Hoàng Ngọc Nguyên
MÙA XUÂN KHÔNG NẰM TRONG GIẤC MỘNG
Trong những ngày năm hết Tết đến này, ký ức lại đưa chúng ta trở về với những ngày Tết Mậu Thân giặc giã tràn ngập phố phường. Câu chuyện lẽ ra đã không bất ngờ ập đến nếu chúng ta tiên liệu được nó sẽ xảy ra - là điều nghĩ lại chẳng khó khăn gì! Và chúng ta lại nhớ đến những ngày Tết xốn xang một thời. Xốn xang không biết cuộc chiến sẽ khốc liệt đến như thế nào; lãnh đạo Mỹ sẽ hành động như thế nào trong năm bầu cử; Dinh Độc Lập có đủ bản lĩnh, đàm lược để vượt qua được những thử thách quá lớn này chăng trước âm mưu xâm lược của Cộng Sản Hà Nội và ý chí lung lay của Washington; đất nước chúng ta đi về đâu, chúng ta sẽ đi về đâu và rồi sống sao đây… Những người Việt cao niên hẳn phải còn nhớ qua cái Tết Mậu Thân này, chúng ta mới thấy hai ông tổng thống và phó tổng thống của chúng ta, tuy từng cùng chung một liên danh trong bầu cử chỉ mấy tháng trước đó, thực ra xa cách nhau như mặt trăng, mặt trời; ông tổng thống thì chẳng bận tâm suy nghĩ chuyện gì có thể xảy ra khi có một kẻ thù nham hiểm, độc ác như Việt Cộng, cho nên bay về quê vợ (chẳng phải quê mẹ) ăn tết; Tổng thống Mỹ thì quá mệt mỏi vì cuộc chiến cho nên quyết định bỏ “Đại Xã Hội” của ông để về vườn sau khi mở cửa đón kẻ thù vào bàn “hòa đàm hai phe bốn phía”; còn Hà Nội thì cứ nói theo Hồ Chí Minh, “còn non, còn nước, còn người”, cho nên thí mạng gần cả trăm ngàn người, cả lính cả dân, cũng không sao. Dù sao, cũng “còn người”, chẳng sao nếu so với “sự nghiệp lớn”…
Nay đã 54 năm sau. Nay chúng ta đã ở Mỹ. Đương nhiên, nhiều người không biết những câu chuyện về cuộc chiến Việt Nam như Tết Mậu Thân chẳng han. Hay đương nhiên nhiều người hẳn phải quên, cùng lắm thì nhớ vụ “giải khăn sô cho Huế” với hàng ngàn thường dân bị thảm sát. Bao nhiêu năm qua. May mắn thay chúng ta chưa hề có thêm một cái tết như thế.
Thế nhưng có thể trong cái Tết Nhâm Dần năm nay, tâm trí của chúng ta cũng không kém bất an. Đại dịch COVID vẫn hãi hùng còn đó. Đại suy thoái chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm thì cũng vẫn còn đó những mối lo đêm ngày cho chính mình và cho đất nước, cho xã hội. Như thế mà ông cựu Tổng thống ngày càng cho thấy quyết tâm đại náo chính trị bất kể cuộc điều tra của Ủy ban Hạ Viện về vụ bạo loạn ngày 6-1 (2021) xem chừng đã có thể kết luận về tội chủ mưu phản loạn của ông ta. Người ta nói sức mạnh của chính trị Hoa Kỳ là ở cơ chế lưỡng đảng, tam quyền phân lập và “check and balance”, nhưng có lẽ giới học giả khó tránh được kết luận chính trị dân chủ của Mỹ là một cơ chế què quặt nhất khi đảng cầm quyền thì cô thế và đảng đối lập chỉ có một mục đích phá hoại để có thể nắm lại được thế đa số tại hai viện Quốc Hội cũng như giành lại Tòa Bạch Ốc. Và cuộc khủng hoảng Ukraine mà Sa Hoàng Điện Cẩm Linh Vladimir Putin đang dàn dựng đúng là một thách đố hiểm độc thử thách quyền lực của nước Mỹ duy trì thế lãnh đạo trong một trật tự quốc tế đặc trưng của một thế giới toàn cầu hóa thế kỷ 21.
Đại Dịch
Đại dich coronavirus nay đã qua năm thứ ba, nay đã mang tên biến thể mới, Omicron hay gì đó. Giới y tế cho biết số người nhiễm xem chừng không bớt, nhưng số người phải nhập viện cũng như số người thiệt mạng có giảm. Tuy nhiên, mối đe dọa có lẽ vẫn còn đó đối với nước Mỹ, nay vẫn giữ kỷ lục thế giới về những con số thống kê về đại dịch, không nước nào bắt kịp mặc dù nước Mỹ có dư phương tiện bảo vệ người dân chống hiểm họa lây lan của COVID-19!!!Chúng ta cứ nhìn con số bị nhiễm với hơn 76 triệu người tính đến ngày 8-2, có nghĩa là cứ 4.2 người lại có một người bị COVID-19 hỏi thăm (tỷ lệ 23.1% dân số nước Mỹ 329 triệu). Và con số người thiệt mạng nay đã trên 900.000, tương đương với 0.27% dân số. Mỹ dẫn đầu thế giới về những con số tuyệt đối (số người nhiễm, số người chết…) cũng như tỷ lệ so với dân số. Giới y khoa theo dõi đại dịch đã nói rằng công lao của cựu Tổng thống Trump không phải nhỏ, chủ trương tảng lờ của ông đã đóng góp ít nhất là 300.000, hay 1/3, trong tổng số đó!
Thống kê cũng cho thấy có trên 600.000 nạn nhân trên 65 tuổi, tức khoảng ¾ số người thiệt mạng vì COVID, trong khi dân số Mỹ trên tuổi 65 chỉ tương đương với 16% tổng dân số nước Mỹ. Nhìn cách khác, tỷ lệ bách phân số người trên 65 thiệt mạng là 1%, nhưng tỷ lệ này đương nhiên cao hơn với những người trên 75, trên 85… Theo một thống kê vào đầu tháng 2, có khoảng 654.000 người thiệt mạng trên 65, trong đó 201 ngàn từ 65-75, 226 ngàn từ 76-85, và 227 ngàn từ 85 trở lên. Đó là lý do vì sao thống kê cũng cho thấy tuổi thọ của người Mỹ đã giảm, và dân số cao niên của Mỹ cũng giảm. Điều đáng nói là phần lớn người Mỹ trên 75 đã không phản đối chuyện chích ngừa - đến 81% đã chích mũi tăng cường. Tuy nhiên, người ta cũng nói phần lớn người Mỹ trên 75, nhất là trên 85, bị thiệt mạng vi coronavirus là những người sống chui rúc trong các nhà dưỡng lão (nursing homes) khó cách ly, khó chăm sóc.
Hiện trạng “không khả quan” về con số người nhiễm dịch ở Mỹ, ai cũng biết, là do nhiều người không chịu đeo mạng, không chịu cách ly và không chịu chích ngừa, cộng với sự đồng lõa của một số chính quyền tại những tiểu bang Cộng Hòa. Đến cuối tháng giêng, có đến 85 triệu người có điều kiện chích ngừa mũi tăng cường đã không chịu chích! Những người “can đảm” này cho rằng đó là một thể hiện chính trị, tức quyền tự do truyền thống của người Mỹ. Phần lớn người Cộng Hòa còn cho rằng đó là một “thông điệp” cho chính quyển của Tổng thống Joe Biden. Điều khiến chúng ta phải thất vọng chính là cuộc khủng hoảng này phơi bày cái vốn kiến thức của một số lớn người Mỹ. Hơn nữa chính là sự vô ý thức về trách nhiệm với sự sống còn của tập thể. Họ vẫn bị mê hoặc trong một quyền tự do cá nhân tuyệt đối (liberty) mà vẫn chưa có ý thức về sự hòa hợp sống còn giữa quyền tự do cá nhân và lợi ích tối thượng của tập thể. Có những bài học về trách nhiệm bảo hiểm khi lái xe, bảo hiểm y tế trong cuộc sống, trách nhiệm phải cầm súng bảo vệ quốc gia – không thể nói trách nhiệm là xâm phạm quyền tự do cá nhân!
Có một điều xót xa không tránh được, đó là tâm trạng trầm cảm nơi nhiều người, ngay cả cho những trẻ không đến trường được để có bạn có bè, gây ra bởi khổ nạn đại dịch. Và sự mất mát ở nhiều gia đình cũng được cảm nhận trong buồn đau ở nhiều người, ngày nay và mai sau. Chưa nói đến những khó khăn cho những trẻ bỗng dưng mất cha, mất mẹ…
Đại suy thoái
Cùng với đại dịch, thử thách về kinh tế sẽ có thể còn kéo dài – cho chính quyền và cho người dân. Trước mắt chúng ta là nạn lạm phát, tức giá cả gia tăng vì cung không đủ thỏa mãn cho cầu, chưa từng có trong hàng chục năm qua, gần nhất là năm 1982, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Chỉ số giá tiêu thụ (CPI) trong tháng giêng năm nay đã tăng đến mức 7.5% so với một năm trước đó. Đương nhiên, nhiều người phải xanh mặt trước những con số này! Trong thực tế, giá thực phẩm, năng lượng, nhà cửa, xe mới, xe cũ … đều cao hơn mức đó. Bởi thế, Quỹ Dự trữ Liên bang đã xác định vào tháng ba sắp đến sẽ tăng lãi suất căn bản để kềm chế lạm phát. Khi lãi suất tăng, người tiêu thụ sẽ bớt chi tiêu mà để dành tiền tiết kiệm. Tiêu thụ giảm, kinh tế chậm lại thì lạm phát sẽ có đường đi xuống. Câu hỏi là khi nào?Cũng nên thấy có lạm phát còn hơn suy thoái. Lạm phát là chi tiêu quá mức. Suy thoái là không chi tiêu gì cả. Lạm phát ngày nay là hậu quả của chính sách “cứu trợ” mạnh tay của Tổng thống Biden, và ông Biden phải ra tay vì đại dịch đã gây ra khủng hoảng đại suy thoái lịch sử dưới thời Donald Trump. Nhiều người bỗng dưng có tiền thì chi tiêu mạnh tay ngoài mức cần thiết và còn thong thả không chịu đi làm hoặc kén chọn công việc. Mặt khác, lưu thông hàng hóa là một vấn đề vì nhiều bến cảng bị ùn tắc, thiếu nhân công, thiếu phương tiện vận tải…
Những tin tức kinh tế ghi nhận được đầu tháng hai xem chừng tích cực, khả quan. Theo báo cáo của Bộ Lao động, có đến 467.000 công việc mới được tạo ra vào tháng giêng năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức 4% vì có thêm nhiều người trở lại với lực lượng lao động, tham gia vào việc đi kiếm việc làm. Tổng số người thất nghiệp (trong lực lượng lao động hiện nay) vào khoảng 6.5 triệu người. Tính trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 2.4% (6.4% vào tháng giêng năm 2021), và số người thất nghiệp cũng giảm 3.7 triệu.
Một con số cụ thể khác là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quí tư 2021 được tính là 6.9%, so với 2.3% trong quí 3. Những nhà kinh tế đã tin tưởng giá cả có thể sẽ sớm ồn định vào giữa năm nay vì người ta nay đã chịu đi làm nhiều hơn và Tổng sản lượng nội địa (GDP) giữ được mức tăng trưỏng hiện nay.
Đương nhiên, những vấn đề của kinh tế Mỹ còn đó – thậm chí còn có thể “tiêu cực” hơn. Thứ nhất là thâm hụt mậu dịch (trade deficit) đã tăng mạnh, đến mức kỷ lục 859 tỷ trong năm 2021. Thứ nhì là thâm hụt ngân sách (budget deficit) lên đến con số 2.770 tỷ trong năm 2021, tuy có thấp hơn với con số 3.300 tỷ trong năm 2020 của Trump. Đến cuối năm 2021, nợ của chính phủ liên bang (Federal debt) tích lũy đã đến mức 28.430 tỷ - kỷ lục trong lịch sử Mỹ. Nợ nần như thế cho nên mọi dự định đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng rệu rã bị ách tắc. Như thế mà chính phủ vẫn bó tay trong dự định đánh thuế vào các đại công ty và đại tài phiệt để giảm gánh nặng nợ ngân sách cùng có tiền để lo cho người nghèo, người già, trẻ con.
Bởi vậy, những tin tức không hay ho gì cho thấy nhờ đại dịch, người giàu càng giàu sụ, người nghèo càng mạt rệp. Giai cấp thượng lưu chỉ chiếm 1-2% dân số nhưng kiểm soát đến khoảng 60% lợi tức nước Mỹ. 1% người giàu nhất có tài sản 41.520 tỷ, trong khi 50% lớp dưới chỉ có 2.620 tỷ. Chỉ trong một năm, vốn liếng của Elon Musk, ông chủ Tesla và SpaceX, đã tăng từ 155 tỷ lên 266 tỷ, do đó cá nhân ông đóng thuế đến 11 tỷ (Tesla thì không đóng xu nào cả -CNN: Elon Musk's US tax bill: $11 billion. Tesla's: $0). Nhiều tiền không biết làm gì, ông đóng tàu đi vào vũ trụ… Không kém, Jeff Bezos, chủ công ty Amazon, vừa rồi đã chơi ngông cho tàu du lịch ông ta mới cho đóng đi vào cảng ở Amsterdam. Ông yêu cầu chính quyền Hòa Lan tháo dở chiếc cầu bắc ngang sông để tàu đi vào. Sau đó, ông sẽ làm cầu mới đền bù… Nhưng cầu này được xem là một chiếc cầu lịch sử. Lưu niệm một quá khứ của đất nước người ta. Làm sao có thể thay thế?
0
Trong thời nay, có một điều chúng ta ngày càng thấy rõ: chỉ có giới tài phiệt, nhà giàu mới dám bỏ giới chinh trị vào thùng rác vì bằng cách này hay cách khác họ đã nắm chóp được nhiều ông bà thượng nghị sĩ, dân biểu từ liên bang đến tiểu bang. Thế nhưng người dân, ngoài lo lắng về đại dịch, về lạm phát, về suy thoái, họ chẳng thể quên được bao nhiêu mối đe dọa sự bình an của đất nước. Ví dụ như ông Trump đã thế mà vẫn còn đại náo đêm ngày để chạy tội và còn tính “làm lịch sử” vào năm 2024. Đảng Cộng Hòa chẳng cần biết đến bao nhiêu mối lo cho đất nước, cho người dân, từ đại dịch, đến kinh tế, đến sự lan tràn của tội ác thù ghét chủng tộc và bạo lực súng đạn từ nơi công cộng đến gia đình, trường học… Họ chỉ cân nhắc chuyện chạy theo Trump để kiếm ghế và giành thế đa số cho đảng tại lưỡng viện.Nay đã là thường tình những chuyện như Trump cứ lải nhải “bầu cử gian lận”, những người tham dự bạo loạn 6-1 là những người đấu tranh cho dân chủ một cách “hòa bình”, bất bạo động, cho nên nếu ông ra tranh cử năm 21024 hãy vận động cho ông ta vì ông ta sẽ ký giấy khoan hồng, ân xá hay miễn tội cho tất cả… Chắc chắn có những người nghe những lời này như cởi mở tấm lòng. Và có những người hẳn phải cười hay lắc đầu vì quá quen những lời xảo ngôn trân tráo như thế. Ông ta xem như không có, không biết những cuộc điều tra về bạo loạn, điều tra về chuyện âm mưu bất lương kiếm phiếu tại Georgia, chuyện làm ăn gian trá từ đời cha đến đời con bao nhiêu năm qua, và âm mưu lũng đoạn lãnh đạo Bộ Tư Pháp để đảo ngược kết quả bầu cử. Tin hay không tin, ông ta vẫn cứ nói mình là “con trời” (God’s son), được Thượng Đế phái xuống trần gian để cứu nhân loại cho nên ông nói gì cũng được, làm gì cũng được, mọi cuộc “săn bắt phù thủy” hiện nay chẳng làm gì được ông (Trump vẫn nói bài diễn văn của ông ta thúc giục bạo loạn tại Capitol Hill ngày 6-1 là “thích hợp” – appropriate). Trump vừa lên tiếng trước quần chúng cuồng Trump ở Texas nếu ông có bị “kết tội” xúi giục bạo loạn thì người ta phải xuống đường làm bạo loạn gấp mấy lần bạo loạn trước đây (If these radical, vicious racist prosecutors do anything wrong or illegal, I hope we are going to have in this country the biggest protest we have ever had ... in Washington, D.C., in New York, in Atlanta, and elsewhere because our country and our elections are corrupt). Ông còn chỉ trích Phó Tổng thống Mike Pence đã không bác bỏ kết quả bầu cử năm 2020 tại phiên họp lưỡng viện ngày 6-1 mặc dù đó là “quyền hạn” của ông ta.
Thế nhưng ông Pence đã tức thì lên tiếng, nói rằng ông không có quyền bác bỏ một cuộc bầu cử của người dân. Ông Mitch McConnell, chủ tịch phe Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, đã nói rất rõ không thể bác bỏ kết quả bầu cử, và biến cố ngày 6-1 là phản loạn chính trị. Cho nên thử thách trong năm nay bầu cử giữa mùa 2022 có thể chính là ở đảng Cộng Hòa, khi Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng Hòa vừa qua đã muối mặt lên tiếng khiển trách Dân biểu Liz Chenney và Adam Kinzinger về “tội” tham gia Ủy ban Hạ Viện điều tra bạo loạn 6-1. Nhiều người Cộng Hòa tranh cử năm nay đã đứng dưới ngọn cờ của Trump; tuy thế, một số người khác cho rằng đi theo Trump là chuyện nguy hiểm chính trị tai hại cho đảng Cộng Hòa.
Trong những ngày đầu của tháng hai này, người ta lại nói nhiều đến Donald Trump. Hay tính hà tiện của ông mà những người quanh ông đã tiết lộ. Những chi tiết được ghi nhận đầy đủ trong cuốn sách “Confidence Man – The Making of Donald Trump and the Breaking of America”, mà tác giả là nhà báo Maggie Haberman của tờ The New York Times. “Confidence man”, theo định nghĩa, là “người ưa lường gạt người khác để lấy tiền của người ta” ( a person who tricks other people in order to get their money). Người ta nói rằng ông không dùng giấy vệ sinh. Trong bốn năm ở Tòa Bạch Ốc, ông chỉ dùng những hồ sơ, giấy tờ liên quan đến ông làm giấy vệ sinh. Ông xé những hồ sơ này và bỏ vào bồn cầu rồi giật nước. Bởi vậy bồn cầu của Tòa Bạch Ốc cứ bị nghẹt phải kêu thợ đến sửa. Một số hồ sơ khác, ông dùng máy cắt nát hết. Và còn những giấy tờ, hồ sơ còn lại chưa kịp dùng, ông bỏ vào thùng giấy đem về Mar-a-Lego lưu trữ. Cơ quan Văn khố Quốc gia (National Archives) nay đang tính nhờ đến Bộ Tư Pháp để thu hồi tất cả những hồ sơ này. Người ta tức thì nghĩ ra vụ án toiletgate của Trump - giống như Watergate của Nixon.
Chẳng bao lâu nữa, nước Mỹ sẽ cho thấy đáp ứng thế nào trước hai thử thách. Nga sẽ xâm lăng Ukraine chăng, và lấy lý do gì? Biden và NATO sẽ phản ứng thế nào? Một thử thách khác là tài xế xe tải chiếm đóng thủ đô Ottawa của Canada với lý do phản đối chuyện bắt đeo mạng… Hai thử thách này đều ít nhiều có liên hệ với Trump.
Chưa biết, chưa chắc Putin động thủ thế nào trong trò ú tim ở biên giới Nga-Ukraine. Putin đã tại vì từ 2000 đến nay và còn định ngồi trong Điện Cẩm Linh đến 2036 thì ta nên hiểu chẳng phải chuyện chơi. Chừng nào ông còn đó, ông ta còn quậy cho đời biết mặt. Ít nhất là tái lập Liên Xô và các nước chư hầu Đông Âu mà Gorbachev đã làm tiêu tan hơn 30 năm trước. Putin còn quan hệ tình nghĩa sâu đậm với Trump, bởi thế trong bốn năm của Trump, ông chẳng làm gì Ukraine cả. Bởi thế nay Putin phải làm, để cho Trump có thể nói quan hệ Putin-Trump làm cho thế giới hòa bình, Ukraine được an toàn, cho dù Trump bỏ xó khối NATO. Nay Biden làm cho quan hệ Mỹ Nga xấu đi vì không có Putin-Trump, cho dù Mỹ đã trở lại với NATO.
Trong vụ tài xế xe tải nổi loạn khắp nơi, có thể nói “sau lưng” một số ông này vừa điên, vừa ngu, vừa ảo tưởng – giống như Trump. Chống đeo mạng chỉ là cái cớ. Lý do chính là “làm lịch sử”. Bạo loạn tương tự những người của Trump ngày 6-1. Thực chất, những vụ xe tải xuống đường này chỉ cho thấy thêm những dấu hiệu của một thời dân chủ bị lạm dụng, bức bách… Khi một số thành phần lớp dưới trong xã hội nghĩ rằng họ cứ nổi dậy, chẳng có gì phải sợ. Bởi vì sau lưng họ là những lực lượng xúi giục điên rồ.
Giống như thời Đức Quốc Xã bùng phát ở Đức vào thập niên 20-30 thế kỷ 20.
Bởi thế mới có ông Trump tuy đã 76 vẫn còn lắm chuyện để mơ mộng.