Thư Paris, Nguyễn Thị Cỏ May
Bối
Bối, ngày nay chắc còn rất ít người hiều nghĩa. Mà phải dân Nam kỳ đặc sệt ở vùng Bình Điền, Chợ Đệm, Chợ Gạo, Gò Đen, …thuộc tỉnh Chợ lớn trước năm 1950 mới hiểu. Nhơn đây, tưởng cũng nên nhắc qua «Tỉnh Chợ Lớn». Dưới thời Quốc gia Việt nam (État du Việt nam) do Cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng, thì Sài gòn - Chợ lớn sáp nhập lại làm Région Sài gòn-Chợ lớn, sau đó, bỏ tỉnh Chợ lớn, phần lãnh thổ ngoài Sai gòn-Chợ lớn, như Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, …ghép vào tỉnh Gia định, các Quận ở xa như Cần giuôc, Cần đước, …thuộc tỉnh Long An. Sài gòn trở thành thủ đô Việt nam thống nhứt bao gồm cả phần Chợ-lớn từ đường Nguyễn Biểu, dốc cầu chữ Y, chạy dài tới đường Nguyễn Trải.
Tiếng « Bối » có nghĩa là « người ăn cắp đồ đạt, của cải ở ghe thuyền đậu trên sông rạch vùng Chợ lớn ngày xưa, trước 1945 ». Và Bối nổi tiếng nhờ tài «chôm» xuất sắc, có một không hai, đồ đạt trên ghe thuyền khi đậu lại trên sông Chợ Đệm, đặc biệt khúc sông có tên « Ba Cụm ». Và một thời nổi tiếng khắp vùng sông nước Nam kỳ. Nói « Bối Ba Cụm », dân thương hồ, ai cũng biết, vừa thán phục tài ăn cắp, vừa đưa mắt xem xét lại đồ đạt trên ghe của mình .
Tại sao «ăn trộm» trên ghe thuyền gọi là « Bối » ? Hỏi vài vị uyên bác chữ nghĩa tiếng việt, nhưng ai cũng chỉ biết nghĩa « Bối » là «ăn trộm ghe thuyền vùng Chợ Đệm », chớ không hiểu tại sao lại gọi là « Bối ».
Ăn cướp, Ăn trộm, Đạo Chích
«Ăn cướp» là dùng quyền lực, võ khí, cướp đoạt tài sản, của cải của nhân dân. Ăn cướp ở Nam kỳ trước 1945 được báo chí, sách vở nói tới với những lời lẽ rất đẹp, rất văn chương như « Giang hồ » do tư cách của họ. Họ nhận họ là « Ăn cướp » và tự hào với danh xưng người đời dành cho. Họ ăn cướp của nhà giàu thiếu lòng hào hiệp, không biết thương người nghèo và đem của cướp được san sẻ bớt cho người thiếu thốn. Về mặt tinh thần, họ gìành một vùng đất cho họ được sống thoải mái, được xác nhận sự có mặt trọn vẹn của họ ở đây, trong xã hội này, như mọi người mà có bót, tây tà không xách nhiễu họ được. Ở vùng Chợ-lớn, có băng đảng Bình xuyên.Dỉ nhiên không phải không có những kẻ ăn cướp chỉ để có tiền ăn xài sung sướng mà không phải làm việc vất vả. Nhưng cả hay đều giống nhau ở một điểm chung căn bản là nhằm mục tiêu lấy tiền của gia chủ. Vào nhà, hỏi ngay tiền, lấy được là đi. Họ nhìn nhận họ là ăn cướp và không bao giờ tự xưng mình là «cách mạng» hay «giải phóng».
Trái lại, «Ăn trộm » là một nghệ thuật. Kẻ trộm phải khéo léo theo dõi mục tiêu, biết rỏ nơi cất tiền, món đồ có giá trị, những thói quen của chủ nhà. « Ăn trộm » là hành động mà chủ nhà không hay biết. Nếu lở hay biết thì phải thoát thân kịp lúc, an toàn, không để lộ danh tánh, diện mạo. Ăn trộm hoàn toàn không sử dụng bạo lực, mà chỉ dùng tài khéo léo, mưu mẹo để đạt mục tiêu một cách ngoạn mục, nạn nhơn phải tỏ lòng khâm phục. Tiếng tâm trong dư luận ghi lại chỉ cốt ở thành tích xuất chúng của tài ăn trộm, chớ không ở lý lịch kẻ trộm.
Tên chữ của « Ăn trộm » rất đẹp, đó là « Đạo Chích ». Đẹp vì lấy từ danh từ rìêng, tên một nhơn vật thời Xuân Thu bên Tàu, ghi trong Nam Hoa kinh của Trang Tử, trong Sử ký của Tư Mã Thiên.
Điển tích của « Đạo Chích » là em của Liễu Hạ Huê, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, lãnh tụ một băng đảng cả ngàn người, đi lấy tiền bạc, của cải của dân chúng (Nhân danh Đại từ điển, Từ Hải). Còn theo Tư Mã Thiên, « Đạo Chính » là tên kẻ trộm nôi danh thời Hoàng Đế. Đến thời Xuân Thu, nhân em của Liễu Hạ Huê cũng là tên ăn trộm khét tiếng nên người đời mới đặt tên cho hắn là « Đạo Chích » .
Đạo Chích là tên ăn trộm quá nổi tiếng nên Trang Tử mới ghi vinh danh : « Ăn trộm cũng có « Đạo » chăng ? Chích nói : Làm sao mà không có Đạo. Đoán được của cải trong nhà, ấy là Thánh. Vào nhà bằng ngã trước, là Dũng. Ra bằng ngã sau, là Nghĩa. Biết tiến biết thoái, là Trí. Lấy của mà không làm hại chủ nhà, đem về chia chác cho đồng bọn, ấy là Nhân (Trang Tử, Nam Hoa Kinh) ». Từ đó « Đạo chích » chỉ «người ăn trộm» và trở thành danh từ chung .
Bối
Nói tới Bối, tưởng nên nhắc qua hoàn cảnh địa lý xứ Nam kỳ .Ngày xưa, giao thông ở Nam kỳ nhờ ghe thuyền di chuyển trên sông rạch. Vả lại Nam kỳ cũng là nơi chằn chịt bởi sông rạch với hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Vào đầu thế kỷ XX, đi từ Long Xuyên, Châu Đốc lên Sài gòn, phải đi ghe tàu tới Mỹ Tho, ngủ đêm ở đó, sáng sớm hôm sau, đi xe lửa lên Sài gòn .
Xe cộ trên bờ có nhiều loại, nhiều kiểu thì ghe thuyền cũng có lắm kiểu, lắm tên như vậy. Phân loại căn cứ nơi sản xuất. Như ghe Cần Đước (Tỉnh Chợ Lớn, Long An sau này), Xuồng Cần Thơ, vỏ Tắc Ráng (xuồng của Rạch Giá) .Tuy nhiên cũng có loại ghe có tên mà không căn cứ nơi sản xuất như ghe Bầu, ghe Lườn, xuồng Ba Lá, ghe Cà Vom, ghe Chài, …
Vì lưu thông trên sông rạch thường xảy ra tai nạn nên ông Nghi Biểu Hầu ( chức quan Quân sự) Nguyễn Cư Trinh ra lệnh đăng bạ ghe thuyền và lập ra luật lưu thông. Tuy không có đèn đỏ, đèn xanh, bảng chỉ phải ngừng lại, chạy chậm, …nhưng có qui định như đi lề mặt, lề trái, phải tránh là nép vào phía mặt, qua mặt phải theo phía trái, … Trên sông rạch, khi ghe thuyền sắp gặp nhau, người chèo phải hô lớn « bát », thì ghe mình phải đi qua phía mặt, tránh ghe phía trước. « Bát » sau này, đọc trại ra thành «hoát». Còn báo hiệu đi qua phía trái thì hô lên «cạy» .Và nhờ những qui định của Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh mà khi có tai nạn ghe thuyền, chánh quyền địa phương dễ giải quyết mọi kiện thưa .
Lưu thông trên sông nước gia tăng cường độ, chánh quyền bèn lập ra những trạm kiểm soát giử an ninh cho dân giang hồ. Muốn qua biên giới, ghe thuyền phải chịu sự kiểm soát giấy tờ ở trạm .
Vào năm 1930, Nam Kỳ được chia thành 20 tỉnh. Nhà cầm quyền thuộc địa quy định tất cả ghe thuyền từ 3 cây chèo trở lên đều phải vẽ số do chính quyền cấp, gồm số thứ tự N0 (Numéro), tiếp theo là các con số và ký hiệu địa phương (tỉnh). Như tỉnh Rạch Giá ghi là RP4 (Rạch Giá Province), số 4 là số thứ tự. Những tỉnh có chữ đầu trùng nhau như Châu Đốc và Chợ Lớn ( hai chữ C), Bến Tre và Bạc Liêu (hai chữ B) thì màu sắc sơn ở mũi ghe hoặc “con mắt ghe” sẽ giúp phân biệt .
Cũng như trên bờ, trên sông nước cũng không tránh khỏi nạn trộm cắp. Trộm trên ghe thuyền có tên gọi riêng là «Bối». Từ ngữ này như một thuật ngữ và được phổ biến nhứt ở vùng tỉnh Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, …Và nổi tiếng là «Bối Ba Cụm» vùng Chợ Đệm.
« Bối » có nguồn gốc từ một loài ốc biển, vỏ có bông rất đẹp (Nguyễn Hữu Vàm Nao, báo Cần Thơ,15/06/2014). Dân trộm cắp trên ghe thuyền,có lẻ vì mang bộ mặt và cách hành sử hiền lành mà người ta đặt cho tên « Bối », ngụ ý giống như loài ốc đẹp kia, nằm yên, không quấy nhiểu ai ? Bảy tám mươi năm về trước, hầu hết ghe thương hồ trên trục thủy lộ Sài Gòn - Chợ Lớn đi về Miền Tây đều phải đi ngang qua Ba Cụm, thuộc làng Tân Bửu, huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Định .
Ba Cụm nằm ở khoảng giữa sông Chợ Đệm, nơi nước từ Bến Lức chảy lên, từ Rạch Cát chảy xuống, giáp hai con nước lớn và ròng nên xuồng ghe đậu lại đây rất đông, nấu cơm ăn, chờ nước thuận, mới đi tiếp. Vì vậy mà quán xá nổi lên bán vài nhu yều phẩm như mắm, muối, dầu lửa, thuốc rê, trà bánh, cao đơn hoàn tán… Lúc đầu, chổ này gọi là « Ba Cây Da», về sau gọi là « Ba Cụm » do ba cây da chụm lại. Và quán, chợ trở thành quán Ba Cụm, chợ Ba Cụm. Trên sông dập dìu ghe “bán vàm” bơi len giữa những ghe lớn, rao bán đủ thứ đồ ăn uống, chè cháo. Sự tấp nập, sầm uất cả một khúc sông không tránh khỏi khêu gợi lòng tham con người. Từ đó nạn bối xảy ra và lang rộng. Một số xuồng “bán vàm” này cũng trở thành xuồng làm thêm nghề bối là nghề không vốn .
Tài ba và mục tiêu chuẩn mực của «Bối » khó nói. Như nồi cơm sắp chín, chủ chưa chắc ăn được. Bối Ba Cụm có tay nghề cao và nhiều mánh lới. Thời gian nấu một nồi cơm hay ăn một bữa cơm là đã xong một mẻ bối. Bối Ba Cụm làm cho giới thương hồ Lục tỉnh lo sợ mất đồ đạt, canh giữ cẩn thận nhưng khi bối Ba Cụm ra tay thì chẳng mấy khi thất bại .
Ở Ba cụm, nhiều người đi bối đã nên nhà nên cửa. Đi bối thường có cặp : bối anh, bối em để truyền nghề và giúp đỡ lẫn nhau. Người ta không cho bối là ăn trộm hay ăn cướp, vì bối lấy gọn món đồ hảy còn ở đó chỉ trước vài phút.
Do tài lấy cắp xuất sắc đó mà nay người ta vẫn còn kể cho nhau nghe nhiều giai thoại về bối Ba Cụm .
Vài giai thoại về Bối Ba Cụm
(theo Nguyên Ngọc, chắc không phải nhà báo Nguyên Ngọc, đảng viên cs hiện nay)
Mất quần lảnh
Một chiếc ghe chở củi đậu gần một lùm cây bần chờ nước ròng. Ngồi trên mui hứng gió chiều là một cô chủ ghe bận quần lảnh mới láng mướt. Hai thằng bối bơi xuồng ngang thấy chíp liền. Bối anh nói với bối em:
- Khuya này tao lột quần con mẹ này cho mày coi.
Bối em trong bụng chưa tin.
Khuya, cô chủ ghe trải nóp nằm trên mui ghe, gió mát khiến cô ngủ ngon lành.
Bối anh bứt một cọng mái dầm trâu bự bằng ngón tay cái, tước bỏ lá rồi khoanh lại thật chặt. Nó hé ống quần của cô chủ ghe đang nằm ngủ, nhè nhẹ nhét cuộn mái dầm vào ống quần. Cọng mái dầm khoanh tròn từ từ bung ra, ngọ nguậy trong ống quần làm cho cô giật mình, hoảng sợ, tưởng rắn chui vô. Cô lật đật tuột quần ra, hất nó ra mép mui ghe, cho con rắn “ mắc dịch ” kia bò đi nơi khác. Nào ngờ, ở dưới xuồng núp theo hông ghe, thằng bối anh đứng lên đưa tay lấy cái quần trước mắt cô chủ quần, nhưng vì đang truồng chồng ngồng đành nghẹn ngào mà làm thinh, nhin bối lẳng lặng chèo đi.
Bối em:
- Thiệt tui không ngờ!
Về làm dâu xóm bối
Hết con nước làm ăn, hai thằng bối về nằm nhà. Chợt nhớ nhà bên cạnh mới rước dâu về hồi trưa.
Bối anh nói với bối em :
- Khuya này, tới gà gáy, mày nhóm lửa. Đợi con dâu mới bưng nồi ra sàn nước vo gạo, tao “ẵm” cái nồi gạo về cho mày nấu. Nồi cơm chín rồi, nhà bên đó mới tá hỏa lên cho coi.
Nói rồi, chờ cho nhà bên ấy tắt đèn đi ngủ, thằng bối anh chui lỗ chó ở hàng rào xương rồng ngăn cách vườn sau để qua nhà bên kia. Nó lấy cái gáo múc nước của nhà này, đem về máng trên cái cây cắm gần lu nước của nhà nó .
Gần sáng, nhà bên kia đã có tiếng người thức dậy nấu cơm. Đúng là lúc nàng dâu mới bưng nồi gạo ra sàn nước lấy nước để vo gạo. Đặt nồi lên sàn nước, cô vói tay lấy cái gáo. Không thấy cái gáo đâu. Cô nói thầm trong bụng hồi chiều còn thấy cái gáo ở đây mà bây giờ biến đi đâu. Cô bèn quay vào nhà để lấy cái tô ra múc nước .
Đúng lúc cô quay lưng đi thì thằng bối anh chui qua hàng rào, đem trả cái gáo, rồi nhẹ tay nhắc cái nồi gạo bò về giao cho thằng bối em vo nấu.
Bên kia hàng rào, cô dâu lấy cái tô ra múc nước, chợt thấy cái gáo nằm chình ình ở chổ củ. Ngẩn ngơ nhìn cái gáo, ngó lại thì nồi gạo đâu mất. Điếng hồn, nghĩ chắc hồi nãy vào nhà lấy tô, mình đã bưng nồi gạo vô theo. Cô lại tìm kỹ trên sàn nước một lần nữa rồi vô nhà coi cái nồi gạo có ở trong nhà không. Cô kiếm từ chỗ khạp gạo đến cái sóng chén, ở đâu cũng không thấy nồi gạo. Cô bần thần, nhớ lại hồi nãy cái gáo nằm sờ sờ mà mình còn không thấy… Chắc cái đêm tân hôn “ mắc dịch” này đã làm cho mình mệt mà quên hết rồi chăng ?
Khổ cho phận làm dâu, mà lại là dâu mới. Cô trở ra sàn nước, kiếm kỷ lại một lần nữa rồi rón rén lên phòng ngủ, thò tay vào mùng lắc cẳng chồng và nói nhỏ:
- Anh, anh xuống bếp nghe em nói cái này.
Anh chồng còn ngây ngủ, ráng đứng nghe vợ kể chuyện bưng nồi gạo, rồi không thấy gáo, rồi thấy gáo, lại mất nồi .
Anh chồng nói nhà này xưa nay đâu có ma, rồi cầm đèn cùng vợ ra sàn nước.
Hai vợ chồng mới lục đục trong đêm, đánh thức bà mẹ. Bà đi ra sàn nước hỏi coi chuyện gì. Cô dâu ú ớ kể lại.
Nghe vừa hết chuyện, bà liền ngóng qua hàng rào và lớn tiếng :
- Thằng Hai có ở nhà không vậy ?
- Dạ có, chi vậy thím.
- Thằng chết bầm. Em nó mới về nhà chồng. Đừng có giỡn nhây. Đem trả cái nồi gạo lại không?
- Dạ tui nấu cơm dùm cho cô dâu mới về xóm bối, mà thiếm .
Bối Ba Cụm vầy nè
Vào một sáng mùa đông, một tốp ngư dân đang giở chà cá he trên sông Tiền. Lưới bao chà xong, mọi người cùng nhau giở từng cọng chà (nhánh cây khô) ra khỏi lưới. Việc nặng nhọc nhất là lúc lặn ở độ sâu 4 -5 mét, dùng lạt tre hoặc lạt dừa, phăng diền lưới sát vào nhau và cuối cùng kéo lưới lên… bắt cá. Để chuẩn bị giai đoạn cực nhọc đó, mọi người tụm nhau lại, người hút thuốc, mồi lửa nhờ một con cúi bện bằng mo nang dừa, kẻ thì uống nước mắm để chống lạnh.
Bỗng có một chiếc ghe buồm từ hạ lưu chạy tới gần.
“Ghe ai đỏ mũi, xanh lườn,
Giống ghe Gia Định xuống vườn thăm em”.
Loại ghe buôn miệt trên xuống. Họ tiến từ từ dưới độ căng của chiếc buồm, đẩy bởi cơn gió bấc lất phất. Một người đàn ông vạm vỡ ló mặt ra từ cửa ghe.
- Quí vị cho xin lửa nấu cơm. Ống tàn hết ăn lửa rồi!
Hồi ấy chưa có hộp quẹt, nên người ta khẻ đá lấy lửa, mồi bằng bùi nhùi gọi là ống tàn. Một ngư dân đưa con cúi cho họ. Chiếc ghe buôn neo lại nấu cơm. Đám ngư dân hè hụi nhau kéo lưới, bắt cá bỏ vào gọng. Người trên ghe buôn hỏi mua cá, một ngư dân xúc cho họ một vợt cũng vài cân cá.
Mùi cơm gạo nàng thơm ngào ngạt, mùi cá nướng bốc lên. Người trên ghe buôn bày cơm, bày rượu. Họ không quên mời khách. Thế là người của hai ghe quen nhau, cùng uống rượu nói chuyện oang oang, trên sông lộng gió. Người cầm đầu đám ngư dân cất giọng hỏi thăm :
- Quý vị chắc là người Gia Định?
- Ừ,
- Nghe nói trên ấy có nhiều Bối Ba Cụm. Bối là sao vậy?
- Chút nữa các ông sẽ biết!
Rượu ngà ngà. Chủ khách chia tay. Mấy ngư dân xuống ghe nhỏ của mình để chèo lên chợ Vãn mà bán cá. Lúc đó mới biết mấy gọng cá he biến mất. Họ đưa mắt tìm kiếm thì thấy năm cái gọng cá được vèo phía sau lái của chiếc ghe Gia Định kia tự hồi nào. Ông chủ ghe từ trong khoang nói lớn cho mọi người nghe:
- Bối Ba Cụm là vầy nè!
Rồi họ căng buồm dong tuốt.
Đạo …hữu
Chuyện trộm trâu làm ông Năm Đào xẩu mình cả năm trời. Con gái ông phải đóng cửa khuê phòng không dám nhìn người làng. Lần này ghé vàm Rạch Sấu là một ghe hát Sơn Đông. Cha của ông Năm trước kia vốn là một người theo hội kín “kèo vàng”* của Thiên địa hội, sau theo Kỳ Ngoại Hầu, bị Pháp bắt đày ra Côn đảo biệt tích. Ông tuy làm bao hoá (đi thâu lúa ruộng) cho Cả Khanh nhưng ăn ở với người làng rất là hào hiệp. Mỗi khi người làng hữu sự, ông là người có mặt đầu tiên. Ông hò hét đám thanh niên làm việc răm rắp. Chuyện bàn tán rồi cũng qua, người làng quý ông ở cái nghĩa.
Gánh Sơn Đông kỳ này về là một cụ cao niên với hai đệ tử một trai, một gái. Cụ già râu tóc bạc phơ, đầu bới búi tóc cao tới ót, dáng người dong dỏng tiên phong đạo cốt, giỏi võ và cả “gồng”. Họ biểu diễn nội công và bán thuốc “trật đả huờn”. Mấy đứa trẻ trong xóm gọi là “trật đả hoài ”. Sau lần bị gạt, ông Đào thường tỏ ra ngại tiếp xúc với người lạ nữa.
Ông già Sơn Đông có biệt danh ông Thiên Cơ. Hằng đêm ông uống trà ngoài quán gió của cô Út Hiên nói chuyện “thiên cơ bất khả lậu”.
Nói về sấm Trạng Trình : “ Bao giờ lúa mọc trên chì, voi đi trên giấy, hết đời thầy tăng?” Rồi ông bình luận : lúa mọc trên chì chính là đồng tiền cắc có hình bụi lúa, voi đi trên giấy chính là người Pháp cho in tờ giấy bạn100 đồng có hình con voi, trước kia hình bộ lư. Thầy tăng là thằng Tây. Thời của thằng Tây sắp thua rồi. Dân làng bàn tán nhau chuyện ông Thiên Cơ có vẻ hả hê lắm. Ông Năm Đào thấy cũng quý ông ấy. Một tối nọ ông mời ông Thiên Cơ đến nhà chơi, chủ khách uống trà bàn sấm Trạng Trình và đoán thời cuộc. Từ ấy, họ gọi nhau bằng “đạo hữu”, người làng chưng hửng không biết đạo của họ là đạo gì?
Đúng nửa tháng, gánh Sơn Đông của ông Thiên Cơ biến mất không một lời tạ từ. Ông Năm Đào buồn lắm, đi ra bờ sông Cửu Long ngắm theo coi còn thấy dáng hình cố tri. Ông giật nẩy mình khi thấy đám mía thanh dịu cưng của mình bị đốn sạch, chỉ chừa lại mấy hàng. Trên thân một cây mía còn lại có dán một mảnh giấy nhỏ, với mấy dòng chữ :
“Đạo ở chốn giang hồ hành hiệp,
Tôi đốn chưa kịp còn lại ba hàng,
Đâm thuyền chạy thẳng Trà Bang,
Xin đạo hữu đừng mong, đừng ngóng!”