Bộ râu xồm, tư bản của «Mác»
Thư Paris, Nguyễn thị Cỏ May
Đàn ông là phải có râu. « Nam tu nữ nhũ » như sách đã dạy. Khoa học lý giải râu là biểu hiện sức mạnh và từ đó phát xuất sự ham muốn chiếm đoạt nhưng không vì thế mà râu trở thành môt thứ vũ khí chết người. Râu của người á châu khác với râu của người âu châu, cả về cách để râu, chăm sóc râu. Theo kinh nghiệm, nhìn râu, người ta có thể xét đoán về người. Như người cương nghị, người vui tánh, người có máu … Riêng người cộng sản có râu hay không râu, râu tốt hay xấu, đều có liên hệ ít nhiều đến diển tiến của phong trào cộng sản và số phận người lãnh đạo.
Râu của lãnh đạo tôn giáo
Đấng Christ và các vị Tông đồ vì gốc Do Thái nên giữ giới luật theo Moise không được phép cạo râu. Để râu là cách tôn trọng mình được Thượng Đế tạo ra. Ngài thương mà tạo ra người đàn ông có bộ râu. Cũng vì kính trọng Thượng Đế mà con người không được phép xăm mình, xỏ tai, xỏ mủi, cắt tay chơn, … Con người là thiêng liêng và là sản phẩm do Thượng Đế tạo ra!
Với người Công giáo, râu của tăng lữ là vấn đề đứng đắn và có tánh cách tiêu biểu. Râu có một lịch sử dài. Giáo Hoàng không râu, mặt mày nhẵn nhụi, xuất hiện vào thế kỷ 18, sau nhiều do dự. Trước kia bắt buộc, rồi nhiều lần hủy bỏ, râu khi tượng trưng cho sự thánh thiện, khi lại là dấu ấn tội lỗi. Số phận râu trôi nổi theo lớp sóng phế hưng của lịch sử Giáo hội.
Giáo Hoàng Innocent XII (thế kỷ XVII), nổi tiếng là người quyết liệt chống lại phe cánh «gia thế» cầm quyền trong Giáo hội, là vị Giáo Hoàng cuối cùng có râu, ria mép và cả chùm râu lúng phúng dưới càm. Thật ra, Giáo Hoàng nhiều râu cuối cùng phải là Jules II. Như vậy, giáo dân từ hơn 350 năm đến nay không còn Giáo Hoàng có râu nữa!
Với tu sĩ Công giáo, râu chiếm một địa vị quan trọng trong kinh thánh Do Thái. Cắt râu một người đàn ông là một cử chỉ sỉ nhục. Cạo râu hay nhổ râu là dấu hiệu tang tóc. Để cho người nào đó đùa giởn với bộ râu của mình, không tránh khỏi bị coi là kẻ điên. Cắt râu hay tỉa râu cho giống một kiểu nào đó của dân chúng thế tục, phải bị giáo hội ngăn cấm và trừng phạt.
Như đã nói, ở người Công giáo, râu có khi được khuyến khích, có khi bị cấm. Ngay cả Đấng Christ là người có râu và nhiều râu nhưng có khi Ngài xuất hiện không có râu. Nhiều Linh mục trong Giáo hội khi có râu, lúc không râu. Nên rất khó có một kết luận dứt khoát ai phải có râu, ai không,và lúc nào, ở đâu ?
Người chánh thống giáo, người Sikht và Hồi giáo, hàng chức sắc đều để râu vì râu đối với họ là biểu hiện trí tuệ và sự kính trọng. Râu là tượng trưng và cho phép tinh thần hội nhập với tâm, tư tưởng với hành động, lý thuyết với thực hành. Nên những người này không có quyền cắt tóc, cạo râu vì đó là dấu hiệu tuân thủ luật trời.
Cắt tóc cạo râu là đánh mất đi một phần thân thể của Trời ban cho và người không râu là kẻ phản đạo. Chức sắc lãnh đạo tôn giáo phải có nhiều râu và râu phải dài, phù hợp với địa vị của vị chức sắc. Osama Ben Laden có vai trò tối quan trọng trên tầm vóc quốc tế nhưng người Hồi giáo lấy làm tiếc bộ râu của ông quá ngắn và không đủ rậm cho tương xứng với địa vị của ông. Phải chăng vì vậy mà ông chết sớm và chết thảm?
Để râu xồm xoàm của người Hồi giáo như ta thấy ngày nay là do một tập tục có từ lâu đời ở phương Đông. Người Ai-cập (Egyptien), người Babylonien, người Hi-lạp (Grec), người Do thái đều tranh nhau về bộ râu của ai dài, rậm, đẹp. Ở thế kỷ thứ VII, một người Do thái tốt, có tiếng tăm, phải là người có bộ râu đẹp.
Nhà Tiên tri Mohamed để râu là theo tập tục lâu đời của địa phương.
Ngày nay, người Hồi giáo để râu là biểu tượng của Hồi giáo kháng chiến. Có tính bắt buộc. Vì đó là trở về với Allah! Và râu của lãnh tụ ở một số khu vực được nhuộm màu đỏ hoe vì theo sự tin tưởng của những người này thì Mohamed rất thích bộ râu màu đỏ.
Tuy nhiên luật vẫn có ngoại lệ. Thủ lãnh của Mặt trận Hồi giáo võ trang thành lập năm 1991, Ali Belhadj, lại không có râu. Sau này, Ali Belhadj trở thành thần tượng của lực lượng thánh chiến Algérien. Ali Belhadj còn là nhà truyền giáo nổi tiếng ác ôn. Có lẽ vì vậy mà Ali không cần có râu vẫn đủ cho mọi người thấy nam tính và bề thế của mình ?
Bộ râu xồm, tư bản của «Mác»
Trong giới đầu nảo cộng sản, trong những ngày đầu, phần đông đều có râu, với nhiều kiểu khác nhau. Tổ sư Các Mác (Karl Marx) có bộ râu xồm rất đặc biệt, dày đặc. Lê-nin để râu mép. Staline cũng râu mép. Nhưng tới Khrouchtchev lại không có râu. Theo thời gian, tuổi đời cộng sản càng cao, càng ít lãnh đạo có râu. Không biết có liên hệ nào trong hiện tượng này hay không ?
Lúc trẻ, khi cùng với Friedrich Engels viết «Bản Tuyên ngôn Cộng sản», Mác đã có bộ râu rậm rạp nhưng Engels đâu phải chịu thua. Ông cũng là tay râu xồm. Ngoài ra, khi hai người tình cờ gặp nhiều lãnh tụ hay lý thuyết gia tả khuynh khác, tất cả cũng đều có râu và râu đẹp.
Hai ông gặp Pierre -Joseph Proudhon, khuynh tả (người Pháp, ký giả, nhà xã hội học, kinh tế gia, triết gia chánh trị và đặc biệt hơn, là người mở đầu chủ thuyết vô chánh phủ ở Pháp, trí thức lớn duy nhứt thật sự xuất thân từ giới thợ thuyền Pháp) lại cũng là người có râu đẹp, rậm, được chăm sóc kỷ. Proudhon vẫn cho rằng đàn bà chẳng may xấu xí chỉ vì không có râu tuy họ rất thông minh và nhạy bén. Khi Bakounine, lãnh tụ Quốc tế lao động, xuất hiện không khỏi làm cho Mác và Engels kinh ngạc vì bộ râu của ông này quá đẹp và quá vĩ đại trong lúc bộ râu của Mác có tiếng là đồ sộ thì nay đã bắt đầu ngã màu thời gian rồi!
Về sau, Mác từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi con gái Jenny của ông dẩn về giới thiệu với ông một người Pháp, Charles Longuet, từng tham gia «Paris Công xã», thuộc Đảng Xã hội Pháp (chủ nghĩa), có bộ ria mép, tỉa khéo léo và đầy vẻ trí thức của đất Paris. Liền đó, người con gái thứ hai Laura cặp tay một anh chàng Pháp khác, Paul Lafargue, về chào ông. Lafargue có bộ râu mép kiểu gauloise, rất tây, dày, rậm, chăm sóc kỷ, nằm gọn trên môi trên, xuống vừa chí miệng, hai bên rủ xuống khóe miệng. Nhưng Lafargue lại mê bộ râu của 2 người bạn, Jules Guesde, người đồng sáng lập «Đảng Thợ thuyền» với ông và Jean Jaurès, người có công tranh đấu cho phe xã hội (chủ nghĩa) Pháp thống nhứt.
Cùng thời, ở Nga, Pierre Kropotkine thông báo một cuộc cách mạng tự do là người có một bộ râu rực rỡ. Nhưng khi tham gia vào cuộc xung đột giữa 2 phe bolcheviks và mencheviks thì râu của ông lại còi đi!
Cha đẻ cộng sản Nga, Gueorgui Plekhanov, để râu hàm đẹp, trong lúc đó Pavel Axelrod, phe mencheviks, thường tự hào có bộ râu xồm không thua nhà văn Léon Tolstoi. Một người cộng sản khác, có tiếng năng nổ trong giới tả khuynh, Julius Martov, có bộ râu không giống ai hết, nó như chiếc khăn quàng cổ màu đỏ hoe. Bạn thân của ông từ thời trẻ với nhau là Vladimir Ilitch Oulianov, sói đầu sớm, có lẽ do bẩm sanh, để bù lại, ông ta để ria mép màu đỏ hung, khá chăm sóc kỷ và người đời chỉ biết tên ông là Lê-nin, người sáng lập Đệ III Quốc tế và nổi tiếng gian ác. Đồng chí với ông trong biến cố gọi là cách mạng Tháng Mười, Davidovitch Trotski, khác hơn ông vì có mái tóc rậm đen, nhưng ông ấy vẫn cố để mọc ra vài sợi râu dưới càm.
Các đồng chí Đệ IV của Trotski, Grigori Zinoviev, trái lại không để râu, vì phản kháng truyền thống gia đình do thái, nhưng Kamenev có râu đẹp. Cả hai đều bị tên hung thần Staline, thuở nhỏ cùng bạn thân với nhau, có tên là Koba sát hại. Tên Staline lúc còn trẻ, trước khi được Lê-nin kết nạp nhờ thành tích du đảng và ăn cướp, để râu rậm rạp theo kiểu băng đảng thảo khấu ở Caucase. Nhưng khi về với Lê-nin, anh chàng cạo mặt sạch sẻ, chỉ chừa bộ ria mép và để công o bế khá tươm tất. Khi hoạt động cho Lê-nin, Staline đánh cướp ngân hàng, làm được một vố to, lập thành tích dâng cho đảng và nhờ đó, được Lê-nin tin dùng, kế nghiệp Lê-nin. Nắm đảng, Staline chi viện và huấn luyện Mao, lực lượng võ trang của Mao, để đưa cách mạng cộng sản tàu lên nắm quyền năm 1949. Staline và Mao do cùng bản chất gian ác và cùng cộng sản nên cả hai đã chia nhau giết cả 100 triệu nhơn dân bị họ cai trị.
Tới đây thì râu xồm của người cộng sản cấp lãnh đạo đi vào thoái trào, nhường chỗ cho giới mặt láng, mày râu nhẵn nhụi. Và cũng từ đây, cộng sản từ từ trải qua nhiều diển tiến quan trọng.
Năm 1953, Staline chết ở Mạc-tư-khoa (Moscou). Ông cai trị độc tài tuyệt đối, không ngần ngại thanh toán nhũng ai có ý chống đối hay phê phán đường lối của ông. Qua tháng 2/1956, Nikita Khrouchtchev đọc báo cáo mật hạ bệ Staline và chủ trương sống chung hòa bình với thế giới tư bản. Tượng Staline lần lược bị tháo gở, chấm dứt chế độ tôn thờ cá nhơn một cách quái gở. Qua năm sau, Hà nội ngã hẳn qua Bắc kinh, dựng lên những vụ án xét lại chống đảng nhằm thanh lọc nội bộ, cũng một thời gieo rắc khinh hoàng trong hàng ngũ đảng cộng sản Hồ Chí Minh tay sai. Và cũng từ đây, tên lãnh tụ không râu Lê Duẩn âm thầm hạ bệ bác của hắn, biến bác thành một thứ con chi chi, ngoan ngoản vâng lời ngay trước Quốc hội khi bác muốn phát biểu mà phải tịt mồm. Bị đàn em hạ sát đất vì bộ râu le que của bác, thứ râu của gian thần trong hát bộ, không đủ sức “độ” bác.
Và cũng từ đ ây, các cấp lãnh đạo cộng sản, không còn ai có râu nữa, mà đều là thứ «mài râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao» cả. Và cũng từ đây, cộng sản đã thật sự thay đổi, lấy công an làm sức mạnh bảo vệ chế độ thay «nhân dân», và lấy tiền thay chủ thuyết cộng sản.
Riêng Castro ở bên kia bờ Đại Tây dương còn giữ bộ râu xồm vì lở thề bao giờ cách mạng cộng sản thành công mới cạo râu. Chết mất nhưng cách mạng cộng sản vẫn chưa thành công. Và chẳng bao giờ thành công. Nay ở Cuba, dân chúng hàng trăm ngàn rầm rộ xuống đường biểu tình đòi dẹp bỏ chế độ cộng sản độc tài, thay thế bàng Tự do, Dân chủ thì có sống lại, Castro chắc chắn sẽ không bao giờ cạo râu được!