Đất Hứa – A Promised Land
ByI AN BUI
Hồi ký A Promised Land của cựu Tổng thống Barack Obama phát hành ngày 17-11-2020 đã được đón nhận nồng nhiệt, với hơn 890.000 bản trong vòng 24 tiếng đầu tiên. Đây là tập một (768 trang) trong hai volume; và là quyển thứ ba của Obama (Dreams from My Father, phát hành năm 1995; và The Audacity of Hope năm 2006). A Promised Land đã phá kỷ lục 725.000 ấn bản tại thị trường Bắc Mỹ trong ngày đầu tiên của quyển Becoming, hồi ký của Michelle Obama (đến nay đã bán được hơn 10 triệu bản tính toàn cầu). Becoming hiện vẫn còn được in; và nhà Crown, nơi ấn hành cả hai quyển của vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, đã trả khoảng 60 triệu USD tiền bản quyền. Để so sánh, hồi ký My Life của cựu Tổng thống Bill Clinton bán được khoảng 400.000 bản ngày đầu tiên; và Decision Points của cựu Tổng thống George W. Bush bán được 220.000 bản trong ngày phát hành. Quyển sách bán nhanh nhất lịch sử xuất bản là Harry Potter and the Deathly Hallows (2007) của JK Rowling với hơn 8 triệu bản trong 24 giờ. Dưới đây là bản dịch vài trang đầu của A Promised Land…
Tây Hiên
Trong tất cả các phòng ốc, sảnh đường, địa điểm nổi tiếng trên miếng đất và căn nhà gọi là Bạch Cung thì hàng Tây Hiên (West Colonnade) là nơi tôi yêu thích nhất. Ròng rã tám năm, cái hành lang đó đã đóng khung ngày làm việc của tôi - sáng đi, chiều về, từ nhà đến văn phòng, ngoài trời, vỏn vẹn một phút. Nó là nơi mỗi buổi sáng tôi cảm được cái hơi lạnh đầu đông tát lên mặt hoặc nghe thấy nhịp đập của oi bức mùa hè; nơi tôi tập trung ý nghĩ đầu ngày, rà soát lại các cuộc họp sắp tới, nhẩm trong đầu những lập luận để phản biện dân biểu này hoặc trấn an cử tri nọ, chuẩn bị tinh thần cho một quyết định quan trọng hay cơn khủng hoảng đang chầm chậm trườn đến.Thuở ban đầu của Bạch Cung, phòng làm việc và nơi ở cho tổng thống nằm chung dưới một mái nhà. Tây Hiên khi ấy không hơn gì lối đi từ nhà sau ra chuồng ngựa. Nhưng sau khi Teddy Roosevelt nhậm chức, ông nhận ra một toà nhà không đủ chỗ để chứa đội ngũ nhân viên đông đảo cộng thêm sáu đứa con phá như giặc và sự bình an tâm thần cho chính mình. Ông bèn cho xây thêm gian nhà mà ngày nay là Cánh Tây (West Wing) và Phòng Bầu Dục (Oval Office). Qua các đời tổng thống kế tiếp, Tây Hiên dần dần thành hình như chiếc nẹp để kềm giữ Vườn Hồng. Chắn mặt Bắc là bức tường trắng dầy không phô trương, không có gì trang trí ngoài vài chiếc cửa sổ bán nguyệt phía trên. Trấn giữ phía Tây là hàng cột trang nghiêm chẳng khác nào đội binh danh dự bảo vệ lối vào ra.
Tây Hiên (ảnh chụp lại từ A Promised Land)
Tổng thống Obama đi qua Tây Hiên đến văn phòng làm việc ngày bầu cử 2016 (AP Photo)
Tôi thuộc loại người thích đi chậm — Michelle gọi là “bách bộ kiểu Hạ Uy Di”, đôi khi với cái giọng châm biếm thiếu kiên nhẫn của nàng. Nhưng qua Tây Hiên thì tôi đi khác. Ý thức được sức nặng lịch sử và những người từng đi ngang chỗ này trước mình, bước chân tôi như dài ra và nhịp chân có phần nhanh hơn, tiếng gót giày vang vọng lại bởi nhân viên mật vụ đi sau lưng vài mét. Khi đến bậc dốc cuối hành lang (xây thời Tổng thống Franklin Roosevelt để xe lăn của ông có thể đi lên), tôi thường vẫy tay chào anh vệ binh đứng ngay sau cửa kính. Đôi khi anh phải lo chặn một nhóm du khách đang há hốc mồm ngạc nhiên. Nếu có thì giờ, tôi sẽ dừng chân bắt tay họ, hỏi han xem từ đâu đến. Nhưng thường thì tôi rẽ trái, đi dọc theo bức tường ngoài phòng Nội Các và tiến vào Phòng Bầu Dục qua cánh cửa hông. Tôi sẽ chào nhân viên của mình, nhận từ họ lịch làm việc cùng ly trà nóng và bắt tay vào công việc của ngày.
Trong tuần, thỉnh thoảng tôi hay bước ra Tây Hiên để kiếm cớ hỏi chuyện các bác làm việc ngoài Vườn Hồng, tất cả đều là nhân viên của Nha Lâm Viên Quốc Gia (National Park Service). Đa số là đàn ông lớn tuổi. Họ bận đồng phục kaki màu lục, có khi đội thêm cái nón rộng vành che nắng hoặc trùm chiếc áo bông chống lạnh. Hôm nào không có việc gì gấp, có thể tôi sẽ gióng tiếng hỏi họ vài câu về cơn bão tối hôm trước hoặc khen luống hoa mới trồng, để được nghe họ trình bày công việc bằng một niềm tự hào kín đáo. Họ vô cùng kiệm lời. Ngay cả khi cần nói chuyện với nhau họ thường cũng chỉ ra dấu hoặc gật nhẹ đầu. Ai nấy chăm chú vào việc, nhưng tất cả đều chuyển động hết sức nhịp nhàng, ăn khớp.
Tây Hiên, năm 1992 (White House Museum)
Một trong những người già nhất là Ed Thomas, một người đàn ông da đen cao ráo, rắn rỏi, má hóp. Ông làm vườn tại Bạch Cung đã bốn mươi năm. Lần đầu tiên tôi gặp Ed, ông móc từ túi sau chiếc khăn để chùi tay trước khi bắt tay tôi. Bàn tay u nần gân guốc như rễ cây của ông túm trọn bàn tay tôi. Tôi hỏi ông định làm bao lâu nữa mới chịu về hưu. “Tôi không biết, thưa Tổng thống,” Ed trả lời. “Tôi thích làm việc. Khớp xương tôi đã bắt đầu ê ẩm, nhưng có lẽ tôi sẽ ở lại đến khi ông rời nơi đây. Tôi cần giữ cho khu vườn này thật đẹp”.
Mà khu vườn ấy đẹp thật. Vô cùng đẹp! Mỗi góc có cây magnolia tán lá vươn cao; hàng giậu xanh thẫm chạy dọc tường; những cây táo crabapple được cắt tỉa gọn gàng. Cách đó vài dặm là nhà lồng kiếng nơi vô số hoa được trồng, cung cấp cho Vườn Hồng đủ sắc màu - đỏ, vàng, hồng, tím. Vào mùa xuân, các bụi tulip trồi lên, nghiêng đầu về hướng nắng; mùa hè có lavender heliotrope, geranium và lilies; mùa thu thì có cúc, daisies và hoa dại. Và bao giờ cũng có một ít hồng, thường là đỏ nhưng đôi khi cũng có vàng hay trắng, chúng nở rất đầy đặn.
Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden tại Vườn Hồng,
Nov. 9. 2016 (AP)
Tổng thống Obama bước ra Vườn Hồng, tháng Tư 2015 (Lawrence Jackson)
Mỗi khi đi qua Tây Hiên hoặc nhìn ra từ Phòng Bầu Dục tôi đều thấy thành quả của những người làm vườn. Họ làm tôi nhớ đến bức tranh của Norman Rockwell tôi treo cạnh chân dung George Washington, ngay trên bức tượng bán thân của Dr Martin Luther King: năm con người nhỏ xíu với đủ màu da khác nhau đang được kéo lên bằng dây thừng để lau chùi chiếc đuốc của tượng Nữ thần Tự Do dưới bầu trời xanh ngát. Những người thợ trong bức tranh, cũng như các bác làm vườn, đối với tôi là những người gác-dan, những tu sĩ thầm lặng của một giáo phái nghiêm trang thánh thiện. Và rồi tôi tự nhủ phải làm hết sức mình và cẩn trọng trong công việc y như họ vậy.
Theo thời gian, những lần đi bộ ngang Tây Hiên ngày càng mang lại thêm nhiều kỷ niệm. Dĩ nhiên đã từng có nhiều sự kiện lớn như họp báo hay các cuộc gặp gỡ những nguyên thủ quốc gia trước hàng trăm ống kính. Nhưng cũng có những kỷ niệm công chúng không nhìn thấy, như cảnh hai cô con gái Malia và Sasha chạy đua đến ôm bố một buổi chiều đầy bất ngờ, hay cảnh hai con chó Bo và Sunny lội tuyết sâu đến nỗi lún đến đầu, tuyết dính cằm chúng trông như bộ râu. Hoặc những hôm mùa thu chơi ném banh football, hay an ủi một thuộc cấp đang gặp khó khăn.
Tổng thống Obama chạy đua với những đứa con của phó cố vấn an ninh quốc gia Denis McDonough, Jan. 25, 2013 (Pete Souza)
Những hình ảnh ấy lâu lâu lại hiện ra trong đầu khiến tôi phải tạm ngừng những tính toán của công việc. Chúng nhắc tôi rằng thời gian vẫn đều đặn trôi, đôi khi chúng làm tôi khắc khoải - ước gì mình có thể quay ngược kim đồng hồ và làm lại từ đầu. Nhưng vào buổi sáng đầu ngày thì tôi không thể nghĩ đến những điều này, vì mũi tên thời gian chỉ lao về phía trước; bao nhiêu công việc đang chờ đợi; tôi cần tập trung vào những gì sắp xảy đến mà thôi.
Ban đêm thì khác. Trên đường trở về nhà, cặp táp đầy ắp giấy tờ, tôi thường cố bước chậm hơn, đôi khi ngừng hẳn lại. Tôi hít đầy phổi cái không khí xen mùi đất, cỏ và phấn hoa, tai nghe tiếng gió hoặc những hạt mưa đang lâm râm. Đôi khi tôi đứng nhìn ánh đèn phản chiếu từ hàng cột cùng nét uy nghi đồ sộ của toà Bạch Ốc với ngọn quốc kỳ phất phới sáng trên cao. Hoặc tôi hướng mắt về tháp Washington đang đâm thủng bầu trời đêm đằng xa, thỉnh thoảng bắt gặp trăng sao trên đầu hay một chiếc phi cơ vụt thoáng qua. Trong những giây phút bất chợt như thế tôi lại nghĩ đến cuộc hành trình lạ lùng, và cái ý tưởng lạ lùng không kém, đã dẫn đưa tôi đến chốn này…