Hoàng Ngọc Nguyên: THẤT NGHIỆP? LẠM PHÁT? QUẲNG GÁNH LO ĐI!

Hoàng Ngọc Nguyên

THẤT NGHIỆP? LẠM PHÁT?

QUẲNG GÁNH LO ĐI!



Tỷ lệ thất nghiệp đi xuống


Mua sắm như thế, làm sao tránh được lạm phát



Trong hai ngày thứ năm 9/12 và thứ sáu 10/12, giới thạo tin ở Mỹ  tập trung theo dõi những báo cáo về lao động và giá cả, hay nói cách khac, về nạn thất nghiệp và lạm phát.  Thực ra, chuyện công ăn việc làm hiện nay ở Mỹ như thế nào thì có lẽ ai cũng biết. Thế nhưng người ta vẫn tò mò muốn biết thêm. Trong khi đó, chuyện giá cả, bình thường người ta cũng biết khi nhìn giá nhà, giá xăng dầu, giá thực phẩm. Người ta chỉ muốn biết lạm phát rồi sẽ tới đâu! Ai cũng có công ăn việc làm, nhiều người được tăng mức lương. Chưa ai thực sự phải phát điên vì lạm phát.

       Báo cáo ngày thứ năm về lao động khẳng định người dân nay có thể an tâm hầu như hoàn toàn. Người ta còn nhớ tháng tư năm ngoái, 2020, tỷ lệ thất nghiệp đã nhảy tử 3.5% lên đến 14.8%, sau khi chính quyền Trump phải đóng cửa kinh tế. Trước đó, Trump cứ khăng khăng đại dịch không sao cả, cho nên cứ dễ ngươi, đến phút cuối trở tay không kịp thì chỉ có mỗi con đường đóng cửa, rút cầu. Số người thất nghiệp vì đại dịch bùng phát lên đến cả 18 triệu người. Đó là thời kinh hoàng, đương nhiên người Mỹ chưa từng biết trước đó. Thời Đại khủng hoảng năm 1930 có thể ghê gớm hơn, nhưng không có đại dịch, và khó nghĩ ra ai đang còn sống có thể biết những kinh nghiệm 90 năm trước đây.

Và nay, con số tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 là 4.2% so với 4.6% tháng mười - tức giảm 0.4% và nhích đến gần hơn nữa con số trước đại dịch 3.5%. Tồng số người thất nghiệp chỉ còn 6.9 triệu người (so với 7.45 triệu trong tháng 10), trong đó chỉ có 1.8 triệu đang xin bảo hiểm thất nghiệp. Số người thất nghiệp lâu dài (hơn 27 tuần) là 2.19 triệu. Số đơn xin trợ cấp mới trong tuần cũng rơi xuống mức thấp nhất: 188.000! Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) ước tính rằng tỷ lê thất nghiêp có thể xuống mức 3.8% trong năm 2022 và 3.5% năm 2023. Có thể đó là ước tính quá dè dặt, khiêm tốn, nhưng tất cả đều đang ở phia trước, có nghĩa là chuyện gì cũng có thể xảy ra, và chúng ta phải kiên nhẫn chờ xem.

Thất nghiệp là một khái niệm, hay đinh nghĩa, phức tạp. Cho nên, các nhà kinh tế cũng đưa ra “tỷ lệ thất nghiệp thực sự” (real unemployment rate), được tính là 7.8% vào tháng 11, thấp hơn tháng 10 là 8.3%. Con số này không chỉ bao bao gồm  những người không có việc làm và chịu khó đi tìm việc trong tháng, mà còn cả những người không có việc làm, nhưng vì lý do này nọ đã chẳng kiếm việc. Con số này bao gồm những người có thể muốn đi làm nhưng “nản chí”.

Từ đó, người ta tính đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (labor force participation rate), tức số người thực sự đã đi làm hoặc đã đi kiếm việc so với tổng số người trong độ tuổi có thể lao động, được tính là trên 18 tuổi. Tỷ lệ này là 61.8% trong tháng 11, không bao gồm người không đi kiếm việc, ví dụ như người đã về hưu, người đi học trở lại, hay người nghỉ ở nhà nuôi con.

Thị trường lao động đang tốt đẹp dần là chuyện dể hiểu. Ngay cả khi ông Biden vào Nhà Trắng đầu năm nay thay ông Trump, thị trường này vẫn rất bất ồn vì di sản của người tiền nhiệm  cùng với mối lo đại dịch nơi mọi người. Người ta không dám đi làm và cũng lo cho con cái nay phải rút cả vào nhà. Nhưng ông Biden đã làm cho tình hình khả quan hơn với chuyện đẩy mạnh chuyện chích ngừa và cổ xúy đeo mạng, cách ly, là những chuyện Trump xem nhẹ “ai chết rán chịu”. Đồng thời, ông Biden cho “bơm” vào nền kinh tế các gói trợ cấp giúp tất cả người dân nói chung, rồi giúp người thất nghiệp, khiến cho chẳng những người dân thoát khỏi khủng hoảng túng thiếu mà kinh tế cũng vượt qua nguy cơ suy thoái… Các xí nghiệp vốn rất thận trọng khi mướn người, cần biết chắc suy thoái đã qua, kinh tế vẫn mạnh trước khi hành động. Cho nên, mặc dù một số nhà kinh tế (như Lawrence Summers, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama) vẫn phê bình Biden đã tung ra quá nhiều gói mà không sợ bội chi ngân sách và lạm phát, Tống thống Mỹ vẫn cứ “mạo hiểm” trong chính sách công chi (public spending). Chính nhờ sự “kích cầu” này mà các xí nghiệp hoạt động mạnh trở lại, cần lao động, và sẵn sàng tăng công xá cho người làm. Bởi vậy mà tỷ lệ thất nghiệp giảm dần và tỷ lệ tham gia lao động gia tăng…
Có một điều mà những nhà kinh tế của ông Biden hẳn thấy là lạm phát chắc không tránh khỏi, nhưng họ mong đợi sự gia tăng giá cả vẫn trong khả năng chịu đựng của người dân vì người ta hết lo sợ chuyện công ăn việc làm. Điều này đòi hỏi mọi người hiểu rằng chúng ta vẫn chưa qua hết thời khủng hoảng, và phải cùng nhau chịu đựng để mong một “ngày mai trời lại sáng”. Nhưng có phải ai cũng có thể suy nghĩ một lòng một dạ như thế, nhất là khi còn những người “bên kia chiến tuyến’.

Trong một phỏng vấn ngày thứ năm 9-12, ông Trump đại ngôn: “Giá xăng dưới thời tôi chỉ có $1.86/gallon. Nay thì Joe Biden phải năn nỉ ỉ ôi với OPEC, xin cứu tôi, xin cứu tôi, nhưng ở California, có nơi người ta phải mua hơn 7 dollars một gallon”. Dĩ nhiên, đó là lời dối trá không cần biết gì sự thật. Con người ông, năng lực của ông, chẳng ai xa lạ gì. Ông là người nổi tiếng can đảm, dám nói những điều mà nười có liêm sĩ, tự trõng chăng bao giờ dám nói. Ví dụ như ngày 10/12, trả lời phỏng vấn của nhà báo Laura Ingraham của Fox News về trách nhiệm của ông trong vụ bạo loạn ngày 6/1 tại Capitol Hill, ông nói tỉnh bơ: “Tôi chẳng có gì che dấu. Tôi không dính líu gì đến chuyện đó, và nếu bà xem những lời của tôi và những gì tôi nói, toàn là những lời khuyên can”. Nhưng sự thật mà thăm dò công luận đã cho thấy cũng là rất nhiều người nay đang lo sợ lạm phát còn hơn sợ đại dich, vì những chuyện như giá nhà, giá xăng dầu, giá xe hơi cũ và cả giá thực phẩm, áo quần… Bởi thế mà cũng thăm dò cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân với sự lãnh đạo kinh tế của ông Biden chỉ có 37%, trong khi đến 56% rất hoang mang. Cũng là “oan ơi ông địa”.

 Chuyện đau đầu đúng là lạm phát vì khó hiểu, khó nói. Tổng thống Biden và bà Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho rằng lạm phát ở mức thấp và sẽ dần xuống thang sau vài tháng. Sự thực thì lạm phát ở mức cao hơn những con số chính phủ đưa ra và có thể kéo dài hơn người ta mong đợi. Hàng hóa không có đủ cho mức cầu. Cách giải thích khá phức tạp. Tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất kể từ thời đại suy thoái 4.2%, làm tăng mức cầu, nhất là mức công xá (labor wage) đang tăng vì các xí nghiệp đang đỏ mắt tìm người. Tuy nhiên, số cung hàng hóa trong mùa Giáng Sinh lại đang không đủ và còn bị trục trặc vì đường dây cung ứng vât liệu không chạy đều hòa. Hơn nữa, ông Biden bất kể mức nợ trần (debt ceiling) cứ bơm tiền vào thị trường bằng những chính sách đầu tư nóng vội cho xã hội, cho hạ tầng thì làm sao có thời gian cho thị trường thở hay bớt nóng?

Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) đã tăng mức hàng năm là 6.8% trong tháng 11, là mức cao nhất tính từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước đến nay. Trong tháng 10, mức tăng này là 6.2%. Tính theo tháng, mức tăng tháng 10 là 9%, tháng 11 là 8%. Chính vì mức tăng này mà Tổng thống Jimmy Carter đã rớt đài năm 1980, nhường chỗ cho Ronald Reagan trong Nhà Trắng. Cái khác biệt giữa hai thời kỳ là chuyện công ăn việc làm! Vào thời Carter tái tranh cử năm 1980, tỷ lệ thất nghiệp là 7.5%. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang đi xuống. Và có thể chính sự khác biệt này cuối cùng sẽ dẫn đến hai đoạn kết khác biệt!

Có một số dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát có thể đang bắt đầu giảm bớt, giá năng lượng đã xuống trong những ngày đầu tháng 12 và các mức giá khác tăng với tốc độ chậm hơn so với đầu năm. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) xem chừng đã nhắm mục tiêu lạm phát, thông báo vào tháng trước rằng họ sẽ bắt đầu rút một phần trong số 120 tỷ đô la mỗi tháng họ đã chi để mua trái phiếu Ngân khố. Khi lạm phát quá cao, Cục Dự trữ Liên bang cũng thường tăng lãi suất để làm chậm nền kinh tế và làm giảm lạm phát. Các nhà phân tích kinh tế đang tính rằng Cục Dự trữ sẽ dời lịch trình tăng lãi suất vào năm 2022 thay vì năm 2023 như đã được dự báo trước đó. Chủ tịch Jerome Powell sau cuộc họp của ngân hàng trung ương đã nói với các thành viên của Quốc hội rằng ông không còn ưa chuộng thuật ngữ "nhất thời" (transitory) để mô tả lạm phát hiện tại. “Có lẽ quan trọng nhất, chúng tôi hiện đang theo dõi một nền kinh tế rất mạnh và áp lực lạm phát rất cao và điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải thảo luận trong cuộc họp tiếp theo… liệu có nên kết thúc sớm việc mua công khố phiếu của chúng tôi?”

Kinh tế gia Paul Krugman, người từng được giải Nobel, đã có bài xã luận trên tờ New York Times bác bỏ sự phóng đại nạn lạm phát hiện nay chỉ vì “một báo cáo kinh tế hàng tháng như thế chưa đủ cho người ta lạc quan hay bi quan… Quá nhiều mâu thuẫn rõ ràng trong báo cáo. Dữ liệu ồn ào, nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế trông có vẻ khá tốt - thực sự, về nhiều mặt, giống như sự phục hồi kinh tế tốt nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, ông cũng có nhận xét: “Người tiêu dùng dường như cảm thấy rất thất vọng - hoặc ít nhất đó cũng là những gì họ đã nói lên khi được thăm dò… Và nhận thức như thế về nền kinh tế đang đè nặng lên sự đánh giá của quần chúng về sự lãnh đạo của Tổng thống Biden. Điều đó đặt ra câu hỏi: Người tiêu dùng có đúng không? Đây có phải là một nền kinh tế tồi tệ mặc dù dữ liệu cho thấy nó là rất tốt? Và nếu nó thực sự không phải là một nền kinh tế tồi tệ, tại sao công chúng lại nói như vậy?”.

Ông Krugman đã đặt ra những vấn nạn này một cách thẳng thừng, cho dù có khi hỏi tức là trả lời. Nhà kinh tế theo trường phái tân cổ điển của John Maynard Keynes này đã ngụ ý rằng giới truyền thông đã thổi phồng sự quan trọng của những con số về CPI, cho rằng những con số này nói lên tất cả, cho nên người trả lời tự nhiên chỉ có một cách trả lời là chia sẻ sự lo lắng quan tâm, nhất là những người Cộng Hòa ở tiểu bang đỏ chỉ chờ dịp để bài bác một ông tổng thống mà sau một năm bầu cử họ vẫn cứ nói theo kiểu bệnh hoạn của thần tượng của họ là đã thắng cử nhờ “bầu cử gian lận”.

Ông viết rằng: “Giá cả tăng cao chắc chắn đã làm xói mòn mức tăng lương của nhiều người lao động, mặc dù thu nhập cá nhân thực tế trên đầu người của họ vẫn cao hơn mức trước đại dịch cho dù chính phủ không còn cung cấp nhiều tiền nữa. Và cảm nhận của tôi là lạm phát có tác động ăn mòn niềm tin ngay cả khi thu nhập đang bắt kịp, bởi vì lạm phát khiến người ta nghĩ rằng mọi thứ đang nằm ngoài tầm kiểm soát.

Ông Krugman cho rằng câu hỏi then chốt cho mọi người là với tình trạng công ăn việc làm hiện nay, với mức thu nhập hiện nay, sức mua thực sự của người dan có bị giảm đi vì lạm phát hay không. Một câu hỏi cũng không dễ trả lời nếu không suy nghĩ!
Lạm phát là do cung không bắt kịp cầu cho nên giá hàng bị đẩy lên. Hay có những vấn đề từ phía cung, hoặc là giá phí (năng lượng chẳng hạn) hay guồng máy cung ứng (supply chain)… Về phía cầu, phần lớn người tiêu thụ đã qua một giai đoạn rộn rã, hoặc vì tiền chùa, hoặc vì thu nhập đã tang. Nhưng qua mùa Giáng Sinh chắc người ta sẽ định thần trở lại, bình thường trở lại trong chi tiêu, trong tích trữ, số cầu sẽ giảm đi. Giá năng lượng cũng đang có chiều hướng đứng lại, hay giảm dần, đó cũng là một yếu tố làm cho lạm phát phải lùi bước trong 1-2 tháng tới. Tổ chức cung ứng, vận chuyển hàng từ nơi sản xuất đến các cửa hàng cho người tiêu dùng, cũng đang dần phục hồi sau một thời gian dài uể oải tắc nghẽn vì đại dịch. Và nói chung, giới sản xuất nay đang tự tin hơn, yên tâm hơn để quyết định đầu tư để làm ra hàng nhiều hơn.

Chính quyền Biden đang trách cứ giới truyền thông xã hội (social media) đang dựng lên con ma lạm phát để cho đối thủ chơi trò “săn bắt phù thủy”. Nhưng đó là cái giá “ngu dân” phải trả cho dân chủ - sự khủng bố, phá hoại chính trị liên tục vì thời gian nào cũng là thời gian vận động tranh cử. Trong một thời a dua, đừng nên trách cứ ai cả mà phải để cho thời gian nói lên sự thật. Cho dù muốn biết được sự thật, hiểu được sự thật, cũng phải có cách mở mắt nhìn thay vì nhắm mắt…

Hoàng Ngọc Nguyên



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top