Hoàng Ngọc Nguyên
Janet Yellen, phụ nữ đầu tiên cầm vận mệnh kinh tế Mỹ
Theo một thăm dò dư luận không chính thức gần đây của một cơ quan hữu thực vô danh, công luận vẫn quan tâm nhiều nhất đến COVID-19, cho dù tình hình kiểm soát đại dịch ở Mỹ nay được xem là khả quan nhất thế giới. Ngưởi đã chích ngửa có thể đang tự trách mình sao quá vội vàng, người chưa chích thì có thể đang rung đùi, ngâm nga: “Dục tốc bất đạt”.
Người dân xem chừng đã khá yên tâm, vui vẻ với tình hình kinh tế. Theo chương trình cứu trợ (American Rescue Plan) của Tổng thống Joe Biden ban hanh từ đầu tháng ba, những người cần tiền đã có tiền, thậm chí không cần cũng có; lao động cần việc làm nay cũng đã có việc làm; giới buôn bán và sản xuất cần khách hàng có khách hàng. Trợ cấp cho người thất nghiệp, cho trẻ em... đang khiến cho các cửa hàng siêu thị bao giờ cũng đông đúc, chen chúc... Những nét tổng quan đó về hiện tinh kinh tế chẳng thể phủ nhận được.
Trợ cấp kinh tế đem niềm vui đến khắp mọi nhà - nhất là những gia đình di dân lắm con nhiều cháu. Con số tỷ lệ thất nghiệp trong tháng tư là 6.1%, và tháng năm đã xuống mức 5.8%, cho thấy hầu hết các xí nghiệp đã mở cửa trở lại, và số người đi làm trở lại ngày càng đông. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần lễ cuối tháng năm, thống kê đưa ra ngày thứ năm 3-6, chỉ có 385.000 – là con số thấp nhất tính từ tháng tư năm ngoái đến nay. Khi ông Biden mới vào Tòa Bạch Ốc, con số này xấp xỉ 800.000. Vào tháng tám năm ngoái, con số này tròm trèm khoảng 1 triệu, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 11-15%.
Thực ra, dư luận hiện nay cũng còn ít nhiều hoang mang trong thời “chuyển tiếp” này. Nhiều người chưa muốn đi làm vì còn sợ COVID-19, cho dù tính đến đầu tháng sáu đã gần 300 triệu liều thuốc ngừa đã được sử dụng, và khoảng 41.5% dân số nước Mỹ đã chích ngừa đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề ở Mỹ hiện nay là có những người nhất định không chịu chích ngừa vì “lý do tôn giáo” và “chính trị”, cho dù người điên nhất, xuẩn động nhất cũng đã âm thầm chích ngừa sau khi đã rời Tòa Bạch Ốc... Nhiều người còn lúng túng về chuyện chăm sóc con nhỏ đang tự học ở nhà nên cũng chưa tiện đi làm. Nhiều người thì đã quen làm việc tại gia. Cũng có người muốn ở nhà để lãnh trợ cấp thất nghiệp hào phóng của ông Biden, bởi vì nếu đi làm chưa chắc đã được đến mức hậu hỉ đó. Đàng khác, không ít kỹ nghệ đang kiếm không ra người có tay nghề thích hợp. Tình hình hiện nay không phải là người không kiếm ra việc, mà việc không kiếm ra người. Giới hạn trong kỹ năng (trình độ chuyên môn) của người Mỹ là chuyện người ta đã bàn đến lâu nay. Bởi thế, công xá đã tự động leo thang ở nhiều ngành nghề. Báo cáo lao động trong tháng năm cho biết số việc làm trong tháng này gia tăng 559.000, được xem là dưới mức mong đợi của giới chuyên môn (người ta phỏng chừng 650.000), có nghĩa là doanh nghiệp có thể mướn thêm nhiều người nhưng số cung lao động lại không đạt đến mức đó.
Vì sản xuất và cả phân phối tạm thời chưa bắt kịp với nhu cầu bộc phát, cho nên kinh tế Mỹ cũng đang chứng kiến một nạn lạm phát khá hiếm hoi và chính phủ nói có thể chỉ nhất thời. Bà Janet Yellen, bộ trưởng ngân khố, đầu tháng sáu có ý kiến rằng mức lạm phàt năm nay có thể đến 3%. Thực tế thì người đi chợ hay mua sắm có thể thấy ít nhất là 5% chỉ trong đầu năm 2021. Và cái “nhất thời” này kéo dài bao lâu thì chỉ có ông trời mới biết. Bộ máy sản xuất của quốc gia đang chưa ngon trớn vì thiếu nguyên, vật liệu và cả công nhân cùng vấn đề vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, Mỹ cũng đang nhập một khối lượng hàng hóa lớn chủ yếu từ Trung Quốc, đến mức thâm hụt mậu dịch (trade deficit), tức nợ quốc gia, là cái nhức đầu thứ hai của Mỹ sau thiếu hụt ngân sách (budgetary deficit), là nợ chính phủ. Hàng Trung Quốc phần nào nhờ chính sách “đánh Tàu” của Donald Trump đã lên giá. Lạm phát ở Mỹ có căn cơ rõ rệt. Để đối phó, phần lớn các tiểu bang Cộng Hòa đang dần dần hủy bỏ biện pháp của Biden cấp cho người thất nghiệp $300 một tuần. Lý do nghe cũng hữu lý: buộc người ta phải thực sự đi kiếm việc làm (đừng há miệng chờ sung), đồng thời giảm bớt áp lực trên số cầu (hết trợ cấp, hết mua sắm). Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phàn nàn Tổng thống Joe Biden đã hại họ.
Bởi vì thiếu hụt ngân sách ngày càng đè nặng lên chính phủ liên bang, cho nên hai “gói kinh tế” mới 6.000 tỷ đô la của ông Biden đang làm cho nhiều người giật mình. Giới bình luận chính trị nói rằng ông Biden muốn thnàh danh, làm lịch sử như hai tổng thống trưóc đây: Franklin Roosevelt năm 1931 với kế hoạch An sinh Xã hội (Social Security), và Lyndon Johnson 1965 với hai chương trình phúc lợi (social welfare) là Medicare, Medicaid. Hai gói lớn này vừa nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng nước Mỹ mà mọi người đồng ý là đã rệu rã từ lâu, vừa nâng cao khả năng phát triển lâu dài của giáo dục Mỹ (miễn học phí ở cấp đại học) và gia đình Mỹ, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho trẻ em và làm giảm sự bất bình đẳng xã hội (inequality). Để có tài chánh cho hai công cuộc vĩ đại và đầy tham vọng (chính đáng) này, ông Biden cũng nhắm đến việc tăng thuế đánh vào doanh nghiệp và giới có thu nhập cao.
Một thực tế hiển nhiên là thuế suất ở Mỹ đánh vào giới đại tư bản vẫn thấp hơn nhiều so với những nước phuơng tây, và thuế doanh nghiệp (corporate tax) ở Mỹ còn thấp hơn nữa. Thành tích lớn nhất của ông Trump khi làm tổng thống là đưa ra được Luật Giảm thuế và Việc làm (Tax Cuts and Jobs Act (2019) kéo thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Lý luận của phía Cộng Hòa là giảm thuế giới tư bản mới phấn khởi làm ăn; lý luận ngược lại từ phía Dân Chủ là phải tăng thuế mới có ngân khoản cho phúc lợi xã hội. Phía Cộng Hòa tố cáo Dân Chủ “chủ nghĩa xã hội” giống các nước phương tây. Phía Dân Chủ thì cho rằng Cộng Hòa quá “tư bản chủ nghĩa” thì giới lao động sẽ nổi dậy làm cach mạng...
Một thực tế hiển nhiên khác là luật thuế của Mỹ có nhiều sơ hở, cho nên ông Trump đã tự hào đã chỉ nộp thuế tượng trưng một cách hợp pháp! Những “phát hiện” từ cơ quan thuế vụ liên bang (IRS) được công bố ngày 8-6 còn làm cho chúng ta thêm sửng sốt, bàng hoàng trước cơ chế thuế “công bằng” và “tiến bộ” của Mỹ. Năm 2007, Jeff Bezos lúc đó là một đại tỷ phú và nay là người giàu nhất thế gian, không phải trả một xu thuế lợi tức liên bang. Năm 2011, Bezos cũng được chiêu đãi như thế. Năm 2018, Elon Musk, ngưòi thành lập xí nghiệp xe hơi Tesla, nay là người giàu đứng hàng thứ nhì, cũng không phải trả thuế một xu. Michael Bloomberg trong những năm gần đây cũng khéo dàn dựng thuế nên được “miễn dịch”. Nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn cũng hai lần miễn thuế. George Soros đã không trả thuế lợi tức trong ba năm liền.. Trong khi đó, tính ở mức lợi tức trung vị (median), một hộ kiếm một năm $70.000 nộp thuế khoảng 14% lợi tức của mình ($9.800). Đâu phải chỉ có giới chính khách mới biết giả nhân giả nghĩa!
Chính vì chuyện tăng thuế này mà Joe Biden và đảng Cộng Hòa phải thương lượng với nhau vì đảng con voi này vẫn chủ trương: giảm chi, không tăng thu. Chúng ta hẳn còn nhớ dưới thời Donald Trump, ông đã giảm thuế dù không cần thiết, cho nên đến lúc cần chi thì ngân sách không có tiền. Trong khi đó, đường lối truyền thống của đảng Dân Chủ có tính cách Keynesian (lý thuyết của John Maynard Keynes) là phải tăng chi để tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển; tăng chi đương nhiên phải tăng thu, và giới nhà giàu ở Mỹ quá giàu, không tăng thu cũng uổng! Ông Biden đang cố thuyết phục phía Cộng Hòa chấp nhận đề nghị cải cách cơ sơ hạ tầng của ông, nay ông đã xuống giá từ 2.250 tỷ còn 1.700 tỷ, nhưng Cộng Hòa cứ đòi xấp xỉ 600 tỷ - không hơn!
Vấn đề chúng ta cần nhìn thấy là từ năm 2019, ngân sách năm nào cũng thiếu hụt nặng nề. Năm 2019: 1.900 tỷ (vì Tổng thống Trump chơi sang, xem tiền ngân sách như tiền chùa, giảm thuế cho người giàu, cắt chi tiêu cho người nghèo); 2020: 3.200 tỷ (COVID-19 và nạn thất nghiệp bùng phát); 2021: ước chừng 3.400 tỷ, sau khi tính cả Kế hoạch Cứu trợ Hoa Kỳ (American Rescue Plan) trị giá 1.900 tỷ; tương đương với 15.6% ngân sách liên bang (khoảng 21.800 tỷ, hay $66.000/đầu người), Tổng nợ của chính phủ liên bang cho đến nay vào khoảng 28.000 tỷ, là con số kỷ lục. Cho nên, chắc chắn ông Biden sẽ được nhớ đến như vị tổng thống phải đương đầu với mức nợ kỷ lục này.
Nền kinh tế Mỹ trong 2-3 năm nữa sẽ như thế nào, tăng trưởng nhanh hay chậm lại hay suy thoái vì nợ nần. Câu trả lời tùy thuộc nhiều yếu tố. Kinh tế gia Lawrence Summers, vốn là cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama trước đây, đã liên tục lên tiếng cảnh báo công khai về hiểm họa lạm phát mà theo ông không dễ gì kiểm soát cái “nóng” của lạm phát do chính sách tung tiền “dân vi quí” của Biden . Giá nhà đã leo thang không ngừng, thị trường địa ốc đang trở nên quái đản chưa từng có và khó giải thích. Ngay cả thị trường nhà cho thuê cũng gia tăng, cho nên giới trung lưu cũng chật vật đi kiếm nhà. Lạm phát theo ông Summers sẽ không chùn bước trước những biện pháp “giải cứu” (rescue) và “kích thích” (stimulus) của Biden. Để đối phó lạm phát, Quỹ Dự trữ Liên bang có thể sẽ phải tăng lãi suất để người ta bớt chi tiêu và bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm đầu tư, thay vì Quỹ Liên bang cứ giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp nhất trong bấy lâu nay. Giới kinh doanh sẽ phải tìm cách sử dụng đồng tiền có hiệu quả hơn, do đó giá cả có thể được kềm chế! Tuy nhiên, giới lãnh đạo kinh tế hiện nay đã nói không vội gì chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất cho đến khi có chuyển biến trong lao động, trong tình hình hiện nay là còn 9.3 triệu người chưa có việc làm – hơn thời điểm đại dịch bùng phát năm ngoái 7.5 triệu (lực lượng lao động khoảng 160 triệu người).
Đã có những nhà kinh tế lên tiếng kêu gọi ông Biden thận trọng hơn trong những biện pháp cứu trợ, đánh giá cho đúng mức nhu cầu của người dân cùng khả năng kiểm soát kinh tế và ngân sách của chính phủ. Lạm phát nay là hiển nhiên, và người ta cứ lo sợ nạn “trì-phát” (stagflation) sau đó. Ông Summers e rằng kinh tế sẽ mất tính hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng.
Chúng ta không thể phủ nhận đầu tư đề tái thiết cấu trúc hạ tầng là chuyện tối thiết mà các tổng thống trưóc đây đã ngại ngùng không dám đưa ra vì “cơ duyên” không có. Ông Biden đã can đảm nhấn bước trong kế hoạch này. Chúng ta cũng không thể phủ nhận nước Mỹ lâu nay vẫn thiếu một cơ chế nhân bản được chính quyền bảo trợ để tạo điều kiện cho trẻ được phát triển lành mạnh trong một định chế gia đình an toàn, khuyến khích ý thức phát triển tập thể. Ông Biden đã can đảm đưa ra vấn đề phát triển dài hạn của nước Mỹ trên nền tảng xây dựng một định chế gia đình vững mạnh. Trong khi hầu hết các tổng thống Mỹ bị giới hạn ở số nhiệm kỳ không mấy thích nói chuyện chiến lược trường kỳ, ông Biden hẳn phải suy nghĩ ngược lai: ông nhìn trước mắt, và nói nếu không làm bây giờ thì còn chờ đến bao giờ nữa với tuổi trời của ông.
Cho nên, câu hỏi duy nhất phải đặt ra là thời điểm hiện nay có thích hợp khoông. Ông có điều kiện theo đuổi đến kỳ cùng hay không? Ông nghĩ đến lợi ích của đất nước, của người dân khi đưa ra hai gói này, hay ông nghĩ đến cử tri và cuộc bầu cử năm 2024? Ông có nghĩ đến khả năng giành được sự hợp tác của phía Cộng Hoa để cho hai gói được thông qua một khi đàng con voi nay đã là đảng của Trump? Nếu phải thương lượng, mặc cả giữa hai đảng, liệu hai gói này có bị “biến dạng” hay không?
Bình thường, người dân thực ra không đủ hiểu chính trị để có thể quan tâm những chuyện khúc mắc giữa chánh đạo và tà đạo. Trước mắt, nhiều người vui vẻ vì ngay chuyện đi chích ngừa cũng có thể được “phúc lợi”. Tuy thế, giới quan sát cho rằng ông Biden chưa chắc đạt được mục tieu một mùa Lễ Độc Lập 4-7 an toàn và hào hứng trở lại của nước Mỹ, bởi vì vẫn có đến 30% dân số cứ nói “em chả, em chả” trước chuyện chích ngừa.
Đúng là phụ mẫu chi dân, người dân là cha mẹ, cho nên chính quyền chẳng dám nói hết cho dân hiểu đây là chuyện sống còn của xã hội, chăng phải là chuyện quyền tự do cá nhân (liberty!).
Và cũng là chuyện dân trí, văn minh, văn hóa. Người Mỹ còn thế, huống chi “di dân”!
“