TRUYỆN NGẮN LỆ HẰNG: ĐẠI ÂN NHÂN

ĐẠI ÂN NHÂN

TRUYỆN NGẮN LỆ HẰNG


Từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim, và có lẽ đến muôn đời, hai tiếng “Sạch”và “Bẩn” luôn luôn là hai thái cực đối nghịch nhau, xung khắc lẫn nhau, chẳng bao giờ hòa hợp với nhau được. Ngôn ngữ Việt Nam quả là phong phú, đa dạng. Cũng vẫn hai tiếng “Bẩn” và “Sạch”, nhưng hai tiếng ấy nếu được dùng trong bối cảnh khác, hoàn cảnh khác, trường hợp khác..., thì ý nghĩa của nó lại thay đổi một cách ý nhị, đôi khi lại còn phải hiểu ngầm, hay trái ngược lại, mới nghiệm ra được sự thâm thúy, đúng nghĩa một cách hoàn hảo.

Ví dụ như:
- Ăn chặn “PHÂN” hay bớt xén của công thì gọi là ăn “BẨN”.
- Kết bè, kết cánh, lập hội hè... để lợi dụng niềm tin, lòng hăng say của những người khác, để trục lợi cho mình, thì gọi là đám “BẨN” …lũ BẨN”.

Thường tình là thế, ông lão ở cạnh nhà tôi là một điển hình, kể từ khi sau vài ba lần họp Ban chấp hành của một cộng đoàn nọ...Người ta đã cạn tàu ráo máng với lão, chẳng còn coi lão là đồng hương đồng khói gì nữa. Ngay cái tên cúng cơm mà cha mẹ lão đặt cho lão, cũng đã bị người ta lột phắt đi, và khoác lên mình lão bằng một cái tên mới, không lấy gì làm nhã nhặn cho lắm: LÃO GÀN. Mà cũng đúng thôi, trên cõi đời này chỉ có lão là một. Ngay cái bài học vỡ lòng cho công việc “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, lão cũng chưa hề học qua, thì thử hỏi làm sao lão lại có thể chễm chệ có chân trong Ban chấp hành được? Lão có biết đâu muốn “Vác tù và hàng tổng”, lão phải thuộc nằm lòng cái chân lý bất di, bất dịch này:
- Nghị gật, bè cánh, không ý kiến...Và điều quan trọng nhất là phải đồng hội đồng thuyền, dù cho có thấy trái tai, gai mắt … cũng không bao giờ đối lập, vì ý kiến hay đối lập nó sẽ trở thành hai thái cực xung khắc nhau như “SẠCH” và “BẨN”.

Cả một đám “SẠCH” chỉ riêng mình lão là “BẨN”. Cái “BẨN” của lão lại giống như bệnh hủi hay lây, nên lão đã bị đám “SẠCH” ấy khai trừ, đẩy lão ra rìa, hầu tránh hậu hoạn. Được cái tuy lão “BẨN” nhưng vẫn còn chút liêm sỉ. Lão không hề ai oán hay thanh minh cho mình. Lão im lặng chấp nhận vì lão biết rằng: Mọi người đều “SẠCH” cả, có mấy ai trong cuộc sống này “BẨN” như lão đâu????
Mười mấy năm qua, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, lão như một chiếc đồng hồ sống thật đúng giờ, vẫn chiếc áo choàng, cùng chiếc mũ nỉ rộng vành, cả hai đã ngả màu bạc thếch, loang lổ chỗ đen chỗ xám, đi qua nhà tôi. Công việc của lão thật tầm thường, đơn lẻ, dọn sạch sẽ đầy rolehouse, rồi sau đó lại rút về ẩn mình trong căn nhà buồn tẻ, đơn côi.

Cho đến một hôm thật tình cờ, chiếc xe thổ tả của tôi dở chứng không nổ máy, loay hoay mãi không biết phải làm sao, mà cuộc hẹn ban đầu của tôi trong công việc mới, tôi không thể trễ hẹn. Bỗng lão gàn lù lù xuất hiện, lão lên tiếng:
- Xe của cậu hư ư?
- Vâng, tự nhiên sáng nay nó dở chứng.
- Để tôi xem nào, tôi cũng biết qua về máy móc chút ít.
Lão hăng hái vén tay áo, sờ mó nhừng sợi dây từ ổ điện dần đến spark plug, rồi nói với tô:.
- Cậu thử start cho tôi coi.
Tôi làm theo lời nói cũa lão. Chiếc xe chỉ xục xịch, xục xịch khẽ gầm gừ, rồi im bặt.
- Cục alternator chết rồi, nên không còn xạc điện nữa, vì thế mà nó làm chết luôn bình battery của cậu rồi.
- Ông có thể giúp tôi không? Vì công việc của tôi hôm nay cần thiết lắm, tôi không thể trễ hẹn.
- Tôi có thể làm được nhưng phải mất thời gian.
- Chừng bao lâu?
- Cũng một hai tiếng, vì phải mua cục alternator mới rồi mới thay được.
- Không còn cách nào mau hơn à?
Lão nhìn tôi ái ngại, như ra chiều suy nghĩ.
- Có một cách nhưng chỉ tạm thôi, cậu có đi xa lắm không? Nếu đi xa cậu có thể lấy xe của tôi, nếu cậu không ngại …
Tôi nhìn lão đầy ngạc nhiên, vẻ mặt cũa lão thật chân thành, hơn nữa công việc cũa tôi hôm ấy rất là cần thiết, nên tôi cũng chẳng có thì giờ bận tâm suy nghĩ nhiều về cái tên Lão Gàn mà người ta đã khoác cho lão. Chiều hôm ấy khi tôi trở về, mang xe trả lại. Gặp lão, tôi chưa kịp cám ơn, lão đã lên tiếng trước:
- Xe của cậu đã xong rồi.
- Cám ơn ông quá, nếu không có ông hôm nay tôi không biết phải làm sao?
- Có gì đâu, cậu khỏi bận tâm.
- Còn cái xe của tôi hết bao nhiêu tiền?
- Cũng chẳng đáng là bao, cậu đừng ái ngại, mình là người Việt với nhau mà, hơn nữa lại là xóm giềng nữa.

Từ đó tôi thường hay suy nghĩ về lão. Rồi thêm một vài lần qua lại, cũng vẫn những chuyện thường tình xầy đến, tôi mới hiểu lão nhiều hơn. Con người lão bình dị, bộc trực, ngay thẳng không luồn cúi. Đến với lão, tôi học ra được những điều hay, và cũng ở chính lão, tôi đã biết ra được uống trà là cả một nghệ thuật. Lão nói:
- Trà có nhiều loại người ta thường hay kén trà như trà Long Tĩnh, Võ Di là nhừng danh trà nổi tiếng không riêng ở nước Tàu, mà ở khắp Á Đông. Uống trà Tàu thì cầu kỳ ở chỗ pha chế, trái lại uống trà sen thì cầu kỳ lại chính là ở chỗ ướp trà với hoa sen. Thế rồi uống trà không phải lúc nào cũng thấy ngon, hay uống với ai cũng đều ngon cả...

Lão ngừng nói với tay lấy ấm nước đang sôi trên bếp, đổ nước sôi vào cái ấm chuyên, đổ đầy cho nước tràn ra chiếc bát đựng cái ấm chuyên, làm nóng cả bề ngoài chiếc ấm. Đây là một cách đề giữ vị trà, và cũng để cho ấm trà nóng đều. Lão đậy nắp ấm chuyên lại, rồi cầm cả ấm chuyên chắt nước vào chiếc chén tống, đó là trà nguyên chất được gọi là nước nhất. Từ chén tống lão gạn ra hai chén nhỏ đưa cho tôi một chén.

- Cậu thử xem.
Tôi đưa tay nhận lấy chiếc chén con từ tay lão, hương trà tỏa ra thơm ngát thật dễ chịu. Như để thưởng thức cái tuyệt diệu của chất trà sen tinh khiết, lão ngồi im bất động. Một hồi lâu sau lão mơ màng hỏi tôi:
- Cậu thấy thế nào?
- Vâng thơm ngon lắm. Tôi trã lời lão, mà quả thật tôi cũng thấy lòng mình ấm lại và vẫn giữ nguyên được mùi vị thơm thơm dễ chịu ấy. Từ đấy, tôi trở nên thích uống trà và hay cùng lão đối ẩm. Tôi còn nhớ mãi đã có lần lão kể cho tôi nghe một câu chuyện thật là chí tình, câu chuyện có nhan đề:
 

Áo mới của Hoàng Thượng

Ngày xưa, có một vị vua thích ăn mặc đồ mới và thật đẹp. Ngài đã tiêu phí gần hết tiền kho mà vẫn chưa được thỏa lòng.
Bất cứ việc gì đi săn hay đi hội, đi xem hát hay đi ra ngòai hóng mát, thảy đều là cơ hội đề nhà vua khoe áo mới. M4ài lần đi ra ngoài là đã mặc một bộ đồ mới và trong một ngày không biết bao nhiêu lần nhà vua đổi áo. Ngày kia, có hai tên bợm, xưng mình là tay thợ dệt tài hoa nhất thế gian, dệt được một thứ lụa đã chẳng những tuyệt đẹp, lại còn có cái đặc tính này là những kẻ “NGU” cũng như những người “không làm tròn bổn phận”, sẽ không bao giờ nhìn thấy nó. Nhà vua nghe nói rất mừng: “Hay lắm! Có thứ áo lạ lùng ấy, ta sẽ có thể phân biệt được ai là người trí, ai là kẻ ngu, ai là người làm tròn bổn phận, ai là người trốn phận sự của mình!”.
Liền đó nhà vua truyền gọi hai tên “BỢM” ấy vào đền, ban cho số bạc lớn, bảo phải khởi công lập tức.
Về nhà hai tên “BỢM” cho dàn hai khung dệt, rồi giả bộ làm lia làm lịa không nghỉ, nhưng nào có một sợi tơ sợi chỉ gì trong ống đâu. Chỉ bằng vàng, lụa thật nhuyễn của vua ban, chúng đều dồn hết vào bao cất kỹ...
Nhà vua nóng lòng muốn xem thử công việc dệt lụa đã đến đâu, nhưng nhớ lại rằng công việc thần bí ấy sẽ biến mất trước con mắt của bọn ngu, nhà vua hơi lo ngại, dù nhà vua vẫn tin mình là bậc thông minh hơn hết trên đời. Tốt hơn là sai kẻ khác đến xem thế cho ngài có phải tiện không. Trong nước ai ai cũng trông cho mau rồi bộ áo huyền bí ấy, để thử xem chung quanh mình ai là thằng ngu.
Nhà vua nghĩ nên sai vị lão thần thông minh nhất trong quần thần đến xem là phải nhất, vì ngoài sự thông minh của ông, ông ấy lại là người  rất lo tròn bổn phận của mình hơn ai hết. Vị lão thần này từ trên xuống dưới, cũng như từ trong ra ngoài lê thứ, đều biết là bậc chính nhân quân tử. Tin nơi óc thông minh, nơi đức hạnh cũa mình, vị lão thần lãnh mạng ra đi, vào thẳng phòng riêng các anh thợ dệt. “Ôi Đại từ bi ôi! Sao mà chả thấy gì cả kìa!”. Ông nghĩ như vậy, nhưng không tiện nói ra. Ông cố gắng mở rộng đôi mắt, nhưng rồi cũng chả nhìn thấy gì cả. Ông lại tự hỏi: Trời ơi! Lẽ nào tôi là một đứa ngu, tôi đã trốn tránh đánh lừa  phận sự hay sao?Hai tên “BỢM” thấy vị lão thần đến nhìn mà không nghe nói gì cả, bèn mời ông đến gần hơn, để nhìn tận tường khúc lụa đang dệt. Nhưng vị lão thần vẫn không trông thấy gì cả. Ông đã bắt đầu nghi ngờ sự phán đoán cũa mình, và của tất cả mọi người xung quanh. Rất có thể mình tưởng mình là thông minh, mà thực sự mình ngu. Có thể lắm. Ông đang suy nghĩ miên man, thì tên BỢM” hỏi dồn:
- Thưa ngài, ngài nghĩ sao về tấm lụa này?
- Đẹp lắm, đẹp lắm tôi sẽ về tâu lại với hoàng thượng.
Lão thần vừa nói vừa sửa lại gọng kính mắt và lóng nghe hai tên “BỢM” cắt nghĩa chỗ nào đẹp, chỗ nào khéo đề về thuật lại cho vua nghe. Vua nghe phúc trình của vị lão thần, bèn sai thêm một vị quan cận thần khác, cũng có tiếng là thông minh liêm chính. Cùng một số phận như vị lão thần trước, ông này cũng chả nhận thấy gì cả. Hai tên “BỢM” cũng lăng xăng chỉ chỏ chỗ này chỗ kia và cắt nghĩa lung tung. Vị quan này ngẫm nghĩ: “Hay là ta ngu mà không biết, có lẽ lắm, vì nhiều khi ta giả vờ thông minh mà kỳ thật ta có hiểu biết gì nhiều đâu. Thiên hạ cho ta là trí thì ta cứ nhận bừa đi, chã lẽ cãi lại. Trong thâm tâm dù biết mình không thông minh, vẫn muốn thiên hạ đừng chê mình ngu, có khi lại muốn lòe thiên hạ là khác. Đích thị là mình ngu, nên không làm sao nhận thấy được tấm lụa huyền bí này. Thôi bây giờ cứ giả vờ là thấy, kẻo chung quanh họ biết mình là ngu thì khốn”. Rồi vị quan khen đáo khen để, trở về tâu với vua rằng, không còn có vật nào trên đời sánh kịp.
Vua bấy giờ yên lòng muốn thân hành đến xem tấm lụa. Vua ra đi với các cận thần. Hai tên “BỢM” thấy vua đến bèn ra tận ngoài đón rước... Quái lạ thay! Hai tên “BỢM” tay làm không nghĩ, vậy mà tấm lụa màu sao chẳng thấy hiện lên. Đức Vua cùng cận thần đều ngạc nhiên hết sức, nhưng rồi ai ai cũng nghĩ: Phải chăng mình chưa phải là người thông minh, và xét cho kỹ hàng ngày mình vẫn nhiều khi không lo tròn bổn phận, lười biếng bê tha... Nguy rồi, nhưng ta nên cố gắng trấn tĩnh tinh thần, kẻo chung quanh thiên hạ họ biết mình là ngu. Vua gật đầu khen và hứa với hai tên “BỢM” sẽ gia ân trọng thưởng. Cả triều thần cùng một cảm nghĩ, xầm xì bàn tán với nhau và khen tặng tấm lụa vô hình không hết lời.
Đến ngày đại lễ, vua cùng quần thần đến. Hai tên “BỢM” qùy xuống dâng nhà vua áo quần vừa mới may xong. Hai “BỢM” ta nói: “Lụa này rất nhẹ như hơi gió, mặc nó vào mình nhẹ nhàng đến nỗi mình tưởng chừng như không mặc áo quần gì cả”. Các quan đều rập tâu: “Thật chí lý! Thật chí lý! Lụa này nhẹ làm sao! Rồi cùng nhìn nhau bỡ ngỡ, nhưng ai ai cũng vẫn làm ra vẻ mình không phải là đồ ngu!”.
Hai “BỢM” bước đến bên vua tâu:
- Xin Thánh thượng cho phép hạ thần thay quần áo mới vào.
Vua để hai tên “BỢM” cởi hết y phục, chỉ còn giừ lại cái áo lót và cái quần lồng mà thôi. Chúng khéo làm cách điệu như thật, ai cũng tưởng có thật bộ đồ mới mà chúng trân trọng mặc cho vua.
Vua tỏ vẻ đắc ý, ngắm nghía một hồi trước một tấm gương lớn. Các quan rập nhau khen tặng không hết lời. Quan hành lễ bước vào tâu vua rằng đài kiệu đã sẵn sàng đang chờ trước cửa. Trước khi bước ra, vua còn ngó lại trong gương và làm bộ săm soi mình trong bộ quần áo đẹp quí nhất trần gian. Các quan hầu nâng vạt áo vô hình theo sau, còn vua thì bệ vệ oai nghi đi dưới đài. Hai bên đường thiên hạ chen nhau trùng trùng điệp điệp để xem nhà vua trong bộ quần áo mà họ đã nghe đồn từ lâu. Nhưng lạ thay, nào có ai nhìn thấy gì, chỉ thấy vua trong bộ áo lót và chiếc quần lồng, rất là dị hợm. Không ai dám cười, dám nói lên sự thật. Người này nhìn người kia, không dám hở môi, rủi mà người chung quanh biết mình là ngu thì sao! Rồi không hẹn mà người nào cũng như người nào đều xầm xì với nhau: “Chà áo đẹp quá cỡ!”. Thật từ trước đến giờ chưa từng có lúc nào áo mới Đức Hoàng thượng được người dân ca tụng đến thế.
Nhưng không hẹn mà nên, tất cả đều lặng lẽ, không ai nói với ai nữa, có lẽ họ đã bắt đầu suy nghĩ. Thì bỗng có tiếng trẻ con vang lên với một tiếng cười giòn giã: “Vua có mặc áo đẹp gì đâu!”.
Nhà vua nghe nói giật nảy người, mồ hôi ướt đầm, tự nhủ: “Có lẽ đúng vậy!”. Nhưng mà phải cố trấn tĩnh, đừng để ai thấy sự lúng túng của ta.
Vua làm ra vẻ bệ vệ oai nghi, trang trọng hơn trước, đi thật mau trở về đền, theo sau một đám quan hầu cung kính nâng vạt áo “VÔ HÌNH” …. **(1)

Lão giãi nghĩa câu chuyện:
Trong cuộc sống tự do ngày nay, biết bao kẻ không bao giờ dám nghĩ theo mình và suốt đời chỉ lấm la lấm lét nhìn k3õ xung quanh, vỗ tay khi nghe kẻ khác vỗ tay, nguyền rủa khi nghe kẻ khác nguyền rủa. Họ có mắt, có tai, có miệng... nhưng có mắt mà không dám nhìn theo mình, chỉ nhìn theo cái nhìn của thiên hạ, có tai mà chằng dám nghe theo cái nghe của mình, mà chỉ nghe theo cái nghe của kẻ khác, có miệng mà chẳng dám nói theo mình, mà chỉ nói theo cái thiên hạ đã nói ….Thật là chí lý.
Cuộc sống cũa lão thật thật bình dị. Lão cô độc một mình và có lẽ chỉ có mình tôi là người duy nhất còn thỉnh thoảng ngồi đối ẩm với lão cho tới khi lão mất. Đám tang của lão thật là thảm thương, chẳng một ai phúng viếng, chỉ độc nhất có tôi và người luật sư của lão.
Một tuần sau khi lão mất, tôi thấy một đám đông có đến vài chục người tụ tập trước nhà lão. Họ mang theo cả nhừng vòng hoa tươi, chắc là để phúng điếu cho lão. Tôi cảm thấy sửng sốt, bước ra khỏi nhà, đến gần đám đông và hỏi:
- Nhà “LÃO GÀN” bữa nay có việc gì mà các bác đên đông thế?
Có lẽ câu hỏi bất ngờ cũa tôi hơi lớn, nên từ đám đông một tiếng trả lời vang lên, hình như là tiếng của ông Chủ tịch Cộng đoàn:
- Này anh kia không được hỗn hào như thế. Ông Thường từ nay không còn là “Lão Gàn” nữa, mà là  “Đại Ân Nhân” của Cộng đoàn.
Thì ra là vậy, người luật sư của lão gàn nhếch môi cười nhìn tôi, trong khi tay của ông đang đưa tờ di chúc cho ông Chủ tịch …..

LỆ  HẰNG 
 (1)  Phỏng theo  ANDERSEN.
 


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top