• Nguyên Nhung: Câu Chuyện Của Một Cây Chanh

Câu Chuyện Của Một Cây Chanh

• Nguyên Nhung




Tôi là một cây chanh, cây chanh thì không bao giờ biết viết, nhưng cơ duyên đưa đẩy, tôi có dịp hòa nhập vào tâm hồn người viết, để viết lại câu chuyện của đời mình.

Khởi đầu như mọi thứ, mọi loài hiện hữu trên cuộc đời, tôi cũng có cội nguồn, tổ tiên. Bắt đầu từ một chiếc hột được vứt lăn lóc trong đám cỏ hoang sau vườn, tôi ngoi mình lên và bắt đầu một sự sống, giống như sự bắt đầu của con người, cũng bằng giọt máu tượng hình trong lòng mẹ. Tôi được ủ trong lòng đất, sau một vài cơn mưa, tôi cựa mình tách ra mầm sống, một cây chanh non ra đời. Sự ra đời thật tự nhiên không hề tính toán, như là cha mẹ tôi không hề nghĩ rằng có những đứa con ra đời bằng cách ấy, nhưng dù bằng cách này hay cách khác, nơi nào tôi lớn lên thì đấy là quê hương, mạch đất nuôi sống tôi thì tôi phải mang ơn và quấn quýt, như con người ai cũng phải có tổ quốc.

Khi tôi cao được khoảng một tấc thì lũ trẻ trong nhà phát hiện ra tôi, với vài chiếc lá màu xanh lá cây đậm, trên mình lại điểm gai, đứa bé gái đi hái rau tập tàng trong vườn để nấu canh, nó ngắt cho tôi một phát và đưa lên mũi ngửi. Đúng rồi, một cây chanh, chẳng gì so với đám rau hoang sau vườn tôi cũng có một chút giá trị. Tuy nhỏ nhoi và gai góc, tôi vẫn có mùi thơm phát tiết tự trong người, đó là cái tinh hoa mà tôi nghĩ mình càng phải biết sử dụng cho đúng đắn để làm đẹp  cuộc đời

Mảnh đất ấy khô cằn lại thiếu sự chăm sóc, chủ nhân lại không thiết tha gì một cây chanh, chỉ vì đời đã có nhiều thứ quý hơn, ở cái bóng sắc màu mè vương giả của chúng. Ngay từ thuở còn thơ, tôi đã nhìn thấy tâm hồn đơn sơ của lũ trẻ con, chúng quý tôi lắm, chỉ phát hiện ra một cây chanh tầm thường như tôi, vậy mà cũng làm chúng vui như người lớn bắt được tiền vậy. Ai bảo không có sự kỳ thị nơi cây cỏ, điều ấy phát sinh tự con người, rồi tự lòng người ngấm ngầm lây lan qua loài vật cây cỏ, qua sự sắp xếp ngôi thứ cao thấp trong xã hội, phân biệt từ trình độ kiến thức, giàu nghèo, màu da, chủng tộc, nảy sinh lòng ích kỷ rồi khinh miệt lẫn nhau.

Đám trẻ con hè hụi bứng tôi lên mang vào gần hàng rào chỗ áng nước, ở đấy có một chị mùng tơi nõn nà, đang phơi phới khoe những chiếc lá mòng mọng màu xanh tím trên hàng rào, đúng là một cô gái xuân có cái đẹp thật hồn nhiên giản dị. Một bác sả lá dài lại nham nháp như cỏ, tôi ngửi được mùi hương của bác cũng nồng nàn lắm. Hai mụ ớt đứng gần bác sả lại có vẻ cay nghiệt ra mặt, im thin thít, làm như hai mụ gớm ghiếc một người láng giềng như tôi, người đã gầy gò lại gai đâm tua tủa. Sau này có dịp gần gũi nhau lâu ở mảnh sân sau, tôi mới thấy cái thành kiến thiển cận của mình, về những ý nghĩ sai lầm khi đánh giá con người hay sự vật qua  hình vẻ bên ngoài.

Tôi cũng mắc cái mặc cảm như con người ví mình sinh ra dưới vì sao xấu, so với đồng loại như chị bưởi, anh cam, chị quýt hay em quất, số phận của tôi có vẻ hẩm hiu hơn cả. Không phải người ta không cần đến chúng tôi, rất cần nữa là khác, nhưng để nâng niu, ngắm nghía, trầm trồ thì mấy ai đã dành cho một quả chanh. Dẫu sao tôi vẫn không phụ lòng trời, không phụ lòng người, cố gắng vươn lên bằng cách bám chặt lấy mảnh đất quê hương, hít vào thở ra cái không khí tự nhiên mà ông trời đã rộng rãi ban cho cùng khắp mọi loài, mọi vật.

Đã tên chanh mà lại chua, hình dạng tên tuổi kém mỹ  miều, không ngọt ngào để đẹp lòng thiên hạ, ai có dịp tiếp xúc với  tôi lúc ban đầu, đều lắc đầu, rùng mình, le lưỡi. Người tôi như thế nhưng đâu phải tôi không giúp ích cho đời, hãy xem cách con người xử dụng tôi thì rõ. Anh chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc, trên đường hành quân đồng khô cỏ cháy, có chúng tôi cũng đỡ khát được vài giờ. Anh nhà giàu ăn phở, bà nội trợ làm nước chấm, chỉ cần vài lát chanh hương vị đã dịu dàng, tôi hòa đồng vào cái mặn, cái ngọt thật nhanh, người hưởng thụ sung sướng đầy đủ khi vị giác đạt đến cực kỳ cảm khoái, ấy vậy mà họ vẫn chẳng nâng niu, quý hóa. Ngay cả những lúc cấp bách nguy nan tối lửa tắt đèn, ông lão lên cơn áp huyết, thằng bé nóng sốt co giật, có chúng tôi là hạ hỏa ngay.

Nói trắng ra, tôi là món giải khát của loài người, bạn của bà nội trợ, gần gũi với người lớn tuổi và bệnh tật. Không tin à? Cứ thử xơi đẫy vài quả xoài, ăn một hơi vài quả quýt là biết ngay, nó nóng hừng hực, nóng đổ ghèn mờ mắt, nhưng chỉ cần uống một ly chanh tươi chua chua một chút là mát mẻ liền. Thằng bé con nóng sốt đến thế, vắt một vài giọt vào miệng, chà mấy lượt chanh lên trán, hiệu nghiệm thấy rõ, ít ra cũng cầm cự cho đến khi tìm được thuốc. Người lớn tuổi đã đến lúc tim mạch bất thường, cứ cho chúng tôi là thứ nước thông ống cống cho cơ thể con người cũng được đi, nhưng cũng tại con người đấy chứ, họ trân quí cao lương mĩ vị, bữa ăn của họ ê hề những thứ máu đổ thịt rơi, toàn những thứ độc hại mà không tiên liệu rằng có một ngày, chúng phản lại con người như con dao hai lưỡi. Sự thật hay mất lòng, nhưng càng về lâu về dài mới biết ai là người hiền lương, ai là kẻ nguy hiểm.

Trở về câu chuyện của đời tôi, tôi không hề có ngày sinh nhật vì việc ấy đối với tôi không quan trọng, ngày sinh nhật chỉ là dấu mốc cho người ta đếm tuổi, đếm thời gian tính ngày ra ma, ra mả. Ra ma hay ra mả cũng đồng một nghĩa như nhau, có nghĩa gì đâu mà phải kỷ niệm, phụ nữ cũng thường mừng ngày sinh nhật của họ nhưng không muốn ai biết tuổi thật của mình. Một kiếp người qua nhanh như bóng câu vù qua cửa sổ, qua tuổi năm mươi, “tri thiên mệnh” đã lù lù tới, không muốn tri cũng phải tri, vì cơ thể nó cũng ương bướng lắm kia, nó có phải của mình đâu mà điều khiển được nó.

Đời là thế, thân phận con người là thế, sinh ra được thì cũng chết được, tôi không hề oán trách Thượng Đế đã sinh ra tôi, vì tôi hiểu giá trị của mỗi loài, mặc ai muốn nghĩ sao cũng được. Mỗi người một việc, việc lớn việc nhỏ không quan trọng, tất cả đều có liên quan đến nhau cho guồng máy cuộc đời phát triển không ngừng. Không có gì thừa, không có chi thiếu, nếu chỉ sản sinh toàn những tư tưởng lớn thì ai là người đào sâu và phát huy tư tưởng ấy, bởi vậy với những chị em, bạn bè đồng cảnh hay kém may mắn hơn tôi, tôi không dám nhìn ai với cái nhìn cỏ rác.

Hằng ngày, tôi chung đụng với đủ thứ cỏ lác, rau hoang, rau dại, rau thật trong vườn. Có đứa thật thà, hiền lành như rau sam, rau riệu, có đứa cũng ích kỷ, giành giựt từng tấc đất như đám cỏ dại, nếu không có lũ trẻ bảo vệ có lẽ tôi cũng khó sống với hạng ấy. Tôi cứ lẩn thẩn khi nghĩ ông trời đã lầm lẫn khi sinh ra cỏ, sau già hơn mới nghĩ ra, hóa ra mình cũng ích kỷ mà không biết, không có cỏ làm sao có lương thực cho trâu bò ăn, chỉ có điều lũ này dễ sống quá, tại trời sinh ra thế chứ có phải chúng muốn vậy đâu.

Từ lúc được lũ trẻ đem vào gần áng nước, tôi lớn lên trông thấy, mình mây mẩy sức thanh niên. Thỉnh thoảng, lúc thì nước vo gạo, lúc thì nước rửa rau, bao nhiêu thứ nước thừa thãi dơ bẩn con người hất cả vào chúng tôi. Tôi cảm động quá, thôi thì “cũ người mới ta”, lòng bác ái có thể hiện bằng cách nào thì chúng tôi cũng mang ơn hết, nguyện một lòng tạc dạ ghi ơn, sau này lấy hết sức mình để đền đáp. Qua những lúc được tưới tắm như thế, tôi lớn phỗng lên, tuổi thanh niên mà, ngày còn trẻ chúng tôi cứ tưởng mình quan trọng, cho nên lắm lúc cũng phí sức lực vì những lời tâng bốc hay phỉnh nịnh. Tôi đã nguyện trong lòng, dù chỉ là cây cỏ thì cũng xin cố sức mà vươn lên, rễ tôi bám chặt vào đất, lan tỏa ra cố hút lấy cái tinh hoa của đất trời mà đơm hoa kết trái, hầu trả ơn đời, trả ơn người.

Cái thằng bé con chủ nhà thật chẳng suy nghĩ gì cả, thỉnh thoảng bí quá nó “tè” đại lên người tôi ướt rượt, mùi nước đái ngai ngái, mằn mặn của trẻ con thật khó chịu, nhờ vậy mà tôi lại nghĩ ra được một triết lý nhảm về cuộc đời, ví như làm người cũng có nhiều lúc đắng cay, ngọt bùi, thế thái nhân tình bạc trắng như vôi, hay nồng nồng như nước đái trẻ con thì cũng có chi mà buồn. Tôi biết phận mình nên không hề oán trách ai cả, người ta dùng mình là vì người ta cần dùng, chứ không phải vì ý nghĩ trân trọng một tấm tình hiền lương, chất phác.

Tôi đơm hoa kết trái vào mùa xuân năm ấy, hoa đã nhỏ, lại đơn giản một màu trắng hơi ưng ửng tím, từng chùm, từng chùm, lũ ong bướm lả lơi đùa cợt, dù sao họ cũng giúp tôi được những phút giây thơ mộng tuổi đầu đời. Cứ tưởng tượng đi khi mình sinh ra là đàn bà con gái, quanh năm quạnh vắng không nghe lời tán tỉnh của phía bên kia, đời chán biết bao nhiêu. Sau đó bọn con tôi ra đời, những quả ly ty bé xíu như đầu đứa hài nhi mới tượng hình trong lòng mẹ. Như bao nhiêu người mẹ khác, tôi chỉ mong các con tôi khỏe mạnh, mau lớn, các con tôi lớn nhanh, đứa nào cũng tròn trĩnh bằnh quả “ping pong”, quanh năm tứ thời mặc một màu áo. Người ta xử dụng chúng từ lúc đang sung sức, vắt kiệt đến giọt cuối cùng tùy theo tính tình của người hưởng thụ. Cứ nhìn cách con người sử dụng lũ con tôi thì rõ, gặp người tử tế, rộng lượng thì dùng lấy hương lấy hoa, lúc lọt vào tay bọn keo kiệt thì họ ra sức vắt, chỉ còn hai miếng vỏ ép vào nhau dẹp lép. Trong cuộc đời, người ta cũng thường than thở câu “vắt chanh bỏ vỏ”, để chỉ những hạng người ích kỷ, tận dụng công sức của người khác cho đến cùng kiệt, sau đó thì không ngó ngàng gì nữa.

Chủ nhà tôi hể hả lắm, lúc vặt làm nước mắm, lúc pha nước chanh, lúc hái lá bỏ vào nồi ốc luộc cho thơm, khi có con gà luộc cũng thái mấy lá chanh non lên đĩa thịt gà mà ngẫm nghĩ câu “con gà cục tác là chanh”, thơm thì có thơm, lá chanh có ngon quái gì, nếu không nói là đắng nghét. Đời vốn vậy, ăn uống cứ cầu kỳ như anh nhà giàu ăn ngon, mặc đẹp nhưng nếu không có anh đầy tớ ngứa đâu gãi đó, vẫn chưa cho là sướng. Có một chuyện mà tôi ghi nhớ mãi, thằng bé con chủ nhà đêm hôm ấy giá không có quả chanh thì đã nguy hiểm đến tính mạng , nhìn thằng bé nóng sốt thấy rất thương, đêm ấy người mẹ đã chạy ra tìm một quả chanh để vắt nước và chà lên trán cho thằng nhỏ. Lúc ấy nhìn mẹ con người đàn bà, tôi đã cảm động đến phát khóc, dù biết khi người ta phũ phàng dứt một đứa con ra khỏi đời tôi, tôi cũng đau đớn vậy. Sau này, khi những đứa con do máu thịt mình tạo nên, đã đủ sức dâng hiến cho cuộc đời, tôi vẫn không khỏi chua chát nghĩ rằng sự thiệt thòi bao giờ vẫn dành cho cha mẹ, nhưng cha mẹ nào cũng hãnh diện về những đứa con thành đạt, nên người hữu dụng.

Số tôi hẩm hiu, cái mạch đất mà tôi gọi là quê hương ấy cũng gặp cảnh tang thương dâu bể. Gia chủ gặp năm thất bát, không trang trải được nợ nần, chạy quanh mấy người láng giềng cũng chả mong được sự giúp đỡ. Trong thời gian này, thấy họ khổ tôi cũng khổ lây, lũ nhỏ bữa đói bữa no đi quanh vườn tìm rau ăn cho đỡ đói, thân tôi chua chát, gai góc thế này không giúp cho chúng nó được chút nào, tôi buồn lắm. Người khổ, cây khổ, đất đai cũng khô kiệt vì nắng hạn, chị mùng tơi cũng ốm mãi rồi lăn ra chết, hai mụ ớt già héo queo, bác sả phất phơ mấy chiếc lá cỏ đùa với gió, trông già xọm đi, y như cụ già hom hem còn lại nhúm tóc bạc xác xơ trên đầu. Người buồn, cảnh buồn, đất không có người chăm nom tưới bón, đất cũng khô queo như người.

Một ngày, không nhớ là năm thứ bao nhiêu, nhưng mùa hè năm ấy nắng dữ dội lắm, nắng như nung, gia chủ bỏ nhà ra đi, nhà cửa tan hoang, lũ nhền nhện giăng màn khắp nơi như đưa ma. Bấy giờ lũ cây cỏ như tụi tôi hoàn toàn rũ xuống, đứa nào không chịu nổi thì chết trước, mạng như mạng cỏ, lúc nào đất trời cũng bao phủ một màu tang tóc. Bấy giờ tôi mới thấy sức lực mình dẻo dai, có lẽ một phần tôi đã rèn luyện được ý chí tự thắng ngay từ hồi còn thanh niên, ăn uống kham khổ đã quen, dù đất trời có nghiệt ngã đến đâu, tôi vẫn gồng mình chịu. Tôi đau khổ vô cùng trước tai trời ách nước, người chủ cũ đã ra đi, vườn tược xác xơ, hàng hàng lớp lớp cỏ cây rũ xuống, tôi chạnh lòng nhớ đến tấm lòng nhân hậu của lũ trẻ con mà chảy nước mắt, thôi đành phó mặc cho thân phận mình muốn ra sao thì ra.

Ai ngờ, tôi cũng được cứu thoát, sau cơn nắng hạn trời lại đổ mưa,  người làm vườn của một nhà giàu có, một hôm đi dạo xóm tạt qua mảnh đất ấy đã mang tôi về vì thấy tôi cũng còn có vẻ dẻo dai, chịu đựng. Một lần nữa tôi được họ bứng vào chiếc chậu sành, thế là giã từ đất mẹ. Tuy đã ra đi nhưng gốc rễ tôi vẫn còn một phần không ít đã bám vào mảnh đất quê hương, vì vậy mà những ngày đầu tiên trong khu vườn lạ tôi vẫn chưa lấy lại được sức sống. Còn đâu những ngày chia vui, xẻ buồn với bạn bè nơi thôn xóm cũ, còn đâu anh cải trời hiền lành, còn đâu cái dí dỏm, sâu sắc của mụ ớt hiểm, còn đâu vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng của chị mùng tơi. Tôi bây giờ loanh quanh trong cái chậu chật hẹp, khoảng sân vuông đẹp đẽ đủ mọi thứ hoa lá sao tôi vẫn cảm thấy gò bó thế nào ấy, suốt ngày ăn no, tắm mát phởn phơ nhưng tôi vẫn mang mặc cảm tù ngục trong tâm hồn.

Tôi biết tại làm sao rồi, là vì tôi cứ nhớ nhung cái mảnh đất nghèo khổ nơi tôi chào đời, nơi ấy còn biết bao nhiêu bạn bè bất hạnh của tôi đang khổ sở ở đó. Tôi có mượt mà ra nhưng buồn thì vẫn buồn, ít giao thiệp với ai. Có người cho tôi là kẻ lập dị, có người cho tôi là kẻ bất tài vô dụng, thân phận nghèo hèn nay lọt được vào đây là đại hồng phúc. Nhìn mụ hồng tía cứ phởn mãi lên khi được chủ nâng niu, ngắm nghía, độ vài hôm như thế, khi cố giương hết nhan sắc ra thì mụ đã xác xơ trông thấy, dù ngon lành, mỹ miều đến đâu mà tới lúc tàn phai thấy cũng chán chường. Mấy em quất vàng xum xuê dạo trước, nay đã héo quắt lại, mỏn dần rụng lộp độp cả xuống sân. Nhìn nhân tình thế sự mà tôi phát sầu, chung chung là một kiếp tù đày, đời đã ngột ngạt, tù túng trong cái biển khổ mênh mông mà vẫn chưa nhìn ra chân lý của sự đào thải, có tồn tại mãi đâu.Tất cả những sinh hoạt của đám hoa cỏ trên mảnh sân này đã mở mắt cho tôi, cái đích thực của sinh, hoại, trụ, diệt diễn ra hằng ngày, âm thầm từng giây từng phút. Sự cống hiến âm thầm của mỗi loài bằng mọi cách, làm cho tôi vô cùng cảm kích ý nghĩa cao cả của sự sống.

Thời gian qua đi, xuân hạ thu đông thay nhau bước tới, thân tôi nay đã già, không còn sinh hoa kết quả, nắng không ưa mưa không chịu, mỗi đợt gió đông lạnh lùng thổi qua tôi lại rùng mình rớt xuống những chiếc lá úa. Cành cây đã khô khốc, mình mẩy tua tủa đầy gai, tôi biết ngày ấy sắp tới, không còn những đứa con bên cạnh, tôi đã dâng hiến tất cả chúng cho đời, rồi chúng lại làm cái vòng luẩn quẩn như tôi, nghĩa là sinh ra để rồi chết. Vẫn biết đời thường “vắt chanh bỏ vỏ”, nhưng sao vẫn hay buồn, ngay cả lũ sâu ăn lá ngày nào đục đẽo tôi, nay cũng bỏ tôi mà đi.

Một chiều thu gió hiu hắt luồn vào hồn cây cỏ một nỗi sầu áo não, bác làm vườn đứng ngắm nghía tôi để định giá thân phận  một cây chanh già. Không một chút thương tiếc, bác lôi tôi lên bằng những nhát xẻng sắn xuống lòng chậu, rễ lớn rễ nhỏ bật tung cả lên. Một chiều thu gió heo may se lạnh, tôi từ giã cuộc đời, giây phút ấy tôi cũng run lên bần bật, như người sắp chết cũng có lúc oằn mình  khi linh hồn ra khỏi xác. Thôi thế là xong, tôi có sống thêm nữa chỉ là sự vướng víu cho kẻ khác, mất một khoảng đất cho những cây non đang cần chỗ.

Tôi được vứt vào đống cỏ khô, với vô số những thứ khác chờ thiêu hủy. Nghĩa lý gì một kiếp cỏ cây, một mồi lửa, đám cỏ bùng lên, người ta đang hóa kiếp cho chúng tôi, chỉ còn lại đống tro tàn trên nền đất bẩn. Trả lại cho đời nắm bụi tro, linh hồn cây cỏ theo làn khói trắng bay lên trời, mây khói chập chùng, bay là là về cõi hư vô.



Nguyên Nhung

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top