Nguyên Phong
“Thánh rắc muối” (?)
Cảnh báo về sự biến đổi khẩu vị kỳ lạ của con người đương đại
Có thể nói chính tâm lý kỳ lạ này của con người đương đại đã tạo dựng nên cái gọi là những "danh nhân" kỳ lạ, nổi tiếng vì chút thuật mọn kỳ quặc không ích lợi gì cho chuyên môn chính của họ. Con người đã thay đổi hệ giá trị như thế nào?
Màn biểu diễn kiểu “Sơn Đông mãi võ” ở trời Tây
Trong một nhà hàng sang trọng, bên một chiếc bàn dài, những thực khách giàu có đang ngồi chờ món với một vẻ háo hức ra mặt. Từ cửa ra của nhà bếp, một người đàn ông mặc áo pull trắng bó sát, quần sẫm màu, đeo kính đen, tóc chải ngược, ria mép đen chải chuốt, hai tay cử hai chiếc thớt đựng suất bít tết bò kếch xù lên ngang vai, vừa đi vừa đong đưa nhún nhảy. Vẫn với phong thái ấy, anh đặt suất thịt xuống bàn ăn, rồi tay trái giữ miếng thịt, tay phải cắt thịt thoăn thoắt, hông lắc lư đánh nhịp điệu nghệ như một vũ công samba, con dao thái cũng đồng điệu ve vẩy uốn éo… trong khi đó thực khách ngắm nhìn anh một cách tò mò khoái trá.Màn diễn theo phong cách “Sơn Đông mãi võ” này thuộc về một người đàn ông người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên gọi Nusret Gökçe, nhưng người ta quen gọi anh với một cái tên khác: Salt Bae, có nghĩa là "anh chàng rắc muối", "cao thủ rắc muối", hay "đệ nhất rắc muối", tuy nhiên một số người Việt lại gọi anh là “Thánh rắc muối”, ngay cả trang Wikipedia tiếng Việt cũng sử dụng cái tên này. Có lẽ biệt hiệu ấy xuất phát từ động tác kết thúc màn diễn của anh: rắc muối cho thịt. Gökçe bốc một nhúm muối trắng rồi thả chúng một cách điệu nghệ từ trên cao xuống, để muối rơi vào khuỷu tay mình rồi rơi xuống chỗ bít tết đã được nướng chín.
Màn thưởng thức món ăn đã chấm dứt. Trong 45 giây. Kể từ khi anh bưng thịt ra đến lúc rắc muối xong - đủ cho một clip của những thực khách nhiều tiền có thể mang về khoe rằng mình đã từng “ăn” món bít tết mà đích thân “thánh rắc muối” đã phục vụ.
Thực khách còn chưa ăn, sao nói màn thưởng thức món ăn đã chấm dứt? Thực ra những người đã ăn rồi nói rằng: “Bít tết không phải thứ gì siêu phàm, thậm chí còn hơi dai và khá nhạt nhẽo. Bánh hamburger thì quá chín” (theo Joshua David Stein). Đã thế lại còn đắt kinh khủng. Lạ nhỉ! Thế mà nhà hàng vẫn nườm nượp khách vào ra, lại còn có những người yêu mến anh phong "thánh" cơ đấy.
Nổi tiếng nhờ Internet
Nusret Gökçe đã theo nghề làm bít tết từ lâu, nhưng mãi đến năm 2017 anh mới trở nên nổi tiếng sau khi đăng một video dài 36 giây lên Instagram có tựa đề "Ottoman Steak". Trong video này anh thực hiện màn diễn giống như vừa mô tả ở trên và đột nhiên trở nên nổi tiếng. Trong vòng 48 giờ, có hơn 2,4 triệu lượt xem video này, con số cập nhật đến lúc này là gần 16 triệu lượt xem.'Thánh' rắc muối. Ảnh: Nusr-Et-Instagram.jpg
Và kể từ đó, anh chàng Nusret Gökçe trở thành Salt Bae - hay 'thánh' rắc muối theo cách gọi của một số người Việt. Dẫu có người yêu thích phong cách của anh mà gọi vui là "thánh", thì e rằng cũng hơi quá trớn.
Xưa nay nhân gian chỉ tôn thánh cho những Thánh nhân đại triệt đại ngộ, có công lao đặt định văn hóa hay giáo hóa nhân loại, như đức Khổng Tử, Lão Tử, Socrates; những anh hùng cứu quốc, kiến quốc như Đức Thánh Trần, Thánh Gandhi; hoặc chí ít như Công giáo tuyên thánh cho những tín hữu Kitô dám tử vì đạo… chưa có ai dám tùy tiện gọi một anh thợ bếp là "thánh" vì hành động “rắc muối”, bất kể nó nên thơ, kỳ quặc, hay thậm chí đáng ngưỡng mộ.
Nghe nói trong phong trào rẻ rúng hóa Thánh Thần này, Trung Quốc đương đại đi tiên phong. Chùa Bà Bà ở huyện Dịch tỉnh Hà Bắc rất hút khách. Trong cái chùa này có thể tìm được mọi loại “thần” mà người ta muốn bái. Muốn thăng quan, ở đây có “thần quan”; muốn phát tài, có “thần tài” mà toàn thân buộc kín là tiền; muốn thăng tiến và học hành, có “thần học” với những nếp nhăn rất sâu. Nếu như muốn bảo hộ cho bản thân lái xe an toàn, thì ở đây thậm chí còn có “thần xe” trong tay cầm vô lăng. Người quản lý của Chùa Bà Bà còn nói rằng: “Thiếu thần tiên nào, thì cứ tạo lấy một vị.”
Thật quá khác xa với truyền thống của tổ tiên chúng ta, hễ nghĩ đến Thánh Thần là trong tâm dâng lên niềm sùng kính, hễ nhắc đến các vị là đầy thận trọng chỉ sợ bất kính, chỉ sợ báng bổ, nói chi đến việc cả gan tạo Thánh tạo Thần như trên.
“Thánh rắc muối” đã được ra đời thành công từ Internet như thế đó, dù cho đồ ăn của anh không phải đặc biệt ngon. Tuy nhiên, có những thực khách nói rằng: “Đó không phải vấn đề. Chúng tôi không đến gặp Salt Bae để ăn”. Hóa ra họ chủ yếu đến để xem anh rắc muối.
Tiêu tốn hàng nghìn đô la không phải để thưởng thức đồ ăn mà chỉ để xem màn rắc muối? Thế sao không ngồi nhà xem clip trên internet có phải tiết kiệm hơn không? Nói như vậy là chưa hiểu về “khẩu vị” kỳ lạ ngày nay của những thực khách lắm tiền. Họ muốn đến một nhà hàng nổi tiếng; gặp một người mà ai cũng nói đến; được anh ta phục vụ bằng màn diễn nổi tiếng - dù kỳ quặc - cái đó không hề gì, miễn là nó nổi tiếng... và có thể tự quay một clip làm bằng chứng cho sự sành điệu thức thời. Hình như đó là một giá trị rất được trọng vọng trong cuộc sống ngày nay.
Có thể nói chính tâm lý kỳ lạ này của con người đương đại đã tạo dựng nên cái gọi là những "danh nhân" kỳ lạ, nổi tiếng vì chút thuật mọn kỳ quặc không ích lợi gì cho chuyên môn chính của họ. Con người đã thay đổi hệ giá trị như thế nào?
Một hệ giá trị thay bậc đổi ngôi
Dân gian gần đây có câu nói cửa miệng: “thời nay giá trị đảo lộn hết cả”. Sự biến đổi trong hệ giá trị ngày nay thể hiện trong muôn mặt ngành nghề. Đơn cử như giới ca hát trước đây muốn thành danh phải trải qua một quá trình luyện thanh, tập dáng hết sức khổ cực, dẫu có tài năng cũng chưa chắc đã tạo được danh tiếng. Ngày nay thì sao? Dù không phải tất cả, nhưng rất nhiều ca sĩ không cần biết hát mà phải biết cách lăng xê. Vì vậy thay cho giọng ca đẹp là những thanh âm quái dị; thay vì phong cách trình diễn nền nã lịch thiệp là sự buông tuồng; thay vì nội dung ca từ trau chuốt giàu trí tuệ hay chất thơ là ca từ “sốc - độc - lạ”.Hoặc như giới hội họa trước kia phải khổ luyện trong tịch mịch âm thầm, có nhiều người ra đi trong âm thầm tịch mịch, không có mấy người mà tài năng được công nhận lúc sinh thời, ấy là vì tiêu chuẩn nghề nghiệp là khắt khe, sự đánh giá của giới mộ điệu dẫn dắt thị hiếu xã hội là nghiêm cẩn, trong chuyên môn cũng có người cầm cân nảy mực. Ngày nay, nhiều người không cần biết vẽ, không cần khổ luyện kỹ thuật cơ bản, có thể phóng túng nguệch ngoạc, hoặc thậm chí vẩy màu bừa bãi mà thành danh tác, mà bán ra với giá rất đắt. Miễn là biết cách tán tụng và tổ chức lăng xê cho nó.
Chuyện tương tự xảy ra ở khắp các ngành nghề trong xã hội, khi tiêu chuẩn giá trị đã thay bậc đổi ngôi.
Công phu đích thực chỉ có được từ sự khổ luyện, cùng cái tâm tĩnh lặng và trong sáng
Quay lại với nghề đầu bếp. Xã hội thượng lưu phương Tây theo truyền thống đánh giá cao những đầu bếp, nhà hàng đạt được sao Michelin. Đó là một hệ thống đánh giá khắt khe và lâu dài, nó yêu cầu người đầu bếp trước hết phải đạt được được chuẩn tươi ngon, dinh dưỡng của đồ ăn; thứ hai là hương vị hoàn hảo, đồ ăn nóng hổi từ bếp đến bàn ăn; thứ ba là cơ sở vật chất và đào tạo nhân viên tốt; thứ tư là sự tỉ mỉ, tinh tế và nhanh chóng trong phong cách phục vụ; cuối cùng là chất lượng đồ ăn ổn định, nhất quán theo thời gian. Với một sao Michelin, đó là nhà hàng được ưu tiên trên lịch trình di chuyển của thực khách; với hai sao Michelin, nhà hàng đáng để thực khách thay đổi lịch trình; với ba sao - mức cao nhất, thực khách phải lên kế hoạch lâu dài cho một lịch trình chỉ vì nó.Một cường quốc về ẩm thực khác là Trung Hoa không dùng hệ thống xếp hạng nhà hàng theo kiểu Michelin, nhưng danh tiếng về ẩm thực xứ này đã có từ mấy nghìn năm. Ẩm thực Trung Hoa xưa cầu kỳ, tinh tế và phong phú có một không hai... đến mức đi vào ngạn ngữ của người Việt truyền thống, vốn cũng nổi tiếng về sành ăn, đó là: “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”.
Nếu như đồ ăn phương Tây chú trọng giá trị dinh dưỡng, thì ẩm thực Trung Hoa còn đi về chiều sâu hơn nữa, không chỉ là cuộc khám phá vị giác thú vị mà còn là những bài thuốc để tăng cường sinh lực, cân bằng âm dương, là một phần của thuật dưỡng sinh, chữa bệnh. Chưa hết, những món ăn đã gắn với những điển tích giàu nội hàm trong văn hóa.
Và danh tiếng của người đầu bếp được tạo nên từ chân tài thực học, chứ không phải tiểu xảo chiêu trò.
Sách “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử có chép chuyện “Bào Đinh giải ngưu”, nói về người đầu bếp của Lương Huệ Vương có kỹ xảo mổ trâu vô cùng thành thạo. Kỹ năng của người đầu bếp này không những xuất Thần nhập hóa, động tác ít mà hiệu quả vi diệu, hơn nữa âm thanh khi mổ trâu lại có tiết tấu hòa điệu với khúc nhạc. Một người đầu bếp làm thế nào có thể đạt được đến cảnh giới này? Câu trả lời của anh ta cũng rất đặc biệt: “Thứ mà thần yêu thích là Đạo, là thứ vượt xa kỹ thuật vậy.” Câu trả lời đã quá rõ ràng, sở dĩ anh ta có thể hoàn thiện được đến mức ấy là vì thể ngộ của bản thân đối với Đạo đã vượt trên truy cầu đối với kỹ thuật.
Truyện xưa tưởng như hư cấu, mà lại có thật, kỹ xảo siêu phàm đó được tái hiện ở cảnh giới tương tự bởi một nhân vật đương đại.
Ngày 6 tháng 8 năm 2020, Trần Vĩnh Minh, quán quân ẩm thực Sơn Đông trong cuộc thi kỹ thuật nấu ăn món ăn Trung Quốc toàn thế giới lần đầu tiên do Đài truyền hình Tân Đường Nhân tổ chức, đã thi triển công phu “Sợi gừng xỏ kim” và “Thái thịt trên tấm đậu phụ”.
Trần Vĩnh Minh, quán quân ẩm thực Sơn Đông trong cuộc thi kỹ thuật nấu ăn món ăn Trung Quốc toàn thế giới lần đầu tiên do Đài truyền hình Tân Đường Nhân tổ chức.
Như thế nào? Trần Vĩnh Minh biểu diễn tuyệt nghệ thái thẳng, thái lát, thái sợi nhỏ, thái hoa, còn bịt mắt biểu diễn “thái mù”. Sau đó, anh lấy sợi gừng mình thái ra rồi luồn qua lỗ kim, tùy ý lấy một sợi rồi luồn qua lỗ kim. Anh biểu diễn thái thịt trên miếng đậu phụ, những sợi thịt thái ra kích thước đều tăm tắp, độ dày mỏng đồng đều, quả thực khiến người xem tán thán là đỉnh cao.
Trần Vĩnh Minh nói: “Khi người và dao hợp thành nhất thể, kỹ thuật sử dụng dao của bạn sẽ nâng lên đến cảnh giới không thể ngờ được”;
“Mọi người có thể nghe nói về trạng thái người và dao hợp nhất, có người bạn nói, cái mà anh nói là thứ ở tinh thần. Thực tế, tinh thần và kỹ thuật là hợp 2 trong 1, khi tinh thần của bạn và vật chất đạt được hợp thành nhất thể, khi đó kỹ thuật thao tác của bạn là nâng cao đến cảnh giới không thể ngờ tới”;
“Vào tích tắc khi dao và cái tâm của bạn hòa vào nhau, bạn có thể biết rõ lát thái mỏng thế nào, thái sợi nhỏ thế nào”;
“Nếu bạn muốn làm một đầu bếp giỏi, muốn đạt được đến một cảnh giới trong nghề đầu bếp, tâm và dao hợp nhất, người và nồi hợp nhất, đạt đến cảnh giới cao hơn như thế, thì bạn ắt phải tịnh hóa bản thân”. (1)
Thực tế, công phu “Thái thịt trên tấm đậu phụ” và “Sợi gừng xỏ lỗ kim” cũng là một truyền thuyết mà ngay giới đầu bếp cũng chỉ còn được nghe nói, nhờ có Trần Vĩnh Minh người ta mới được mục sở thị. Trần Vĩnh Minh vốn là một chuyên gia nấu bếp, nhưng anh nói rằng anh đã đạt cảnh giới cao hơn trong nghề nhờ quá trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Cảnh giới ấy không chỉ đơn thuần là luyện tập kỹ thuật có thể đạt đến được, chủ yếu là yêu cầu cái tâm của đầu bếp phải thuần tịnh, lúc ấy mới đạt được “người và dao hợp nhất”.
Những người như Trần Vĩnh Minh lại không lấy tài năng làm phương tiện truy cầu danh lợi, cũng không phải là “con gà đẻ trứng vàng” của giới truyền thông ngày nay, nhưng dù khiêm nhường không phô trương, họ đã lưu lại một phương tiện để đối chiếu giá trị đích thực với những trò câu khách rẻ tiền, rỗng tuếch, vốn chỉ nhắm đến tâm lý hiếu kỳ của con người.
“Không đạm bạc, chí chẳng sáng soi; không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi”, thực ra thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng đã từng nói lời này từ gần 2000 năm trước.
Duy trì giá trị thật mới bảo tồn
nền văn minh và cuộc sống con người
Một món ăn ngon đúng nghĩa hướng tới khẩu vị cân bằng: không quá mặn, quá ngọt hoặc quá nhạt; không quá chua, không quá cay, không quá nồng, không quá nhừ nát cũng chẳng sống sượng… mà hương vị phải hài hòa và tôn nhau lên. Một món ăn tinh thần đúng nghĩa cũng không được đi về hướng khẩu vị cực đoan và rỗng tuếch mà phải xây dựng được thẩm mỹ tinh tế, trí tuệ và cao thượng cho người thụ hưởng.Một giới mộ điệu có gu cũng sẽ không cổ súy, một nền truyền thông lành mạnh cũng không lan truyền những thẩm mỹ lố lăng, kệch cỡm, những sản phẩm phản văn hóa; không vì tư lợi mà lăng-xê “bơm thổi” nên những cái gọi là “thánh hát”, “thánh vẽ”, “thánh rắc muối” v.v. hữu danh vô thực. Ngược lại, phải biết trân trọng và nâng đỡ những giá trị tích cực truyền thống Chân - Thiện - Mỹ.
Nếu ai ai cũng xác lập một thái độ đúng đắn như vậy để giữ đúng bổn phận, thì nền văn minh nhân loại mới có thể tồn tại và phát triển, nếu không, chỉ còn lại những thứ thấp kém, ô nhiễm như bầu không khí mà con người phải chung nhau hít thở.
Đi vào cụ thể, món bít tết đích thực và những đầu bếp tài năng sẽ biến mất, những nhân vật mang hỗn danh tương tự như “thánh rắc muối” cũng sẽ được gieo rắc vung vãi như muối hạt, và một tinh thần “trưởng giả học làm sang” (2) sẽ trỗi dậy mà thôi.