• Nguyễn Ngọc Duy Hân, Chuyện Buồn Thời "Cô Vi"

Chuyện Buồn Thời "Cô Vi"

Nguyễn Ngọc Duy Hân



Kim uể oải dọn dẹp trước khi rời nhà Dưỡng Lão. Công việc thật nhàm chán, hằng ngày phải tiếp xúc với những người già đa số khó tính, một số lại to con mập phì làm Kim phải hao tốn sức lực khi giúp họ. Kim đang cố gắng vừa làm vừa học, hy vọng mau xong chương trình để có thể tìm được việc làm tốt hơn, không phải phục vụ ở căn nhà người già này nữa. Nói vậy chứ dù sao Kim cũng yêu nghề, hơn nữa đồng lương cũng khá nên cô cũng vui và thấy ca làm việc qua mau. Hơn nữa nhà già cũng có những vị cao niên rất dễ thương, tỉnh táo không hành hạ yêu sách Kim hoặc các nhân viên khác.

Chẳng hạn tại nhà già này có bà Jennifer rất thích đọc sách, thường tóm lược các câu chuyện hay mà bà đã đọc cho Kim nghe. Kim cũng thích đọc sách nhưng không có nhiều thì giờ. Khi bà Jennifer giới thiệu chuyện nào ngắn và hay, thì Kim mượn bà về đọc để vừa giải trí vừa học thêm tiếng Anh. Bà rất vui khi Kim có thể cùng bà bàn luận, phê bình cá tánh cũng như cách hành xử của từng nhân vật trong chuyện. Bà Jennifer góa chồng, bị tiểu đường rất nặng, một chân bị nhiễm trùng phải cắt đến đầu gối nên con gái phải đem bà vào viện Dưỡng Lão này để được chăm sóc. Bà nói năng rõ ràng, tự mình ăn uống được không nhễu nhão, đổ tháo.

Một nhân vật khác mà Kim cũng khá thân là ông Richard. Ông thích kết bạn Facebook, hay khoe với Kim hình chụp các bà bạn khắp nơi và bận rộn với cái máy vi tính của ông suốt đêm, ban ngày lại ngủ gà ngủ gật. Kim hay trêu ông, nhắc ông ở ngay nhà già này có nhiều bà xem ra còn khoẻ lắm, nét xuân sắc cũng chưa tàn, sao phải kết bạn "ảo" ở xa. Ông Richard cười cười giải thích:

- Tôi phải hơi xạo tí về bản thân mình, các bà ở đây biết tôi nhiều quá sẽ bể mánh hết!

"Mánh"
 xấu của ông Richard là cái tánh hà tiện, hay bị "kiết lỵ" của mình. Kim mỉm cười, tên ông đọc theo kiểu nhà quê Việt Nam là "Rít Chịt" chắc cũng không sai. Lớn tuổi mà ông vẫn còn tính toán keo kiệt, rít chịt rít chằng. Gần đất xa Trời rồi mà còn lo việc tiền bạc quá nhiều nghĩ cũng lạ. Nói thế chứ tuổi già cũng nhiều cái ngộ lắm, thí dụ tuy lớn tuổi nhưng một số người vẫn còn máu ghen, vẫn "méc"với Kim nhiều chuyện họ điên cuồng ghen hờn khi ông chồng hay bà vợ quan tâm tới người khác nhiều hơn mình, phát biểu cay cú với "tình địch" không thua gì lúc trẻ.

Nhưng người cao niên mà Kim quan tâm và thích nhất là bác Hoài - một người Việt Nam dễ thương. Nhà già này chỉ có vài người Việt, do tình trạng sức khoẻ rất yếu nên con cháu mới buộc lòng đem gởi vào đây. Riêng bác Hoài thì khá tỉnh táo, do tay chân run rẩy vì bị chứng Parkinson, nên con trai bác buộc lòng phải gởi bác vào đây. Anh Nam con trai bác rất hiếu thảo, hầu như tuần nào cũng vào thăm bác, mang cho bác những món Việt Nam như phở, bánh xèo để bác Hoài đổi món. Nam làm trong ngành cấp cứu, lái xe cứu thương giúp người bị vấn đề sức khoẻ khẩn cấp. Anh có cô bạn gái người Ý khá xinh, thỉnh thoảng cũng theo Nam vào nhà Dưỡng Lão thăm mẹ. Họ gởi gấm bác Hoài cho Kim và rất mừng vì có Kim là nhân viên người Việt tại nhà Dưỡng Lão này.

Bắt đầu tháng Hai năm 2020, con vi trùng Vũ Hán Covid-19 bắt đầu hoành hành khắp nơi trên thế giới, rồi gây ảnh hưởng tới viện Dưỡng Lão Kim đang làm việc. Mới đầu Kim cũng coi thường, tưởng nó cũng như các bệnh cúm khác, nhưng sinh hoạt ngày càng xấu. Hàng triệu người khắp thế giới bị lây bệnh, hằng trăm ngàn người bị chết. Do chưa tìm được thuốc trị bệnh hoặc chích ngừa, cách duy nhất để tránh lây lan là giữ khoảng cách xã hội, không tụ họp đông người. Làng Dưỡng Lão này cũng không ngoại lệ, mọi người phải tuân giữ luật
 "cách ly" triệt để. Con cháu, thân nhân mới đầu còn được vào nhà già để thăm viếng nói chuyện, nhìn nhau qua cửa kiếng. Nhưng sau khi nạn dịch lan tràn nặng hơn, nhà Dưỡng Lão không cho thân nhân vào thăm nữa.

Khi Kim giải thích cho bác Hoài biết, bác rất bực bội, cho là chính phủ Mỹ và Canada kỹ lưỡng quá đáng. Bác muốn được anh Nam ghé thăm, nhưng anh Nam chỉ có thể nói chuyện với bác qua phôn hoặc video. Nam bảo nếu nhà Dưỡng Lão không cấm, chính anh cũng không dám tới thăm vì việc làm của Nam phải tiếp xúc với người cần cấp cứu, trong đó có nhiều người đã nhiễm Covid-19, có thể làm lây cho mẹ và các cao niên khác mà không biết. Chính Nam gần đây cũng phải cách ly không dám tới thăm cô bạn gái. Bác Hoài nghi ngờ hỏi Kim:

- Có thật vậy không cô Kim, hay thằng Nam nó không thương tôi nữa nên kiếm cớ để không vào thăm?

Kim phải giải thích cặn kẽ, cho bác Hoài xem tin tức, thông báo để chứng minh. Bác Hoài bây giờ ngày ngày không dám trông mong con tới thăm nữa, mà ôm cái phôn di động chờ nghe tiếng anh Nam. Nhìn bác với mái tóc bạc phơ, răng cỏ xếu xáo cả ngày nhìn cái phôn, biếng ăn biếng nói Kim thương hết sức.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua, tình hình không mấy sáng sủa, từ từ kể cả gọi phôn anh Nam cũng không làm nữa. Bác Hoài rươm rướm nước mắt hỏi Kim:

- Cô ơi! thằng Nam nó quên mẹ già thật rồi. Hay là nó đang đi du lịch với con bạn gái Í-tà-lồ đó? Bác Hoài gọi, Nam cũng không thèm trả lời. Bác có số phôn của bạn gái nó, Kim gọi dùm bác được không vì bác không nói được tiếng Anh.

Kim lại phải nhắc bác Hoài biết các chuyến bay, các chương trình du lịch, du thuyền... đều bị ngưng hoạt động. Các khách sạn, trung tâm giải trí, thể dục đều đang chết dở. Thế nhưng chính Kim cũng thắc mắc tại sao anh Nam không liên lạc với mẹ. Kim nhớ sực ra mẹ mình ở Việt Nam cũng rất mong con gái liên lạc, mà nhiều khi vì quá bận rộn, múi giờ khác nhau cũng có khi Kim trễ nải, lười biếng. Kim vội vã gọi về nhà, kể lể ảnh hưởng của cơn đại dịch Cúm Tàu xuất phát từ Vũ Hán tại Canada cho mẹ biết, mừng vì mẹ và gia đình anh chị bên Việt Nam vẫn tạm ổn.

Trong những ngày
 "mắc dịch" này, hằng ngày Kim vẫn liên lạc với các bạn thân tại Canada hay Mỹ, cùng nhau trao đổi nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cũng may Kim vẫn còn việc làm, không bị khó khăn tài chánh nhưng cơ hội bị lây bệnh khá cao. Riêng các bác sĩ, y tá, những người trong "tuyến đầu" phục vụ tại các bệnh viện thật đáng ngưỡng mộ. Vì lương tâm nghề nghiệp, họ phải làm việc thật vất vả và nguy hiểm. Chính họ cũng phải cách ly với gia đình, phải ở riêng tại khách sạn hoặc nhà xe vì không dám tới gần người thân để tránh cơ hội làm lây bệnh. Cái khó là không ai biết ai đang mang vi trùng trong người, mà khi bệnh bộc phát thì đã quá trễ.

Bị bó chân trong nhà tù túng cả mấy tháng, bị thiếu tiền vì không đi làm được, nhiều người rất khổ. Chẳng hạn các bạn của Kim làm cho tiệm móng tay nhận tiền mặt, họ không thể xin trợ cấp thất nghiệp vì không có giấy tờ chứng minh. Một người bạn khác ở Mỹ làm chủ nông trại nuôi gà, do kỹ nghệ làm thịt bị ngưng trệ, các trang trại chăn nuôi đã phải tiêu hủy hằng trăm ngàn gà con và trứng gà. Kỹ thuật giết và thiêu hủy cũng phải theo đúng luật lệ, không làm súc vật bị đau đớn và phải hợp vệ sinh. Trại bò sữa cũng phải đổ đi hằng ngàn gallons sữa tươi vì nhà máy chế biến sữa để bán được bị hạn chế. Họ phải lỗ vốn nhiều và giá bán sau này sẽ phải tăng lên cao để gỡ lại. Thật là vô lý, biết bao nhiêu nơi cần thức ăn, đói khổ trong khi bây giờ người ta lại phải tốn tiền để thiêu hủy gà, heo, do không đủ chuồng để tiếp tục nuôi, phải chăng chuyện này chỉ xảy ra ở thời
 "mắc dịch" Vũ Hán!

Nhiều hãng làm việc dây chuyền cũng bị đóng cửa, vì một số mặt hàng nhỏ lấy từ Trung Cộng, nay thiếu khoản hàng đó thì các sản phẩm còn lại phải đình trệ theo. Nghe tin tức nhiều chuyện rất ... tức, như chất nước rửa tay sanitizer làm ngay tại Canada, nhưng cái chai để đựng lại làm bên Tàu, nên dù trong lúc rất cần loại thuốc rửa tay diệt khuẩn này, việc sản xuất cũng bị ngưng trệ, không lẽ lấy lá chuối lá sen mà gói! Nhiều người mua đầu cơ tích trữ các thuốc rửa tay này để bán lại
  với giá cao, nên các trang mạng phải cấm đăng tải bán các món này.

Nhiều em học sinh ở nhà buồn, chỉ biết chúi mũi vào chơi game và ăn vặt. Cha mẹ cũng đành chịu, vì chính cha mẹ cũng rất
 "boring", suốt ngày vào máy vi tính xem phim, kết bạn Facebook. Một số khác than ở nhà chán nên ráng học nấu ăn các món mới, ăn xong thì lên cân mau chóng. Kinh tế xuống, giá thị trường chứng khoán xuống, chỉ có hãng Nitendo làm game thâu hơn 40%, cũng như các nhà quàng thiêu xác thật là bận rộn, xác chết mà cũng phải sắp hàng chờ đến phiên được hỏa táng. Riêng các công ty dược phẩm thì ăn nên làm ra vì rất bận rộn tìm tòi chế biến thuốc để tiêm ngừa.

Chị Hoàng bạn của Kim nói đùa:

- Kim ơi! Hoàng phải đeo khẩu trang dù chỉ ở nhà một mình, không phải để tránh vi trùng mà để che bớt cái miệng lại để khỏi ăn. Mỗi tuần Hoàng chỉ thay quần áo bước ra ngoài một lần là để đi... đổ rác! Hoàng bây giờ chỉ mặc các bộ áo ngủ rộng thùng thình, không đủ can đảm thử lại cái áo dài, vì biết chắc sẽ không xỏ lọt nữa. Mà đeo khẩu trang che mặt cũng có cái hay, không ai phân biệt được ai xấu ai đẹp, khỏi tốn tiền và thì giờ phấn son trang điểm. Có chuyện vui cười diễu ông chồng chở vợ đi chợ, khi về tới nhà mới biết mình đã chở bà khác về, vì đeo mặt nạ giống nhau nhìn không ra! Chính cái phôn di động cũng không nhận diện được người chủ khi đeo khẩu trang, đòi chủ nhân phải đánh số mật mã vào thay vì khả năng nhận diện. Các công ty điện thoại thông minh chắc phải mau chóng sửa lại công thức nhận diện này. Trước đây nếu đeo mặt nạ vào ngân hàng thì bị xem là "cướp ngân hàng" và bị cảnh sát hỏi thăm ngay, nay nếu khách hàng vào nhà băng đeo khẩu trang, nhân viên sẽ vui vẻ đem tiền ra đưa theo yêu cầu. Khi thổi bánh sinh nhật, từ nay không ai dám dùng cách cũ là chúm miệng thổi nến nữa, mà phải sử dụng máy sấy tóc hay dùng quạt để làm tắt nến. Nếu dùng miệng thổi nến sau đó sẽ không ai dám ăn bánh!

Kim cũng phụ họa:

- Đúng đấy chị Hoàng ạ, nhiều bức hí họa của Mỹ vẽ hình các bà bị béo phì lại càng mập hơn vì nhiều tuần ở trong nhà không hoạt động, khi hết "cấm cung" được chính phủ cho phép ra ngoài thì tròn vo không ra khỏi cửa được nữa! Kim vẫn hay đi nhà thờ hằng tuần, bây giờ chỉ được xem lễ bằng video viễn liên. Luật tại Việt Nam bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang, nên các linh mục mặc lễ phục cử hành thánh lễ mà phải đeo mặt nạ che miệng, nhìn lạ hết sức! Được biết khắp nơi, nhiều bức tượng điêu khắc nổi tiếng cũng được trang bị mặt nạ "khẩu trang" để nhắc nhở người dân phải che miệng khi ra ngoài. Ở một số nước như Tàu, Ấn thì cảnh sát đánh đập, bắt bớ người dân không coi nhân quyền là gì chỉ vì người dân phạm luật "cách ly".

Chị Hoàng tiếp lời:

- Nhiều cặp phải hủy bỏ đám cưới, thậm chí đám tang cũng chỉ cử hành trong âm thầm, thân nhân bạn bè không được tham dự, lặng lẽ thê lương vô cùng. Các đảng phái bên Mỹ lại tranh cãi hằng ngày do bất đồng ý kiến, cái khó bó cái khôn không biết đối phó ra sao, đường nào cũng có khuyết điểm, tai hại về sau. Đóng cửa sinh hoạt thì chết vì kinh tế, mà mở cửa buôn bán thì chết vì vi trùng. Nghĩ thật buồn và giận cho bọn Tàu Cộng phát nguồn ra cơn đại dịch này. Họ lại nhận tiền sản xuất hàng triệu cái khẩu trang nhưng thiếu tiêu chuẩn vệ sinh, thậm chí có dính vi trùng Corona. Tên của mặt nạ N95 có nghĩa là che được 95% vi trùng, Tàu Cộng làm dối đến nỗi chỉ che được 1% vi trùng, chắc phải đổi tên thành N1 thay vì N95!

Hoàng kể tiếp:

- Khi gấp rút gởi tiền cứu trợ cho người thất nghiệp, nhiều người chết vẫn được chuyển tiền vào sổ bank do lỗi kỹ thuật computer. Kim có biết mấy chuyện vui vui này không? Công ty Bay Area Food đã đem thịt bò Wagyu, là loại thịt beefsteak mắc tới $60 đô Mỹ một miếng đem tặng không cho người vô gia cư tại San Francisco, vì các nhà hàng sang trọng đã phải đóng cửa trong mấy tháng nay. Trị giá số thịt bò đem cho lên tới 2 triệu đô Mỹ. Chính Hoàng cũng chưa bao giờ được ăn thử miếng thịt bò Wagyu này. Thức ăn sẽ khan hiếm và tăng giá, nhưng người ta lại giành giật mua trữ giấy vệ sinh. Giấy vệ sinh đâu có ăn được, nhất là khi không có đồ ăn thì cần gì giấy đi cầu, Kim thấy có nghịch lý không? Vài bác sĩ, nhân viên y tế vì quá căng thẳng và tuyệt vọng đã tự tử, thấy thương hết sức.

Kim cũng triết lý với bạn:

- Xe đẹp, vòng vàng quần áo sang trọng bây giờ cũng không có cơ hội để "khoe của". Hệ thống subway của thành phố New York chạy liên tục 24 giờ trong 115 năm qua, bây giờ cũng phải ngưng mỗi ngày 4 tiếng để khử trùng các toa xe. Hệ thống Disney Land cho trẻ em khắp thế giới tới chơi phải đóng cửa và thất thu tới 90%, không ai đi du lịch nên chủ nhân của hệ thống Air BnB cho mướn nhà, các doanh nghiệp đang chết dở, phải khai phá sản. Những nhà tù ở Ohio bên Mỹ phải thả tù nhân về nhà vì đa số tù nhân đã bị nhiễm siêu vi trùng Covid. Đâu có lá số tử vi, chiêm tinh gia nào đoán trước được những tù nhân này sẽ được thả tự do bất ngờ như vậy. Mới đây vài nơi bên Mỹ đã từng bước cho mở cửa sinh hoạt lại, nhưng có thành phố vẫn cấm, nên người ta lái xe sang tiểu bang khác chỉ để được cắt tóc, hoặc tắm biển. Cắt tóc lúc này cũng có thể bị cho là phạm luật, ông thống đốc Cali khi lên TV cũng bị thắc mắc ai cắt tóc cho ông mà nhìn đẹp thế, làm ông phải phân bua um sùm! Một số nhà hàng, siêu thị nếu không đeo mặt nạ không được vào cửa. Mới đây tại Michigan, Hoa Kỳ, có người Security gác cửa tiệm Family Dollar không cho khách vào mua vì không đeo khẩu trang, sau khi gây gỗ đã bị bắn chết. Cũng có đoạn phim video ngắn được rất nhiều người xem, đó là cảnh chú chó cưng cũng biết tự đeo "khẩu trang" rất thành thạo. Cũng cần chú ý là luật bắt khi ra bãi biển chơi phải đi tới đi lui như tập thể dục, không được nằm ì phơi nắng. Người Âu Mỹ nói chung rất ghét bị hạn chế tự do như thế, họ không chịu đựng được như người Việt mình, nên rất dễ nóng nảy và tổ chức biểu tình khắp nơi.

Chị Hoàng kể thêm:

- Nạn nhân mới của dịch Vũ Hán là củ khoai tây! Nhiều nơi như Hoa Kỳ, Bỉ... đã phải đem khoai potato đi tặng vì không có chỗ chứa, người ta sắp hàng cả mấy cây số để nhận. Canada khuyến khích người dân mua nhiều khoai chiên vào vì các nhà hàng bán French Fries đóng cửa không tiêu thụ nhiều như trước. Ngành nông sản đã bị ảnh hưởng "domino" từ nạn dịch mà ra, rất đáng lo ngại.



https://1.bp.blogspot.com/-yworcwlCLAc/XrcWKvaZUxI/AAAAAAABAq8/CHfAxoColSQr7pYq3juNbRIClWlH4KboQCLcBGAsYHQ/s640/Free-Potato.jpg

Kim cũng tiếp theo với câu chuyện thời sự:

- Nghĩ cũng lạ chị Hoàng nhỉ, Kim rất quan trọng việc đi nhà thờ, lo cho tài chánh của hệ thống tôn giáo Mỹ và Canada. Nhiều nhà thờ nay đã phải xin trợ giúp từ chính phủ vì người dân thất nghiệp không còn tiền dâng cúng, nhà thờ lại không được mở cửa. Hồi mới bắt đầu ngưng ra đường để tránh lây nhiễm, chính quyền ra lệnh đóng cửa nhà thờ trước vì cho là "non-essential", trong khi tiệm bia rượu lại mở cửa vì được liệt kê vào loại thiết yếu. Bây giờ bên Mỹ cho mở cửa từng bước, trong đó có sòng bài, nhưng vẫn chưa có nhà thờ, chùa chiền. Người ta có lẽ nên để ý tới tinh thần nhiều hơn....

Chị Hoàng cười:

- Nhưng Kim cũng đừng bi quan quá, cơn dịch này cũng có cái hay, là người ta đang suy nghĩ lại về giá trị thật sự của cuộc sống. Con vi trùng này không chừa ai, giàu có hay danh tiếng nó cũng không "care". Các con cháu sẽ học được tiếng mẹ đẻ tốt hơn do ở trong nhà với gia đình, việc ô nhiễm không khí cũng sẽ bớt đi do ít xe cộ, thuyền bè đi lại. Các cao ốc, văn phòng sau này sẽ không cần nhiều nữa vì một số công ty thấy công việc vẫn tạm ổn khi nhân viên làm việc tại nhà. Nói chung là tất cả đã thay đổi, đảo lộn, buồn quá là buồn!

Kim phì cười, chính chị Hoàng khuyên Kim lạc quan, mà chị lại than buồn! Trò chuyện với bạn xong, Kim lại phải sửa soạn đi làm, bắt đầu một ngày như mọi ngày.

Nhưng ngày hôm nay lại hơi khác với những ngày bình thường trước đây. Kim lạnh người khi lướt qua trang Facebook, tình cờ thấy tin bạn bè chia buồn vì anh Nam, con bác Hoài vừa qua đời do nhiễm bệnh Corona Vũ Hán. Kim choáng váng, sao lại ngược đời như thế, người già thì OK còn người trẻ lại chết bệnh. Hèn chi những ngày gần đây anh Nam không hề liên lạc với mẹ. Không biết bên nhà Dưỡng Lão đã hay tin chưa, Kim sẽ không đủ can đảm làm người đưa tin cho bác Hoài biết. Cô thấy bải hoải tay chân và khó thở. Cô gọi vào nhà Dưỡng Lão xin nghỉ một ngày vì không được khỏe.

Kim chợt nhớ đến mẹ mình, nếu có một ngày Kim lây bệnh và chết tại đây, một mình nơi xứ lạ quê người, mẹ Kim sẽ ra sao, có ai dám báo tin cho mẹ Kim biết không? Hay là mẹ của Kim cũng như bác Hoài bây giờ, ngày ngày mỏi mòn trông ngóng tin con, cứ run run mở cái phôn ra, đóng cái phôn vào mà tất cả vẫn im lặng đến rợn người. Kim lại nhớ tới một bà cao niên khác tại nhà Dưỡng Lão: Chồng đã mất, bà bị lẫn không nhớ rõ nên cứ nhìn di ảnh người chồng chưng trong phòng, rồi đi ra sau tấm hình tìm kiếm như muốn gặp lại người xưa. Tìm không thấy ai, bà lại ôm tấm hình ngồi thừ hằng giờ, miệng lẩm bẩm vô nghĩa. Hình ảnh ấy làm Kim thương và đau lòng lắm. Bác Hoài rồi đây sẽ ra sao, ngoài sự đau đớn tinh thần, cô đơn vì mất con, lại còn khổ vì ai sẽ là người đóng tiền hàng tháng cho nhà Dưỡng Lão để chăm sóc bác. Kim bâng khuâng đến nỗi không gọi điện thoại lại để kể cho chị Hoàng nghe tin buồn mới biết này nữa. Cô vào phòng trùm mền nằm nghe nỗi buồn gặm nhấm, để bóng tối bao phủ dù đang là ban ngày.

Ngoài sân gió rít từng cơn, mưa bắt đầu nặng hạt, tháng Năm mà Toronto lại có tuyết rơi lẫn với nước mưa. Trên truyền hình, tin tức về nạn dịch Vũ Hán Corona vẫn tiếp tục được cập nhật, con số lây bệnh trên thế giới đã lên tới gần 4 triệu người...



Nguyễn Ngọc Duy Hân

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top