Hoàng Ngọc Nguyên
CÔNG LÝ, DÂN CHỦ NƯỚC MỸ
TRƯỚC THỬ THÁCH CỦA CHÍNH TRỊ
Cựu Tổng thống bận tâm đến chuyện vận động tranh cử hay mất ăn mất ngủ với 5 vụ án trước mắt?
Trong mùa Halloween năm nay, chúng ta có thể ghi nhận sự hưng thịnh của nền kinh tế đã làm cho ngày lễ hội 31/10 đặc biệt khởi sắc – thậm chí người ta không mấy quan tâm đến sự trở lại của COVID-19. “Phố phường chật hẹp, người đông đúc” – mượn lời Tú Xương, nhà cửa được trang hoàng “ma quỷ hoành tráng”; trong buổi chiều tối, trẻ em lũ lượt đi khắp xóm với trang phục Halloween cầu kỳ hơn, kinh dị hơn, và nhà nhà mở cửa để vui vẻ đón nhận câu hỏi “Trick or Treat” và phát kẹo cho cả trẻ lẫn người lớn đi theo.
Điều ai cũng có thể biết nhưng không phải ai cũng biết, hay biết chưa chắc đã hiểu, là tỷ lệ thất nghiệp đã được giữ mức thấp lý tưởng dưới 4% (tháng 10: 3.9%, tháng 8: 3.8%...) và nền kinh tế hiện nay đang ở trong trạng thái sung mãn, việc đang cần người, người không cần việc. Tăng trưởng của Tổng sản lượng Nội địa GDP trong quí 3 đến mức 4.9%, so với 2.1% của quí 2. Đó là mức cao nhất trong khối các nước Liên Âu, và còn mạnh hơn kinh tế suy thoái của Trung Quốc hiện nay. Đồng thời, lạm phát đã đươc kềm chế ở mức 3.7% sau hàng loạt biện pháp tăng lãi suất căn bản của Quỹ Dự trữ Liên bang, so với tỷ lệ 8.2% vào cùng tháng này năm ngoái. Lạm phát thật ra là một khúc mắc lớn cho các nhà kinh tế: nó có thể là biểu hiện, cảm hứng cho tăng trưởng, và kềm chế lạm phát chỉ bằng cách tăng lãi suất có thể làm cho kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, Bidenomics vẫn tự hào ở chỗ tăng cơ hội kinh tế và phúc lợi cho lớp trung lưu, từ đó họ có thể kéo lên lớp người già, người bệnh, người kém lợi tức… thoát ra một thời đen tối. Cho dù người ta còn tranh luận về “học thuyết” này, điều ông Biden có thể tự hào là ông giúp được nhiều lớp người khó khăn trong thời gian qua vì nạn suy thoái phát sinh dưới thời Trump, cho dù hiện nay ông cựu tổng thống vẫn đe dọa đưa nước Mỹ trở lại những ngày “vĩ đại” của thời ông.
Ý nghĩa của một nền dân chủ lưỡng đảng nghĩa là gì? Người nói thế này, người nói thế khác. Có quan điểm dân chủ lưỡng đảng là sự tìm cách thỏa hiệp, hợp tác giữa hai đảng đối nghịch, một đảng đang cầm quyền, một đảng đối lập. Nhưng nói như Putin hay Tập Cận Bình, như thế cần gì dân chủ, độc đảng có phải sướng hơn không cho người dân? Có bao giờ những người lãnh tụ tại Moscow hay Bắc Kinh phải lo chính phủ đóng cửa vì hết ngân sách? Một quan điểm khác, tuy thế, nhấn mạnh dân chủ lưỡng đảng có nghĩa là đảng đối lập phải kềm chế đảng cầm quyền từng bước để tránh sự lạm quyền. Như thế, đúng là hai đảng chỉ lo phá nhau và cuối cùng chỉ có người dân ngơ ngác chẳng biết đất nước đang đi về đâu.
Nói gì thì nói, người dân lại đang sống trở lại trong hồi hộp, lo âu, bởi vì người ta biết trong ngày 17-11 sắp đến chính phủ sẽ hết tiền nếu Hạ Viện không chuẩn chi ngân sách mới khi chính phủ đã đạt đến mức nợ trần (Không chỉ riêng gì nhà nước, mà con người sinh ra trên cõi đời nay luôn luôn sợ nợ trần chưa trả thì còn chưa nhắm mát xuôi tay được). Trên nguyên tắc, khi chính phủ đã chi đến mức nợ “tối đa” thì ngành lập pháp phải nhanh chóng bàn với hành pháp để chuẩn chi ngân sách mới, nâng mức nợ lên. Nhưng Hạ Viện hiện nay nằm trong tay của đảng Cộng Hòa – dù chỉ hơn 9 phiếu (221-212). Mà ai cũng biết đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện lại nằm trong tay MAGA, tức phe “cầm chuông” trong đảng tuy chỉ có tối đa 25 trong tổng số 221 dân biểu Cộng Hòa nhưng lại nắm đảng cả xác lẫn hồn. Ngay cả ông chủ tịch Hạ Viện tân cử Mike Johnson cũng được xem là một phần tử MAGA trung kiên. Và tại sao đảng Cộng Hòa như thế mà lại nín lặng, thở dái, lắc đầu trước thế lực MAGA là điều có thể ai nấy đều hiểu – chính là hình ảnh “hùng vĩ” của cựu Tổng thống MAGA sau lưng đám cuồng nô này.
Bởi thế mà nay đảng Cộng Hòa chỉ có một việc: phá bỉnh. Làm cho hành pháp phải điêu đứng vì không có tiền để điều hành bộ máy nhà nước. Và ông có thể phải nhắm mắt xuôi tay theo một số đường lối của Cộng Hòa - nhất là mùa bầu cử đã bắt đầu cho bầu cử tháng 11 sang năm. Ông Trump đã chính thức kêu gọi, giống như ra chỉ thị, “Không chuẩn chi; không nhượng bộ”. Và nay chúng ta nghe nói nhóm MAGA tại Hạ Viện đòi cắt giảm ngân sách về di dân, phúc lợi, y tế, cùng xét lại những khoản ngoại viện – Israel, Yes; Ukraine, No! Trong những ngày giữa tháng 11 này, người ta biết Johnson vì trách nhiệm chủ tịch Hạ Viện đang muốn có giải pháp thỏa hiệp, “tạm sống qua ngày” cho đến 19-1 sang năm sẽ xét tiếp. Tổng thống Biden hầu như sẽ phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Mùa Halloween đúng là một mùa ma quái của con người.
Tối 8-11 vừa qua có cuộc tranh luận thứ ba giữa các ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa trong vòng sơ bộ. Thêm một lần nữa, ông Trump không có mặt, ông nói đảng Cộng Hòa đừng mất thì giờ, nên dồn sức để vận động cho ông thắng cử sang năm để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông nói cũng phải, bởi vì trong năm ứng cử viên tham dự tranh luận trong vòng sơ bộ (Thống đốc Ron DeSantis của Florida, cựu Đai sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, cựu thống đốc Chris Christie, Thượng nghị sĩ Tim Scott, doanh nhân Vivek Ramaswamy, người được tỷ lệ cử tri Cộng Hòa ủng hộ cao nhất là Ron DeSantis cũng thua Trump xa lắc xa lơ: Trump được 49% DeSantis chỉ được 23%). Vấn đề có thể là đảng Cộng Hòa không có ai sáng giá ra tranh cử? Hay những người sáng giá đang bị quần chúng cuồng Trump đang tràn đến như sóng biển cuốn trôi tất cả. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã rút lui vì nghĩ rằng “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Một số người khuyến khích hai ông Mitt Romney (ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa năm 2012) và Pence cùng ra một liên danh đối nghich Trump. Hai ông lắc đầu: Chẳng dại!
Cho nên quần chúng chẳng mấy ai biết những ứng cử viên Cộng Hòa nay tranh luận chuyện gì, làm gì, vì họ mắc theo dõi ông Trump đang vận động tranh cử một cách cá nhân theo cách của ông: ông đã ra tòa án xử ông về tội điều hành Trump Organization theo kiểu làm ăn gian xảo, đã bị phạt 250 triệu, đồng thời không được làm ăn ở New York nữa. Thực ra, Trump còn dính đến bốn vụ án khác: (i) tổ chức gian lận bầu cử tại quận Fulton, Georgia; (ii) gây bạo loạn chính trị ngày 6-1; (iii) lạm dụng hồ sơ, văn kiện, oa trữ tại Mar-a-Lago, và (iv) làm ăn bất chính trung vụ dùng tiền vận động trám miệng gái chơi. Chưa kể vụ án với bà nhà báo Jean Carroll mà ông đã bị phạt 5 triệu.
Ông đang lúng túng trước những vụ án này. Ông không hề sợ ra tòa, vi tin ở “cái số của mình” - giống như Xuân tóc đỏ - tức những thủ đoạn bẩm sinh của mình. Người ta thực sự đang chấn động vì thái độ “thiếu văn hóa” của ông tại tỏa án, khi ông cứ nhất quyết ông chánh án Arthur Engoron chơi trò “săn bắt phù thủy” với ông. Ông càng muốn ra tòa, xem đó như những cơ hội vận động tranh cử không tốn kém - ông vốn thích được báo chí, truyền thông nhắc đến hàng ngày vì ông sợ người quên mình. Nhưng một đàng khác, ông muốn dời vài phiên tòa nghiêm trọng đến năm 2025, vào lúc ông có thể đã lại đắc cử tổng thống, cho nên việc xử án có thể vô hiệu với quyền tự đặc xá.
Điều rõ ràng nhất mà người ta có thể bận tâm là công lý nước Mỹ phải chăng không đủ nghiêm minh, hiệu quả cho nên các vụ án này cứ kéo dài như trò đùa. Hay nói xa hơn nữa hay sâu hơn nữa, dân chủ nước Mỹ chưa hẳn có hiệu quả chính trị trong việc soi đường, dẫn bước và thúc đẩy người dân có một sự lựa chọn đúng đắn. Bởi vậy mà ông Trump tuy đã hoạt động kinh doanh mấy chục năm qua, đã lao vào chính trường cũng gần một thập niên… nhưng sự khinh thường pháp luật ngày càng rõ nơi ông và các con của ông, và công lý tốn kém cho ông thì có, lên tiếng phán quyết với ông thì không. Ông đã xấp xi 80, còn sợ gì nữa!
Thực ra, ông Trump có nhiều điều hân hoan trong hai tuần đầu của tháng 11 này. Thăm dò vào đầu tháng 11 của tờ New York Times (có khuynh hướng Dân Chủ cấp tiến) đã chọn Trump so với Biden với tỷ lệ 49-45%. Tại sáu tiểu bang “chiến địa” như Georgia, Arizona, Nevada, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania - những nơi mà Biden đã thắng có tính cách quyết định trong bầu cử năm 2020 - Biden chỉ thắng được ở Wisconsin. Biden mất 4 điểm ở Pennsylvania, 5 tại Arizona, 6 tại Georgia, 5 ở Michigan và 10 ở Nevada. Lý do đơn giản: 71% nói Biden “quá già”, trong đó gồm 54% những người từng ủng hộ Biden. Trong khi đó, chỉ có 39% cho rằng Trump đã già khi họ so sánh với Biden. Một điều đáng nói là cử tri tại những nơi “chao đảo” này lại tỏ ra tin tưởng Trump hơn Biden về chính sách kinh tế cùng với đối ngoại. Điều khá rõ là người ta, cử tri da trắng chống Do Thái, không ưa ông ủng hộ Do Thái quá đáng! Một bài báo đang được nói đến nhiều là của ông David Axelrod, cố vấn trước đây của Tổng thống Obama, khuyên ông Biden nên “qui khứ lai từ” - về vườn đi. Người ta cho là ông Obama thực không muốn ông Biden ra sân chơi nữa. May thay, ngày 7-11 vừa qua, có một loạt bầu cử cho thấy lá phiếu nói đúng hơn thăm dò: ví dụ như một người Dân Chủ tái đắc cử thống đốc ở Kentucky vốn là một tiểu bang đỏ; tại Ohio lá phiếu người dân đã đưa quyền phá thai vào hiến pháp tiểu bang; và tại Virginia, người Dan Chủ đã giành được quyền kiểm soát tại hai viện…
Trong những ngày giữa tháng 11 này, có lẽ người ta chỉ biết còn một năm nữa là bầu cử, các vòng sơ bộ của cả hai đảng sẽ sớm bắt đầu, và có lẽ người ta sẽ sớm biết ai đây sẽ đại diện hai đảng. Hầu như ông Trump sẽ đại diện đảng Cộng Hòa. Joe Biden tổng thống đương nhiệm sẽ tái tranh cử. Đó là hai sự kiện hầu như đã chắc chắn, dù chẳng gây mấy phần khởi nơi con tim và khối óc người dân. Nhưng phải chăng có những chuyện bất ngờ sẽ đến trong thời đại chẳng có gì là không thể lường trước được?
Trước tình hình chính trị nhiễu nhương của nước Mỹ, hãng thông tấn BBC đã lạm bàn về “bốn sự kiện bất ngờ có thể đảo ngược kết quả bầu cử năm 2024”. Bài báo viết: “Một năm đã trôi qua, và tất cả các dấu hiệu đều cho thấy cuộc bầu cử năm 2024 sẽ được tái diễn vào năm 2020 nhưng với các vai trò bị đảo ngược - Donald Trump sẽ đảm nhận vị trí tổng thống, Joe Biden. Có một cảm giác thất vọng lan rộng khi các cử tri có cùng lựa chọn và mọi thứ dường như được sắp xếp theo một khuôn mẫu quen thuộc. Ngay cả các cuộc thăm dò dường như cũng cho thấy một cuộc đua ngang ngửa. Nhưng như bất kỳ nhà sử học nào cũng sẽ nói, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong một năm để đảo ngược cuộc đua. Năm 1979, một cuộc khủng hoảng con tin được cho là đã khiến Tổng thống Jimmy Carter phải tái đắc cử. Và vào năm 2020, một trận đại dịch đã định hình lại đất nước”.
BBC đã nêu lên bốn chuyện:
- Một ứng cử viên độc lập có thể nổi lên vì cử tri đã chán ngán với hai ông già. Trong lịch sử bầu cử tổng thống nước Mỹ, chính những úng cử viên phá đám này đã làm cho nhiều trường họp ngựa về ngược đã xảy ra.
- Nếu chẳng may, một trong hai ứng cử viên chính thức vắn số ngay trước ngày bầu cử? Chuyện gì cũng có thể xảy ra khi Biden 82, Trump 78. Đây là một tình huống cực kỳ phức tạp, tùy thuộc vào thời điểm chuyện này xảy ra khi nào.
- Nếu chiến tranh leo thang? Tổng thống Biden đang tái tranh cử trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng quốc tế - việc Nga xâm chiếm Ukraine và cuộc tấn công của Israel chống lại Hamas. Chưa kể việc Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực quân sự lên không phận Đài Loan như một bối cảnh nguy hiểm. Liệu Mỹ có bị lôi kéo tứ bề từ bên lề - nơi mà nước này hiện đang có lực lượng răn đe? Liệu sự hỗn loạn quốc tế có làm tổn hại đến triển vọng của đối thủ tiềm tàng của ông, Donald Trump? Hay liệu Trump sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cử tri đã chán ngấy tài trợ nước ngoài và - có thể - một lần nữa lại phải chiến đấu trong các cuộc chiến nước ngoài?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump chẳng may vào tù? Nếu ông vào tù trước cuộc bầu cử, ông vẫn có thể thắng được. Việc trở thành một tội phạm bị kết án không ngăn cản ông tranh cử tổng thống. Nếu ra khỏi tù nhờ đắc cử, ông có thể ân xá cho mình về bất kỳ bản án liên bang nào. Nhưng nếu bị bỏ tù trong một trong hai vụ án cấp bang, ông sẽ bó tay. Đúng là trở thành tổng thống khi còn là tù nhân là điều kỳ lạ.
Chuyện gì cũng đang ở phía trước, và nhìn lại, nhìn lui cũng chẳng giúp ích gì mấy để hiểu được chuyện đang xảy ra.
Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới Lễ Tạ Ơn đang đến gần, hàm xúc những ý nghĩa sâu xa về quyết định gây dựng một cuộc đổi đời trên Vùng đất hứa, Vùng đất của những cơ hội, Vùng đất của di dân mà ai cũng có bổn phận, trách nhiệm góp công sức vào xây dựng tinh thần hợp chủng. Và thấm thía lời khuyên nhủ của cố Tổng thống Kennedy: “Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country.”