Nguyễn thị Cỏ May
Poutine tới Mong-cổ với lệnh bắt
của Tòa án Hình sự Quốc tế !
Trong lịch sử tòa án chưa bao giờ xảy ra chuyện một ông Tổng thống của một đại cường nguyên tử bị lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế bắt giữ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ hơn hai mươi năm qua, hôm 17 tháng 3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát hành lệnh bắt giữ ông Tổng thống Vladimir Poutine của Nga vừa là thành viên Hội đồng Bảo an Thường trực Liên Hiệp Quốc. Cùng lúc, bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên về Quyền trẻ em của Tổng thống Phủ Nga, cũng đã nhận lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế. Cả hai người đều bị tình nghi về tội bắt giữ và lưu đày trẻ em Ukraine qua Nga.
Theo chánh phủ Ukraine có hơn 15,226 trẻ con bị bắt đi từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine của Nga hồi tháng 2/2022.
Từ lâu, Tòa án Hình sự Quốc tế bị cáo buộc là chậm chạp và chỉ can thiệp vào kẻ yếu, như lãnh tụ các nước Phi châu, chưa dám đụng tới những tên đầu xỏ gồ ghề, thì nay phát lệnh bắt trùm độc tài Poutine và phe cánh của hắn quả thật đã đánh dấu một khúc quanh lớn pháp lý, chánh trị, lịch sử và cả chiến lược trước giờ chưa có trong lịch sử của luật pháp hình sự quốc tế.
Về mặt pháp lý trước hết, lệnh bắt giữ là một thông điệp mạnh gởi cho những nhà lãnh đạo thế giới rằng việc chống tội phạm hình sự thì không né tránh ai hết cả. Kế đó, về mặt chánh trị, bản văn nói lên pháp lý quốc tế nhằm cô lập mạnh trên trường quốc tế nước Nga và Tổng thống Poutine. Sau cùng , về chiến lược, lệnh bắt giữ Poutine và bà Maria Lvova-Belova sẽ là tài liệu quan trọng giúp Ukraine lợi thế để thương thảo với Nga ở bàn đàm phán kết thúc cuộc chiến xâm lăng của Nga.
Về Tòa án Hình sự Quốc tế
Đó là một tổ chức quốc tế đặt cơ sở ở La Haye, hay Den Haag, Thủ đô xứ Hòa lan, có mục đích chống lại sự miển tội, không bị xử phạt. Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ xét sử những cá nhơn, chớ không phải chánh phủ, thường là nhũng nhà cai trị quốc gia, những quân nhơn, những người thừa hành, … bị cáo buộc tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội chống nhơn loại. Tòa Hình sự Quốc tế được thành lập trên Qui ước Rome (La-mã) ngày 17 tháng 7 năm 1998, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2002, sau khi được 60 quốc gia phê chuẩn. Ngày nay, có 123 quốc gia chánh thức tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế.
Xin nhắc lại Ukraine và cả Nga đều không phê chuẩn Qui ước Rome. Vì vậy, ngày 2 tháng 3 năm 2022, ông Karim Khan, Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, dựa trên cơ sở của 2 bản tuyên bố thích ứng của Ukraine đưa ra năm 2014 và năm 2015 trong khuôn khổ vụ Nga xâm chiếm Donbass và thôn tính bán đảo Crimée mà nhìn nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế, cho mở cuộc điều tra.
Tiếp theo, hôm 22 tháng 2 năm 2023, ông Karim Khan yêu cầu các Thẩm phán Tòa Sơ Thẩm II hãy nhìn nhận yêu cầu của ông có hiệu lực để ông phát hành lệnh bắt Vladimir Poutine và Maria Lvova-Belova.
Công tố viên tự mình không có quyền phát hành lệnh bắt giữ, mà phải do Tòa Sơ Thẩm dựa theo chứng cớ của thẩm phán cung cấp. Chỉ một năm sau, điều tra đã cho kết quả hùng hồn là ông Tổng thống Poutine và bà Ủy viên về Quyền trẻ con phạm tội hình sự vì bắt giữ và đày trẻ con từ vùng bị chiếm ở Ukraine qua Liên bang Nga.
Ngoài tội hình sự về trẻ con Ukraine, còn tội bắt giử, hành hạ và giết con tin vi phạm Qui ước Genève năm 1949 về tội ác chiến tranh, Poutine và cả bà Maria Lvova-Belova đều bị cáo buộc không thể chối cải được.
Rất tiếc là Tòa án Hình sự Quốc tế không có cảnh sát cơ hữu để thi hành án lệnh.
Ngoài ra, lợi dụng thời chiến, Poutine ban hành khẩn cấp luật cho phép một số trẻ con này nhập tịch Nga và làm con nuôi cho nhiều gia đình Nga. Đó còn là ý đồ của Poutine muốn tách số trẻ em này ra khỏi xứ sở của chúng.
Vừa bị tội hình sự với tư cách cá nhơn trong nhũng vụ bắt giữ và lưu đài trẻ con, bắt thường dân làm con tin, hành hạ, sát hại, Poutine còn lãnh trách nhiệm với tư cách kẻ lãnh đạo cao cấp mà không kiểm soát được quân đội Nga vi phạm tội ác hình sự khi khởi động chiến tranh xâm lăng Ukraine.
Về tội bắt và lưu đày trẻ con Ukraine qua Nga, giới hũu trách Nga cho rằng hoàn toàn không phải là tội ác, mà quả quyết đó chỉ là hành động nhơn đạo nhằm bảo vệ trẻ con Ukraine. Nhưng tất cả lập luận của Nga đều bị Công tố viên Karim Khan bác bỏ.
Ông nhắc lại là Tòa án có trách nhiệm phải lưu ý những kẻ vi phạm này và phải giải giao cho Tòa án 2 phạm nhân Poutine và Maria Lvova-Belova.
Nhưng vì Tòa án không có cảnh sát của chính mình mà phải nhờ 123 nước thành viên đảm trách. Các thành viên có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án. Nên từ đây, Poutine và Maria Lvova-Belova khi đặt chơn tới một quốc gia thành viên thì sẽ bị bắt và giải giao về La Haye.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có những quốc gia thành viên đã không thi hành đúng cam kết này. Năm 2009 và 2010, Tòa án Hình sự Quốc tế phát hành 2 lệnh bắt giử Omar el-Bechir, Tổng thống Soudan, bị buộc tội vi phạm tội ác chiến tranh, tội chống nhân loại và tội diệt chủng. Thế mà ông này vẫn đi lại thoải mái nhiều nước thành viên của Tòa án ở Nam Phi, ở Kenya, ở Tchad vì những nước này cho rằng họ không có quyền bắt giữ những ngưởi đang có quyền hạn lớn (Luật đối nhân cao quyền).
Thật khổ vì pháp lý hình sự Quốc tế chỉ hoạt động được khi nó được ủng hộ về mặt chánh trị và tài chánh của quốc gia thành viên.
Tới năm 2019, Omar el-Bechir bị lật đổ và bị giam ở Soudan. Chánh quyền Soudan hứa giải giao hắn cho La Haye nhưng vẫn chưa làm vì lý do «sức khỏe» của hắn !
Nhưng Poutine sợ thật sự. Lúc tổ chức BRICS họp ở Nam Phi tháng 8 năm 2023, Poutine đã không dám tới tuy không chắc các nước trong BRICS sẽ có thể bắt ông giải giáo cho La Haye.
Poutine tới Mong cổ trên thảm đỏ
Tổng thống Ukhnaa Khürelsükh của Mông Cổ và tổng thống Nga Poutine (ảnh Reuters)
Vẫn mang trên mình lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế, hôm 3 tháng 9 vừa qua, Poutine đã thoải mái tới viếng thăm Mong cổ, một xứ thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, với tư cách Quốc khách. Theo lẽ, Mong cổ đã bắt giữ Poutine theo lệnh của La Haye. Ông Tổng thống Ukhnaa Khürelsükh của Mong cổ đã không làm mà chỉ giữ vai trò quan sát ngay từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine của Nga mặc dầu biết làm như vậy khó tránh khỏi bị nhiều nước thành viên khác bất tín nhiệm.
Poutine và Ukhnaa Khürelsükh, tay trong tay, nhìn nhau cười thân thiện đồng lỏa, đi dưới bóng cờ của 2 quốc gia. Một cuộc tiếp rước thật sự linh đình dành cho quốc khách.
Nhắc lại Mông cổ chánh thức gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế từ năm 2022.
Sau cuộc viếng thăm chánh thức Mông cổ của Poutine mà không bị bắt giữ, Tòa án Hình sự Quốc tế liền lên tiếng nhắc nhở các nước thành viên có nhiệm vụ phải bắt những cá nhơn bị lệnh bắt giữ. Vừa rồi là lần đầu tiên Poutine tới một quốc gia thành viên của La Haye. Vì cho tới nay, Poutine vẫn tránh né tới những nước thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế như đã không tới tham dự BRICS hồi tháng 8 / 2023 ở Nam Phi và G20 ở Ấn độ hồi tháng 9 sau đó.
Trái lại, Poutine đã không ngần ngại gì mà không tới Tàu, Bắc hàn và Hà nội vì đây là những nước không bao giờ tham gia Tòa án để khỏi bị ràng buộc khi làm tội ác mà có lợi cho đảng cộng sản.
Tại sao Mông Cổ không thi hành lệnh bắt giử Poutine ?
Mông cổ không thể hành xử quyền hạn của mình vì xứ Mong cổ nằm giữa hai nước lớn Tàu và Nga lại không có cửa ra biển. Với Nga, Mông cổ có chung 300 km biên giới đất liền. Về kinh tế, Mông cổ phụ thuộc Nga tới 80% năng lượng. Lúc sau này, Mông cổ đã tìm cách liên hệ ngoại giao với các nước dân chủ như Hoa kỳ hoặc Nhật nhưng không thể thoát ra khỏi gọng kìm của Nga và Tàu được.
Vả lại, nếu có muốn bắt Poutine theo án lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế thì Tòa và chánh quyền Mông cổ phải thi hành. Mà ở Mông cổ, chánh quyền lại ở dưới trướng của Poutine và Xi. Xưa nay, Tư pháp Mông cổ chưa bao giờ có độc lập với Hành pháp, mà chỉ biết chấp hành lệnh của Hành pháp. Tức Chánh phủ quyết định, Quan Tòa áp dụng!
Pháp lý Quốc tế?
Liền sau đó, Bộ Ngoại giao Ukraine lên tiếng cáo buộc Mông cổ đã cho phép Poutine, tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhơn loại, tự do đi lại là phải chia sẻ trách nhiệm với hắn về những tội ác hắn đã làm ở Ukraine.
La Haye, riêng về phần mình, cho biết Mong cổ hay các nước khác không thi hành nhiệm vụ Tòa án Hình sự như đã cam kết, thì La Haye sẽ triệu tập Đại hội đồng các nước đã thành viên để có biện pháp thích đáng.
Nhưng chuyện sẽ có giá trị cưỡng hành thiệt? Chớ cho tới nay vẫn chưa có tiền lệ vì vụ Omar el-Bechir đã huề cả làng, nay tới Poutine là trường hợp thứ hai !
Phải chăng Poutine thản nhiên tới viếng thăm Mong cổ với đầy đủ dù lộng là có ý muốn nói lên với Tây phương là cho tới nay không có ai ngăn cản được ta đánh chiếm Ukraine.
Và sau đó là tới …. ?
Nguyễn thị Cỏ May