Bửu Lịch, Vài Giai Thoại về ĐÀO DUY ANH VÀ TRẦN ĐỨC THẢO


Vài Giai Thoại về
ĐÀO DUY ANH VÀ TRẦN ĐỨC THẢO

Bửu Lịch


Sau đây là vài giai thoại về Đào Duy Anh và Trần Đức Thảo phần lớn căn cứ trên hai tác phẩmNhớ nghĩ chiều hôm (Đào Duy Anh) và Những lời trăng trối (Trần Đức Thảo). 
 
CHÂN DUNG CỦA ĐÀO DUY ANH.



Đào Duy Anh được nhiều người biết đến và còn mang ơn nữa, do ông là tác giả Hán Việt tự điển, Pháp Việt tự điển chưa kể các tác phẩm văn học, sử học... mọi người cần xử dụng, từ học sinh, sinh viên đến thầy giáo, và giới trí thức, văn nghệ...
Dưới đây căn cứ trên sách vừa kể tôi muốn nói đến công lao mênh mông của ông trong việc sưu tập, gom góp tài liệu từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến rừng núi, từ thành thị đến làng xóm... trong điều kiện thể trạng rất ốm yếu vì mang bệnh phổi khá nặng. Ngoài ra vì chiến tranh phải di tản liên tục cho nên nhiều tài liệu mất, bị đốt cháy. Những tài liệu nhìn qua chỉ là những gom góp sơ sài, nông cạn, lỗi thời, vậy mà quý hơn vàng đối với một nhà khảo cứu say mê, nhiệt thành. Mớ tài liệu này có thể tìm tại bất cứ tại thư viện nào, ngay tại ngoại ô Paris. Tội nghiệp cho giới trí thức VN nói chung. Tình trạng này cũng chung cho cả miền Nam. Suốt trên đường Lê Lợi có mươi nhà sách chỉ có sách loại “thường thường”, tôi nghĩ không đáp ứng đầy đủ cho người có trình độ cao. Riêng tôi thường mua sách ở nhà Việt Bằng, chủ nhân là bạn thân, một hôm tôi đề nghị anh ta mua ít sách IC, Information et Culture của Pháp, giá rẻ dễ phổ biến. Nhiều sách có giá trị được IC ấn loát theo tinh thần này. Kết quả, sách IC bán chạy như tôm tươi! Việt Bằng chắc cám ơn tôi! 
Một giai thoại, Dương Thu Hương, nữ sĩ và chiến sĩ, thoạt đầu chắc thù hận miền Nam. Lúc vào Sài Gòn, bà nhìn thấy sách la liệt trong nhà sách, ngoài vỉa hè, trên đường phố... Quá xúc động, bà ngồi xuống lề đương ôm mặt khóc ! Lúc đó bà mới ý thức là mình bị tuyên truyền nhồi sọ một cách quá sai lệch từ kinh tế, đến chính trị, văn hoá giáo dục... của miền Nam. Trong Nam hoàn toàn tự do tư tưởng, miễn đừng giết nhau, hại nhau vì bất đồng ý kiến! Ngoài Bắc là trật tự bất động, một chiều. Trong nhà sách miền Bắc chỉ có: sách đỏ của đồng chí Mao, vài quyền sách mỏng dính của Bác yêu quý, sách tuyên truyền, sách tôn vinh lãnh đạo, đầy tớ của dân… Ông Hồ Chí Minh được ca tụng như một văn hào lỗi lạc. Trước mặt bá quan của đảng cộng, nhà thơ Xuân Diệu không ngớt nâng bi, nịnh hót bác, nhưng sau lưng bác, hãy nghe anh ta thổ lộ tâm tình “Thơ của bác không phải là thơ, là vè thì đúng hơn. Các anh biết tôi phải ca tụng vì miếng cơm, manh áo, có gì lạ”. Thật tủi nhục không những cho trí thức, còn cho cả mọi tầng lớp dân chúng !

Bây giờ hãy nói về phương pháp luận của Đào Duy Anh : Ông vốn là một nhà khảo cứu có giá trị, vừa là người ái quốc, cách mệnh vô tù ra khám. Tìm tòi một phương pháp đúc kết, tổng hợp, ông ta có cái may (hay rủi) bắt gặp Duy vật sử quan của Marx, biến thành một thứ kinh điển giáo điều, bạo lực dưới bàn tay sắt của Engels và nhất là Lénine, Staline, Mao. Một thứ idéologie armée ý thức hệ trang bị vũ lực. Ông như đã tìm thấy câu bùa Sésame ouvre-toi, Mè mè mở cửa, một thứ passeport universel hộ chiếu hoàn cầu. Trong lúc ấy Duy vật sử quan canh tân ở Tây phương cũng bắt đầu xế tà.
 
Hoàn cảnh và môi trường của Trần Đức Thảo




Trần Đức Thảo, Normale supérieure, Agrégé de Philosophie, đỗ đầu với Jules Vuillemin, sau này Professeur au Collège de France. Trần Đức Thảo lao đao, lận đận, dằn vặt với cuộc đời vì có ảo mộng chính trị. Ông là một đảng viên cộng sản, muốn thi hành đúng tôn chỉ của Marx : “Jusqu’ici les philosophes n’ont fait que spéculer sur le monde, il s’agit maintenant de le transformer. Cho đến nay triết gia chỉ biện luận về vũ trụ, bây giờ phải thay đổi nó”.

Về TĐT tôi bổ túc “Những lời trăn trối” với chút ít tài liệu khác về nhân vật này. Tác giả sách Phénoménologie et Matérialisme dialectique Hiện tượng luận và Duy vật biện chứng. Sách khoảng trên 250 trang. Điểm đáng chú ý và khâm phục : Phần đầu là quan trọng nhất sao y tiểu luận cao học Diplôme d’études supérieures, một năm sau Cử nhân. TĐT là một trong những người đầu tiên du nhập Hiện tượng luận của Husserl vào nước Pháp. Ông ta phải đọc nguyên văn tiếng Đức. Sách tuy mỏng nhưng được xem như là dẫn nhập hữu ích, đóng góp quan trọng cho một trường phái triết lý mới. Phần Duy vật biện chứng kém. Viết để làm vui lòng đảng cọng sản, và đồng thời dọn đường cho sự nghiệp chính trị chăng? Chỉ có đương sự mới hiểu thấu. Tôi có đọc những bài khác của TĐT trong tạp chí Revue de Métaphysique et de Morale, Tạp chí Siêu hình học và Luân lý học. Hành văn giản dị, gọn gàng, từ ngữ không cầu kỳ, lập luận vững chắc, khúc chiết. Tôi có đọc một số bài về chủ nghĩa mác xít và chủ nghĩa hiện sinh, những bài khác về Việt Nam, xu hướng chống thực dân rõ ràng, không có thù hận đê tiện. Cũng có vào tù một lúc ngắn ngủi. Đứng đầu một hiệp hội người Việt xu hướng thân cọng, anh đứng ra đón tiếp Hồ Chí Minh sang Pháp nhân dịp hội nghị Fontainebleau. Vồn vã, hạnh phúc, anh ta ôm ông Hồ, và ngỏ ý muốn hồi hương phục vụ đất nước và tham gia kháng chiến. Ông Hồ trả lời lúc này chú chưa cần về, ở lại Pháp có ích hơn. Trần Đại Nghĩa, kỹ sư hàng không, bác cho phép về.

Trần Đức Thảo, con người lý tưởng đầy ảo mộng, với phương tiện cá nhân sẽ trở về nước qua đường Mạc tư khoa, Bắc kinh. Đến biên giới VN, có người gọi là ra đón nhưng kỳ thật là để giám sát kềm kẹp. Bắt đầu là bảng tự khai lý lịch, thật ra là bảng tự buộc tội. Thằng nào dại thì tha hồ khai hết, nhiều tên còn tạo ra tội lỗi tưởng tượng, mong quan trên chiếu cố rộng lòng tha thứ! TĐT không chịu khai tội tình của cha mẹ, ông bà, tổ tông... vì lý do quá giản dị là không bêu xấu cha mẹ, họ hàng, chỉ có vậy. Nhưng đạo đức mác xít là tố khổ, phỉ báng... với mục tiêu ẩn kín là từ nay đảng sẽ trực tiếp cai quản vận mệnh của từng cá nhân một. 

Đặt chân lên đất mẹ, anh vào chiến khu, gọi là ATK, an toàn khu, bấy giờ thực dân Pháp chưa thua. Ở đây bạn bè cho anh thưởng thức “chui” tuồng hát cô đầu, chính quyền xem như tàn dư của chế độ phong kiến. Lộ ra là chết ! TĐT quá cảm xúc và xem “hát cô đầu” hay hơn opéra Tây! Dễ hiểu đối với ai từng biệt xứ lâu năm. Người dân thường cũng xót xa vì những cấm kỵ ngu xuẩn của bọn quan lại cọng sản. Nhưng im lặng là vàng! Bạn bè cho Thảo biết định cư ở ATK rất nguy hiểm vì gần chính quyền, lo mà dang ra! Thảo xin gặp bác, bác lướt qua vài giây, vẫy tay “chú Thảo về rồi há”, rồi tiếp tục đi.

Thời gian ở an toàn khu, xảy ra vụ đấu tố địa chủ do cố vấn Tàu điều động, chủ trương. Trong mỗi địa phương, chúng nó quyết định một bách phân nhất định, không phân biệt người có tội, kẻ vô tội. TĐT không chịu, muốn đối đầu với cố vấn Tàu. Lúc ấy đảng gọi TĐT về để tránh xô xát với quan thầy, và đấu tố sát nhân tiếp tục như dự định.

Về Hà Nội, cha mẹ gặp con, nhà cửa không sung công nhưng phải chia cho cán bộ mới về thành. Cha của Thảo rên xiết, trách móc con mình không học nghề nghiệp thực tiễn để giúp cha mẹ già yếu, lại còn bỏ Pháp mà về, thay vì mỗi tháng gởi về cha mẹ vài trăm quan để tạm sống! TĐT người con có hiếu khuyên cha chịu khó trong buổi giao thời lên chủ nghĩa xã hội. Ý anh ta là cha mẹ tạm vào Nam một lúc để chờ đợi. Mẹ Thảo, sốt rét run cằm cặp, hai cha con nấu nồi cháo ăn với nước mắm, có hương vị nước muối.

Ở Đại học tổng hợp Hà Nội, TĐT được giao phó một giáo trình triết học Tây phương, chấm dứt lúc xuất hiện Các Mác. Chuyên khảo của Thảo là Triết lý mác xít lại không được dạy, phải nhường cho cán bộ giảng dạy của đảng, lẻ dĩ nhiên là i tờ rít, nhưng biết vâng vâng dạ dạ đảng. Vụ Nhân văn Giai phẩm xảy đến khiến cho anh ta mất việc làm. Không nuôi được vợ, anh phải nhường bà này cho bạn Nguyễn Khắc Viện. Bạn bè thương hại thỉnh thoảng cho anh phiên dịch vài trang tiếng Pháp. Người viết bài này cũng biết cách xoay xở này để tạm sống qua ngày, uống vài cốc nước mía. Tù cải tạo trở về tôi phiên dịch Dix huit leçons sur les sociétés industrielles của Raymond Aron, sách khá dày cho tôi cơ hội ăn thêm vài con cá khô ! Một giáo chức người Bắc 54, thông cảm với tôi và thổ lộ “Anh là nguỵ 75, tôi là nguỵ 54”. Tất cả là nạn nhân của bọn vô học, tàn nhẫn, đảng phiệt, giai cấp mới, tệ hơn phong kiến, thực dân. Càng nghèo, càng ham hố! Nói dối như trẻ con cũng là tài nghệ của giai cấp mới. Một hôm Condominas, giáo sư Nhân chủng học, tôi từng quen biết ở Paris, sang Sài Gòn và muốn gặp tôi. Cán bộ Đại học cho hay tôi đang nghỉ mát ở Vũng Tàu. Hoàn toàn bịa đặt, tiền đâu, vui vẻ gì mà nghỉ mát, xả hơi !? Tôi không rời khỏi Sài gòn ngày ấy!

Ở Hà Nội, Trần Đức Thảo sống “xoay tròn”, như lời của một cán bộ cho tôi hay. TĐT thật hay giả, thường như mất trí, cữi xe đạp con vịt bằng nhựa made in URSS. Có hôm dừng trước bót công an, anh ta công kích bọn này, làm cho anh bạn phải nhắc anh đang đứng trước công an đấy! Khiêu khích thật hay giả vờ?

Chính quyền đôi khi cho anh đi công cán ngoại quốc, với thâm ý cho anh đào tẩu. Nhưng anh trở về. Cũng khó hiểu thái độ này. Ngày được phép đi Pháp để chữa bệnh, anh cũng ngần ngừ, Trần Văn Giàu phải đốc thúc ! Ở Pháp anh sống trong một căn nhà chật hẹp thiếu vệ sinh của toà đại sứ, dưới sự kềm kẹp, kiểm soát của một nhân viên. Người ta triệu tập một buổi họp để anh trò chuyện. Bạn bè xưa, quan khách đông đảo dự thính. Tựa vào bảng đen, anh nói anh qua Pháp để được đảng cọng sản Pháp đánh giá về tư tưởng và lòng trung thành của anh đối với giáo điều. Sau đó anh tiếp tục nói đến những gì đâu đâu, thính giả chẳng hiểu gì cả. Rất thất vọng nhưng thông cảm họ tự nhủ là TĐT quẫn trí vì áp lực lâu ngày của chế độ ưu tú, siêu đẳng, trí tuệ của nhân loại. Riêng Bùi Tín cho là Thảo giả vờ để tránh khỏi sự rình mò của toà đại sứ. Thảo sống rất cơ cực, không có bảo hiểm xã hội và đau gan trầm trọng, bạn bè giúp đỡ ăn uống, thuốc men. Tự đi chợ nấu ăn lấy, bạn bè mời anh đi tiệm. 

Một hôm anh đến gặp Paul Ricoeur, triết gia để đòi tác quyền sách Phénoménologie et Matérialisme dialectique, sách mỏng dính, xuất bản vào những năm đầu 50. Như sống trong mộng anh chả hiểu gì về thực tế xã hội. Ricoeur nói đến một người Việt Nam gầy mòn, bệnh hoạn... Ông đề nghị gom góp hết thảy những bài viết khác để làm thành một tác phẩm nho nhỏ, chưa kịp thực hiện thì TĐT qua đời ! Ít lâu sau vụ đòi tiền tác quyền sách này, chính phủ Pháp cấp cho TĐT một số tiền hằng tháng. Thảo hớn hở trả cho chị giúp việc một đồng lương hoàn toàn dưới mức sống trung bình. Nghĩa là không có chút gì thực tế trong đầu.

TĐT thường nói bây giờ không mơ lý thuyết mà chỉ muốn phân tích cụ thể chế độ cọng sản Bắc Việt. Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, tác giả “Những lời trăng trối”, kể cả tôi cũng chờ đợi mỏi mòn đôi mắt, chẳng thấy đâu! Tôi có nghe nói Thảo điều tra cụ thể về công luận đối với chiến tranh xâm chiếm miền Nam. Công luận trên đất Bắc muốn Bắc Nam cạnh tranh kinh tế, sống chung hoà bình. Quá mệt mỏi vì chiến tranh, quá nhiều chết chóc, thương tích... Chưa ai thấy phúc trình điều tra này. Một hôm đảng cho phép anh trình bày trước quan chức, có mặt già Hồ lẽ dĩ nhiên. Bác đứng dậy ra về, vẻ không bằng lòng, nhưng không quên khen “chú Thảo nói hay”. Ngụ ý gì, phải chăng ông Hồ thách thức chú Thảo thực thi, áp dụng đường lối hoà bình của anh ta ? Đừng tìm hiểu, vô ích ! Ra về Võ Nguyên Giáp nói vào tai Thảo “như vậy là hay lắm rồi”.

Liên hệ giữa Hồ và Thảo không có gì rõ ràng, minh bạch. Thảo cho là giữa anh và Hồ có cạnh tranh triết lý mác xít. Nhà lãnh đạo này cũng có tham vọng tư tưởng. Dưới bí danh, ông cho xuất bản vài cuốn sách đứng tên người khác viết nhưng chính ông ta là tác giả, để ca tụng, tán dương công trình vĩ đại, nếp sống khắc khổ của mình. Kỳ thật khác hẳn, kẻ hầu người hạ không thiếu, ăn uống linh đình, gái đẹp sẵn sàng. Người ta thường nhận xét cặp môi thâm tím của Phạm Văn Đồng, gây ra bởi thuốc phiện. Ai cung cấp cho ông nếu không phải là cơ quan bài trừ ma tuý? Phải có qua có lại mới hợp lòng người. Ông Hồ theo sát Thảo, qua trung gian. Gặp mặt thì lão nói “Chú Thảo học sách nhiều rồi, bây giờ học nhân dân”. Ai chả biết nhân dân là đảng ! Cái làm cho đảng và Hồ bực mình, tức giận là chàng trí thức này không tôn trọng nghi thức đối với lãnh tụ tối cao: giữ khoảng cách ba thước, không được nói nếu lãnh tụ chưa cho phép, không được bắt tay...

Cao vọng của Thảo bấy giờ là chứng minh Marx sai lầm từ đầu, không phải là hậu duệ hiểu lầm và pha chế. Còn chờ đợi tác phẩm mới của Thảo được phác hoạ trong buổi diễn thuyết “La théorie du Présent vivant comme Théorie de l’Associativité » “Lý thuyết Hiện tại sống động như là lý thuyết của liên hợp tính”.

Trần Đức Thảo qua đời năm 1993, thọ 76 tuổi, sau một cơn bệnh quá đau đớn. Lãnh huy chương nhà nước. Thi hài về nước cũng gặp tranh cãi về nghĩa địa xứng đáng với công và tội ./.
 

Bửu Lịch





 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top