua vùng VC chiếm đóng, đi ban ngày còn đầy nguy hiểm nói chi đi ban đêm ! Cách an toàn duy nhất để lên Pleiku giờ này là đi bằng trực thăng``.
Nghe nói thế, tôi nghĩ ngay đến Đại Úy Minh, sĩ quan liên lạc tại Tiểu Đoàn Trực Thăng của Mỹ bấy giờ đang đóng tại Qui Nhơn. Nghe tôi cầu cứu, Đ.U. Minh không khỏi chửi đổng tên Bếp Ch. nhưng vẫn đẩy tôi lên xe Jeep vào căn cứ Mỹ. Tôi được cấp ngay một chiếc trực thăng và phi công thong thả bay lên Pleiku trước sự ngạc nhiên của mọi người đang chờ đợi tôi. Xong công tác, tôi quyết định không về Qui Nhơn mà lên thẳng Cục Quân Y trình diện và trình bầy mọi sự việc. Bấy giờ BS Thiếu Tướng Vũ Ngọc Hoàn đang làm Cục Trưởng. Ông cho biết Bếp Ch. đã làm báo cáo tôi đào ngũ song ông muốn nghe tiếng chuông thứ hai của tôi rồi mới ban thưởng hay trừng phạt.
Nghe tôi trình bầy sự thật xong, ông ôn tồn nói : ``Thôi, toa khỏi ra Qui Nhơn làm gì. Sẵn có lời Quân Lực Mỹ mời một quân y sĩ VN sang Hawaii tu nghiệp về lao phổi ở Tổng Y Viện Tripler, moa cho toa đi. Khi về, nhiệm sở mới của toa sẽ là Viện Bài Lao Ngô Quyền ở Thủ Đức. Trong lúc chờ đợi, toa cứ ở Saigon nghỉ ngơi sắm sửa rồi lên đường sang Mỹ`` Tôi nghe nói mà mừng rơn, nghĩ đến Bếp Ch. được tin này chắc tức ói máu !!! 5