Đào Văn Bình
Liệu Hoa Kỳ Sẽ Có Nội Chiến Thứ Hai?
Mấy lúc gần đây, các hệ thống thông tin lớn của Hoa Kỳ liên tiếp đưa ra những tin tức, bình luận không tốt cho tương lai nước Mỹ.
- Palm Beach Daily News ngày 19/12/2021 nói rằng sự chia rẽ tại Hoa Kỳ là đe dọa lớn hơn cả Nga hay Hoa Lục. Nguyên do là vì người dân chia rẽ nhau kịch liệt và thiếu niềm tin nơi chính quyền. (U.S. divisiveness a bigger threat than Russia or China …by a critical divisiveness and lack of trust in government?). Bài báo này tức cười nhưng có lý vì nội thù nguy hiểm hơn ngoại thù. Nội thù thì anh em, cha mẹ, con cái, bạn bè, đảng này đảng kia giết nhau. Còn ngoại thù thì tất cả đoàn kết để chống lại.
-Theo The Guardian, trong một cuốn sách sẽ xuất bản vào Tháng Giêng, 2022, một nhóm cố vấn cho CIA nói rằng nội chiến tại Hoa Kỳ đến gần hơn là người ta nghĩ, (The US is “closer to civil war than any of us would like to believe”, a member of a key CIA advisory panel has said.) Nguyên do chính của nguy cơ nội chiến là sự phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trên thế giới này rất nhiều quốc gia lâm vào nội chiến khi cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận hoặc một phe không chấp nhận mình hoặc đảng mình là người thua cuộc như Miến Điện, Ukraine, Ivory Coast hay Venezuela. Tại Miến Điện, ngày 31/1/2021 quân đội đã làm cuộc đảo chính, bắt giữ Bà Aung San Suu Kyi, Tổng Thống Win Myint cùng một số viên chức cao cấp của đảng cầm quyền khi giới quân phiệt nói rằng cuộc bầu cử là gian lận mà Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của Bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo. Tại Venezuela, Ô. Juan Guaido- chủ tịch quốc hội đã tuyên bố mình là người lãnh đạo Venezuela sau khi nói rằng cuộc bầu cử mà Ô. Maduro tái đắc cử là gian lận. Ô. Juan Guaido sau đó được Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu công nhận và được Ô. Trump tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc như một nhà lãnh đạo chính thức của Venezuela. Tình hình tại Ukraine, Ivory Coast, Miến Điện và Venezuela hiện nay nát như tương.
Cuốn sách cũng trích dẫn kết quả khảo sát của Public Religion Research Institute với câu hỏi là “Vì tình hình đi quá lạc hướng, liệu những người Hoa Kỳ thật sự yêu nước có cần tới bạo lực để cứu vãn không?” 18% đã đồng ý và con số là 30% trong cử tri Cộng Hòa. (Public Religion Research Institute asked voters if they agreed with a statement: “Because things have gotten so far off track, true American patriots may have to resort to violence in order to save our country.”The poll found that 18% of respondents agreed. Among Republicans, however, the figure was 30%.)
Rồi theo Business Insider ngày 19/12/2021, ba vị tướng hồi hưu Hoa Kỳ: Paul Eaton, Antonio Taguba và Steven Anderson cảnh báo về một cuộc nổi dậy hay nội chiến nếu kết quả bầu cử năm 2024 không được một vài giới chức quân sự chấp nhận và ứng cử viên thất cử vẫn tiếp tục lãnh đạo một chính quyền trong bóng tối. (Three retired US army generals warned of an insurrection or even civil war if the results of the 2024 presidential election were not accepted by some in the military….some service members might pledge loyalty to a "loser" who refuses to concede defeat and tries to lead a shadow government.)
Bằng cớ mà ba ông tướng hồi hưu này đưa ra là 1trong 10 người tham gia cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc Hội đều là quân nhân. Rồi thì ông Tướng Thomas Mancio- Tư Lệnh Lực Lượng Phòng Vệ Tiểu Bang Oklahoma đã không tuân lệnh của chính quyền Liên Bang trong việc chính ngừa cho quân nhân. Barbara F Walter- GS. Khoa Học Chính Trị tại University of California, San Diego nói rằng, “ Hoa Kỳ hiện đang trở thành một quốc gia nửa dân chủ, nửa độc tài. (Walter also says the US has become an “anocracy” – “somewhere between a democracy and an autocratic state.)
Rõ ràng như ban ngày, vận mệnh đất nước Hoa Kỳ đang nằm trong tay đa số người Da Trắng. Tinh thần “Sùng bái lãnh tụ” không phải chỉ có ở các nước Á-Phi và Châu Mỹ La-tinh mà có ở khắp mọi nơi. Khi lãnh tụ đáp ứng nguyện vọng của họ thì họ dám hy sinh thân mạng để bảo vệ hay làm theo lời lãnh tụ. Cuộc Nội Chiến ở Hoa Kỳ kéo dài bốn năm- từ ngày 12/4/1861 đến ngày 9/5/1865 với số thương vong khoảng 1.5 triệu là do người Da Trắng không đồng ý với nhau về chế độ nô lệ, chứ chẳng có bàn tay của ngoại bang hay sự xúi giục của người gốc Á hay Nam Mỹ.
Đối với người Việt chúng ta tới đây, sớm lắm là năm 1975. Tổ tiên chúng ta chưa có ở đây, chưa trải qua những ngày tháng gian khổ để giành từng tấc đất của người Da Đỏ, chưa đổ máu trong các cuộc Đệ I và Đệ II Thế Chiến. Chúng ta chưa trải tim óc để xây dựng đất nước này trong thời kỳ lập quốc. Ngày nay, chúng ta tuy có một số lá phiếu nhưng chưa đủ mạnh cũng như hãnh diện truyền thống dân tộc như người Da Trắng để quyết định vận mạng của đất nước này. Cho dù chúng ta có ở đây thêm ngàn năm nữa, nếu con cháu chúng ta không lấy Mỹ trắng hay Mỹ đen để mất giống thì muôn đời chúng ta vẫn là “Vietnamse American” chứ chúng ta không thể là White American được. Muôn đời chúng ta không thể là Mỹ trắng.
Còn riêng cá nhân tôi, với thân phận của một người dân Da Màu, thiểu số, mới sống ở đây 36 năm, chắc chắn không đủ tư cách để can dự vào chuyện quá ghê gớm này. Nước Mỹ thống nhất hay nước Mỹ bị chia cắt hay nước Mỹ lâm vào cuộc nội chiến ngoài tầm tay và khả năng của tôi. Tôi chỉ có cách duy nhất là “cầu nguyện”. Cầu nguyện sao cho người Da Trắng thấy rằng đất nước này còn dài, còn cả trăm ông tổng thống nữa chứ không phải chỉ có ông tổng thống ngày hôm nay. Tương lai của đất nước, của dân tộc quan trọng hơn là một ông tổng thống. Muốn hỗn loạn thì độc tài và cai trị bằng họng súng và nhà tù. Còn nếu muốn yên bình thì phải dân chủ. Dân chủ có nghĩa là lá phiếu của người dân là tối thượng. Mọi khác biệt, xung đột phải giải quyết bằng luật lệ và tòa án. Trong cuộc bầu cử, nếu các giới chức phụ trách bầu cử ở tiểu bang đã chuẩn nhận, tòa án tiểu bang cũng như liên bang đã xác nhận, tối cao pháp viện đã xác nhận và quốc hội cũng đã chuẩn nhận…thì chúng ta phải tuân thủ, dù chúng ta có thua đau đớn như thế nào đi nữa. Quyền lợi của cá nhân phải đặt dưới quyền lợi của quốc gia vì quốc gia bao gồm quyền lợi của hơn 300 triệu dân chứ không phải một cá nhân.
Thế nhưng đôi khi cầu nguyện chỉ là lối thoát của kẻ bất lực. Trong đời này, nhiều người không chịu thua và rất thích hành động (action). Tôi xác nhận tôi là kẻ bất lực nhưng tôn trọng lựa chọn của mọi người vì Đức Phật dạy rằng muôn loài chúng sinh đều bình đẳng. Khi mà hệ thống luật pháp đổ vỡ, khi thỏa hiệp bất thành thì sẽ là bạo lực. Khi đó sẽ là đốt phá, gươm đao và súng đạn, kẻ đông và mạnh sẽ thắng và có thể cả triệu người nữa sẽ chết, biết đâu trong đó có tôi.
Thật không thể tưởng tượng được khi Hoa Kỳ là kiểu mẫu dân chủ cho toàn thế giới nay phải đối đầu hoặc lo sợ vì một cuộc nội chiến có thể xảy ra. Nếu nó xảy ra thì đó là nghiệp chướng. Không một ông thánh nào có thể quản trị nổi một đất nước đầy bất ổn, chia rẽ và thù hận. Một lãnh tụ tài ba là biết “an dân” tức là làm cho đời sống của dân chúng và quốc gia yên ổn như cụ Nguyễn Trãi nói, “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Trên thế giới này không một quốc gia nào dám đụng tới sợi lông chân của Hoa Kỳ. Chỉ có người Mỹ mới có thể tự hủy diệt nước Mỹ mà thôi. Trong phần đề nghị để cứu vãn nước Mỹ đang có nguy cơ bị chia cắt (*) và nội chiến, bài xã luận của Palm Beach Daily News nói ở trên viết, “Cho đến khi nào chúng ta có thể chấp nhận và tôn trọng những ý nghĩ khác biệt về chính trị của nhau và ngưng phỉ báng nhau vì chúng ta đang có nguy cơ tự hủy diệt và sẽ đảo lộn cả thế giới. Chúng ta không cần sự giúp đỡ của Nga hay Hoa Lục.” (Until we can accept and respect our different political ideas and cease vilifying each other, we are in danger of self-destructing and thus destabilizing the world. We don't need help from Russia or China.)
Đào Văn Bình
(Calfornia ngày 21/12/2021)
(*) Mới đây một số giới chức dân cử Mississipi và Texas nói rằng họ sẽ tách ra thành lập quốc gia riêng với lý do “Người bảo thủ (Cộng Hòa) không thể sống chung với người cấp tiến (Dân Chủ)”