Nguyễn thị Cỏ May, Lễ Ma và những bà Phù thủy ở Boutcha

Thư Paris

Nguyễn thị Cỏ May

Lễ Ma và những bà Phù thủy ở Boutcha

 

« Thu ơi ! Đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nắm mộ sâu … »

                             (Đinh Hùng)

Chúng ta đang vào đầu tháng 11, trong những bộ lạc celtes, thành phần của dân Ái-nhỉ-lan (Irlande), vào những năm 500 trước Tây lịch. Ngày ngắn lại, đêm dài ra. Một lễ hội lớn tổ chức bên ngoài gia đình. Đó là lễ mừng Tổ tiên, các ông bà Tiên, ma quỉ hoặc những Phù thủy, những người của màn đêm. Đó là Lễ Samain của dân Celtique báo hiệu năm mới đến.

Chính lễ này, 2500 năm sau, biến thành « Lễ Ma » (Halloween) như ta biết ngày nay .

Điều lạ là lễ Ma có nguồn gốc từ Âu châu nhưng khi ta biết nó, đón nhận nó, cử hành nó, thì mọi người đều nghĩ nó tới từ Huê kỳ. Với bộ xương lỏng khỏng, đầu lâu, máu đỏ, quần áo ma quái .

Thuở đó, lễ Ma không nhằm làm mọi người sợ hải, mà một bửa tiệc linh đình lại làm hài lòng mọi người. Ai cũng nghĩ mùa thu là ảm đạm, nhưng đừng quên mùa thu là mùa của thu hoạch, hoa quả, lúa gạo đầy bồ. Thu cũng là mùa mà người ta có nhiều thứ để ăn, bù cho thời gian trước làm lụng vất vả. Người ta giết heo, gà, … Mừng Lễ Ma thuở đó, người ta ăn uống thịnh soạn như lễ Giáng sanh hay lễ Tết ngày nay (Theo nhà nhơn chủng học Nadine Cretin).

Nhưng ngoài những chuyện về thu hoạch, tiệc tùng linh đình, chúng ta vẫn biết rất giới hạn về lễ Samain. Chúng ta không có được nhiều thông tin về lễ ấy vì mọi hiểu biết ngày nay có được chỉ nhờ những truyện truyền khẩu mà thôi. Thật ra khó mà biết rỏ dân Celtes ở Ái-nhỉ- lan đã tổ chức lễ Samain của họ trên đảo như thế nào, vào đúng thời gian nào .

Theo bà Giáo sư  Jeanmarie Rouhier-Willoughby, chuyên về truyền thống và thần thoại dân gian, thì lễ hội này đã phổ biến từ trước khi Ái-nhỉ-lan trở thành nước thiên chúa giáo và những đức tin tôn giáo chưa thắm nhuần dân chúng. Sau đó chính những tập quán thiên chúa giáo hòa nhập vào lễ hội dân gian. Chúng ta không có được những bản văn ghi lại giai đoạn này. Ghi chép về lễ Ma chỉ xuất hiện về sau mà thôi khi thiên chúa giáo đã ngự trị khắp Âu châu. Chính từ thiên chúa giáo xuất hiện « Lễ Ma » (Halloween) .

Tới năm 800, nhiều nguồn tin ghi nhận người thiên chúa giáo Ái-nhỉ-lan giữ một ngày tưởng niệm những người thân của mình chết, ngày 1 tháng 11, cùng thời gian với lễ Samain, tức lễ Ma, trước kia .

Người thiên chúa giáo kéo nhau tới nghĩa địa để cầu nguyện cho người chết, chưng bông hoa và đốt đèn trên mả. Đó là lễ « All hallow' s day » (La Toussaint, le jour de tous les Saints = ngày của các Thánh) .

Ngày hôm trước lễ, nhiều người cử ăn thịt, chỉ ăn rau trái mà thôi. Tức ăn chay. Chính từ chữ « All Hallow's Eve » có nghĩa là « Ngày hôm trước lễ các Thánh » mà xuất hiện chữ « Halloween » – Lễ Ma !

Tới thế kỷ thứ IX, giáo hoàng Grégory IV quyết định phổ biến Lễ Ma cho gíáo dân thiên chúa giáo và lấy ngày 1 tháng 11 làm ngày lễ. Suốt thời Trung cổ, những lễ hội này hòa nhập nhuần nhuyễn vào đời sống đồng áng, nhứt là vào những ngày mùa, như mùa gặt hái vào mùa Thu. Những ngày lễ này sau cùng được ghi vào lịch nông nghiệp. Về sau, vào thế kỷ XIX, những ngày lễ hội đó trở thành bản sắc dân tộc Ái-nhỉ-lan (Theo Gs Jeanmarie Rouhier-Willoughby) .

Điều lạ là ngày lễ hội « 1 tháng 11 » ở Ái-nhỉ-lan du nhập qua Huê kỳ lại trở thành ngày 31 tháng 10, ngày « Lễ Ma » – « Halloween ». Rồi từ đây, Halloween trở về Âu châu theo cùng ngày với Huê kỳ là 31 tháng 10, như hiện nay đang luu hành. Và lan truyền ra cả Phi châu, Úc châu và Á châu. Từ nhiếu năm nay, Việt nam, nhứt là Hà nội, lại ăn Lễ Ma « hoành tráng » hơn cả Huê kỳ hay Ái-nhỉ-lan .

Năm 1845, Ái-nhỉ-lan bị thất mùa, dân chúng chết đói hằng triệu người và có hơn triệu người di tảng qua Huê kỳ sanh sống. Dĩ nhiên họ mang theo lễ truyền thống Halloween qua vùng đất mới. Ở Boston, thành cửa sổ được trang trí những lồng đèn kết bằng hoa lá .

Màu sắc của lễ Halloween thường là màu cam và màu xẩm, màu của bí đỏ và màu của bóng đêm .

Ngày nay, lễ Ma Halloween giữ hai giá trị chủ yếu : tưởng niệm người chết và sự được mùa .

 

Tại sao Ma phủ y phục trắng ?

Ma Tây thường xuất hiện với y phục trắng toát và mập ú. Nghe nói ma việt nam khi hiện, giữ nguyên y phục, thói quen, của lúc còn sống. Và chắc không mập ú vì có ma đói, …

Nhưng muốn biết tại sao ma Tây mặc y phục trắng, thì phải lần trở về thế kỷ XIX và câu chuyện cũng khá khôi hài .

 

Con ma Tây (Febe Vanermen via Unsplash)

 

Ma, theo tưởng tượng dân gian, thì đó là những hình dáng người nhưng mờ ảo, vật vờ trong không gian. Dáng vẻ không có đường nét rỏ nhưng luôn luôn vận y phục trắng, không bao giờ không quần áo .

Ma Tây luôn luôn xuất hiện với y phục trắng. Đó là vải liệm phủ người lúc chết, một sự tiếp nối giữa thân xác và linh hồn. Trước đây, người ta nghĩ « Ma có nhiệm vụ xã hội chủ yếu là truyền đạt từ thế giới siêu hình cho người sống một thông điệp nên việc giữ y phục như tấm vải liệm là điều hợp lý » (Theo Shane Mc Corristine, chuyên về văn hóa thờ cúng) .

Nhưng tới giữa thế kỷ XIX, theo những nghiên cúu về tâm linh của thế giới tây phương được công bố thì có nhiều người thấy Ma mặc quần áo như thường ngày. Tức không mặc trắng toát như trườc kia nữa. Và nhờ có y phục mà người ta có thể nhận diện được Ma thuộc thành phần nào trong xã hội. Như Ma bần cố nông hay Ma địa chủ hoặc tiểu tư sản .

 

Những Bà Phù thủy Boutcha

Nhiều phụ nữ của những thành phố bị quân xăm lược Nga tàn phá tình nguyện đứng lên thành lập những đội phòng không thay thế đàn ông đang ở mặt trận. Các bà thay phiên nhau canh giữ bầu trời Ukraine, chống máy bay Nga xâm phạm. Họ chỉ được huấn luyện về phòng không tại chổ và chỉ trong thời gian ngắn .

Đêm xuống, drones của Nga tới và tấn công. Các Phù thủy xuất hiện, bắn drones, bảo vệ thành phố. Ban ngày, các bà làm công việc của sanh hoạt hằng ngày. Đêm xuống, càc bà trở thành Phù thủy thay thế đàn ông với võ khí của thời liên-xô vừa được tân trang. Các Phù thủy cho biết đã hạ được không ít drones Nga tới ban đêm .

Lúc canh gác, các bà giữ im lặng để dễ phân biệt tiếng của drones bay tới. Sợ nhưng vì vấn đề chết sống, các bà chiến đấu. Có bà cười và nói « Đau bụng đẻ chúng tôi còn không sợ, đánh drones Nga, có gì đáng sợ đâu ? » .

 

Các Bà Phù thủy ở Boutcha thức đêm ở ngoài đồng, canh giữ bầu trời quê hương, có khi lên tới cả 200 người. Ban đầu, khi thâu nhận các bà tình nguyện, không ai dám tin các bà đủ khả năng phòng chống máy bay Nga tới đánh phá. Nhưng về sau, chỉ thời gian ngắn, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi ngoài sức tưởng tưởng của mọi người.

 

Ngày nay, việc huấn luyện quân sự các Bà Phù thủy được mở rộng. Trong ít lâu nữa, các bà sẽ thay thế các ông, chiến đấu trên một số mặt trận gần nhà. Các bà gia nhập chiến đấu tận tình. Để trả thù quân Nga tàn ác. Để xóa đi cơn ác mộng, những tiếng kêu xé lòng của thân nhơn bị quân Nga sát hại, ...

Giặc tới nhà, đàn bà phải đánh. Câu này không chỉ riêng ở Việt nam. Đánh và Phù thủy vốn là đặc tánh chung của các Bà !

Nguyễn thị Cỏ May

 

 

 

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top