ÂM NHẠC NGỌT NGÀO
Truyện Robert Lloyd Fish, Phạm Đức Thân chuyển ngữ
Robert Lloyd Fish (1912 - 1981) là kỹ sư, nhà văn Mỹ về trinh thám, hình sự, với hơn 30 tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn, từng nhận 3 Giải Edgar Alan Poe. Khi làm việc ở Rio de Janeiro, Ba Tây, ông nghe đồn có tay buôn lậu đã đưa được 5 triệu dollar từ Bỉ vào Mỹ, gợi hứng cho ông khai sinh nhân vật buôn lậu Kek Huuygens, sinh ở Ba Lan, tên Hà Lan, thông hành Mỹ trong một số truyện.
Sweet Music xuất hiện đầu tiên như là một truyện ngắn đầy đủ trong tiểu thuyết The Hochmann Miniatures (1967).
*
Tháng chín, tại Paris, thời tiết nóng ran.
Claude Devereaux, thanh tra quan thuế thuộc nhóm đông đảo đồng nghiệp đang làm việc cật lực tại khu vực khách đến của phi trường Orly, nhấc lệch cái mũ cáp vành cứng về phía sau cho mát cái trán ướt nhẹp mồ hôi, khom mình vạch dấu phấn, không rõ nghĩa gì, trên hành lý trước mặt, rồi thẳng người lên, tự hỏi tên ngốc nào đã thiết kế bộ đồng phục ông đang mặc, không biết tên ngu này đã có từng chịu đựng cái sức nặng của nó vào một ngày nóng nực. Ông lơ đãng gật đầu trước lời cám ơn lí nhí của khách vừa được cho qua, và như cái máy cầm lấy cuốn sổ thông hành đang chìa ra cho ông, tự hỏi sau ca còn có đủ thời gian để ghé uống bia trước khi về nhà. Có lẽ không, ông thở dài nghĩ, rồi chú tâm lại vào công việc.
Ông nhẩn nha đọc tên trong cuốn sổ mầu lục, rồi toan hỏi tờ khai quan thuế thì chợt cứng người lại, cái nóng hầm hập - và cả bia nữa - quên ngay tức khắc. Những bản tin về một cái tên người đặc biệt mà ông đang nhìn đây, đã chiếm một khoảng lớn trong quyển chỉ thị đặc biệt. Mắt ông lướt nhanh qua trang tới tấm hình mỉm cười, hơi vô tư, dán bên cạnh chữ ký ngay ngắn, rồi chậm rãi ngước lên hiếu kỳ quan sát người đứng trước quầy.
Ông thấy một người đoán chừng mới ngoài 30, cao trên trung bình một chút, trang phục đắt tiền đúng mốt một tay ăn chơi, đôi vai rộng hơi bất cân xứng với thân hình thể thao nhỏ nhắn săn chắc. Mái tóc dầy quăn quăn hơi rối do chuyến bay bập bềnh trên rặng núi Alps, đã nhuộm chút xam xám, tạo một vẻ lãng mạn cho khuôn mặt bên dưới khỏe mạnh râu cạo nhẵn. Cặp lông mày cương nghị xếch bất ngờ trên đôi mắt xám, ông chắc rằng nhất định phải hấp dẫn phụ nữ. Ông chợt thản nhiên trở lại khi thấy đôi mắt xám này bắt đầu tỏ dấu mất kiên nhẫn trước cái nhìn xoi mói trắng trợn của ông. Claude Devereaux ngờ rằng - thật đúng thôi - đôi mắt dịu dàng này có thể biến thành lạnh lùng và dữ dằn nếu hoàn cảnh đòi hỏi. Ông cúi người tới trước cười rụt rè, hạ giọng.
"Ông Huuygens..."
Người đàn ông gật đầu, chăm chú.
"Vâng".
"Tôi sợ rằng..."
"Sợ cái gì?" Kek Huuygens thắc mắc hỏi.
Viên chức nhún vai, cười có vẻ hơi lúng túng, mặc dù ánh mắt thì hoàn toàn không chút luống cuống.
"Sợ rằng tôi phải mời ông bước vào phòng chánh thanh tra, " ông đáp trôi chẩy nhanh gọn và liền đó giơ hai lòng bàn tay ra, phủ nhận bất cứ trách nhiệm cá nhân nào. "Thưa ông, đây là chỉ thị chúng tôi nhận được."
"Merde! Phiền thật!" Đôi mắt xám quan sát kỹ viên chức một thoáng, như thể đang xét xem có khả năng mua chuộc được không. "Không có cách giải quyết nào khác sao?"
"Thưa ông?"
"Không, tôi chắc không". Cái ý tưởng bị dẹp bỏ liền với một lắc đầu bất nhẫn. "Bất cứ lần nào đi qua quan thuế Pháp cũng vậy! Nực cười thật!". Anh nhún vai. "Được thôi, tôi nghĩ nếu phải vậy thì cứ theo vậy."
"Đúng thế," Devereaux lịch sự thừa nhận. Có chuyện thật hay để kể cho vợ. Còn tay vô lại nào nổi tiếng hơn Kek Huuygens, chính hắn đã đi qua chốt quan thuế của ông và lại còn thử hối lộ ông. Phải, thực tế là không có hối lộ, nhưng trong một thoáng đôi mắt xám này đã rõ ràng biểu lộ ý định...Rồi viên thanh tra gạt bỏ ngay ý tưởng này. Nếu vợ ông chỉ trong một phút nghĩ là ông đã khước từ một hối lộ thì bà sẽ chẳng bao giờ để ông yên về chuyện này. Tốt hơn chỉ nên kể bà nghe... Ông dừng lại. Tốt hơn cả là đừng nói chi hết, ông chua xót nghĩ, cảm thấy như bị mất mát cái gì, rồi chợt nhận ra có người đang nói với mình. Ông chuyên tâm ngay vào việc. "Thưa ông?".
"Phòng chánh thanh tra? Ông nhớ không?"
"À, vâng! Xin mời ông theo tôi..."
"Thế còn hành lý tôi?"
"Hành lý ông?" Claude Devereaux nhìn dọc cái quầy gỗ giờ trống trơn, giật mình tỉnh mộng, hốt hoảng cảnh giác. Bản tin đã xác định rõ người này! Canh chừng hắn! Canh chừng hắn không ngừng! Canh chừng mọi cử động của hắn! Mắt ông quay trở lại người đàn ông, hỏi nghi hoặc.
"Ông muốn nói cái cặp của ông? Hay là còn gì khác nữa?"
"Tất cả chỉ có vậy, nhưng nó vẫn là hành lý của tôi." Kek chợt mỉm cười tự tin với ông, coi như sẵn lòng bỏ qua mọi chuyện, nhìn nhận thanh tra chỉ làm nhiệm vụ của mình. "Tôi thích du lịch gọn nhẹ. Một bàn chải đánh răng, 1 đôi vớ sạch, 1 áo sơmi mới giặt..." Anh thản nhiên nhìn quanh quất, như thể đang tìm một chỗ an toàn, nơi không người phu bất cẩn nào có thể thiếu thận trọng lấy chiếc cặp và tự ý đem gửi tại chỗ đậu taxi, hoặc nơi không kẻ bất lương nào có thể lấy cắp. "Nếu tôi có thể để nó đâu đó chỗ cách xa lối đi..."
Viên chức ngước nhìn lên vòm trần cao, không buồn che đậy cái thích thú của mình rồi lại nhìn xuống. Thật vậy, phải tìm cách nào đó kể chuyện này cho vợ, hay ít ra cho bạn gái! Lý thú cực kỳ! Ông lắc đầu thương hại.
"Thưa ông, tôi sợ rằng cặp của ông sẽ phải theo ông vào phòng chánh thanh tra." Rồi ông niềm nở một cách giả tạo. "Thật ra tôi còn mang dùm cho ông nữa".
"Ông quá tốt." Huuygens nói khẽ và đi theo ông.
Charles Dumas, chánh thanh tra của phân bộ Orly, ngước nhìn lên từ cái bàn giấy bề bộn khi hai người đàn ông bước vào; ông dựa người vào lưng ghế vẻ cam chịu và thở dài khe khẽ. Rõ ràng là hôm nay lẽ ra ông nên ở nhà, hay tốt hơn, tới câu lac bộ. Văn phòng nhỏ đang bị nướng bởi cái nóng bất thường buổi sáng. Cái quạt vù vù ở góc phòng đang hoạt động chẳng có vẻ gì sốt sắng hay hiệu quả; ông đang bắt đầu cảm thấy nhức đầu vì hàng chữ nhỏ xíu xem ra hình như là khổ in duy nhất có được của nhà in, thì lại thêm chuyện này! Ông lặng lẽ đón nhận cuốn sổ thông hành chìa ra, hất nhẹ đầu ra dấu chỗ ông muốn đặt cái cặp, và hơi nhướng mày làm dấu cho Thanh Tra Devereaux rời phòng. Ngay mấy cử động này cũng hình như làm ông mệt sức. Ông đợi cho viên thanh tra phật ý đã miễn cưỡng khép lại cửa sau lưng rồi mới lật nhanh mấy trang sổ thông hành. Ông dừng lại trước cái dấu nhập cảnh mới đóng, rồi ngước lên nhìn, mặt hơi nhăn nhăn.
"Ông Huuygens..." Kek đã ngồi vào chiếc ghế dựa bằng gỗ văn phòng dành cho khách, cục cựa một chút để chắc rằng nó an toàn, rồi nhìn lên quan sát vẻ mặt ông kia. Anh dựa vào lưng ghế, bắt chéo chân và lắc đầu.
"Thật vậy, ông thanh tra," anh nói với vẻ rầu rầu,"tôi không hiểu tại sao ông lại nhăn nhăn. Theo tôi, người đúng ra có lý do để phiền hà, phải là tôi. Chuyện thẩm vấn cá nhân mỗi lần tôi đi qua quan thuế..."
"Xin ông." Một bàn tay hơi mập giơ ra cắt ngang. Chánh thanh tra thở dài và xem xét kỹ cuốn sổ như thể ông chưa bao giờ thấy sổ như vậy. "Hóa ra ông lại đang du lịch?"
"Tất nhiên."
"Lần này, tới Thụy Sĩ, tôi thấy đây". Đôi mắt đen rời cuốn sổ, không thể biết ông đang nghĩ gì. "Một cuộc du lịch khá ngắn, phải không?"
Kek ngả ghế dựa vào tường, khoanh tay lại, nhẫn nhịn chịu đựng cuộc thẩm vấn.
"Chỉ vào cuối tuần."
"Công việc?"
"Để tránh cái nóng của Paris ít ngày, nếu ông phải biết."
"Tôi hiểu..." Chánh thanh tra lại thở dài. "Tôi cũng thấy là ông không có gì để khai. Nhưng, phải, ông hiếm khai báo."
Chiếc ghế khẽ lay động. Huuygens lặng lẽ quan sát thanh tra vài giây, rồi gật đầu như thể đã nhận ra cái hợp lý của quan điểm ông kia.
"Được rồi," Anh nói dễ dãi. "Nếu ông thành thực quan tâm đến 1 áo sơmi bẩn, 1 đôi vớ cũ, tôi vui lòng khai chúng. Còn thuế của bàn chải răng dùng rồi thì sao?" Anh cả cười. "Không dùng thường xuyên như quảng cáo gợi ý, nhưng có dùng."
"Tôi chắc là ông đã quen thuộc với thủ tục thuế như bất cứ ai trong bộ phận tôi," Thanh Tra Dumas lạnh lùng nói và với lấy cái cặp, kéo lại gần. "Ông cho phép?"
Không đợi trả lời, ông tháo dây đeo, ấn vào khóa và lôi ra các thứ trong cặp để lên bàn. Ông gạt y phục bẩn sang một bên, mở hộp cạo râu, xem xét một lát xong thì để xuống nhích ra một chút, rồi thọc sâu vào cái cặp.
"A?" Giọng ông hết sức lịch sự. "Không biết cái gì đây?"
"Nó trông sao thì đúng là vậy," Kek nói giọng như giải thích một cái gì hiển nhiên cho một đứa trẻ. "Một hộp kẹo sôcôla."
Chánh thanh tra chậm rãi lật qua lật lại cái hộp trong tay, ngắm nghía cái giấy gói hoa văn lót lá kim loại mầu vàng với tên tiệm, trình bầy khá lòe loẹt với dải nơ thắt kiểu cọ.
"Một hộp kẹo sôcôla...." Cặp lông mày nhướng lên vẻ tò mò quá đáng. "Cái nào ông cảm thấy không cần khai báo?"
Huuygens hướng mắt lên trời như thể che giấu thích thú. "Trời đất, Thanh Tra! Một hộp kẹo mà thú thật là tôi đã hứa làm quà cho một cô, tất cả chỉ đáng 20 quan Thụy Sĩ!" Anh nhún vai một cách điệu đà và đứng lên cười nhẹ. "Vâng, được rồi! Tôi đoan chắc với ông là buồn cười đấy, nhưng nếu ông muốn nó phải khai báo thì tôi xin khai. Ông làm ơn cho tôi xin lại tờ khai!"
Nụ cười mỉm thoáng rất nhanh trên môi Thanh tra Dumas rồi liền biến nhanh như khi xuất hiện. Ông mệt mỏi huơ tay. "Mời ông ngồi xuống, ông Huuygens. Tôi sợ rằng tất cả không phải chỉ đơn giản như vậy."
Huuygens chăm chú nhìn ông giây lát rồi ngã người xuống ghế. "Ông Thanh Tra, ông đang sắp sửa cho tôi biết có chuyện gì?"
Nụ cười thanh tra trở lại, nở rộng hơn và lâu hơn. "Tôi sắp nói với ông là tôi thấy tôi bắt đầu chú ý đến những viên kẹo sôcôla này, thưa ông. "
Tay ông vẫn cầm cái hộp, giọng mềm mỏng. "Thưa ông, nếu tôi không lầm, hôm qua trong khi ông ở Thụy Sĩ - như ông đã nói, để tránh cái nóng của Paris - ông có tới viếng văn phòng Ankli và Công Ty. Dân buôn bán kim cương. Đúng không?"
Giọng Kek nhiều tò mò hơn là lo lắng. "Làm sao ông biết?"
Chánh thanh tra nhún vai. "Mọi khách viếng tiệm buôn bán kim cương đều phải được báo cáo, ông Huuygens." Ông nói vẻ hơi thất vọng. "Tôi cứ tưởng ông hẳn phải biết chứ."
Huuygens mỉm cười. "Thành thực mà nói, Thanh Tra, tôi chưa bao giờ nghĩ vậy. Tôi đơn giản tới đó chỉ vì Ankli là một bạn cũ của tôi. Chúng tôi cùng có cái thú thích - nụ cười anh mở rộng - ba cái vật xinh xinh. Dù sao đây thuần túy chỉ là thăm viếng riêng tư."
"Cứ cho là vậy. Cũng có thể là - thanh tra ngây thơ giả định - vì ông chỉ muốn tránh cái nóng của Paris, ông thấy văn phòng Ankli gắn máy lạnh, nhất định giúp ông đạt được mục đích cuộc du lịch." Ông cầm lên lại hộp kẹo, lật ngửa, xem xét gần sát hơn. "Hiệu Suchard, tôi thấy đây. Một hiệu rất khá. Lại từ tiệm Bonbon Mart nổi tiếng của Zurich. Tôi biết chỗ này. Tuyệt." Mắt ông ngước lên, khó hiểu. "Caramel?"
"Kem, nếu ông phải biết," Huuygens đáp và thở dài.
"Ô? Bản thân tôi thích caramel hơn. Dĩ nhiên cả hai đều làm béo mập. Tôi hy vọng cô ta nhận biết điều đó," thanh tra thêm và bắt đầu tuột dải dây nơ qua một góc.
" Ủa, thật vậy sao! " Huuygens ngả người tới trước, giơ một tay lên. "Cô bạn tôi không sợ béo chút nào, Thanh Tra. Cũng không sợ gầy nữa. Tuy nhiên nếu có thể được, tôi thiết nghĩ cô thích hơn nếu kẹo sôcôla với tối thiểu dấu tay trên đó."
"Theo ý kiến cá nhân tôi," Thanh Tra Dumas nói, lần đầu tiên nghe thành thật, "cô ta sẽ không bao giờ thấy những kẹo sôcôla này," rồi ông dở ngược cái giấy gói kim loại mầu vàng và nhấc nắp chiếc hộp ra.
Kek nhăn mặt với ông. "Tôi vẫn có cảm giác ông đang muốn nói với tôi điều gì."
"Tôi đang nói đây," thanh tra nói ngắn gọn, và đặt nắp hộp sang một bên. Ông nâng cái giấy mỏng lòe loẹt phủ bảo vệ kẹo, chăm chú nhìn vào hộp, và rồi lắc lắc đầu làm như hoảng hốt thật sự. "Trời, Trời!"
"Chuyện gì vậy?"
"Tôi khá ngạc nhiên thấy một tiệm nổi tiếng như Bonbon Mart lại để cho sôcôla rời khỏi tiệm trong tình trạng như vầy." Dumas nhìn lên. "Ông bảo cô bạn ông thích sôcôla không có vết dấu tay? Tôi sợ rằng ông phải nên bảo điều này cho người ở tiệm khi họ đặt những kẹo này vào...."
Huuygens khịt khịt mũi. "Xin phép ông, Thanh Tra, giờ thì ông lại đang làm trò cười! Đây là kẹo sôcôla, và không gì hơn. Kem!" anh thêm, như thể xác định chính xác hơn như vậy có thể làm cho ông kia tỉnh táo. "Và y nguyên hệt như lúc chúng rời tiệm." Anh nhìn chăm chăm vào mặt thanh tra, thắc mắc. "Làm sao tôi có thể thuyết phục ông?"
"Tôi không đúng là người để ông phải thuyết phục," chánh thanh tra nói. Ông tiếp tục xem xét đồ trong hộp một lúc nữa, gật gù cái đầu, rồi thở dài trước những yếu kém vụn vặt của con người, phủ lại tờ giấy mịn bảo vệ kẹo và đậy nắp hộp lại. "Tôi sợ rằng phòng xét nghiệm của chúng tôi mới cần phải thuyết phục. Và đó là nơi những kẹo này sẽ được gửi đến." Mắt ông ngước lên, cả quyết. "Tôi xin thêm là cùng với cái hộp cạo râu nữa."
"Hộp cạo râu?"
"Ông biết đấy, các ống thuốc," thanh tra nói như xin lỗi. "Các lọ và những thứ...."
"Tất nhiên ông phải chắc rằng," Kek nói hơi châm biếm, "hộp cạo râu sẽ không tới con trai ông? Và hộp kẹo sẽ không tới vợ ông?"
Thanh Tra Dumas cả cười, "Kẹo này tới vợ tôi? Tôi sợ không tốt cho hàm răng của bà. Chúng," ông nói thêm, nụ cười nhạt đi một chút, "đã làm tôi tốn bộn bạc."
Huuygens thở dài. "Tôi chỉ muốn hỏi một câu, Thanh Tra, Tôi phải gửi đâu cái hóa đơn hộp cạo râu thực tế là vẫn còn mới? Dĩ nhiên, cả 20 quan Thụy Sĩ?"
"Nếu ông thật sự muốn biết ý kiến tôi," thanh tra đáp, thấy rằng câu hỏi này cũng hợp lý, "tôi đề nghị ông tính với kết toán lời lỗ. Dẫu sao, khi phòng xét nghiệm đã xong kiểm tra, phí tổn của ông có thể cao đáng kể." Giọng ông cứng rắn thấy rõ. "Và tôi xin nói thêm là tốt hơn ông không nên rời thành phố khi chưa xong báo cáo."
Huuygens lắc đầu tuyệt vọng."Tôi không tin rằng ông hiểu được hoàn cảnh ông đặt tôi vào, Thanh Tra. Ngượng ngùng khó xử cực kỳ. Làm sao tôi chứng minh với cô bạn là tôi đã không quên cô? Rằng tôi thực sự có mua cho cô 1 hộp sôcôla Thụy Sĩ, chỉ có điều là đã phải mất nó vì - xin ông tha lỗi - cái tệ bàn giấy đầu bò của quan thuế Pháp?" Giọng anh trở nên châm biếm. "Tôi dùng cái gì để chứng minh đây? Cái giấy gói hộp kẹo chắc?"
"Ừ, đó không phải là một ý kiến dở," chánh thanh tra bằng lòng chấp thuận, và cười với anh chàng đang lúng túng khó xử. "Giấy có tên của hiệu kẹo, và nếu ông muốn tôi còn đóng dấu ngày trên đó để chứng cớ mạnh hơn." Ông soát lại cái cặp để chắc là trong không có lớp vải lót, và lần ngón tay dọc theo các đường khâu dưới đáy cặp, rồi gấp cái giấy gói hoa văn nhét vào cặp trống, cùng với mấy đồ y phục bẩn. Tấm thân to lớn cao gần 1m70 đứng hẳn dậy, nụ cười biến mất, giọng điệu trở lại nghề nghiệp. "Và bây giờ, thưa ông, tôi sợ rằng tôi phải yêu cầu ông cho tôi khám xét cá nhân."
Huuygens đứng lên nhún vai vô phương. Anh giơ hai tay lên đầu đan các ngón tay vào mớ tóc đã hơi rối và nhìn vào mặt thanh tra. "Tôi nghĩ rằng cũng sẽ chẳng giúp ích gì mấy nếu phải thưa với ông rằng tôi coi khám xét cá nhân là một xúc phạm?"
"Tôi sợ không, " thanh tra đáp. "Và giờ, thưa ông..."
"Không những là một xúc phạm, mà còn là chán ngấy khi cứ phải lập đi lập lại mãi mỗi khi tôi đi qua quan thuế?"
"Nếu tôi có thể đề nghị một giải pháp," Thanh Tra Dumas gợi ý, với một thoáng khôi hài trở lại, "ông nên hạn chế cái mê đi đây đó của ông. Theo cách này thì toàn bộ vấn đề về quan thuế sẽ không còn."
"Chúng ta đều không thích cái trò này." Huuygens lắc đầu. "Hãy thừa nhận một điều, Thanh Tra. Thừa nhận rằng đối xử với tôi thế này không công bằng hợp lý - có lần nào ông đã tìm thấy tôi vi phạm luật đâu. Người khác cũng vậy, chả ai tìm thấy."
"Chưa thôi", chánh thanh tra hơi nhân nhượng. "Nhưng có một ngày chúng tôi sẽ." Mắt ông hướng về cái hộp sôcôla, và hơi có vẻ tự mãn trở lại. "Đối xử không công bằng này - theo cách ông nói - là hình phạt người ta phải trả vì đã trở nên nổi tiếng giữa dân buôn lậu là đã liên tục mưu mẹo qua mặt chúng tôi, đám thanh tra quan thuế đầu bò đáng thương. Hoặc ít ra chúng tôi đã nghe đồn như vậy...".
Nụ cười ông biến mất như thể có bàn tay to đùng nào quét sạch đi. Ông nghề nghiệp trở lại, chợt nhận ra thời gian đang qua mau, và một sự thật khác là - mặc dù Huuygens có thể quan trọng - nhưng cũng còn những vô lại khác kém hơn đang cần đến ông chiếu cố. "Và giờ, thưa ông - làm ơn, áo choàng trước tiên. Ông cho phép?"
"Chỉ xin ông đừng làm nhầu," Huuygens yêu cầu, và bắt đầu cởi jacket.
***
Jimmy Lewis, theo anh tự miêu tả, là phóng viên lưu động hàng đầu của báo New York trụ tại Paris - một tuyên bố khó tranh cãi vì anh là người duy nhất ở đây. Anh đang đứng dựa vào góc một kiosk sách báo trong khu chờ đợi chính của phi trường Orly, liếc qua 1 tạp chí mà đa phần dành cho hình ảnh các cô ngực nở và quảng cáo của các hội Trái Tim Đơn Côi. Anh còn trẻ, cao gầy, tóc hung hung đỏ và đôi mắt ngây thơ một cách ngạc nhiên nếu xét đến những gì anh đã chứng kiến trong đời, kể cả tạp chí hiện anh đang cầm trong tay. Anh cao hẳn giữa đám đông đang lướt qua; trên vai luôn luôn quàng cái máy ảnh và chiếc áo mưa coi như đồng phục của anh, giống như jacket nghề nghiệp và mũ lưỡi trai của người coi kiosk đang ngó anh không chút thiện cảm.
Jimmy ngắm xong mấy hình chót các em phô trương bộ ngực căng phồng quá cỡ, và đang nhẩn nha ngó lên thì kịp thời trông thấy Kek Huuygens xuất hiện ở thang máy chỗ bộ phận quan thuế phía dưới đi ra và di chuyển về hướng bãi đậu taxi. Không thể nào không nhận ra cái sải bước đó; Huuygens luôn luôn bước đi với đôi vai rộng sấn tới trước, như thể đang chen tới giữa đám đông ngăn lối. Kêu lên ngạc nhiên thích thú, Jimmy vứt lại tờ tạp chí trên giá và tìm lối có thể nhẩy dài để bắt kip anh kia tại khu khách sạn tầng dưới. Người coi kiosk nhặt lấy tờ báo, lầm bầm cái gì rất Pháp không thể lầm được và bất lịch sự thấy rõ; hình như hắn cảm thấy người ta phải hoặc trả tiền tờ báo, hoặc ít ra cũng tử tế đặt lại vào quầy đàng hoàng.
Jimmy bắt kịp con mồi, sốc lại đồ trên vai một cách thiện nghệ, và ngó xuống cười vui vẻ. "Chào Kek. Khỏe không?"
Huuygens ngước nhìn lên; vẻ đăm chiêu biến thành nụ cười. "Chào Jimmy, Thật ra khá hơn." Anh chú ý đến máy ảnh và áo mưa. "Bạn đi hay về?"
"Về," Jimmy vừa nói vừa hất đầu về phía khu vực đợi. "Tôi vừa ở Marseilles về sau cuộc săn tìm vô ích. Tại sao chủ bút lại làm vậy với chuyện mấy người mất tích, tôi không bao giờ hiểu. Tôi có thể đã đi săn tin quần vợt, hoặc ít ra ở nhà gác chân lên thành cửa sổ. Hoặc trên người láng giềng, một mợ phốp pháp có vẻ dùng làm gối gác chân rất tốt." Anh cười toe toét "Ngay hiện giờ tôi đang chờ xem họ có đem hành lý tôi ra hay là thành thật thừa nhận đã làm thất lạc." Anh chợt nẩy ý kiến. "Đi uống được không? Sau đó tôi sẽ đưa bạn về nhà nếu tôi tìm được hành lý."
Huuygens xem lại đồng hồ và gật đầu. "Được. Sẵn lòng. Tôi phải gọi điện thoại trước đã, nhưng tôi sẽ gặp bạn trong bar".
"Thế nhé. Nhưng chúng ta hãy tới bar trên lầu. Bar dưới này quá nhiều phụ nữ."
Cặp mày cương nghị nhướng lên. "Nhiều phụ nữ thì đã sao?"
"Họ cứ vòi uống miết," Jimmy thông tin anh giọng nghiêm trang, và quay người đi về phía cầu thang. Huuygens không những là bạn cũ, mà còn là một trong những người được chuộng. Thói quen đụng đầu nhau vào những lúc kỳ quặc và tại những nơi lạ lùng khiến cả hai đều tò mò muốn biết người kia đang làm gì; trong quá khứ vài phiêu lưu của Kek đã cung cấp cho anh chuyện hay, chính là vì Huuygens tin tưởng anh giữ kín thông tin cho riêng mình khi bị hạch hỏi.
Jimmy lên cầu thang, bước 2 nấc một; anh đẩy cửa vào và thấy một bàn trống được bảo vệ khỏi khu phòng đợi vòng cung phía dưới bằng các màn treo dọc theo các cửa sổ phòng. Anh đẩy tấm màn vải dầy nặng sang bên, ngó xuống dưới một lát rồi buông các nếp màn trở về chỗ khi có người phục vụ tới gần.
Lúc Huuygens gặp anh 2 ly rượu đã đợi sẵn trên bàn. Kek đặt cái cặp trên ghế thứ 3 đã có treo máy ảnh và áo mưa, rồi ngả người xuống ghế, với lấy cái ly. Anh nâng ly khẽ ra dấu chúc mừng rồi uống một ngụm lớn. Anh đặt lại ly xuống bàn mỉm cười thỏa mãn.
"A! Giờ thấy khá hơn."
Jimmy ngó anh tò mò hơn là thông cảm. "Mấy cha lớn quan thuế phía dưới chắc lại làm khó dễ cháu nhỏ Kek của tui?"
Huuygens nghiêm trang gật đầu, nhưng mắt anh thì hấp háy. "Họ có."
"Thế đấy." Jimmy nhàn hạ xoay cái ly, rồi ngước mắt lên. "Thế cháu có định kể cho Bố nghe không?"
"Chưa," Kek điềm nhiên đáp, và lại nâng ly chúc mừng.
Jimmy đời nào sẵn sàng chịu thua; trước kia anh đã phải tán tỉnh mãi mới moi được chuyện từ Huuygens. "Bạn muốn nói chưa có nghĩa là không bao giờ? Hay chưa đây giống như cô gái trong 'Chàng Trai Trên Đu Bay' ?"
"Cô gái trong cái gì?" Huuygens ngó anh chăm chăm.
"Tôi cứ quên bạn không sinh ở Mỹ," Jimmy vừa nói vừa lắc đầu. "Cô gái tôi nói đây là trong một bài hát. Nhạc điệu giông giống như vầy: da-dum, tum-tum, da-dum, cái gì, cái gì, và rồi chấm dứt bằng: 'Nhưng, chà, các bạn, Tôi yêu nàng, tôi cầu hôn nàng; tôi nói tôi quên và tha thứ hết - Nàng đong đưa váy loạt xoạt, và không chút thẹn thùng nói, Có thể sau này, giờ chưa' ".
Huuygens cười. "Một em lẳng lơ."
"Nhất định rồi," Jimmy đồng ý ngay. "Không thể sai chạy. Nghĩa rõ ràng như ban ngày."
Anh quan sát bạn. "Vậy! Cái chưa nào? Có thể sau này, hay không bao giờ?"
Huuygens hình như đang ngẫm nghĩ. "Tôi nghĩ, có thể sau này. Khi tới thời điểm thích hợp"
"Tốt. Dẫu sao cũng còn hơn không bao giờ."
Jimmy uống cạn ly, và kéo tấm màn dầy sang một bên, ngó xuống. Mắt anh sáng lên. "Tôi quả thật tin rằng sau cùng họ đã ngưng thói ăn cướp. Dưới kia có cô tóc vàng mà tôi gặp trên máy bay. Và em bé dễ thương đáng yêu đang tay xách nách mang. Chẳng lẽ họ chỉ giao hành lý cho các cô tóc vàng kiều diễm; tôi nghĩ tôi nên xuống xem đồ của mình ra sao." Anh gạt cái ly sang bên. "Trừ phi bạn muốn uống nữa."
"Không. Tôi sẽ tiếp tục uống ở nhà. Tôi đang đợi một người khách rất thường hay khát rượu" .
"A. May nhé. Nếu vậy thì tôi sẽ đi lấy đồ và gặp bạn ở bãi đậu xe. Bạn biết xe tôi chứ." Jimmy cười rạng rỡ. "Để chứng tỏ tôi không giận, tôi để bạn trả tiền rượu. Bạn có thể kể đó như là tiền xe taxi đưa bạn về nhà trên tờ khai thuế lợi tức."
"Cám ơn bạn cực kỳ," Kek nói lịch sự. Anh cười với bạn và giơ tay gọi người phục vụ.
Tại bãi đậu xe Jimmy thẩy túi xách, máy ảnh, áo mưa của mình vào đàng sau chiếc xe Volkswagen cà tàng, và không biết làm thế nào mà đã chui tọt vào sau tay lái trong khi Kek vào phía kia, đang kéo đóng cửa xe. Jimmy nhả côn mạnh như vẫn thường làm và xe gầm lên lao vào dòng xe hướng về thành phố. Kek dán chặt gót chân xuống sàn xe; Jimmy có thói quen hay nhấp thắng và vào những lúc bất ngờ.
Anh lượn lách một xe tải chở đầy gỗ súc, vượt giữa 2 xe gắn máy đang đua nhau và quay qua Kek cười vui vẻ, "Này, đã thấy cái máy ảnh mới của tôi chưa?"
Kek không ngừng dán mắt vào đường. "Chưa."
"Thật đẹp. Sau cùng tôi cũng tậu được chiếc Graphic Super Speed 45 đàng hoàng từ mấy tay keo kiệt ở văn phòng New York. Cái máy quỷ sứ cũ của tôi thường phải cần 2 người khiêng."
"Ô?"
"Phải. Máy mới thật đáng yêu."
"Tại sao? Anh chụp được nhiều hình đẹp ở Marseilles?"
"Nhất định rồi. Nói chung nhiều hình về thành phố cộng với vài hình đẹp ở bến tầu." Jimmy cười. "Tôi được phái đi làm mấy công tác điên rồ này và tôi có nhiệm vụ phải đánh điện về sao cho nghe như là tôi biết tôi đang làm gì. Chuyện này khó khăn khác thường."
"Sao vậy?"
"Vì đánh điện chỉ thị công tác bằng dây cáp điện tốn tiền, chủ bút muốn tiết kiệm. Kết quả là lệnh mơ hồ không rõ. Phân nửa thời gian tôi không thể hiểu được họ muốn tôi làm gì. Tuy nhiên, nhờ đánh điện về được vài hình rất tốt, và gửi đủ những cái mà tôi cứ cho là đúng lệnh - tôi không ngừng cầu nguyện mong là đúng - tôi cố xoay xở để khỏi bị các quan cho vào đám dân thất nghiệp."
Kek mỉm cười. "Bạn muốn nói chủ bút của bạn dễ dãi thỏa mãn?"
"Ai? Chủ bút của tôi?" Jimmy ngó hành khách bên cạnh như có vẻ hơi giận; xe cộ vụt qua khi anh đổi hướng chú ý. Anh ngó trở lại đường kịp thời tránh đụng đầu một chiếc xe tải nhỏ ba bánh. "Tôi đã nói tôi cố tránh thất nghiệp. Chủ bút tôi sẽ không thỏa mãn ngay cả với tin sốt dẻo độc quyền về công thức bí mật của Beaujolais de Texas."
"Cái gì vậy?"
Jimmy cả cười. "Trong những bar tôi đến, đó là tên gọi của Coca-Cola." Anh thình lình thắng gấp, quẹo vào Avenue de Neuilly, và nhấn ga, tất cả hình như chỉ với một thao tác. "Và nếu bạn muốn biết lý do cuộc bàn luận dài dòng này, thì tôi sẽ cho bạn biết. Tôi cần vài tin."
Kek liếc xéo bạn. "Cho tôi biết tại sao?"
"Tại vì nhiều chuyện xẩy đến cho bạn. Hoặc là những chuyện chính bạn tạo nên." Anh bẻ tay lái mà không hề giảm tốc độ; họ chạy nhanh vòng quanh Porte Maillot, suýt đụng một ông già đang chạy xe đạp. Jimmy chọn Allée des Fortifications và chạy tiếp. Mắt anh lại đảo quanh. "Thế nào, có hé lộ cho tôi chút gì để dùng không?"
Huuygens mỉm cười."Tôi sẽ lưu ý đến chuyện này."
"Tôi mong bạn sẽ, "Jimmy thở dài nói. "Tôi thích Paris và ghét bị thuyên chuyển." Anh ngẫm nghĩ một thoáng. "Hay bị nghỉ việc."
Anh quẹo vào Avenue du Maréchal Favolle, cắt giữa 1 xe station wagon và một xe con đang chạy nhanh, đạp thắng, quẹo gấp rồi ngừng xe kêu ken két trước cửa tòa nhà Kek ở. "Voilà, m'sieu." (Đây rồi, thưa ông).
Kek trèo ra khỏi xe và lấy cái cặp, rồi tựa vào cửa sổ xe. "Jimmy," anh trầm ngâm nói, "bạn có từng nghĩ tới chuyện viết một bài báo về lái xe nguy hiểm ở Paris?"
Jimmy lắc đầu. "Tôi biết tài xế Pháp lái ẩu nhất thế giới," anh thành thật nói, "nhưng bạn không bao giờ thuyết phục được chủ bút tôi. Ông ta sống ở Jersey." Anh giơ một tay lên. "Chào, ta-ta. Và đừng quên tôi cần vài tin."
"Tôi không quên," Huuygens hứa. Anh ngó Jimmy vọt vào dòng xe, suýt đụng một bác tài taxi đang giận dữ, và rồi mỉm cười quay vào cao ốc của mình.
Nụ cười biến mất khi anh bước vào lồng thang máy, ông già nhỏ con điều hành thang máy toét miệng chào, nhưng thấy vẻ mặt cứng rắn liền ngậm miệng lại. Kek rời thang máy tầng của mình, mở khóa cửa phòng, và đóng lại sau lưng. Anh thả cái cặp trên ghế, và đi ngang căn phòng tối lờ mờ tới lan can, mở toang cửa, bước ra ngoài.
Cảnh quan ngó ra rừng Bois de Boulogne thật đẹp, với những mái ngói ngả mầu và nhiều cột ống khói như những ngón tay chọc lên lùng sục, mờ mờ trong hơi nóng hầm hập phía xa xa ngoài đám xanh rừng rậm. Gió thoảng hương thơm mang theo tiếng vang đinh tai nóng nẩy của kèn xe, hòa với tiếng la hét của trẻ nô đùa, và kêu gọi bực tức của những người chăm sóc chúng. Anh ngó xuống. Phía dưới lan can, trong bóng dâm của tòa nhà cao, tiệm càphê nhỏ vỉa hè phục vụ như là một ốc đảo cho khách bộ hành mệt mỏi; các cánh dù nhiều mầu sắc, nhìn từ trên xuống, trông có vẻ như một cái vườn kỳ lạ, trồng theo một dạng tùy hứng nằm bên cạnh giòng sông nhựa đường chảy ngang qua.
Paris! Anh trầm ngâm, dựa vào hàng rào lan can bằng đồng. Một nụ cười châm biếm nở trên môi. Nơi nào khác trên thế giới mà ta có thể được hưởng tiếng kèn xe inh ỏi và la hét của trẻ? Hoặc đi xe lái bạt mạng như Jimmy? Hoặc quan tâm đặc biệt của mỗi thanh tra quan thuế trong thành phố? Nghĩ ngợi làm anh nhăn mặt; anh liếc nhìn đồng hồ tay và thẳng người lên. Vài phút nữa Anita sẽ tới, và nàng không bao giờ chậm trễ.
Anh trở vào phòng, đóng khẽ cửa lan can sau lưng, như thể miễn cưỡng phải tách rời khỏi cuộc sống thú vị và không phức tạp phía dưới, rồi đi tới quầy rượu ở góc phòng. Hai ly được lấy xuống từ trên kệ, soát xét, rồi lau chùi kỹ lưỡng: chị người làm ban ngày - thật đáng thương, cái cô bé - chẳng bao giờ coi sạch sẽ cũng là một phần của trông nom nhà cửa. Anh cúi xuống và lấy ra khay đá từ cái tủ lạnh nằm ẩn dưới cái bồn rửa ở quầy rượu, đặt những cục đá vào một cái chậu bạc để chuẩn bị, và lấy xuống một chai brandy Á Căn Đình cho mình và một chai gin Anh cho cô bạn. Các bạn anh chắc phải ngạc nhiên sao ở Pháp mà anh lại uống brandy Á Căn Đình! Ôi, họ không biết gì cả. Họ cũng chẳng hiểu cái lợi có bạn bè buôn bán hàng nhập cảng, anh cười ngẫm nghĩ, và vừa với lấy chai Seltzer thì chuông reo. Anh chùi tay vào khăn, treo lại chỗ cũ, và bước tới cửa, mở toang ra đón.
"Chào Anita."
"Kek! Cưng!" Cô gái trước mặt anh mỉm cười tràn đầy hân hoan. "Khỏe không?" Nàng bước tới nhón gót cho hợp chiều cao của anh, chìa đôi môi hé mở, mái tóc vàng đong đưa nhè nhẹ che khuôn mặt đẹp, thân hình tuyệt mỹ dướn cao. Kek ôm nàng nồng nàn, thật chặt, cảm thấy bộ ngực căng tròn áp sát, ngửi mùi nước hoa ngào ngạt, và tận hưởng đầy đủ cái kích thích của giác quan. Phía sau họ, ngoài hành lang, có tiếng thở dài tình cảm của ông già điều hành thang máy đang ngó qua khe cửa thang máy, một tiếng click sắc rõ khi sau cùng cánh cửa đóng lại miễn cưỡng, và rồi tiếng rít của dây cáp nghiền vào đĩa khi thang máy bắt đầu hạ xuống. Kek thôi ôm, buông ra, cả cười.
"Giỏi lắm, Anita."
Anita làm một cử chỉ lịch sự kiểu cách, "Cám ơn, ngài." Nàng bước tự nhiên vào phòng, dùng tay quạt phành phạch. "Ngày nóng khiếp! Em đang chết khát đây!" Cái đầu tóc vàng của nàng nghiêng về phía cửa vẻ tò mò. "Em thích kiểu chào đón này, Kek - và ước gì anh cũng thích thế nhiều gấp rưỡi - nhưng, này! Khi anh điện thoại em hôm nay, em không thể nào tưởng tượng tại sao anh lại muốn em diễn trò như vậy trước mắt ông điều hành thang máy."
"Vì ông là người mới", Kek nói.
"Ý anh là muốn tập cho ông quen để thích nghi?"
Kek cười. "Không. Vì anh chắc chắn cảnh sát có thuê ông theo dõi anh."
Anh bước tới quầy rượu, bận rộn pha đồ uống.
Anita leo lên ngồi trên ghế đẩu cao, chiếc váy xoay đong đưa nhất thời để lộ cặp giò dài và đẹp, đặt cái ví trên ghế khác, và rồi với lấy hộp thuốc lá. Nàng rút một điếu và mồi bằng chiếc bật lửa nhỏ xíu, nhả khói, rồi dùng đầu móng tay khều những sợi thuốc lá khỏi đầu lưỡi. Cái thủ tục quen thuộc này xong, nàng mới nhìn anh tinh quái.
"Nếu ông được cảnh sát trả tiền, thì để chi vậy? Tại sao lại cần phải có cảnh yêu đương cuồng nhiệt diễn ra trước mắt ông? Họ theo dõi anh để làm gì? Xem độc thân hay không?"
Kek lại cười và trao nàng ly rượu. Họ cụng ly, mỉm cười với nhau thân tình, chân thực, và nhấm nháp. Kek gật gù, tán thưởng cái hương vị đậm đà dễ say của brandy, rồi lắc đầu.
"Không," anh nói bình thản. "Đơn giản là họ đang chờ xem hôm nay anh có cô bạn đến thăm không, và em chính là cô bạn đó."
"Tuyệt thật! Em thích được là cô bạn đáng yêu của anh. Có điều là -" Anita nhấp chút rượu và đặt ly xuống " - sẽ đẹp hơn nếu anh không phải bị áp lực của cảnh sát mà yêu cầu em cho anh hôn."
Kek cười nở miệng. "Họ chỉ nghĩ họ đã áp lực anh. Thật sự, họ không nghĩ ra cái chuyện hôn hít đó. "
"Bất cứ thế nghĩa là gì," Anita nói và nhìn anh trầm tư khi nàng chợt nghĩ đến một thắc mắc khác. "Chứ tại sao cảnh sát lại đoán hôm nay anh có cô đáng yêu đến thăm?"
"Vì anh đã bảo quan thuế là anh đã mua cho nàng 1 hộp kẹo sôcôla từ Thụy Sĩ, và dĩ nhiên là...."
Anita lắc đầu bực bõ. "Anh càng nói càng khó hiểu, nhưng em nghĩ là tới giờ em đã quen rồi. Và dẫu sao em sẽ tha thứ cho anh mọi chuyện trừ chuyện sôcôla. Kẹo loại gì vậy?"
"Anh sợ chúng không là loại gì, " Kek nói tiếc nuối, "Hay nếu chúng vẫn còn là kẹo, thì tới lúc này chúng đã bị cấu xé, ngắt véo, chọc xiên, soi quang tuyến X, và nói chung là đã được xét nghiệm nghe đồn là rất hiệu quả bởi phòng xét nghiệm của cảnh sát, đến nỗi anh ngờ rằng chẳng ai còn muốn ăn chúng." Anh cười toét miệng và ngước mắt lên trời. "Cầu xin Allah cho họ vớ được những tên có ngón tay dính nhám cho đúng với những nghi ngờ xấu xa của họ!".
"Amen," Anita kính cẩn tiếp lời, rồi đặt hẳn cái ly xuống. "Nhân nói về những nghi ngờ xấu xa, ai là người anh định mang cho kẹo sôcôla này? Cô gái đáng yêu nào? Vì em chắc chắn cô ấy không phải là em."
Mắt Huuygens hấp háy. "Ghen hả?"
"Cực kỳ." Đôi mắt tím của nàng nhìn nghiêm trang thẳng vào mắt anh.
"Này," Kek nói chậm rãi, bàn tay to xoay xoay cái ly trên quầy tạo thành một chuỗi vệt nước vòng tròn trên quầy, "trường hợp này em không cần phải ghen. Vì lúc đó anh không nhận thức được rằng hình như anh thực tế là đã đem kẹo về cho một ông Thanh Tra Dumas nào đó. Tin anh đi, ông chắc chắn không phải là cô gái đáng yêu".
"Tại sao anh lại mang về cho cái ông Thanh Tra Dumas này? "
"Vì ông ta soát xét anh rất tử tế," Kek nghiêm nghị giải thích. "Hôm nay ông còn cẩn thận hơn thường lệ. Anh không cảm thấy nhột một tí gì."
"Kek Huuygens, anh thật quá quắt!" Anita lắc đầu bực tức và liền đưa một tay lên soát lại mái tóc. Nàng thấy cử chỉ đó đã làm ánh mắt Kek thay đổi và nàng chợt toét miệng cười. Nụ cười hồn nhiên như con trai khiến nàng trông trẻ hơn cái tuổi 25. "Thôi được, ít ra có lẽ cũng không có gì thật. Tuy nhiên anh sắp bảo em tất cả mọi chuyện này là có một mục đích, phải không?"
"Thì anh đang bảo em," Kek đáp làm ra vẻ như đã kiên nhẫn rất nhiều. "Em đơn giản là không chịu hiểu. Hôm nay anh từ Thụy Sĩ trở về, như em biết đấy, và quan thuế đã khám xét anh, nghi ngờ kẹo sôcôla của anh - mà anh mua về để làm quà cho một cô gái đáng yêu - và họ đã tịch thu kẹo."
"Và em là cô gái đáng yêu anh mang quà về."
"Phải."
"Em hiểu rồi." Anita gật đầu "Bởi vậy anh liền gọi em, bảo em đến đây và hôn anh công khai cho ông điều hành thang máy thấy, và tất cả thế chỉ để bảo em rằng kẹo của em đã bị quan thuế tịch thu. Phải thế không?"
"Phải, tới mức gần đúng - "
"Nhưng không hoàn toàn đúng." Anita dụi tắt điếu thuốc, uống hết ly rượu, đặt ly xuống, thận trọng nhìn anh. "Anh còn muốn cái cô gái đáng yêu này làm chuyện khác nữa? Vì em chắc chắn là không phải chỉ có thế."
"Đúng vậy." Kek uống cạn ly và để ly sang một bên, dáng vẻ dứt điểm. "Anh muốn em đi giao hộ anh."
"Đi giao? Từ cuộc du hành hôm nay của anh?" Anh gật đầu; nàng nhăn mặt nhìn anh mơ hồ không hiểu. "Nhưng anh nói họ đã khám xét anh."
"Ô, họ có làm vậy, đúng thế."
"Như vậy họ đã tịch thu kẹo," Cô gái nói, giọng điệu cho thấy nàng không biết có nên bực mình hay không. Từ câu chuyện nàng vừa nghe, nàng thấy hình như lạ kỳ là Kek chưa chịu nhận thua. "Anh hình như coi nhẹ chuyện này"
"Người ta học phải biết triết lý về những chuyện này, " Kek nói, mỉm cười nhẹ nhàng. "Ngoài ra, cả hộp cạo râu hơi cũ, và 20 quan Thụy Sĩ, như Thanh Tra đã nói, có thể tính vào kết toán lời lỗ. Hoặc đúng hơn, cộng với tài khoản phí tổn của anh mà thêm cả thù lao, sẽ là 10 ngàn dollar. Em yêu cầu ông ta cái check, được không?"
Cô gái nhìn anh trân trân. "Nhưng anh đã bảo -?"
"Anh bảo họ đã tịch thu kẹo sôcôla," Kek nói dịu dàng. "Họ chỉ để lại cho anh cái giấy gói. Đúng ra là họ bắt anh phải nhận nó." Anh thò vào cặp, lôi ra cái giấy tô điểm hoa văn. "Giữa lá kim loại mỏng và giấy dán bên ngoài là trang cuối nổi tiếng của một Cantata của Bach, nguyên bản, như thấy trong tay nhạc sư, và trị giá khủng. Bảo ông ta với một chút hơi nóng, đừng quá nóng, lá kim loại và tờ giấy sẽ tách ra dễ dàng. Keo dán sử dụng đã được chọn lựa kỹ càng, không làm hư hại đến bản thảo."
Cô gái nhìn anh thán phục.
'Kek, anh thật tuyệt vời! Nhưng nếu quan thuế tịch thu cả giấy gói, thì làm sao? Hoặc là vứt vào rổ rác? Em nghĩ khi đó chắc anh phải tìm cách ăn cướp cả một xe rác!"
Kek cười toe toét âu yếm nhìn bạn. "Không chính xác là phải cướp," anh nói. "Anh đã tiêu phí một thời gian ngắn để làm quen với bác tài xe rác. Cũng may là," anh vừa nói vừa vỗ vỗ cái giấy gói, "chúng ta không cần phải nhờ đến bác giúp, vì anh thích dành nhiều thời gian với em..."
Phạm đức Thân
( dịch "Sweet Music" của Robert L. Fish )
ÂM NHẠC NGỌT NGÀO, Truyện Robert Lloyd Fish, Phạm Đức Thân chuyển ngữ
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404