Hoàng Ngọc Nguyên: CUỘC CHIẾN UKRAINE: LỐI RA CÒN BAO XA?

Hoàng Ngọc Nguyên

CUỘC CHIẾN UKRAINE:

LỐI RA CÒN BAO XA?








Tính đến ngày thứ ba 22-3, cuộc chiến xâm lăng vô cớ, ngang ngược và hung hiểm của Sa hoàng “Putin vĩ đại, khủng khiếp” (cho dù Putin viện dẫn đủ lý do cho cuộc “hành quân đặc biệt” này) cho quân Nga đánh vào nước Ukraine từ mọi phía đã bước vào ngày thứ 27. Một tháng trước, ngày 21-2, là ngày Putin “tuyên chiến” với Ukraine vì những nhà lãnh đạo ở Kyiv không chịu thần phục. Chỉ còn mấy ngày cuộc chiến này sẽ bước qua tháng thứ hai – cuộc chiến đẫm máu nhất, tàn sát nhất, bạo ngược nhất, phi nhân nhất đối với người dân vô tội, trong đó thành phần đông đảo nhất chính là trẻ em.
Trong khi thế kỷ 21 vẫn được kỳ vọng nhiều nhất sẽ mang đến một thế giới toàn cầu hóa, văn minh, phát triển và hòa bình nhất trong lịch sử loài người, bước qua thập niên thứ ba chúng ta bàng hoàng khi thấy thời đại ngày nay có thể nguy hiểm cho sự tồn tại của nhân loại như thế nào, khi một nước đứng hàng đầu thế giới vể vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học lại có một người lãnh đạo độc tài, cuồng điên và háo sát.
Người ta càng ngày càng thấy sự bạo tàn khát máu của “Putin the Great, Putin the Terrible” bởi vì ông ta vẫn mang dòng máu bạo chúa mà lịch sử nước Nga đã cho thấy từ nhiều đời trước đó (bởi thế mới có “Ivan Khủng khiếp”, “Peter Vĩ đại”, và cách gọi là “Sa hoàng”, từ chữ “Đại đế Cesar” mà ra). Những Sa hoàng trước đây, từ Ivan Vĩ đại (Ivan the Great) năm 1480 hay Ivan Khủng khiếp (Ivan the Terrible) năm 1547, theo đuổi mục tiêu  là mở rộng giang sơn để Nga thoát khỏi vị thế cô lập, đơn chiếc - bởi vậy nhiều người Nga mới có ý nghĩ Ukraine là đất Nga. Mục tiêu của Putin là khôi phục giang sơn từng bao la trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1990.
Vì tâm lý cuồng vọng đế chế mà không biết bao thành phố của Ukraine bị đổ nát dưới bom đạn của Nga chỉ trong 2-3 tuần, bao nhiêu thường dân vô tội, nhất là trẻ em, đã bị thảm sát, và đến nay đã có hơn 3 triệu người phải chạy giặc, bỏ nước ra đi lánh nạn ở các nước láng giềng… Báo cáo Liên Hiệp Quốc nói rằng có đến hơn 10 triệu người, hay 25% dân số Ukraine, đã phải di tản, nay lưu lạc ở xứ người, chiếu đất màn trời, không nhà không cửa. Cho dù Putin cứ “nói như thật” rằng quân đội Nga không đụng đến thường dân và khu gia cư, nhưng chẳng ai quên được vụ oanh tạc vào một bệnh viện phụ khoa và trẻ em tại Mariupol ngày 9-3, vụ pháo kích vào một nhà hát trong đó hơn ngàn người đang trú ẩn ngày 16-3, và xả súng bắn vào một đám thường dân đang đứng xin thực phẩm cứu đói, và vụ dội bom vào một trường học ở Mariupol trong đó mấy trăm người đang chui rúc.… Những nhà quan sát này nói rằng thành phố Mariupol chiến lược, nằm trên đường nối Crimea với nước Nga, nay chỉ còn là những núi gach vụn. Đến 90% cac tòa nhà của thành phố này bị hư hại hay đổ nát, và hơn 300.000 người bị mắc kẹt trong những khu nhà này.
Thế nhưng trái với ý tưởng, mong đợi hão huyền của một bạo chúa đang muốn làm lịch sử với sự tái lập đế chế Nga, cuộc chiến không kết thúc trong 2-3 ngày, hay thậm chí một tuần. Trên từng thành phố, những người còn lại vẫn chiến đấu anh dũng đến mức Nga hầu như vẫn chưa chiếm được thành phố quan trọng nào. Putin, vốn xem bạo chúa Stalin như một thần tượng, vẫn có ảo tưởng quân Nga sau một thời gian cả 20 năm được hiện đại hóa dưới thời của ông ta, nay đã có khả năng bách chiến bách thắng. Nhất là sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tử tế nhường sân cho Putin một cách dễ dàng ở Syria và Afghanistan khiến cho Nga hầu như lần đầu tiên trong lịch sử đã trở thành một thế lực tại Trung Đông. Và Putin còn có dịp thử thách với các cuộc chiến ở Chechnya (1999), Grudia (2005), và Crimea (2014) trong mưu đồ bành trướng trở lai thế lực Nga. Trong kinh nghiệm nào Putin cũng chiến thắng dễ dàng.
Thế nhưng hiện nay quân đội của Ukraine đã cho thấy trong một cuộc chiến tranh “qui uớc” chống sự xâm lăng của Nga, họ có khả năng chiến đấu bảo vệ đất nước. Nổi bật trong cuộc chiến vệ quốc này chính là sự kiên cường, dũng cảm của người dân cầm súng chiến đấu như quân chính qui.  Người ta nói châu chấu đá voi, hay David và Goliath. Sự thật là quân dân Ukraine không những đã cho thấy một sự thiện chiến đa`1ng ngạc nhiên, mà coòn mot tinh thấn quyet liêt: nhất quyết không chơi với người Nga. Nga đã mắc nhiều sai lầm, như lời của các chuyên gia quân sự, hoặc không tìm ra được giải pháp hay chiến thuật thích hợp. Bởi thế, theo ước tính của giới quan sát cuộc chiến này, số tử vong của quân Nga đã có thể lên đến 15.000 người sau gần bốn tuần chiến tranh cho dù Nga nói chỉ mới có khoang 500 lính Nga đã tử trận! Như thê, bao nhiêu chục ngàn lính thương vong? Và có ít nhất năm ông tướng Nga đã  tử trận.
Và mọi người, không chỉ người dân Ukraine, đang ngưỡng vọng Tổng thống Volodymyr Zelensky, mới được bầu lên trong năm 2019 và trước đó là một diễn viên hài kịch. Volodymyr, không phải Vladimir! Cả thế giới vừa kinh ngạc vừa khâm phục đến mức phải đứng sau lưng người lãnh đạo anh hùng này. Trong khi thôi thúc quyết tâm giữ nước của người dân Ukraine “đến giọt máu cuối cùng” với xác quyết “Tôi còn đây, ngay trong dinh tổng thống, vẫn đứng bên đồng bào, chiến sĩ”, Zelensky không ngừng tìm cách chiêu hồi những người lính Nga “tuyệt vọng và bị lừa dồi vừa bị đe dọa tính mạng”, và vừa kêu gọi Nga đàm phán để tái lập hòa bình “cho người dân đỡ khổ”, nhưng khẳng định trong khi Ukraine có thể không cần gia nhâp NATO nữa, nhưng độc lập, chủ quyền, toàn ven lãnh thổ là những điều không thể thỏa hiệp được… Chính Tổng thống Zelensky (44 tuổi) là người anh hùng khó tin mà có thật trong thời nay. Mới đây, ông đã bác bỏ ép buộc của Putin phải để cho thành phố cảng Mariupol đầu hàng. Rốt cuộc Nga vẫn chưa làm chủ được thành phố trọng điểm chiến lược này. Ông khiến chúng ta ngậm ngùi khi nhớ lại câu chuyện cách đây 47 năm, chúng ta mất nước vì những ông tướng lãnh đạo Saigon đã lên may bay ra đi, bỏ người dân ở lại, nay cũng được phủ quốc kỳ…
Dĩ nhiên các thành viên trong khối Tồ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó Mỹ đứng đầu, đã dồn sức hỗ trợ quân sự cho Ukraine đồng thời tìm đủ mọi cach phong tỏa kinh tế để làm nước Nga tê liệt. Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây một năm từng gọi Putin là “killer”, nay ông đã đổi mới cách nhìn một người mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ngưỡng mộ là một “thiên tài”. Biden là người lãnh đạo đầu tiên của phương tây gọi Putin là một “tội phạm chiến tranh”. A war criminal. Tội phạm chiến tranh vì đã thẳng tay tàn sát thường dân, nhất là trẻ con. Hiện tòa án quốc tế đang điều tra, tích lũy hồ sơ về tội ác này của Putin, cho dù đây chỉ là bản án có tinh lịch sử.
Cho dù phải tránh đối đầu trực tiếp với Nga, Mỹ đã cấp thời gởi cho Ukraine những vũ khí phòng thủ hiện đại nhất phòng không và chống sự tràn ngập của lực lượng pháo binh và thiết giáp của Nga. Tuy nhiên, Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Ukraine thiết lập một không phận cấm bay trên bầu trời Ukraine (no-fly zone) cũng như không gởi chiến đấu cơ MIG của Ba Lan cho Ukraine. Về kinh tế, Mỹ và các đồng minh trong NATO ngày càng siết chặt những biện pháp cấm vận khiến cho kinh tế Nga đã nhanh chóng điêu đứng. Giới chuyên môn cho rằng người dân Nga sẽ nhanh chóng cảm thấy nhưng tác động nghiệt ngã lên đời sống của họ. Và ngay tức thì giới tài phiệt Nga đã thấy tài sản và việc làm ăn của họ ở nước ngoài bị đóng băng tất cả. Dĩ nhiên trừng phạt Nga về kinh tế thì ngay các nước Liên Âu cũng chịu ảnh hưởng về chuyện xuất nhập hàng với Nga.
Một điều Mỹ và NATO nói chung vẫn lo ngại là bạo chúa Putin vốn là người điên có thể nổi điên trong dịp này. Ni điên vì ngoài khả năng tiên liệu của Putin, Ukraine đã có sức kháng cự đến cùng làm cho quân Nga bế tắc trên nhiều mặt trận. Nay Nga đang dồn sức vào Mariupol để “lập thành tích”, thế nhưng Zelensky vẫn chưa chịu đầu hàng ở mặt trận này. Putin nổi điên vì ông ta từng là trùm tình báo, nhưng lại là “nạn nhân” của tin tức tình báo sai lầm hiện nay khiến cho Nga hầu như đang sa lầy ở Ukraine. Ông nổi điên một phần cũng vì chống đối trong nội bộ, từ một số tướng lĩnh trong quân đội và tình báo đến những nhà tài phiệt cỡ lớn được Putin nuôi dưỡng bấy lâu nay nhưng nay đang bị ảnh hưởng vì kinh tế cấm vận. Người ta nói có thể đã có những âm mưu lật đổ và ám sát Putin – là chuyện thưòng tình trong lịch sử nước Nga để kết thúc thời của một bạo chúa. Sự chống đối trong dân chúng cũng dần tích tụ cho dù chính quyển Putin tìm đủ cách bưng bít những tin tức về chiến trận và con số tử vong. Giới truyền thông cũng như trí thức Nga đang tìm cách lên tiếng dưới mọi hình thức.
Tiên đoán về những gì có thể xảy ra trước mắt, người ta khó thể có một suy nghĩ lạc quan. Dù sao, chẳng thà bi quan mà sai còn hơn lạc quan để rồi vỡ mộng.
Hiện nay Putin cũng nói chuyện hòa đàm, nhưng những lời kêu gọi không ngừng của Tổng thống Zelensky khẩn thiết hơn. Người lãnh đạo Ukraine rõ rệt muốn có một thỏa thuận càng sớm càng tốt để cho đất nước của ông không sụp đổ hoàn toàn, người dân không còn chịu chết chóc hay phải chạy nạn, khốn khổ vỉ bom đạn, bệnh tật và đói rét. Nhưng với một tên bạo chúa, hòa đàm chỉ có nghĩa là tối hậu thư, buộc kẻ thù đầu hàng, nhận tội, vô tù…  Zelensky đã nói rõ hòa đàm phải bảo đảm những mục tiêu sống còn của Ukraine: chủ quyền, độc lp, toàn vẹn lãnh thồ. Trong khi đó, muc tiêu thực sự của Putin là lập nện một chế độ của Nga, vì Nga, do Nga ở Kyiv.
Người ta nói Putin có thể tìm cách “xuống thang trong danh dự”. Nhưng như ông Biden nói, Putin cũng có thể nổi điên, ngụy tạo những cuộc tấn công của những nước láng giềng từng theo Nga nhưng nay chống Nga để mở rộng chiến tranh (false flag attacks) sang các nước phương tây. Putin có thể nhắm mắt làm liều để tìm cách kết thúc cuộc chiến sớm bất kể hậu quả như thế nào. Ông ta vẫn sợ hiện tình chính trị và kinh tế trong nước Nga có thể kết thúc “sớm” sự nghiệp chính trị hơn 20 năm đầy tham vọng điên rồ của ông.
Ukraine có thể cầm cự bao lâu nữa nếu tất cả đất nước đổ nát chăng còn gì và lực lượng cầm súng ngày càng ô hợp. Putin, một bạo chúa chẳng sợ bàn tay nhuốm máu, liệu ông ta có thể sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hay cả nguyên tử nếu, theo lời ông ta, “Nga đứng trước đe dọa sống còn”, cho dù bao nhiêu triệu người phải chết. Để hiểu con người Putin, chỉ cần nhắc lại mới đây ông ta huênh hoang, đắc chí đã sử dụng hỏa tiễn cực siêu thanh (hypersonic missile) tấn công một kho vũ khí của Ukraine. Trong trường hơp đó, liệu Đệ tam Thế chiến có tránh được hay không một khi thế chiến này trong tầm tay với của một kẻ điên rồ, liều lĩnh như Putin, một người  vẫn quen với lý luận dựa trên lịch sử nước Nga trong các trận chiến với Napoleon (1812) cũng như hai thế chiến (1914 và 1939): Nga bao giờ cuối cùng cũng chiến thắng, cho dù mấy triệu người phải bỏ mạng.
Chúng ta đang ở vào một thời điểm tệ hại hơn, nguy hiểm hơn bất cứ thời điểm nào trong hơn 40 năm chiên tranh lạnh. Zelensky sợ rằng một hiên tượng Armageddon phải xảy ra, khi cuối cùng là một trận quyết tử, sống còn giữa cái thiên và cái ác. Cho nên đừng mong Nga sẽ sớm sa lầy ở Ukraine. Chỉ mong người Nga hiểu điều đó và lẳng lặng tìm cách xử lý quái vật của họ.  
          Ngày 23-3, Tồng thống Mỹ Joe Biden bay qua châu Âu gặp gỡ lãnh đạo các nước đồng minh trong khối NATO, xác quyết một sự đoàn kết và tăng cường ủng hộ Ukraine cùng sẵn sàng trước bất cứ thách đố nào của Nga. NATO quyết định tăng quân chiến đấu ở bốn nước phía đông của Tây Âu, địa đầu giáp với nước Nga, chinh là bốn nước cộng sản Đông Âu trước đây: Slovakia, Hungary,  Romania và Bulgaria (bỉ mặt cho Nga). Biden cũng sẽ bàn đến những biện pháp tăng cường chế tài, nay  nhắm vào giới lãnh đao quốc hội của Nga (Duma). Đồng thời, có tin là quân Ukraine nay đang ở giai đoan phản công, tái chiếm lãnh thổ ở một vài trọng điểm, như mở rộng sự tấn công địch ở các thị trấn ngoại ô thủ đô Kyiv. Và cũng có tin Putin nay đang bận rộn đối phó với sự chống đối từ trong nươờc hơn từ Ukraine…

Lối ra của cuộc chiến này còn bao xa nữa? Liệu đã có ánh sáng ở cuối đường hầm chưa?

Hoàng Ngọc Nguyên

 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top