Hoàng Ngọc Nguyên, 30-4: NẾU NHƯ…

Hoàng Ngọc Nguyên

30-4: NẾU NHƯ…


Câu chuyện ngày xưa: Giá như chúng ta đừng “di tản chiến thuật” và “Cảnh tượng hôm nay” ở Ukraine

Hàng năm, dù phải sống tha hương trên chốn “đất khách quê người”, cứ mỗi khi mùa đông đã lặng lẽ ra đi và mùa xuân ló dạng, nhiều người trong chúng ta vẫn tưởng như đang còn nghe văng vẳng và âm thầm những bài hát đầy âm hưởng tâm tình mùa xuân như  “Xuân Tha Hương”, “Hoa Xuân” hay “Anh cho Em Mùa Xuân”. Và chợt nhớ những gì mình đã mất. Chợt nhớ đến cội nguồn của mình như lý lẽ tồn tại duy nhất có ý nghĩa.

      Nhớ đến ngày xưa. Mỗi năm chúng ta còn có ngày Quốc Khánh để hiểu rằng mình còn có đất nước. Còn có ngày Quốc Hận để nhận thức rõ nguy cơ đe dọa sự tồn vong của dân tộc vẫn còn đó. Văn hóa chính trị là một phần của văn hóa trong đời sống của con người. Và nó hiện hữu rất đơn giản khi người ta có đất nước, có dân tộc, có một nền chính trị chấp nhận quyền của người dân, và có cảm nhận về sự gắn bó của “lý lịch” của mình với dân tộc, với đất nước, với xã hội chung quanh.

      Từ suy nghĩ như thế, chúng ta mới thấy hết sự thiếu sót, hay mất mát, trong cuộc sống hiện nay, nhất là nơi những thế hệ trẻ, càng ngày càng có đông đảo những người không nhớ, không biết hay không quan tâm vì tưởng rằng mình không cần. Bi kịch lớn nhất trong cuộc sống của nhiều người hiện nay chính là sự vô tâm trước sự phá sản văn hóa này.

      Trong gần cả nửa thế kỷ, tính từ ngày mất nước đến nay, chúng ta không có ngày Quốc Khánh. Chúng ta cần nhìn lại để thấy rõ hơn hiện tại và có khái niệm về tương lai. Đó là một mất mát, một thiếu vắng, rất lớn trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, cho dù chúng ta năm nào cũng nhìn thấy pháo bông bừng sáng, nở rộ trên bầu trời chào mừng Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ. Tâm tình của chúng ta trong ngày Fourth of July của Mỹ đương nhiên rất khác với ngày 26-10 hay 1-11 chẳng hạn. Ngày của người ta làm sao so bì được với ngày của mình.

Chúng ta chỉ còn ngày Quốc Hận. Hay đúng hơn là Ngày Mất Nước, Ngày Vong Quốc, mà chúng ta chẳng thể nào quên. Ngày Quốc Hận đầu tiên chính là ngày 20-7-1954, khi đất nước bị Hiệp định Geneve chia cắt ở vĩ tuyến 17 khiến cho cả triệu người từ Miền Bắc phải tìm cách di cư vào Miền Nam vì “Chúng tôi muốn sống” (tựa một cuốn phim nổi tiếng vào thời đó năm 1956 với hai tài tử chính là Lê Quỳnh và Mai Trâm) . Tuy nhiên, Ngày Vong Quốc 30-4 mới khủng khiếp hơn, vì cái ách đổ xuống người dân Miền Nam mà phần lớn không có lối thoát. “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, nhưng vì cái độc lập tự do đó, xã hội Miền Nam hoàn toàn tan rã, hàng trăm ngàn người lũ  lượt “đi “học tập cải tạo”, và không chỉ có nhũng ngưòi trong quân đội hay chính quyền Saigon mà cả nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, nhà tu; hàng trăm ngàn người cũng được nghỉ kinh doanh, thôi mua bán nhờ chinh sách cải tạo công thương nghiệp và những đợt chiến dịch đánh “tư sản mại bản”; xã hôi xáo trộn vì những “phong trào” kinh tế mới và vượt biên của hàng chục, hàng trăm ngàn người để tìm sự sống trong hiểm nguy của cái chết…

Dù sao đi nữa, cũng nhờ biến cố vong quốc này mà nổi lên những cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ở Mỹ, trong các dân số người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Việt với ước tính 2.18 triệu (2019) nay đứng hàng thứ tư, sau người Hoa (kể cả Đài Loan) với 5.4 triệu, Ấn Độ (4.6 triệu), Phi Luật Tân (4.2 triệu). Sau người Việt là người gốc Triều Tiên (2 triệu) và Nhật Bản (1.5 triệu). Nếu để ý, chúng ta thấy những người gốc Á này đều có những quan hệ lịch sử giây mơ rễ má sâu xa với Hoa Kỳ. Người Hoa đã đến Mỹ tìm đất sống từ thời nhà Thanh, nổi bật trong những phim cao bồi với vai nầu bếp hay thợ làm đường rầy xe lửa hay chủ những quán ăn. Từ “yellow peril” (cái họa da vàng) của người Mỹ cũng nhằm vào người Hoa trong một thời bài Hoa rầm rộ từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Nhờ Đệ nhị Thế chiến, Mỹ mới bỏ chính sách cấm cửa người Hoa và tiếp đón người Đài Loan…  Philippines trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1946 cũng đã là một thuộc địa của Mỹ gần 50 năm, sau khi là thuộc địa của Tây Ban Nha cũng được 300 năm. Đó là lý do người Phi có mặt ở Mỹ. Hoa Kỳ cũng là một nơi đến hấp dẫn của di dân Ấn Độ, cho dù đến năm 1924 Quốc Hội Mỹ cũng đưa ra luật cấm nhập cư đối với người Ấn trong một thời gian. Người Ấn tuy thế vẫn đến Mỹ dưới dạng quốc tịch Anh. Đặc biệt là di dân Ấn ngày nay nổi bật vừa ở trình đô giáo dục cao, vừa ở mức lợi tức trung bình đầu người lên tới mức khó tưởng $129.000. Cũng cần nói thêm cựu Thống đốc South Caroline Nikki Haley, cựu thống đốc Louisiana Bobby Jindal đều là người Mỹ gốc Ấn. Bà Haley còn có ý định ra tranh cử tổng thống năm 2024 nếu cựu Tổng thống Donald Trump cho phép! Nam Triều Tiên và Nhật Bản là những đồng minh chủ lực của Mỹ ở Thái Bình Dương trong thời chiến tranh lạnh Thế kỷ 20 cho nên cũng chẳng lạ họ đứng hàng thứ năm, thứ sáu. Nhưng theo giới quan sát, dân Nhật hay Nam Triều Tiên không quá mặn mà trong chuyện di cư sang Mỹ. Nếu không, họ đã đứng thứ nhất, thứ nhì!

Đã gần năm thập niên kể từ ngày xe tăng của CS Miền Bắc húc đổ bức tường của Dinh Độc Lập của Miền Nam vào ngày 30-4-1975. Như người ta nói: Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Dù sao thì chúng ta cũng đã may mắn thoát được đến một bến bờ tự do vẫn được xem là vùng đất hứa, vùng đất của cơ hội. Một thời gian quá dài đủ cho chúng ta mong đợi những biến chuyển lịch sử tại quê nhà, khi người dân của một nước “ra ngõ gặp anh hùng” không còn chịu được nữa một chế độ chuyên chế. Nhưng đã không có gì thay đổi. Thậm chí còn tệ hơn trên mọi mặt. Bây giờ chỉ nhìn thấy toàn “người khùng”.

Người ta từng mong đợi ở thời đổi mới kinh tế vào giữa những năm 80, khi ai cũng thấy kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa chỉ làm cho đất nước thêm kiệt quệ và con người càng trở nên hèn mọn giữa đống tiền giả nhà nước phát cho và đồng tiền thật trên thị trường “ngoài vòng kiểm soát”. Thế nhưng Đỗ Mười còn đó ở Hà Nội, và Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt trong nam thì lo tranh giành quyền lực “ai thắng ai”. Thế cho nên phán quyết lịch sử cuối cùng: đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, theo Đai hội VII của Đảng CS VN vào tháng 6 năm 1991. Người ta cũng từng mong đợi sau khi Liên Xô sụp đổ, khối CS quốc tế tan rã, thì VN cũng sẽ chọn con đường của Đông Đức, Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania… Những nước này đã tức thì bỏ CS theo dân chủ phương tây và vào khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Nhưng không, CS Hà Nội vào thời đó nói rằng những nước CS Đông Âu sụp đổ là vì đảng CS ở những nưóc này không đủ mạnh, không được người dân ủng hộ. Còn đảng CS Hà Nội là “của dân, do dân, vì dân”. Tại sao phải giải tán.  Cho đến bây giờ Hà Nội vẫn còn luận điệu: VN không cần chế độ lưỡng đảng hay đa đảng, vì một đảng đã quá tốt, quá đủ - cho dù ai cũng thấy tham nhũng và hối mại quyền thế bừng lên khắp nơi và chế độ kinh tế của Hà Nội đang đi vào con đường tư bản dung túng.

Phải nói rằng cho đến đầu năm 1989, chế độ Cộng Sản Miền Bắc vẫn còn lưỡng lự, trong miền nam nhiều người những tưởng thời cơ mới đã tới, nhưng quyết định cuối cùng của Hà Nội được “cảm hứng” từ biến cố Thiên An Môn tại Bắc Kinh vào tháng tư năm 1989, khi Đặng Tiểu Bình qua mặt cả Tổng bí thư Hồ Diệu Bang và Thủ tướng Triệu Tử Dương để quyết định cho xe tăng đàn áp những người xuống đường. Trung Quốc đã thế thì VN chỉ việc đi theo “thiên triều”. Chính Nguyên Văn Linh đã nói ngay từ thời đó, như Vladimir Putin nói trong thời nay: Gorbachev đã phạm phải lỗi lầm và tội ác phản bội nghiêm trọng. Để củng cố quyền “chuyên chính vô sản hữu sản hóa” của đảng, như chung ta đã thấy, tổng bí thư luôn luôn là người miền bắc (ĐM, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng). Người miền nam chỉ được làm thủ tướng, như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khài, Nguyễn Tấn Dũng. Dũng chỉ mới hỏi dè dặt “Tôi làm tổng bí thư được không, các đống chí”, thì chẳng những bị đá bay ngay và người miền nam còn mất luôn cả ghế thủ tướng… Kiệt còn ôm hận, không dám hỏi, Dũng là cái gì? Cho đến giờ, Nguyễn Phú Trọng đã 78 tuổi, vẫn còn cố sức làm tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, mặc dù đã mang bệnh stroke trong người, và theo điều lệ của “đảng ta” thì ông không thể làm tổng bí thư vì quá 70, và làm đến nhiệm kỳ thứ ba. Làm sao được, khi ông không có người thay thế? Cho nên ông được hưởng những “đặc miễn” và phải tiếp tục “hy sinh” mãi mãi - giống như Putin hay Tập Cận Bình hay Hun Sen của Cambodia…

Vào cuối thế kỷ trước, người ta cũng từng mong đợi ở thời thế giới toàn cầu hóa. Không còn “chiến tranh lạnh” nữa, cho nên người ta có thể tăng cường giao tiếp ở mức độ toàn cầu. Nhờ  “toàn cầu hóa” mà Trung Cộng và Việt Cộng đều hưởng lợi trong thương mãi quốc tế, với bạn hàng trung thành nhất là Hoa Kỳ. Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà nghe đảng biết ngày nào khôn… Có thể nhờ thế người ta khá hơn chăng? Bởi thế, con cháu giai cấp chuyên chính, để phòng thân cho mai sau, cũng tấp nập chen vào hàng ngũ của nhửng người từng từng bỏ chạy chế độ chuyên chính để sang Mỹ. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, người ta đem hàng đến Mỹ bán thì được, nhưng đố Mỹ đem món hàng dân chủ đến được những nưóc này. Ngưòi ta, như ông Putin ở Nga, còn cười dân chủ Mỹ là cái gì mà đem rao hàng. Trong khi chỉ có dân chủ kiểu Nga người lãnh đạo mới làm cho người dân an tâm, không thắc mắc chuyện chính trị. Và thay vì thời toàn cầu hóa đem đến sự giao tiếp văn minh/văn hóa giữa các luồng khác nhau, người ta chỉ thấy sự xung đột giữa các nền văn minh, khiến cho tác phẩm “The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order” của Giáo sư Samuel Huntington đắt như tôm tươi.

Đúng là vì toàn cầu hóa mở cửa cho nên mới có xung đột văn minh và trật tự thế giới đảo điên. Và để xây dựng lại trật tự thế giới này chắc chắn khó tránh được sự xung đột vì các thế lực man rợ đang nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng. Trong 2-3 thập niên qua, chúng ta đã thấy bạo loạn bùng phát ở nơi nơi tại Trung Đông (Afghanistan, Syria, Iraq), Bắc Phi, Trung Phi… Tuy nhiên, một trong những biểu hiện cưc đoan nhất, có tính cao điểm của thời đại “xung đột văn minh” chính là cuộc chiến xâm lăng có tính đế quốc ngang ngược (vô cớ), tàn bạo (giết người không gớm tay) và điên rồ (làm cả một nước sụp đổ thành gạch vụn) của Putin nhằm vào Ukraine. Hay không chỉ là cuộc chiến xâm lăng để tái lập đế chế Nga (Liên Xô) và thị uy với thế giới mà có thể còn là trận đấu tay đôi giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelenskyi, người mang “first name” có vẻ trùng hợp với ông ta (Volodymir và Vladimir) nhưng tên tuổi, uy tín thì vượt trội. Lịch sử như có vẻ tái diễn. Vào thế kỷ 13, rợ Mông Cổ xâm lăng và làm tan hoang Kievan Rus, chính là Ukraine ngày nay. Ngày nay, rợ Nga dưới quyền sát sinh của bạo chúa Putin cũng xâm lăng Ukraine cách đó nhưng tàn bao, phi nhân, ma quỉ hơn trong tàn sát và tàn phá.  Hình ảnh hỏa tiễn Nga bắn vào một trạm xe lửa ở Kramatorsk đang có hàng ngàn người chạy giặc đang chờ lên xe khiến ít nhất 52 người chết, 150 người bị thương vào ngày thứ sáu 8/4 đúng là sự hãi hùng của một tội ác chiến tranh.

Nhưng nhờ cuộc chiến này mới nổi bật một đất nước Ukraine anh hùng, một dân tộc Ukraine dũng cảm, quyết bảo vệ đất nước với bất cứ giá nào trước một kẻ thù truyền kiếp. Sau ba tháng tập trung quân lực ở mọi mặt trên biên giới Nga-Ukraine, Putin có vẻ yên chí sẽ thanh toán được “đất nước đồng chí, đồng bào” này trong 2-3 ngày (trận chiến chính thức bắt đầu ngày 24-2). Quân lực Nga quá mạnh, đúng là hàng đầu thế giới, có thể nuốt chửng Ukraine trong tích tắc… chưa nói đến những vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học… Nhưng tính đến ngày 10-4, cuộc chiến đã gần hết tuần thứ bảy, Nga vẫn chưa chiếm đươc lãnh thổ nào quan trọng, mà còn phải rút hoàn toàn khỏi khu vực thủ đô Kyiv và nay đang chuyển qua miền đông thăm dò chiến lược mới sau khi chịu tổn thất nặng nề (ít nhất 10.000 lính Nga đã chết). Tại sao Ukraine giữ được đất nước sau hơn 6 tuần? Bởi vì trước hết họ nhất quyết giữ nước, và đã chuẩn bị cho thách đố lịch sử này  – đơn giản là thế. Lãnh đạo (Tổng thống Zelinskyi) đã có “lời thề sông Hóa” - nhất quyết không nhường một tấc đất. Các tướng lãnh và quân Ukraine quyết không bỏ thành trì. Người dân còn lại cũng ở tuyến đầu thay vì đi tìm “hậu phương” an toàn…,. Họ đã cùng chịu đói, chịu rét, chịu bom đạn hiểm nghèo… để ngăn cản quân thù chiếm đóng. Chính sự dũng cảm này đã làm cho cả thế giới bàng hoàng, khâm phục, mở cửa cho hàng triệu người dân Ukraine tỵ nạn, và tăng cường tiếp viện tức thì vũ khí hiện đại cho Ukraine, cũng là điều duy nhất Ukraine yêu cầu.

Trong những ngày chúng ta đang hồi tưởng biến cố mất nước 30-4 47 năm trước, câu chuyện người dân Ukraine giữ nước hẳn phải khiến cho chúng ta chạnh lòng. Chúng ta sai lầm, thiếu sót ở chỗ nào. Địch quân không hẳn quá mạnh như quân Nga vào Ukraine (không có không quân và hải quân). Chúng ta không hẳn quá yếu - lẽ ra có bao nhiêu thời giờ chuẩn bị và còn có thể huy động hàng triệu người dân nếu biết cách triêu tập “Hội nghị Diên Hồng”. Chúng ta cũng có không biết bao kinh nghiệm với một kẻ thù như Việt Cộng. Ít nhất từ khi Nixon tuy đã oanh tạc Miền Bắc vào mùa Giáng Sinh năm 1972 đến tơi tả nhưng lại dễ tính chấp nhận một Hiệp định Paris  nhượng bao nhiêu lợi thế cho địch quân, chúng ta phải cảnh giác và nhìn rõ mặt đồng minh hơn. Rồi vào tháng tám 1974 Nixon bị truất phế, chúng ta lại cần hiểu mối đe dọa bị bỏ rơi gần kề. Vào tháng giêng năm 1975, địch đánh chiếm dễ dàng quận lỵ Phước Long. Lẽ ra chúng ta phải hiểu mình đang mấp mé trên bờ vực…

Một trong những công việc trọng yếu, có tính trọng trách, của người viết sử là nêu lên những câu hỏi “nếu như” – what if – một cách nghiêm chỉnh, cặn kẻ, để cho những người đọc sử, học sử chiêm nghiệm để tìm kiếm hay nhận ra những bài học có thể bị bỏ sót. Chúng ta không thể đơn giản nhìn lịch sử mất nước như câu chuyện bị bỏ rơi. Trong mọi trường hợp, chúng ta đều cần nhìn lại chính mình trước hết. Trong ngày 30-4 năm nay, trước phản ứng anh dũng của người dân Ukraine nhờ có sự lãnh đạo nặng tình yêu nước, có lẽ chúng ta cũng nên đặt vài câu hỏi “Nếu như”. Nếu như những người lãnh đạo cuộc chiến chống Cộng ở Miền Nam đừng có chủ trương “Tháo chay’, “di tản chiến thuật” mà đốc thúc quân dân tại từng địa phương “tử thủ” và trung ương dồn sức giải cứu thì chắc chắn không có câu chuyện một đất nước mênh mông như thế mà chỉ 7 tuần đã bị nuốt chửng! Nếu chúng ta đừng để mất Ban Mê Thuột quá dễ dàng và đừng rút ồ ạt ra khỏi chốn địa đầu này cốt làm cho Mỹ sợ mà “nghĩ lại”? Nếu chúng ta chủ trương kêu gọi sự yểm trợ của các nước đồng minh bằng chủ trương “thà chết không đầu hàng”, bảo vệ Miền Nam bằng mọi giá thay vì rút lui khiến cho ngay cả đồng minh cũng nghĩ tấn tuồng đã vãng…  nếu như Miền Nam ra lệnh tổng động viên các công dân tuổi từ 18 đến 60 , bãi bỏ các trường hợp hoản dịch vì lý do học vấn , gia cảnh , hủy bỏ trường hợp biệt phái … như vậy chúng ta sẽ có thêm lính , quân số gia tăng nhiều hơn .

Và nếu như chúng ta bán vàng để mua thêm vũ khí , đạn dược thì cuộc chiến sẽ ….Nếu chúng ta có lãnh đạo mạnh thay vì những ông tướng đứng đầu cũng thay phiên lặng lẽ biến mất. 
 Và nay nhiều “danh tướng” vẫn lạm dụng lá cờ vàng khi nằm xuống!

Hoàng Ngọc Nguyên




 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top