• Hoàng Vũ Đông Sơn, CON TRÂU Trong Hồn Tính Dân Tộc Việt Nam

CON TRÂU
Trong Hồn Tính Dân Tộc Việt Nam

• Hoàng Vũ Đông Sơn




Người Việt Nam chúng ta coi "vạn vật đồng nhất thể" tức là cái gì tạo hóa đã sinh rồi hóa đều có linh hồn. Ngay cả sỏi cát đất đá nước cũng chịu đựng một lực chi phối của hoàn cảnh và thời gian:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
(Bà Huyện Than Quan)
 
Với "Thăng Long Thành" nữ sĩ đã mủi lòng đối cảnh sinh tình như vậy thì với Cổ Loa; Chu Mạnh Trinh càng khốc liệt hơn:
Bia tàn cây cối nghìn thu hận
Bể biếc trời xa một mối sầu
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt
Trăng tà khắc khoải cuốc kêu thâu
(Tiên Đàm dịch)
Nguyên tác:
Hoàng bi cổ thụ thiên niên quốc
Bích hải dao tiêu nhất phiến tâm
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
(Chu Mạnh Trinh)
Đó là những vật thể "vô tình" còn được đối đãi, còn trang trọng như vậy huống chi những vật "hữu tình" giúp người ta ở ngoài đồng ruộng tạo nên no ấm:
Trâu ơi! Ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đâu trâu đó ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
(Ca dao)

Nhà văn, học giả Nguyễn Bách Khoa đưa ca dao Việt Nam lên hàng Kinh thi Việt Nam vì ca dao là trí khôn, là Bách Khoa Toàn Thư của Việt tộc. Học giả Nguyễn biên soạn và cho in ấn Kinh Thi Việt Nam từ khi tôi chưa có ở trên đời. Vì chữ "Kinh Thi" có cái gì đó vay vay mượn mượn của "Thiên quốc". Phải chi có tôi, tôi đã quì xuống xin thầy Nguyễn lấy tựa sách là Kinh Văn Việt Nam thì tự ái dân tộc Việt Nam được ve vuốt triệt để. Nhân đó; các nhà phê bình; các nhà mô phạm soạn sách giáo khoa đã phán rằng:
- Ca dao, phong dao, Đồng dao; tục ngữ; cách ngôn vượt lên trên chữ nghĩa và là "gia tài của mẹ", là của "Để giành" cho muôn đời muôn kiếp Việt Nam.
- Tâm người Việt Nam là Phật tâm. Xin hiểu Phật là đấng đại giác chứ không nhất thiết là ông A bà B mang quốc tịch nào. Đấng Đại giác là Thiên lý có Minh Nhiên; có Dị Nhiên. Nên con trâu làm thật ăn giả có nhiều Phật tánh hơn người.

Tương quan giữa người và Trâu là Đồng Đẳng bạn bè, không phân biệt chủ với tớ; "thủ trưởng với nhân viên". Người hay vật cùng khổ giúp nhau sống thoải mái là Phật tâm Phật tánh tự phát chứ chả căn cứ vào kinh văn nào cả. Xã hội ta được phân chia ra bốn giai tầng: Sĩ Nông Công Thương. Nông đứng thứ nhì sau Sĩ, trước Công và Thương nên có vinh hạnh được cầy sâu cuốc bẫm. Trâu (Sửu) cũng có vinh hạnh đứng thứ nhì như người Nông dân Việt Nam. Trâu chỉ đứng sau anh Tý (Chuột) và còn hơn người ở khoản cưỡi đầu tới mười anh chị cao quí là Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo (Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) nên kéo cầy kéo xe bằng thích.
Người dân nghèo ở quê được gọi chung chung là nông dân làm gì biết được chữ nghĩa của Thánh hiền như bậc sĩ. Thật là vô sư vô sách, khi:
"Con chú, chú cho học chữ nho
Cháu chú, chú bắt chăn bò chăn trâu".

Nhưng cái sự "vô sư vô sách" ấy đã cung ứng cho nước Việt ta một bậc cái thế anh hùng là Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lập nên nước Đại Cồ Việt; quốc đô ở động Hoa Lư, Ninh Bình. Thuở Tiềm Long" gặp vận hàn vi. Người đã "thịt" cả một con trâu mộng (trâu lớn) của ông chú để "khao" các bạn nhí ở màn "cờ lau tập trận". Đó là tiên khởi cho việc dẹp loạn Thập nhị sứ quân.
Hữu sư hữu sách cũng nhờ chăn trâu cắt cỏ mà làm nên sự nghiệp lẫy lừng như Đào Duy Từ.
Dù vô sư hay hữu sư; vô sách hay hữu sách cũng phải nhờ có thuận cảnh, được một cặp mắt xanh ngó tới mới thành còn không có thiên trời địa lợi nhân hòa thì:
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
(Kiều)

Đức vua khai cơ nhà Đinh phải nhờ đức ông Trần Lãm yêu quí, gây dựng cho mới có dịp vẫy vùng rồi đắc chí.
Đức Hoàng Quốc Công Đào Duy Từ là đại công thần nhà Nguyễn, được "tòng tự" tại Thái Miếu ở Kinh đô Phú Xuân. Cũng nhờ có quan khám Lý là Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn có bụng hiền tài đã tiến cử "anh trẻ trâu" lên cho Người biết khai thác, cái kỳ tài văn võ của họ Đào là Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên).
Con trâu, mảnh ruộng miếng vườn là sản nghiệp vĩ đại của người dân quê Việt Nam trọng sự đời một người là:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay!
(Ca dao)

Thế hệ học trò Việt Nam trước hay sau năm 1940-1950 mà học lớp nhất (lớp 5 bậc tiểu học bây giờ) đều được học bài tập đọc trích đoạn "Con Trâu cái" trong truyện Con Trâu của nhà văn Trần Tiêu. Nếu ai ngon lành thì được đọc cả Con Trâu; rồi cũng có tình cảm tràn trề với người nông dân để hóa thân cùng họ cũng yêu thương con trâu cái có đôi mắt to sáng long lanh, háng vú hồng hồng.... nghĩa là có đủ các nét đẹp của con trâu tốt;
Sừng cách ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi
Mồm gầu dai, tai lá nứt; đít lồng bàn.
(Tục ngữ)

Cũng là gia súc, trâu có vị thế trang trọng nhất trong thời bình và thời hạn cũng ngang cơ với ngựa chiến, ngựa thồ trong việc vận tải binh lương; đưa tướng soái qua sông to nước lớn khi cần. Một truyện ngoại sử kể: Khi đức Trần Hưng Đạo đang chỉ huy các cánh quân truy sát giặc Tàu thì voi của ngài bị sa lầy. Một em mục đồng cưỡi trâu lại gọi:
- Ông ơi! Voi của ông to quá, nặng quá nó sắp lún xuống rồi chết. Ông lên ngồi sau cháu; cháu đưa ông ra khỏi đầm lầy bùn nhão rồi đưa ông qua sông đánh giặc. Ngài đã qua sông, kịp với cánh tiền quân đang anh dũng múa đao thương "Sát Thát".
Sau 30.4.1975, thân nhân tôi ở quận Đông Triều tỉnh Hải Dương xưa vào thăm có kể chuyện ruộng vườn làng nước, có đọc cho nghe những câu thành ngữ mới thật dí dỏm:
Trâu đen ăn cỏ áy
Trâu máy ăn thịt bò
...
Trâu đen ăn cỏ
Trâu đỏ ăn xăng
...
Thế là trâu mất giá từ khi xã hội văn minh có nông cơ cụ bò ra các cánh đồng Việt Nam thì trâu mạnh bò khỏe thích thịt là thịt; không khốn khổ như ngày xưa:
Trâu lành không ai mặc cả
Trâu ngã lắm kẻ cầm dao.

Bây giờ con trẻ nó đọc tới sẽ cười ồ vì cái vẻ "nhà quéo" rất ư là man rợ của cha ông ngày xưa. Các cụ lì quá! Chả sợ dịch bệnh, chả sợ lở mồm long móng..

 Đừng vội cười các bé! Chuyện có thật 100% ở quê tôi tỉnh Hải Dương. Ngôn ngữ thời thượng gọi là "Người thật việc thật" thuở Pháp xâm lăng nước ta. Đất nước Việt Nam ngày ấy chia làm ba kỳ thi Nam kỳ là thuộc địa; Bắc kỳ là bảo hộ. Còn Trung kỳ là Hoàng Triều cương thổ của Vua An Nam có kinh đô là Huế!

 Riêng Bắc kỳ, người Pháp "bình định" xong là khai thác mọi tài nguyên cả ở lòng đất, trên mặt đất, trong rừng ngoài biển. Chỉ huy toàn bộ đất Bắc kỳ là một thống sứ rồi đến các tỉnh là công sứ. Phủ huyện nào có địa thế hiểm trở, có lực lượng còn manh nha đánh đuổi thì ngoài lập đồn bót để ngăn chặn, họ còn đặt ở bên cạnh quan tri phủ Tri huyện của triều đình Huế một chức danh "giám sát" gọi là Đại Lý. Huyện Đông Triều, huyện Chí Linh là hai huyện bán sơn địa của tỉnh Hải Dương nằm vắt vẻo vào dãy núi Đông Triều. Huyện Đông Triều có tên Đại Lý Hổ Phù - một hình tượng người quê tôi gọi tên Tây trắng ác ôn này, vì mặt nó hung tợn như mặt con hổ đang hau háu vồ mồi mà bị hụt nên tức giận. Tên "Hổ Phù" tôi chỉ nghe nói. Kế đến là tên Đồn Gáo, vì đầu hắn hói trơ sọ ra như cái gáo dừa thì tôi biết mặt vì năm 1945 bị người Nhật tràn đến đã bắt quì rồi gõ chuôi kiếm lên đầu trước mặt người dân huyện tôi.

Các vị vua cuối cùng của nhà Người đã thấy hối hận trong chính sách với Đàng Ngoài; không còn coi đất Bắc kỳ là đất của nhà lê nên đã dần dần điền khuyết những người Bắc Kỳ thế chân những ông Lê Hoan, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải; Phan Thanh Giản...

Trường hợp tiến sĩ Nguyễn Quí Tân tục gọi là nghè Tân người làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương là một điển hình. Các quan người Nam và Trung ra Bắc trọng nhằm lợi dụng tình hình Tây, Ta nhố nhăng tham tàn, tạo dung môi cho tham quan, lại những rồi Đào Lý ở các xã thôn được tự do tác ác, miễn là cung đốn cho các quan lớn nhỏ có nhiều vật phẩm để các quan tỏ dạ "Pháp Nam Trung Tín cả hai triều" là vinh thân phì gia.

Ông Nghè Tân đậu tiến sĩ năm 29 tuổi (Thiệu Trị thứ hai), đã được bổ làm tri phủ nhưng ông không chịu thấu cảnh:
Mái đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới,
Đá xanh xây cống, hòn dưới lống hòn trên.

Nên xin từ chức rồi đi ngao du sơn thủy. Sau, đức vua Thiệu Trị lại triệu ông vào Kinh cho làm quan tại Bộ (?). Chỉ một thời gian ngắn, ông lại xin vua cho về. Vua thuận nhưng giao cho việc "Thanh tra các quan lại miền Bắc để tâu trình riêng với nhà vua".
Ngay tại phủ Bình Giang của tỉnh mình ông Nghè gặp cảnh người đàn bà góa có con trâu "toi" xin trình quan Phủ để được phép chôn. Quan Phủ là người xứ Nghệ định lệ "Trâu toi 5 quan, bò ngã 3 quan" đó là cái giá quan cho áp cả triệu để được chôn. Còn chôn hay đem "đánh đụng" miếng to miếng bé là do Chánh Tổng, Lý trưởng dàn xếp cho. Góa phụ đó đã nhờ Lý Trưởng làm đơn và biện đủ 5 quan tiền dâng cúng quan Phủ. Nhưng trên đường đi: Tiền là Đơn bay mất. Bà ta gào khóc, kể lể khúc nôi mà chẳng ai dám động tâm vì sợ tai mắt của quan. Ông Nghè nghe qua đã thấu tình nên Đạt Lý dùm bằng cách viết "chùa" cho lá đơn trình quan Phủ:
Tôi là phận gái nữ nhi
Có con trâu chết nên đi trình ngài
Vội vàng, váy trụt đánh rơi
Tôi mượn một người mần cái đơn ni
Quan Tri ơi! Hỡi quan Tri
Xin quan chấp lấy đơn ni làm bằng
Dù quan có hỏi: "Mần răng"
Rồi quan cắn cỏ lạy thằng mần đơn.

(VN Danh Nhân từ điển - tr.356 của Nguyễn Huyền Anh)

Dĩ nhiên lá đơn do người đàn bà mù chữ dâng lên phủ được quan chấp nhận.

Dù sao thì trong hoàn cảnh bị ngoại xâm mà thù trong cũng lắm, giặc ngòai cũng nhiều nhưng tất cả các vị vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại đều thậm ghét các anh tham quan ô lại nên có khoản Dưỡng Liệm là tiền tưởng thưởng cho vị quan nào không vơ vét của dân. Nhà Nguyễn có lỗi lớn với toàn Việt là sự phân biệt đối xử Đàng Ngoài Đàng Trong làm tiêu hao nguyên khí quốc gia. Rõ nét nhất từ thời vua Tự Đức trở đi cho đến vị vua cuối cùng thì cứu vãn chẳng nổi nữa.

Thân phận Nguyễn Du và những cựu thần nhà Lê cùng những danh tài sinh ra trên đất Bắc Hà đều ở vị thế". "Hàng thần lơ láo". Nên quan Thanh Tra Nghè Tân được ví như quan Khâm Sai của triều đình cũng chỉ có chức danh là Thanh Tra nữa chẳng cách chức hay bỏ tù được một quan lớn quan bé nào trong hệ thống Hoàng Cao.

Các cô các cậu bé hôm nay dù phải sống trong hoàn cảnh nào, dù ở bất cứ nơi đâu: hãy cố học cho thấu lẽ đời để một mai gánh vác chuyện Kinh bang tế thế, phải cố tránh tụ bè kết cánh và phân biệt đối xử với những người không cùng phe với mình. Đường vô cảm vụ con trâu "toi".
Hoàng Vũ Đông Sơn

Tài liệu tham khảo:
* Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim
* Việt Nam văn lược sử yếu của Dương Quảng Hàm
* Việt Nam Danh nhân từ điển của Nguyễn Huyền Anh
* Tục ngữ Phong dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top