Thư Paris, Nguyễn thị Cỏ May Mùng 4 Tết cúng «vật lề»

Thư Paris

Thư Paris, Nguyễn thị Cỏ May

Mùng 4 Tết cúng «vật lề»



Cúng «Vật lề» hay cúng «Việc lề» là một nét đẹp trong truyền thống thờ cúng tổ tiên nhưng nó mang những ý nghĩa vô cùng độc đáo và chi có ở xứ Nam kỳ mà thôi. Ngày nay còn thấy tục cúng này ở vài nơi trong tỉnh Long An, Mỹ tho, Bến tre, Sa đéc, An giang .

Lớp người xưa gọi là cúng «Vật lề», cúng Lề, giỗ Hiệp, giỗ «Gộp»*. Nhưng nói cúng «Việc lề» thì phổ thông hơn và còn thông dụng đến ngày nay.

Cúng «Việc lề» là lễ cúng tổ tiên đã thành một sự việc truyền thống theo một nề nếp, lề thói, tục lệ. Cúng «Việc lề» chỉ có ở Nam kỳ vì nó hình thành từ làn sóng di dân khai hoang lập ấp dưới thời các Chúa Nguyễn. Trước kia, cúng « Việc lề » có ở miền Trung nhưng chưa kịp định hình thành một sắc thái văn hóa như ở Nam kỳ. Có lẽ những người Trung kỳ này từ Bắc di dân vào Đàn trong, sau đó lại theo Chúa Nguyễn tiến vào Nam mở mang bờ cõi nên đem theo luôn vào Nam tục lệ này vì lễ vật cúng có những món ăn quen thuộc của Miền Trung như món «cháo ám» (*) mà ngày nay vẫn không thấy thiếu trong lễ cúng « Việc lề » ở Nam kỳ.

Cúng « Việc lề » khá phức tạp vì việc cúng này bao hàm nhiều nội dung khác nhau. Trước hết là cúng Tổ tiên, sau là cúng Đất, cúng Cô hồn hay cúng Thí thực, cầu an cho dòng họ. Theo cách thờ cúng thì tổ tiên từ đời thứ năm trở về trước, con cháu không cúng riêng theo ngày mất nữa mà lập chung bài vị đưa về Từ đường thờ cúng theo một ngày được các vị trưởng tộc chọn. Vào Nam, các thế hệ sau không biết hoặc không nhớ nên chỉ giữ lệ cúng và chọn ngày cúng tùy hoàn cảnh của mình.

Tục cúng «Việc lề» của người Trung và người Nam có một số điểm khác nhau. Như ở Nam kỳ,  cúng «Việc lề» là tạo dựng lại hình ảnh cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của ông bà, tổ tiên thời xưa lúc đi khai hoang, lập ấp ở vùng đất này, thể hiện qua cách bày lễ cúng. Các món cúng được dọn trên bàn hoặc thường thì trên chiếu trải dưới đất ngoài sân, chén bằng gáo dừa, đũa làm bằng thân cọng lác… Việc tổ chức cúng được luân phiên nhau trong các chi của dòng họ nếu biết được và có giử liên lạc với nhau. Còn ở miền Trung thì cúng «Việc lề» chỉ tổ chức ở Từ đường của những dòng họ, chi phí do các chi phái của tộc họ đóng góp với nhau để làm lễ cúng.



Thời gian tổ chức cúng «Việc lề» thường là trong tháng Giêng hoặc sau Tết Nguyên đán, tức ngày mùng 4. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương ở Long An tổ chức cúng trong lúc gặt hái xong, hay ở Đồng Tháp, tổ chức vào mùa cá…
 
Ý nghĩa cúng « Việc lề »

Xin nhắc lại tục cúng « việc lề » là do lưu dân từ miền Bắc, Trung vào Nam trong chương trình khai hoang mở cõi ở đất Nam kỳ lập ra khi định cư xong. Đó không gì khác hơn là hình thức đơn giản của lễ cúng giỗ tổ tiên, tức những người có công trong việc tạo dựng nên một dòng họ và nay lập nghiệp ở đất Nam kỳ. Tuy nhiên, khi đến xứ Nam kỳ, do hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ, sự sanh hoạt cũng khác xưa lúc còn ở quê nhà, mà tín ngưỡng này mang những sắc thái riêng. Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là hình thức giỗ tổ tiên của một dòng họ.

Trong tâm thức của người Việt, dù ở bất kỳ nơi nào, lời xưa dạy “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ người có tông” luôn bám chặt trong lối sống, nếp suy nghĩ, trở thành đạo lý của họ. Đặc biệt, khi đến vùng đất mới, quan hệ họ hàng không còn như ở quê nhà. Nơi đây mọi người không bị ràng buộc bởi những lệ làng, hương ước, nhứt là mối quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, không phải vì những lý do đó mà người Việt ở vùng đất mới vội quên đi cội nguồn, bà con dòng họ của mình. Họ vẫn luôn cố gìn giữ cội nguồn theo trí nhớ, sự hiểu biết của mình qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức cúng « việc lề » với những thức cúng đặc trưng của mỗi dòng họ như là một thông tin đặc biệt giúp họ nhận ra nhau .
 
Sơ lược nguồn gốc

Dân ở vùng đất mới có gốc gác là những lưu dân từ phía Bắc của miềnTrung  và vùng Ngũ Quảng đi vào Nam để mở mang bờ cõi theo chủ trương của các chúa Nguyễn. Phần lớn họ là nông dân, thợ thủ công vì nhiều lý do khác nhau phải rời bỏ quê hương tìm đến vùng đất mới để sinh sống. Ngoài ra còn có quan lại, binh lính được gởi theo làm nhiệm vụ, các nhà nho, thầy thuốc, nhà sư và cả những tội đồ bị lưu đày biệt xứ... Trong số đó có cả những phần tử tội phạm bị truy nã, phải thay tên đổi họ cũng tìm đến nơi này trốn tránh.
Đến vùng đất mới, những lưu dân mang theo vốn văn hóa truyền thống của quê hương, đặc biệt là không thể thiếu việc thờ cúng tổ tiên. Trong tâm thức của họ, tổ tiên luôn hiện diện và phù hộ họ, che chở họ tránh được tai ương, bệnh tật trên bước đường lập nghiêp. Vì vậy, trong mỗi gia đình người Việt ở đất Nam kỳ, dù giàu hay nghèo, đều có bàn thờ ông bà tổ tiên. Ngay cả những cư dân không có đất để sanh sống phải rày đây mai đó, lênh đênh trên sông nước thì trên ghe của họ vẫn có một nơi thật trang trọng để thờ cúng tổ tiên. Khi quan hệ dòng họ không còn gần gủi như lúc còn ở quê nhà, nhiều dòng họ mong muốn thắt chặt thêm tình thân huyết thống, bà con họ hàng hoặc chỉ là người làng kẻ nước bằng hình thức cúng « việc lề ». Đây là cách để bà con thân thuộc có dịp gặp gỡ nhau và ôn lại truyền thống của tổ tiên, với những thức cúng đặc trưng để nhìn nhận dòng họ. Đó là ý nghĩa quan trọng của tục cúng việc lề .

 
Hình thức cúng « việc lề »

Dân Nam kỳ đều từ Miền Bắc và Trung vào nhưng họ cũng không phải đều cùng họ hàng hay cùng làng xóm với nhau. Nên khi đã có cuộc sống mới, để nhận biết, mỗi dòng họ đều có thức cúng, ngày cúng và cách chế biến riêng thức cúng theo tập quán của từng dòng họ. Những đặc tính riêng này được thế hệ trước truyền miệng lại cho thế hệ sau. Những lưu dân tới nơi nào mà thấy hình thức cúng, thức cúng và ngày cúng giống với dòng họ mình thì có thể nhìn nhận họ hàng với nhau .

Về ngày cúng, có họ lấy ngày mất của vị thủy tổ, hoặc lấy ngày cúng thường niên của tổ tiên, hay họ thống nhất một ngày nào đó dễ nhớ để con cháu có thể tham dự. Thông thường, ngày cúng « việc lề » được tổ chức vào dịp mùa màng đã thu hoạch xong hoặc lúc sản vật, tôm cá dồi dào để con cháu có điều kiện tổ chức cúng tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho họ trên vùng đất mới. Cúng « việc lề » trước là để tưởng nhớ đến tổ tiên dòng họ ở miền Bắc, miền Trung, sau là tưởng nhớ đến công ơn của những tiền nhân của dòng họ có công trong việc khai hoang và tạo dựng nên vùng đất mới này .

          Về thức cúng, như đã nói, do hoàn cảnh lịch sử nên từng dòng họ đặt ra cách cúng, thức cúng và ngày cúng riêng. Nó mang đậm dấu ấn thời kỳ khai hoang của dân miền Trung đến định cư tại miền Tây Nam việt. Vì vậy, nghi thức cúng và thức cúng phản ánh hoàn cảnh sống thiếu thốn của lưu dân những ngày đầu đến khai phá vùng đất mới. Trong lễ cúng, người ta cố nhắc lại cuộc sống đầy khó khăn, cơ cực của tổ tiên xưa đi khẩn hoang như bày thức cúng ở ngoài sân trên những tấm đệm bàng hay chiếc chiếu trải dưới đất, dùng lá sen, lá khoai môn làm dĩa, lấy gáo dừa, bẹ chuối làm chén, bẻ cọng tre, cọng cỏ làm đũa,... Thức cúng toàn là những món ăn đạm bạc, đơn sơ phản ánh hoàn cảnh sống thiếu thốn lúc bấy giờ của tiền nhân như cá lóc nướng trui, cháo ám* (cạo nhớt, đánh vảy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi cá), rau dại mọc ven sông như rau ráng, điên điển, bông súng,... mắm sống, cốm nổ rang,... Như trong câu đối treo ở lễ cúng « việc lề » của kiến họ Đỗ Tường ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (Ngô thị Hồng Quế, Bước đầu tìm hiểu tục cùng việc lề, Bút ký điền dã, 2015) :
 
“Cháo ám đựng muỗng vùa, tiên tổ khai đường hậu thế
  Rơm đồng thui cá lóc, con cháu cảm đức tiền nhơn”

Như đã biết các món bày cúng « việc lề » trên chiếu trải ở ngoài sân thât sự đó là những qui ước của dòng họ, của người cùng làng, cùng xóm để giúp nhận nhau .Lễ cúng làm ở ngoài trời thay vì ở trong nhà, trên bàn thờ cho trang nghiêm, vì chủ ý để cho người tình cờ qua lại trông thấy mà nhận ra dấu hiệu họ hàng .
Ngoài ra, có người cho biết thêm một số món ăn được một số dòng họ ở miền Tây ngày nay bày ra cúng việc lề như sau :

Bộ tam sênh: phổ biến là trứng vịt, thịt ba rọi luộc, tôm luộc,
cá biệt có một số nơi là ba con ốc, ba con cua, ba con tép,
hay bảy con ốc bảy con cua, bảy trứng vịt luộc,...
Thịt phay: thịt heo luộc xắt mỏng (phổ biến là thịt ba rọi),
Rắn nướng mọi: rắn để nguyên, nướng trong lửa,
Rắn luộc,
Gà luộc, gà quay: có nơi để lặp lại hình ảnh con gà được nhổ lông khô rồi nướng, người ta luộc gà xong rồi quét màu vàng lên trên thân gà,
Gỏi cá: cá luộc hay nướng, xé ra trộn với rau dưa,
Bắp chuối đập dập hoặc làm gỏi,
Chuối chát: chuối sống,
Ốc luộc: ốc bươu, ốc lác (không nằm trong bộ tam sênh)- Bí hay bầu luộc,
Miếng da trâu, da voi,
Gạo muối,
Bó củi, chai nước lã, chai rượu .
 
Trong lễ cúng còn có thêm một tục lệ đặc biệt là cháo ám, cá lóc nướng trui được đặt trên lá khoai môn và lá ô rô , tất cả đem để lên một chiếc ghe bầu (làm bằng là và bẹ dừa nước). Bên trong ghe bầu còn để một cặp cà-ràng, một bịch gạo, một bịch muối, một bó củi, một vài miếng thịt sống trong một cái chén bằng giấy, hai cái lọ nhỏ, một lọ đựng nước và một lọ đựng rượu (có ghi chữ nước và chữ rượu bên ngoài). Nghe nói ngày nay, người ta gởi theo tiền để ông bà làm lộ phí đi đường (cả xì ra cho công an khi cần). Chiếc ghe bầu trong lễ cúng để nhắc lại ông bà tổ tiên xưa đi vào Nam bằng đường biển. Cúng xong, chiếc ghe bầu được đem thả ra sông, tiển ông bà về cố hương. Chiếc ghe bầu gợi lại cảnh Nam tiến ngày xưa. Nay con cháu cho ông bà «Bắc hồi” để thăm lại cố hương với lời khấn vái“Ông bà đi mạnh giỏi”.



Khi chiếc thuyền được gió đẩy trôi theo dòng nước càng lúc càng xa, người cúng vui mừng vì nghĩ ông bà đã thuận buồm xuôi gió quay về cố hương và cũng có ý nghĩa rằng con cháu sẽ làm ăn hanh thông như chiếc thuyền kia trôi đi không gặp trở ngại.
                                                             
Cúng « việc lề » được giử cho tới ngày nay

Dân Nam kỳ khi cúng « việc lề » còn cúng «thí thực» hay cúng «Đất đai» ngày nay vẫn còn kèm theo lễ giỗ.  Người ta không cúng một mâm cơm để ngoài sân dành cho cô hồn, cho những vong linh xấu số “xiêu mồ lạc mả”, chết khi phiêu bạt, tha phương trên bước đường khẩn hoang, lập nghiệp, không có con cháu cúng kiếng, như trước kia, mà bày mâm cúng trên bàn đặt ngay cửa chánh.  Người cúng phải cúng ở bàn này trước, để xin phép Đất đai, tức người đã khai khẩn vùng đất này, hay người đã ở chổ này trước đây, cho phép ông bà, cha mẹ về dự đám giỗ rồi mới tới cúng ông bà, cha mẹ .Trong tâm thức của cư dân Nam kỳ, họ không chỉ muốn chia sẻ, an ủi những vong linh xấu số, xa lạ mà còn tin rằng trong số ấy, còn có cả họ hàng, thân thích trong gia tộc mình đã chẳng may bỏ mạng trên đường khẩn hoang lập nghiệp hoặc ví nạn đao binh.
Cúng «Đất đai» còn hàm nghĩa là cúng «tá thổ» (mướn đất), hoặc cúng «chủ thổ», là một dạng tín ngưỡng xuất xứ từ tục cúng “Tá thổ kỳ yên” của dân vùng Ngũ Quảng tới lập nghiệp ở miền Tây xứ Nam kỳ (Ngô thị Hồng Quế, nt). Tục cúng “tá thổ” rất được nông dân coi trọng và đã được địa phương hoá. Vùng đất này khi mới khai phá còn quá khắc nghiệt như thú dữ, nước độc, dịch bệnh..., nên người ta cúng đất ngụ ý mua hay thuê, hoặc mượn tạm đất của thần linh hay của người chủ trước để gia đình dòng họ được yên ổn làm ăn, sinh sống. Trong tâm thức của người luu dân, mảnh đất nơi họ đang sống, trước đây thuộc quyền sở hữu của một người chủ nào đó, nên họ phải cúng tạ lễ người chủ cũ để họ được sanh sống và canh tác bình yên .Vì vậy, việc cúng thổ chủ là một việc làm hết sức cần thiết, trước là để tạ lễ, ghi nhớ công ơn của những người chủ cũ, sau là để cầu mong sự an lành cho gia đạo trong cuộc sống .Ý nghĩa của tục cúng « việc lề » còn thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với tiền nhơn đã tới nơi này.

Cúng « việc lề » được lưu giữ cho đến ngày nay vì nó đích thực là một hình thức sanh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc mà ngày nay chỉ còn một số dòng họ lớn ở xứ Nam kỳ gìn giử. Và chỉ có ở Nam kỳ do lịch sử hình thành vùng đất mới này.
Cúng « việc lề » mang ý nghĩa tưởng nhớ đến công lao khó nhọc của tổ tiên trong việc khai hoang mở cõi về phương Nam và nhắc nhở con cháu ngày nay phải nhớ công ơn to lớn ấy .
Thật ra thờ cúng tổ tiên, tiền nhơn có công với đất nước, ở đâu cũn có. Hình thức khác nhau mà thôi. Như xây tượng đài, đặt tên đường phố, dinh thự, ...Nhưng cách thờ cúng tiền nhơn của người Việt nam khác hẳn vì nó có nội dung thâm hậu của nó. Người Việt nam thờ cúng tổ tiên không chỉ ở 4 thế hệ mà còn đi ngược lên nhiều thế hệ nữa như lễ cúng «Việc lề». Trong tâm thức người Việt nam, ông bà đời đời hiện hũu ở lễ cúng, nghĩa là Dân tộc trường tồn .
Một dân tộc có văn hóa như vậy mà bị cộng sản hồ chí minh, thứ vô văn hóa đô hộ được tới nay là điều rất đáng lấy làm lạ và đáng suy nghĩ thêm !

 
  • Giỗ gộp : gom lại những người phải cúng mà cúng chung. «Gộp» là gom chung lại. Tiếng nam kỳ đặc sệt .
  • Cháo ám, theo Gs Nguyễn văn Sâm :
Chử ÁM có nhiều nghĩa, nghĩa phù hợp với từ cháo ám nhứt là chiếm giữ như :

ÁM LẤY CỦA: chiếm của (tài sản) người

NẤU ÁM  : Nấu tất cả con vật.   
Giải thích từ nầy  theo cuốn  Tự Vị An Nam La tinhh  do Pierre Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) viết  năm 1772-1773 do LM Nguyễn Khắc Xuyên  dịch lại và in năm 1999, tại Sàigòn.

Từ đây có thể đi đến giải thích sau :

Thường người Bắc và Trung nấu cháo, nấu canh thường luộc con cá và rỉa ra lấy thịt cá để nấu vì sợ  xương cá  làm mắc xương  trẻ con người già. Hiện giờ người Bác vẫn nấu canh  bầu bí với cá rô, cá trê kiều nầy.
Nhưng có lúc  (chậm lắm là thế kỷ 18) người ta nghĩ rằng  nấu như vậy thì mất đi phần nào chất ngọt từ xương con cá nên họ nấu ám nghĩa là nấu nguyên con cá (Sau khi làm sạch). Rồi mới có từ nấu cháo ám.
Dĩ nhiên là sau   thời gian  sự nấu   kiểu nầy có thề thay đồi chút ít, như không cho giở nắm vung để giữ lại tất cả hương vị.
Trong Nam nấu canh, nấu cháo cũng là một biến thể của nấu ám mà thôi:
Canh bầu nấu với cá trê 
Ăn vô một miếng thì mê tới già.
Dĩ nhiên là nấu theo cách biến thể của nấu ám vì  con cá không bị  luộc trước rồi  rỉa mà  được nấu  sau khi con cá được làm sạch và chặt thành  vài ba khúc.
Tóm lại:
Nấu cháo ám là một cách nấu, không phải là tên con cá được nấu cho nồi cháo.

Đó là giải thích theo tự điển xua. Không thấy các tự điển khác có từ nấu ám, ngoài cuốn TĐ của G. Cordier Annamite-Prancais, 1930 cắt nghĩa 
Ám: Potade du riz avec poisson, ông Cordier chú trọng đến chữ cá mà không chú trọng đến cách nấu.
Tự điển Việt- hoa-Pháp của Gouin (trang 861) Nấu ám: cuire du poisson avec des herbes. Ông nầy nói tới chuyện bỏ vô rau mà vẫn không nói cách nấu. 
tự điển Việt Phát của Nguyễn Văn Tuế: (trang 17)
Nấu ám: cuire soigneusement. Ông nầy nhắc đến sự cẩn thận, chăm chúc trong cách nấu.
Vậy thì:
Nấu cháo ám: Là một cách nấu:
có những yếu tố: Gạo, cá nguyên con, rau cỏ và chăm chúc cẩn thận.
Người ta tuỳ theo ý thích làm gì đó cải biên cải tiến thì tùy..


Nguyễn thị Cỏ May

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top