Hoàng Ngọc Nguyên: ĐẠI TỈNH THỨC MÙA GIÁNG SINH

Hoàng Ngọc Nguyên

ĐẠI TỈNH THỨC MÙA GIÁNG SINH

 
Các dân biểu Cộng Hòa tại Hoa Kỳ  gởi thiệp mừng Lễ Giáng Sinh
tuyên dương sức mạnh súng đạn…



Trong khi người dân xuống đường cầu nguyện
 cho những nạn nhân súng đạn ở nhà trường


Trong lịch sử nước Mỹ có hai thời kỳ “Đại tỉnh thức” (Great Awakening), mỗi thời kỳ kéo dài cũng được 2-3 thập niên, và cũng đáng nói là thời kỳ đầu và thời kỳ thứ hai đều cách cuộc cách mạng giành độc lập của Mỹ 1776 cũng chừng 2-3 thập niên! Đại tỉnh thức 1: 1720-1750; Đại tỉnh thức 2: 1795-1835. Giới quan sát nói Đại tỉnh thức thứ nhất kích thích cuộc cách mạng giành độc lập, Đại tỉnh thức thứ hai tang niềm tin của người Mỹ vào “Manifest Destiny” - Định mệnh đã an bài, người Mỹ cứ thế mà tiến tới!

Sự thực thì phức tạp hơn thế!

Như cái tên đã đủ nói, Đại tỉnh thức là cuộc vận động tôn giáo để cho con người “thức tỉnh”, bỏ đời theo đạo, đừng bỏ đạo theo đời. Không vì mê mãi chạy đuổi theo cuộc sống “vật chất” mà rơi vào sự mê muội, bỏ rơi đời sống tinh thần; không sa vào những cạm bẩy của miền Viễn Tây, giữ vững lòng tin ở những giá trị tín ngưỡng để cho cuộc sống đạo và đời kết hợp trong sự thăng hoa. Đại tỉnh thức đương nhiên làm cho người ta nghĩ đến sự vùng vẩy của tôn giao vào một “thời mạt pháp”. Phản ứng trước sự “sa đọa tôn giáo” của con người trong xã hội. Và cả sự bất lực của tôn giáo trong khả năng thuyết phục con người có một niềm tin.

Đại đa số di dân ở những xứ thuộc địa Bắc Mỹ của Anh quốc đương nhiên là người Anh theo đạo Tin Lành bỏ nước ra đi như một phản kháng tôn giáo chống quyền lực thống trị của giáo hội Thiên Chúa ở Anh. Cuộc vận động Đại tỉnh thức ở Mỹ là một phần của phong trào tôn giáo bùng phát ở Tây Âu vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18.
Đó là thời của chủ nghĩa mộ đạo và chủ nghĩa tỉnh lặng trên lục địa châu Âu  trong số những người Tin Lành và Thiên Chúa giáo cũng như giáo thuyết Phúc Âm (Evangelicalism) ở nước Anh dưới sự lãnh đạo của John Wesley (1703-91). Đến cuối thế kỷ 17, sự sôi nổi của Thanh giáo (Puritanism) tại những thuộc địa đã yếu dần, cho nên Đại tỉnh thức, dưới sự đôn đốc của các nhà truyền giáo hàng đầu như Jonathan Edwards, George Whitefield… đã làm cho tôn giao hồi phục trên những lãnh địa này.

Đại tỉnh thức thể hiện phản ứng của nhà thờ chống lại sự “thế tục hóa” (secularization) “một cách tội lỗi” đời sống xã hội, và chống lại “bản chất doanh nghiệp và vật chất của những nhà thờ chính yếu trong xã hội Mỹ”. Thế tục hóa là sự biến đổi của xã hội từ sự đề cao những giá trị và định chế tôn giáo chuyển qua những giá trị phi tôn giáo và những định chế thế tục. Luận điểm thế tục hóa diễn tả ý tưởng là khi xã hội tiến hóa, đặc biệt qua quá trình hiện đại hóa, hợp lý hóa và tiến bộ trong khoa học và công nghệ, thì quyền uy của tôn giáo suy giảm trên tất cả các mặt đời sống xã hội và điều hành xã hội.

Bởi thế, trong sự thức tỉnh để hồi phục thế lực tôn giáo này, người ta rao giảng sự thượng tôn (sovereignty) của Chúa Trời và quyển năng của Kinh Thánh. Đại tỉnh thức luôn nhấn mạnh vào tội lỗi vô hạn của con người, quyền năng trừng phạt vô hạn của Chúa, và năng lực tự cứu rỗi vô hạn của con người. Đó là thời người ta thường nói: “Tội lỗi. Tội lỗi”, để răn đe con người. Con người sinh ra đều tội lỗi, cần được cứu vớt để khỏi sa vào địa ngục, do đó cần đến với Thương Đế để xưng ội để được Chúa khoan hồng, ban phước…

Nhân vật nổi bật trong thời này là George Whitefield, một linh mục giáo phái Anh (Anglican), ông đến Mỹ trong thời gian 1739-40, đi rao giảng khắp nơi, luôn luôn phải ra trước những bãi đất mênh mông vì nhà thờ không có chỗ chứa. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu thần học nghiêm chỉnh đã chỉ trích ông đưa ra những học thuyết có tính “tà giáo”, hoang đường, huyễn hoặc.

Nhà giảng đạo Jonathan Edwards được xem là tiếng nói chân chính hơn, biện giải cho cuộc vận động Đại tỉnh thức. Là một mục sư của Dòng Tin Lành tại Northampton, Massachusetts, ông rao giảng một cách thuyết phục sự công chính của tôn giáo dựa trên đức tin. Ông cũng cố gắng xác định lại sự biến chuyển tâm lý qua kinh nghiệm tôn giáo và giúp những người tham gia vào cuộc phục hưng phân biệt đâu là mục vụ thực sự của Chúa Thánh Thần. Mặc dù lời kêu gọi quay trở lại với đức tin trọn vẹn và sự nhấn mạnh vào sự toàn năng của Đức Chúa Trời có thể được coi là phản đề của tư tưởng Khai sáng dựa trên lý lẽ và quyền cá nhân, kêu gọi chúng sinh đặt câu hỏi nhiều hơn về đức tin và vai trò giới hạn của Đức Chúa Trời trong các công việc hàng ngày của nhân loại, Edwards rõ ràng đã dựa trên tư tưởng của những triết gia như John Locke và Isaac Newton trong nỗ lực làm cho tôn giáo trở nên hợp lý. Đối thủ chính của ông là Charles Chauncy, một mục sư tự do của Nhà thờ Đầu tiên ở Boston, người đã viết và thuyết giảng chống lại sự phục hưng, mà ông coi là sự bùng phát của cảm xúc hoang tưởng.

Đại thức tỉnh đã chận đứng trào lưu chủ nghĩa duy lý khai sáng” (Enlightenment rationalism) nơi rất nhiều người ở các thuộc địa. Một trong những hậu quả là sự phân hóa giữa các giáo phái, người thì ủng hộ người thì bác bỏ sự “tỉnh thức”. Thởi tỉnh thức cũng đã khuyến khích sự phát triển của một số cơ sở giáo dục, bao gồm các trường đại học Princeton, Brown, và Rutgers và Cao đẳng Dartmouth. Sự gia tăng bất đồng chính kiến giữa các giáo hội được thành lập trong thời kỳ này đã dẫn đến sự dung nạp rộng rãi hơn sự đa dạng tôn giáo, và việc dân chủ hóa hoạt động tôn giáo đã tạo nên nhiệt huyết cho cuộc Cách mạng Mỹ sau này.

Tóm lại, Đại tỉnh thức đã được tiến hành hơn một thế kỷ sau khi người ỏ nước Anh đến Bắc Mỹ khai phá, định cư và khai thác biết bao cơ hội nơi Thế  giới Mới, “vùng đất của cơ hội”. Giới lãnh đạo Tin Lành nói chung hiểu rằng vì kỳ thị tôn giáo mà di dân đến đây, nhưng xem chừng ở vùng đất mới họ đã không thể hiện được bản chất tôn giáo của họ, một điều vừa làm thay đổi bản chất con người của họ vừa ảnh hưởng đến giáo hội. Bởi vây mới có Đại thức tỉnh thứ nhất, và từ thứ nhất mới có thứ hai, cũng khoảng nửa thế kỷ sau để tiếp tục nhắc nhở.

Đại tỉnh thức lần thứ hai cuộc vận động phục hưng Tin Lành ở Hoa Kỳ từ khoảng năm 1795 đến năm 1835. Trong thời phục hưng này, các cuộc họp được tổ chức ở các thị trấn nhỏ và thành phố lớn trong cả nước. Nhiều nhà thờ đã gia tăng mạnh về số lượng thành viên, đặc biệt là giữa các nhà thờ Methodist và Baptist. Đại tỉnh thức lần thứ hai đã đặt linh hồn thành chức năng chính của mục vụ và kích thích một số cải cách đạo đức và từ thiện, bao gồm cả sự tiết độ và giải phóng phụ nữ. Nói chung được coi là ít xúc động hơn so với Đại thức tỉnh vào đầu thế kỷ 18, làn sóng phục hưng Phúc âm thứ hai đã dẫn đến việc thành lập nhiều trường cao đẳng và chủng viện cũng như tổ chức các hội truyền giáo trên khắp đất nước.

Trong thời kỳ Đại thức tỉnh lần thứ hai, thần học phục hưng ở nhiều giáo phái đã chuyển từ thuyết Calvin (sự độc tôn của Thượng Đế và Thánh kinh) sang thuyết dung hợp (Arminianism, chủ trương Thượng đế và ý chí con người  có thể là một) có tính thực tế khi các nhà thuyết giáo nhấn mạnh khả năng của người có tội lỗi đưa ra quyết định ngay tức thì để cứu rỗi mình; sự khác biệt thần học gần như biến mất giữa các nhà thờ Tin Lành. Sau năm 1835, một đoàn các nhà truyền giáo chuyên nghiệp đã đi khắp các thị trấn và thành phố của Mỹ và Anh để tổ chức các cuộc họp tỉnh thức hàng năm theo lời mời của các mục sư địa phương, những người muốn phục hưng nhà thờ của họ. Mặc dù nhiều người theo đạo Tin Lành Mỹ không còn quan tâm đến sự tỉnh thức trong nửa đầu thế kỷ 20, nhưng các cuộc nhóm họp tỉnh thức trong lều cũng như các cuộc họp hàng năm tại các nhà thờ ở miền Nam và Trung Tây vẫn tiếp tục là một đặc điểm quan trọng của đời sống nhà thờ Tin Lành.

Đại khái là thế, một thời Đại tỉnh thức thường bắt đầu và phải bắt đầu khi có những dấu hiệu “mạt pháp”, suy đồi nơi con người, nơi xã hội. Và ngày nay, chúng ta đang thấy đầy dẫy những dấu hiệu của thời mạt pháp – ngay từ những người mặc áo tu mà cấn cái như thể mặc áo tù. Cho nên đi đâu cũng nghe người ta nói, người ta mong đợi một thời Đại tỉnh thức mới - The Third Great Awakening để xem con người có khá hơn không, xã hội có khá hơn không.

Những dấu hiệu mạt pháp, suy đồi đúng là không thiếu để chúng ta thấy cần, chúng ta mong đợi một sự thức tinh lớn lao của nước Mỹ! Rõ nét nhất vẫn là đại dịch coronavirus đã giáng xuống loài người từ cuối năm 2019 và cho đến nay, tức cả hai năm sau, người ta vẫn chưa thấy được “ánh sáng ở cuối đường hầm” mà chỉ thấy hết biến thể này đến biến thể khác xuất hiện như ma quỷ, như xa-tăng. Gần 800.000 người đã thiệt mang, tức cứ 400 người lại có một người nằm xuống. Và khoảng gần 50 triệu người đã nhiễm dịch – tức 15% dân số nước Mỹ! Như thế mà người ta vẫn không chịu đi chích ngừa, mặc dù biến thể Omicron đang là một mối đe dọa mới thật sự! Và những ông thống đốc như Ron DeSantis tại Florida, Greg Abbott của Texas,  thì cứ bênh vực quyền của người dân quyết định có chích ngừa hay không, cùng quyển cua cha mẹ quyết đinh có cho con trẻ đang đi học có chích ngừa hay không… Bất kể những nguy cơ cho người khác, cho trẻ em trong trường học…

Hay chuyện người cha mua quà Giáng Sinh cho đứa con 15 tuổi, và bảo nó cứ dùng đi, rốt cuộc 4 học sinh trong trường Oxford High school ở Michigan của đứa con bị bắn chết, 8 bị thương, nó và cha mẹ cuối cùng đang xum họp trong tù. Nhưng câu chuyện này phức tạp còn hơn thế, vì cảnh sát đang điều tra một số học sinh của trường này đã đe dọa sẽ đánh bom làm nổ tung trường. Thời buổi súng đạn khủng khiếp đến thế khiến cho khủng bố nội địa nay cũng đang nhằm vào học đường. Những người da trắng thượng đẳng (white supremacists) mang dòng máu anh hùng bao đời của Ku Klux Klan. Như thế mà trong mùa Giáng Sinh năm nay, hai tấm thiệp “Merry Christmas” bỗng “nổi đình nổi đám” về chính trị ngu xuẩn: một của Dân biểu Thomas Massie (Kentucky) chụp hình chung với gia đình (vợ và năm con), một của nữ Dân biểu Lauren Boebert (Colorado) với bốn đứa con chung quanh. Massie và Boebert đều là người Cộng Hòa. Và hai tấm hình nay giống nhau ở chỗ già trẻ lớn bé đều được trang bị một cây súng chiến đấu. Những nhà dân cử này đúng là làm gương cho người dân của mình.

Thời mạt pháp thể hiện rõ nhất ở vụ án 6-1, một ông tổng thống thất cử nhiệm kỳ hai lại đứng ra kêu gọi một cuộc tấn công của hàng trăm người tràn vào tòa nhà Quốc Hội tại Washington, D.C., để tìm cách hủy bỏ hay đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Cho đến nay, hơn một năm sau bầu cử, ông ta vẫn không chịu nhìn nhận ông ta là người thua cuộc và cứ lải nhải “bầu cử gian lận” -  trong khi manh tâm gian lận bầu cử thể hiện rõ nơi con người của ông, nơi hành động của ông. Từ chuyện làm đủ cách tạo áp lực lên giới lãnh đạo Georgia để kiếm thêm 13.000 phiếu để ông có thể thắng ở tiểu bang này, đến chuyện xem Bộ Tư pháp là phe đảng của mình cho nên tìm cách lũng đoạn bộ máy tư pháp của chính quyền để phủ nhận kết quả bầu cử, và cuối cùng tổ chức bạo loạn ngày 6-1 tai Capitol Hill chà đạp lên cơ chế dân chủ bậc nhất của đất nước, bất kể sự an toàn của biết bao nhiêu kẻ điên rồ theo lời mình, bất kể an ninh của hàng trăm thượng nghị sĩ, dân biểu đang nhóm họp xác nhận kết quả bầu cử, và bất kể nền dân chủ Mỹ vốn là nền tảng đạo lý chính trị của đất nước…

Ông ta là thể hiện rõ nhất của thời mạt pháp và nhu cầu phải có một chương Đại tỉnh thức mới mở ra để kéo đông đảo quần chúng mê muội thoát ra “bể khổ nguồn mê”, đông đảo người trong chính giới điên rồ, ngu xuẩn, thay vì dẫn đường cho người dân đi đúng hướng lại đi theo quần chúng đang lạc hướng này… Sự bất lực của chính trị Mỹ đã thể hiện rõ ràng qua hai lần truất bãi bất thành  của Hạ Viện (đầu năm 2020 sau vụ thúc ép chinh quyền Ukraine, và đầu năm 2021 sau vụ bạo loạn Capitol Hill) khiến cho ông ta càng tin tưởng cái số của mình đã như thế (manifest destiny), cho nên chẳng ai, chẳng cơ chế nào làm gì được ông ta, từ vụ án này qua vụ án khác, cho nên ông cứ chờ thời thử thách một nhiệm kỳ nữa cho dù đã gần 80.

Thách đố của Đại tỉnh thức thứ ba chính là ở chỗ đó. Chúng ta chưa biết ai đang bỏ ai giữa Thượng Đế và loài người, nhưng rõ  rệt giới lãnh đạo tôn giáo lâu nay cũng đã bị chính trị  hóa đến mức phải im tiếng, hình như chưa một vị nào dám khuyên người ta đi chich ngừa trước vì mình sau vì mọi người, cho nên càng có thêm người tin rằng đại dịch là phán quyết của Chúa, trời kêu ai nấy dạ); chưa một lãnh đạo tôn giáo nào dám nói súng đạn là tội lỗi của nước Mỹ, chưa một ai dám nói bạo lực chính trị kiểu 6-1 phải bị lên án vì đe dọa dân chủ nước Mỹ, là sức mạnh chính trị, sừc mạnh tín ngưỡng của dân Mỹ.

Bởi thế, nếu có Đại tỉnh thức thứ ba, ai đây sẽ nói, và nói gi đây, để cho người Mỹ hiểu “tội lỗi, tội lỗi”, hãy ngừng lại và “quay về bờ giác”!

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top