• Truyện Đỗ Thu Hồng: BAO GIỜ MỚI QUA ĐẠI DỊCH

• Truyện Đỗ Thu Hồng 

 

BAO GIỜ MỚI QUA ĐẠI DỊCH



Bóng đêm lan tràn từng con đường, từng góc phố. Lạnh lẽo và im ắng như trong truyện liêu trai. Không một bóng người, không một tiếng động. Chỉ có tiếng gió xào xạc len qua cây cỏ đẫm sương khuya hắt vào nàng, nghe lạnh ngắt! Tháng tư rồi mà trời bỗng nhiên trở rét. Đêm nay nàng về nhà trong cái lạnh căm căm, âm mấy độ C! Violette kéo cao cổ áo và siết lại cái khăn choàng: “ Thời tiết thất thường quá! Ban ngày nắng nóng, ban đêm thì lạnh tê cóng!”. Vừa nghĩ nàng vừa vội vã đi nhanh về phía nhà mình. Từ chỗ đậu xe đến nhà nàng chỉ cách có một đoạn đường ngắn mà nàng thấy sao mà xa xôi vì cái không khí im lìm lạ lùng của khu phố trong những ngày cách ly nghe hơi rờn rợn! Tiếng bước chân nàng lại càng khua vang trong cái không gian tĩnh mịch ấy. Nó khiến nàng tưởng chừng như cả vũ trụ đã dừng lại, chỉ có nàng cô độc cùng những ngôi sao không ngừng nhấp nháy trên cao.
Mấy ngày rồi nàng không về nhà; trực suốt trong bệnh viện. Nàng nôn nóng trở về mái ấm yêu thương. Dừng chân trước cổng rào, lối vào phía sau nhà, nàng nhẹ nhàng đẩy cái cổng gỗ nhỏ rồi cũng nhẹ nhàng khép nó lại sau lưng. Đến bên cửa bếp, nàng tháo đôi giày đi làm để nó ở bên ngoài; mang đôi dép khác để vào trong nhà, rồi rón rén mở cửa, sau khi đã cẩn thận rửa tay bằng nước diệt khuẩn. Sợ đánh thức chồng và hai đứa con nhỏ, nàng len lén đi vào phòng tắm; cởi bỏ hết quần áo và cho vào máy giặt. Nàng để máy ở chế độ 60 độ để giặt riêng quần áo đi làm của mình. Tắm rửa xong nàng vào bếp để tìm chút thức ăn và uống tí nước. Mắt nàng chợt vui, miệng nở nụ cười tươi vì thấy Hugo, chồng nàng ngồi đó đợi nàng tự bao giờ:
- Anh có hầm món bò cho hai đứa nhỏ. Em ăn một miếng đi! Hôm nay em mệt lắm không? Có nhiều bệnh nhân không em?
Nghe chồng hỏi nàng một cách âu yếm, nàng cảm thấy người như bớt mệt. Lo lắng cũng có chút vơi đi. Gần hai tháng nay nàng và chồng chỉ gặp nhau ngắn ngủi và “xa cách”! “ Xa cách” vì nàng không dám đến gần chồng. Lâu rồi hai vợ chồng nàng chẳng có một cái ôm, mà cũng không thể hôn nhau say đắm như lúc trước, hồi chưa có cái “ rào cản an toàn”! Con virus vô hình đáng ghét đó đã lạnh lùng chia cách vợ chồng nàng, nhẫn tâm ngăn cản nàng nâng niu hai đứa con bé bỏng trong vòng tay yêu thương của nàng. Chính nó đã làm cho hai đứa bé ngủ trong tấm tức vì không được mẹ vỗ về, không được nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Hai đứa nhỏ lủi thủi ở nhà với ba gần hai tháng rồi; không thường gặp mẹ, không được mẹ chăm sóc! Chuyện này đối với đời sống gia đình nàng như là một hình phạt thật bất công bỗng nhiên từ đâu ập đến một cách không thể nào chống đỡ lại được!
Ngồi vào bàn ăn, đầu bàn bên kia là chồng nàng. Thấy đó mà xa cách. Nàng nhìn chồng âu yếm nói:
- Hôm nay em đuối sức lắm, muốn gục ngã! Nhưng nhìn bệnh nhân thoi thóp chống lại cái chết từng phút từng giây, giành giật từng hơi thở ...em thấy mình phải mạnh mẽ hơn mới có thể giúp họ vượt qua hiểm nghèo!
Rồi nước mắt rưng rưng, giọng nghẹn ngào nàng kể thêm:
- Anh biết không, lại thêm một bác sĩ vĩnh biệt ra đi và hai đồng nghiệp nữa bị nhiễm bệnh, nên em thấy lo lắng cho anh và con lắm!
- Anh mới thật sự lo cho em vì em và những đồng nghiệp của mình, các bác sĩ, y tá mới dễ bị lây nhiễm trong lúc điều trị cho bệnh nhân! Còn anh và hai con thì ở nhà cách ly yên ổn, có gì đâu! Em hãy mạnh mẽ và cẩn thận. Ngày nào anh cũng cầu nguyện cho em, cho chúng ta và mọi người!
Nàng xúc động khi được chồng chia sẻ nỗi lo âu ở trong lòng. Nhớ đến con, nàng hỏi chồng:
- Marc và Léna có ngoan không anh?
- Em đừng lo, chúng nó ngoan lắm! Chúng nó có vẽ cho em mấy bức tranh và viết cho em nữa. Sáng mai trước khi em đi làm, anh sẽ cho em xem. Giờ em ngủ đi, lấy lại sức để còn chống chọi với con virus ác độc.
Hai vợ chồng nàng hôn nhau từ xa và chia tay nhau trong khoảng cách!
Nàng rời bàn, vất hết dĩa và dao nĩa vào thùng rác vì từ hôm bệnh dịch bùng phát nàng phải dùng những thứ chỉ xài một lần, không rửa để dùng lại. Trước khi lên gác xép, nơi nàng ngủ cách ly một mình, nàng rón rén hé cửa phòng ngủ của hai con để nghe tiếng thở đều đặn trong giấc ngủ say của chúng. Trong bóng tối, nàng tưởng tượng đến gương mặt ngây thơ của con khi say ngủ mà bất giác rơi nước mắt. Khép nhẹ cửa lại, nàng cẩn thận tẩy trùng tất cả những nơi nàng vừa chạm qua, cứ y như là tội phạm cố tẩy xoá hết mọi dấu vết nơi có vụ án xảy ra. Nàng hy vọng mình không bỏ sót chỗ nào. Như vậy nàng mới yên tâm mà đi ngủ.
******
Sáng hôm sau Hugo đã chờ nàng nơi bàn ăn. Anh bày sẵn mọi thứ cho nàng và chỉ nàng hai bức tranh do Marc và Léna vẽ. Một bức là hình cả nhà nắm tay nhau vui vẻ dưới nắng ấm mùa xuân, bên đám hoa đủ màu, có cả dòng chữ “ Cả nhà yêu mẹ!” của Léna. Còn bức kia của Marc. Con trai có khác! Nó vẽ hình nàng mặc áo blouse trắng tay cầm cây kiếm chém vào khối cầu màu mè, kế bên có ghi chú “coronavirus”. Nàng còn thấy dòng chữ nguệch ngoạc của nó:“ Con yêu mẹ, người anh hùng của con!”. Nàng nghẹn ngào nghe nước mắt nóng hổi lăn trên má! Chồng nàng đứng dậy, bối rối, muốn đến ôm nàng vỗ về. Nhưng nàng vội vã lấy khăn lau nước mắt rồi căn dặn:
- Anh ôm hôn hai con giùm em! À, hôm nay em được về sớm, chắc khoảng 8giờ tối em về đến nhà. Em sẽ được nhìn thấy con và chúng ta cùng ăn tối với nhau. Hôm nay sẽ có một số cas nặng được chuyển sang những bệnh viện khác và chỗ tụi em được mấy y tá tình nguyện từ vùng khác đến hỗ trợ! Giờ em đi làm nhe anh!Ngày mới bình an, anh nhé!
Hugo nhìn theo nàng lâu lắm. Ánh mắt đầy quyến luyến và cũng đượm vẻ âu lo. Nàng biết anh ấy và những người thân yêu luôn lo lắng cho nàng mỗi khi nàng rời nhà đến bệnh viện để làm việc. Nhưng công việc, trách nhiệm cùng lòng yêu nghề và tinh thần tận tuỵ với bệnh nhân khiến nàng không chùn bước. Hơn nữa nàng và các đồng nghiệp đã được xếp vào “ tuyến đầu” thì phải xông tới mà thôi, không có lựa chọn nào khác! Chỉ có xốc tới đối đầu mới mong có thể đánh thắng trận này! Nàng chỉ mong mọi người hãy thể hiện trách nhiệm công dân, giúp đỡ những người ở “ tuyến đầu” như nàng giảm bớt gánh nặng công việc và áp lực tinh thần bằng cách hãy ở yên trong nhà, đừng đi đâu cả!
Bước ra ngoài, bình minh rực sáng. Thiên nhiên vô tư dâng hiến cho nàng nắng ấm mùa xuân cùng không khí trong lành rộn tiếng chim ca. Đám hoa tulipe ngoài vườn còn lấp lánh sương mai thật tươi mát khiến nàng cảm thấy mình như có thêm sức mạnh. Một sức mạnh thần kỳ để cống hiến cho đời không chỉ cả cuộc sống mà trọn tình yêu của nàng nữa!
*****
Chiều hôm nay Violette về sớm. Đèn đường chắc cũng vừa được thắp lên nên còn mờ mờ nhạt nhạt. Cả khu phố cũng vắng ngắt như về khuya. Nàng rảo bước trên vỉa hè không một bóng người, chỉ mong về nhà nhanh nhanh để gặp lại chồng và con. Bỗng nhiên những ô cửa sổ của khu chung cư đối diện cùng phát sáng một lúc và mấy trăm cái đầu lố nhố bên những khung cửa ấy. Người ta ra đứng ngoài balcon, đồng loạt vỗ tay và gọi tên nàng: “ Cám ơn Violette! Cám ơn, cám ơn! Hãy cố gắng lên! ”. Đồng hồ gõ đúng 8 giờ tối. Đó là lúc mọi người trong phố cùng nhau ra mừng nàng “chiến đấu” trở về. Họ vẫy tay chào nàng, người “chiến sĩ nơi tuyến đầu” quay về với gia đình. Họ cám ơn nàng đang vì họ mà ngày đêm vật lộn, chống trả với loài virus độc ác. Nhưng dù có quỷ quyệt và nguy hiểm đến mấy nó cũng không làm nàng và các đồng nghiệp khiếp sợ.
Bây giờ nàng mới thấy khi người ta càng khó khăn, càng đối mặt với hiểm nguy và cái chết thì tình cảm yêu thương gắn bó lại càng mạnh mẽ, hành động tương trợ giữa con người với nhau lại càng đáng quý. Nàng không còn cảm giác cô độc như tối hôm trước. Thay vào đó là một tình cảm xúc động đến tận cùng, tưởng như chưa bao giờ tất cả các giác quan của nàng hoà với trái tim nàng cùng rung lên một giai điệu lạ lùng như vậy. Giai điệu của tình đồng bào, tình nhân loại. Giai điệu kỳ diệu ấy khiến nàng cảm thấy như được truyền thêm sức mạnh và niềm tin vào chiến thắng sau cùng. Nàng cười trìu mến, giơ tay chào lại mọi người, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào trong nhà.
Rồi cũng có lúc đại dịch sẽ qua, nhưng người ta sẽ khó mà quên được nó vì những mất mát, tổn thất, đau thương mà nó đã đem đến cho loài người. Có lẽ sau này trong sách lịch sử của nhân loại sẽ có thêm một trang mới nói về đại dịch Covid 19 đau thương.
 
Đỗ Thu Hồng
Vichy, tháng 4/2020
( Dựa theo những điều góp nhặt được từ các chương trình đặc biệt hàng ngày về Coronavirus phát sóng trên truyền hình Pháp TF1,2,3)

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top